Văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng, hình như chẳng dính dáng gì đến con đường đạt đến chân lý, thành tựu trí tuệ giác ngộ, vượt thoát mọi nỗi khổ đau trong kiếp sống nhân sinh, luân hồi vô tận.
Thượng toạ TS Thích Hạnh Tuệ Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam & TS Thích nữ Thanh Quế
1. Dẫn nhập
Tính đến nay, nền văn học Phật giáo đã có bề dày lịch sử khoảng 2000 năm với nhiều thăng trầm, biến động. Ngoài những tác phẩm văn học Phật giáo dân gian, văn học Phật giáo truyền miệng, với hàng vạn tác phẩm lớn nhỏ, phân làm 12 loại thể, hàm chứa những giá trị tuệ giác, nhân văn và nghệ thuật lớn.
Có thể khẳng định, văn học Phật giáo là một nền văn học của văn học thế giới, có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hóa nhân loại.
Văn học Phật giáo Việt Nam là một bộ phận của nền văn học Phật giáo thế giới, đồng thời cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn học Việt Nam; là một trong những ngọn nguồn, mạch chính khơi nguồn cho nền văn học viết, văn học bác học Việt Nam, với cảm hứng giải thoát là cảm hứng đặc trưng.
Quan điểm này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chú khẳng định một cách dứt khoát: “Văn học Phật giáo là ngọn nguồn của văn học bác học, văn học viết Việt Nam”. (Nguyễn Công Lý - Đoàn Lê Giang chủ biên (2016), Văn học Phật giáo Việt Nam - thành tựu và định hướng nghiên cứu, NXB. KHXH, tr.27).
Ở Việt Nam ta, Phật giáo đã có mặt từ rất sớm, khoảng thế kỷ II, III TCN và đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước hơn 2.000 năm qua. Từ khi được truyền vào xứ sở ta, Phật giáo đã được bản địa hóa và liên tục bản địa hóa ở Việt Nam, trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Việt. Văn hóa Phật giáo là một bộ phận không thể chia cắt của văn hóa Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam không chỉ mang trong mình những tinh hoa mang tính phổ quát của Phật giáo thế giới mà còn mang tính dân tộc của người Việt Nam. Thực tế lịch sử đã chứng minh một cách sinh động Phật giáo đã dung hòa, nâng đỡ, góp phần xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam có tầm vóc với những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ nghi, lễ hội cho đến kiến trúc, điêu khắc; từ lịch sử, tôn giáo, văn học cho đến hội họa, âm nhạc, thiền đạo… Trong đó có thể thấy được văn học Phật giáo là lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu lớn, gắn bó mật thiết và nâng đỡ đời sống tinh thần của con người Việt Nam hơn 2.000 năm qua.
Có thể nói văn học Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ thứ II, nếu tính từ tác phẩm “Lý hoặc luận” của đại sư Mâu Tử viết khoảng những năm 196-198 đầu công nguyên. Trong thế kỷ thứ III, có kinh Pháp hoa tam muội do Thiền sư Đạo Thanh dịch; Lục độ tập kinh, An ban thủ ý kinh, Lục độ yếu mục, Nê-hoàn phạm bối, Cựu tạp thí dụ kinh… do Thiền sư Tăng Hội trước tác biên dịch, biên soạn…
Như vậy, đến đầu thế kỷ XXI, văn học Phật giáo Việt Nam đã trải qua ngót 2.000 năm và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Với bề dày lịch sử như thế, từ đầu thế kỷ XX đến nay, cùng với quá trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà, văn học Phật giáo Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu văn học nói chung, văn học Phật giáo nói riêng chú ý, đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
2. Các hướng nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay
Theo các nhà nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam có uy tín hiện nay như Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Huệ Chi, Huỳnh Như Phương, Đoàn Thu Vân, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Công Lý, Nguyễn Hữu Sơn, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Phạm Hùng…, các công trình nghiên cứu từ trước đến nay thường được triển khai theo mấy hướng sau đây:
Một là hướng nghiên cứu văn học Phật giáo từ góc độ mỹ học thiền. “Dĩ thiền luận thi” đã có truyền thống lâu đời ở phương Đông, điển hình là tác phẩm Văn tâm điêu long của Thiền sư Tuệ Địa, tục danh Lưu Hiệp.
Nghiên cứu văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng từ góc độ mỹ học thiền, triết lý thiền là một hướng khả quan, nhiều triển vọng, mở ra một chân trời vô hạn cho các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhất là các nhà nghiên cứu là thiền sư, Tăng sĩ Phật giáo, trong đó có chúng tôi. Chúng tôi tạm gọi đây là hướng nghiên cứu mỹ học thiền.
Hai là hướng nghiên cứu tác phẩm văn học Phật giáo. Hướng này tập trung và tổng hợp được trí tuệ của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tuyệt tác, nhiều tác phẩm tiêu biểu văn học Phật giáo Việt Nam được nghiên cứu và giới thiệu một cách kỹ lưỡng, đạt được nhiều kết quả khả quan.
Ba là hướng nghiên cứu tác gia văn học Phật giáo. Cũng như hướng nghiên cứu tác phẩm văn học, hướng này được chú ý khá sớm. Nhiều tác gia tiêu biểu của nền văn học Phật giáo Việt Nam được nghiên cứu và giới thiệu trong bối cảnh chung với các tác gia văn học cổ - trung đại Việt Nam. Hướng nghiên cứu này cũng đã đạt được nhiều thành tựu khả quan.
Bốn là hướng nghiên cứu văn bản văn học Phật giáo. Có thể nói đây là một hướng đạt được nhiều thành tựu khả quan. Song song với việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam thời cổ-trung đại, nhất là các tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm thời Lý - Trần, các tác phẩm văn học Phật giáo được quan tâm nghiên cứu, giới thiệu một cách đặc biệt. Thành tựu nổi bật theo hướng này có thể kể đến nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát.
Năm là hướng nghiên cứu diện mạo và đặc điểm văn học Phật giáo. Hướng này được các nhà nghiên cứu triển khai từ những năm đầu của nửa sau thế kỷ XX, nhằm xác định những đặc trưng riêng của văn học Phật giáo trong một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử nhất định. Một trong những gương mặt khá tiêu biểu cho hướng này là Nguyễn Công Lý.
Sáu là hướng nghiên cứu ngôn ngữ và thể loại văn học Phật giáo. Hướng này gần đây được chú ý nhiều hơn, tập trung đi sâu vào khám phá những giá trị nghệ thuật của văn học Phật giáo Việt Nam, những đóng góp về mặt hình thức nghệ thuật của văn học Phật giáo vào sự phát triển của nghệ thuật ngôn từ cho nền văn học Việt Nam. Nguyễn Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Sơn là những nhà nghiên cứu khá ấn tượng của hướng nghiên cứu này.
Bảy là hướng nghiên cứu văn học sử Phật giáo. Đây là một trong những hướng được các nhà nghiên cứu chú ý rất sớm từ nửa đầu thế kỷ XX, lúc ấy văn học Phật giáo Việt Nam chưa được nhìn nhận như một nền văn học, một dòng văn học, một bộ phận văn học riêng biệt, nên chưa đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Cho đến nay, hướng nghiên cứu văn học sử đối với văn học Phật giáo Việt Nam chưa được đầy đủ và toàn diện, còn rất nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết, chưa chỉ ra được sự vận động, phát triển, biến đổi của bản thân nó qua lịch sử, chưa chú ý đến tính thống nhất và toàn vẹn của văn học Phật giáo Việt Nam.
Tám là hướng nghiên cứu thi pháp học. Trần Đình Sử là tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này
Từ sự khái quát về các hướng nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay như kể trên, chúng ta có thể thấy được tuy mỗi hướng đều có thế mạnh riêng, sở trường riêng và đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đều là những nghiên cứu được tiến hành trong trạng thái “tĩnh”, nghiên cứu từng phần, từng bộ phận tách rời nhau, những hiện tượng biệt lập với nhau, nhất là chưa xem văn học Phật giáo Việt Nam như là một đối tượng nghiên cứu độc lập nên sự thiếu sót và phiến diện là khó tránh khỏi.
Hiện nay, thời đại 4.0 công nghệ thông tin, công nghệ tri thức với điều kiện khá thuận lợi về nhiều mặt, chúng ta có thể nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Hiện có nhiều công trình nghiên cứu có số lượng lớn, quy mô rộng, hình thức đa dạng, phong phú. Lực lượng tri thức trong Phật giáo và ngoài Phật giáo tham gia nghiên cứu ngày càng đông đảo và chuyên nghiệp.
Văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng trở thành một đối tượng nghiên cứu độc lập của ngành nghiên cứu văn học. Phạm vi nghiên cứu ngày càng được mở rộng hơn, đa dạng hơn từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật; từ các tác gia, tác phẩm cụ thể cho đến các khuynh hướng, các giai đoạn văn học, các vấn đề lý thuyết, lý luận. Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu cấp quốc gia, các luận án, luận văn được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu văn học Phật giáo ngày càng nhiều hơn, chất lượng hơn.
3. Vấn đề khái niệm văn học Phật giáo Việt Nam
Nhiều nhà nghiên cứu, từ những góc nhìn khác nhau, đã đưa ra khái niệm về văn học Phật giáo khác nhau; và cho đến nay, chưa có một định nghĩa đầy đủ và hoàn chỉnh về văn học Phật giáo được tất cả các nhà nghiên cứu chấp nhận.
Tuệ Sỹ cho rằng: “Sơ khởi văn học Phật giáo không từ chối vai trò truyền đạo của nó. Tức là chân lý của tôn giáo này, tùy từng trường hợp được phô diễn tự do trong mọi thể tài văn học, và coi văn học chỉ như một phương tiện thứ yếu không quan trọng bằng nội dung.
Nhưng chân lý ở đây mang tính cách nội tại và cá biệt nơi mỗi người, do đó, sự phô diễn của nó cũng bắt đầu như sự bắt đầu của một tác phẩm văn học. Nghĩa là, khởi đi từ cảm hứng bộc phát trước một thế giới của kinh nghiệm tâm linh Phật giáo. Hơn nữa, trên khía cạnh tôn giáo, chân lý được chứng ngộ là phản ánh một thế giới sống động. Trên phương diện diễn đạt của văn học là cảm hứng tự phát của một tình tự cá biệt.
Do đó, lấy tính Không làm chất, lấy thế giới trùng trùng vô tận làm văn. Văn và chất phản chiếu lẫn nhau tạo thành thế giới toàn diện của văn học Phật giáo”. (Tuệ Sỹ, Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo/thuvienhoasen.org).
Theo quan niệm Nguyễn Phạm Hùng, văn học Phật giáo là:
- Một dòng văn học có đặc điểm riêng về nội dung và nghệ thuật, nhưng không khép kín tự thân trong trong đời sống Phật giáo mà có mối quan hệ mật thiết, thậm chí có khi hòa hỗn với các dòng/bộ phận văn học khác và với cuộc sống trần thế.
- Một dòng văn học không chỉ được hiểu như sự thể hiện giáo lý, phát biểu cho giáo lý, hay tương ứng với giáo lý, nhận thức giáo lý, hay cuộc sống tu hành mà gắn bó máu thịt với những vấn đề của cuộc sống mang tính lịch sử cụ thể.
- Một dòng văn học thuộc cả về văn chương bình dân lẫn văn chương bác học, cung đình, phản ánh đời sống tâm hồn, đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp xã hội trong những hoàn cảnh cụ thể.
- Một dòng văn học không chỉ phi ngã, mà còn hữu ngã, phản ánh đời sống tâm hồn, tư tưởng tình cảm của con người với những đặc điểm riêng về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
Với cách hiểu như trên, tác giả đã đưa ra khái niệm: “Văn học Phật giáo là khái niệm chỉ toàn bộ những tác phẩm văn học viết về đời sống Phật giáo, hay mang cảm hứng Phật giáo khi phản ánh cuộc sống hiện thực. Những đặc điểm Phật giáo là yếu tố chi phối quan trọng nhất đối với toàn bộ quá trình sáng tạo văn học, từ lực lượng sáng tác (Thiền sư, người am hiểu yêu mến đạo Phật) đến mục đích sáng tác (ngộ đạo, thể nghiệm, truyền đạo hay bộc lộ thái độ, tâm trạng, tình cảm, Phật giáo đối với cuộc đời);
Từ nội dung tư tưởng (chủ đề, đề tài, cảm hứng sáng tác) đến các hình thức nghệ thuật (trong việc lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ Phật giáo, các thể loại và biện pháp nghệ thuật có yếu tố Phật giáo thích hợp); từ quá trình mã hóa đến quá trình giải mã nghệ thuật của văn học Phật giáo”. (Nguyễn Phạm Hùng, Văn học Phật giáo Việt Nam, NXB.ĐHQG, 2015, tr.50).
Liên quan đến vấn đề khái niệm văn học Phật giáo, Nguyễn Công Lý cho rằng: “Về nội dung những tác phẩm văn học Phật giáo phải trực tiếp hay gián tiếp thể hiện tư tưởng giáo lý nhà Phật, đề cập đến Phật hay có liên quan đến nhà chùa. Có khi những tác phẩm đó mang nội dung bài xích Phật giáo, chống lại nhà chùa nhưng vẫn được nhà chùa chấp nhận. Về hình thức tồn tại, những tác phẩm này hiện còn trên bia đá, chuông đồng, trên các bản ván, các bộ thực lục, ngữ lục, thiền phả…
Về hình thức thể loại, đây là những tác phẩm mang tính chức năng lễ nghi tôn giáo là chủ yếu và được nhà chùa sử dụng nhiều như kệ, thơ thiền, ngữ lục, tụng cổ, niệm tụng kệ, luận thuyết triết lý, bi, minh, ký, truyện. Về ngôn ngữ thể hiện, những tác phẩm trên, ít nhiều đã sử dụng các thuật ngữ, những khái niệm của nhà Phật.
Về tác giả, không chỉ riêng là sáng tác của các Thiền sư, mà còn của vua, chúa, quý tộc quan lại, nhà Nho có tu thiền, chịu ảnh hưởng đạo Phật và ít nhiều những tác phẩm đó mang cảm quan thiền học” (Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý Trần - diện mạo và đặc điểm, NXB.ĐHQG, 2003, tr.106).
Kế thừa thành tựu của những nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi cho rằng:
Văn học Phật giáo là một khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những tác phẩm văn học viết về đời sống nhân sinh mang cảm quan Phật giáo khi phản ánh hiện thực cuộc sống, nó phát khởi từ trái tim từ bi, soi sáng bằng tuệ giác, hướng đến mục đích giác ngộ cuối cùng.
Như vậy, văn học Phật giáo Việt Nam là một khái niệm chỉ toàn bộ các tác phẩm văn học Phật giáo, viết về đời sống nhân sinh, mang cảm hứng Phật giáo với đặc chất giải thoát khi phản ánh mọi mặt của cuộc sống hiện thực do người Việt Nam sáng tác trong suốt 2.000 năm qua.
4. Diễn trình hai ngàn năm văn học Phật giáo Việt Nam
Trong các bộ lịch sử văn học Việt Nam từ trước đến nay, phần văn học viết Việt Nam thường chỉ bắt đầu từ cái mốc nửa đầu thế kỷ thứ X, còn phần văn học viết Việt Nam trước thế kỷ thứ X, ít được nói đến. Phải chăng, do văn học thời kỳ này chủ yếu là của nhà chùa, tức thuộc văn học Phật giáo Việt Nam nên các nhà nghiên cứu chưa chú ý.
Một minh chứng xác thực cho vấn đề này là, trong bộ Tổng tập văn học Việt Nam gồm 42 quyển, các tác giả của bộ này đã chọn bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt làm năm 1077 làm tác phẩm đầu tiên (tr.215, NXB.KHXH, 1997). Trong khi, chỉ kể bài “Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn” của đại sư Pháp Thuận đã ra đời trước đó khá lâu.
Chúng tôi cũng thống nhất với một số nhà nghiên cứu văn học Phật giáo đi trước như Nguyễn Công Lý, Thích Phước Đạt trong cách phân kỳ văn học Phật giáo Việt Nam như sau:
4.1. Văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X
Văn học Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này thường được gọi là văn học Phật giáo Việt Nam thời Bắc thuộc. Kế thừa những thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng ta có thể thấy các tác giả và tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ này như: Thiền sư Mâu Tử có tác phẩm Lý hoặc luận; Thiền sư Tăng Hội có An ban thủ ý kinh, Lục độ yếu mục, Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, Nê hoàn phạm bối...;
Thiền sư Đạo Thanh dịch kinh Pháp hoa tam muội; Chí Hàm có tác phẩm Triệt tâm ký; Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu với cuộc tranh luận về Phật pháp qua Sáu bức thư; Đạo Cao có Tá âm, Tá âm tự, Đạo Cao pháp sư tập; Pháp Hiền có bài kệ truyền pháp; Đại Thừa Đăng có tác phẩm Thương Đạo Hy pháp sư;
Tượng đầu tinh xá, Đại tống trì do Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch; thi kệ và ngữ lục của Thiền sư Thanh Biện, Định Không, Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong, La Quý An, Thiền sư Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Huệ Sinh, Mãn Giác, Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu…
4.2. Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần
Trước đây, văn học Phật giáo Việt Nam giai đoạn này thường được gọi là văn học Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV.
Cụ thể, đây là một khái niệm dùng để chỉ một thời đại lịch sử gần năm trăm năm tính từ khi vua Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán giành lại độc lập năm 938, trải qua các triều đại: Ngô (939-965), Đinh (968-980), Tiền Lê (981-1009), Lý (1009-1225), Trần (1225-1400), Hồ (1400-1407), Hậu Trần (1407-1413), trong đó hai triều đại Lý và Trần tồn tại dài lâu, viết nên những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.
Thời này có nhiều tác gia và tác phẩm lớn, tiêu biểu như: Tác phẩm Thiền uyển tập anh (khuyết danh), Quốc tộ của Pháp Thuận, Cáo tật thị chúng của Mãn Giác, Thị tịch của Vạn Hạnh, Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu; Khóa hư lục, Khóa hư kinh, Phổ khuyến Tứ sơn, Kinh Kim Cương, Thiền Tông Chỉ Nam Ca, Lục thời sám hối khoa nghi của Trần Thái Tông; Trần triều Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Phật tâm ca của Tuệ Trung Thượng Sĩ;
Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất Mị ngữ của Trần Nhân Tông; Thị tịch, của Pháp Loa, Vịnh Vân Yên tự phú, Diên hựu tự, Vịnh vân Yên tử phú của Huyền Quang, Đề Gia Lâm tự của Trần Quang Triều (Chủ soái của Bích Động thi xã, Thánh đăng lục, Tam tổ thực lục…
Tổng cộng thời Lý Trần có 163 tác giả, trong đó đời Lý có 74 tác giả, đời trần 89 tác giả. Thời Lý: Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Định Hương, Thiền Lão, Cứu Chỉ, Huệ Sinh, Ngộ Ấn, Viên Chiếu, Mãn Giác, Chân Không, Thuần Chân, Diệu Nhân, Trí Huyền, Đạo Hạnh, Trì Bát, Giác Tính, Hải Chiếu, Không Lộ, Giác Hải, Giới Không, Viên Học, Khánh Hỷ, Viên Thông, Trường Nguyên, Tịnh Không, Bảo Giám, Bảo Giác, Đạo Huệ, Nguyện Học, Bản Tịnh, Trí Thiền, Đại Xả, Trí Bảo...
Quảng Nghiêm, Minh Trí, Nguyễn Thường, Thường Chiếu, Tịnh Giới, Y Sơn, Hiện Quang, Chu Văn Thương, Lý Thừa An, Nguyễn Công Bật, Đình Đạt. Thời Trần: Pháp Loa, Huyền Quang và nhà sư chùa Yên quốc, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Quang Triều, Đỗ Khắc Chung, Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Đán.
4.3. Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê - Nguyễn
Trước đây các nhà nghiên cứu thường gọi giai đoạn này là văn học Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Đây là một khái niệm dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử kéo dài hơn năm trăm năm, tính từ khi Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn vào năm 1416 cho đến cuối thế kỷ XIX, trải qua các triều đại: Hậu Lê sơ (1428-1527), Mạc (1527-1592 và 1592-1667 ở Cao Bằng), Lê Trung Hưng (1533-1788), Tây Sơn (1789-1802), Nguyễn (1802-1945).
Tác gia Lê Thánh Tông với Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Thánh Tông di thảo, Hồng Đức quốc âm thi tập, An bang phong thổ, Quân minh thần lương…
Tam tổ thực lục được biên soạn năm 1765 do hai Đại sư Tính Quảng và Hải Lương.
Thiền sư Minh Châu Hương Hải có Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Sự lý dung thông, Phổ khuyến tu hành, Bảng điều nhất thiên, Giải tâm kinh ngũ chỉ, Giải Pháp Hoa kinh, Giải vô lượng thọ kinh, cơ duyên vấn đáp tịnh giải…
Một số tác phẩm của Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng: Thiền tông bản hạnh, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Chân Nguyên Thiền sư toàn tập, Ngộ đạo nhân duyên…
Tác phẩm của Thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Bang giao hảo thoại (văn), Bang giao tập (văn), Kim mã hành dư (văn), Hàn các anh hoa (văn, thơ), Doãn thi văn tập (văn, thơ), Yên đài thu vịnh (thơ), Hoàng hoa đồ phả (thơ), Cúc đường bách vịnh (thơ), Hải Dương chí lược, Hy Doãn thi văn tập, Xuân Thu quản kiến, Tam thiên tự giải âm (tức Tự học toản yếu)…
Một số tác phẩm thể loại vãn của Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài: Hứa sử truyện vãn, Toàn Nhật Quang Đài toàn tập, Tam giáo nguyên lưu ký (Thích ca Phật vãn), Bát Nhã đạo quốc âm vãn, Tham thiền vãn, Thiền cơ yếu ngữ vãn, Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn, Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu tịnh độ vãn, Xuất gia vãn…
Tác phẩm của Thiền sư Thanh Đàm Minh Chính: Pháp Hoa Đề cương, Bát Nhã Trực giải, …
Tác phẩm của Thiền sư Đạo Nguyên: Phổ khuyến toạ thiền nghi, Học đạo dụng tâm tập, Điển toạ giáo huấn, Vĩnh Bình quảng lục, Chính pháp nhãn tạng tuỳ văn ký, Chính pháp nhãn tạng tam bách tắc, Chính pháp nhãn tạng…
Thiền sư Phúc Điền với tác phẩm: Đạo giáo nguyên lưu, Tam giáo thông khảo, Thiền uyển kế đăng lược lục, Tam bảo hoằng thông, Tại gia tu trì Thích giáo nguyên lưu, Phóng sinh giới sát văn, Hiệu đính Phật tổ thống kỷ, Sa di luật nghi giả âm, Tam giáo nhất nguyên giả âm, Hộ pháp luận diễn âm, Thái căn đàm diễn âm, Kinh Hoa Nghiêm, Kim Cương Di Đà kệ chú chân kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Đại phương tiện Phật giáo báo ân kinh chú nghĩa, Giải hoặc biên…
Trạng nguyên cuối cùng của lịch sử Việt Nam Trịnh Tuệ với cuốn sách: Tam giáo nhất nguyên
Các tác gia như Nguyễn Trãi với một số bài viết về Phật giáo trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập; tác gia Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Tác gia Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Du với Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài; Nguyễn Công Trứ với Vịnh Phật, Chu Mạnh Trinh với Hương sơn phong cảnh ca, Nguyễn Khuyến với Vịnh sư, Thiền dật của Lê Quý Đôn…
Thi kệ, ngữ lục của các Thiền sư Thiền Liễu Quán, Nguyên Thiều, Đạo Minh v.v…
4.4. Văn học Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại (Thế kỷ XX-XXI)
Như chúng ta đã biết cuối thế kỷ XIX, nhất là ba mươi năm đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam đang trong tiến trình hiện đại hóa văn học, từ phạm trù văn học trung đại chuyển sang phạm trù văn học hiện đại. Thời kỳ này có nhiều tác gia, nhiều tác phẩm lớn, rất cần có nhiều nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện hơn.
Các tác gia Thiền sư tiêu biểu trong giai đoạn này là Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ, Thích Minh Châu, Thích Thiện Siêu, Thiện Chiếu, Trí Hải, Bích Liên, Liên Tôn, Tố Liên, Viên Thành, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát… Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Phật giáo hiện đại là tác phẩm Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh.
Các tác gia thế tục như Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật, Lê Đình Thám, Bùi Kỷ, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Võ Đình Cường, Đoàn Trung Còn, Thiều Chửu, Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Huỳnh Như Phương…
Tác phẩm của Thiền sư Nhất Hạnh gồm: Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật Ngày nay, Đạo Phật ngày mai, Đạo Bụt trong mạch sống dân tộc, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, Đạo Phật của tuổi trẻ, Tương lai văn hóa Việt Nam, Tương lai Thiền học Việt Nam, Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực, Việt Nam Phật giáo sử luận, Đường xưa mây trắng, Nẻo về của ý, Nẻo vào thiền học, Phép lạ của sự tỉnh thức, Am mây ngủ, Thả một bè lau, Muốn an được an...
An lạc từng bước chân, Nói với tuổi hai mươi, Tuổi trẻ tình yêu lý tưởng, Giận, Tìm bình yên trong gia đình, Hạnh phúc: mộng và thực, Kim Cương: Gươm báu cắt đứt phiền não, Không diệt không sinh đừng sợ hãi, Bông hồng cài áo, Gia đình tin Phật, Hướng đi của Đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Bụt là hình hài Bụt là tâm thức, Thiết lập tịnh độ, Tay Thầy trong tay con, Gieo Trồng hạnh phúc, Con đường chuyển hóa, Đi như một dòng sông, Trái tim của Bụt, Để có một tương lai, Thiền sư Khương Tăng Hội, Kiều và văn nghệ đứt ruột...
Tiếng hát chiều thu, Ánh xuân vàng, Thơ ngụ ngôn, Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, Tiếng đập cánh loài chim lớn, Vietnam Poems, The Cry of Vietnam, De Schreeuw van Vietnam, Zen Poems, Tình người, Bưởi, Tố, Truyện tranh Coconut – Monk, Con gà đẻ trứng vàng, Đông phương luận lý học,Vấn đề nhận thức trong Duy Thức học, Những con đường đưa về núi Thứu, Làng mai nhìn về núi Thứu, Đập vỡ vỏ hồ đào, Sen búp từng cánh hé, từng bước nở hoa sen…
Tác phẩm của Hòa thượng Thanh Từ: Các bản Kinh như Bát-nhã Tâm Kinh giảng giải, Kinh Bát Đại Nhân Giác giảng giải, Kinh Bát-nhã giảng giải, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải, Kinh Kim Cang giảng giải, Kinh Lăng-già Tâm Ấn, Kinh Thập Thiện giảng giải, Kinh Viên Giác giảng giải…Các bản Luận: Bích Nham Lục, Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, Thiền Căn Bản, Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán, Tọa Thiền Tam-muội, Lục Diệu Pháp Môn, Thiền Đốn Ngộ, Thiền Tông Vĩnh Gia Tập, Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn...
Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ, Tọa Thiền Dụng Tâm Ký, Tham Thiền Yếu Chỉ, Thiền Sư Thần Hội giảng giải, Hiển Tông Ký…Ngoài ra còn có các đầu sách: Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20, Trên con đường thiền tông, Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi, Trọn một đời tôi, Khóa Hư lục giảng giải, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Thánh Đăng lục giảng giải, Thiền tông bản hạnh giảng giải, Kiến tánh thành Phật giảng giải, Hương Hải thiền sư giảng giải...
Bát Nhã trực giải, Pháp Hoa đề cương, Thiền sư Việt Nam, Tu là chuyển nghiệp, Tu dừng chuyển và sạch nghiệp, Tranh chăn trâu, Trách nhiệm của người Phật tử tại gia, Đâu là chân hạnh phúc, Đạo Phật với tuổi trẻ, Vài vấn đề Phật pháp, Bước đầu học Phật, Cành lá vô ưu, Những cảm hứng tùy cảnh, Phật giáo trong mạch sống dân tộc, Phật pháp xây dựng thế gian, Bỏ tất cả là được tất cả,…
Tác phẩm của Hòa thượng Tuệ Sỹ: Một thời truyền luật, Bát quan trai giới, Cửa Vào Tuyệt Đối, Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã, Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo, Du-già Bồ-tát giới, Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn, Duy tuệ thị nghiệp, Đạo Phật và thanh niên, Đối Biện Bồ Tát, Giấc mơ Trường Sơn (thơ), Giới thiệu Trung Luận, kệ tụng - Phạn Tạng Hán đối chiếu toàn dịch, Giá trị đối chiếu trong những tương quan văn hóa, Góc Tùng, Huyền thoại Duy-Ma-Cật, Kinh Hoa Nghiêm: Lý tưởng Bồ-tát và Phật...
Khái niệm về số trong Kinh Dịch, Lễ Tháng Bảy Cho Những Oan Hồn Phiêu Bạt, Lô Sơn Chân Diện Mục, Mười huyền môn: trật tự của thế giới trong tương quan vô tận, Nguồn gốc của một thế giới quan vô tận, Ngục trung mị ngữ, Nhân đọc Triết Học Thế Thân, Những điệp khúc cho dương cầm (thơ), Những Giá Trị Phổ Quát Của Bồ Tát Hành, Phát triển Tâm Từ, Phật Dạy Chăn Trâu, Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng, Sư Thiện Chiếu, Tánh không luận là gì?, Tinh hoa triết học Phật giáo...
Tư tưởng Phật giáo đối diện với hư vô, Từ Thiền đến Hoa Nghiêm, Thắng Man Giảng Luận, Thanh Sắc Thi Ca, Thiền và Bát-nhã, Thuyền ngược bến không, Tô Đông Pha: Những Phương Trời Viễn Mộng, Trật tự của thế giới trong tương quan vô tận, Trú xứ của Bồ-tát, Văn minh tiểu phẩm, Về những minh họa từ Thiền Uyển Tập Anh, Tổng quan về nghiệp, Một số vấn đế ngữ pháp trong các bản dịch Phạn Hán, Thời kỳ Hốt Tất Liệt và Phật giáo Trung Nguyên, Định hướng tương lai cho Tăng Ni trẻ...
Tham nhũng là một quốc nạn, Đạo Phật với thanh niên, Sự Biến Lương Sơn, Dẫn vào thế giới văn học Phật Giáo, Lược sử khắc bản Đại Tạng Kinh, Nhân đọc triết học Thế Thân, Thiền định Phật Giáo - khởi nguyên và ảnh hưởng, Triết học về tánh Không, Tổng quan về nghiệp, Thiền định Phật giáo…
Tác phẩm của Hòa thượng Thích Quảng Độ: Kinh Mục Liên sám Pháp, Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân, Thoát vòng tục lụy, Dưới mái chùa hoang, Truyện cổ Phật giáo, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận,Từ điển Phật học Hán Việt, Phật Quang Đại Từ điển, Chiến tranh và bất bạo động, Thơ trong tù 06.04.1977 – 10.12.1978, Thơ lưu đày 25.02.1982 – 22.03.1992…
Tác phẩm của Hòa thượng Thích Minh Châu: Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật, Đại Thừa và sự liên hệ với Tiểu Thừa, Sách dạy Pàli, Chữ hiếu trong Đạo Phật, Hành Thiền, Lịch sử Đức Phật Thích Ca, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Chánh Pháp và hạnh phúc, Kinh Trung Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Trường Bộ, Kinh Tiểu Bộ…
Tác phẩm của Hòa thượng Thích Thiện Siêu: Nghi thức tụng niệm, Nghi thức thọ Bồ-tát giới tại gia, Đại cương luận Câu-xá, Vô ngã là Niết-bàn, Toả ánh Từ quang, Lối vào Nhân minh học, Cương yếu Giới luật, Ngũ uẩn vô ngã, Kinh Pháp hoa giữa các Kinh điển Đại thừa, Trí đức văn lục, Kinh Thủ Lăng Nghiêm,Phát Bồ-đề tâm văn, Kinh Kiến Chánh, Kinh 42 chương, Kinh Trường A-hàm, Kinh Pháp Cú, Tân Duy thức luận, Đại cương Luận Câu Xá, Luận Thành duy thức, Luận Đại Trí độ, Trung luận,…
Tác phẩm của Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Phật Học Khái Luận, Tăng-già Thời Đức Phật, Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa, Tư Tưởng Kinh Kim Cang, Tư Tưởng Kinh Địa Tạng, Tư Tưởng Kinh Di Đà, Những Hạt Sương, Hoa Ngọc Lan, Tư Tưởng Việt Nam, Bàn về Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, The Concept of Personality Revealed Through the Panca Nikayas, Tìm hiểu Trung Bộ Kinh, Tìm Vào Thực Tại...
Giáo lý Duyên khởi, Hương Còn Mãi, Tiếng Hót Ca-lăng-tần-già, Trí Tuệ và Chân Thành, Tư Tưởng Việt Nam: Nhân Bản Thực Tại Luận, Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pàli, Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Nikayas, Satipatthana-Trọng Tâm của Thiền Phật giáo (The Heart of Buddhist Meditation), Tìm hiểu Đạo Phật (Buddhism Explained) …
Tác phẩm của Hòa thượng Thích Trí Quang: Kinh Bốn Mươi Hai Bài, Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền, Kinh Duy-ma, Kinh Báo Ân Cha Mẹ, Kinh Vu Lan Kinh Kim Cương, Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Kinh Viên Giác, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Hoa Sen Chánh Pháp, Kinh Thắng Man, Thủy Sám, Dược Sư Kinh Sám, Kinh Địa Tạng, Lương Hoàng Sám, Hai Thời Công Phu, Mười Điều Tâm Niệm, Kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền)...
Bồ-tát giới Phạn võng, Tỳ-kheo giới, Tỷ-kheo-ni giới, Thức-xoa-ma-na-ni giới, Sa-di và Sa-di-ni giới, Quy Sơn Cảnh Sách, Luận Khởi Tín, Luận Đại Trượng Phu, Dị bộ tông luân luận: lược thuật học thuyết của các bộ phái tiểu thừa, Luận Chỉ Quán, Nhiếp đại thừa luận: luận văn Tổng quát về đại thừa...
Tiểu truyện tự ghi, Vài đặc điểm của Phật Giáo, Cao Tăng Pháp Hiển, Ngọn lửa Quảng Đức, Từ Rạch Cát tới Tòa Đại Sứ, Người Xuất Gia, Vua Lương Võ Đế, Lời tụng tôn kính đức Phật đương lai, Đọc Pháp Cú Nam Tông, Người Phật tử tại gia…
Trần Quê Hương (bút danh của Hòa thượng Thích Giác Toàn) với những tập thơ thiền tiếp nối tinh thần vô úy của thiền sư Lý - Trần: Bút nở hoa thiêng (1969), Suối về Hoa Nghiêm (1974), Tặng phẩm dâng đời (1974), và các khảo luận văn học Thẩm mỹ Phật giáo thời Lý - Trần qua văn chương (2006), Những sáng tác văn học của các thiền sư Lý - Trần (2009), Tâm Hồng mười phương (2012)...
Và đặc biệt tác giả đã chuyển thơ các tác phẩm của thiền sư thời Lý - Trần sang thể thơ lục bát từ nhiều thể thơ gốc thất ngôn, ngũ ngôn, phú, tản văn... được sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm qua tác phẩm Hương Thiền Ngàn Năm (2010).
Thích Nữ Diệu Không với hồi ký Đường Thiền sen nở, Thành duy thức luận, Du già Sư địa luận, Lăng già Tâm ấn, Di lặc hạ sinh kinh, Đại trí độ luận, Trung quán luận lược giải (của Long Thụ Bồ Tát), Hiện thật luận (của Thái Hư đại sư)…
Tác phẩm của Bùi Giáng: Các tập thơ như Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Màu hoa trên ngàn, Ngàn thu rớt hột, Bài ca quần đảo, Sa mạc trường ca, Sa mạc phát tiết, Mưa nguồn hòa âm, Mùi Hương Xuân Sắc, Thơ Bùi Giáng, Rong rêu, Bèo mây bờ bến, Đêm ngắm trăng, Như sương, Mười hai con mắt, Thơ vô tận vui, Mùa màng tháng tư; các tập tạp văn như: Đi vào cõi thơ, Thi ca tư tưởng, Sa mạc phát tiết, Sương bình nguyên, Trăng châu thổ, Mùa xuân trong thi ca, Thúy Vân, Biển Đông xe cát...
Mùa thu trong thi ca, Ngày tháng ngao du, Đường đi trong rừng, Lời cố quận, Lễ hội tháng Ba, Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng; Sách dịch: Trăng Tỳ Hải, Sương Tỳ Hải, Cõi người ta, Khung cửa hẹp, Hoa ngõ hạnh, Othello, Bạo chúa Caligula, Ngộ nhận, Kim kiếm điêu linh, Con đường phản kháng, Mùa hè sa mạc, Kẻ vô luân, Nhà sư vướng luỵ, Ophélia Hamlet, Hòa âm điền dã, Hoàng Tử Bé, Mùa xuân hương sắc...
Tác phẩm của Phạm Công Thiện gồm có: Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông; Ý thức mới trong văn nghệ và triết; Trời tháng Tư; Ngày sanh của rắn, Im lặng hố thẳm; Hố thẳm của tư tưởng; Mặt trời không bao giờ có thực; Chỉ còn tiếng thơ trên mặt đất – Trở về Rainer Maria Rilke;Henry Miller;Bay đi những cơn mưa phùn;Ý thức bùng vỡ;Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất;
Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật giáo;Triết lý Việt Nam về sự vượt biên;Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc;Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, Làm thế nào để trở thành một bậc bồ tát sáng rực khắp bốn phương trời,Tinh tuý trong sáng của đạo lý Phật giáo,Trên tất cả đỉnh cao là im lặng, Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử...
Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết học là gì?; Đối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzsche; Tự do đầu tiên và cuối cùng; Về thể tính của chân lý; Triết lý là gì?; Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi!; Rèn luyện tâm thuật huyền linh …
5. Thay lời kết
Một vấn đề không thể không nhắc đến là không ít người nghĩ rằng, nền văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng, hình như chẳng dính dáng gì đến con đường đạt đến chân lý, thành tựu trí tuệ giác ngộ, vượt thoát mọi nỗi khổ đau trong kiếp sống nhân sinh, luân hồi vô tận. Đôi khi nói còn là nguyên nhân dẫn dắt con người theo tình thường mê đắm khổ đau.
Như chúng ta biết, Phật giáo Thiền tông quan niệm “Ngôn ngữ đạo đoạn”, mọi ý nghĩa của ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ nghệ thuật không vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm, đương nhiên không thể diễn tả trọn vẹn chân lý tuyệt đối được.
Đúng là ngôn ngữ và biểu tượng trong tính ước lệ của nó, mãi mãi không thể là bản thân của chân lý tuyệt đối đích thực, nhưng có thể từ ngay nơi ngôn ngữ và biểu tượng mà thể nhập chân lý, nương nơi ngôn ngữ và biểu tượng mà trực nhận ra sự thật. Đây chính là cơ sở lý thuyết của văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Thực tế đã chứng minh, những lời dạy của Đức Phật được ghi chép lại trong kho tàng văn học kinh điển Phật giáo cũng như “ngón tay chỉ trăng” chứ không phải chính bản thân mặt trăng vậy.
Gia tài văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng là vô cùng quý giá, việc nghiên cứu, sưu tập, giữ gìn và phát huy là rất cần thiết không chỉ cho Phật giáo mà còn cho dân tộc.
Các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam lưu xuất từ thể tâm vi diệu, biểu hiện thành muôn hình vạn trạng hình tượng, khơi nguồn diệu dụng của tuệ giác, hóa thân thành ngôn ngữ, hình tượng, tạo nên một thế giới văn chương muôn màu muôn vẻ, vô cùng, vô tận, vi diệu và kỳ bí đầy sức tươi mới và hấp dẫn của thế giới văn học Phật giáo. Và như thế, cánh cửa “không cửa” của thế giới văn học Phật giáo luôn chào đón tất cả mọi người bước vào khám phá thưởng thức và cảm nghiệm.
Thượng toạ TS Thích Hạnh Tuệ Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam & TS Thích nữ Thanh Quế ***Tài liệu tham khảo: - Bộ Tổng tập Văn học Việt Nam 42 quyển - Việt Nam Phật giáo sử luận - Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam - Bộ Tinh tuyển Văn học Việt Nam - Từ điển văn học ( bộ mới) Văn tâm điêu lòng ( bản hán) - Văn học Phật giáo Việt Nam - một hướng tiếp cận - Thiền học Việt Nam - Văn hoá Phật giáo Việt Nam
Bình luận (0)