Mở đề

Chúng ta biết rằng, giáo lý của đức Phật không phải là một giáo lý mà có rất nhiều giáo lý, như chúng ta thường nghe đến “tám vạn bốn ngàn pháp môn” hay là “tám vạn bốn ngàn con đường đi vào chân lý”. Suốt cuộc đời của đức Phật đã giảng giải những pháp môn và những pháp môn này có những công dụng khác nhau, phù hợp và đối trị với nhiều căn cơ riêng biệt. Cho đến ngày nay, những lời dạy của Ngài đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày và trong xã hội, bởi vì những lời dạy của Ngài không những giúp con người sống trong chính niệm tỉnh giác, hiểu nhân quả,… mà còn mang lại đời sống an lạc hạnh phúc chân chính ngay trong đời này.

Nhưng con người sinh ra trong cuộc đời này với bao hỷ nộ ái ố, mưu cầu hạnh phúc, với những nhu cầu để thỏa mãn lòng ham muốn của cá nhân mà bất chấp mọi thứ, mọi nguy hiểm và hậu quả để làm, chính vì những hành động đó đã làm cho đạo đức cá nhân dần bị suy thoái, xuống cấp trầm trọng và phải đối mặt với những tệ nạn xã hội và những cảnh bi thương xảy ra trong gia đình và xã hội như: con giết cha, vợ giết chồng, chồng giết vợ, cha mẹ sát hại con cái, anh em tàn sát lẫn nhau chỉ vì lòng tham không được thỏa mãn, tham lam, trộm cắp, dối trá, lừa gạt, rượu chè, cờ bạc, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em, tranh quyền đoạt lợi,… với những hành động trên đã đánh mất luân lý và chuẩn mực đạo đức là do con người bị dẫn dắt bởi tham ái và vô minh.

Như vậy, để đoạn tận những tham ai và vô minh, đức Phật đã tùy cơ duyên mà đưa ra những lời dạy phù hợp để cho chúng ta áp dụng thực hành, nhằm nâng cao đời sống, hướng cho chúng ta đến cuộc sống chân chính, đem lại an lạc và hạnh phúc, bởi vì những lời Phật dạy mang tính triết lý giáo dục đạo đức, thể hiện tính nhân văn và văn hóa, đề cập đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống, giúp con người chuyển hóa được thân tâm, thanh lọc các hành vi qua thân, khẩu, ý, đem lại lợi ích, an lạc cho cá nhân, cho gia đình và xã hội.

Qua đó, để xây dựng một chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội thì cần phải có những chuẩn tắc về hành vi để con người y cứ vào đó và có thể thấy rằng giáo lý Phật giáo hay những lời Phật dạy là con đường giúp con người loại trừ khổ đau, và đạt đến hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại, đời này và đời sau, đức Phật dạy: “Ta chỉ dạy khổ và con đường diệt khổ”. Qua đó chúng ta nhận thấy được tầm quan trọng của những lời Phật dạy về đạo đức trong xã hội ngày nay và tính cấp thiết từ những phương pháp tu tập của Phật đà được áp dụng trong cuộc sống hiện đại này.

Nội dung

1. Khái quát về đạo đức

1.1. Khái niệm về đạo đức

Có rất nhiều các khái niệm về đạo đức, nay người viết nêu một vài khái niệm chung, cơ bản về đạo đức như sau: Theo Phật Quang đại từ điển thì đạo đức là nguyên lý thiện ác, chính tà có liên quan đến hành vi của nhân loại. (…) Đạo đức là quy chế cá nhân tất yếu nằm trong quy tắc sinh hoạt của xã hội nhân loại[1].

Theo Bộ từ điển Bách khoa Phật giáo (Encyclopaedia of Buddhism) thì đạo đức được nêu cụ thể hơn: “Đạo đức được hiểu một cách tổng quát như là sự thẩm định giá trị về phẩm hạnh, cách cư xử, khuynh hướng, mục tiêu, ý định, lối sống con người và những tổ chức xã hội”[2] và theo góc độ triết học thì đạo đức được quan niệm như là một hình thái ý thức xã hội với nhận định: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội bao gồm: những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ của xã hội trong mối quan hệ người và người”[3].

1.2. Quan niệm đạo đức theo phương Tây

Hy Lạp là một trong những cái nôi của nền văn hóa phương Tây, nơi đây đã xuất hiện các triết gia vĩ đại nổi tiếng như Socrate, Platon, Aristote và theo các triết gia này đã có những nhận định về đạo đức như sau: Socrate (469-339 TCN) thì cho rằng: “Một nền đạo đức thực tiễn không thể căn cứ vào một giáo lý mơ hồ, ta có thể tạo dựng một nền luân lý hoàn toàn không lệ thuộc thần học, hoàn toàn thích hợp với con người có tôn giáo như không có tôn giáo thì xã hội có thể được ổn định mà không cần đến thần học”[4], còn theo ông Platon (427-347 TCN) tập thể là chuẩn mực để đo lường đạo đức và ông nhấn mạnh rằng: “Tất cả các ý niệm luân lý đều quay xung quanh sự điều hòa của tập thể. Luân lý bắt đầu với tập thể, với sự tương quan, với sự tổ chức”[5], trong khi đó Aristote (348-322 TCN) nhận định rằng: “Mục đích trực tiếp của cuộc đời không phải là cái hay cái đẹp mà chính là hạnh phúc. (…) Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người”[6]. Ngoài ra, thì còn có rất nhiều các triết gia nổi tiếng đã đưa ra những quan điểm nhận định của mình về đạo đức như Spinoza, Immanuel Kant, Herbert Spencer,… nhưng tất cả đều quy về thể hiện hành vi của con người để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, đó là văn hóa chung của xã hội.

1.3. Quan niệm đạo đức theo phương Đông

Chúng ta đã điểm qua những khái niệm cơ bản và nhận định của các Triết gia phương Tây về đạo đức, vậy theo quan niệm đạo đức của phương Đông thì thế nào. Như Ấn Độ có khái niệm đạo đức bắt nguồn từ chữ Dharma, theo nghĩa hẹp là luật tắc, là kỷ cương, là chánh hành, là đức hạnh; theo nghĩa rộng là chuẩn mực đạo đức, là bổn phận của mỗi con người trong đẳng cấp của mình và “đẳng cấp được xem là sự hình thành một bộ phận bẩm sinh của tính cách”[7].

Với hệ thống tư tưởng phong phú và đa dạng như Trung Quốc thì quan niệm đạo đức được thể hiện rõ nét ở hai trường phái là Nho và Đạo. Với quan niệm này thì Nho gia (Khổng Tử) thì đạo đức được điểm qua hai phạm trù là đạo đức cá nhân (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) và đạo đức xã hội (chính danh – nguyên lý cơ bản để thiết lập trật tự luân lý đạo đức trong xã hội). Đối với Đạo gia (Lão Tử) thì quan niệm rằng: “Đạo là vô vi mà tự nhiên, đức là hữu vi mà phản hoàn. Đạo trái nghịch với tính đời, đức thì mền dẻo không cạnh tranh”[8] hay trong Đạo đức kinh, chương 51, Lão Tử ghi: “Đạo sinh ra vạn vật, đức nuôi dưỡng vạn vật, vật chất khiến mỗi vật hình thành, hoàn cảnh hoàn thành vạn vật. Vì vậy, vạn vật đều tôn sùng đạo và quý đức. Đạo được tôn sùng và đức được quý là vì đạo và đức không chi phối vạn vật mà để vạn vật tự nhiên phát triển”[9]. Qua hai quan điểm của Nho và Đạo thì ta thấy có sự trái ngược nhau, Nho gia thì nghiêng về con người và xã hội còn Đạo giáo thì lại nghiêng về vạn vật tự nhiên. Nhưng tất cả suy cho cùng thì các nhà Triết gia, các nhà đạo đức Đông Tây đều cho rằng đạo đức là sự hiện hữu của con người, là hạnh phúc, là mục đích của mọi hành động để có một cuộc sống hạnh phúc, điều hòa giữa cá nhân với tập thể, gia đình và xã hội.

1.4. Quan niệm đạo đức theo Phật giáo

Vậy theo Phật giáo thì đạo đức được hiểu như thế nào, có giống với các quan niệm của phương Đông và Tây không thì chúng ta cùng tìm hiểu. Bằng ngôn từ thật súc tích thì Hòa thượng Minh Châu đã diễn đạt khái niệm đạo đức Phật giáo như sau: “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi loài chúng sinh, đặc biệt là loài người. (…) Và nếp sống ấy phải được đem ra hành trì, thực hiện, không phải để lễ bái cầu xin. Có thực hiện, có người hành trì mới hưởng được hạnh phúc an lạc, thiết thực hiện tại và ngay trong đời này”[10]. Để hiểu rõ hơn thì đạo đức được triển khai rộng hơn trong Bộ từ điển Bách khoa Tôn giáo (Encyclopedia of religion): Đạo đức Phật giáo là thuật ngữ thích hợp mà chúng ta có thể sử dụng ở đây để diễn tả những hệ thống đạo đức cũng như những cách lập luận đạo đức đã xuất hiện trong các truyền thống Phật giáo. (…) Trong bối cảnh (nhất định nào đó), những nhà lý luận đạo đức Phật giáo đều quan tâm đến những hành động (nghiệp) được cho là để xác định những trải nghiệm tương lai trong kiếp sống hiện tại và vị lai trong vòng sinh tử (luân hồi). Những hành động được thúc đẩy bởi những ý định sáng suốt và có đạo đức nhất định đưa tới những kết quả tốt đẹp trong cả hai đời hiện tại và vị lai[11].

2. Nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức

Trước xu thế toàn cầu hóa, với sự phát triển của của khoa học kỹ thuật hiện đại, đời sống vật chất của con người càng được nâng cao, đi cùng với nó thì nhu cầu cũng dần được thay đổi để phù hợp. Ngoài ra, nền kinh tế thị trường đang chịu tác động của quá trình toàn cầu hóa, nó đã tác động không ít nhiều đến đời sống xã hội, do sự thay đổi suy nghĩ về đồng tiền, sự thỏa mãn nhu cầu sống, tham danh lợi, lợi nhuận của cá nhân, thậm chí vì tiền bạc, quyền lợi, địa vị ,… mà giết hại lẫn nhau, làm cho lòng tin giữa người với người mất dần, làm cho nhân cách, phẩm giá xuống cấp dẫn đến các tệ nạn xã hội và dần nảy sinh ra nhiều cách sống, lối sống xa lạ, trái với văn hóa của dân tộc. Như Hồ Chí Minh có nói: “Xã hội sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng, mỗi người Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”[12], qua đó chúng ta thấy được, đạo đức có sự ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa của con người.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã giúp cho chúng ta có sự giao thoa, kết nối, tạo ra cơ hội giao tiếp, hợp tác với nhau nhưng mặt khác nếu chúng ta không biết sử dụng, làm chủ chúng thì nó đã âm thầm tạo ra những khoảng cách tiềm ẩn dần giết chết những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh rồi tạo ra những thái độ thờ ơ, dửng dưng trước những khổ đau hay hạnh phúc của người khác.

Nhưng không vì thế mà lại đổ lỗi cho sự phát triển của đất nước, khoa học kỹ thuật,… mà nguyên nhân làm cho nền đạo đức đi xuống vì tham, sân, si của tự thân mỗi người, do không làm chủ được sự ham muốn, vì lòng tham mà không từ thủ đoạn, sự phát khởi này cũng từ tâm ý tham ái của chính chúng ta mà ra. Do đó, chúng ta phải chế ngự được các tham ái và dục vọng để xây dựng một đời sống đạo đức tốt đẹp cho tự thân và xã hội, bởi vì đạo đức là sự kết nối đời sống cá nhân với gia đình và xã hội, như đức Phật đã dạy:

“Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy”[13].

3. Những lời Phật dạy về đạo đức - năm nguyên tắc đạo đức căn bản

Ngày nay đứng trước tình trạng xuống cấp của đạo đức, Phật giáo là một liều thuốc tinh thần giúp con người có được sự cân bằng tâm lý trong một xã hội đầy biến động, bởi vì đạo Phật không dừng lại ở lý thuyết mà cần phải ứng dụng và thực nghiệm tâm linh để chứng đạt chân lý, đạo đức không đơn thuần là vấn đề của nhận thức mà quan trọng hơn là sự ứng dụng vào đời sống thường nhật, như Đức Dalai Lama tuyên bố: “Nếp sống đạo đức không chỉ đòi hỏi có sự hiểu biết về một quan điểm đạo đức nào đó mà còn là một lời cam kết đối với những giá trị tinh thần trong sự phát triển và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta”[14].

Để xây dựng một nếp sống đạo đức hoàn thiện cho cá nhân hay toàn xã hội, nói cách khác là thể hiện sự tôn trọng sự sống của mọi loài, nuôi dưỡng tâm từ bi, không tạo nên oan trái, hận thù đem lại lợi ích cho mình và người, cho xã hội đó là năm nguyên tắc sống hay còn gọi là năm giới căn bản không thể thiếu trong mỗi con người mà đức Phật đã dạy: từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói dối và từ bỏ uống rượu.

3.1. Từ bỏ giết hại

Như chúng ta đã biết, cuộc sống ngày nay đã có rất nhiều những vấn nạn đã và đang diễn ra làm cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta bị xáo trộn, không những thế vì cuộc sống mưu sinh, thỏa mãn những nhu cầu cho bản thân mà chúng ta bất chấp mọi hành vi, việc làm sai trái rồi dẫn đến các tệ nạn của xã hội như đoạn mạng sống của nhau để tranh giành tài sản, trong gia đình thì tàn hại lẫn nhau như: con cái đoạn mạng sống của cha mẹ, vợ chồng đoạn mạng sống của nhau,… hay đoạn mạng sống của những người xung quanh vì những lý do rất là bình thường, nhưng vì sân hận, si mê, tham lam nên chúng ta không kiềm chế được những hành vi của mình, do đó đã vô tình đưa chúng ta vào con đường tội lỗi và phải chịu hình phạt của pháp luật, ngoài ra để lại vô vàn đau thương cho người ở lại, tổn thất về tinh thần, làm cho cuộc sống gia đình của mình và của người khác lâm vào cảnh khổ như: cha mẹ mất con cái, chồng mất vợ, vợ mất chồng,…Do đó, những lời dạy của đức Phật là tôn trọng mạng sống của nhau, mạng sống của chúng sinh, tất cả bình đẳng không khác, tôn trọng bình đẳng Phật tính và nuôi dưỡng lòng từ bi:

“Mọi người sợ hình phạt Mọi người sợ tử vong Lấy mình làm ví dụ Không giết không bảo giết. Mọi người sợ hình phạt Mọi người thương sống còn Lấy mình làm ví dụ Không giết không bảo giết”.[15]

Do đó, mình ham sống sợ chết thì người khác cũng ham sống sợ chết, mình muốn hạnh phúc thì người khác cũng muốn hạnh phúc, hãy lấy lòng mình suy lòng người, đừng vì hạnh phúc, tham dục để làm thỏa mãn bản thân mà gây đau thương cho kẻ khác. Có như vậy, chúng ta đã góp phần cho bản thân, gia đình và xã hội có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Nhờ có sự thực hành những lời dạy của đức Phật thì chúng ta không còn thù hận với nhau, tôn trọng sự công bằng, tôn trọng Phật tính bình đẳng, nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh nhân quả báo ứng, oán thù làm cho thế giới không có chiến tranh mà các nghiệp sinh tử luân hồi cũng được giải thoát. Cho nên Tổ xưa có dạy:

“Hết thảy chúng sinh không nghiệp giết Mười phương nào có nổi đao binh Môi nhà, mỗi chốn đều tu thiện Lo gì thiên hạ chẳng thái bình”[16].

Nên ngày nay, có một số người thực hành và nuôi dưỡng lòng từ bi bằng cách phóng sinh, hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc và thế giới, không những thế họ còn đi vận động, tổ chức thành lập các nhóm để thực hiện những việc hữu ích này và họ còn khuyên mọi người nên ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi với chúng sinh và bảo vệ, giữ gìn sức khỏe.

3.2. Từ bỏ lấy của không cho

Thực trạng xã hội hiện nay, vấn đề trộm cắp xảy ra rất nhiều dưới các hình thức khác nhau như dùng sức cưỡng bức, dùng quyền cao thế mạnh để ép người khác, vi tế hơn nữa là tham ô, tham nhũng được che dấu một cách cẩn thận, lấy của công làm của riêng cho mình, làm tổn hại người này để đem lợi cho người kia, trốn và ăn bớt thuế,… nhưng đâu ai biết được lưới trời lồng lộng khó thoát, một khi đã làm những việc bất chính, trái với lương tâm đạo đức của mình thì sẽ không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Bởi vì, của cải là vật sở hữu của cá nhân, đều bởi công lao, công sức, mồ hôi nước mắt mà họ làm ra mà chúng ta lại nhẫn tâm dùng mọi cách và thủ đoạn để đoạt lấy làm của riêng, nguyên do đều bắt đầu từ tâm tham lam mà ra.

Với những hành động bất chính thì không bao giờ tồn tại được lâu dù có chạy trốn hay che dấu cuối cùng cũng bị phát hiện. Nếu chúng ta không đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người được thì chúng ta đừng nên gieo thêm đau khổ, bất an cho người, đó là sự tôn trọng của mình đối với mọi người xung quanh. Hay ngày nay, tình trạng cướp giựt cũng đang diễn ra rất phổ biến, những việc này đều thực hiện từ những thanh thiếu niên không có công ăn việc làm, thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình, bị bạn bè rủ rê, không nhận thức được việc mình làm là sai trái, có những trường hợp cướp giựt rồi chạy trốn đã vô tình gây ra án mạng với những người xung quanh, gây nên mất mát và đau thương.

Như đức Phật dạy: “Người tham luyến sắc tài không chịu dời bỏ, cũng như đứa bé luyến tiếc một chút mật dính trên lưỡi dao, thè lưỡi liếm, phải bị cái họa đứt lưỡi”[17]. Nếu chúng ta thể hiện sự tôn trọng tài sản của người khác, không xâm phạm tài sản của người là chúng ta đang nuôi dưỡng đức tính không tham lam, sống biết đủ và sống một cuộc đời thanh bạch và góp phần cho xã hội được an lành và hạnh phúc. Như vua Trần Nhân Tông đã có kệ cảnh tỉnh rằng:

“Tạc bích xuyên tường ý bất hưu Thiên ban bách kế, khổ vinh cầu Kim sang cầu đắc tha nhơn vật Bất giác chung thiên thọ mã ngưu”. Dịch: Khoét vách xoi tường chí những đâu Ngàn mưu trăm kế luống tham cầu Của người dầu có đời nay được Đời khác luôn luôn kiếp ngựa trâu.[18]

Do đó, để diệt trừ tâm tham thì mọi người phải thực hành hạnh ít ham muốn, biết vừa đủ hay làm những việc bố thí, từ thiện, giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn để họ có được cuộc sống ổn định và tốt hơn.

3.3. Từ bỏ tà hạnh

Muốn thiết lập đời sống chân chính, an lạc, hạnh phúc thì mỗi chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận với nhau, luôn giành thời gian cho gia đình, vợ chồng phải chung thủy với nhau, quan tâm chia sẻ những ưu tư, phiền muộn về công việc lẫn tinh thần và vật chất, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng ngày nay, hiện tượng tà dâm, ngoại tình cũng đang xảy ra và dần phổ biến nguyên nhân cũng vì không được sự chia sẻ của vợ hay chồng, thời gian giành cho nhau không có, không có sự cảm thông hoặc không có tiếng nói chung,…gây ra chán nản, muốn tìm thú vui nơi người khác như vậy đã vô tình phá hoại gia đình mình và gia đình người khác, để lại những lời đồn ra tiếng vào, dẫn đến gia đình tan nát mỗi người một ngả.

Không gì đau khổ, đen tối hơn khi một gia đình mà người vợ hay chồng có lòng dạ riêng tư, tà vậy, dẫn đến ghen tuông, cãi vã, đánh đập có khi gây ra án mạng, khi gia đình lâm vào cảnh này thì con cái sẽ cảm thấy xấu hổ với mọi người dẫn tới bê tha, côi cút, buồn bã vì không được sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ dẫn tới xa vào các tệ nạn xã hội, hàng xóm xa lánh, công danh sự nghiệp tan tành.

Cho nên, từ bỏ tà dâm là một điều kiện cần thiết để xây dựng hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho gia đình người, như đức Phật dạy: “Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay”[19], hay : “Hãy khéo sống chánh hạnh, chớ sống theo tà hạnh, người chánh hạnh hưởng lạc, cả đời này đời sau”[20]. Do đó, nếu mỗi chúng ta vâng giữ và thực hành những lời dạy của đức Phật thì có một xã hội không tà dâm, thì gia đình được yên vui hạnh phúc, con cái ngoan hiền, xã hội sẽ cường thịnh.

3.4. Từ bỏ nói dối

Nguyên tắc đạo đức thể hiện yếu tố tôn trọng sự thật, tạo nên sự tin tưởng, tín nhiệm, hiểu biết và yêu thương nhau đó là từ bỏ nói dối. Chúng ta biết rằng ngôn ngữ, lời nói có thể đưa ta đến gần nhau, có thể gây thù kết oán với nhau, tan nhà mất nước, cũng có thể vì lời nói không chân thật mà đoạn mạng sống của nhau.

Nay vì nhu cầu của cuộc sống, chúng ta bất chấp mọi việc làm không nghĩ đến hậu quả của nó, như nịnh bợ để dung túng người trên để lấy lòng, ghen ghét đâm thọc chuyện người này người kia, dối trá trăm chiều để đem lợi cho mình, làm cho cha con bất hòa, vợ chồng nghi kỵ nhau, làm mất ơn tình nghĩa xóm làng, người như vậy thì trong tâm lúc nào cũng chứa đựng những điều bất thiện, sống trong mưu tính để mang lợi cho mình, người như vậy thật là đáng thương thay. Do đó, muốn thể hiện sự tôn trọng lẽ thật, chúng ta hãy nên nói lời chân thật, không nói lời thô lỗ, nói lời có lợi ích, không làm mất lòng ai thì đây chính là những yếu tố đạo đức mà con người trong xã hội cần phải nuôi dưỡng và đức Phật đã dạy rằng:

“Nói lên lời ôn hòa Lợi ích và chân thật Không mất lòng một ai Ta gọi Bà La Môn”.[21]

Qua đó, chúng ta biết rằng lời nói có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống, nó có thể đem lại an lạc hạnh phúc cho người và xã hội nhưng nó cũng có thể đem lại những tai họa không nhỏ.

“Dầu nói ngàn ngàn lời Nhưng không lợi ích gì Tốt hơn một câu nghĩa Nghe xong được tịnh lạc”[22].

3.5. Từ bỏ những chất gây say sưa và nghiện ngập

Với thời đại bây giờ, xu hướng chạy theo những cái mới, cảm giác lạ đã trở thành phong trào của giới trẻ như thuốc lắc, bóng cười, cần sa, thuốc phiện, ngáo đá,…đã dần xuất hiện trong xã hội. Trước đó thì có những tệ nạn như rượu chè, cờ bạc nay thì xã hội phát triển nên đã có những cái thay đổi và mới mẻ đã gây sự tò mò của giới trẻ. Những tệ nạn trên khi con người đã nghiện rồi thì khó mà bỏ được, tác hại của nó để lại cho chúng ta không nhỏ như: gây ảo giác dẫn đến tình trạng giết người, không kiểm soát được hành vi, lời nói của bản thân, tổn hại đến sức khỏe, làm cho tâm trí trở nên mê muội, không tỉnh táo. Để thỏa mãn những thú vui trên thì sinh ra trộm cắp, giết người cướp của để lấy tiền mua rồi xa vào vòng lưới pháp luật.

Cho nên đức Phật dạy tác hại của rượu và cho chúng ta thấy để chừa bỏ và tránh xa, không những về rượu mà còn các chất gây nghiện:

“Uống rượu men, rượu nấu Người sống đam mê vậy Chính ngay tại đời này Tự đào bới gốc mình”[23].

Vì vậy, chúng ta hãy nỗ lực xây dựng cho mình một nếp sống có đạo đức, có văn hóa hướng thượng, là nguồn hạnh phúc của gia đình, là nếp sống văn minh của xã hội. Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, nhận định: “Nếu chúng ta vâng theo những quy tắc đạo đức do đức Phật đề ra (5 giới), tối hậu chúng ta sẽ đạt được sự an lạc và hòa bình cho thế giới”[24]. Để ngăn chặn và bảo vệ cuộc sống cho người dân, các bậc lãnh đạo, cơ quan chức năng đã lên những kế hoạch và triển khai rà xoát những nơi thường tụ tập của giới trẻ để kiểm tra và kịp thời xử lý.

4. Vai trò và ý nghĩa lời Phật dạy về đạo đức

4.1. Vai trò

Trước tình trạng về vấn đề đạo đức ngày nay đang dần trở thành báo động ở mức nghiêm trọng, bởi vì về chính trị thì những vấn đề tham ô, tham nhũng vẫn âm thầm xảy ra, an ninh xã hội thì trộm cắp, các tệ nạn vẫn xảy ra đối với các thanh thiếu niên, về kinh tế thì việc phung phí tài sản nhà nước chiếm đoạt tài sản, lạm dung của chung làm của riêng, về văn hóa thì nạn mại dâm, cờ bạc rượu chè, văn hóa phản động vẫn âm thầm ngặm nhấm từng chút vào đời sống xã hội,… và còn rất nhiều các vấn đề bất cập vi tế ngày ngày len lỏi vào đời sống chúng ta.

Năm điều căn bản trên không có gì cao siêu huyền bí nhưng đây được xem là những bài học căn bản bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào cũng phải thực hành.

Không những thế, năm điều căn bản này cũng là phương pháp tu tập căn bản nhằm gột sạch phiền não, tham sân si, là lộ trình đưa chúng ta đến con đường thanh tịnh hóa ý tưởng, lời nói, hành động của mình, tăng tiến làm các hạnh lành, dứt trừ mọi điều xấu để đời sống ngày càng thăng tiến mong đạt được những niềm vui an lạc. Ngoài ra, đức Phật khuyên mọi người trong ba thứ nhu cầu hằng ngày là cái ăn, cái ngủ, cái mặc phải có chừng mực, không được quá sung túc, thừa thải, bởi vì con người sống biết đủ, chừng mực thì lòng tham sẽ không còn hiện hữu, những nhu cầu cho bản thân được hạn chế, như vậy sẽ góp phần cho cuộc sống hài hòa và bình dị hơn. Như đức Phật khuyên các vị đệ tử rằng: “Hãy sống trong tinh thần giới luật, lấy giới luật làm thầy, vì nó là nền tảng xây dựng một nếp sống cộng đồng hài hòa lành mạnh, có đạo đức, và nó cũng là nấc thang đầu tiên để cho người xuất gia tiến sâu vào con đường tuệ giác”[25].

4.2. Ý nghĩa

Đạo đức là tôn trọng và đề cao giá trị con người, đồng thời xác lập tính bình đẳng giữa người với người trong cuộc sống trên cơ sở tình thương, ở hiền, tránh làm điều ác. Con người không thể hạnh phúc, xã hội không thể cường thịnh, văn hóa nhân loại không thể phát triển nếu không có đạo đức, đạo đức là phẩm chất tiêu biểu cho nét đẹp của cuộc đời, Minh Giáo Tung Hòa thượng đời Tống dạy: “Tôn quý chẳng có gì tôn quý hơn đạo, tốt đẹp chẳng có gì tốt đẹp bằng đức. Người có đạo đức tuy là kẻ thất phu cũng chẳng phải là cùng. Người không có đạo đức, tuy bậc vua chúa cũng chẳng phải là thông”[26].

Sự đóng góp của người có đạo đức vào đời sống xã hội và nhân thế có thể giúp cho con người đạt đến những giá trị đích thực, tôn trọng quyền sống và bảo vệ hòa bình. Đức Dalai Lama khẳng định: “Trong thời đại toàn cầu hóa này, đã đến lúc chúng ta thừa nhận rằng, cuộc sống của chúng ta liên quan với nhau một cách sâu sắc và thừa nhận rằng hành động của chúng ta mang tính chất toàn cầu”[27].

Kết luận

Hiện nay, con người chịu nhiều áp lực về cuộc sống, gia đình và xã hội. Những bạo động xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến tư tưởng, tinh thần, cuộc sống, nhu cầu, tính mạng của con người. Bởi vì, thế giới cũng đang khao khát có một cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc, nhằm xoa dịu những nỗi đau, mất mát, là một nơi để con người có thể quay về nương tựa về mặt tinh thần thì giáo lý Phật giáo đã làm được điều này.

Ngoài việc xoa dịu nỗi đau, là nơi nương tựa tinh thần của con người thì những lời Phật dạy hướng con người đến chân thiện mĩ, hoàn thiện nhân cách đạo đức, hóa giải các căn bệnh của thời đại, xóa bỏ mọi đối đầu, xung đột và chiến tranh, đóng góp cho sự xây dựng một nếp sống đạo đức viên mãn trong xã hội hiện đại.

Đạo đức là tổng thể của những tinh hoa, củng cố và phát huy phong tục tập quán truyền thống, các giá trị di sản văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc, hướng con người đến những giá trị nhân văn. Đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội, đạo đức tôn giáo không có sự tách biệt mà luôn có sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó, đạo đức con người có sự ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, một đất nước phồn thịnh và phát triển cũng chính nhờ những người có đạo đức đóng góp và xây dựng.

Thích Nữ Huệ Đàm – Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM --------------------------------- CHÚ THÍCH [1] 慈怡, 永本(主編), 佛光大慈典, 增訂版, 卷8, 佛光出版社, 高雄市, 頁7112, 下4-9. [2] Ngộ Bổn dịch, The Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddasasana (2000), Encyclopaedia of Buddhism, vol.V, Tharanjee Prints, New Delhi, India, p.144. [3] Viện Khoa học Xã hội Nhân Văn Quân sự (2006), Chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam hiện nay, Nxb.Quân đội nhân dân, HN, tr.9. [4] Durant, Will (2014), Câu chuyện triết học, Nxb.Hồng Đức, HN, tr.35. [5] Sđd, tr.62. [6] Sđd, tr.81. [7] Zimmer, Heinrich (2006), Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, Nxb.Văn hóa thông tin, HN, tr.154. [8] Tấn Tài-Phước Đức (biên dịch) (2006), Từ điển thuật ngữ Đạo giáo, Nxb.Tôn giáo, HN, tr.82. [9] Nguyễn Hiến Lê (chú dịch) (2012), Lão Tử-Đạo đức kinh, Nxb.Tổng hợp TPHCM, tr.239. [10] Thích Minh Châu (2000), Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nxb.Tôn giáo, HN, tr.8. [11] Ngộ Bổn (2017), Đạo đức trong kinh Pháp cú, Nxb.Hồng Đức, HN, tr.31. [12] Phan Ngọc (2018), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, tr.6. [13] Thích Minh Châu dịch, kinh Pháp cú, số 183. [14] Lama, Dalai (2012), Beyond religion-Ethics for a whole world, HarperCollins Publishers India, New Delhi, p.103. [15] Thích Minh Châu dịch, kinh Pháp cú, số 129-130. [16] HT.Thích Thiện Hoa (1997), Phật học phổ thông, quyển 1, Thành hội PG TP.HCM ấn hành, tr.86-87. [17] HT.Thích Thiện Hoa (1997), Phật học phổ thông, Sđd, tr.90. [18] HT.Thích Thiện Hoa (1997), Phật học phổ thông, Sđd, tr.91. [19] HT.Thích Thiện Hoa (1997), Phật học phổ thông, Sđd, tr.93. [20] Thích Minh Châu dịch, kinh Pháp cú số 169. [21] Thích Minh Châu dịch, kinh Pháp cú số 408. [22] Sđd, số 100. [23] Sđd, số 247. [24] Dhammananda, K.Sri (1994), Phật giáo dưới mắt các nhà tri thức, tr.92. [25] Thích Hạnh Bình (2008), Y pháp bất y nhân, Nxb.Phương Đông, TP.HCM, tr.197. [26] Thích Thanh Kiểm dịch (2016), Thiền Lâm bảo huấn, Nxb.Tôn giáo, HN, tr.12. [27] Ngộ Bổn dịch, Lama, Dalai, Beyond religion – Ethics for a whole world, pp.84-85.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Viện Khoa học Xã hội Nhân Văn Quân sự (2006), Chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam hiện nay, Nxb.Quân đội nhân dân, HN. 2. Thích Minh Châu dịch (2000), Kinh Pháp cú (Dhammapada), Tôn giáo, HN. 3. The Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddasasana (2000), Encyclopaedia of Buddhism, vol.V, Tharanjee Prints, New Delhi, India, p.144. 4. 慈怡, 永本(主編), 佛光大慈典, 增訂版, 卷8, 佛光出版社, 高雄市, 頁7112, 下4-9. 5. Durant, Will (2014), Câu chuyện triết học, Nxb.Hồng Đức, HN. 6. Zimmer, Heinrich (2006), Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, Nxb.Văn hóa thông tin, HN. 7. Tấn Tài-Phước Đức (biên dịch) (2006), Từ điển thuật ngữ Đạo giáo, Nxb.Tôn giáo, HN. 8. Nguyễn Hiến Lê (chú dịch) (2012), Lão Tử-Đạo đức kinh, Nxb.Tổng hợp TP.HCM. 9. Thích Minh Châu (2000), Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nxb.Tôn giáo, HN. 10. Ngộ Bổn (2017), Đạo đức trong kinh Pháp cú, Nxb.Hồng Đức, HN. 11. Thích Thanh Kiểm dịch (2016), Thiền Lâm bảo huấn, Nxb.Tôn giáo, HN. 12. Ngộ Bổn dịch, Lama, Dalai, Beyond religion – Ethics for a whole world, pp.84-85. 13. Thích Thiện Hoa (1997), Phật học phổ thông, quyển 1, Thành hội PG TP.HCM ấn hành. 14. Dhammananda, K.Sri, Phật giáo dưới mắt các nhà tri thức, 1994. 15. Thích Hạnh Bình (2008), Y pháp bất y nhân, Nxb.Phương Đông, TP.HCM. 16. Phan Ngọc (2018), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb.Văn học, HN.