Tác giả: Thích nữ Diệu Huệ Chùa Phổ Đức, số 40 Ấp Bắc, Phường 5, Tp.Mỹ Tho, tỉnh Tiềng Giang

Suốt cả chặng đường chiều dài lịch sử, từ khi Phật giáo du nhập đến nay hơn 2000 năm, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Những năm đầu thế kỷ Tây lịch, dân tộc ta chịu sự thống trị của phong kiến phương Bắc, chính nhờ chịu ảnh hưởng triết lý nhà Phật đã giúp dân tộc ta vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trong đời sống tâm linh. Cũng thế, từ thời Đinh – Lê – Lý - Trần, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong thể kỷ XX, dân tộc ta đối diện với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật giáo tiếp tục vai trò cùng dân tộc sẵn sàng cởi áo cà sa khoác chiến bào. Hơn nữa, lúc bấy giờ thực dân Pháp chia nước ta thành ba miền Nam - Trung - Bắc để dễ bề cai trị, Phật giáo đã đứng lên kêu gọi các phong trào chấn hưng, mỗi miền đều lập Hội Phật giáo, trường Phật học, Thư viện, Ban Phật tử,... Vì dụ, như  năm 1951, các phong trào chấn hưng Phật giáo đã tiến hành thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Đặc biệt, đỉnh cao của Phật giáo trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ là sự kiện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức. Trước những bất công tôn giáo, vị Bồ tát hóa thân vào đời để gióng lên hồi chuông thức tỉnh trong pháp nạn 1963.

Giai đoạn này, chứng kiến ngôi nhà Phật giáo bị các chế độ quyền lực uy hiếp, các tăng, ni, phật tử chịu cảnh lầm than, ngài đã phát đại bi nguyện bằng cả trái tim chân thành hướng đến đạo, với mong muốn sự hy sinh của ngài làm thức tỉnh Ngô Đình Diệm, đồng thời trả lại sự công bằng, bình đẳng tôn giáo. Qua đó cho thấy dù ở giai đoạn nào của đất nước, Phật giáo cũng là một phần không thể tách rời trong vận mệnh chung của dân tộc.

Sự hy sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức là bài pháp vượt cả thời gian, không gian. Một cuộc chấn hưng Phật giáo gây tiếng vang trên trường quốc tế, trong đó có dư luận các nước Đông Nam á.

Ngoài mở đầu, kết luận, nội dung được chia thành ba chương:

Chương I. Giới thiệu đôi nét về Bồ tát Thích Quảng Đức

Chương II. Hành trình phát nguyện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Chương III. Bài học lịch sử về Bồ tát Thích Quảng Đức.

Qua bài viết này, người viết mong muốn có chút đóng góp nhỏ nhân dịp kỷ niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, đồng thời nhắc nhở bản thân sống và noi gương hạnh Bồ tát đạo của ngài.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bai Hoc Lich Su Su Kien Bo Tat Thich Quang Duc Vi Phap Thieu Than 1

CHƯƠNG I. GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC

1. Cuộc đời Bồ tát Thích Quảng Đức

Hòa thượng Thích Quảng Đức tên林文戌 (Lâm Văn Tuất), còn gọi阮文㓗 (Nguyễn Văn Khiết) sinh ngày 15 tháng 9 Mậu Tuất (29-10-1898), sinh ra trong gia đình làm nông tại làng Hội Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa[1].

Cha tên Lâm Hữu Ứng, quy y với Hòa thượng Hoằng Thâm chùa Long Sơn với pháp danh Thị Cảm, mặc dù quy y theo Phật giáo nhưng ông luôn theo tư tưởng đạo Khổng. Mẹ tên Nguyễn Thị Nương, bà sống tại Phú Yên, xuất thân từ gia đình mộ đạo Phật giáo. Khoảng giữa thế kỷ XIX, bà theo gia đình vào Khánh Hòa lập nghiệp. Khi lập gia đình, bà cũng quy y với Hòa thượng Hoằng Thâm (tức anh ruột) với pháp danh Thị Tùng.

Ngài là con út trong gia đình gồm bảy anh chị em, tuy nhiên, tất cả đều mất chỉ còn lại người anh cả và ngài. Anh cả tên Lâm Văn Quy, được cha, mẹ cho đi tu với Hòa thượng Hoằng Thâm, và có pháp danh Thị Cảnh, thọ Sa-di với pháp tự Hạnh Phước, thọ Tỳ-kheo với pháp hiệu Viên Minh.

Năm lên 7 tuổi được Hòa thượng Thích Hoằng Thâm (tức cậu ruột) thế phát, đồng thời nhận ngài làm con với tên gọi Nguyễn Văn Khiết. Ngài thọ Sa di năm 10 tuổi, thọ Tỳ kheo năm hai mươi tuổi với pháp hiệu Quảng Đức. Ngài từng đến Campuchia và Lào vài năm để học tập và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada). Với hạnh nguyện hoằng hóa độ sinh nên ngài đi từ Trung vào Nam xây dựng tạo lập tất cả 31 ngôi chùa[2].

2. Sự nghiêp Bồ tát Thích Quảng Đức

Năm 1932, Hội An nam Phật học ra đời, Đại lão Hòa thượng Hải Đức đến mời ngài làm chứng minh đạo sư cho chi hội Phật giáo Ninh Hòa. Thời gian hoằng pháp miền trung ngài đã trùng tu 14 ngôi chùa. Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam (20 năm) khai sơn trùng tu 17 ngôi chùa

Ngài từng giữ chức vụ Phó trị sự và trưởng ban nghi lễ của giáo hội Tăng già Nam Việt trong thời gian khá lâu, ngài nhận lời làm trụ trì chùa Phước Hòa (trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt, khi trụ sở này dời về chùa Xá Lợi ngài xin thôi việc.

Năm 1958-1961, Ngài về Cai Lậy và Mỹ Tho làm phật sự. Ngài làm trụ trì 2 chùa, giảng dạy Phật pháp tại chùa Phật Ân tại Mỹ Tho, tại chùa Thiên Phước ngài mở trường tư thục Vạn Đức dạy lớp 1,2,3 cho học sinh nghèo.

Giữa năm 1961 ngài trùng tu chùa Pháp Hải, trụ trì thời gian ngài giao lại cho sư huynh Viên Minh. tháng 9 năm 1961, ngài được mời về làm trụ trì chùa Long Phước ở Ninh Quang, cũng trong năm này ngài xây tịnh thất trong khuôn viên chùa để tu thiền. Giữa năm 1962 ngài trở về Gia Định nhận trụ trì chùa Quán Thế Âm ở Phú Nhuận. Cuối tháng 5 năm 1963 ngài chuẩn bị tự thiêu, để lại 5 bản di văn[3].

Tiểu kết chương 1

Cả một đời ngài đã sống với hạnh nguyện Bồ tát đạo, xuất gia từ rất sớm, lớn lên ngài làm phật sự nhiều nơi từ Trung vào Nam. Xây dựng và trùng tu tất cả 31 ngôi chùa, ngài giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chứng minh đạo sư cho Hội An Nam Phật học Huế; Phó Ban Trị sự và Trưởng Ban Nghi lễ cho giáo hội Tăng Gìa Việt Nam tại miền Nam. Cuối đời, nhận thấy tình hình đàn áp Phật giáo ngày một căng thẳng, ngài quyết định tự thiêu với mong muốn Phật giáo được bình đẳng tự do hành đạo như bao tôn giáo khác.

CHƯƠNG II. HÀNH TRÌNH PHÁT NGUYỆN TỰ THIÊU CỦA BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC

1. Nguyên nhân Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu

Ngày 21-7-1954 diễn ra hiệp định ký kết Gieneve, Việt Nam phân chia thành hai miền Nam-Bắc. Trong hai năm từ 1954-1955, quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam. Quốc trưởng Bảo Đại chỉ đạo ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng. Nhằm mong muốn đạt được mục đích, cuối năm 1954 gần 800.000 người đa phần là Công giáo di cư từ Bắc vào Nam. Bấy giờ Mỹ gửi cố vấn vào Việt Nam hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật, chính trị, quân sự. Vào tháng 10 năm 1955 cuộc trưng cầu ý dân do ông Ngô Đình Diệm tổ chức đã hạ bệ được Quốc trưởng Bảo Đại, ông chính thức lên làm tổng thống Việt Nam Cộng hòa[4].

Sau khi Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, đã áp dụng chế độ độc tài, gia đình trị và giáo trị. Ông thẳng tay đàn áp nhân dân miền Nam bằng nhiều hình thức, bên cạnh đó để thực hiện âm mưu loại bỏ Phật giáo ra khỏi tín ngưỡng truyền thống văn hóa dân tộc, chính quyền Ngô Đình Diệm nhanh chống tiến hành chính sách kỳ thị tôn giáo bằng quyền lực. Đứng trước nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và tăng, ni, phật tử, các phong trào giành lại quyền bình đẳng tôn giáo đã diễn ra vang dội năm 1963.

Năm 1963, lúc bấy giờ tại Vĩnh Hội, Sài Gòn xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng làm hàng ngàn gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trước những cảnh người dân chịu cảnh màn trời chiếu đất, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam là Thiền sư Tịnh Khiết kêu gọi phật tử trên toàn quốc tổ chức đại lễ Phật đản một cách trang nghiêm như những năm trước, bên cạnh đó, Hòa thượng còn ân cần căn dặn tổ chức như thế nào ít tốn kém nhất có thể, nên dành dụm số tiền và đóng góp để cứu trợ cho các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn vừa qua. Riêng ở Huế, lễ Phật đản cũng được tổ chức trang nghiêm bằng các phương tiện sẵn có, khắp mọi nhà nẻo đường đều được treo cờ Phật giáo. Buổi chiều ngày 7-5-1963 (nhằm ngày 14-4 Âm lịch) việc tổ chức treo cờ chuẩn bị đón Phật đản đã hoàn thành, khoảng 5 giờ chiều cùng ngày có lệnh khẩn cấp từ Sài Gòn báo ra, lệnh cho các lực lượng cảnh sát ở thành phố Huế tháo bỏ cờ Phật giáo[5].

Trước lệnh bất ngờ hạ cờ Phật giáo, khởi đầu từ Huế, các đồng bào phật tử đã vây quanh tòa Thừa Thiên Huế trong chiều hôm ấy phản đối chế độ Ngô Đình Diệm về việc cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật đản. Ngày 8-5-1963 (nhằm ngày 15-4 âm lịch) gồm hai vạn quần chúng phật tử kéo xuống đường hô vang đòi lại công bằng cho Phật giáo. Đến tối cùng ngày đoàn biểu tình tiến vào Đài phát thanh Huế, trước thực trạng đó, ông Ngô Đình Diệm huy động lực lượng xe tăng, binh lính đàn áp giải tán đám đông, kết quả thương tâm của cuộc đàn áp làm 8 Phật tử thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Ngày 10-5-1963, tăng, ni, phật tử tại chùa Từ Đàm cùng nhau quyết tâm đấu tranh đòi lại quyền bình đẳng tôn giáo. Phong trào biểu tình tại Huế đã nhanh chống lan khắp miền Nam được hưởng ứng mạnh. Tại Sài Gòn, ngày 30-5-1963, các nhà sư tập hợp rất đông ngồi trước trụ sở Quốc hội Việt Nam Cộng hòa biểu tình bằng cách tuyệt thực đòi lại công bằng cho Phật giáo, sự kiện này đã lan rộng và được sự hưởng ứng của đông đảo đồng bào cả nước cùng các học sinh sinh viên tham gia.

Qua đó, cho thấy rõ về ba chính sách bất bình đẳng tôn giáo: Thứ nhất là độc tôn Thiên Chúa giáo; thứ hai là áp dụng vào Đạo dụ số 10; thứ ba là lệnh hạ cờ Phật giáo. Chính ba điều này đã trở thành các nguyên nhân sâu xa, dẫn đến cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, châm ngòi cho sự sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm[6].

Thứ nhất: Độc tôn Thiên Chúa giáo

Phật giáo bấy giờ không được sự ủng hộ của chính quyền, ngược lại chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm luôn ưu ái đạo Thiên Chúa, những gì có lợi cho Thiên Chúa ông sẵn sàng ra tay nâng đỡ bởi Giám mục chính là Ngô Đình Nhu và cố vấn của vị Giám mục lại là vợ ông tức Trần Lệ Xuân. Thảo nào, Thượng Nghị sĩ Mỹ Mansfield từng khẳng định rằng: “Chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, Công giáo trị”[7].

Chính sự bất bình đẳng tôn giáo, Ngô Đình Diệm tổ chức lớp học Duy Linh với mục đích nói lời không thật, xuyên tạt sai sự thật về Phật giáo, hạ uy tín Phật giáo nhằm lôi kéo tín đồ theo đạo Thiên Chúa để hưởng những lợi ích cá nhân, ngược lại những ai chống trái không họp tác phải chịu những hình phạt thẳng tay. Lúc bấy giờ số tín đồ theo Thiên Chúa giáo ở miền Bắc được xem là khoảng 2/3 dân số trong khi đó, miền Nam số tín đồ Thiên Chúa lại là con số rất khiêm tốn. Do đó, Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách di dân từ Bắc vào Nam với âm mưu sâu xa mong muốn độc tôn Thiên Chúa giáo đúng như ông Trần Văn Đôn đã từng nhận định[8].

Thứ hai: Quy định trong Đạo dụ số 10.

Năm 1950, Đạo dụ số 10 được Quốc trưởng Bảo Đại ban hành, nội dung quy định về việc tổ chức tôn giáo, chỉ Thiên Chúa giáo được ngoại lệ. Nói đúng hơn, Đạo dụ này chỉ áp dụng có hiệu lực khi Quốc trưởng Bảo Đại còn đương nhiệm. Tuy nhiên, khi Ngô Đình Diệm lên thay thế lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa thì quả thật Đạo dụ này đã không còn hiệu lực để áp dụng nữa. Nhưng không, bắt đầu từ năm 1954-1963, ông Ngô Đình Diệm đã lợi dụng quyền hành và nhận thấy Đạo dụ này đem lại lợi ích cho Thiên chúa giáo và gây bất lợi đối với Phật giáo nên đã đem ra áp dụng, với mục đích không chính nghĩa, ông căn cứ theo Đạo dụ số 10 quy định mà ung dung thẳng tay đàn áp Phật giáo ra khỏi tín ngưỡng tôn giáo nhằm đưa Thiên Chúa giáo lên vị trí Quốc giáo.

Cụ thể như điều 7 trong Đạo dụ số 10 có nêu rõ “tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu có thể bị bác khước không cho phép lập hội mà không cần phải nói rõ lý do”[9]. Rõ ràng trong điều 7 này, đưa ra quy định rất mơ hồ, không có căn cứ nào cho thấy tạo điều kiện cho tôn giáo cả, mọi quyền hành đều nằm trong tay lãnh đạo chính quyền, Phật giáo luôn ở thế bị động không thể phản kháng.

Thứ 3: Cho lệnh hạ cờ Phật giáo

Trong ngày đại lễ Phật đản cả miền Nam và miền Trung treo cờ chuẩn bị đại lễ Phật đản nhằm kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca được sinh ra đời. Tuy nhiên, dựa theo Đạo dụ số 10 vào ngày 6-5-1963  ông Ngô Đình Diệm lại cho phát công điện 9195 ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo.

Đứng trước bất ngờ đó, ngày 25-5-1963, Ban Trị sự Trung Ương Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã nhanh chóng tập hợp các giáo phái tiến hành thành lập Ban liên phái gấp rút nhằm bảo vệ Phật giáo trong tình trạng nguy cấp. Ban liên phái nhanh chóng được lập ra, Thượng tọa Tâm Châu làm Chủ tịch, Hòa thượng Tịnh Khiết làm Chứng minh. Lúc bấy giờ Ban liên phái đã gửi công điện yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thu hồi công điện 9195 về việc phát lệnh cấm treo cờ Phật giáo, đồng thời phát thông điện để Phật giáo thế giới và Phật giáo Việt Nam nắm rõ tình hình làm việc của Ban liên phái.

Tuy công điện của Ủy ban liên phái đã nêu rõ nguyện vọng treo cờ Phật giáo, nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không thu hồi lệnh cấm treo cờ. Đứng trước tình hình đó, ngày 7-5-1963 dẫn đến cuộc biểu tình tại Thừa Thiên Huế. Ngày 8-5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra cuộc thảm sát tại đài phát thanh Huế hậu quả làm chết 8 Phật tử và nhiều người bị thương. Những sự kiện nêu trên đã dẫn đến cuộc tàn sát đẫm máu, khủng bố tăng, tín đồ Phật giáo, tạo ra pháp nạn Phật giáo 1963. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa[10].

2. Bồ tát Thích Quảng Đức viết đơn xin tự thiêu

Sự kiện dẫn đến pháp nạn 1963 đưa đến đỉnh điểm. Hòa thượng Tịnh Khiết đã họp cấp lãnh đạo Phật giáo tại chùa Từ Đàm, đồng thời soạn thảo bản tuyên ngôn gồm 5 điểm với yêu cầu trả lại công bằng cho Phật giáo:

1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ giáo kỳ Phật giáo.

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong đạo dụ số 10.

3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt trình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo.

4. Yêu cầu cho tăng, ni, phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải trừng trị đích đáng

Ngày 10-5-1963, bản tuyên cáo được gửi đi khắp nước, Sài Gòn cũng nhận được bản tuyên cáo trên tại chùa Ấn Quang và Xá Lợi. Đứng trước cảnh chính quyền toàn trị Ngô Đình Diệm gây nhiều bất công xã hội, tạo ra bất bình đẳng tôn giáo, tổn hại phật tử, cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong ngày đại lễ Phật đản, Bồ tát Thích Quảng Đức đã phát tâm đại bi, thiêu thân vì chính pháp vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 4 (nhuần) Mậu Ngọ (11-6-1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt[11]. Trước khi tự thiêu Bồ tát Thích Quảng Đức đã viết một bức tâm thư với tâm nguyện xin được tự thiêu bằng chữ Nôm:

“Tôi pháp danh Thích Quảng Ðức, trú trì chùa Quan Âm, Phú Nhuận, Gia Ðịnh. Nhận thấy phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là truởng tử Như lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hối hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Ðại Ðức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây: Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo. Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt. Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác. Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, đều thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xưng yến muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo”[12].

Ngày 11-6-1963, diễn ra một sự kiện rúng động lịch sử tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê văn Duyệt. Tỷ khiêu Thích Quảng Đức xá tứ phương, sau đó ngài ngồi với tư thế tọa thiền, tay bắt ấn, xoay mặt về hướng Tây. Cảnh tượng ngài ngồi khi thiêu vẫn an nhiên tĩnh tọa trong biển lửa bốc cháy dưới sự than khóc lẫn tiếng niệm Phật vang lên cả vùng trời. Hình ảnh tự thiêu của bồ tát Thích Quảng Đức đã nhanh chóng lan tỏa đến các trang bìa của các tờ báo nổi tiếng trên thế giới. Cả vùng trời Tây đều hướng về ngài với lòng cung kính, ngưỡng mộ trước hạnh nguyện Bồ tát đạo. Sự kiện tự thiêu của Ngài như tiếng chuông đánh thức hàng triệu trái tim tăng, ni, phật tử cùng đồng bào dân tộc, tiếp thêm sức mạnh chống lại chế độ Ngô Đình Diệm.

Tiểu kết chương 2

Bồ tát Thích Quảng Đức nhận thấy sự bất công tôn giáo với chính sách gia đình trị của chính quyền Ngô Đình Diệm qua ba nguyên nhân chính: Thứ nhất- độc tôn Thiên Chúa giáo; Thứ hai- áp dụng vô lý vào quy định trong Đạo dụ số 10; Thứ ba- Cho lệnh hạ cờ Phật giáo trong ngày Phật đản. Chính những nguyên nhân trên, đưa đến sự bức xúc của đồng bào Phật giáo. Cuộc biểu tình khởi đầu tại Huế, làm tám người chết và rất nhiều người bị thương đã lan rộng đến Sài Gòn miền Nam, kéo đến phong trào biểu tình tuyệt thực yêu cầu chính quyền thu hồi lệnh cấm treo cờ Phật giáo trả lại tự do cho Phật giáo.

Một trong những cuộc biểu tình, đặc biệt Bồ tát Thích Quảng Đức muốn thức tỉnh chế độ Ngô Đình Diệm và bảo vệ Phật giáo khỏi pháp nạn 1963 nên ngài đã viết đơn xin tự thiêu. Sau cuộc tự thiêu, ngài đã để lại thành quả tu hành đó là xá lợi trái tim bất diệt làm niềm tin Phật giáo càng mạnh mẽ hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm thống nhất đất nước.

CHƯƠNG III. BÀI HỌC LỊCH SỬ VỀ SỰ KIỆN BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC TỰ THIÊU

1. Tinh thần Từ-Bi-Hỷ-Xả.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang: Tứ Vô Lượng: S: Catvār apramāni, P: Catasso appmaññāyo, cũng có nghĩa Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Đẳng Tâm, Tứ Đẳng, Tứ Tâm. Đây là bốn tinh thần phải có của Phật, Bồ Tát để độ khắp vô lượng chúng sinh, làm cho chúng sinh lìa khổ được vui.[13]

Theo Theravāda: “Phạn ngữ Brahma Vihāra có nghĩa là lối sống cao thượng, trạng thái cao siêu, hoặc chỗ nương tựa của bậc Thánh nhân. Ta gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Bốn đức độ cao thượng ấy cũng được gọi là “Appamañña” (vô lượng). Gọi như vậy bởi vì Từ, Bi, Hỷ, Xả rộng lớn bao la, không bờ bến, không biên cương, không bị hạn định. Tứ Vô Lượng Tâm bao trùm tất cả chúng sinh, không trừ bỏ một sinh linh nhỏ bé nào. “Từ, Bi, Hỷ, Xả” là vô lượng, vô biên.”[14]

Tâm Từ (P. Metta, S. Maitri). Nghĩa trắng của Metta là cái gì làm cho lòng ta êm dịu. Metta là tâm trạng của người bạn tốt. Metta là lòng thành thật ước mong rằng tất cả chúng sinh đều được sống an lành hạnh phúc. Metta có khi cũng được định nghĩa là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền, thành thật muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc.

Tâm Bi (Karuna): Bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, là cái gì thoa dịu niềm khổ đau sầu não của người. Đặc tính của tâm Bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ.

Tâm Hỷ- vui (Mudita): không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải cảm tình riêng đối với người nào. Hỷ (Mudita) là tâm vui thích trước hạnh phúc của người khác, trước sự thành công của một chúng sinh. Ganh tỵ là kẻ thù trực tiếp của tâm Hỷ. Hỷ là niềm vui làm tiêu tan lòng ganh tỵ.

Tâm Xả (Upekkha), khó thực hành nhất, mà cũng cần thiết nhất trong bốn phẩm hạnh cao thượng nầy. Phạn ngữ "Upekkha" do hai căn "upa" và "ikkha" hợp thành. Upa là đúng đắn, chân chính, vô tư. Ikkha là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chính, hoặc suy luận vô tư, tức không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn. Không tham cũng không sân. Upekkha (Xả) không có nghĩa là lạnh lùng, lãnh đạm, không màng đến thế sự, cũng không phải là cảm giác vô ký, không vui thích không phiền muộn.

Qua một số nghiên cứu trên, ta thấy Bồ tát Thích Quảng Đức hội đủ những yếu tố mà vị Bồ tát vào đời độ sinh. Qủa thật, sống trong cõi dục này, mọi sự hơn thua được mất đều bị dục vọng chi phối, nếu người biết tu sẽ chế ngự được dục vọng khởi lên trong tâm thức và diệt trừ nó, ngược lại người không biết tu luôn đáp ứng và chạy theo những cái mà ta cho đó là sự vinh quang rồi vô tình khiến nó sai xử ta khi nào không hay. Mọi sự thù hận hiềm thù đưa đến sự tranh đấu rốt cuộc cũng chỉ để phục vụ cho cái dục vọng bản thân. Cho dù cuộc chiến chưa phân thắng bại nhưng người chịu đau khổ cũng chỉ là những người dân vô tội, đức Phật dạy: “Mahānāma, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lị tranh đoạt với Sát-đế-lị, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong”[15].

Bồ tát vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh đã hiện hữu cuộc đời, ngài dùng tâm Tứ vô lượng, thương cảm trước những người lầm đường lạc bước. Sự tự thiêu của ngài không phải là một cái chết vì yểm thế, sự hy sinh ấy mang tâm bi nguyện tha thiết để dân tộc Việt Nam và Phật giáo đồ xứng đáng bình đẳng như nhau. Do đó, trước khi tự thiêu ngài đã viết bức tâm thư nhắn nhủ thiết tha rằng: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thưở…”[16].

Qua những gì ngài ghi lại, mới thấy được sự trân trọng ngài dành cho dân tộc cho Phật giáo, một cái quyền mà con người xứng đáng được hưởng. Triết lý Phật giáo không bao giờ có sự phân biệt đối xử, mỗi người đều bình đẳng như nhau. Thế nên, một vị vua khi lãnh đạo  đất nước, vị ấy phải là một người có đủ tài đức, luôn xem trọng lòng dân, luôn đặt ý muốn của dân lên hàng đầu như vua Trần Thái Tông từng nói: Lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, cái tâm của người dân làm cái tâm của mình”[17]. Bởi mọi chúng sinh hiện hữu trên thế gian này đều có sự tương quan lẫn nhau, không thể tách rời mà tồn tại. Nếu ta cố tình tách rời và độc lập riêng biệt chẳng khác nào chúng ta đi ngược lại quy luật của vũ trụ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bai Hoc Lich Su Su Kien Bo Tat Thich Quang Duc Vi Phap Thieu Than 2

Tương tự, trong kinh Tiểu bộ, bài kinh số 536, giữa hai thành phố Kāpilavatthu La và Koliyā vì tranh giành con sông Rohini mà xảy ra tranh chấp, sự việc đến tai đức Phật, ngài đích thân đi đến để hòa giải. Ngài dạy họ sinh mạnh con người là quý nhất để giúp họ nhận ra cuộc tranh đấu chẳng đem lại chút gì lợi ích, do đó: “Không có giải pháp nào ngoài giải pháp đức Phật đã đề xướng - đó là thông điệp của Ngài về bất bạo và hòa bình, về tình thương và từ bi, về khoan hồng và thông cảm, về chân lý và trí tuệ, về sự tôn trọng đối với mọi sự sống, về sự dứt bỏ ích kỷ, hận thù và bạo động”[18].

Do đó, trong Phật giáo đức Phật luôn chủ trương tinh thần bất bạo động, chính sự từ ái đó làm giá trị bậc xuất gia có giá trị và cảm hóa được chúng sinh. Triết lý nhà Phật chưa bao giờ dùng sân giận đối trị với sân giận, dùng hận thù để trả thù hận thù,... Thế nên, bài học lịch sử về tinh thần Từ Bi Hỷ Xả là cả hành trình dài không chỉ con mà tất cả đàn hậu học noi gương và thực hành. Khi ai làm được với bốn tâm này quả thật đối với họ mọi bất ổn đều được giải quyết triệt để, Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng từng nhấn mạnh: “Bốn pháp vô lượng là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hoan hỷ (khoan dung) và tâm Xả, nghe có vẻ đơn giản; nhưng sự thật nếu thực hiện được tinh ba của pháp này, thì thực trạng bất an của con người và xã hội sớm được giải quyết”[19].

2. Tinh thần nhập thế

Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, mục đích Phật giáo vào đời để xoa dịu những khổ đau muộn phiền của con người, góp phần tạo nên giá trị nhân văn trong lối sống cộng đồng. Thế nên, lúc đất nước phân tranh hai miền Nam-Bắc, chiến tranh loạn lạc, bấy giờ dân tộc ta lại muốn tìm về sự bình yên để nương tựa về mặt tâm linh, Phật giáo đã đáp ứng cũng như đồng hành cùng dân tộc. Do đó, Phật giáo nhập thế đã xuất hiện từ rất sớm chứ không phải gần đây, theo Christopher S. Queen, thuật ngữ Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism) lần đầu xuất hiện trên tựa đề một cuốn sách do thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1963[20].

Bồ tát Thích Quảng Đức đã đưa triết lý đạo Phật vào lòng dân tộc qua hình ảnh ngài sống và hành đạo. Ngài hiện hữu cuộc đời vì xứ mệnh hoằng pháp lợi sinh. Vì trách nhiệm ngài đã giữ nhiều chức vụ quan trọng, vì hạnh nguyện độ sinh ngài đã xây nhiều ngôi tòng lâm, nhưng đó chỉ là phương tiện độ đời, ngài không dính mắc vào đó, không bị sợi dây danh lợi buộc ràn. Sự tu hành thiện xảo mà ngài khéo léo ứng dụng như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Có được hai tính chất khế lý và khế cơ rồi thì ngôn ngữ Phật giáo sẽ tràn đầy sinh lực, sẽ đủ hiệu lực hướng dẫn được cho con người trong công cuộc thực nghiệm chân lý và thể hiện chân lý trong cuộc sống”[21].

Đó là hình thức độ sinh, sâu sa hơn nữa, ngài dùng tâm chân thật, trái tim nhân ái đem đạo Phật hòa vào đời sống nhân gian, biến đó làm chất liệu trí tuệ, chứ không phải những triết lý cao siêu xa vời thực tế. Bởi cái “họ cần trước hết là những bài học về đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số những triết lý cao siêu... đối với cả một xã hội lầm lũi”[22].

Đặc biệt, trong pháp nạn 1963 chứng kiến cảnh tăng, ni, phật tử và quần chúng bị thương vong, tâm ngài bấy giờ như dòng thác cứ cuộn trào trước những làn sóng dữ của thời cuộc, luôn muốn chia sẻ những khó khăn, thôi thúc ngài phải đứng dậy vì chính nghĩa, làm chỗ dựa tinh thần cho dân tộc, quả thật: “Tấm thân bằng thịt bằng máu mà tôi mang đây, chỉ để làm cho thế gian được an lành và hữu phước”[23].

Một trái tim vị tha, nhân ái hướng đến sự tốt đẹp cả đạo lẫn đời. Cả một đời ngài luôn thực hành tôn chỉ độ tha, sống thật và dùng trái tim ấy đối nhân xử thế. Thật vậy, trước biển lửa thế gian đang đốt cháy thân ngài, thậm chí nhiệt độ lên đến 4000 độ, nhưng không, trái tim ấy vẫn còn vẹn nguyên trong lòng dân tộc, một minh chứng vị Bồ tát hóa duyên vào đời, hết duyên rủ bỏ nhục thân tạm bợ chỉ duy nhất trái tim vẫn hiện hữu cõi đời. Hiện nay, trái tim ngài được tôn thờ Việt Nam Quốc Tự, giữa thành phố ngàn hoa, từng biển người tấp nập ngược xuôi, trái tim ấy vẫn dõi theo từng nhịp thở Phật giáo đồ, từng lối đi của dân tộc. Qủa thật “cuộc đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam đã thừa hưởng rõ rệt những kinh nghiệm của quá trình đấu tranh và xây dựng đất nước Việt Nam của tiền nhân. Những phương tiện và hình thái tranh đấu biểu lộ được cá tính Việt Nam và mang những giác sắc mới lạ khác hẳn với cuộc tranh đấu bất bạo động do thánh Gandhi lãnh đạo”[24].

Qua cuộc tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức đã minh chứng cho chính quyền Ngô Đình Diệm nhận ra chân lý của sự thật không bao giờ đổi thay, chỉ có tinh thần khoan dung, tình thương bao la của vị Bồ tát mới làm được điều đó. Hòa thượng Trí Quảng từng nhận định: “Chỉ có tinh thần cởi mở, từ ái, khoan dung, sáng suốt theo Phật giáo mới giúp cho con người giải quyết được những vấn nạn hiện tại và thiết lập được cho cộng đồng nhân loại một tương lai hòa bình, hòa hợp, phát triển, an lạc lâu dài. Và thành quả của việc thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm sẽ tạo nên sự đoàn kết, tương trợ, cũng như mở ra một giá trị đạo đức vĩnh hằng trong cuộc sống con người, đó là tình thương yêu cho muôn loài, mọi giới cùng chung sống hạnh phúc dài lâu trong ngôi nhà chung trong lành, tươi đẹp”[25].

Tiểu kết chương 3

Sự ra đi của Bồ tát Thích Quảng Đức để lại bài học cho hậu thế noi theo. Ngài đã sống đúng tinh thần đức Phật dạy, dùng tâm từ bi cứu độ chúng sinh, dùng hạnh hỷ xả để tùy duyên hóa độ. Tinh thần tứ vô lượng tâm là điều minh chứng để ngài phát nguyện tự thiêu bảo vệ dân tộc bảo vệ Phật giáo trước pháp nạn 1963. Tinh thần nhập thế, tùy theo phương tiện ngài vào đời hóa độ chúng sinh cũng như những gì ngài thành tựu chỉ là những phương tiện thiện xảo. Khi tất cả nhân duyên đã hết ngài nhẹ nhàng buông bỏ không vướn bận.

KẾT LUẬN

Mỗi năm mùa Phật đản lại về trên toàn thế giới, nhìn lá cờ Phật giáo phấp phới tung bay trên bầu trời xanh trong, lòng bùi ngùi xúc động nhớ lại cách đây 60 năm, Bồ tát Quảng Đức đã phát tâm tự thiêu, trước cúng dường chư Phật, sau nguyện cầu cho đất nước thoát khỏi nạn binh đao, dân tộc thoát nạn khổ ách, Phật giáo thoát nạn đàn áp. Sự ra đi của ngài dóng lên tiếng chuông làm thức tỉnh những kẻ mê muội trong đêm dài ngục tối, làm tăng niềm tin phật pháp đối với đồng bào tín đồ, làm vững tâm tu hành đối với hàng ngũ xuất gia.

Sự kiện lịch sử làm chấn động núi non hồn thiêng đất Việt, để lại bài học sâu sắc đối với đàn hậu học chúng con. Với tinh thần từ bi vô ngã vị tha ngài đã tùy duyên vào đời hóa độ chúng sinh, cũng tinh thần tùy duyên ấy, ngài đã nhẹ nhàng ra đi. Nhưng sự ra đi của ngài là một tấm gương, là một trang sử luôn cháy và nồng ấm bởi trái tim ngài đã dành trọn cho non sông đất nước cho Phật giáo đồ Việt Nam. Trái tim xá lợi không dừng lại ở năm 1963, trái tim ấy tiếp tục bằng sợi dây vô hình để Phật giáo Việt Nam ngày ngày càng thay da đổi thịt, ngày càng chứng tỏ được giá trị và vị trí của mình trong lòng dân tộc. Ngày lễ Phật đản không còn là một ngày lễ gói gọn riêng trong Phật giáo, mà đã dần trở thành một ngày mà toàn thế giới hướng về.

Thiết nghĩ, một vị đã tạo tiếng vang lớn trên khắp thế giới là một niềm vinh dự cho Phật giáo đồ Việt Nam, đồng thời tạo được niềm tin vững chắc cho đệ tử Phật về thành quả tu tập của mình, đây là một thông điệp nhắn nhủ đến thế giới, đất nước và con người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng ý chí kiên cường bất khuất không đầu hàng trước số phận, sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết tín đồ đã tạo nên mạch sống kết nối đưa đến cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 lật đổ hoàn toàn chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô thống nhất đất nước.

Những gì Bồ tát Thích Quảng Đức đã đến và đi luôn tô thấm cuộc đời, và ngát hương giải thoát cho đạo. Những lời Ngài nói cách đây 60 năm nhưng vẫn vang vọng đâu đây “Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình; Làm đèn soi sáng nẻo vô minh; Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác, Tro trắng phẳng san hố bất bình…”[26] chúng con nguyện noi gương hạnh ngài, lấy đó làm kim chỉ nam trong chặng đường tu học và phụng sự đạo pháp để ngọn đèn chính pháp Thích Quảng Đức luôn luôn rực sáng mãi ngàn sau.

Tác giả: Thích nữ Diệu Huệ Chùa Phổ Đức, số 40 Ấp Bắc, Phường 5, Tp.Mỹ Tho, tỉnh Tiềng Giang ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kinh Trung Bộ (2012), Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Hn: Nxb Tôn Giáo. 2. Nārada Mahā Thera (2013), Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm. 3. Nguyễn Công Lý, Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb. Phương Đông. 4. Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb. Giáo dục. 5. Tuyển tập của 99 tác giả và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân về chế độ Ngô Đình Diệm, 1963-2013: Năm mươi năm nhìn lại, tập 3, Nxb. Thiện tri thức Publications. 6. Từ Điển Phật Học Huệ Quang (2010), Quyển 5, Thích Minh Cảnh (Chủ Biên), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm. 7. Thích Nhất Hạnh (1967), Hoa sen trong biển lửa, Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại Paris xuất bản. 8. Thích Nhất Hạnh (1969), Cuộc tranh đấu bất bạo động tại Việt Nam, tr. 33. 9. Thích Nhất Hạnh (1969), Cuộc tranh đấu bất bạo động tại Việt Nam. 10. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, Sài Gòn: Nxb Lá Bối. 11. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, Sài Gòn: Nxb Lá Bối. 12. Thích Trí Quảng (2008), Phật Giáo Nhập Thế và Phát Triển, Tập 1, Hn: Nxb Tôn Giáo. 13. Walpola Rahula (2000), Đức Phật Đã Dạy Những Gì, Thích Nữ Trí Hải (Dịch), Hòa Thượng Thích Minh Châu (Giới Thiệu), Hn, Nxb Tôn Giáo. 14. Truy cập: ngày 13 tháng 4 năm 2023, https://thuvienhoasen.org/a17499/bai-hoc-lich-su-tu-ngon-lua-quang-duc-tt-ts-thich-vien-tri .

CHÚ THÍCH [1] Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Nguyên nhân và ý nghĩa tự thiêu của bồ-tát thích Quảng Đức”, Nxb. Phương Đông, tr. 328. [2] Nguyễn Công Lý (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Tinh thần vô ngã vị tha của bồ-tát Quảng Đức qua lời nguyện tâm quyết và kệ thiêu thân cúng dường”, Nxb. Phương Đông, tr. 251-252. [3] Nguyễn Tri Ân (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Bồ-tát Quảng Đức cuộc đời và hạnh nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu”, Nxb. Phương Đông Tr. 271-272. [4] Thích Nhất Hạnh (1967), Hoa sen trong biển lửa, Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại Paris xuất bản , tr. 63. [5] Nguyễn Lang, 1963-2013: Năm mươi năm nhìn lại, tập 3, “Cuộc vận động chống đàn áp phật giáo năm 1963”, Nxb. Thiện tri thức Publications, tr. 151. [6] Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Nguyên nhân và ý nghĩa tự thiêu của bồ-tát thích Quảng Đức”, Nxb. Phương Đông, tr. 332. [7] Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Nguyên nhân và ý nghĩa tự thiêu của bồ-tát thích Quảng Đức”, Nxb. Phương Đông, tr. 332. [8] Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Nguyên nhân và ý nghĩa tự thiêu của bồ-tát thích Quảng Đức”, Nxb. Phương Đông, tr. 335. [9] Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Nguyên nhân và ý nghĩa tự thiêu của bồ-tát thích Quảng Đức”, Nxb. Phương Đông, tr. 336. [10] Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Nguyên nhân và ý nghĩa tự thiêu của bồ-tát thích Quảng Đức”, Nxb. Phương Đông, tr. 337-339. [11] Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “Nguyên  nhân và ý nghĩa tự thiêu của bồ-tát thích Quảng Đức”, Nxb. Phương Đông, tr. 328. [12] Phạm Quý Vinh, 1963-2013: Năm mươi năm nhìn lại, tập 3, “Về một bức thủ bút chữ nôm của Hòa Thượng Thích Quảng Đức”, Nxb. Thiện Tri Thức, tr. 315-318. [13] Từ Điển Phật Học Huệ Quang (2010), Quyển 5, Thích Minh Cảnh (Chủ Biên), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, tr.4897. [14] Nārada Mahā Thera (2013), Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, tr. 624. [15] Kinh Trung Bộ (2012), Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr.127. [16] Truy cập: ngày 13 tháng 4 năm 2023, lúc 6 giờ 35phút  https://thuvienhoasen.org/a17499/bai-hoc-lich-su-tu-ngon-lua-quang-duc-tt-ts-thich-vien-tri . [17] Truy cập: ngày 13 tháng 4 năm 2023, lúc 6 giờ 40 phút  https://thuvienhoasen.org/a17499/bai-hoc-lich-su-tu-ngon-lua-quang-duc-tt-ts-thich-vien-tri . [18] Walpola Rahula (2000), Đức Phật Đã Dạy Những Gì, Thích Nữ Trí Hải (Dịch), Hòa Thượng Thích Minh Châu (Giới Thiệu), Hn, Nxb Tôn Giáo, tr. 201. [19] Thích Trí Quảng (2008), Phật Giáo Nhập Thế và Phát Triển, Tập 1, Hn: Nxb Tôn Giáo tr. 279. [20] C. S. Queen-S. B. King (Ed) Engaged Buddhism Buddhist Liberation Movements in Asia, New York: State University of New York Press, 1996, p. 34, n.6. [21]Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, Sài Gòn: Nxb Lá Bối, tr. 31. [22]Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb. Giáo dục, tr. 156. [23] Nārada Mahā Thera (2013), Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, tr. 580. [24] Thích Nhất Hạnh (1969), Cuộc tranh đấu bất bạo động tại Việt Nam, tr. 33. [25]Thích Trí Quảng (2008), Phật Giáo Nhập Thế và Phát Triển, Tập 1, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr. 287. [26] Truy cập: ngày 13 tháng 4 năm 2023, lúc 6 giờ 45phút  https://thuvienhoasen.org/a17499/bai-hoc-lich-su-tu-ngon-lua-quang-duc-tt-ts-thich-vien-tri.