Tác giả: Vĩnh Thông Phật học Từ Quang (tập 44)
Trong Kinh Trung bộ, Kinh Gopaka Moggallāna (số 108) là một bài kinh đáng chú ý. Bởi, bài kinh ra đời sau khi đức Phật thị tịch chưa lâu, người giảng là Tôn giả Ānanda, người nghe là các vị Bà-la-môn, lại đề cập đến một vấn đề quan trọng đời sống Tăng-già thời đó và có ý nghĩa đến tận ngày nay. Bài kinh tương đương trong Kinh Trung A-hàm là Kinh Cù-mặc Mục-kiền-liên (số 145).
Bối cảnh ra đời bài kinh là thành Rājagaha (Vương Xá), nước Magadha (Ma-kiệt-đà), sau khi đức Thế Tôn đã nhập Vô dư Niết- bàn chưa lâu. Buổi sáng nọ, theo nếp sinh hoạt thường ngày, Tôn giả Ānanda đắp y, ôm bát, từ trú xứ Veḷuvana (Trúc Lâm) đi vào thành khất thực. Tuy nhiên, khi ấy hãy còn sớm, ngài bèn đi đến chỗ làm việc của một vị Bà-la-môn có tên là Gopaka Moggallāna. Sau khi niềm nở đón tiếp, Gopaka Moggallāna nêu câu hỏi: “Có thể chăng, một Tỷ-kheo thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Tôn giả Gotama, bậc A-la-hán, Chính Ðẳng Giác đã thành tựu?”. Ngài Ānanda trả lời rằng không thể có một Tỳ-kheo nào thành tựu được như đức Phật. “Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói”1.
Cuộc trò chuyện giữa Tôn giả Ānanda và Bà-la-môn Gopaka Moggallāna đang diễn ra thì bị tạm gián đoạn. Bởi khi ấy, một vị Bà-la-môn khác có tên là Vassakāra - bậc đại thần nước Magadha đi thị sát các công sự ở thành Rājagaha, ghé lại nơi hai vị đang trò chuyện. Kinh cho biết thêm, lúc bấy giờ vua Ajātasattu (A-xà-thế) nước Magadha nghi ngờ vua Pajjota (Đăng Quang vương) nước Avanti láng giềng đang có ý định tấn công mình, nên đã cho kiến thiết thành Rājagaha kiên cố hơn.
Sau khi gặp gỡ và chào hỏi, Vassakāra nêu hai câu hỏi: Có một vị Tỳ-kheo nào được Đức Như Lai sắp đặt là người cho đồ chúng nương tựa sau khi Ngài diệt độ? Có một vị Tỳ-kheo nào được Tăng đoàn đồng thuận là người cho đồ chúng nương tựa sau khi Phật diệt độ? Cả hai câu hỏi, ngài Ānanda đều trả lời rằng không có vị nào được chọn lựa như thế.
Ở đây, có thể liên hệ mở rộng một số vấn đề. Chúng ta bắt gặp câu hỏi tương tự ở một bài kinh khác trong Kinh Trung bộ, đó là Kinh Sela (số 94). Lúc bấy giờ, một vị Bà-la-môn có tên là Sela hỏi đức Phật qua bài kệ: “Tôn giả Gotama / Ai sẽ là tướng quân?
/ Là Tôn giả đệ tử? / Vị đệ tử tín thành? / Xứng đáng bậc Ðạo sư? / Sau Ngài, ai sẽ chuyển / Pháp luân Ngài đã chuyển?” Đức Thế Tôn cho biết: “Ta chuyển bánh xe Pháp / Bánh xe Pháp vô thượng / Chính Sāriputta / Chuyển bánh xe Chính Pháp / Thừa tự Như Lai vị”2.
Câu trả lời đã khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất), bậc Tướng quân Chính pháp - Thượng thủ Tăng đoàn, không như truyền thống Đại thừa về sau đã hạ thấp vai trò của ngài. Đáng tiếc, Tôn giả Sāriputta đã nhập diệt trước Đức Như Lai. Do đó, trong Kinh Gopaka Moggallāna, Tôn giả Ānanda trả lời rằng không có vị Tỳ-kheo nào đảm nhận vị trí lãnh đạo Tăng chúng.
Bên cạnh đó, sự kiện Đức Thế Tôn nhập Vô dư Niết-bàn đã được Ngài chuẩn bị kỹ lưỡng, không phải xảy ra đột ngột. Tuy vậy, đức Phật không triệu tập Tăng chúng để chỉ định người lãnh đạo kế tục. Có thể thấy, Tăng đoàn không có người lãnh đạo là quyết định mang tính chủ động của đức Phật, không phải do hoàn cảnh đưa đẩy vào tình trạng đó.
Sau khi nghe câu trả lời từ ngài Ānanda, Vassakāra thắc mắc rằng có phải Tăng-già không có chỗ nương tựa, như thế thì Tăng- già làm sao có thể hòa hợp. Tôn giả khẳng định: “Này Bà-la-môn, chúng tôi không phải không có chỗ nương tựa. Này Bà-la-môn, chúng tôi có chỗ nương tựa, và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi”. Từ đó, Tôn giả giảng giải thêm về phương pháp giúp Tăng- già hòa hợp:
“Này Bà-la-môn, Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la- hán, Chính Ðẳng Giác đã thi thiết học pháp, đã tuyên bố giới bổn Pātimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa) cho các Tỷ-kheo. Trong những ngày Bố-tát (Uposatha) chúng tôi cận trú ở chung một thôn điền, tất cả chúng tôi hội họp với nhau tại một chỗ; sau khi tụ họp, chúng tôi hỏi những gì đã xảy ra cho mỗi một người. Nếu trong khi hỏi nhau như vậy, có Tỷ-kheo phạm tội, phạm giới, chúng tôi bảo vị ấy làm đúng Pháp, đúng lời dạy. Thật vậy, không phải các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính pháp xử sự chúng tôi.”3
Đây là quan điểm hết sức đặc biệt trong Phật giáo mà có lẽ hiếm tôn giáo nào trên thế giới tuyên bố như thế. Trong các tôn giáo khác, người ở vị trí lãnh đạo tối cao có quyền hành đối với tất cả tín đồ của mình. Trái lại trong đạo Phật, quyền hành xử lý cá nhân này không nằm trong tay cá nhân khác, mà phụ thuộc những nguyên tắc tập thể đã được chế định. Điều đó góp phần hạn chế sự thao túng của những người đang nắm quyền lực. Quan điểm ấy thể hiện tinh thần pháp quyền rất tiến bộ của nhà Phật.
Tiếp theo, Vassakāra đặt câu hỏi có vị Tỳ-kheo nào xứng đáng để Tăng chúng cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường và nương tựa. Ngài Ānanda cho biết có người như thế. Đó là người thành tựu đầy đủ mười pháp gồm: giới hạnh, đa văn, biết đủ, chứng bốn thiền, thần túc thông, tha tâm thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông, lậu tận thông.
Mặc dầu Tôn giả Ānanda nói rằng ai thành tựu trọn vẹn mười pháp nầy sẽ được Tăng chúng cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường và nương tựa, song chúng ta biết trên thực tế chỉ có Đức Như Lai thành tựu viên mãn mười pháp ấy. Theo Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên) đã thành tựu mười pháp này vào khoảng thời gian cuối đời, nhưng cả hai đều thị tịch trước đức Phật4. Liên hệ với Kinh Trạm xe (số 24) trong Kinh Trung bộ, Tôn giả Puṇṇa Mantāniputta cũng cho rằng Tôn giả Sāriputta được hội chúng xem là ngang hàng với bậc Đạo sư5.
Trở lại cuộc trò chuyện, Bà-la-môn Vassakāra hỏi thăm về trú xứ của Tôn giả Ānanda với những điều kiện thuận lợi cho thiền định. Kế đó, ông nhắc lại rằng đức Phật từng dùng nhiều phương tiện nói về thiền định và tán thán tất cả các loại thiền định. Ngài Ānanda đã đính chính lời phát biểu ấy rằng có những loại thiền được Đức Thế Tôn tán thán và có những loại thì không.
Có năm loại thiền định không được tán thán, đó là thiền lấy dục tham, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi hoặc làm đối tượng. Trái lại, loại thiền định được tán thán là bốn thiền Sắc giới, từ Sơ thiền đến Tứ thiền, mà nhiều bài kinh trong Kinh tạng đã đề cập. Cuối cùng, những người có mặt trong buổi đàm đạo hoan hỷ đón nhận lời của Tôn giả Ānanda.
Kinh Gopaka Moggallāna là thời giảng của Tôn giả Ānanda dành cho những người ngoại đạo, trả lời những thắc mắc của họ liên quan đến đời sống Tăng-già, đồng thời đính chính những nhận định chưa chính xác của họ. Bài kinh giúp người nghe thời ấy cũng như người đọc ngày nay có thể hiểu sâu sắc hơn về quan điểm và phương pháp để duy trì sự ổn định của Tăng đoàn.
Tác giả: Vĩnh Thông Phật học Từ Quang (tập 44) *** Chú thích 1. Kinh Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo, tr. 331-332. 2. Kinh Trung bộ (2012), Tập II, Sđd, tr. 180. 3. Kinh Trung bộ (2012), Tập II, Sđd, tr. 333-334. 4. Th h Chơn Th (2017), Tìm hiểu Trung bộ kinh, NXB Tôn giáo, tr. 386. 5. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo, tr. 199.
Bình luận (0)