Tôi huy vọng rằng tại Đại hội này, các vị sẽ dân chủ bàn bạc quyết định chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ V của Giáo hội và suy tôn, suy cử những bậc cao tăng thạc đức, những vị Tăng Ni, cư sĩ tiêu biểu về cả mặt đạo mặt đời vào Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự
BÀI PHÁT BIỂU của Ông PHẠM THẾ DUYỆT, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung Ương MTTQVN
Kính thưa Đoàn Chủ tịch. Kính thưa đồng chí Trần Đức Lương-Chủ tịch nước CHXHCNVN. Kính thưa chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư cùng quý vị Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử. Kính thưa quý vị khách quý ,thưa toàn thể Đại hội.
Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội-trái tim thân yêu của cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V. Đây là Đại hội đầu tiên của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XXI, trên con đường phục vụ Đạo pháp và Tổ quốc theo phương châm “ Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”. Trong không khí đầy phấn khởi và trang nghiêm này, cho phép tôi thay mặt Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng gửi tới quý vị đại biểu, quý vị giáo phẩm cũng toàn thể quý vị Tăng, Ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài nước lời chào thân ái và đoàn kết.
Kính chúc quý vị đại biểu thường tinh tấn an lạc trong mọi Phật sự vì sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc quần sinh.
Kính thưa quý vị,
Ngay từ buổi đầu mới được truyền bá vào nước ta, đạo Phật đã được các bậc Tổ sư tiền bối tiếp thu một cách có chọn lọc, dựa trên điều kiện cụ thể của nước nhà để hoằng dương Phật pháp và tạo nên một đạo Phật rất Việt Nam, gắn bó mật thiết với dân tộc.
Trải suốt chiều dài lịch sử 2000 năm qua, với sự kết tinh sức mạnh vào nền văn hóa độc đáo, Phật giáo đã góp phần cùng toàn thể dân tộc giữ gìn non song gấm vóc, giành lấy quyền độc lập tự do cho đất nước và viết lên những trang sử oai hùng cho Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Tổ quốc thống nhất, giang sơn thu về một mối, đó lại là điều kiện thuận lợi để thống nhất Phật giáo, hoàn thành hoài bão cao cả của các bậc Phật giáo tiền nhân. Vì vậy có thể nói rằng : Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam trong hàng nghìn năm qua.
Công cuộc đổi mới của đất nước đã đem lại sức sống mới cho sự phát triển của toàn thể dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể Tăng, Ni, Phật tử đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, đóng góp tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu Phật sự và thế sự của Giáo hội kể từ khi thống nhất cho đến nay, đặc biệt là trong nhiệm kỳ IV vừa qua đã minh chứng sâu sắc cho ý nghĩa của sự nghiệp hòa hợp thống nhất Phật giáo trong cả nước, tạo nên sức mạnh tập thể từ Trung ương đến địa phương, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước, làm sáng tỏ giáo lý trong sáng Đức Phật trong đời sống nhân gian. Đó cũng là sự thể hiện tinh thần “ phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật “
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt hoanh nghênh và đánh giá cao những đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào sự nghiệp đại đoàn kết, đổi mới và phát triển đất nước, xứng đáng với vị trí, vai trò và truyền thống phụng đạo yêu nước của Phật giáo Việt Nam trong gần hai mươi thế kỷ qua.
Kính thưa các vị đại biểu,
Bước sang nhiệm kỳ V, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong một hoàn cảnh lịch sử trọng đại của dân tộc : Nhân dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp cao cả đó vừa là ước vọng ngàn đời, vừa là trách nhiệm cao cả và nghĩa vụ thiêng liêng của toàn dân ta, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực động viên Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam chủ động và hăng hái tham gia các công việc chung của đất nước, của Mặt trận, thực hiện tốt các phong trào ích nước lợi dân, thiện tâm công đức như : xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, bài trừ các tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín hủ tục. Gắn việc thực hiện nhiệm vụ hoằng dương chính pháp với việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng niềm tin chân chính và nếp sống đạo hạnh trong sáng, lành mạnh thông qua các phong trào xây dựng chùa cảnh tinh tiến, chùa cảnh gương mẫu đặc biệt là thông qua cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Cùng với những việc làm ích nước, lợi dân nêu trên, chúng tôi hy vọng Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường đoàn kết hòa hợp, củng cố và trang nghiêm Giáo hội, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, các hệ phái trong Giáo hội , phát huy tinh thần độc lập tự chủ trong xu thế mở cửa và hội nhập mở rộng và tăng cường mối quan hệ đồng đạo, qua đó thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Tôi nghĩ rằng một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của Phật giáo Việt Nam là góp phần cùng Nhà nước và Mặt trận; phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài, trong đó có các Tăng Ni, Phật tử hướng về cội nguồn, hướng về quê hương đất nước bằng những việc làm thiết thực phù hợp với khả năng và điều kiện của mình, sát cách cùng nhân dân trong nước thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó cũng là sự thể hiện Giáo hội luôn luôn kiên định và thực hiện tốt phương châm hoạt động "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".
Thưa các quý vị đại biểu!
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V có ý nghĩa lịch sử là Đại hội đầu tiên mở cho thế kỷ XXI. Tôi huy vọng rằng tại Đại hội này, các vị sẽ dân chủ bàn bạc quyết định chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ V của Giáo hội và suy tôn, suy cử những bậc cao tăng thạc đức, những vị Tăng Ni, cư sĩ tiêu biểu về cả mặt đạo mặt đời vào Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, mở rộng hơn nữa sự tham gia đóng góp và sự cộng tác rộng rãi không phân biệt tông môn, hệ phái của các vị giáo phẩm có đạo hạnh trong sáng cũng như hàng ngũ Trăng Ni, cư sĩ Phật tử Việt Nam thiện tâm ở trong và ngoài nước.
Thành viên trong hai Hội đồng của Giáo hội nhiệm kỳ V có cơ cấu hợp lý, đảm bảo là những người tiêu biểu, đại diện cho các hệ phái, các vùng miền, phát huy được nhân tố mới đồng thời giữ được sự ổn định và đoàn kết được nội bộ sẽ là nhân tố tiếp nối truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam và đảo bảo thực hiện thắng lợi các chương trình mà Đại hội đề ra, đúng theo tôn chỉ, mục đích và Hiến chương của Giáo hội.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ chư quốc Việt Nam tin tưởng rằng, với truyền thống yêu nước gắn bó với dân tộc mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chắc chắn sẽ đảm đương tốt vai trò là tổ chức đại diện hợp pháp duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam cả trong và ngoài nước. Yêu cầu đó đòi hỏi Giáo hội cần tăng cường đoàn kết hòa hợp nội bộ, lấy lợi ích chung của Dân tộc và Đạo pháp làm trọng; đồng thời chấp nhân những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung, xóa đi những định kiến, tị hiềm, mặc cảm; tập trung thống nhất mọi ý chí và trí tuệ xây dựng nền Phật giáo Việt Nam ngày càng trong sáng, lành mạnh và hướng thượng; đóng góp thiết thực vào sự phát triển toàn diện và những thắng lợi vẻ vang trong thiên niên kỷ thứ ba của cả dân tộc.
Một lần nữa, xin kính chúc quý vị giáo phẩm và các vị đại biểu thân tâm an lạc, Phật sự viên thành. Chúc Đại hội thành công viên mãn. Xin trân trọng cảm ơn và kính chào quý vị.Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng
Bình luận (0)