Kính thưa:  

Quý lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ;

Quý vị chức sắc Phật giáo quốc tế;

Toàn thể quý vị đại biểu, khách quý!

Hôm nay, tôi rất vui mừng và hân hạnh được đến thăm thành phố Ulan - Ude, Thủ đô nước Cộng hòa Buryatia tươi đẹp, mến khách và tham dự Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần II với chủ đề “Phật giáo truyền thống và những thách thức hiện đại”. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất đến các vị khách quý tham dự Diễn đàn ngày hôm nay. Tôi chân thành cảm ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham dự Diễn đàn này.

Kính thưa Quý vị!

Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc và nhiều tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng đường hướng hoạt động tiến bộ, tuân thủ pháp luật và gắn bó, đồng hành với dân tộc dựa trên truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc của dân tộc Việt Nam. Đây chính là những nét đặc trưng nổi bật của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Tất cả là để hướng đến mục đích chung là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Với chủ trương này, các tổ chức tôn giáo đã động viên được đông đảo chức sắc, tín đồ nỗ lực hoạt động tôn giáo và xã hội, đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các tôn giáo du nhập từ bên ngoài cũng có quá trình tiếp biến với văn hóa Việt Nam tạo ra nét riêng ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân văn của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: phong phú, đa dạng và đan xen, hòa quyện với nhau. Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

Thứ
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu

Kính thưa Quý vị!

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ hơn hai nghìn năm trước, trở thành một tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Trong quá trình du nhập và phát triển,  Phật giáo đã trở thành tôn giáo hòa bình, dung hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, đồng hành với dân tộc và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong lịch sử Việt Nam đã có thời kỳ Phật giáo là Quốc đạo. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là phái thiền tông đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển giáo lý ưu việt của Phật giáo với tinh thần nhập thế tích cực và Phật hạnh “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, do vị vua anh minh Trần Nhân Tông, sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, từ bỏ ngai vàng xuất gia đầu Phật sáng lập nên. Bên cạnh, truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam còn lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Trên lĩnh vực văn hóa vật chất, hệ thống chùa, tháp Phật giáo với kiểu kiến trúc, mỹ thuật điển hình phương Đông đã trở thành những phần không thể tách rời trong văn hóa Việt Nam, góp phần làm giàu đẹp thêm nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật, xây dựng và điêu khắc của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, các bản kinh mộc khắc trên gỗ, các tác phẩm hội họa Phật giáo đã tồn tại cùng dân tộc qua nhiều thời kỳ và đang mang nhiều giá trị văn hóa, chứa đựng trong đó tâm hồn, tình cảm triết lý sống của dân tộc Việt Nam.

Trên lĩnh vực văn hóa tinh thần, Phật giáo cũng có những đóng góp lớn cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Một số hệ thống triết lý của Phật giáo đã được dân gian hóa thành những biểu tượng, những chuẩn mực hết sức gần gũi và thân thuộc với con người Việt Nam. Chính vì thế, Phật giáo đã nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, được Nhân dân đón nhận và từng bước góp phần củng cố, duy trì phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trên lĩnh vực đạo đức, lối sống, tư tưởng của Phật giáo đã góp phần hình thành nhân cách con người, hình thành những giá trị, chuẩn mực trong lối sống của người dân Việt Nam. Ân Tổ tiên cha mẹ, ân đất nước của Phật giáo chính là đạo lý hướng về cội nguồn chung của dân tộc Việt Nam, về những vị anh hùng đã hy sinh vì đất nước… Tinh thần Từ - Bi - Hỷ - Xả của Phật giáo đã giáo dục con người biết sống vị tha, hòa hợp, coi trọng bình đẳng và tiến bộ xã hội. Tinh thần yêu nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc là giá trị nổi bật trong truyền thống văn hóa Việt Nam đã được người Việt truyền vào Phật giáo, biến Phật giáo từ một tôn giáo xuất thế thành tôn giáo nhập thế tích cực, một thành tố văn hóa và trở thành hồn cốt cho văn hóa dân tộc. Phương châm hành đạo: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại càng chứng tỏ, văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng được dung nạp sâu đậm hơn, bền chắc hơn trong Phật giáo.

Có thể khẳng định rằng, Phật giáo đã góp phần làm phong phú cho nền văn hóa truyền thống dân tộc. Những giá trị đó đã hợp lưu vào dòng chảy văn hóa từ bao đời của dân tộc Việt Nam và ngày nay nó vẫn được người dân Việt gìn giữ, làm chỗ dựa vững chắc để bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trong giai đoạn mới. Mặt khác, Phật giáo là cầu nối bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thông qua những sinh hoạt Phật giáo, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được phát huy trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.

Thực hiện lời Phật dạy “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”, Phật giáo Việt Nam luôn coi trọng hoạt động từ thiện xã hội là một trong những hoạt động Phật sự trọng tâm của Giáo hội và của tăng ni, phật tử. Thành tựu và kết quả hoạt động an sinh xã hội từ thiện nhân đạo của Phật giáo Việt Nam đã biểu hiện rõ nét nỗ lực trách nhiệm xã hội của chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo góp phần giảm thiểu những khó khăn, gánh nặng cho cộng đồng, phù hợp với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã tích cực mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, là một thành viên chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân, là thành viên của các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 03 Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc với sự hiện diện của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc ở Việt Nam; tạo hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết.

Kính thưa Quý vị!

Với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đã tác động đến các giá trị văn hóa của Phật giáo Việt Nam. Một số giá trị văn hóa của Phật giáo Việt Nam đã có sự biến đổi để thích nghi với môi trường xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, Phật giáo Việt Nam cũng nằm trong quy luật biến đổi, phát triển văn hóa là từ “truyền thống - tiếp biến - đổi mới - quay về truyền thống”. Sự biến đổi giá trị văn hóa của Phật giáo đang là vấn đề thách thức hiện nay. Cùng với các trào lưu văn hóa của xã hội hiện đại là những thách thức lớn đối với các giá trị văn hóa truyền thống ít nhiều có ảnh hưởng tới Phật giáo. Các hiện tượng mặc dù không phải phổ biến như lệch chuẩn về đạo hạnh và đời sống tu hành ở một số nhỏ chức sắc Phật giáo cũng bị tha hóa đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của phật tử và gây dư luận xấu, thậm chí đã bị số xấu lợi dụng làm phức tạp xã hội.

Xu thế toàn cầu, giao lưu, hội nhập hiện nay cũng đã làm thay đổi xã hội, sự xuyên văn hóa, xâm thực văn hóa, sự cải biến chuyển đổi đức tin tôn giáo là xu thế đang diễn ra trong một số tín đồ Phật giáo.

Kính thưa Quý vị!

Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo và bình đẳng các tôn giáo của người dân; đảm bảo và tạo điều kiện tốt nhất để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng phát triển theo đường hướng của mình, đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Đồng thời, Nhà nước đã có nhiều chủ trương cụ thể nhằm phát huy các giá trị tốt đẹp, nguồn lực tôn giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh - thịnh vượng.

Năm 2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, Nhà nước Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất hân hạnh được mời Quý vị đến đất nước Việt Nam tham dự. Cá nhân tôi mong muốn được đón tiếp các quý vị để có dịp giới thiệu với Quý vị về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, yêu chuộng hòa bình và đời sống tôn giáo phong phú ở Việt Nam.

Nhân mùa Vu Lan của những người con Phật, thay mặt Lãnh đạo Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân danh cá nhân xin chúc sức khỏe Quý vị chức sắc Phật giáo quốc tế và toàn thể các vị khách quý. Chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ