Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không?

Niềm tin

“Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là có tội; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời hãy từ bỏ chúng! Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: “các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc an lạc”, “thời hãy từ đạt đến và an trú!” đức Phật (Kinh Tăng Chi Bộ).

Trong cuộc sống, cái dẫn dắt chúng ta chính là niềm tin. Chúng ta tin một điều là đúng đắn, là hay, là thiện, là thích thú… thì niềm tin ấy sẽ thúc đẩy chúng ta hành động để làm thỏa mãn sở nguyện của mình, dù niềm tin ấy có thể là sai lệch, phi thực tế và thậm chí là đi ngược lại với đạo đức; ví dụ như người học sinh tin rằng chơi game sẽ mang lại sự giải trí thì sẽ tìm đến game để giải trí, mặc dù nghiện game đã được chứng minh là để lại nhiều tác hại như mất thời gian, hiềm khích và gây gổ với nhau chỉ vì trận chiến ảo, vì những lí do chẳng đâu vào đâu; một người tin, hoặc nằm mơ, hoặc nghe người khác “phán” rằng phải đốt vàng mã in hình nào là nhà cửa, xe cộ, điện thoại, trang phục… thì mới chu cấp đầy đủ cho “người Âm” để họ yên sinh “dưới cõi Âm” (?) thì người ấy sẽ cứ thế mà tích cực đốt vàng mã vào những ngày nhất định; một người tin rằng phải xây cho người thân đã khuất một cái lăng tốn hằng trăm triệu, hàng tỉ đồng để chứng tỏ được lòng thành kính của mình thì người ấy cũng sẽ chẳng ngại chi một số tiền lớn để xây nên cái lăng vật chất như vậy, mặc dù số tiền ấy nếu dành cho các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người đang sống thì sẽ mang lại nhiều công đức hơn và nhiều lợi ích nữa, chúng ta sẽ bàn sau; một người (thường là nam) nghĩ rằng hút thuốc, uống rượu bia mới chứng tỏ được “bản lĩnh của đàn ông”, người ấy chắc chắn sẽ đi đến hút thuốc, uống rượu, chẳng ít thì nhiều, bất chấp các tác hại của thuốc lá và rượu bia được xã hội thừa nhận.

>> Đọc thêm bài: Đôi điều về cầu siêu và cúng thí thực

Qua đó mới biết vị thế dẫn dắt của niềm tin. Không những thế, niềm tin còn tiếp thêm sức mạnh cho người nắm giữ. Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh mặc dù bác sĩ chỉ cho họ uống giả dược có vị đắng khó chịu (vì các bệnh nhân nghĩ rằng thuốc càng khó nếm thì càng công hiệu). Có trường hợp bác sĩ nói với bệnh nhân ung thư rằng sẽ cho chuyền hóa chất để điều trị, nhưng rồi bác sĩ lại chỉ chuyền một loại dịch thay thế vô hại, kết quả là bệnh nhân rụng tóc (vì bệnh nhân tưởng rằng sau khi chuyền hóa chất thì tóc sẽ rụng) (1). Trong đạo Phật, sức mạnh của niềm tin được gọi là Tín Lực, là cửa ngõ để đạt được các Lực theo sau (Tấn Lực, Niệm Lực, Định Lực và Tuệ Lực). Cho nên, vấn đề quan trọng là chúng ta phải biết đặt niềm tin đúng chỗ, chớ có tin một cách ồ ạt và thiếu xét đoán vào những điều hư ngụy và lệch lạc. Vậy thì căn cứ vào đâu để biết niềm tin của mình là không bị sai lệch? xin được nhắc lại một lời dạy rất hay: khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là có tội; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời hãy từ bỏ chúng! Khi nào tự mình biết rõ như sau: “các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời hãy từ đạt đến và an trú!”. Chung quy lại là chớ có tin ở những điều dẫn đến làm khổ mình (như uống rượu bia, hút thuốc lá…), khổ người (trộm cắp, cướp giật, tham lam…) và khổ chúng sinh (chọi trâu, chọi gà, chọi bò, chém lợn, sử dụng thực phẩm động vật…); hãy tin ở những điều không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ chúng sinh. Nhưng nói không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ chúng sinh không có nghĩa là chúng ta trở thành một con người hờ hững và vô tâm trước những điều sai trái của kẻ khác. Trái lại, những hành động sai trái và vi phạm pháp luật cần phải được ngăn chặn và trừng phạt.

Đốt rải vàng mã, cúng tế phản cảm - những hủ tục cần loại bỏ

Quý vị sẽ chọn cách thờ nào sau đây?

- Mất thời gian, tốn công sức, hao tiền của, tốn không gian, gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn… mà không đem lại kết quả thiết thực nào, chỉ làm theo một cách máy móc và không tự kiểm chứng được.

- Không mất thời gian, không tốn công sức, không phí tiền của, chẳng tốn không gian, không gây ô nhiễm, không tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn …mà đem lại kết quả thiết thực và tự mình kiểm chứng được.

Từ ngàn xưa, con người đã bắt đầu thờ cúng nhiều vị “Thần” dưới nhiều hình thức khác nhau.

Nào là thần Sông, thần Núi, thần Biển, thần Mây, thần Mưa, thần Gió, thần Bò, thần Mặt Trời, thần Mặt Trăng, Quỷ Nước, Ông Táo, thậm chí ngay cả Rồng, một loài vật hư cấu mà vẫn được tôn lên để thờ cúng. Biết bao đời loài người thờ cúng, nhưng chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt, tai nạn, những chuyện bất tại nguyện… vẫn cứ xảy ra. Vậy thì các vị “Thần” kia có đáng để chúng ta phải tôn thờ không? Quý vị đã từng một lần gặp “Thần” giữa đời thực này chưa? Đức Phật dạy “cầu bất đắc khổ”. Nếu mà các hình thức cúng tế cầu khẩn của chúng ta mà thành hiện thực thì chúng ta có cần phải tự mình phấn đấu, nỗ lực giải quyết các vấn đề nữa hay không? Bao nhiêu công sức, thời gian, tâm lực, tiền của chúng ta bỏ ra cho các hoạt động thờ cúng đi đâu, về đâu? Thờ thì đúng, không ai bác bỏ, nhưng cúng thì sai, chẳng lợi ích cho ai. Hơn nữa, thờ là cần thiết nhưng thờ ai và thờ như thế nào mới là điều quan trọng. Về điều này, đáng tiếc là đa số chúng ta vẫn hiểu sai từ “thờ”, biến thờ thành cúng tế hình tượng, gây lãng phí tâm sức, thời gian, tiền bạc một cách vô ích, gây ô nhiễm môi trường và đáng sợ nhất là làm suy yếu khả năng tự thay đổi bản thân của chúng ta. Khi may mắn thì chúng ta khen “Trời” có mắt hay “Thần” phù hộ, khi không may mắn hoặc bị thiên tai thì chúng ta chê “Trời” chẳng có mắt hay “Ma/Quỷ” quấy rối. Chúng ta tìm cầu tha lực, tưởng rằng có sự ban phước giáng họa từ một “đấng bề trên” nào đó mà quên mất rằng chúng ta mới là vấn đề và chúng ta cũng chính là giải pháp. Đã đến lúc chúng ta phải thờ trong chính ý thức và lối sống của chúng ta.

Đốt, rải vàng mã là một hủ tục từ lâu đời. Một lần nữa chúng ta làm mà không biết mình đang làm gì, có hệ quả ra sao. Thực chất của việc đốt vàng mã là nhằm chuẩn cấp cho “người Âm” những “vật dụng” giấy cần thiết xuất phát từ quan niệm “Trần sao, Âm vậy”. Theo quan niệm này, người đã khuất cũng có thế giới như chúng ta vậy, mặc dù là “vô hình”. Thời xưa thì vàng mã thường in hình quần, áo, mũ, giày, dép, rồi kế đến là hình tờ tiền (một điều phi lí hết sức, ở chỗ đã có “tiền” rồi thì “người Âm” cứ thế lấy đó mà mua, chúng ta cần gì phải “gửi” thêm “đồ” khác), rồi xe đạp, và ngày nay, những thứ không thể thiếu là xe máy, xe hơi, đặc biệt là chiếc điện thoại thông minh. Thậm chí một dinh thự đầy đủ tiện nghi bằng giấy tốn hàng trăm triệu đồng cũng được dựng lên để đốt. Chẳng lẽ, phải có sự chu cấp của “người Trần” thì “cõi Âm” mới tồn tại được hay sao? Và những thứ chúng ta đốt để “gửi” cho “họ” cũng chưa đủ, vì chúng ta hiện có hàng triệu mặt hàng nên đáng lẽ phải có hàng triệu mặt hàng “dưới Âm phủ” thì mới gọi là đầy đủ. Nếu vậy thì liệu họ còn có khả năng “phù hộ” cho chúng ta không? Nếu có một thế giới linh hồn như vậy, chắc chắn các linh hồn vẫn chưa hết khổ đau, vẫn còn chiến tranh và xung đột, vẫn còn đủ lo toan, chẳng thể gọi là “yên nghỉ”. Cái lợi của vàng mã thì ảo tưởng, không ai tự chứng nghiệm được thì chúng ta hùa nhau tin, còn cái hại của nó thì như đập vào mắt mà chẳng mấy ai tin: tự hình thành cho mình những nỗi hoang mang, lo lắng và căng thẳng vô cớ, đốt vàng mã khác nào đốt tiền, nếu sơ suất có thể xảy ra hỏa hoạn, trực tiếp ngửi khói vàng mã rất độc hại, rải vàng mã còn là hành động xả rác bừa bãi… Ở khu vực nông thôn, không đốt thì sợ hàng xóm chê cười, cho nên dù nghèo hay cận nghèo cũng phải trích ra ít tiền để đốt. Ở môi trường đô thị nhiều nhà cao tầng, nhà ống, ngõ hẹp, thiếu không gian, hóa vàng dễ gây ra cháy nổ, chập điện, khói bụi và ô nhiễm môi trường như chơi (chẳng hạn như vụ cháy xe bồn chở xăng tại Quảng Ninh vào ngày 7/8 do tàn vàng mã bay vào). Tại nước ta, 2 ngày lễ mà người dân đốt vàng mã nhiều nhất là ngày lễ Vu Lan và ngày cúng ông Táo trong dịp Tết Nguyên Đán. Giả sử, làm một phép tính khiêm tốn, vào những ngày này, trung bình mỗi hộ gia đình trong khoảng 20 triệu hộ gia đình có tập tục đốt vàng dành ra 50,000 đồng để mua vàng mã về đốt thì số tiền thành mây thành khói sẽ là 1,000 tỉ đồng! Đó là chưa kể đến hàng trăm lễ hội liên quan đến đền, chùa mỗi năm mà người dân đốt vàng mã và những người chứng tỏ đẳng cấp trong việc chi tiền chục triệu, trăm triệu để được đốt. Khoảng 50,000 tấn nguyên liệu lãng phí cho việc làm vàng mã mỗi năm không hề nhỏ. Hóa đồ cho người đã khuất cũng là một điều mê tín khác, đốt đồ vật một cách vô ích và gây ô nhiễm môi trường. Số quần áo quý vị đem đi đốt tại sao không sử dụng cho những mục đích thiết thực hơn như: nếu quý vị vì mê tín mà “sợ” không dám dùng thì có thể đưa quần áo, chăn… đi ủng hộ những người đang cần chúng, hay ít ra cũng phải đưa cho thợ sửa ô-tô, xe máy để họ lau thì vẫn còn hữu ích hơn; các loại đồ vật khác thì có thể tái chế.

Gần đây, những hình ảnh chém lợn, treo cổ trâu … như một phần tất yếu trong nghi lễ cúng tế đã gây không ít xôn xao dư luận. Một hành động đoạt mạng gây đau đớn tột cùng cho những loài vật hữu tình mà được coi là văn hóa, hơn nữa xét đến việc trâu, bò là những loài vật từng vắt sức giúp con người có được hạt gạo để ăn, thì qua đây mới biết CON người chúng ta thật u mê, vô ơn và thiếu đạo đức hiếu sinh đến nhường nào. Chúng ta lập đàn tế cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống an vui, nhưng đàn tế của chúng ta lại phô diễn cảnh máu me đau khổ, kêu gào thì quả là một nghịch lí. Tế đàn như vậy, theo lời đức Phật dạy, chỉ có hại không lợi. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây:

Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala tổ chức một đại tế đàn. Năm trăm con bò đực, năm trăm con bò con đực, năm trăm con bò con cái, năm trăm con dê, và năm trăm con cừu (urabbha) được dắt đến trụ tế lễ để làm lễ tế đàn. Và có những người nô tỳ, hay những người phục dịch, hay những người lao động, bị hình phạt thúc đẩy, bị sợ hãi thúc đẩy, với nước mắt đầy mặt, than khóc và làm các công việc chuẩn bị (cho lễ tế đàn). Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ:

Lễ cúng ngựa, cúng người,

Quăng cọc, rượu chiến thắng,

Không chốt cửa, đại lễ,

Chúng không phải quả lớn.

Chỗ nào có giết hại,

Dê, cừu và trâu bò,

Lễ tế đàn như vậy,

Bậc Ðại Thánh không đi.

Tế đàn không rộn ràng,

Cúng dường được thường hằng,

Không có sự giết hại,

Dê, cừu và trâu bò,

Lễ tế đàn như vậy,

Bậc Ðại Thánh sẽ đi.

Bậc trí tế như vậy,

Tế đàn vậy, quả lớn.

Ai tế lễ như vậy,

Chỉ tốt hơn, không xấu,

Là tế đàn vĩ đại,

Ðược chư Thiên hoan hỷ.

Tác giả: Tâm Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 3/2019 --------------------

CHÚ THÍCH: 1. Xem thêm cuốn sách “Thức ăn vì thế giới hòa bình” – NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.