Khái niệm “phóng sinh”
Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng từ bi và trí tuệ. Trong bộ “Đại trí độ luận” quyển 27 của Ngài Long Thọ có nói: “Từ bi là căn bản của đạo Phật”. Do vậy, chất liệu “từ bi” không thể thiếu trong giáo lý đạo Phật. Đức Phật đã dạy:
“Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ”.
“Từ” là lòng yêu thương, thường đem vui cho tất cả chúng sinh. “Bi” là lòng thương xót, dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sinh. Ở đây, một trong những biểu hiện của tình thương, đó chính là bảo hộ sự sống cho chúng sinh ở nghĩa rộng nhất có thể. Thuật ngữ Phật học biểu đạt về hiện thực sinh động này bằng hai chữ ngắn gọn: phóng sinh.
Khi thực hiện phong tục phóng sinh, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
Không nên thiên về hình thức
Chúng ta thường thấy một số phật tử mua chim, cá để phóng sinh; nhưng họ không thả liền mà phải làm lễ chú nguyện rồi mới thả. Thời gian có khi là vài tiếng hoặc mất đến nửa buổi.
Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng. Thể hiện lòng đại từ bi, nên trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh. Nhưng chúng ta cũng không nên quá chấp vào hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà, câu nệ. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ; không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải kéo dài nỗi sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng bị mất mạng trước khi được phóng thả ra môi trường.
Không đặt nặng về số lượng
Trong những lễ lớn, dịp cầu an đầu năm hay cầu siêu, chúng ta thấy một số phật tử gọi điện đến nơi bán chim, cá, lươn,… phóng sinh để đặt mua số lượng lớn. Trong Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất”. Thế nào gọi là phóng sinh? Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống”.
Do đó, việc gọi điện đặt mua trước ở các trại cá, chim… vô tình chúng ta sẽ khiến những loài vật bị săn bắt nhiều hơn để đáp ứng cho “nhu cầu phóng sinh” theo hình thức.
Tìm hiểu về môi trường sống của sinh vật
Bên cạnh việc phóng sinh thiên về hình thức và số lượng, hiện nay đã và đang có nhiều bất cập nảy sinh xung quanh việc phóng sinh. Đơn cử như việc phóng sinh rắn độc gần khu dân cư; tập trung thả quá nhiều một loại cá tại các con sông và ao, hồ; hay thả ốc bươu vàng, rùa tai đỏ - là những sinh vật có hại ra môi trường… Từ thực trạng này đã đặt ra yêu cầu trước tiên là phải xác định rõ bản chất của các chủng loại sinh vật và môi trường sống thích hợp của chúng, để từ đó có thái độ ứng xử phù hợp. Mỗi loài động vật đều có môi trường sống riêng. Nếu không tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta sẽ vô tình khiến cuộc sống mới của chúng khó khăn hơn và nguy hiểm đến tính mạng.
Câu chuyện siết chặt quản lý về ốc bươu vàng, rùa tai đỏ hay vụ việc phóng sinh số lượng lớn rắn độc gần khu dân cư trong thời gian vừa qua là những ví dụ điển hình. Việc làm này không chỉ liên quan đến việc giữ cân bằng cho môi trường sinh thái, mà còn có liên hệ sâu xa đến ý nghĩa bảo hộ sinh linh.. Làm bất cứ điều gì mà việc đó có khả năng gây nguy hại cho kẻ khác là điều mà giáo điển nhà Phật không khuyến khích thực hiện.
Từ thực tế phóng sinh hiện nay, ta có thể nhận thấy hầu hết mới chỉ chú trọng vào việc phóng thích sinh mạng của chúng sinh. Có trường hợp, người phóng sinh chỉ quan tâm đến số lượng sinh mạng mà không đảm bảo các điều kiện sống kèm theo, nên đã tạo ra những thảm trạng đau khổ cho một số giống loài. Nếu nói theo kinh điển thì thảm trạng này diễn ra là do người phóng sinh nhận thức sai về “hành xứ của các loài hữu tình”. “Hành xứ” ở đây cần được hiểu là điều kiện sống. Phóng sinh không đảm bảo hành xứ, đồng nghĩa với việc sát hại chúng sinh. (Kinh Tương ưng, tập V, Thiên đại phẩm, chương 3, Tương ưng niệm xứ, phần a, phẩm Ambapali, kinh Con chim ưng).
Thiết nghĩ lòng từ bi cần phải có trí tuệ để việc phóng sinh được thành tựu viên mãn. Khi cứu giúp một chúng sinh nào đó, chúng ta cũng phải làm hết sức lặng lẽ và ý nhị, chọn nơi có môi trường thích hợp với con vật mà mình định cứu giúp.
Kết luận
Căn cứ theo kinh điển Phật dạy, một thiện niệm “vắng mặt” tuệ giác thì cái xấu sẽ có cơ hội phát khởi. Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều “nghề” liên quan đến việc phóng sinh như bắt chim để bán, giật điện cá phóng sinh… Đây là những bất thiện nghiệp mới nảy sinh khi việc phóng sinh được nâng lên thành xu thế, thành phong trào, thiếu sự tỉnh giác.
Cuộc đời này cần lắm tình yêu thương và hạnh phóng sinh chính là một trong những cách thức để tình yêu thương ấy lan tỏa trong đời sống. Tình thương không thôi vẫn chưa đủ, mỗi người cần phải có nhận thức sâu sắc về hiện thực, về chuyên môn để “dẫn” tình thương đi đúng hướng. Đến với chân lý không chỉ có một con đường. Chúng ta nên “tùy duyên” vận dụng nhiều con đường, nhiều phương tiện phù hợp với sức lực, hoàn cảnh, điều kiện… để hành trình đi đến chân lý không tiêu tốn quá nhiều thời gian và công sức.
Bên cạnh việc phóng sinh, chúng ta có rất nhiều cơ hội khác để làm việc thiện, thay vì dùng tiền mua cá, mua chim phóng sinh, chúng ta có thể tới thăm và tặng quà cho những cụ già neo đơn hay trẻ mồ côi, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khi có cơ hội.
Thời gian quan có một số vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá trình phóng sinh, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ, chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm”, quy chụp tất cả các hoạt động phóng sinh đang diễn ra là sai pháp, mà mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó. Bởi hầu hết những người có tâm phóng sinh đều giàu lòng trắc ẩn, với tấm lòng từ bi rộng lớn. Có chăng vì thiếu sự hướng dẫn từ các bậc minh sư nên mới vô tình dẫn tới việc phóng sinh chưa đúng pháp.
Thiết nghĩ, khi đã có sự nhận thức đúng đắn mỗi người sẽ tự thay đổi nhận thức, tiếp đó là thay đổi hành động để đưa hoạt động phóng sinh trở về đúng với bản chất tốt đẹp của nó. Tùy duyên cứu độ chúng sinh có lẽ là đúng nhất trong thời đại ngày nay.
Trong kinh “Phật diệt độ hậu quán liệm táng tống” có dạy: “Nên giữ theo tâm từ, ban trải ân huệ đến muôn loài, xem thân mạng muôn loài chúng sinh như thân mạng của chính mình. Mở rộng lòng từ bi, dùng thân mình mà giúp an ổn cho muôn loài, tức là mở con đường hạnh phúc cho chúng sinh. Bảo hộ thân mạng muôn loài, thấm nhuần đến cả cỏ cây, khiến cho muôn loài đều không phải dứt tuyệt.”
Tác giả: Huyền Tâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2017 ----------------------------Tài liệu tham khảo: (1) Bài phỏng vấn của tác giả Minh Thạnh với HT.Chơn Không trình bày lý luận mới về phóng sinh. (2) “Luận về vấn đề phóng sinh”, tác giả Chúc Phú, Nguyệt san Giác Ngộ.
Bình luận (0)