Liên hệ với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo của các tỉnh, thành và các cơ quan chức trách nhờ giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón tiếp các đoàn khách quốc tế, việc phổ biến các kinh sách, báo chí Phật giáo ra nước ngoài.

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG PHẬT GIÁO QUỐC TẾ NHIỆM KỲ IV (1997-2002) (do Hòa thượng Thích Chơn Thiện đọc)

Kính thưa Đoàn Chủ tọa. Kính thưa quý vị đại biểu. Kính thưa chư vị khách quý. Kính thưa Đại hội.

Trong 5 năm qua của nhiệm kỳ IV Hội đồng Trị sự, hoạt động Phật giáo quốc tế dù có phần hạn chế vì những khó khăn còn tồn đọng, nhưng vẫn theo đúng kế hoạch đã đề ra và đạt được một số thành tích khả quan. Nội dung hoạt động bao gồm 4 điểm chính:

1. Trao đổi, thông tin, tài liệu, văn thư hữu nghị

2. Đón các đoàn khách, các đại diện tổ chức Phật giáo thân hữu và các  Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.

3. Viếng thăm hữu nghị, tham dự Đại hội, hội thảo Phật giáo quốc tế các nước.

4. Sưu tập nghiên cứu, dịch thuật các tài liệu liên hệ đến Phật giáo quốc tế.

I. BỐI CẢNH HOẠT ĐỘNG

Sự ổn định tổ chức nhân sự, sự thành tựu khả quan trong chương trình Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo thêm tiềm năng cho các hoạt động Phật sự quốc tế, 5 năm qua cũng là thời gian đất nước ta không ngừng phát triển, đặc biệt về kinh tế, văn hoá và chính trị, khẳng định vị trí một đất nước đang vươn lên  ngang tầm quốc tế, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch đã làm cho thế giới biết rõ hơn về nỗ lực xây dựng, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, phát huy tình hữu nghị quốc tế của Nhà nước và nhân dân ta. Qua đó Phật giáo Việt Nam và các sinh hoạt của Giáo hội được biết đến một cách đúng đắn, số Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại về thăm quê hương mỗi lúc một nhiều, số dịp công tác, tham quan, tham dự Đại hội các cơ sở Phật giáo thân hữu ở nước ngoài của các thành viên chức sắc Giáo hội của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam gia tăng đáng kể. Trong khi đó có một số kẻ xấu vẫn còn có luận điệu xuyên tạc về tình hình đất nước ta, về Giáo hội ta, tung những tin đồn thất thiệt hòng gây hoang mang cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở hải ngoại. Cũng cần nhận định rõ rằng, những kẻ xấu phao tin nhằm hạ uy tín của Giáo hội, phần lớn họ là những người quá khích. Lại nữa, rất nhiều Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở hải ngoại muốn sống yên ổn, muốn tu học Phật pháp lại bị lôi cuốn, bị áp lực của các phần tử xấu, trở nên hoang mang, thậm chí cố quên đi tiếng gọi của Tổ quốc, tình đạo thiêng liêng và ngưỡng vọng đoàn kết của Phật giáo Việt Nam.

Những hiểu lầm, những nghi ngờ hay thờ ơ đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở nước ngoài đã giảm thiểu rất nhiều trong những năm qua. Giới Phật giáo tại các nước Âu, Mỹ cũng đã lưu tâm đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Các tổ chức Phật giáo Trung Quốc, Đài Bắc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia...đã tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Giáo hội.

II. CÁC MẶT HOẠT ĐỘNG

1. Trao đổi thông tin, tài liệu, văn thư hữu nghị 

- Văn thư trao đổi về các cuộc viếng thăm hữu nghị, tham dự Đại hội với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Hội Phật Quang Sơn, Hội Phật giáo Đồng tu Đài Bắc, Hội Như Lai Tối thắng WBSTF Sri Lanka, Tổ chức Niệm Phật tông ở Nhật Bản.

- Văn thư đóng góp ý kiến về tổ chức nhân sự với Thiền viện Trúc Lâm-Paris, Hội Phật tử người Việt tại Pháp, Hội Ái hữu Phật tử châu Âu.

- Văn thư hữu nghị, trao đổi ý kiến, tài liệu với Đại học Gottingen và Đại học Munich ở Đức quốc, Viện Nghiên cứu Tôn giáo và văn hóa Nanzan, Nagoya, Nhật Bản.

Văn thư, diễn văn tham luận đóng góp cho các Đại hội, các tạp chí, kỷ yếu, hội thảo giáo dục Phật giáo tại Trung Quốc. Đại hội Thượng đỉnh Phật giáotại Thái Lan, tại Cam-pu-chia, Đại học Delhi Ấn Độ, Đại học Aichi ở Nhật Bản, Đại học Sư phạm ở Trung Quốc, Đại học Văn hoá ở Đài Bắc, Trung tâm Thiền định ở Myanmar.

2.  Đón tiếp các đoàn khách, các đại diện tổ chức Phật giáo các Tăng, Ni Phật tử người Việt ở nước ngoài đến viếng thăm Giáo hội

- Văn phòng 1, 2 Trung ương Giáo hội đã đón tiếp 21 đoàn Phật giáo và khách quốc tế thuộc khu vực và các nước như: Cam-pu-chia, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Pháp, Đức ... qua các nội dung : Thông tin về Phật giáo Việt Nam, về Giáo hội, về các hoạt động Phật sự, những thành tựu cơ bản, dự kiến chương trình hợp tác hữu nghị, giới thiệu, giải thích, thảo luận về việc nghiên cứu Phật giáo, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật Phật giáo .

- Một số cơ sở Phật giáo và một số Ban Trị sự tại các Tỉnh, Thành hội cũng đã đón tiếp các đoàn khách quốc tế. Đây là mặt quan trọng trong việc giới thiệu những phát triển cụ thể, những nét văn hoá, sinh hoạt tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Số lượng các đoàn khách khá nhiều và gia tăng đều đặn.

- Đặc biệt Ban Phật giáo quốc tế đã thừa uỷ nhiệm của Trung ương Giáo hội tổ chức đón tiếp, thảo luận về sự hợp tác hữu nghị và đưa các đoàn Phật giáo các nước đi thăm nhiều cơ sở, nhiều danh lam thắng tích của Việt Nam. Đó là các đoàn Đại diện Niệm Phật tông Nhật Bản, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Những cuộc đón tiếp này đã thắt chặt tình hữu nghị giữa ta và bạn bè quốc tế, mở ra những hợp tác sau này.

- Rất nhiều giáo sư, học giả nhà nghiên cứu Phật học đã được các học viện, các trường trung cấp Phật học, các tự viện, Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học đón tiếp, giới thiệu về Phật giáo  Việt Nam, về các hoạt động Phật sự, như các công trình nghiên cứu dịch thuật Đại Tạng kinh, lịch sử Phật giáo, việc thực hiện in ấn phát hành kinh sách, báo chí Phật giáo.

3. Các cuộc viếng thăm hữu nghị, tham dự hội thảo, Đại hội của các phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại nước ngoài

-  Năm 1998 tham dự cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Nguồn gốc Phật giáo Thái Lan và các nước lân cận” tại Bangkok. Tham dự Đại hội IX ABCP Quốc tế tại Ulan Ba tor, Mông Cổ. Tham dự Đại hội Phật giáo quốc tế “Bức thông điệp vĩnh hằng của Đức Phật Tổ...” tại Colombo, Sri Lanka nhân kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của nước Cộng Hòa Sri Lanka. Phái đoàn của Giáo hội tham dự những cuộc hội thảo, Đại hội trên đã làm cho bạn hiểu rõ thêm về nguồn gốc lịch sử, truyền thống và phát triển của Phật giáo Việt Nam, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong đời sống xã hội Việt Nam, tình thân hữu giữa Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo của các nước, vì Hòa bình, hữu nghị và phát triển.

- Năm 1999, phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham gia Đại hội quốc tế Toàn cầu hóa tại Berlin, Đức, với 2 bài tham luận về Hòa bình trong đạo Phật và những đóng góp của Phật giáo Việt Nam cho đất nước. Năm 1998 và 2002, hai phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội Thượng đỉnh Phật giáo tại Kyoto Nhật Bản và tại Bangkok, Thái Lan. Tại cả hai Đại hội, đoàn Phật giáo Việt Nam một lần nữa đã khẳng định quan điểm tôn trọng Hòa bình, hợp tác hữu nghị và giới thiệu một số thành tựu cơ bản của Phật giáo Việt Nam. Cũng tại Đại hội này tại Thái Lan, phái đoàn Phật giáo Việt Nam đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam được suy cử là một trong những thành viên sáng lập của Hội Truyền bá Phật giáo thế giới.

- Năm 2000 và 2001, hai phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang viếng thăm hữu nghị Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đồng thời dự kiến phương hướng hợp tác hữu nghị về các mặt Nghiên cứu Phật học, hợp tác giáo dục, văn hóa Phật giáo . Cũng trong lần viếng thăm Trung Quốc năm 2001, phái đoàn Việt Nam gồm 7 vị đã tham gia Hội thảo Giáo dục Phật giáo tại Giang Tô, đóng góp tham luận và được phía bạn hoan hỷ tán thán.

- Năm 2001, hai thành viên của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đồng thời là thành viên của Hội đồng Trị sự được một nhóm giáo sư học giả thân hữu mời sang Hoa Kỳ dự một số hội thảo, tọa đàm về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam

- Năm 2002, Giáo hội lại có 3 đại diện cùng với phái đoàn tôn giáo Việt Nam tham dự Đại hội về Tôn giáo do UNESCO tổ chức tại New York, Mỹ và cũng đóng góp trước Đại hội về chức năng xây dựng hòa bình, an lạc hạnh phúc cho nhân loại của Phật giáo, làm cho bạn hiểu thêm về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở  Việt Nam.

- Năm 2002, Giáo hội cũng cử phái đoàn sang Paris thăm viếng Thiền viện Trúc Lâm góp phần ổn định tổ chức, sinh hoạt tại đây. Sau đó, Giáo hội đã cử Hòa thượng Trưởng ban Phật giáo quốc tế sang thăm, khích lệ và tiếp tục góp phần ổn định tổ chức sinh hoạt của Thiền viện.

Ngoài ra, chư Tăng, Ni, Phật tử du lịch, tham quan nước ngoài, đặc biệt là các Tăng, Ni sinh du học cũng đã phản ảnh những thành tựu cơ bản của Phật giáo  Việt Nam và tình hình sinh hoạt của Giáo hội.

4. Sưu tập tài liệu Phật giáo các nước, dịch thuật và phổ biến tài liệu, kinh sách Phật giáo 

Hội đồng Trị sự theo dõi và khuyến khích việc sưu tập tài liệu Phật giáo các nước của Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học, của các Học viện Phật giáo  Việt Nam. Một số sách về danh lam được viết bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa ngữ, tác phẩm khái lược Phật giáo Việt Nam viết bằng tiếng Anh sắp được hoàn tất, 6 luận án tiến sĩ bằng Anh ngữ đã được in ấn phát hành. Các sách báo Phật giáo bằng tiếng Việt được gửi đi nước ngoài càng ngày càng nhiều, cùng với các sách bằng tiếng Anh được gửi tặng các phái đoàn Phật giáo các nước bạn đến thăm.

Đồng thời, một số sách Phật giáo thời thượng trên thế giới bằng Anh ngữ, Pháp ngữ và Hoa ngữ cũng được các Tăng, Ni cư sĩ dịch ra tiếng Việt nhằm phổ cập tri thức Phật pháp cho độc giả người Việt. Các hoạt động Phật giáo quốc tế được sự giúp đỡ về kiến thức nhờ các trang web, nhờ đội ngũ khá đông đảo của các chuyên gia vi tính và các phương tiện truyền thông bằng sách vở, báo chí, tạp chí Nghiên cứu Phật học, nhất là tuần san, nguyệt san Giác Ngộ, Tập Văn của Ban Văn hoá Trung ương và của nhiều nội san, đặc san, kỷ yếu…

III. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ 

Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động Phật giáo quốc tế đã có những bước phát triển về chất lượng. Nhưng thành tựu nổi bật là việc mở rộng liên hệ với các tổ chức Phật giáo thân hữu, đặc biệt là đã đạt được bước tiến mới trong việc thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, với một số tổ chức, hội đoàn Phật giáo, như Hội Đồng tu Đài Bắc, Niệm Phật tông Nhật Bản, Hội Truyền bá Phật giáo thế giới, Hội Phật Quang Sơn Đài Bắc.

Trong khi đó, những khó khăn cơ bản vẫn chưa được vượt qua. Về mặt tổ chức, nhân sự, chuyên môn còn hạn chế, còn ít ỏi. Ban Phật giáo Quốc tế vẫn rất thiếu người có trình độ chuyên môn, sự liên lạc giữa các thành viên với Ban còn lỏng lẻo, thiếu thông tin và nhất là thiếu tài chính. Các hoạt động quốc tế tại các cơ sở và các Ban Trị sự rất hiếm khi được báo cáo lên Trung ương. Các cơ sở Phật giáo cũng như các văn phòng Trung ương Giáo hội ít chú ý đến các tặng phẩm gửi biếu các đoàn khách nước ngoài, do thiếu chuẩn bị đón tiếp cộng thêm với sự thiếu hiểu biết rõ về phía bạn, nên lắm khi các cuộc gặp gỡ quốc tế chưa đạt được kết quả như ý. Các phái đoàn Phật giáo Việt Nam khi viếng thăm hữu nghị các tổ chức, cơ sở Phật giáo nước bạn cũng ít để ý đến các tặng phẩm như tài liệu thông tin về hoạt động Phật giáo Việt Nam, quà tặng hữu nghị...Chúng ta còn nghèo và quả thực cái nghèo đã hạn chế sự biểu lộ tấm long của chúng ta. Chúng ta không dám có kế hoạch chủ động viếng thăm hay mời các tổ chức, cơ sở thân hữu của nhiều nước bạn đến thăm ta. Lại nữa, về truyền thông đại chúng, Phật giáo Việt Nam chưa có những trang web phong phú, đầy đủ để có thể đáp ứng yêu cầu của những Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam và nước ngoài. Các hình thức phổ biến giáo lý, kinh tụng, văn nghệ Phật giáo như băng đĩa còn nghèo nàn và chưa đáp ứng thủ tục pháp lý ngay tại trong nước thì khó mà gửi đi nước ngoài. Mức độ thông tin, sự giải thích, thậm chí những phủ dụ đến Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở hải ngoại là rất cần thiết để tạo sự đoàn kết gắn bó trong tình đạo, tình quê hương, sự hướng về Giáo hội Phật giáo Việt Nam của những người đang ở xa đất nước. Đây là cách hữu hiệu để xóa tan những hiểu lầm, hoặc những luận điệu xuyên tạc đối với Giáo hội.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA NHIỆM KỲ V

Từ tình hình thực tế, qua một số nhận định vừa nêu, chúng ta có thể để ra một số phương hướng hoạt động Phật giáo quốc tế cho nhiệm kỳ V của Giáo hội.

1. Củng cố và ổn định Ban Phật giáo quốc tế về nhân sự và phương hướng sinh hoạt, chú trọng đến các liên lạc giữa các thành viên với văn phòng Trung ương, cập nhật các thông tin về hoạt động quốc tế tại các Ban Trị sự với Trung ương Giáo hội.

2. Tiếp tục sưu tầm, dịch thuật các tài liệu Phật giáo các nước và một số sách báo Phật giáo quan trọng ở nước ngoài. Chuẩn bị về các tài liệu về sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam để giới thiệu với các tổ chức, cơ quan và cá nhân thân hữu.

3. Củng cố và phát triển mối liên hệ hợp tác hữu nghị với các tổ chức, cơ sở, hội đoàn Phật giáo ở các nước bạn, chú trọng thực hiện một số dự án hợp tác hữu nghị với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc về giáo dục và văn hóa Phật giáo, sự liên hệ với Phật giáo Lào, Campuchia.

4. Tiếp tục nỗ lực tìm hiểu, gần gũi Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở nước ngoài, vận động để có cơ sở liên lạc thường xuyên, tiến đến những cuộc thăm viếng và đón tiếp chân tình, cởi mở trong tinh thần đạo pháp, dân tộc, khích lệ tinh thần  đoàn kết, tu học, sự tương thân tương trợ giữa Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Đặc biệt chú trọng đến chư Tăng, Ni, Phật tử tại Pháp, Hoa Kỳ và Úc.

5. Liên hệ với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo của các tỉnh, thành và các cơ quan chức trách nhờ giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón tiếp các đoàn khách quốc tế, việc phổ biến các kinh sách, báo chí Phật giáo ra nước ngoài.

6.  Vận động gây quỹ sinh hoạt Phật giáo quốc tế để tài trợ cho các công trình nghiên cứu, dịch thuật liên hệ đến công tác Phật giáo quốc tế, cho việc mua sắm quà tặng, việc đón tiếp khách nước ngoài hay việc xuất ngoại viếng thăm hữu nghị, tham dự hội thảo, Đại hội quốc tế của các phái đoàn Phật giáo Việt Nam.

V. KẾT LUẬN 

Hoạt động Phật giáo quốc tế là một trong những mặt hoạt động quan trọng của Giáo hội, phải được tiến hành liên tục với những kỹ năng chuyên môn và Hoàn cảnh thuận lợi như đầy đủ nhân sự, kế hoạch cụ thể, có sự hợp tác của nhiều ban, ngành, sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương Giáo hội, sự giúp đỡ của chính quyền...

Những khó khăn, tồn tại vừa chủ quan và khách quan không thể được giải quyết trong vòng một đến hai năm. Việc hạn chế được những khó khăn, tồn tại đã là một thành công trong hoạt động Phật giáo quốc tế, nhưng những nỗ lực phải được thực hiện không ngừng và cần phải có nhiều giúp đỡ, nhiều thuận duyên hơn nữa để duy trì và phát triển hoạt động.

Ngoài ra, mối lưu tâm lớn nhất và hàng đầu trong các hoạt động của  Phật giáo quốc tế là làm sao tranh thủ sự đoàn kết, hợp tác hữu nghị và dứt khoát không để cho những âm mưu xấu có dịp xen vào, kích động, ngăn cản các hoạt động của Giáo hội ở trong và ngoài nước. Trong niềm tin tưởng ở chủ trương đúng đắn của Giáo hội, sự đồng tình giúp đỡ của Nhà nước, các ban ngành đoàn thể, của các tổ chức, hội đoàn Phật giáo thân hữu ở nước ngoài cũng như của chư Tăng, Ni, Phật tử, các hoạt động Phật giáo quốc tế sẽ phát triển không ngừng và mang lại những thành quả tốt đẹp.

Xin cảm ơn Đại hội

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng