Thông qua các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ V, trên cơ sở chương trình hoạt động 6 điểm của Giáo hội, về cơ bản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng củng cố, phát triển các mặt hoạt động, tăng cường sự đoàn kết hòa hợp các Hệ phái Phật giáo
BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHIỆM KỲ V (2002 - 2007) CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (Thượng tọa Thích Thiện Nhơn- Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng 2 trình bày báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ V)
___________
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm Ban Chứng minh. Kính thưa Đoàn Chủ toạ. Kính thưa Quý vị Khách quý. Kính thưa Quý vị Đại biểu.
Hôm nay, giữa Thủ đô Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, trái tim của Tổ quốc, cái nôi của Phật giáo Việt Nam, trong bầu không khí trang nghiêm, đoàn kết, hòa hợp, hoan hỷ của Đại hội, tất cả những người con Phật chúng ta từ mọi miền Đất nước vân tập về đây để cùng nhau điểm lại những Phật sự của Tăng, Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện trong 5 năm của nhiệm kỳ V (2002-2007), thông qua Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012) - nhiệm kỳ thứ hai của thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình hợp tác và phát triển toàn cầu.
Trong Đại hội này, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin trình bày tóm tắt các mặt hoạt động Phật sự trong 5 năm qua như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Năm năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng với nhân dân cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới, từng bước phát triển trên các lĩnh vực, nổi bật nhất là kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và ngoại giao, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng dân giàu, nước mạnh, hòa bình, hợp tác và hữu nghị với cộng đồng các nước trên thế giới. Nhất là Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội APEC, và trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), gần đây nhất, tại Liệp Hiệp Quốc, Việt Nam chúng ta được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ (2008-2009), tham dự các Đại hội của ASEAN và khu vực. Đồng thời, trong nước chúng ta tham gia bầu cử Quốc hội khoá XII thành công tốt đẹp.
Các vị giáo phẩm tiêu biểu của Giáo hội được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, Đại biểu Quốc hội khoá XII, nói lên sự hòa nhập tích cực giữa Phật giáo với cộng đồng Dân tộc, tinh thần gắn bó giữa Đạo với Đời, phục vụ dân tộc - Một truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, nhằm tiếp tục sự nghiệp Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Trong tinh thần hòa hợp đoàn kết - phụng đạo - yêu nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra chương trình hoạt động trên cơ sở 6 điểm căn bản, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, tạo thành một sức sống mãnh liệt, là nguồn cổ vũ lớn lao cho Tăng, Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước tin tưởng vào chủ trương và đường lối lãnh đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng trang nghiêm, phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.
Mặt khác, trên cơ sở chương trình hoạt động của Giáo hội, các Ban, Ngành, Viện Trung ương như: Tăng Sự, Giáo dục Tăng, Ni, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Nghi lễ, Văn hoá, Từ thiện xã hội, Kinh tế Tài chính, Phật giáo Quốc tế, Nghiên cứu Phật học đã được củng cố, tăng cường nhân sự cùng với chương trình hoạt động cụ thể, sinh động và đa dạng... đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Sự thành tựu đó là do tất cả những hoạt động Phật sự đều dựa trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức từ Trung ương đến địa phương Tỉnh, Thành hội Phật giáo, thể hiện nhuần nhuyễn tinh thần đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội. Qua đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vững bước đi lên, lớn mạnh theo uy tín và niềm tin của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, phát huy được ảnh hưởng sâu rộng đối với cộng đồng Phật giáo Quốc tế.
Từ những đặc điểm nêu trên, hôm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI, không chỉ tổng kết các mặt hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ V (2002-2007), nhiệm kỳ tiếp theo mở đầu của thế kỷ 21, mà còn tổng kết những thành tựu to lớn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được, sau hơn 25 năm hình thành và phát triển. Cụ thể là Giáo hội đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2006), đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của lịch sử Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại.
II. CÁC THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
A. VỀ MẶT TỔ CHỨC
1. Các Ban, Ngành, Viện Trung ương
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ V, theo tinh thần Hiến chương, Giáo hội có 10 Ban, Ngành, Viện trực thuộc Trung ương. Mỗi Ban có 40 thành viên và các Phân Ban, có nội quy sinh hoạt và phòng làm việc đặt tại Văn phòng Trung ương Giáo hội, hoạt động hài hòa dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã tiến hành công tác tu chỉnh Nội quy hoạt động của Ban Thường trực, Nội quy hoạt động của các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo để góp phần tăng cường hiệu năng hoạt động, phát triển Giáo hội trang nghiêm vững mạnh trong xu thế phát triển của thế giới trong thế kỷ 21, Trung ương Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã tổ chức Hội thảo, tọa đàm Tăng sự, bồi dưỡng Hoằng pháp, bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính, nghiệp vụ Giáo dục, Từ thiện xã hội, hội thảo Huynh trưởng cấp Dũng, cấp Tấn, mở trại huấn luyện Vạn Hạnh, Lục Hòa là trại cao nhất của Gia đình Phật tử, Đại hội mở rộng của Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa, Ban Kinh tế tài chính Trung ương, hội thảo Quốc tế, Khoa học ...
Tại các địa phương, thực hiện thông tri, thông bạch của Trung ương Giáo hội, các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã triển khai, thực hiện nội dung các nội quy hoạt động của Ban Trị sự và Ban, Ngành, Viện Trung ương, góp phần tăng cường công tác xây dựng, củng cố và phát triển Phật sự tại địa phương, đề ra phương hướng hoạt động chung của các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, thực hiện có hiệu quả chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương và Tỉnh, Thành hội, giúp cho bộ máy làm việc của các Ban Trị sự sinh động và phong phú. Nhất là qua các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính, bồi dưỡng trụ trì, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở trong mùa An cư Kiết hạ hoặc sau các khoá An cư kiết Hạ hàng năm tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Dương, Long An, Phú Yên, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Thuận, Thừa Thiên-Huế, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Tây ... đã giúp cho Tăng, Ni, Phật tử có thêm cơ sở để hoạt động Phật sự có hiệu quả.
2. Cơ sở Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban Trị sự
Được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước và sự ủng hộ tài chính của Tăng, Ni, Phật tử, Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã được trùng tu xây dựng và nâng cấp một số hạng mục công trình khang trang nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác Phật sự của Trung ương Giáo hội.
Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội tại thành phố Hồ Chí Minh, đã xây dựng hoàn tất hạng mục 1 gồm: Chính điện, hội trường, chi phí trên 3 tỷ đồng. Các hạng mục tiếp theo của công trình đang chờ các cơ quan chức năng giải tỏa mặt bằng để thi công.
Văn phòng Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Daknông, Đắc Lắc, Bình Thuận, Bình Phước, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang v.v… đã được trùng tu, xây dựng khang trang, tiện nghi, giúp cho công tác hành chính của các Ban Trị sự đều được thuận lợi.
3. Xây dựng và củng cố các cấp Giáo hội tại địa phương
Thực hiện tinh thần Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm kiện toàn hệ thống lãnh đạo, tổ chức và tăng cường hiệu năng hoạt động của Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội, đến nay đã có 51/54 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức Đại hội theo đúng thời gian quy định, các đơn vị còn lại do mới thành lập vào năm 2006 và năm 2007. Trên tinh thần trang nghiêm và trẻ hoá hàng ngũ kế thừa các cấp lãnh đạo Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã kết hợp hài hòa giữa các quy định của Hiến chương và thực tế tại địa phương, mỗi thành viên Ban Trị sự phải hội đủ các yếu tố phẩm chất đạo đức và năng lực để điều hành các hoạt động Phật sự ngày càng đa dạng, phong phú theo hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, việc quán triệt và thực hiện Hiến chương, quy định của Giáo hội ở một vài đơn vị Tỉnh, Thành hội vừa mới được thành lập, nhất là các đơn vị này nhân sự quá mỏng nên công tác Phật sự có phần bị hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, Giáo hội cần quan tâm giúp đỡ và chỉ đạo có hiệu quả hơn.
4. Góp ý Dự thảo Tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Căn cứ Nghị quyết Đại hội kỳ 4 khóa V Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, căn cứ thông bạch số 405/CV/HĐTS ngày 11-10-2005 và thông tư số 104 ngày 21-3-2006 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam “ V/v hướng dẫn Ban Ngành Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức lấy ý kiến tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, qua thời gian thực hiện, với 3 lần góp ý Tu chỉnh Hiến chương Giáo hội, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Phân Ban Dự thảo góp ý Tu chỉnh Hiến chương đã tổng hợp những ý kiến đóng góp của Ban Ngành Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo một cách hợp lý và khả thi, trình Đại hội Ban Thường trực Hội đồng Trị sự 6 tháng đầu năm 2007 thông qua.
5. Lễ kỷ niệm và Hội thảo 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thực hiện tinh thần thông bạch số 430/TB/HĐTS ngày 28-6-2006, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc đã đồng loạt tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981 - 07/11/2006) tại Văn phòng Ban Trị sự.
Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội, Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội kết hợp với Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, dưới sự chứng minh, tham dự của Chư tôn giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Ban Đại diện các Quận, Huyện, Thị, chư Tôn đức Tăng, Ni, đại diện Đảng, Nhà nước. Đại diện Chính phủ có Cụ Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch nước đã đến tham dự, phát biểu và tặng hoa chúc mừng. Đặc biệt có Cụ Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Tham dự Lễ kỷ niệm có trên 1200 Tăng, Ni, Phật tử Thủ đô.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo kết hợp với Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội tổ chức Lễ kỷ niệm tại Hội trường Nhà văn hóa truyền thống Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, chùa Phổ Quang, Quận Tân Bình.
Ngày 16-01-2007, tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức khai mạc Hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam với hơn 200 đại biểu tham dự, có 51 tham luận được chư Tôn đức Tăng, Ni, quý Giáo sư, các nhà nghiên cứu nhiệt tâm gửi đến đóng góp và trình bày tại cuộc hội thảo. Hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thành tựu viên mãn, góp phần bổ sung cho chương trình hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ tới.
6. Đại hội chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer
Được sự ủng hộ của Ban Tôn giáo Chính phủ, Vụ Phật giáo phối hợp với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã tổ chức thành công Đại hội chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ nhất tại tỉnh Sóc Trăng vào ngày 29, 30-11-2004 và Đại hội lần thứ hai ngày 21, 22-6-2006 tại thành phố Cần Thơ, với sự tham dự của đại biểu đại diện Phật giáo Nam tông Khmer. Đại hội đã ghi nhận ý kiến phát biểu và đề nghị của Quý Đại biểu Phật giáo Nam tông Khmer về mặt tổ chức, quản lý, sinh hoạt của chư Tăng, Tự viện và công tác giáo dục v.v... Cả hai Đại hội đều thành công tốt đẹp bằng chính tinh thần đoàn kết hòa hợp, cùng chung lo Phật sự, đồng thời đã hoạch định một chương trình hoạt động cụ thể, nhằm giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng phát triển đồng bộ, có chiều rộng lẫn chiều sâu, mang tính đặc thù và bản sắc văn hóa dân tộc.
B. HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CHUYÊN NGÀNH
1. Tăng sự
Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của các nhiệm kỳ, Ban Tăng sự Trung ương theo chức năng và nhiệm vụ được giao, đã bám sát và triển khai các công tác trọng tâm theo chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội được xuyên suốt và hiệu quả:
1.1. Công tác thống kê Tăng, Ni, Tự viện
Đây là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội, từ nhiệm kỳ II, Giáo hội đã tiến hành thống kê Tăng, Ni, tự viện. Đến nhiệm kỳ V, công tác thông kê Tăng, Ni, tự viện đã đạt được kết quả hoàn chỉnh ở mức độ cụ thể và chính xác. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước có:
• Tăng, Ni: 44.498 vị Trong đó: Bắc tông: 32.625 Tăng, Ni Nam tông: 8.919 (8.574 Nam tông Khmer và 345 Nam tông Kinh ) Khất sĩ: 2.954 Tăng, Ni
• Về tự viện có: 14.775 ngôi Bắc Tông: 13.665, Nam Tông: 570, Khất sĩ: 540.
1.2. Cấp giấy Chứng nhận Tăng, Ni
Việc xuất gia tu học, tạm trú, nhập hộ khẩu cho Tăng, Ni tại các Tự viện được tiến hành đều đặn có hiệu quả, đã giúp Trung ương Giáo hội cũng như địa phương quản lý Tăng, Ni, tự viện được dễ dàng, góp phần làm cho Tăng, Ni tại các cơ sở tự viện nhất tâm đoàn kết xung quanh Giáo hội.
Đến nay, Trung ương Giáo hội đã cấp 4.667 giấy chứng nhận Tăng, Ni trong cả nước, đổi mới 954 giấy chứng nhận Tăng, Ni. Cấp 530 giấy Chứng nhận Tu sĩ Nam tông Khmer.
1.3. Tổ chức An cư Kiết hạ
Thực hiện tinh thần duy trì Tỳ Ni Luật tạng Phật chế, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, tu tập Tam vô lậu học “Giới-Định-Tuệ”, giữ gìn quy củ Tùng Lâm, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội, hằng năm Trung ương Giáo hội đều có thông bạch hướng dẫn các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức An cư Kiết hạ. Mỗi năm có từ 25.000 đến 30.000 Tăng, Ni an cư tập trung và Tăng, Ni an cư tại chỗ, trong tinh thần hòa hợp đoàn kết, không phân biệt Sơn môn, Hệ phái. Qua đó, Trung ương Giáo hội đã duyệt và cấp 4.250 chứng điệp an cư cho Tăng, Ni an cư lần đầu.
Về nội dung tu học, Ban giảng huấn các Trường Hạ trích giảng các môn Kinh, Luật, Luận theo chương trình Học viện Phật giáo Việt Nam, Cao đẳng Phật học, Trung cấp Phật học và một số môn sinh hoạt Giáo hội và ngoại khóa. Đồng thời, mời đại diện các cơ quan Ban Tôn giáo, Ban Tuyên huấn, Dân vận, Mặt trận Tổ quốc trình bày một số chuyên đề về chính sách tín ngưỡng tôn giáo, báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước, triển khai Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và phổ biến Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, hưởng ứng đợt phát động phong trào hội thi tìm hiểu và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cho Tăng, Ni các Trường Hạ để góp phần làm “tốt Đạo, đẹp Đời”.
1.4. Tổ chức Giới đàn
Đáp ứng yêu cầu thọ giới tu học, hành đạo của Tăng, Ni và để trang nghiêm ngôi Tam Bảo, Trung ương Giáo hội và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã quan tâm tổ chức các giới đàn tại các địa phương. Số lượng giới tử thụ giới ngày càng đông. Các giới đàn được tổ chức nghiêm túc đúng theo quy phạm Thiền gia, thể hiện tinh thần trách nhiệm và mối quan tâm hàng đầu của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội từ Trung ương đến Tỉnh, Thành hội. Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự hướng dẫn và cho phép của Giáo hội và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đã có 40/54 Ban Trị sự Phật giáo tổ chức thành công 60 giới đàn, với 13.878 giới tử thọ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni và hàng ngàn giới tử phát nguyện thọ Thập thiện và Bồ tát giới. Nhiều Tỉnh, Thành hội trong cả nước khi tổ chức đại giới đàn đều có sự chú ý việc thụ giới theo nghi thức riêng giữa Bắc Tông và Nam Tông. Đồng thời có sự quan tâm đến nghi thức biệt truyền của Tăng, Ni Khất sĩ trong việc khảo hạch giới tử về môn Luật và nghi thức tụng niệm theo Hệ phái. Ban tổ chức, Thập sư truyền giới bao gồm các vị giáo phẩm của Hệ phái cùng chủ trì và thực hiện tốt trong tinh thần đoàn kết hòa hợp của người con Phật. Qua đó, Trung ương Giáo hội đã duyệt cấp 12.083 chứng điệp thọ giới.
1.5. Bổ nhiệm Trụ trì
Cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường là những tế bào của Giáo hội. Do đó, công tác quản lý và điều hành cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng tại địa phương là điều rất quan trọng. Căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, được sự tận tình giúp đỡ của các cơ quan chức năng lãnh đạo địa phương, Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã bổ nhiệm 1.190 Tăng, Ni trụ trì các cơ sở tự viện của Giáo hội trong toàn quốc.
Tuy nhiên, còn một số Tỉnh, Thành hội, việc bổ nhiệm trụ trì hoặc thu nhận Tăng, Ni trẻ vào những tự viện, chuyển nhập khẩu vào chùa, vẫn còn gặp khó khăn, do nhiều nguyên nhân cũng như thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp và vướng mắc, chưa có hướng giải quyết cụ thể giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các quy định của Giáo hội.
1.6. Bồi dưỡng Hành chính và Trụ trì
Để tăng cường hiệu năng quản lý sinh hoạt, điều hành, hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử tu học, sinh hoạt tín ngưỡng tại cơ sở, vị trụ trì có chức năng là cầu nối, là cán bộ của Giáo hội tại địa phương. Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã phối hợp tổ chức các khoá Bồi dưỡng Trụ trì, bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính trong mùa An cư kiết Hạ hoặc sau mùa hạ. Qua đó, đã có 6.073 lượt Tăng, Ni trụ trì các cơ sở tự viện của Giáo hội thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tây, Nam Định, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long v.v... tham dự.
1.7. Tình hình sinh hoạt của Tăng, Ni, Tự viện
Tình hình sinh hoạt Tăng, Ni, tự viện tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước tương đối ổn định đoàn kết hòa hợp, tuân thủ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nội quy Ban Tăng sự Trung ương, thực hiện tốt các chính sách pháp luật, làm tròn bổn phận công dân, thực hiện hữu hiệu phương châm của Giáo hội “Đạo Pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”, góp phần trang nghiêm, phát triển Giáo hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít Tăng, Ni, cơ sở tự viện sinh hoạt chưa được đoàn kết hòa hợp thực sự, một số hình thức sinh hoạt chưa phù hợp, chưa đúng chính pháp và Luật Phật, đã gây ra những phức tạp, khó khăn, làm hạn chế các hoạt động Phật sự tại địa phương. Nhất là tình trạng khất thực phi pháp, sử dụng giấy tờ giả, ở nhà trọ, nhà khách, nhà Phật tử v.v... của một số ít Tăng, Ni tại một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo chưa được khắc phục và giải quyết ổn định.
1.8. Tình hình sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer
Nhằm hỗ trợ cho Phật giáo Nam tông Khmer hoạt động có hiệu quả, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cùng Ban Tôn giáo Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí in ấn hoàn tất 24 đầu kinh sách Phật giáo Nam tông Khmer với tổng số 110.000 cuốn và làm lễ trao số kinh sách nói trên cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Hiện đang tiếp tục in ấn thêm 53 đầu Kinh sách Phật giáo Nam tông Khmer. Đã bổ nhiệm, hợp thức hóa cho 520 vị trụ trì, khắc dấu cho 430 cơ sở Tự viện, công nhận Ban Quản trị 452 cơ sở Phật giáo Nam tông Khmer. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã được thành lập và đi vào hoạt động.
2. Giáo dục Tăng, Ni
Nhằm đào tạo một thế hệ Tăng, Ni trẻ có trình độ về Phật học và thế học, để đảm nhận các công tác Phật sự của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương và tham gia hoạt động Quốc tế của Phật giáo, chương trình giáo dục và đào tạo Tăng, Ni luôn được Giáo hội quan tâm đặc biệt đối với từng cấp học Học viện, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp Phật học. Qua đó, công tác giáo dục Tăng, Ni đạt được những thành tựu đáng kể. Cụ thể như sau:
2.1. Học viện Phật giáo Việt Nam
Trong nhiệm kỳ V, có 711 Tăng, Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, hiện đang đào tạo 2236 Tăng, Ni sinh tại Học viện Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội: Hội đồng điều hành Học viện đã tổ chức thi tốt nghiệp và phát bằng cử nhân Phật học cho 194 Tăng, Ni sinh Khóa IV (2002-2006) tốt nghiệp. Tuyển sinh và khai giảng Khóa V (2006-2010), với 276 Tăng, Ni sinh theo học năm thứ nhất Khóa V. Cùng với việc triển khai công tác giáo dục đào tạo Tăng, Ni, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới. Dự án xây dựng Học viện đã được hoàn tất giai đoạn I với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tu học nội trú cho khoảng 400 Tăng, Ni sinh và đang tiếp tục triển khai giai đoạn II.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế: Hội đồng điều hành Học viện đã hoàn tất chương trình đào tạo khóa II (2001-2005), có 151 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học (57 Tăng, 94 Ni). Khóa III (2005-2009), có 176 Tăng, Ni sinh đã hoàn tất năm học thứ II (2006-2007). Khóa IV (2007-2011) khóa gối đầu có 65 Tăng, Ni sinh theo học.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh: Tổ chức thi tốt nghiệp phát bằng cử nhân Phật học cho 366 Tăng, Ni sinh Khóa V (2001-2005), tuyển sinh Khóa VI (2005-2009) hiện đang giảng dạy chương trình năm học thứ hai, có 676 Tăng, Ni sinh theo học. Đồng thời được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ và Trung ương Giáo hội, Hội đồng Điều hành Học viện đã tổ chức tuyển sinh và khai giảng năm học thứ nhất khóa VII (2007-2011) khóa gối đầu, có 974 Tăng, Ni sinh theo học.
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ: Được sự cho phép và quan tâm của Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ, huyện Ô Môn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và tổ chức lễ ra mắt Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Nam tông Khmer vào ngày 06-12-2006. Trong thời gian chờ xây dựng cơ sở Học viện, Văn phòng và lớp học tạm của Học viện được đặt tại chùa Pôthisomrôn, phường Châu Văn Liêm, Quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Hiện có 69 Tăng sinh Nam tông Khmer theo học năm học thứ nhất Khóa I (2007-2011).
Rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, điều hành ở các khoá trước, Học viện Phật giáo Việt Nam đã có nhiều cải tiến trong chương trình học và dạy. Để chương trình đào tạo được nâng cao và phong phú hoá, phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại, ngoài những giảng sư Phật học cơ hữu, Hội đồng điều hành các Học viện cũng đã liên hệ mời thêm quý Giáo sư, Tiến sĩ các trường Đại học trong nước và nước ngoài tham gia giảng dạy tại các Học viện.
Ngoài ra, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội kết hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Lớp đại học tại chức chuyên ngành triết học và tôn giáo học, trong đó chuẩn bị tốt nghiệp là trên 55 vị và chuẩn bị khai giảng năm thứ nhất khoá mới là 110 vị
2.2. Cao đẳng Phật học
Hiện tại, có 8 lớp Cao đẳng Phật học đang hoạt động theo hệ thống Trường Trung cấp Phật học. Trong 5 năm qua, có 849 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp và 844 Tăng, Ni sinh đang theo học các lớp Cao đẳng Phật học.
- Lớp Cao đẳng Phật học Hà Nội thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đã hoàn tất Khóa I (2002-2005) vào tháng 12/2005, có 76 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp. Khóa II (2006-2009), có 49 Tăng, Ni sinh theo học.
- Lớp Cao đẳng Phật học Thành phố. Hồ Chí Minh, đã đào tạo hoàn tất Khóa III (2002-2005), có 541 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp (246 Tăng, 295 Ni), Hiện đang đào tạo Khóa IV (2005-2009), có 648 Tăng, Ni sinh (263 Tăng, 385 Ni).
- Lớp Cao đẳng Phật học Thừa Thiên Huế: đang đào tạo năm thứ 3 - Khóa I (2005-2009), có 48 Tăng, Ni sinh theo học.
- Lớp Cao đẳng Phật học Quảng Nam: đang giảng dạy năm học thứ 3 Khóa I, có 32 Tăng, Ni sinh theo học.
- Lớp Cao đẳng Phật học Lâm Đồng: Có 19 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp Khóa I (1999-2003), Khóa II (2004-2008), có 37 Tăng, Ni sinh theo học.
- Lớp Cao đẳng Phật học Bà Rịa-Vũng Tàu: Khóa III (2004-2007), có 143 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp. Hiện đang xin phép chiêu sinh Khóa IV (2008-2011).
- Lớp Cao đẳng Phật học thành phố Cần Thơ: Khóa II, có 70 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp. Hiện nay đang tạm ngưng hoạt động vì công tác chiêu sinh chưa hoàn tất.
- Lớp Cao đẳng Phật học Bạc Liêu: Đang giảng dạy Khóa I, có 30 Tăng, Ni sinh theo học.
Nhìn chung, các lớp Cao đẳng đang nỗ lực hoạt động, đáp ứng nhu cầu nâng cao sự học và tu của Tăng, Ni sinh tại các đơn vị Tỉnh, Thành hội.
Để chuyển đổi hệ thống Lớp Cao đẳng Phật học thành Trường Cao đẳng Phật học, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Giáo dục Tăng, Ni đã lập thủ tục đề nghị Chính phủ cho phép đổi tên và thành lập Trường Cao đẳng nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.
2.3. Trường Trung cấp Phật học
Hiện nay có 28 Trường Trung cấp Phật học, phía Bắc có 06 Trường (thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Hà Tây), phía Nam có 22 Trường (thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Quảng Ngãi). Trường Trung cấp Phật học An Giang đang lập thủ tục chiêu sinh khóa I, Bà Rịa Vũng Tàu chiêu sinh Khóa VI, Trà Vinh chiêu sinh khóa III (2007-2011), Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương, tỉnh Kiên Giang đang tạm ngưng hoạt động. Các Trường khác đều đang giảng dạy từ năm thứ I đến năm thứ IV từ khóa II đến Khóa VI. Trong nhiệm kỳ V, tính từ niên khóa 2002 đến 2007, đã có 3.339 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp, đang đào tạo 2.333 Tăng, Ni sinh Trung cấp Phật học. Gồm có :
- Thành phố Hà Nội: 186 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa IV, 96 Tăng, Ni sinh đang học khóa V.
- Thành phố Hồ Chí Minh: 735 Tăng, Ni tốt nghiệp Khóa IV, 705 Tăng, Ni sinh đang học khóa V, 248 Tăng, Ni sinh đang học Khóa VI.
- Thành phố Đà Nẵng: 93 Tăng, Ni tốt nghiệp Khóa II, 89 Tăng, Ni sinh đang học khóa III.
- Thừa Thiên-Huế: 134 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa II, 183 Tăng, Ni sinh đang học khóa III.
- Đồng Tháp: 54 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa IV, 64 Tăng, Ni sinh đang học khóa V.
- Trà Vinh: 49 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa I, 53 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa II, đang chiêu sinh khóa III.
- Tiền Giang: 110 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa III, 133 Tăng, Ni sinh đang học khóa IV.
- Bình Thuận: 50 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa III, 76 Tăng, Ni sinh đang học khóa IV và 63 Tăng, Ni sinh đang học khóa V. Khóa VI (2007-2012) có 30 Tăng, Ni sinh theo học.
- Long An: 184 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa III.
- Vĩnh Long: 58 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa III, 85 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp khóa IV, đang giảng dạy năm thứ nhất khóa V (2007-2011).
- Đồng Nai: 702 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa I đến IV, 140 Tăng, Ni sinh đang học khóa V.
- Bạc Liêu: 60 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa I, 70 Tăng, Ni sinh đang học khóa II.
- Phú Yên : 31 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa II.
- Khánh Hòa: 115 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa III, 127 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp khóa IV, đang giảng dạy năm thứ nhất khóa V, có 116 Tăng, Ni sinh theo học.
- Bà Rịa-Vũng Tàu: 127 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa V, đang chiêu sinh khóa VI.
- Quảng Nam: 37 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp khóa II (2000 - 2004), 43 Tăng, Ni sinh tốt nghiệp Khóa III (2003-2007), đang giảng dạy năm thứ I Khóa IV, có 50 Tăng, Ni sinh theo học.
- Quảng Ngãi: 45 Tăng, Ni sinh đang theo học năm thứ II Khóa I.
- Lâm Đồng : 100 Tăng, Ni sinh đang học khóa IV, 102 Tăng, Ni sinh học Khóa V.
- Ninh Thuận : 67 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa III, 44 Tăng, Ni sinh đang học khóa IV.
- Bình Định : 147 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa III, 95 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa IV, đang chiêu sinh khóa V.
- Hải Dương: 56 Tăng, Ni sinh đang học khóa IV.
- Nam Định: 198 Tăng, Ni tốt nghiệp khóa III.
- Hải Phòng: 93 Tăng, Ni sinh đang học khóa V.
- An Giang: Đang chiêu sinh Khóa I, dự kiến khai giảng vào đầu năm 2008.
Hiện nay, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai đang chờ ý kiến cho phép thành lập Trường Trung cấp Phật học của các Cơ quan chức năng liên hệ.
2.4. Sơ cấp Phật học
Nhằm tạo điều kiện căn bản cho những Tăng, Ni mới xuất gia tu học Phật pháp, đồng thời làm cơ sở cho việc tuyển sinh tại các trường Trung cấp Phật học, các lớp sơ cấp Phật học tại một số Tỉnh, Thành hội đã được tổ chức và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện có hơn 2.000 Tăng, Ni sinh đã tốt nghiệp và hơn 1.500 Tăng, Ni sinh đang theo học chương trình sơ cấp Phật học tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc, như: Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Cà Mau và An Giang...
2.5. Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer
Đối với chư Tăng Nam Tông Khmer tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long được sự giúp đỡ của các cơ quan lãnh đạo chính quyền, Mặt trận, Ban Dân tộc ở Trung ương và địa phương, Giáo hội đã mở lớp Vini và Pali trung cấp, sơ cấp, Khmer ngữ và bổ túc văn hóa cấp 1, 2, 3, mở lớp dạy Anh văn, tin học cho chư Tăng Nam tông Khmer.
- Thành phố. Cần Thơ: Hiện có 3 lớp học Pali sơ cấp, với 66 Tăng sinh theo học.
- Trà Vinh: Qua 5 năm hoạt động, đã tổ chức được 266 lớp, có 5.055 Tăng sinh tham dự.
- Kiên Giang: Lớp Pali sơ cấp có 879 học viên, Lớp Kinh, Luận, Giới có 1.295 học viên, Lớp Khmer ngữ có 21.600 học viên.
- Sóc Trăng: Qua 5 năm đào tạo, có trên 200 Tăng sinh tốt nghiệp Trung cấp cả hai hệ Văn hóa phổ thông Pali và Khmer ngữ, Có 219 lớp Sơ cấp Pali với 3.185 Tăng sinh dự học.
- Vĩnh Long: Có 7/13 chùa Nam tông Khmer tổ chức Lớp Sơ cấp Pali dành cho Chư Tăng Nam tông Khmer trong tỉnh.
- An Giang: Có 3 Lớp Sơ cấp Pali, với 104 Sư sãi theo học.
- Bạc Liêu: có 7 Lớp Sơ cấp Phật học dành cho Chư Tăng Nam tông Khmer.
- Cà Mau: có 3 lớp Pali, với 56 Sư sãi theo học.
Ngoài ra, đa số các chùa Nam tông Khmer đều tổ chức dạy tiếng dân tộc cho con em người dân tộc ở độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi.
Việc tổ chức thành công các lớp học nêu trên đã góp phần hoàn thiện chương trình giáo dục Tăng, Ni của Giáo hội.
2.6. Du học
Được sự giúp đỡ của Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương, nhằm nâng cao trình độ Phật học, thế học cho Tăng, Ni sinh, trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội đã cho phép và giới thiệu 178 Tăng, Ni du học các nước: Ấn Độ (30), Thái Lan (10), Myanmar (10), Đài Loan (119), Trung Quốc (9), Hàn Quốc (1) .v.v… Đồng thời giới thiệu 65 Tăng, Ni học Tiến sĩ và Phó Tiến sĩ Phật học.
Cũng trong thời gian qua, có trên 50 Tăng, Ni hoàn tất chương trình Tiến sĩ, Thạc sỹ Phật học Ấn Độ, Trung Quốc và đã về nước, hiện đang công tác tại các cấp Giáo hội, Ban Viện Trung ương, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và các cơ sở giáo dục Phật giáo.
2.7. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm và hội thảo chuyên đề Giáo dục Phật giáo
Được sự cho phép của Trung ương Giáo hội và Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Giáo dục Tăng, Ni Trung ương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Giáo dục Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại vào các ngày 14, 15-4-2004 tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam-Thiền viện Quảng Đức, thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 200 đại biểu tham dự. Đồng thời, để bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ Giáo dục Sư phạm Phật giáo, Ban Giáo dục Tăng, Ni Trung ương đã tổ chức Khóa bồi dưỡng từ ngày 25-8 đến ngày 01-9-2006 tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, có gần 300 đại biểu là Tăng, Ni, Cư sĩ thuộc thành viên Ban Giáo dục Tăng, Ni, Ban giảng huấn các trường Trung cấp Phật học phía Nam tham dự. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cũng đã tự tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng sư của Học viện.
Nhìn chung, đối với các cơ sở giáo dục tại địa phương, đều được Ban Trị sự, Ban Giám hiệu Trường quan tâm đặc biệt. Qua đó, hầu hết các Trường Phật học đều khang trang, đầy đủ tiện nghi. Một số Trường tổ chức cho Tăng, Ni sinh học nội trú.
Về công tác giảng dạy và nội dung học tập tại các trường đã kết hợp hài hòa giữa nội điển và ngoại điển. Thái độ học tập của Tăng, Ni nghiêm túc, chuyên cần. Nề nếp sinh hoạt của nhà trường cũng như đời sống tu học của Tăng, Ni sinh luôn được Ban Giám hiệu và Ban Trị sự quan tâm giúp đỡ và nâng cao.
Tăng, Ni sinh tốt nghiệp các trường Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam đa số đang tích cực phục vụ tại các Ban, Ngành, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, các Trường Phật học, hoặc trụ trì tại các trú xứ để quản lý, điều hành các cơ sở tự viện tại địa phương. Có thể nói, trên nhiều lĩnh vực, Tăng, Ni sinh ra trường đã hoàn thành tốt trọng trách được giao và điều đó một lần nữa khẳng định đường lối giáo dục Tăng, Ni của Giáo hội trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, đạt hiệu quả và ngày càng phát triển.
Bên cạnh những thành quả rất đáng khích lệ, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nội dung chương trình giảng dạy và học tập của Giáo hội đề ra chưa hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở một vài địa phương. Mặt khác, chất lượng đào tạo và kết quả học tập của một số Tăng, Ni sinh ở một số ít Trường chưa cao, do thiếu giáo sư, giáo án của các cấp chưa được biên soạn thống nhất và hoàn chỉnh.
3. Hoằng pháp
Trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh của Giáo hội, nhiệm kỳ qua Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hoằng pháp các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã đạt được một số Phật sự như sau.
3.1. Đào tạo Giảng sư
Để đào tạo nhân sự cho ngành Hoằng pháp, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức các khóa đào tạo giảng sư ngắn hạn và dài hạn. Qua đó, trong thời gian qua đã đào tạo được 3 khóa, với thời gian học 3 năm, kết quả có 540 Tăng, Ni giảng sinh tốt nghiệp Cao cấp và Trung cấp giảng sư.
Hiện nay Ban Hoằng pháp Trung ương đang đào tạo Khóa IV Lớp Cao cấp giảng sư có 105 Tăng, Ni giảng sinh theo học, dự kiến bế giảng vào cuối năm 2007. Lớp Trung cấp giảng sư có 49 Tăng, Ni giảng sinh theo học. Điểm học được đặt tại chùa Hòa Khánh, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
3.2. Thành lập Giảng sư Đoàn Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo
- Ngày 09-4-2006: Tại Tòa soạn Báo Giác Ngộ, đã làm lễ ra mắt Ban Điều hành Giảng sư Đoàn Trung ương gồm 15 thành viên, do Thượng toạ Thích Thiện Bảo - Phó Ban Hoằng pháp Trung ương làm Trưởng đoàn.
- Ngày 24-01-2007: Tại Hội trường Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức lễ ra mắt Đoàn Giảng sư Trung ương và trao giấy chứng nhận cho 128 thành viên Đoàn giảng sư Trung ương.
- Tại các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo, công tác thành lập Giảng sư đoàn thuộc các Tỉnh hầu hết đều được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó, công tác Hoằng pháp đã đến được tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
3.3. Tổ chức Khóa bồi dưỡng, hội thảo Hoằng pháp
- Ngày 09 - 10/5/2004 : Tổ chức khóa Bồi dưỡng giảng sư và hội thảo chuyên đề Hoằng pháp nhiệm kỳ V (2002-2007) tại Văn phòng 2 Trung ương - Thiền viện Quảng Đức, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, có 265 Tăng, Ni giảng sư Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tham dự.
- Ngày 02 - 07/11/2004 : Tổ chức khóa Bồi dưỡng giảng sư và hội thảo Hoằng pháp tại chùa Bằng, phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, có 121 Tăng, Ni giảng sư tham dự.
- Ngày 17 - 21/4/2006 : Tổ chức bồi dưỡng Hoằng pháp, sinh hoạt Giáo hội và góp ý Tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 307 đại biểu tham dự.
- Ngày 24-01-2007: Tổ chức tọa đàm về “Sứ mệnh Hoằng pháp trong thế kỷ 21”, tại Hội trường Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thiền viện Quảng Đức, có trên 150 đại biểu tham dự.
- Ngày 20 - 24/6/2007 : Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chuyên đề Hoằng pháp năm 2007 tại Hội trường Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Có hơn 100 Tăng, Ni giảng sư Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tham dự.
- Ngày 10 - 11/11/2007: Ban Hoằng pháp kết hợp cùng Phân ban Thông tin Báo chí của Ban Tổ chức Đại hội tổ chức Hội thảo, thông tư chuẩn bị tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, có gần 400 Tăng, Ni là thành viên Ban Hoằng pháp Trung ương và các Tỉnh, Thành, Giảng sư Đoàn Trung ương, đại diện Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội tham dự.
Các Khóa bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm chuyên đề hoằng pháp đều đạt kết quả tốt đẹp. Qua đó, Ban Hoằng pháp đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong công tác hoằng truyền chính pháp, lợi lạc quần sinh, làm tốt đạo đẹp đời.
3.4. Tổ chức Hội thi giáo lý Cư sĩ Phật tử
Đây là lần đầu tiên, kể từ khi thành lập Giáo hội, Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức hội thi giáo lý cho cư sĩ Phật tử:
- Ngày 16-4-2005: Khai mạc hội thi giáo lý tại chùa Long Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có 169 thí sinh thuộc các tỉnh miền Trung và Cao nguyên tham dự.
- Ngày 09-10-2005: Khai mạc Hội thi giáo lý cho 365 thí sinh là Phật tử thuộc các miền Đông, miền Tây và thành phố Hồ Chí Minh tham dự.
- Ngày 25-12-2005: Khai mạc Hội thi giáo lý dành cho Phật tử thuộc các Tỉnh, Thành hội Phật giáo phía Bắc, có 907 thí sinh tham dự.
- Ngày 17-9-2006: Tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thi giáo lý lần thứ hai tại Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, có 1.500 cư sĩ Phật tử tham dự.
- Ngày 26-11-2006: Tại chùa Bằng thành phố Hà Nội đã diễn ra Hội thi giáo lý cư sĩ Phật tử, có hơn 1.000 Phật tử tham dự. Ngoài ra, tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo như thành phố Hải Phòng, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cần Thơ, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bến Tre, Long An v.v... đã tổ chức hội thi giáo lý cho cư sĩ Phật tử để tuyển chọn những Phật tử xuất sắc nhất tham dự Hội thi giáo lý cấp Trung ương và khu vực. Qua việc tổ chức hội thi giáo lý đã khuyến khích tinh thần tu học và nâng cao trình độ Phật học trong tín đồ Phật tử.
3.5. Nội san Chuyển Pháp Luân
Để chuyển tải thông tin Hoằng pháp đến Tăng, Ni, Phật tử, Ban Hoằng pháp Trung ương đã cho ra mắt Nội san Chuyển Pháp Luân, với nhiều bài viết của chư Tôn đức Tăng, Ni, Cư sĩ, học giả có uy tín, kinh nghiệm Hoằng pháp. Số ra đầu tiên được ấn hành vào mùa Vu Lan Báo hiếu PL. 2548 - DL. 2004. Đến nay, Nội san Chuyển Pháp luân đã ra mắt được 10 số. Hiện nay Nội san Chuyển Pháp luân đã được Nhà xuất bản Tôn giáo cấp giấy phép xuất bản chính thức.
3.6. Chương trình Phật học Hàm thụ
Nhằm nâng cao trình độ Phật học cho Tăng, Ni, Phật tử, Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với Ban Biên tập Báo Giác ngộ tổ chức chương trình Phật học hàm thụ, dưới hình thức học từ xa, được phổ biến từ năm 2003 đến nay đã đào tạo được 02 khóa, với 2.000 Tăng, Ni, Phật tử tốt nghiệp. Hiện nay có 1000 Tăng, Ni, Phật tử ghi danh theo học khóa III.
Đồng thời, để có đủ tài liệu cho các học viên nghiên cứu học tập, Ban tổ chức khoá học hàm thụ đã cho ấn hành 4 tập Phật học cơ bản, bao gồm các bài giảng và nghiên cứu của các giảng sư trong Ban Giảng huấn biên soạn.
3.7. Công tác thăm viếng và thuyết giảng
Chương trình thuyết giảng Phật pháp tại các lớp giáo lý, các giảng đường lớn ở những Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã được thực hiện liên tục và phát triển đồng bộ từ hình thức đến nội dung. Một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã phát triển chương trình thuyết giảng Phật pháp đến tận các quận, huyện, thị xã, đơn vị tự viện, như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Tây, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang... mỗi điểm giảng trung bình có từ 300 đến 1.500 Phật tử thính pháp.
Trong mùa An cư kiết Hạ hàng năm, Ban Hoằng pháp phối hợp với Văn phòng Trung ương Giáo hội tổ chức đi thăm và thuyết giảng Phật pháp tại các Trường Hạ miền Bắc, miền Trung, miền Đông, miền Tây, những vùng sâu vùng xa và thuyết giảng trên 500 thời pháp, tạo nên bầu không khí học Phật sôi nổi, phát huy chính tín, chính kiến cho Tăng, Ni, Phật tử, đồng thời khẳng định sự phát triển vững mạnh và sinh hoạt đồng bộ về mặt truyền bá chính pháp được xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, góp phần hạn chế hoạt động mê tín dị đoan, không phù hợp với chính pháp. Đồng thời, kết hợp với việc thuyết giảng, cúng dường tại các Trường Hạ, Ban Hoằng pháp Trung ương còn tổ chức phát quà ủy lạo đồng bào nghèo tại địa phương nơi đoàn đến. Tổng số tiền hàng cứu trợ, ủy lạo ước tính trên một tỷ đồng.
Điểm nổi bật trong công tác Hoằng pháp hiện nay, không những thực hiện đúng theo tôn chỉ và mục đích của chính pháp, mà còn được vận dụng một cách “khế lý, khế cơ” vào hiện thực cuộc sống trên 2 phương diện lý thuyết và thực hành. Với kết quả như vậy, chứng tỏ rằng chính yếu tố đoàn kết thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trên quy mô cả nước đã đưa đến sự thống nhất về quan điểm tư tưởng và giáo lý trong chương trình thuyết giảng Phật pháp tại các đạo tràng, tự viện và trong Tăng, Ni, Phật tử ngày nay.
Song song với những ưu điểm và thành quả đạt được, mối ưu tư nhất mà ngành Hoằng pháp chưa đáp ứng được hiện nay là vấn đề phân bổ giảng sư đến giảng Phật pháp tại các tỉnh thiếu giảng sư, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa vì nhiều lý do khác nhau. Trong nhiệm kỳ tới, ngành Hoằng pháp hy vọng sẽ khắc phục và nỗ lực thực hiện nhằm đáp ứng từng bước yêu cầu cấp thiết này trong những điều kiện và khả năng cho phép, đồng thời còn phải nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan hữu quan liên hệ.
4. Hướng dẫn Phật tử
Thực hiện tinh thần tứ chúng đồng tu của người con Phật trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những năm qua, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử các Tỉnh, Thành hội đã tích cực triển khai Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ V. Theo Hiến chương Giáo hội, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương gồm có 02 Phân ban - Phân Ban Cư sĩ và Phân Ban Gia đình Phật tử. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã triển khai Nội quy Gia đình Phật tử, Nội quy Phân Ban Cư sĩ Phật tử đến Ban Hướng dẫn Phật tử các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, để kiện toàn cơ cấu nhân sự, triển khai các chương trình hoạt động, tham mưu cho Giáo hội trong việc xây dựng Nghị quyết, Thông bạch của Trung ương Giáo hội về việc củng cố và ổn định sinh hoạt Gia đình Phật tử dưới sự lãnh đạo của các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo ngày càng có nề nếp, phát triển. Qua đó, trong nhiệm kỳ V, Ban Hướng dẫn đã thực hiện được một số công tác nổi bật như sau:
4.1. Vấn đề tu học và huấn luyện Huynh trưởng:
- 326 Huynh trưởng cấp Tín đã theo học chương trình bậc Lực và trại Vạn Hạnh II (4 năm) khai khóa năm 2001 tại Huế và đã tổ chức thi sơ kết hàng năm tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo:
+ Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Đaklak năm 2002.
+ Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Lâm Đồng năm 2003.
+ Tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Thuận năm 2004.
+ Hai Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Huế và các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị năm 2005. Lễ mãn khóa được diễn ra tại thành phố Huế, dưới sự chứng minh của chư Tôn giáo phẩm Trung ương và các Tỉnh, Thành. Có 268/326 Huynh trưởng, Trại sinh được cấp phát bằng chứng nhận hoàn thành chương trình tu học Vạn Hạnh II.
Tiếp tục chương trình đào tạo Huynh trưởng cấp hướng dẫn Tỉnh, Thành, Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương đã tiếp tục khai khóa chương trình bậc Lực và trại Vạn Hạnh III cho 327 Huynh trưởng, Trại sinh thuộc 17 Tỉnh, Thành vào tháng 8/2006 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trại Vạn Hạnh III này đã sơ kết năm thứ nhất vào tháng 8/2007 tại thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, các lớp tu học của Huynh trưởng bậc Kiên, Trì, Định và các trại huấn luyện Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang do các Phân ban Tỉnh, Thành hội cũng đã tổ chức liên tục theo thời gian được quy định cho mỗi bậc học và mỗi cấp trại để đảm bảo cho việc đào tạo một thế hệ Huynh trưởng trẻ, có đạo đức, năng lực kế thừa và phát triển Gia đình Phật tử.
4.2. Vấn đề xếp cấp Huynh trưởng
- Năm 2003, Hội đồng Trị sự đã xếp cấp Dũng cho 05 Huynh trưởng và lễ thọ cấp được tổ chức ngay trong chương trình Đại hội kỳ 2 khóa V Trung ương Giáo hội Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh
- Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trong nhiệm kỳ qua đã tổ chức xét, xếp và thọ cấp Tấn 02 lần cho 106 Huynh trưởng thuộc các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
4.3. Việc cấp thẻ Huynh trưởng Gia đình Phật tử
Đợt 1 năm 2006, Ban Hướng dẫn Phật tử đã cấp 130 thẻ Huynh trưởng cho Huynh trưởng cấp Dũng, Tấn, Tín và Tập. Hiện Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đang tiếp tục việc cấp thẻ Huynh trưởng. Việc cấp thẻ cho các Huynh trưởng chưa có cấp cũng như thẻ đoàn sinh Gia đình Phật tử do Ban Trị sự các Tỉnh, Thành cấp.
4.4. Tổ chức Đại hội
- Đại hội các Trưởng Phân ban và Ủy viên Nghiên huấn Tu thư thuộc các Tỉnh, Thành hội được tổ chức tại chùa Đạo Nguyên, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào các ngày 18, 19-3-2006 để xét, xếp cấp Tấn cho Huynh trưởng, đồng thời đúc kết các ý kiến thành văn bản dự thảo tu chỉnh nội dung chương trình tu học của Gia đình Phật tử, chuẩn bị cho Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử.
- Từ ngày 11 đến 14-8-2006, tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội - Thiền viện Quảng Đức, Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Đại hội Đại biểu Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam để xem xét biểu quyết việc sửa đổi chương trình tu học, huấn luyện cho Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam cho phù hợp Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tình hình phát triển của xã hội Việt Nam. Đại hội quy tụ 246 đại biểu chính thức và 14 Huynh trưởng dự thính.
- Hầu hết các Phân ban Gia đình Phật tử Tỉnh, Thành đã tổ chức thành công Đại hội tổng kết Phật sự nhiệm kỳ 2002-2007, lập phương hướng họat động Phật sự và bầu nhân sự nhiệm kỳ 2007-2012 như thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Dak Lak…
4.5 Công tác hiếu hạnh
Ngày 22-4-2007, tại Thiền viện Vạn Hạnh, thành phố Hồ Chí Minh, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm cố Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Hội trưởng đầu tiên An Nam Phật học Hội và sáng lập Gia đình Phật tử Việt Nam, tổ chức Lễ mừng thọ 90 tuổi của Hòa thượng Thích Minh Châu, Huynh trưởng Võ Đình Cường và Huynh trưởng Tống Hồ Cầm là ba vị sáng lập viên Gia đình Phật tử.
4.6. Trại họp bạn ngành Thiếu 2007
Sau hai năm chuẩn bị, trại họp ban ngành Thiếu Gia đình Phật tử Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vào các ngày 09, 10, 11, 12-8-2007. Hơn 3.500 đoàn sinh và Huynh trưởng ngành Thiếu được lựa chọn tham dự trại. Lễ khai mạc trại được diễn ra tưng bừng, hoành tráng dưới sự chứng minh của Hòa thượng Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, đại diện Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, gồm 200 chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni đại diện Ban trị sự các Tỉnh, Thành, Ban Tôn giáo và chính quyền thành phố Đà Nẵng đến tham dự, tham quan triển lãm sức sống của ngành Thiếu Gia đình Phật tử.
4.7. Công tác thống kêThông qua ủy viên chuyên ngành Ban Hướng dẫn Phật tử, đã được sự chỉ đạo và quản lý của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, nhất là dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của Quý cơ quan chức năng, đến nay Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tổng kết có: 894 đơn vị Gia đình Phật tử đăng ký sinh hoạt tại 18 Tỉnh, Thành hội Phật giáo. 7.452 Huynh trưởng, gồm 8 Huynh trưởng cấp Dũng, 165 Huynh trưởng cấp Tấn, 1.059 Huynh trưởng cấp Tín, 2.124 Huynh trưởng cấp Tập và 4.590 Huynh trưởng chưa có cấp. 66.061 Đoàn sinh thuộc các ngành Thanh, Thiếu, Đồng niên.
Tuy nhiên tại một vài địa phương, vẫn còn hiện tượng Gia đình Phật tử sinh hoạt ngoài phạm vi quản lý của Giáo hội, do một số huynh trưởng không thực hiện đúng các quy định của Trung ương Giáo hội. Việc làm đó đã tạo thành nhiều trở ngại trong việc điều hành Phật sự của chuyên ngành tại một số địa phương, gây nên những khó khăn cho sự quản lý thống nhất về Gia đình Phật tử. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đang nỗ lực hướng dẫn, quản lý sinh hoạt Gia đình Phật tử đi vào nề nếp dưới sự lãnh đạo chung của Giáo hội và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
4.8. Các hoạt động xã hội, văn nghệ
Công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác trọng tâm mà Ban Hướng dẫn Phật tử lưu tâm, khuyến khích cư sĩ Phật tử, các Huynh trưởng, đoàn sinh tham gia như: Tham gia hiến máu nhân đạo, dọn vệ sinh tại các khu công cộng, khắc phục thiên tai, xây nhà tình thương, tình nghĩa, tham gia đoàn cứu trợ, ủy lạo đồng bào vùng sâu vùng xa, các trại nuôi trẻ mồ côi, người già, người tàn tật, tham gia các đợt học tập, huấn luyện phổ biến tác hại của căn bệnh thế kỷ để cùng cộng đồng phòng chống HIV/AIDS, hỗ trợ các em Đoàn sinh và Huynh trưởng gặp khó khăn, bệnh tật và tổ chức dạy may miễn phí, giới thiệu việc làm cho các em Gia đình Phật tử.
Tham gia biểu diễn văn nghệ nhân các ngày Lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, Vu Lan Báo hiếu, Phật thành đạo, lễ khánh thành, trại hè, trại sinh hoạt v.v... là một trong những hoạt động nổi bật của Ban Hướng dẫn Phật tử được thực hiện thành công, với hàng chục ngàn lượt người xem.
4.9. Sinh hoạt các đạo tràng
Các đạo tràng như Pháp Hoa, Dược Sư, tu Bát quan trai, Thập thiện, Tịnh độ, Tu thiền, Hội quy, các đạo tràng Niệm Phật,... thuộc các giới nam nữ Phật tử phát triển có nề nếp và được nhân rộng tại các cơ sở tự viện của Giáo hội trong toàn quốc. Trung bình mỗi đạo tràng có từ 200 đến hơn 500 Phật tử tham dự, tu tập, sinh hoạt, nhất là các sinh hoạt tín ngưỡng của nam nữ Phật tử trung, lão niên đi nghe pháp, tụng kinh, thọ hạnh đầu đà, học hỏi giáo lý hàng tháng là thức ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người con Phật tại gia. Nhìn chung, các giới nam nữ Phật tử đã thực hiện trọn vẹn tinh thần và bổn phận của người Phật tử đối với đạo pháp và xã hội.
4.10. Công tác cấp thẻ Chứng nhận Phật tử
Thực hiện công văn số 122/CV/HDPTTW ngày 28-3-2006 của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử các Tỉnh, Thành hội Phật giáo thông qua Ban Trị sự đã cấp 12.488 thẻ Chứng nhận Phật tử, gồm các tỉnh Phú Yên, Hậu Giang, Phú Thọ, Bình Định, Bình Phước, Bến Tre, Cần Thơ v.v…
4.11. Các hoạt động khác của Ban
- Hằng năm tổ chức Đại hội tổng kết Phật sự và triển khai chương trình hoạt động Phật sự năm tiếp theo.
- Tổ chức Đại hội chuyên đề hướng dẫn Cư sĩ Phật tử tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2004 để triển khai Nội quy Cư sĩ Phật tử và xây dựng chương trình “Phật hóa gia đình” cho Phật tử tại gia.
- Kết hợp với Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức Hội thi Giáo lý cấp Quận, Huyện, Tỉnh, Thành và toàn quốc (theo từng khu vực) vào các năm 2005, 2006.
5. Nghi lễ
Với những đặc thù của truyền thống từng hệ phái, từng địa phương, từng vùng, do đó thực hiện được hình thức nghi lễ thống nhất vốn là việc khó áp dụng. Tuy nhiên, trên đại thể của tinh thần Phật giáo, nghi lễ đã được thống nhất về hình thức và một số nội dung dành cho các ngày lễ lớn hàng năm như: Phật đản, Vu lan, Thành đạo và các lễ tưởng niệm v.v... Qua đó, Trung ương Giáo hội đã có thông bạch hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo.
5.1. Đại lễ Phật đản
Hằng năm, Trung ương Giáo hội đều có thông bạch hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản long trọng, trang nghiêm tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc.
Đặc biệt, Lễ Phật đản đã được cơ quan UNESCO - Liên Hợp quốc chính thức công nhận là một trong những ngày Lễ hội Tôn giáo của Thế giới. Hòa trong niềm hân hoan đó, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thật trang nghiêm, trọng thể ngày Đại Lễ Phật đản với các hình thức hoạt động phong phú như diễu hành xe hoa, phóng đăng, phóng sinh, văn nghệ, triển lãm, hội thảo, thắp hương các nghĩa trang liệt sĩ, các đền thờ tưởng niệm, thăm viếng các gia đình thương binh liệt sĩ, ủy lạo đến đồng bào nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn v.v...
Tại mỗi lễ đài tập trung cấp Thành phố, cấp Tỉnh có hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử cùng đại biểu chính quyền các cấp tham dự. Đặc biệt, tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân , Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp Trung ương và địa phương tham dự. Ngoài ra, Trung ương Giáo hội còn được vinh dự đón tiếp các Đại sứ, Tổng lãnh sự các nước có cơ quan ngoại giao thường trú tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, quý Phái doàn Phật giáo Quốc tế và các Tôn giáo bạn đã đến tham dự.
Hầu hết các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đều tổ chức được các lễ đài tập trung tại các Quận huyện trong ngày đại lễ. Điều này đã khẳng định sự phát triển và ổn định của các sinh hoạt Phật giáo từ Trung ương đến cơ sở trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, nhất tâm hướng về các ngày kỷ niệm lịch sử thiêng liêng của những người con Phật trong phạm vi cả nước đạt kết quả tốt đẹp.
Theo số liệu thống kê, hàng năm có khoảng 100 xe hoa diễu hành trên các tuyến đường, hàng ngàn hoa đăng được thả trên các dòng sông xanh, các sinh hoạt khác như triển lãm, văn nghệ, chiếu phim truyện Phật giáo đều được thực hiện có kết quả với hàng chục ngàn lượt Tăng, Ni, Phật tử tham dự. Đặc biệt, Đại lễ Phật đản PL. 2550 - DL. 2006, có trên 584 xe hoa và 23 thuyền hoa diễu hành, cùng vô số hoa đăng được thả trên các dòng sông trong cả nước.
Bên cạnh đó mô hình vườn Lâm Tỳ Ni - nơi Đức Phật đản sinh được tất cả các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường thiết kế trang nghiêm, cúng dường ngày Phật đản sinh.
5.2. Lễ Vu Lan - Báo hiếu
Lễ Vu lan báo hiếu thường trùng với ngày thương binh liệt sĩ 27-7 hàng năm, cho nên đây cũng là một thắng duyên để Tăng, Ni, Phật tử cả nước thể hiện trọn vẹn tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối với Tổ quốc và nhân dân, qua các lĩnh vực: Ủy lạo thương bệnh binh, trợ giúp và đỡ đầu các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, nuôi dưỡng bà Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ các công trình xã hội và phúc lợi, tặng quà tình nghĩa cho người nghèo, già cả, neo đơn v.v... báo đáp bốn ân trong muôn một của người con Phật, mang tinh thần và ý nghĩa cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” - Một truyền thống nhân bản tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”.
Các hoạt động Phật sự nhân mùa Vu lan Báo hiếu cũng rất sinh động như: Tổ chức văn nghệ với chủ đề “Ân nghĩa sinh thành, suối nguồn phụ mẫu” do các ca sĩ, nghệ sĩ, các em Gia đình Phật tử biểu diễn, thuyết giảng “Ý nghĩa Vu Lan Báo hiếu, Tứ trọng ân...”, triển lãm thư pháp v.v… được Tăng, Ni, Phật tử và đồng bào các giới nhiệt liệt hưởng ứng, tạo nên không khí sôi động trong mùa Vu lan Báo hiếu.
5.3. Lễ Tưởng niệm
Tri ân báo ân là hạnh nguyện cao cả của người con Phật, trên tinh thần ấy, Trung ương Giáo hội, các Tỉnh - Thành hội Phật giáo, các Tự viện của Giáo hội đã tổ chức trang nghiêm và trọng thể Lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp và xây dựng đất nước, như: Lễ tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân và chư Thánh tử đạo.
Lễ tưởng niệm Quý cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Đôn Hậu
- Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Ấn Lâm, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Giác Nhu, Hòa thượng Thích Tâm Thông, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Mahasaray - Phó Pháp Chủ, Hòa thượng Thích Trí Thủ - Chủ tịch đầu tiên Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thiện Siêu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Quý Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Siêu Việt, Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Thích Thuận Đức, Hòa thượng Hộ Nhẫn, Hòa thượng Châu Mum, Quý Hòa thượng trong Ban Thường trực: Hòa thượng Thích Từ Hạnh, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Thượng tọa Thích Viên Thành, Thượng toạ Thích Chơn Thanh, Ni sư Thích Nữ Huỳnh Liên và chư Tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với sự tham dự của hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử.
Đồng thời, trong nhiệm kỳ qua, Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, đã tổ chức trang nghiêm trọng thể Tang lễ, Lễ Đại tường Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam-Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Tang lễ Hòa thượng Thạch Xom-Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Tang lễ chư Tôn đức Giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đỗng Minh (Khánh Hòa), Hòa thượng Thích Giải An (Quảng Ngãi), Hòa thượng Thích Trí Giác, Hòa thượng Thích Quang Thể (Thành phố Đà Nẵng), Hòa thượng Thích Thanh Hanh (Hưng Yên), Hòa thượng Thích Quảng Luân (Bắc Ninh), Hòa thượng Thích Vĩnh Khương, Hòa thượng Thích Huệ Hiển, Hòa thượng Thích Thiện Từ (Thành phố Hồ Chí Minh), Hòa thượng Thạch Chương (Thành phố Cần Thơ), Hòa thượng Thích Hoằng Thông, Hòa thượng Thích Huệ Thông (Tiền Giang), Hòa thượng Thích Bửu Nghiêm (Cà Mau), Hòa thượng Thích Trí Nhãn (Quảng Nam), Hòa thượng Thích Minh Luân (Hải Dương), Hòa thượng Thích Thanh Hào (Ninh Bình), Hòa thượng Thích Huệ Lạc (Tây Ninh), Hòa thượng Thích Quảng Đạo, Hòa thượng Thích Thiện Như (Long An), Hòa thượng Thạch Hanh (Vĩnh Long), Hòa thượng Chau Nhuk (An Giang), Hòa thượng Thích Minh Đức (Bình Thuận), Hòa thượng. Thích Thanh Đạt (Hà Nam). Chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Gia Huệ (Hải Dương), Hòa thượng Vô Hại (Đồng Nai), Hòa thượng Thích Giác Phước (Kiên Giang), Hòa thượng Thích Hoàn Phú (Vĩnh Long), Thượng toạ Thích Thiện Chánh (Đồng Tháp), Cư sĩ Minh Chi (Thành phố. Hồ Chí Minh).
5.4. Trai đàn chẩn tế
Để cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu siêu độ Chư hương linh, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, các cô hồn hoạnh tử, nhân chuyến về thăm quê hương lần thứ hai của Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh, phái đoàn Đạo tràng Làng Mai thôn Quốc tế đã kết hợp Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên - Huế long trọng tổ chức Đại trai đàn chẩn tế. Qua đó, đã thể hiện được tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, đồng thời giúp cho Tăng thân Làng Mai và thế giới hiểu thêm về nghi lễ Văn hóa Phật giáo Việt Nam và thấy được chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta.
Ngoài ra, vào các dịp Lễ hội, Khánh thành, tại các Tự viện còn tổ chức các Trai đàn chẩn tế. Đặc biệt là Trai đàn chẩn tế gây quỹ cứu trợ bệnh nhân nghèo do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã thu được hàng tỷ đồng để cứu giúp bệnh nhân nghèo.
Nhân ngày 27-7, nhiều đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tổ chức các Khóa lễ và đặt vòng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang, đài liệt sĩ, đền thờ v.v…
5.5. Hội thảo Nghi lễ
Trong cuộc sống, ngoài nhu cầu vật chất, nhu cầu về đời sống tâm linh cũng không thể thiếu. Vì thế, Nghi lễ luôn được xem là một trong những giá trị văn hóa, đạo đức quan trọng để xuơng minh Phật pháp, bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc. Chính những giá trị phi vật thể của Nghi lễ Phật giáo đã tạo nên sự sinh động trong các sinh hoạt thường nhật của Tự viện, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người con Phật một cách sâu sắc, phong phú, chuyển tải lời Phật dạy một cách cô đọng, súc tích qua các bài Pháp ngữ, những bài tán tụng v.v…
Song song đó, nghi lễ Phật giáo còn hàm chứa nội dung giáo dục đạo đức cá nhân để góp phần hoàn thiện đạo đức xã hội. Nói cách khác, nghi lễ góp phần quan trọng trong việc hoằng pháp lợi sinh, giáo dục đạo đức, xây dựng một đời sống an lạc hạnh phúc, thuần thiện theo truyền thống Phật giáo và dân tộc. Vì thế, được sự cho phép của Giáo hội và sự ủng hộ của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đã đăng cai tổ chức thành công Hội thảo Nghi lễ toàn quốc từ ngày 12, 13-5-2004. Qua hai ngày làm việc khẩn trương, hội thảo về nghi lễ đã nhận được lời đạo từ của Trung ương Giáo hội, phát biểu của lãnh đạo Nhà nước cùng 28 ý kiến phát biểu, tham luận của đại biểu thuộc Ban Nghi lễ Trung ương, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
Ngoài ra, ngày 27-9-2007 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo khoa học về đề tài: Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp Nhạc lễ Cổ truyền Nam Bộ.
5.6. Công tác Biên soạn
Việt hóa Nghi lễ là một trong những công tác trọng tâm trong chương trình hoạt động của nhiệm kỳ V. Vì thế, trong thời gian qua, các thành viên Ban Nghi lễ được phân công biên soạn, sưu tập Kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt đã nỗ lực làm việc. Kết quả, đã trình Đại hội Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem xét và cho ý kiến quyển Kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt để phổ biến trong Tăng, Ni, Phật tử.
Công tác biên soạn giáo trình, giáo án về nghi lễ để giảng dạy cho Tăng, Ni tại các Trường hạ hoặc trong các Trường Phật học đang được từng bước triển khai.
Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, thông qua Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Nghi lễ các Tỉnh - Thành hội Phật giáo đã hướng dẫn, vận động Tăng, Ni, Phật tử thực hiện nếp sống văn hoá mới, hạn chế các hủ tục và những hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, không phù hợp với chính pháp, với trào lưu tiến bộ của xã hội.
Tuy nhiên, đây là một việc làm rất tế nhị, đòi hỏi chúng ta phải phân định chính xác những khác biệt của các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian với các hoạt động mê tín, hủ tục. Vì thế, bên cạnh việc ban hành các thông tri, thông bạch nhắc nhở sinh hoạt nghi lễ đúng chính pháp, Trung ương Giáo hội cũng như địa phương đã từng bước vận động Phật tử thường xuyên đến chùa nghe pháp, hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử đọc và nghiên cứu kinh sách cùng các tập văn, tạp chí, báo Giác Ngộ của Giáo hội, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá lành mạnh có tính giáo dục, phân tích và phê phán những hoạt động hủ tục, dị đoan sai lệch và những hậu quả tiêu cực do các hoạt động này mang lại để qua đó Tăng, Ni, Phật tử hiểu rõ thế nào là niềm tin chân chính, tự tạo cho mình một phong cách trang nghiêm trong sinh hoạt tín ngưỡng, từng bước xa rời các hoạt động mê tín, dị đoan và hủ tục, tích cực góp phần phát huy sự trong sáng tích cực của nền giáo lý đạo Phật.
6. Văn hoá
Với tinh thần phát huy nền văn hoá nhân bản, đạo đức và mang bản sắc dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn quan tâm thực hiện và nêu cao các mặt công tác trong lĩnh vực văn hóa Phật giáo và văn hoá xã hội.
6.1. In ấn - Xuất bản
- Tạp chí Văn hóa Phật giáo: Do nhu cầu nghiên cứu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn thư xin phép các cơ quan chức năng chuyển đổi Tập Văn định kỳ của Ban Văn hóa Trung ương thành Tạp chí Văn hóa Phật giáo đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp giấy phép hoạt động số 96/BVHTT ngày 23-10-2004. Trụ sở của Tạp chí Văn hóa Phật giáo đặt tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kể từ ngày được cấp phép hoạt động chính thức, đến nay Tạp chí Văn hóa Phật giáo đã xuất bản được 47 số, mỗi số 10.000 cuốn, tổng cộng 470.000 cuốn với nội dung phong phú, hình thức trang nhã.
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản Tạp chí Khuông Việt và chính thức đi vào hoạt động xuất bản số đầu tiên vào quý IV/2007.
- Báo Giác Ngộ tuy chính thức là tiếng nói của Thành hội Phật giáo Thành phố. Hồ Chí Minh, nhưng vì Phật giáo chỉ có một tờ báo duy nhất, nên cũng xem là tờ báo thông tin chung của Giáo hội. Kể từ ngày có sự thay đổi về cơ chế quản lý và tăng cường bổ sung điều chỉnh nhân sự, Báo Giác Ngộ đã không ngừng được cải tiến từ hình thức đến nội dung, đáp ứng yêu cầu của độc giả Tăng, Ni, Phật tử thành phố và cả nước. Đến nay, Tuần báo phát hành trên 400 số, mỗi kỳ 10.000 bản. Nguyệt san Giác ngộ mỗi kỳ được 7.000 bản. Tính riêng trong nhiệm kỳ V, Tuần Báo Giác ngộ đã phát hành 10.000 bản x 4 x 12 x 5 = 2.400.000 cuốn, Nguyệt san 7000 cuốn x 2 x 12 x 5 = 840.000 bản. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Biên tập đã hoàn thành xuất sắc công tác thông tin đại chúng. Báo Giác Ngộ đã phản ánh thông tin kịp thời về các ngày lễ lớn trong năm của dân tộc và Phật giáo, về thành quả và nội dung của các kỳ Đại hội thường niên của Hội đồng Trị sự, cùng các Đại hội Phật giáo Tỉnh, Thành hội, về các mặt hoạt động xã hội và tình hình chung trong nước, cũng như ngoài nước một cách sinh động, phong phú.
Qua đó, với Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Khuông Việt, Tuần báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ đã đáp ứng được nhiều yêu cầu của độc giả. Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước đã tiếp nhận tờ báo Giác Ngộ với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai phát triển của nền báo chí Phật giáo nước nhà.
Bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền, Báo Giác Ngộ đã thành lập Ban Từ thiện báo Giác Ngộ. Từ ngày thành lập đến nay, Ban Từ thiện xã hội đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc thực hiện các mặt công tác từ thiện xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận với tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Đặc biệt, Tòa sọan Báo Giác Ngộ đã kết hợp với Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam tổ chức 3 lần lễ trao kỷ lục về Nghệ thuật và dịch kinh cho một số cơ sở và cá nhân tại Đại hội Thường niên kỳ V khóa V Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Tòa soạn Báo Giác Ngộ.
- In ấn kinh sách: Tại Trung ương, Ban Văn hoá mỗi năm xuất bản khoảng 20 đến 25 đầu kinh sách đã được chọn lọc kỹ về nội dung và chất lượng. Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản, phát hành trên 200 đầu sách. Một số Tỉnh, Thành trong toàn quốc đã thực hiện được nhiều đầu sách các loại, tổng cộng trên 2 triệu quyển, đáp ứng được phần nào nhu cầu nghiên cứu, đọc tụng, học tập cho Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Ngoài ra, tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, dưới sự hướng dẫn của Ban Trị sự, Ban Văn hóa một số Tỉnh, Thành đã thực hiện được các Tập san, Nội san như:
+ Dak Lak: Nội san Vô Ưu xuất bản 4 kỳ/1năm, đã xuất bản được 28 số và dịp Lễ Phật Thành đạo, Lễ Phật đản sinh, mùa Vu lan Báo hiếu và Báo Xuân.
+ Thừa Thiên-Huế: Xuất bản Nội san Liễu Quán đến số thứ 7.
+ Ninh Thuận: Xuất bản Nội san Hoa Từ theo từng quý trong năm.
+ Bà Rịa-Vũng Tàu: Xuất bản Nội san An lạc.
+ Hà Tây: Thực hiện Nội san vào dịp Lễ Phật đản và mùa Vu lan Báo hiếu.
Với những tập Nội san, đã chuyển tải được thông tin, các Phật sự của Ban Trị sự, giáo lý Phật giáo đến cộng đồng.
6.2. Biên soạn lược sử Phật giáo
Nhằm làm tiền đề, cở sở cho Giáo hội biên soạn bộ Lược sử Phật giáo Việt Nam, với khả năng khiêm tốn và tài liệu cho phép, một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã và đang sưu tập, biên soạn, hoàn chỉnh các tài liệu Tiểu sử chư Tổ, hoặc Lịch sử Phật giáo địa phương như:
- Bình Thuận: Sưu tầm Tiểu sử, mộ tháp của chư Tổ, chư Hòa thượng tỉnh Bình Thuận từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 và các ngôi chùa cổ. Xây dựng Bảo tháp, dựng bia kỷ niệm nơi Tổ Bảo Tạng tu hành hoằng hóa tại tỉnh Bình Thuận.
- Bạc Liêu: Hoàn thành phần lịch sử các ngôi chùa và tiểu sử các danh Tăng Phật giáo tỉnh Bạc Liêu. Ban Biên tập Lịch sử Phật giáo Bạc Liêu được Hội Khoa học Lịch sử tỉnh kết nạp là một chi hội Khoa học Lịch sử Phật giáo tỉnh Bạc Liêu.
- An Giang: Đã tập hợp tương đối đầy đủ các dữ liệu cho việc biên tập Lịch sử Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang. Đồng thời, Ban Văn hóa kết hợp với Ban Tăng sự, Hoằng pháp, Nghi lễ lập dự án biên soạn danh bộ Tự viện, Tăng, Ni tỉnh An Giang.
- Dak Lak : Tiếp tục biên soạn và ấn hành quyển Lịch sử chùa ĐắcLắc, nghi thức tụng niệm bằng tiếng Ê Đê.
- Thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ: Đang sưu tầm, tập hợp chuẩn bị biên tập Lịch sử Phật giáo địa phương.
- Đồng Nai: Hợp tác biên soạn từ điển văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh - du lịch Việt Nam và sách những ngôi chùa Đồng Nai.
- Long An: Biên khảo Lịch sử tự viện, danh bộ Tự viện, danh Tăng và những ngôi chùa cổ tỉnh Long An. Thực hiện thành công đĩa CD và tiểu sử Hòa thượng Thích Đạt Pháp - Thành viên Hội đồng Chứng minh, nguyên Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An và đã được đài truyền hình Long An phát sóng.
- Bình Dương: Đã biên tập hoàn tất và Hội khoa học - Lịch sử tỉnh cho phép xuất bản cuốn sách những ngôi chùa tiêu biểu của Bình Dương.
Ngoài ra, một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã hoàn thành công tác biên tập Lịch sử Phật giáo như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng...
6.3. Công tác bảo tồn, trùng tu cơ sở Phật giáo:
Được sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan, trong thời gian qua các cơ sở của Giáo hội từ các Tự viện, Tổ đình, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, trụ sở Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Học viện, nhà trường đào tạo Phật học đã từng bước được trùng tu, kiến tạo góp phần trang nghiêm hàng ngàn cơ sở, danh lam cổ tự trong cả nước. Trong phạm vi có hạn của bản báo cáo, chỉ nêu phần thống kê số lượng Tự viện thực hiện công tác trùng tu:
Thành phố Hà Nội: 32 cơ sở. Đặc biệt, xây dựng khang trang cơ sở Học viện Phật giáo Việt Nam tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Thành phố Hồ Chí Minh: 90 cơ sở. Đặc biệt xây dựng hoàn thành Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh - Chùa Phổ Quang, Quận Tân Bình. Xây dựng mới Tòa soạn Báo Giác Ngộ - Cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Đã khởi công đặt đá xây dựng khu di tích lịch sử nơi Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân để thực hiện tiến trình thi công.
Tỉnh Nam Định: 29 cơ sở. Đặc biệt, Trung tâm Văn hóa Thiên Trường đang được tiến hành.
Tỉnh Quảng Ninh: Hoàn thành công tác đúc lại Chùa Đồng trên núi Yên Tử và một số công trình trong quần thể khu di tích danh thắng Yên Tử.
Tỉnh Ninh Bình: Công ty tư nhân Xuân Trường đang thi công khu du lịch Tâm linh chùa Bái Đính và 6 cơ sở đã trùng tu. Thành phố Đà Nẵng: Hoàn thành Phật đài Kim thân Phật Tổ lộ thiên tại khu du lịch Bà Nà, tượng đài Quán Thế Âm tại bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bãi Bụt.
Bình Thuận: có 77 cơ sở, hiện nay đang xây dựng Bảo tháp Cố Đại đức Thích Nguyên Hương vị pháp thiêu thân năm 1963.
Thành phố Hải Phòng 279 cơ sở. Thanh Hoá 31 cơ sở. Hưng Yên 7 cơ sở. Hải Dương 34 cơ sở. Hà Nam 28 cơ sở. Thái Bình 32 cơ sở. Hà Tây 105 cơ sở. Vĩnh Phúc 76 cơ sở. Thái Nguyên 4 cơ sở. Hà Tĩnh 6 cơ sở. Phú Thọ 39 cơ sơ. Bắc Ninh 16 cơ sở. Quảng Trị 100 cơ sở. Thừa Thiên-Huế gần 100 cơ sở. Quảng Nam 91 cơ sở. Quảng Ngãi 53 cơ sở. Bình Định 59 cơ sở. Phú Yên 29 cơ sở. Khánh Hòa 46 cơ sở. Ninh Thuận 46 cơ sở. Lâm Đồng 3 cơ sở. Đắc Lắc: 6 cơ sở. Gia Lai 24 cơ sở. Kontum 8 cở sở. ĐăkNông 2 cơ sở. Bình Phước 3 cơ sở. Bình Dương 51 cơ sở. Tây Ninh 21 cơ sở. Bà Rịa-Vũng Tàu 71 cơ sở. Đồng Nai 58 cơ sở. Long An 50 cơ sở. Tiền Giang 31 cơ sở. Bến Tre 124 cơ sở. Đồng Tháp 80 cơ sở. Vĩnh Long 31 cơ sở. Trà Vinh 125 cơ sở. Thành phố. Cần Thơ 20 cơ sở. Kiên Giang 82 cơ sở. An Giang 20 cơ sở. Sóc Trăng 26 cơ sở. Bạc Liêu 27 cơ sở. Cà Mau 28 cơ sở.
Đặc biệt, ngôi Quốc tự thuộc di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia tại Thừa Thiên-Huế như Thiên Mụ, Thánh Duyên, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đang tiến hành trùng tu, Quốc tự Diệu Đế đang chuẩn bị trùng tu, Khu di tích danh thắng chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh cũng đang lên kế hoạch đại trùng tu.
Ngoài ra, một số cơ sở tự viện trong cả nước được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia như: Chùa Hội Linh (Thành phố. Cần Thơ), chùa Cổ Thạch, chùa Linh Quang (Bình Thuận), chùa Tiên Châu, chùa Phước Hậu (Vĩnh Long), chùa Giác Linh, chùa Âng (Trà Vinh), một số chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Chùa Tòa Sen, chùa Củ, chùa Gia Kiết, chùa Gò Xoài Nam tông Khmer (Vĩnh Long), chùa Quan Âm Đại Ngãi, chùa Tim Củ (Sóc Trăng), chùa Hưng Long, chùa Long Hưng, chùa Bửu Phước (Bình Dương). Đồng thời, có rất nhiều cơ sở thờ tự tại các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre v.v... đạt chuẩn thờ tự văn minh.
6.4. Hoạt động Văn hóa - Văn nghệ
Đây cũng là bộ phận hoạt động hữu hiệu và khởi sắc. Các đoàn văn nghệ Phật giáo, câu lạc bộ ca nhạc, cải lương Phật giáo, các gia đình Phật tử, các nghệ sĩ Phật tử chuyên và không chuyên đã tích cực thực hiện chương trình văn nghệ phục vụ quần chúng và Tăng, Ni, Phật tử vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, Vu lan Báo hiếu, Thành đạo,... các vở Thoát vòng tục luỵ, Cặp mắt thái tử Câu Na La, Bước chân xuất thế, Vầng trăng nhớ mẹ, Đấng nghiêm từ,... đã được dàn dựng công phu. Phong trào văn nghệ quần chúng được dấy lên một cách rộng rãi, mang tính nhân bản và đạo đức Phật giáo. Đồng thời, thực hiện hơn 100.000 băng video, cassette, đĩa CD ca cổ nhạc Phật giáo, đáp ứng nhu cầu văn hoá văn nghệ cho Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân trong cả nước.
Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây, đã tổ chức Hội diễn văn nghệ Phật giáo lần thứ nhất, chào mừng Đại hội Phật giáo tỉnh lần thứ VI. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức Hội diễn văn nghệ Phật giáo với sự tham gia của Tăng, Ni sinh. Đội văn nghệ Phật tử Thủ đô đã tổ chức biểu diễn nhiều vở kịch, ca khúc Phật giáo phục vụ các ngày lễ hội, khánh thành tại các cơ sở tự viện khu vực phía Bắc. Tỉnh Bình Thuận, đội ca nhạc Phật giáo đã tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh và đạt Huy chương Bạc, đồng thời nhân mùa Phật đản PL. 2549 - 2005, Ban Văn hóa, phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử khôi phục lại nét đẹp văn hóa cổ truyền Phật giáo qua màn trình diễn “múa Lục Cúng” đã bị thất truyền từ năm 1950.
Đặc biệt, trong những dịp tết cổ truyền của dân tộc Khmer như Chol Chnam Thmay, Dolta, Óck Ombok, v..v... dân tộc các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã tổ chức lễ hội truyền thống như diễn Dù kê, đua thuyền, thả đèn lồng, dâng hoa, cầu phúc,... một cách trang nghiêm và trọng thể, hòa trong sinh hoạt văn hoá chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ qua, Trung ương Giáo hội đã giới thiệu Ban văn hóa Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quay các phim truyện Phật giáo như: Lòng lành đổi tướng thay tên, Tỉnh mộng, Trưởng giả kén rể, Trở lại đường xưa, Thâm tiền niệm Phật, Bóng nguyệt lòng sông, Bóng ma vườn chuối do Đại đức Thích Chân Tính thực hiện, phim truyện “Phật giáo với Dân tộc” do Nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết, Lệ Thủy và nhóm làm phim của đạo diễn Phượng Hoàng và đạo diễn Rạng Đông thực hiện.
6.5. Trang báo điện tử
Đáp ứng nhu cầu thông tin về giáo lý và thông tin Phật sự của Tăng, Ni, Phật tử và các học giả trong và ngoài nước, hiện nay, đã có một vài Tỉnh, Thành hội Phật giáo mở Website như:
- Thừa Thiên Huế: Website “lieuquanhue.vn”.
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Website “daitonglam”.
- Đồng Nai: Website “thienvienminhduc”.
- Website Phattuvietnam.net (của Câu lạc bộ thanh niên Phật tử).
- Hà Tây: Website của chùa Hương, chùa Đậu.
Các trang Web trên đều được rất nhiều lượt người truy cập.
6.6. Hội thảo và triển lãm
Nhằm giới thiệu tài năng, nghệ thuật sáng tác của giới Phật tử, các Tỉnh, Thành hội như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An, Bạc Liêu v.v… đã tổ chức các cuộc triển lãm hội họa tranh ảnh, nghệ thuật điêu khắc, nhiếp ảnh, hình ảnh hoạt động Phật sự của địa phương nhân dịp Tết nguyên đán, lễ Phật đản, mùa Vu lan Báo hiếu, kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại hội Phật giáo v.v...
Riêng tại Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán được khôi phục vào năm 2002, sau đó được tái thiết tạm thời và đưa vào sử dụng với những hoạt động hiệu quả, nổi bật như trưng bày hình ảnh hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Phật giáo, triển lãm thư pháp, triển lãm tranh Phật giáo, tranh Hương Đàm, trưng bày các ngôi danh lam cổ tự trên toàn quốc của nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường, khai mạc phòng đọc sách v.v…
Nhìn chung, hoạt động văn hoá đã có nhiều khởi sắc và tiến bộ. Tuy nhiên, về thủ tục xin xuất bản vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, vì Nhà xuất bản Tôn giáo được đặt tại Hà Nội, nên việc xin phép xuất bản có phần chậm trễ, do đó, đã làm giảm đi số lượng ấn hành kinh sách Phật giáo. Vì vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị các cơ quan chức năng cho phép thành lập Chi nhánh xuất bản Tôn giáo tại thành phố Hồ Chí Minh, để việc xuất bản kinh sách tôn giáo được thuận tiện, dễ dàng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo theo chính sách, pháp luật.
7. Kinh tế tài chính
7.1 Vận động các Tự viện tạo nguồn kinh tế nhà chùa
Song song với các hoạt động về đạo pháp, các hoạt động lao động sản xuất, góp phần xây dựng đất nước, thực hiện kinh tế tự túc tại các tự viện cũng đã được Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo các địa phương quan tâm. Trung ương Giáo hội đã hướng dẫn cụ thể, thống nhất về mặt này. Do đó, hầu hết Tăng, Ni tại các cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường đều tự giác thực hiện việc tự tạo nguồn kinh tế để ổn định cuộc sống bằng sức lao động của chính mình. Việc tu học của Tăng, Ni được kết hợp hài hòa với lao động sản xuất, tạo ra những nhu cầu vật chất tối thiểu trong cuộc sống tu hành. Tăng, Ni tùy theo khả năng của từng chùa, thế mạnh của từng miền, từng vùng để làm kinh tế thích hợp. Như ở vùng nông thôn, đồng bằng, Tăng, Ni tập trung trồng lúa, trồng hoa màu, cây ăn trái các loại, ở vùng cao nguyên đất đỏ, trồng chè, cà phê, hồ tiêu, bạch đàn, ở thành thị làm các mặt hàng gia công, tiểu thủ công nghiệp, bánh kẹo, tương chao, phát hành kinh sách, tận dụng mặt bằng, phát triển du lịch,... Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ mang tính tự cấp, tự túc tại các cơ sở tự viện.
7.2. Hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cổ phần Thiện Tài thuộc Ban Kinh tế Tài chính Trung ương Nhằm tạo nguồn kinh tế cho Giáo hội, sau khi được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y thành phần nhân sự Ban Kinh tế Tài chính nhiệm kỳ V (2002 - 2007), do Hòa thượng Thích Giác Toàn làm Trưởng Ban. Ban Kinh tế Tài chính đã tiến hành thành lập Công ty Cổ phần Thiện Tài, do Hòa thượng Thích Giác Toàn - Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cư sĩ Lâm Hoàng Lộc phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Lâm Hùng làm Giám đốc công ty. Đồng thời, theo yêu cầu của Ban Kinh tế Tài chính, ngày 25/7/2006 Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã ký Quyết định số 356/QĐ/HĐTS, V/v chuẩn y Ban Tư vấn Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gồm 05 thành viên, do ông Trần Công Hoàng Quốc Trang làm Trưởng Ban.
Kể từ khi Công ty Cổ phần Thiện Tài được thành lập, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, do sự quản lý điều hành của Giám đốc không đạt hiệu quả kinh tế, nên Hội đồng Quản trị đã đề nghị thay Thượng toạ Thích Tấn Đạt làm Giám đốc và Thượng toạ Thích Thanh Ngọc, Đại đức Thích Thanh Phong làm Phó Giám đốc. Từ ngày thay đổi Ban Giám đốc, Công ty đã đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả như thường xuyên tổ chức các tour du lịch, hành hương trong và ngoài nước, bán vé máy bay, tàu hỏa, in ấn và phát hành lịch nhân dịp tết Nguyên đán. Phòng phát hành Kinh sách và Văn hóa phẩm Phật giáo đạt doanh thu ngày một cao hơn.
Đặc biệt, đối với dự án thành lập Trung tâm Hỏa táng Phật giáo của Ban Kinh tế Tài chính Trung ương được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận và đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo đến các Quận, Huyện liên hệ trao đổi thực hiện, nhưng các Quận, Huyện này đều từ chối, không đồng thuận. Do vậy, đến nay đề án thành lập Trung tâm Hỏa táng vẫn còn bỏ ngỏ.
7.3. Vận động Tăng, Ni, Tự viện cúng dường công đức phí cho hoạt động của Giáo hội
Nhằm ủng hộ công đức phí cho hoạt động của Giáo hội, hàng năm Ban Kinh tế Tài chính đều có thông tư kêu gọi Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Tăng, Ni, Phật tử cúng dường công đức phí cho hoạt động của Giáo hội.
Đặc biệt, Ban Kinh tế Tài chính đã nỗ lực vận động tài chính cho công tác trùng tu cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội
- Thiền viện Quảng Đức, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội trong nhiệm kỳ V so với nhhiệm kỳ IV đã có những bước phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng gặp không ít khó khăn, nên rất hạn chế kinh phí để thực hiện chức năng hỗ trợ các hoạt động Phật sự của Giáo hội và địa phương. Do vậy, hàng năm, Giáo hội chỉ nhận được một số ít ngân khoản đóng góp công đức phí từ Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, một số ít tịnh tài của Tăng, Ni, Phật tử hiến cúng và một đơn vị kinh tế trích nộp tài chính như Công ty Cổ phần Thiện Tài thuộc Ban Kinh tế Tài chính Trung ương. Vì thế, thông qua Ban kinh tế Tài chính Trung ương, Giáo hội cần phải có phương hướng cụ thể, để xây dựng cơ sở kinh tế ổn định, nhằm tài trợ cho những hoạt động Phật sự tại các cơ quan Trung ương và Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
7.4. Về thu chi tài chính: có báo cáo chuyên đề.
8. Từ thiện xã hội
Công tác từ thiện xã hội là những hoạt động Phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, đượm nét từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Vì thế, Giáo hội đã hoạt động tích cực và có hiệu quả cao.
8.1. Hệ thống Tuệ Tĩnh Đường, Phòng chẩn trị Y học dân tộc
Hiện nay, trong toàn quốc có 126 Tuệ Tĩnh đường và phòng phát thuốc từ thiện, nổi bật nhất là Tuệ Tĩnh đường ở thành phố Hồ Chí Minh (Tuệ Tĩnh đường Pháp Hoa, quận Phú Nhuận, Tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh), Thừa Thiên-Huế (Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, Pháp Hoa, An Phước, Pháp Lạc, Cự Lại, Thiện Sanh), Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, An Giang, Đà Nẵng (Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm) v.v…
Đồng thời, có hàng trăm phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc tại các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo hoạt động có hiệu quả, đã khám, châm cứu, bấm huyệt và bốc hàng triệu thang thuốc, phát thuốc trị giá trên 35 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống Tuệ Tĩnh đường tỉnh Đồng Nai đạt 11.921.956.000đồng, thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 6 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế đạt 3.852.337.920đ, Tiền Giang trên 6 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tuệ Tĩnh đường chùa Đức Quang tỉnh Đồng Nai đang được thi công với tầm vóc của một bệnh viện, thoáng mát, rộng rãi. Theo dự kiến vào năm 2010, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng một Trung tâm Điều dưỡng Phật giáo để giúp đỡ bệnh nhân Tăng, Ni và đồng bào Phật tử.
Nhìn chung, chương trình phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh đường đã được mở rộng mạng lưới xuống các quận, huyện, phường xã.
8.2. Các trường lớp, nhà dưỡng lão, cơ sở nuôi trẻ mồ côi
Trong phạm vi cả nước có trên 1.000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật,... với trên 20.000 em. Nổi bật là Cô nhi viện Đức Sơn (201 em), Ưu Đàm (34 em) Thừa Thiên - Huế, tại thành phố Hồ Chí Minh có Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Quận 4 (102 em), Kỳ Quang 2, Quận Gò Vấp (120 em), chùa Long Hoa, quận 7 (100 em), chùa Diệu Giác, quận 2 (100 em), chùa Pháp Võ, huyện Nhà Bè (160 em) v.v… Có trên 20 cở sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1000 cụ già. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có các nhà dưỡng lão thuộc các chùa Pháp Quang, Pháp Lâm quận 8, chùa Kỳ Quang 2 quận Gò Vấp, chùa Diệu Pháp Quận Bình Thạnh, chùa Hoằng Pháp huyện Hóc Môn … nuôi dưỡng trên 500 cụ già, Thừa Thiên - Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức (60 cụ), Diệu Viên (25 cụ) … nuôi dưỡng gần 100 cụ già. Trung tâm “Nuôi dạy trẻ mồ côi và người cao tuổi cô đơn Bồ Đề” của tỉnh Bình Dương vừa được thành lập và đang đi vào hoạt động.
8.3. Trường dạy nghề miễn phí
Để có cuộc sống ổn định về vật chất, một số Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã tổ chức nhiều Trường, Lớp dạy nghề miễn phí cho con em gia đình Phật tử, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật, hiện có khoảng 10 Trường dạy nghề miễn phí gồm các nghề may, điện gia dụng, tin học, sửa xe, hớt tóc v.v… như Trường dạy nghề Tây Linh, Long Thọ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu v.v… đã đào tạo và giới thiệu cho hàng ngàn học viên có được việc làm ổn định.
8.4. Tham gia phong trào phòng chống HIV/AIDS
Cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại một số Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã thành lập văn phòng tư vấn, cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS như thành phố Hồ Chí Minh có chùa Kỳ Quang quận Gò Vấp, chùa Diệu Giác quận 2, Thành phố Hà Nội có chùa Pháp Vân, chùa Hiển Quang, chùa Thanh Am, thành phố Hải Phòng có chùa Bảo Quang, thành phố. Đà Nẵng có chùa Quang Minh, Quận Liên Chiểu, Thừa Thiên - Huế tổ chức lớp dạy châm cứu, 2 lớp dưỡng sinh cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân HIV tại chùa Hải Đức, mở phòng tư vấn sức khoẻ, tổ chức nhiều khóa tập huấn cho Tăng, Ni, Phật tử, tham gia những cuộc hội thảo, Đại hội, tham quan học tập phòng chống HIV/AIDS ở trong nước và nước ngoài…
8.5. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ từ thiện xã hội
Đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ, các lớp mẫu giáo, lớp học tình thương … lực lượng giáo viên chuyên môn do Tăng, Ni, Phật tử đảm trách công tác còn rất hạn chế. Do đó, để tạo nguồn nhân lực là Tăng, Ni, Phật tử, Ban Từ thiện xã hội Trung ương đã phối hợp với Trường Trung học Sư phạm Mầm Non thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khóa đào tạo Giáo viên ngành mầm non, mở lớp đào tạo cán bộ y tế và điều dưỡng y tá, lớp học có trên 150 học viên là Tăng, Ni, Phật tử tham dự.
Đồng thời, để tăng cường hiệu năng hoạt động về từ thiện xã hội, chia sẻ một phần gánh nặng cho xã hội và nhân dân trên tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật, Ban Từ thiện xã hội Trung ương đã liên kết với Trường Đại học Mở bán công thành phố Hồ Chí Minh - Khoa Công tác xã hội và Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lớp đào tạo công tác xã hội, có 140 Tăng, Ni, Phật tử theo học.
8.6. Công tác cứu trợ
Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và đạo lý Dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và Tăng, Ni, Phật tử cả nước dưới sự chỉ đạo của Giáo hội, đã nỗ lực vận động tài chính, phẩm vật, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tàn phá thuộc các tỉnh miền Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào nghèo, đồng bào vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa ..., đồng thời hỗ trợ 22.028 ca mổ đục thủy tinh thể, 200 căn nhà tình nghĩa, 1876 căn nhà tình thương, 422 căn nhà đại đoàn kết, 30 Lớp học tình thương, 3 Trường Mẫu giáo, ủng hộ và nuôi dưỡng trên 100 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, xây 250 cây cầu bê tông, đắp 27.000m đường xi măng, 370 chiếc xuồng, khoan 1510 cái giếng nước sạch, tặng 1.326 xe lăn, 165 xe lắc, 100 xe trợ đi, 112 xe đạp, hàng trăm ngàn tấn gạo, trợ cấp trên 1000 áo quan, xây 2 lò hỏa táng từ thiện, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, nuôi cô nhi, trẻ khuyết tật, khiếm thị, cụ già neo đơn, trợ cấp lương giáo viên các lớp học tình thương v.v... Đặc biệt, trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (phía bờ Vĩnh Long) ngày 26-8-2007, Ban Từ thiện xã hội Trung ương cũng như một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo, chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử đã đến tận nơi để thăm viếng, ủy lạo cho công nhân và thân nhân gia đình của những người bị nạn với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng.
Đồng thời, để chia sẻ đau thương, mất mát, những khó khăn mà đồng bào vùng bão lũ tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung trong thời gian gần đây, Ban Từ thiện xã hội Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tổ chức nhiều phái đoàn đến tận nơi thăm viếng, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, với tổng giá trị tiền hơn 1 tỷ đồng.
Tổng cộng công tác Từ thiện Xã hội nhiệm kỳ V đạt trên 400 tỷ đồng, trong đó thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 200 tỷ đồng. Đặc biệt, trong công tác nhân đạo quốc tế, hưởng ứng đợt vận động cứu trợ đồng bào các nước Nam Á bị ảnh hưởng của cơn sóng thần xảy ra ngày 26-12-2004, đã làm khoảng 170.000 người chết, hàng chục ngàn người mất tích, hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại về tài sản, hoa màu không kể xiết, thông qua Ban Từ thiện xã hội Trung ương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm lễ trao tặng số tiền 63.800 USD cho Lãnh sự các nước có sứ quán tại Việt Nam như sau: Indonesia 18.800 USD, Thái Lan 15.000 USD, Sri Lanka 15.000 USD, India 10.000 USD và Myanmar 5.000 USD.
9. Hoạt động Phật giáo Quốc tế
Trong tinh thần hòa bình và hữu nghị, đoàn kết với các nước Phật giáo trên thế giới, để hợp tác hoằng dương chính pháp và góp phần xây dựng, củng cố nền hòa bình cho nhân loại, trước sự mở cửa và bang giao rộng rãi của Nhà nước ta, công tác hoạt động Phật giáo Quốc tế của Giáo hội đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Giáo hội đã tích cực thể hiện tư cách thành viên của tổ chức ABCP và liên kết thân hữu với Phật giáo Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Mông Cổ, Sri Lanca, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Singapore, Indonesia, và một số vị cao Tăng ở Đài Bắc,... đồng thời đã đón tiếp và làm việc với rất nhiều phái đoàn Phật giáo đến thăm hữu nghị Việt Nam và Giáo hội tại Trụ sở Trung ương Giáo hội ở Hà Nội và Văn phòng 2 Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh.
9.1. Về công tác tiếp đoàn Quốc tế
Tại Văn phòng 1, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội đã tiếp:
Ngày 24-01-2003: tiếp Ông R. Pittts và đoàn tổ chức Jubilec - Campain, Hoa Kỳ đến thăm và tìm hiểu về hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 23-02-2003: tiếp ông Loke Darshan - Phó Chủ tịch ABCP, Nepal và phái đoàn ABCP Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Ngày 13-6-2003: tiếp bà Samda Herderson - Bí thư thứ 2 của Đại sứ Australia tại Việt Nam.
Ngày 18-7-2003: tiếp ông Sarap Kuma, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ.
Ngày 01-12-2003: tiếp phóng viên Hãng Vô tuyến Truyền hình Star TV (Hồng Kông).
Ngày 07-12-2003: tiếp Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Italia, tiếp Hòa thượng Tịnh Lương, Hội trưởng Hội Phật giáo Đài Loan.
Ngày 09-01-2004: tiếp trợ lý Thượng viện Hoa Kỳ Brown Boch, Chủ tịch Ủy ban Đông Á Thái Bình Dương của Ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.
Ngày 20-01-2004: tiếp ngài Suddhir Kumar, đại biện Lâm thời Đại sứ Quán Ấn Độ tại Việt Nam.
Ngày 19, 20-3-2004: tiếp phái đoàn UNICEF tại Thái Lan, Anh và Việt Nam.
Ngày 28-4-2004: tiếp Hòa thượng Pacsam Chung, Trụ trì chùa Từ Bi tại Pusan, Hàn Quốc.
Ngày 08-6-2004: tiếp đoàn Trường Đại học Sư phạm Hoa Trung, Trung Quốc.
Ngày 18-8-2004 tiếp ông Rober Silberstein, Tùy viên Chính trị Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 17, 18-11-2004: tiếp phái đoàn Bộ Tôn giáo, Lễ nghi của Hoàng gia Campuchia.
Ngày 18-11-2004: tiếp Ngài Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Ngày 23-11-2004: tiếp bà Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách về tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo và lao động.
Từ ngày 12-01 đến 11-4-2005: tiếp đón Hòa thượng Thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Tăng thân Làng Mai (Pháp quốc).
Ngày 22-5-2005 tiếp phái đoàn Hàn Quốc sang dự Lễ Phật đản tại thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 05-10/6/2005: tiếp phái đoàn Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thăm hữu nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam và làm việc tại thành phố Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, thành phố Hồ Chí Minh và thăm viếng các chùa Phật giáo người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 29-6-2005: tiếp ông Chris Seiple, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Toàn cầu về Tôn giáo (Hoa Kỳ).
Ngày 01-7-2005: tiếp Hòa thượng Thích Quảng Tâm, Hội trưởng Hội Đồng Tu Đài Bắc, Đài Loan và Tăng, Ni, Phật tử thăm hữu nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cúng dường một số Trường hạ trong cả nước.
Ngày 08-10-2005: tiếp phái đoàn ngoại giao Mỹ thăm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 14-10-2005: tiếp ông Nathaniel G.Jensen, Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Jennifer Crow, Phó Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 06-11-2005: tiếp phái đoàn Phật giáo Tịnh độ Tông Nhật Bản do Hòa thượng Yamamoto Yuki, Trị sự Trưởng Khai giáo khu vực Bắc Mỹ thuộc Tri Ân Viện, Tổng Bản Sơn Tịnh độ Tông Nhật Bản, Trụ trì chùa A Di Đà, Kyoto.
Ngày 02-12-2005: tiếp Ngài Hạ Nghị sĩ Christopher Smith và phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 22-02-2006 tiếp ông Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka thăm hữu nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 05-4-2006: tiếp Ngài Sompong Sanguanbun, Tổng Lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 15-4-2006: tiếp Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Thế giới và phái đoàn.
Ngày 25-4-2006: tiếp cô Ellen Wong, Tùy viên Văn hóa, Giáo dục Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 06-6-2006: tiếp phái đoàn Can dự Toàn cầu Hoa Kỳ, Từ ngày 26-28/8/2006: Đón tiếp, làm việc với Thượng tọa Chang Zang, Phó Ban Phật giáo Quốc tế và phái đoàn Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc.
Ngày 27-11-2006: Tiếp Ngài Thủ tướng Rátnasiri Uýtcơramanaiaka và các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Sri Lanka thăm Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Từ ngày 20-28/12/2006: Tiếp đoàn Liên Minh Phật giáo Lào thăm chính thức hữu nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 04-01-2007: tiếp Hòa thượng Huyền Diệu, Trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc tại Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ, Lumbini - Népal, bà Gurunna Andrey E Kiratawa - Nhà Lãnh đạo Tâm linh và Hòa bình Népal.
Từ ngày 20/02 - 09/5/2007: đón tiếp Hòa thượng Thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Phật giáo Quốc tế Đạo tràng Mai thôn - Pháp quốc về thăm quê hương lần thứ hai.
Ngày 15-4-2007: tiếp Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tăng già Khất sĩ Thế giới và phái đoàn về thăm quê hương Việt Nam, Tiếp ông Walte Russell Merad, Hội đồng Quốc hội Đối ngoại Hoa Kỳ.
Ngày 08-5-2007: tiếp phái đoàn Phật giáo Nhật Bản, do Hòa thượng Myazaki dẫn đầu.
Ngày 04-9-2007: tại Văn phòng Trung ương Giáo hội, tiếp phái đoàn Bộ Tôn giáo Indonesia do ông Bahrihayat - Thứ trưởng Bộ Tôn giáo dẫn đầu.
Ngày 09-11-2007: tại Văn phòng Trung ương Giáo hội, tiếp phái đoàn IOC/UNDC do Hòa thượng Dhamma Kosajarn dẫn đầu.
9.2. Tham dự Đại hội, hội thảo quốc tế
Ngày 19-02-2003: Tham dự Đại hội X Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Lào.
Ngày 05-10/4/2003: Tham dự Đại hội tư vấn Liên Tôn giáo khu vực châu Á Thái Bình Dương với chủ đề “Tìm kiếm nền công lý hòa bình và phát triển bền vững” tại Indonesia.
Ngày 15-3-2004: Tham dự Lễ phát bằng tốt nghiệp MA của Trường Đại học Phật giáo Hanazobu tại Tokyo và một số cơ sở văn hóa, tự viện tại Nhật Bản.
Ngày 08-4-2004: Hòa thượng Thích Chơn Thiện sang Thiền viện Trúc Lâm Paris (Pháp) tổ chức sinh hoạt và giảng pháp tại Thiền viện Trúc Lâm và tìm hiểu sinh hoạt của Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam tại Pháp.
Ngày 10-6-2004: Thăm Hoa Kỳ và làm việc với các vị có trách nhiệm trong Hội đồng Tôn giáo tại Liên Hiệp Quốc, với các Nghị sĩ Thượng, Hạ viện cùng một số quan chức tri thức tiến bộ khác tại Hoa kỳ.
Ngày 25-6-2004: Tham dự Lễ khởi công xây dựng Vương điện Phật giáo tại Kobe, họp trù bị Đại hội Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới tại Myanmar vào tháng 12/2004.
Ngày 13-7-2004: Dự Lễ thọ phong cao cấp của Hội đồng Phật giáo Ramanan Nikaya và viếng thăm, làm việc với Phật giáo Sri Lanka.
Ngày 16-7-2004: Tham dự Đại hội Quốc tế về Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa do Đại học Mahachulalongkorn tổ chức.
Ngày 09-8-2004: Tham dự Đại hội thường trực ABCP tổ chức tại Uland Udé, Buryat Russia (Liên Bang Nga).
Ngày 27-8-20-04: Tham dự hội thảo Phật giáo Thế giới do Hội Phật học Quang Sơn, Đài Bắc tổ chức.
Ngày 06-9-2004: Tham dự Đại hội Diễn đàn châu Á V tại Hà Nội.
Ngày 02-10-2004: Dự Lễ khánh thành Tháp kỷ niệm Cố Hòa thượng Thích Thiện Châu - Nguyên Uỷ viên Hội đồng Trị sự đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện chủ Thiền viện Trúc Lâm - Paris.
Ngày 14-11-2004: Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan dâng cúng y công đức tại chùa Phổ Minh, thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 15-01-2005: Dự Lễ đặt đá xây dựng chùa Kiều Đàm Di tại Varnasi bang Bihar, Ấn Độ.
Ngày 05-4-2005: Tham dự Lễ viếng Đức Giáo hoàng John Phalo - Đệ nhị và có điện phân ưu cùng Giáo hội Công giáo Việt Nam, các Tín hữu Công giáo tại Việt Nam và thế giới, điện văn do Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự ấn ký.
Ngày16-4-2005: Tham dự Lễ cầu nguyện Hòa bình và xây dựng Tháp Hòa bình tại Osaka - Nhật Bản.
Từ ngày 17-21/5/2005: Tham dự Đại lễ Phật đản và Đại hội Phật giáo Thế giới tại Thái Lan.
Ngày 05-6-2005: Tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại diễn đàn “Việt Nam - Hoa Kỳ: Con đường đi tới”.
Ngày 29, 30-8-2005: Tham dự phiên họp bàn kế hoạch tổ chức Đại Lễ Phật đản PL. 2550 do Cơ quan UNESCO Liên Hợp Quốc và Thái Lan tổ chức vào năm 2006.
Ngày 10-9-2005: Nhận lời mời của Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, phái đoàn đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Namlên đường sang Paris để hỗ trợ công tác và thuyết giảng nhân Đại lễ Vu Lan tại Thiền viện Trúc Lâm Paris.
Tháng 10/2005: Tham dự Hội thảo Phật giáo Thế giới do Hội Phật Quang Sơn, Đài Loan tổ chức.
Ngày 20-29/10/2005: Đoàn đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức thăm hữu nghị Phật giáo Vương quốc Campuchia và Phật giáo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Ngày 01-05/11/2005: Tham dự Đại hội Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ IV tại Thái Lan.
Ngày 14-12-2005: Tham dự Lễ khánh thành chùa Việt Nam Phật Quốc tại Lumbini, Népal.
Ngày 13-4-2006: Tham dự Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ I tại Trung Quốc.
Ngày 06-5-2006: Tham dự Đại Lễ Phật đản PL. 2550 do cơ quan UNESCO, Trường Đại học Mahachalulongkorn, Giáo hội Tăng già Thái Lan tổ chức.
Tháng 5/2006: Tham dự Lễ khánh thành Tượng đài Đức Thánh Gióng và Lễ đặt móng xây ngôi chùa Việt Nam tại Khác Cốp, Ucraina.
Tháng 5/2006: Giáo hội đã cử Đại đức Thích Minh Trí sang Ba Lan và Cộng hòa Séc, Thượng toạ Thích Hải Ấn và Đại đức Thích Thông Đạt sang thành phố Pasé và tỉnh Savanakhet Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào làm lễ Phật đản cho bà con Việt kiều.
Từ ngày 17-24/6/2006: Tham dự Đại hội Thế giới về Ni giới và Phật tử-Con gái Thích Ca tại Thủ đô Kuala Lumpur Malaysia.
Ngày 16-8-2006: Chuyển thư chúc mừng của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đến Hòa thượng Tep Vong nhân dịp Ngài được Quốc vương Campuchia phong lên chức vị tối cao của Phật giáo Campuchia.
Ngày 02-11-2006: Tham gia diễn đàn Hợp tác hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 26-30/5/2007: Tham dự Đại Lễ Phật đản PL. 2551 do cơ quan UNESCO, Trường Đại học Mahachulalongkorn, Giáo hội Tăng già Thái Lan tổ chức.
Từ ngày 29-31/5/2007: Tham dự Đối thoại giữa các tín ngưỡng khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 3 được tổ chức tại Newzilan.
Từ ngày 10-15/7/2007: Dự Lễ khánh thành chùa Conghua Monastery, Dali City, Yunnan Province, Chinna.
Từ ngày 19-21/6/2007: Tham dự Đại hội Đối thoại Tín ngưỡng Á - Âu lần thứ 3 tại Nam Kinh, Trung Quốc.
Từ ngày 21-24/6/2007: Tham dự Đại hội Thanh niên Phật giáo Thế giới tại Malaysia.
Từ ngày 22-26/6/2007: Tham dự cuộc gặp gỡ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Campuchia tại Campuchia.
Ngày 30-6-2007: Chuyển Thư chúc mừng của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tham dự Đại hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc lần thứ nhất.
Ngày 05-12/9/2007: Tham dự chuyến du lịch hành hương Phật tích Ấn Độ do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ấn Độ mời các nước Phật giáo dọc sông MêKông và sông Hằng gồm Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Myanmar.
Ngày 06-9 và 10-11-2007: Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thích Trí Quảng cùng phái đoàn Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ thăm và làm việc với các cơ quan Hạ Nghị viện Hoa Kỳ và một số trí thức thân hữu với Việt Nam.
Ngoài ra, Giáo hội còn tham dự các cuộc Đại hội, hội thảo chuyên đề về văn hoá, đạo đức, giáo dục Phật giáo và môi trường đã góp phần trao đổi những kinh nghiệm quý trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và từ thiện xã hội, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị đối với các nước Phật giáo trong vùng và trên thế giới.
9.3. Các công tác Quốc tế khác
Giáo hội còn tiếp nhận 16 tượng Phật (2 tượng bằng đồng và 14 tượng bằng xi măng) do Phật tử tỉnh Kadal và Phật tử Thủ đô Phnôm Pênh cúng dường cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Thông qua Ban Phật giáo Quốc tế, Trung ương Giáo hội đã gửi bức tượng Đức Bổn Sư bằng gỗ quý cao 0,7mét, 36 tập Đại Tạng Kinh Việt Nam để được đặt tại Vương điện Phật giáo thuộc Thượng đỉnh Phật giáo và chuyển tôn danh, giáo phẩm Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để được khắc vào bia đá kỷ niệm tại Vương điện Phật giáo sang Kobe - Nhật Bản.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm đăng quang trị vì Vương quốc Thái Lan của Đức vua Bhumibol, một trong ba vị vua ở ngôi vị lâu nhất thế giới, Lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ cúng dường tịnh tài cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội để hồi hướng công đức cho nhà vua.
Đồng thời, tại Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các Tỉnh, Thành hội trong cả nước, nhất là những nơi có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, danh Tăng Phật giáo đã đón tiếp nhiều đoàn khách Quốc tế đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động của Giáo hội.
Nhìn chung, công tác Phật giáo giao lưu Quốc tế trong những năm qua đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch hoạt động. Với nhận thức đúng đắn, hành động thiết thực trong tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị, công tác Quốc tế Phật giáo đã từng bước vượt qua khó khăn trở ngại, hoàn thành nhiệm vụ được Giáo hội giao phó. Đây chính là những thành tựu tốt đẹp của Ban Phật giáo Quốc tế đáng được ghi nhận, góp phần tạo uy tín và sự hiểu biết nhiều hơn nữa cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và thế giới. Sự hợp tác Quốc tế về việc Hoằng dương chính pháp, nghiên cứu giáo lý Đức Phật, khế hợp với thời đại phát triển khoa học, phù hợp với điều kiện mở cửa giao lưu văn hoá của Đất nước đã góp phần tích cực cho hoạt động Phật giáo Quốc tế của Giáo hội ngày càng phát triển.
10. Viện - Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam
10.1. Về tổ chức và cơ sở vật chất
Viện có hai Hội đồng: Hội đồng Quản trị gồm 4 thành viên cố vấn và 37 thành viên chính thức, 8 thành viên dự khuyết, Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, có 1 vị chứng minh và 11 thành viên.
Viện có 10 Ban gồm: Ban Biên tập Tạp chí Phật học, Ban Phiên dịch (có Ban phiên dịch Hán ngữ, Anh ngữ và Pali, Sanskrit, Tây Tạng ngữ), Ban Phật giáo Việt Nam, Ban Phật giáo Thế giới, Ban Thiền học Phật giáo, Ban Phật học Chuyên môn, Ban Biên soạn Từ điển Phật học, Ban Tài chính, Ban in ấn và phát hành, Ban Thư viện, với tổng số 240 thành viên, gồm 19 vị có học vị Tiến sĩ, nhiều nghiên cứu sinh Tiến sĩ và học giả có trình độ chuyên môn cao. Do đó, Viện đã tổ chức phân công phân việc cụ thể cho từng thành viên và ổn định về tổ chức, văn phòng và hoạt động có hiệu quả, cụ thể trong suốt nhiệm kỳ V.
Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội về nhân sự, văn phòng làm việc ổn định và hoạt động bình thường theo chức năng chuyên môn và nhiệm vụ của Phân viện, phục vụ sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Giáo hội. Cho đến nay, Tạp chí đã xuất bản được 92 số hai tháng một số, mỗi số 2.000 bản, trong nhiệm kỳ V, đã phát hành được 184.000 bản.
10.2. Hoạt động của 10 Ban chuyên môn
Ban Biên tập Tạp chí Phật học: Tạp chí Nghiên cứu Phật học thuộc Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội vẫn xuất bản đều đặn 2 tháng một số, mỗi số 2000 quyển, đến nay xuất bản được 92 số. Trong nhiệm kỳ V đã phát hành được 184.000 quyển Tạp chí, đã góp phần phát huy tính trong sáng và tích cực của giáo lý đạo Phật, đáp ứng nhu cầu học tập Phật pháp của Tăng, Ni, Phật tử, cũng như các nhà nghiên cứu Phật học.
Ban Phật giáo chuyên môn
Tiếp tục nghiên cứu dịch thuật và soạn thảo các đề tài Phật học.
Ban Phật giáo Việt Nam
Sưu tập và sắp xếp các tài liệu văn học Phật giáo Việt Nam. Hoàn thành tập 3 Lịch sử Phật giáo Việt Nam và đang biên soạn tập 4.5.6 Bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Ban Phật giáo Quốc tế
Tổ chức và tham dự các cuộc hội thảo, Đại hội, các Lễ hội Quốc tế như:
Tham dự Hội thảo Asian Civilization Dialogue (Đối thoại Văn minh Châu Á) và Memory of Hajime Nakamura (Tưởng niệm nhà Phật học Nhật Bản Hajime Nakamura).
Tham dự Đại Lễ Phật đản do cơ quan UNESCO Liên Hiệp Quốc, Trường Đại học Mahachulalongkorn, Phật giáo Thái Lan tổ chức.
Tham dự Đại hội Phật giáo tại Sri Lanka từ ngày 08 đến 12-9-2006.
Từ ngày 12 đến 23-10-2006 tham dự hội thảo Phật giáo tại Đại học Hoa Phạm - Đài Loan.
Ngày 15,16-7-2006: tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức”.
Ngày 21-8-2007: Tổ chức hội thảo khoa học Quốc tế chủ đề: “Việt Nam và những truyền thống Phật giáo Đông Á” và ngày 22,23/8/2007: Tăng, Ni trẻ được huấn luyện ECAI - Sáng kiến bản đồ văn hóa điện tử, để định vị những ngôi chùa tại Việt Nam.
Tiếp phái đoàn Mỹ thăm Việt Nam và giới thiệu đôi nét về lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tháng10/2005 tiếp phái đoàn Phật giáo Tịnh độ tông Nhật Bản.
Cuối tháng 11/2005 tiếp phái đoàn giáo sư người Mỹ thuộc Đại hội Cornell và ký kết bản ghi nhớ về việc quan hệ giữa hai thư viện của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Đại học Cornell, Hoa Kỳ.
Ngày 20-01-2006: Tổ chức Lễ ra mắt dịch phẩm Thiền Uyển Tập Anh từ tiếng Việt ra tiếng Pháp do Giáo sư Langlet người Pháp phiên dịch.
Ban Phiên dịch Hán tạng
Đã dịch, hiệu đính Bản Sinh Duyên của Trường A Hàm và biệt dịch Trung A Hàm.
Kết hợp với Viện tổ chức Lớp Hán văn Phật học nâng cao khai giảng ngày 23-9-2004, hiện có 39 học viên đang thực tập phiên dịch. Lớp thứ hai, khai giảng ngày 01-12-2005 có 47 học viên đang học năm thứ hai. Ban Phiên dịch Anh ngữ
Đã dịch xong Tiểu Bộ kinh tập 9 và tập 10 thuộc Nam tạng, Biên dịch Giáo trình Sangha Talk tập II, duyệt bản dịch Tâm và Đạo, biên soạn giáo trình căn bản Pali.
Ban Thiền học
Có 2 Tiểu ban, Thiền học Phát triển và Thiền học Nguyên thủy.
Tiểu ban Thiền học Phát triển đã hoàn tất những tác phẩm sau: Ngữ lục của Thiền sư Văn Ích, Ngữ lục của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, Ngữ lục của Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Ngữ lục của Thiền sư Ngũ Tổ Pháp Diễn, Tông Môn Vũ Khố của Thiền sư Đại Huệ đời Tống.
Tiểu ban Thiền học Nguyên thủy đã thực hiện: Tái bản cuốn tìm hiểu Pháp hành thiền tuệ, Pháp hành thiền tuệ bốn oai nghi, dịch thuật cuốn Con đường Thiền chỉ và Thiền quán, Biết và thấy, Cuộc đời nữ Thiền sư Dipama. Tổ chức các khóa Thiền tại Tổ đình Bửu Long, Quận 9, chùa Kỳ Viên, Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, Thiền viện Phước Sơn - Đồng Nai, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ban Thư viện
Ba thư viện Xá Lợi, Vạn Hạnh, Quán Sứ vẫn sinh hoạt đều đặn. Các Tỉnh, Thành hội có nhiều Thư viện, phòng đọc sách và hàng trăm phòng phát hành kinh sách Phật giáo, với trên hàng ngàn đầu sách đủ loại, Đại Tạng Kinh, Phật Quang Đại từ điển, Tục Tạng và các đầu sách khác, do Phật giáo Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Đài Bắc tặng, đã góp phần phát triển hệ thống thư viện phục vụ độc giả có hiệu quả.
Ban in ấn
Đã in: Triết học Thế Thân, Sử Phật giáo Việt Nam tập III và tái bản tập II, Tiểu bộ Kinh tập 9 và 10 thuộc Nam tạng, ấn hành Toàn Nhật Thiền sư toàn tập, Trần Thái Tông toàn tập, Toàn tập Trần Nhân Tông (tiếng Việt và tiếng Anh), Tuyển tập Sám văn, Kinh Thiện hữu ác hữu. Tâm và Đạo, Lão học giảng theo quan điểm Phật giáo, Thiền Nguyên thủy và Phát triển, Thắng pháp Tập yếu luận tập 1 và 2, Giáo trình Pali căn bản, Pháp Hoa Huyền tán (04 tập), Pali hàm thụ, Giáo trình Sangha Talk 1 và 2, Chân đạo Chính thống, Toàn nhật Quang Đài tập 1 và 2, Đạt Ma Tổ Sư Luận giảng, tái bản Đại Tạng Kinh, Nhân Minh Học, Kỷ yếu Bồ tát Quảng Đức - Ngọn lửa và trái tim, Nghiên cứu về Thiền uyển Tập Anh, tái bản Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, 2 và 3, Tổng tập Văn học Phật giáo tập 1, 2 và 3, Lịch sử âm nhạc Phật giáo, Nghiên cứu về Mâu Tử, Lục độ Tập Kinh và Lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, The Philosophy of Vasubandhu, Luật Tứ Phần, Một số vấn đề giới luật, Giải trình ý nghĩa Vu Lan, Luật học Tinh yếu, Đức Phật Lịch sử, Đức Phật và Thập Đại Đệ tử diễn ngâm, Vai trò chính trị của Tăng sĩ Phật giáo thời Lý Trần, Nhân chủng học - Khoa học về con người, Danh Tăng Việt Nam tập III, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục tập 1, Thiền tông Vô Môn Quan, Gợi ý 300 công án, Chữ Nôm thời khai phóng Nam bộ qua Gia Định thành thông chí, Đại từ điển Chữ Nôm, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng Luận, Thiết kế đề án Trường Đại học Phật giáo Quảng Đức, Chùa Hải Ninh và Hội đồng Thiện, kiến trúc và lịch sử, Chùa Xá Lợi - Văn hóa truyền thống, Công trình CD Rom “Chùa Việt Nam xưa và nay”, Du Già Sư Địa Luận tập 2, Cảo bản “Trương Quảng Khê tiên sinh tập”, Chữ hiếu trong nền văn hóa Trung Quốc, Tam Bảo tập 1, 2 và 3, Con đường giải thoát khổ, Pháp môn Niệm Thọ, Biết và Thấy, Con đường Cổ xưa, Phật pháp giảng giải, Minh Sát Tu tập, Thiền Chỉ và Thiền Quán, Tứ Niệm Xứ giảng giải, Chính kiến và Nghiệp. Tái bản bộ giáo trình Buddhism Through English Reading. Bút ký Đường Tăng, Tịnh Độ Tam Kinh.
Ban thực hiện Đại tạng Kinh
Trong thời gian qua, Hội đồng phiên dịch Đại tạng vừa phải làm việc vừa từng bước củng cố hoàn tất tốt công tác in ấn và phát hành 36 bản kinh, trên dưới 3 triệu trang dịch từ chữ Hán hoặc chữ Pali sang tiếng Việt, đó là: Trường Bộ Kinh 2 tập, Trung bộ Kinh 3 tập, Tương Ưng Bộ Kinh 3 tập, Tăng Chi Bộ Kinh 4 tập, Tiểu Bộ kinh 6 tập, Trường A Hàm 2 tập, Trung A Hàm 3 tập, Tạp A Hàm 4 tập, Tăng Nhất A Hàm 4 tập. Đã tái bản toàn bộ lần thứ nhất các tập kinh đã phát hành. Hiện đang hiệu đính các bản dịch Đại thừa Hán Tạng và sẽ ấn hành trong thời gian tới.
Giáo hội và Tăng, Ni, Phật tử đánh giá cao chất lượng hiệu đính các tập kinh trên. Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại cũng rất phấn khởi trước Phật sự trọng đại này, nên đã liên lạc về nước xin thỉnh nhiều kinh tạng đã được in. Do đó, mỗi lần xuất bản, Hội đồng chỉ đạo phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam đều cho phát hành sang Pháp và Đài Bắc hàng trăm tập để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tu học của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại.
10.3. Những hoạt động khác
Song song việc biên soạn, dịch thuật, in ấn phát hành, Viện còn tham gia Hội thảo “Tôn giáo Tính” do Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức vào ngày 20-2-2004, Ngày 30-6-2005: Tổ chức hội thảo về Bồ tát Quảng Đức. Triển lãm tuần lễ ảnh 1000 năm nét đẹp mỹ thuật Phật giáo Việt Nam tại Festival - Huế năm 2006 và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Ngày 27-6-2006: Phân viện Nghiên cứu Phật học phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học “Sa môn Trí Hải và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam”.
Ngày 17-7-2006: Làm lễ trồng cây Bồ Đề tại khu đất “Đại học Phật giáo” thuộc khu vực Láng Le, Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh và thăm viếng một số tu viện, chùa chiền.
Ngày 18-7-2007: Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hải Phòng kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo Khoa học Tưởng niệm Cố đại Lão Hòa thượng Thích Trí Hải với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
Viện đã mở trang Web “vinabri.org/.com/.net”, Ban Pali mở trang Web “Phật giáo Nam Tông Việt Nam”, Viện Nghiên cứu phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đang thử nghiệm trang Web www.vbu.edu.vn.
Nhìn chung, trong thời gian qua, hoạt động của Viện Nghiên cứu đã có nhiều khởi sắc thông qua tổ chức các Hội thảo, Đại hội mang tính Quốc tế, công tác biên soạn, dịch thuật, in ấn được hàng trăm đầu sách do Viện phiên dịch, biên tập.
Giáo hội cũng đánh giá rất cao sự nhiệt tình hỗ trợ cả hai mặt tâm lực và tài lực của một số Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban đại diện các quận, huyện và đông đảo Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước đã tích cực ủng hộ theo lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tiếp nhận, phát hành, phổ biến đọc và nghiên cứu Đại Tạng Kinh Việt Nam.
Thành quả nói trên là do sự vận động tự thân của Viện và Phân viện, đồng thời nhờ có sự hảo tâm công đức của chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử. Nếu như không bị hạn chế về vật chất, hy vọng chương trình hoạt động của Viện và Phân viện có thể được thực hiện đầy đủ hơn và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu Phật học tốt hơn.
C. THAM GIA XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, gắn bó với dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật, trang nghiêm cho thế gian tức là trang nghiêm Tịnh Độ chư Phật tại thế gian, với tư cách là thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động vì Tổ quốc hùng cường, nhân dân an lạc, xã hội công bằng, văn minh. Đó chính là thực hiện phương châm: “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc đã thường xuyên động viên Tăng, Ni, Phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các công tác ích nước, lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá trên địa bàn dân cư, góp phần củng cố chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, góp ý kiến cho các báo cáo chính trị của Đảng ở Trung ương và địa phương, tham gia các hoạt động xã hội, vì lợi ích của đất nước và dân tộc. Tham gia Quốc hội khoá XI, có Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Danh Nhưỡng, Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Tham gia Quốc hội khóa XII có có Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Danh Nhưỡng, Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Tham gia Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Dương Nhơn, Hòa thượng Danh Nhưỡng, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Đức Phương, Hòa thượng Thiện Duyên, Ni trưởng Ngoạt Liên, Sư cô Tín Liên, Đạo hữu Tống Hồ Cầm,...
Ngoài ra, còn có rất nhiều Chư Tôn đức Giáo phẩm, Tăng, Ni và Phật tử tham gia Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Chữ Thập đỏ, Hội Liên Hiệp Thanh niên, Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu Chiến binh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Khuyến học, tất cả đều thể hiện truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” của Tăng, Ni, Phật tử được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận các cấp tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen cao quý về công lao cống hiến cho Đất nước như:
- Cố Hòa thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy chương Vì Sự nghiệp Xây dựng Thủ đô.
- Huân chương Độc lập hạng nhất : Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự.
- Huy chương Đại đoàn kết toàn dân tộc: Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Thanh Tứ.
- Thành hội Phật giáo Hà Nội được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.
- Huân chương Lao động hạng III có: Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, Thượng tọa Thích Minh Thiện, Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa - Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương.
- Hòa thượng Thích Hiển Pháp được Bộ Giao thông Vận tải tặng Huy chương Vì Sự nghiệp Giao thông Vận tải.
Đồng thời, tại một số đơn vị Tỉnh, Thành hội, các Ban Trị sự, các cơ sở từ thiện của Giáo hội được được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Nhân dân , Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tặng nhiều Bằng khen, giấy khen, bằng tuyên dương công đức, bằng công đức của Giáo hội cho tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.
Đặc biệt, tại Cà Mau, các Phật tử lão thành có công với cách mạng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng như: Bà Nguyễn Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Mịnh, Cố Hòa thượng Thích Hiển Giác, Thượng tọa Thích Thiện Bửu được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến và các Kỷ niệm chương, bằng khen, Hòa thượng Hữu Nhem được công nhận Liệt sĩ, huyện Tiên Lãng, Thành hội Phật giáo Hải Phòng được Nhà nước tặng 5 Huân chương cho 5 Liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp…
Ngoài ra, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, các đơn vị và cá nhân của Giáo hội sẽ được Chính phủ trao tặng Huân chương độc lập, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tất cả những cống hiến trên chứng minh Tăng, Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó cùng dân tộc, đã và đang hăng hái đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá Đất nước, cùng toàn dân xây dựng Đất nước công bằng, dân chủ, giàu đẹp, văn minh và tiến bộ.
III. NHẬN XÉT ƯU - KHUYẾT ĐIỂM
Kính bạch Chư Tôn giáo phẩm Ban Chứng minh, Kính thưa Đoàn Chủ toạ, Kính thưa Chư vị Khách quý, Kính thưa Quý vị Đại biểu,
Thông qua các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ V, trên cơ sở chương trình hoạt động 6 điểm của Giáo hội, về cơ bản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng củng cố, phát triển các mặt hoạt động, tăng cường sự đoàn kết hòa hợp các Hệ phái Phật giáo, các thành viên Tăng, Ni, Cư sĩ, Phật tử trong toàn Giáo hội. Từ những thành tựu này, cho phép Giáo hội chúng ta rút ra những kinh nghiệm và nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm và các mặt tồn tại như sau:
1. Đánh giá chung
Với tinh thần đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm trang nghiêm Giáo hội, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong những năm qua đã góp phần thực hiện có hiệu quả tôn chỉ mục đích đúng đắn của Giáo hội đề ra trong Hiến chương và Chương trình hoạt động 6 điểm. Những thành quả Phật sự đạt được chính là do sự chung tay, góp sức, nhất tâm đoàn kết của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, không phân biệt Tông môn, Hệ phái, xuất gia hay tại gia, ở trong nước hay ở nước ngoài.
Bộ máy lãnh đạo của Giáo hội được thành lập hơn 25 năm qua đã tự hoàn thiện, không ngừng củng cố, mở rộng về nhân sự và chất lượng, trình độ, thể hiện trọn vẹn nguyên tắc thống nhất đã đề ra. Đó là tính đoàn kết, hòa hợp, thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đặt sự nghiệp chung vì Đạo pháp và Dân tộc. Chính vì vậy, những thành quả của Giáo hội đạt được đã khẳng định một số ưu điểm lớn, quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Mặt khác, với truyền thống yêu nước, Tăng, Ni cũng như Phật tử đã noi gương các bậc Tổ sư tiền bối, luôn một lòng tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hoá xã hội ... đều có sự đóng góp nhiệt thành của Tăng, Ni, Phật tử, trong đó không ít những cống hiến xuất sắc, xứng đáng với truyền thống hộ quốc an dân của Tăng, Ni, Phật tử suốt chiều dài lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam.
Những thành quả tốt đẹp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua đã khẳng định niềm tin của Giáo hội vào Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa niềm tin của những bậc chân tu tiền bối trong giai đoạn lịch sử và cách mạng Việt Nam - một niềm tin xuất phát từ lòng yêu nước, thấm nhuần tư tưởng từ bi và trí tuệ của đạo Phật Việt Nam đã được kiểm nghiệm lâu dài trong thực tiễn.
Mặt khác, tinh thần “khế lý, khế cơ” của giáo lý Đức Phật cũng là một trong những yếu tố quan trọng hướng dẫn chúng ta ứng dụng vào các mặt tổ chức và điều hành Phật sự của Giáo hội. Tinh thần “khế lý” giúp chúng ta sống đúng chân lý, nắm vững quy luật của vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần “khế cơ” giúp chúng ta biết vận dụng chân lý ấy cho thích hợp với tâm lý, căn cơ, hoàn cảnh của đất nước và thời đại. 2. Ưu - Khuyết điểm
a. Về mặt ưu điểm
Trên cơ sở Chương trình hoạt động nhiệm kỳ V, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai công tác cụ thể, bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo pháp của các thành viên Tăng, Ni, Phật tử cả nước. Qua đó, Giáo hội đã thành tựu nhiều Phật sự và đạt được những kết quả như sau:
- Từng bước triển khai và thực hiện có kết quả các mặt hoạt động của Giáo hội từ các Ban, Ngành, Viện Trung ương Giáo hội đến Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc. Với những thành quả đạt được, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, huy hoàng hơn trong lòng dân tộc.
- Văn phòng Trung ương Giáo hội đã củng cố và tăng cường nhân sự hợp lý, quan hệ chặt chẽ, thông tin và giải quyết kịp thời nhiều Phật sự cần thiết, nhất là công tác tổ chức các Đại hội thường niên của Trung ương Giáo hội đều đúng thời gian quy định, kịp thời phổ biến các thông tri, thông bạch, chỉ đạo của Trung ương Giáo hội đến các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo.
- Trung ương Giáo hội đã hướng dẫn các Tỉnh, Thành hội Phật giáo chủ động tổ chức học tập, hội thảo, quán triệt về các văn kiện của Trung ương Giáo hội có hiệu quả. Qua đó, các Tỉnh, Thành hội đã phát huy được vai trò kỷ cương lãnh đạo của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội theo đúng Hiến chương và Nội quy Ban ngành Viện và Ban Trị sự.
- Do bám sát chương trình hoạt động, luôn luôn quan tâm đến công tác Phật sự và tình hình sinh hoạt tại mỗi địa phương, nên khi có vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ, Trung ương Giáo hội đã kịp thời cử đại diện về giải quyết, giúp địa phương ổn định tình hình sinh hoạt có hiệu quả tốt, như: Bắc Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Thuận, Hậu Giang, Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu...
- Qua các hoạt động phụng sự đạo pháp trong nước và các Đại hội, hội thảo quốc tế, tham quan nước ngoài, sự hiểu biết của Tăng, Ni, Phật tử trong nước cũng như uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới ngày càng phát huy mạnh mẽ.
- Trong bất cứ tình huống nào, Tăng, Ni, Phật tử cả nước vẫn luôn luôn khẳng định vai trò, vị trí, tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất, đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
- Do đường lối đổi mới, cũng như chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, sự yểm trợ chân tình của các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương và các cấp, Giáo hội đã có thuận duyên để tiếp tục phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc, theo hướng phát triển chung của thời đại.
Mặc dù, trong những năm qua, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển phức tạp, lại có những âm mưu gây chia rẽ phá hoại sự nghiệp thống nhất Phật giáo, nhưng với sự kiên định, sáng suốt nhận định, thấy rõ lý nhân quả và hòa hợp đoàn kết, quyết tâm giữ vững sự thống nhất Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khắc phục và vượt qua mọi trở ngại, để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của Giáo hội đối với Đạo pháp và Dân tộc trong điều kiện hội nhập và phát triển toàn diện của Đất nước. Đặc biệt là tạo vị thế vững mạnh của Giáo hội đối với công tác đối ngoại, tạo sự thân hữu với Phật giáo các nước trên thế giới.
b. Về mặt khuyết điểm
Bên cạnh những ưu điểm đạt được, trong quá trình quản lý, điều hành công tác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế, khuyết điểm, đó là những khiếm khuyết mà Giáo hội cần nỗ lực khắc phục để tự hoàn thiện trọng trách mà Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước tín nhiệm giao phó.
- Mặc dù nhân sự của Hội đồng Trị sự, các Ban, Ngành, Viện được tăng cường nhưng hoạt động chưa đồng bộ, chưa sâu sát, không tạo thành chất xúc tác với các cơ sở địa phương, phần lớn chỉ chú trọng về hình thức, việc điều hành quản lý và giải quyết công tác Phật sự còn tương đối chậm.
- Về mặt xây dựng cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thiền viện Quảng Đức, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa tiến hành thi công giai đoạn 2, do chưa giải quyết dứt điểm những vướng mắc về mặt bằng.
- Một số công tác Phật sự của Giáo hội đã đề ra trong những năm qua, đến nay vẫn chưa thực hiện được như: Bộ sách giáo khoa Phật học phục vụ công tác giảng dạy tại các trường Phật học trong cả nước chưa được thực hiện, Trường Cao đẳng Phật học vẫn chưa được thành lập, chưa soạn thảo được giáo trình Nghi lễ để giảng dạy chung tại các Trường hạ và các Trường Phật học, chương trình phát triển văn hoá Phật giáo tại các vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên và dân tộc ít người tuy đã được thực hiện nhưng chưa đều khắp, vì thiếu kinh phí và thiếu nhân sự.
- Do Giáo hội chưa có kế hoạch tạo nguồn kinh tế tài chính ổn định lâu dài và dự trữ để hoạt động, nên một số công tác Phật sự trong nhiệm kỳ qua bị đình đốn không thực hiện được.
IV. KẾT LUẬN
Qua 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ V, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành tựu được nhiều Phật sự trọng đại. Có được những thành tựu đó chính là do Giáo hội có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với Đạo pháp, Dân tộc trong xu thế phát triển của xã hội và thời đại. Đường hướng đó chính là “Trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội”, đoàn kết hòa hợp Phật giáo và phát huy truyền thống ngàn đời hòa quyện giữa Phật giáo với Dân tộc như “sữa hòa trong nước” trên đường tiến lên theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Chính trên nên tảng đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra và thực hiện thành công Chương trình 6 điểm của nhiệm kỳ V.
Yếu tố cơ bản để thực hiện đường hướng cũng như tạo nên những thành tựu nói trên là do sự lãnh đạo nhất quán, xuyên suốt của Trung ương Giáo hội với ý thức vun bồi, bảo vệ sự nghiệp đoàn kết, thống nhất Phật giáo Việt Nam và tôn trọng truyền thống tu học đúng chính pháp.
Giáo hội cũng mạnh dạn nhìn vào thực tế, nhận xét đánh giá đúng đắn những ưu, khuyết điểm và những hạn chế, tồn đọng, khó khăn trong 5 năm qua, để rút kinh nghiệm tạo cơ sở nhận thức, đề ra chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI. Tất cả Tăng, Ni, Phật tử chúng ta nhất tâm phát huy những kết quả tốt đẹp đã thành tựu, những nội dung tư duy tích cực đã tích luỹ, thống nhất ý chí và hành động để phấn đấu hoàn thành Chương trình hoạt động của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI đề ra.
Trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng rằng, với sức mạnh đồng tâm hiệp lực phục vụ Đạo pháp và Dân tộc của toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như các cơ quan, Ban ngành hữu trách các cấp và nhân dân cả nước, nhất định sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự Tổ quốc và nhân loại của Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, đạt những thành quả to lớn, sâu sắc, bền vững và tốt đẹp hơn nữa.
Với tinh thần đó, Tăng, Ni, Phật tử hãy quán triệt tinh thần, nội dung chương trình hoạt động 6 điểm của Giáo hội trong nhiệm kỳ VI, ứng dụng hài hòa với tình hình xã hội, Đất nước và thế giới có nhiều cơ duyên thuận lợi đồng thời đòi hỏi phải khắc phục không ít khó khăn trên đường đi tới, để công đức tu học, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của mỗi người không ngừng tinh tiến, các mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội đều hoàn thành viên mãn, tiếp tục làm trang nghiêm vững mạnh ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng Dân tộc, cùng cả nước vững bước tiến lên theo sự phát triển của thời đại hội nhập, kinh tế toàn cầu của thế kỷ hòa bình và thịnh vượng.
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng
Bình luận (0)