Báo cáo về hoạt động Phật giáo quốc tế nhiệm kỳ II của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Các hoạt động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian năm năm của nhiệm kỳ II đã được thực hiện trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam cũng như của toàn thế giới. những người Phật tử Việt Nam, với tinh thần dân tộc vốn có, vẫn Giáo hội nhớ mối tương quan tương duyên trong các hoạt động Phật sự Quốc tế đối với sự an lạc của đồng đạo cũng như của toàn thế giới loài người, nên đã hết sức cố gắng thực hiện các hoạt động quốc tế Phật giáo trong Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy.
Năm năm qua, giới Phật giáo Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự đổi thay trên bình diện quốc tế. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân tiêu diệt toàn thể loài người đã tạm thời bị đẩy lùi, nhưng loài người lại phải đương đầu với những thử thách to lớn và phức tạp khác. Bên cạnh một số những vấn đề tồn tại cũ còn đang phải giải quyết, những xung đột khu vực xuất phát từ những định kiến về sắc tộc và tôn giáo, từ sự bất bình đẳng vể kinh tế và văn hoá còn đang có chiều hướng phát triển tại một số nơi trên thế giới. Hiện tượng bất bình đẳng trong quan hệ giữa các nước công nghiệp và các nước chậm phát triển, giữa các cường quốc quân sự có tham vọng và các nước yêu chuộng hòa bình vẫn chưa được cải thiện, dẫn đến tình trạng nghèo đói và nhiều vấn đề xã hội nảy sinh tại những nước này. Loài người lại đang đứng trước hiểm hoạ mới về môi trường. Tình trạng sa sút lòng tin đối với tương lai của loài người dẫn đến nếp sống gấp, chạy theo dục lạc đang có chiều hướng phát triển ở một số nước và cũng ít nhiều ảnh hưởng đến giới trẻ của đất nước ta.
Tuy nhiên, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giới Phật tử Việt Nam đã và đang chứng kiến những diễn biến tích cực có liên quan mật thiết đến Việt Nam. Sự nghiệp trợ giúp Phật giáo Campuchia và dân tộc Campuchia đã có những kết quả Hoàn mãn, tạo điều kiện cho quân tình nguyện Việt Nam rút toàn bộ khỏi Campuchia, đã góp phần quan trọng hình thành một giải pháp toàn bộ cho vấn đề hòa bình của Campuchia do Liên Hiệp Quốc dàn xếp. Sự kiện trên đã có một tác động rất quan trọng trong việc xây dựng xu thế Hòa bình, ổn định và hợp tác giữa Việt Nam và các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các chính sách đổi mới về kinh tế và xã hội, trong đó có chính sách tín ngưỡng đúng đắn ở trong nước, đã tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy được ánh sáng Chính pháp, tạo thêm nhiều tin tưởng không những đối với Phật tử trong nước mà còn đối với các nước lân cận và Phật tử Việt kiều.
Bên cạnh đó, sự kiện nước Việt Nam với một chủ trương đối ngoại đúng đắn, mở rộng giao lưu về kinh tế, văn hoá và xã hội đối với các nước, không phân biệt chế độ chính trị đã tạo nên nhiều điều kiện hết sức thuận lợi cho việc xây dựng tình thân hữu quốc tế của dân tộc Việt Nam đối với các dân tộc khác.
Trong bối cảnh chung đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhạy bén trước những chuyển biến của thời đại để thực hiện nhiều mặt hoạt động Quốc tế, nhằm không ngừng vun bồi cho tình đồng đạo giữa Phật tử Việt Nam và Phật tử cả nước, đồng thời cùng các tổ chức Phật giáo Quốc tế tăng cường hoạt động đóng góp cho những phong trào Phật giáo đấu tranh cho sự tiến bộ của loài người.
Có thể tổng kết các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm 4 loại như sau: các hoạt động hợp tác quốc tế vì hòa bình, các hoạt động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục, bảo vệ môi trường và từ thiện xã hội, các hoạt động vì tình hữu nghị quốc tế và các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với Phật tử Việt kiều ở hải ngoại.
I. PHẦN TÓM LƯỢC CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT GIÁO QUỐC TẾ CỦA GIÁO HỘI
A. CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ VÌ HÒA BÌNH
1. Các hoạt động Quốc tế với cơ quan Trung ương lãnh đạo và các Phân ban của Hội Phật tử châu Á vì Hòa bình (ABCP)
+ Từ ngày 1 đến 5 tháng 12 năm 1988, đoàn đại biểu Trung tâm ABCP Việt Nam do Thượng tọa Thích Thanh Tứ-Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương làm Trưởng đoàn, dự Đại hội tại Khabarốp (Liên Xô). Đây là Đại hội giữa hai tổ chức ABCP và Campuchia về chủ đề “Hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Tham dự Đại hội có gần 50 đại biểu thuộc 17 nước châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các Trung tâm quốc gia ABCP và Campuchia.
+ Từ ngày 9 đến 12 tháng 5 năm 1988, Trung tâm Quốc tế ABCP thăm hữu nghị Việt Nam. Tiến sĩ Lubsentseren Tổng Thư ký ABCP làm Trưởng đoàn. Trong thời gian ở Việt Nam, đoàn đã tiếp xúc và làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trung tâm Quốc gia ABCP Việt Nam. Đoàn đã đánh giá cao các hoạt động của Phật giáo Việt Nam và trung tâm ABCP Việt Nam trên trường quốc tế. Đoàn mong muốn Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Trung tâm Quốc tế ABCP và các Trung tâm Quốc gia khác, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, an ninh tiến bộ xã hội và công lý.
Ngoài những hoạt động trên, trong nhiệm kỳ qua Giáo hội ta còn đóng góp những bài viết cho tập “Buddhist For Peace” của Trung tâm Quốc tế ABCP phát hành như bài “Đạo Phật vì Hòa bình, tình hình thế giới hiện nay và lập trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” của Hòa thượng Thích Minh Châu, bài “Đạo Phật và nghệ thuật tạo hình” của hoạ sĩ Phan Kế An và bài “Ba yếu tố của đạo Phật Việt Nam về Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông” của Giáo sư Hà Văn Tấn.
+ Từ ngày 25 đến 27 tháng 6 năm 1989, Hòa thượng Thích Minh Châu dẫn đầu đoàn đại biểu Trung tâm ABCP Việt Nam , Trung tâm Quốc tế ABCP. Trung tâm ABCP Việt Nam đã tham dự Đại hội thường niên Ban Chấp hành ABCP tại Ulan-Ude. Đại hội này đã quyết định lấy Ulan Bator là nơi tổ chức Đại hội 8 ABCP vào năm 1990, nhân kỷ niệm lần thứ 20 năm ra đời của tổ chức Phật giáo này.
+ Từ 18 đến 23 tháng 9 năm 1990, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử đoàn đại biểu gồm 7 vị do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, đã tham dự Đại hội VIII và kỷ Niệm 20 năm ngày thành lập tổ chức ABCP tại Ulan Bator.
+ Trưởng đoàn Việt Nam đã thuyết trình về chủ đề “Đạo đức Phật giáo, định nghĩa những đặc điểm của Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người”. Đoàn cũng tham gia thảo luận và tặng Đại hội quyển “Vietnam Buddhism and its activities for peace (Đạo Phật Việt Nam và những hoạt động của Phật giáo Việt Nam đóng góp vào Hòa bình). Quyển sách rất được các Đại biểu hoan nghênh. Trong Đại hội này, Hòa thượng Thích Minh Châu được bầu vào Ban Chấp hành ABCP nhiệm kỳ mới với chức vụ Phó Chủ tịch ABCP và Chủ tịch Trung tâm Quốc gia ABCP Việt Nam. Đại hội có thành lập thêm một Uỷ ban Giáo dục Phật giáo và Giáo dục Hòa bình, đề cử Hòa thượng Thích Minh Châu làm Chủ tịch.
+ Nhân Đại hội Phật giáo tại Seoul, Nam Triều Tiên từ ngày 18,19,20 và 21 tháng 11 năm 1991, Hòa thượng Thích Minh Châu có gặp ông Lubsentseren Tổng Thư ký ABCP. Ông ngỏ ý muốn Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội IX ABCP tại Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thư trình lên Ban Tôn giáo Chính phủ hỏi ý kiến về vấn đề này.
+ Tháng 3 năm 1992, đoàn Đại biểu Trung tâm Quốc gia ABCP Nhật Bản do Hòa thượng Suzuki dẫn đầu đã đến Việt Nam để bàn kế hoạch tổ chức Đại hội quốc tế về giải trừ quân bị cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung tâm ABCP Việt Nam đã trình sự việc lên Nhà nước và dự tính Đại hội sẽ tiến hành vào đầu năm 1993.
+ Tháng 10 - 1992, đoàn Đại biểu Trung tâm Quốc gia ABCP Nhật Bản do Hòa thượng Suzuki dẫn đầu đã đến Việt Nam để bàn bạc với Trung tâm Quốc gia ABCP Việt Nam về chuẩn bị Đại hội quốc tế giải trừ quân bị.
+ Tháng 7 năm 1992, 2 vị phái viên của Trung tâm ABCP Quốc tế do ông Gunasekera, Uỷ viên Thư ký Quốc tế ABCP dẫn đầu đã đến làm việc với Hòa thượng Thích Minh Châu để bàn về vấn đề đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm củng cố và phục hồi phong trào ABCP trên trường quốc tế và trong khu vực.
2. Các hoạt động Quốc tế vì hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hợp tác với tổ chức tôn giáo bạn:
+ Từ ngày 31 tháng 5 đến 25 tháng 6 năm 1988, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng đợt sóng hòa bình lần thứ 2 của tổ chức “Hòa bình chống bom nguyên tử của thế giới” phát động với mục đích loại trừ vũ khí hạt nhân và lấy chữ ký cho lời kêu gọi Hiroshima và Nagasaki. Nhiều Tỉnh, Thành hội trong cả nước hưởng ứng. Hàng chục vạn Tăng, Ni, Phật tử đã ký tên vào bản kiến nghị chống chiến tranh hạt nhân, đòi giải trừ quân bị.
+ Từ ngày 4 đến 9 tháng 10 năm 1988, Trung tâm ABCP Việt Nam, đã cử đại biểu đi dự Đại hội Tin lành châu Á về sự liên đới giữa các tôn giáo trong cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân cho Hòa bình tại Rajpur-Dehradoon, Ấn Độ.
+ Từ ngày 27 đến 29 tháng 10 năm 1988, Hòa thượng Thích Minh Châu dự Đại hội ở Rome để cầu nguyện cho hòa bình do tổ chức Uomi Ni and Religio Ni (Con ngườì và tôn giáo). Đại hội gồm các đại biểu của các Tôn giáo lớn trên thế giới thuộc nhiều quốc gia. Mục đích của Đại hội là xây dựng sự đoàn kết giữa các tôn giáo để cùng nhau phục vụ hòa bình.
+ Nhận lời mời của tổ chức Thế giới Tôn giáo vì Hòa bình (WCRP), đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Minh Châu, Chủ tịch Trung tâm ABCP Việt Nam làm trưởng đoàn, đã tham dự Đại hội lần thứ 5 của tổ chức này tại Melbourne, Úc châu, từ ngày 22 đến 28 tháng 1 năm 1989. Đại hội này qui tụ những nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới, các giáo sư trí thức nổi tiếng của các tôn giáo. Tại Đại hội, đoàn đã có dịp góp tiếng nói về giáo dục hòa bình, xây dựng một trật tự đạo đức mới, dựa trên giáo lý của đức Phật. Đoàn cũng đã giải toả một số ngộ nhận về tình hình Việt Nam.
+ Nhân ngày Liên Hiệp Quốc 24 tháng 10 năm 1989 và hưởng ứng đợt sóng Hòa bình từ 24-10 đến 30-10-1989 của Uỷ ban Giải trừ quân bị tại Tokyo (Nhật Bản). Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ cầu nguyện Hòa bình và lấy chữ ký chống chiến tranh. Hàng vạn Tăng, Ni, Phật tử đã ký tên vào bản kiến nghị chống chiến tranh. Ngoài ra, để thắt chặt thêm tình thân giữa Phật giáo hai nước Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Tăng, Ni, Phật tử cũng quan hệ thường xuyên với tổ chức “World Conference Against Atomic And Hydrogen Bombs” (Peace Wave Action Commit tee). Đây là tổ chức hoạt động cho Hòa bình của Nhật.
+ Từ ngày 25 đến 28-9-1990, Hòa thượng Thích Minh Châu đã tham dự Đại hội của tổ chức Uomi Ni and Religio Ni của Ý, nhằm mục đích đoàn kết các tôn giáo để phục vụ cho Hòa bình. Đây là Đại hội quốc tế lần thứ 4 do tổ chức “Con người và tôn giáo” mời. Đại hội gồm đông đủ các Tôn giáo lớn trên thế giới. Trong Đại hội Hòa thượng Thích Minh Châu thuyết trình đề tài “Đạo Phật và những đóng góp của Đạo Phật vào hạnh phúc của con người hiện đại”.
+ Hòa thượng Thích Minh Châu được mời tham dự Đại hội Malta từ 8-10.10.1991, do tổ chức Uomi Ni and Religio Ni (Con ngườì và tôn giáo), với khẩu hiệu “Từ Đông sang Tây một đại dương mênh mông Hòa bình”.
Đại hội này gồm đại diện các tôn giáo lớn và các tín ngưỡng lớn đại diện cho 50 nước trên thế giới, với mục đích là đoàn kết các tôn giáo để bảo vệ Hòa bình”
B. CÁC HOẠT ĐỘNG TRAO ĐỔI VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ TỪ THIỆN XÃ HỘI
+ Ngày 16-5-1989, đoàn đại diện Chân Ngôn tông (Sgingon) của Phật giáo Nhật Bản, cũng là lãnh đạo MeTa Intenational do Hòa thượng Yamada dẫn đầu đã đến thăm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam để tìm hiểu đường hướng hoạt động của Viện. Đại diện Giáo hội và Viện Nghiên cứu Phật học, Hòa thượng Thích Minh Châu và một số vị giáo phẩm đã tiếp đoàn.
+ Nhận lời mời của Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) và ngôi chùa Dawonsa, Hòa thượng Thích Minh Châu với tư cách là Phó chủ tịch ABCP và chủ tịch Trung tâm ABCP Việt Nam, đã tham dự cuộc hội thảo “Đạo Phật và sự lãnh đạo vì Hòa bình” tổ chức tại Ulan bator (Mông Cổ) từ 15 đến 20 tháng 8 năm 1989. Cuộc hội thảo này dưới sự bảo trợ của ABCP và với sự hợp tác của ngôi chùa Dawonsa ở Hawai. Các đại biểu tham dự hội thảo và các vị Giáo phẩm Phật giáo, các nhà lãnh đạo vì Hòa bình, các vị học giả từ Viện Đại học Liên Hiệp Quốc và từ nhiều quốc gia khác. Hội thảo đã đề cập về một số sự kiện nóng bỏng như “bốn sự khủng hoảng của thế giới hiện nay”: khủng hoảng xã hội, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng đạo đức, môi sinh, cùng hai nạn diệt vong lớn là diệt vong do chiến tranh hạt nhân gây nên và diệt vong của sự phá hoại môi trường. Do đó, hội thảo đặt ra năm vấn đề cần giải quyết là giải trừ quân bị, công bằng kinh tế, nhân quyền, bảo vệ môi sinh và hợp tác quốc tế với sự đóng góp của đạo Phật.
+ Nhận lời mời của Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) và Phật giáo Mông Cổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử đoàn đại biểu do Hòa thượng Thích Thiện Siêu- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự làm trưởng đoàn cùng Thượng tọa Thích Thanh Tứ- Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Thượng tọa Thích Giác Toàn- uỷ viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Trí Tâm- Uỷ viên Hội đồng Trị sự và Đại đức Thích Gia Quang, nhân viên Văn phòng Trung ương Giáo hội sang thăm ABCP và Phật giáo Mông Cổ từ ngày 19-9 đến 27-9-1989. Trong thời gian ở thăm, đoàn đã tiếp xúc và làm việc với Phật giáo Mông Cổ với ABCP Mông Cổ. Trong những cuộc tiếp xúc này, hai bên đã trao đổi và thông báo tình hình và những hoạt động của Phật giáo hai nước, chương trình giảng dạy và những hoạt động của hai trường Phật học. Hai bên nhận thấy rằng cần phải tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai tổ chức Phật giáo hai nước, tăng cường các hoạt động giáo dục, hòa bình.
+ Đầu năm 1990, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tăng cường quan hệ thân hữu với Viện Phật học Mật Hiển, Hồng Kông. Bạn trợ giúp ta về tài chính phiên dịch, in ấn và phổ biến một số tác phẩm Phật học có giá trị. Ta nhận được một máy photocopy và một số kinh sách. Có một số triển vọng hợp tác trong tương lai.
+ Ngày 6-10-1990, Trung Hoa Phật giáo Cư sĩ hội ở Đài Loan đã tặng 20 thùng kinh, được phân chia như sau: thư viện Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam bộ Phật học Đại tự điển (3 quyển), 1 bộ Tục Tạng (151 quyển), biếu Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa 1 bộ “Đại Chính Tân tu Đại Tạng Kinh” gồm 100 quyển. Ngoài ra hội Cư sĩ Phật học Đài Loan còn biếu cho thư viện trụ sở Trung ương Giáo hội tại chùa Quán Sứ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế ba bộ “Đại Chính Tân tu Đại Tạng Kinh” bằng chữ Hán, mỗi bộ gồm 10 thùng, 100 quyển. Các bộ Tạng trên đã được chuyển đến mỗi nơi.
+ Đáp lời mời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 9-5-1990, đoàn đại biểu một số sơn môn Phật giáo Nhật Bản gồm 6 vị do Hòa thượng Yamada Kazuma làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế. Đoàn cùng Tăng, Ni Phật tử thành phố dự đại lễ Phật đản tại một số chùa và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam Đặc biệt trong chuyến viếng thăm Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế, Hòa thượng Yamada đã nhận rõ tính cách gắn bó giữa Phật giáo Việt Nam và nền văn hoá dân tộc, do đó đã đề nghị tổ chức tại Huế một cuộc Đại hội quốc tế nghiên cứu về mối quan hệ giữa Phật giáo và nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Đề nghị này đang được nghiên cứu.
+ Ngày 26-3-1990, vị lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh đến thăm trường Cao cấp Phật học Việt Nam đã hứa giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam 2 học bổng du học tại Ấn Độ. Ông Đại sứ Ấn Độ ở Hà Nội cũng hứa giúp 2 học bổng tương tự.
+ Trong năm 1990, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tiếp đoàn đại biểu 7 người trong Uỷ ban Hòa giải Đông Dương - Mỹ (tổ chức US Indochina reconciliation project).
+ Năm 1991 nhà nước Ấn Độ đã cấp cho hai học bổng đi du học tại Ấn Độ. Một học bổng cho Đại đức Thích Tâm Đức, một học bổng cho Sư cô Thích nữ Liên Tín đi học tại đại học New Delhi lấy bằng Cao học Phật học trong hai năm. Cả hai đều tốt nghiệp Phật học Cao cấp khoá II tại thành phố Hồ Chí Minh, đã lên đường đi Ấn Độ vào tháng 10 năm 1991. Đến nay hai vị đã Hoàn tất chương trình học năm thứ nhất với kết quả thật đáng khích lệ: “Đại đức Thích Tâm Đức được xếp hạng thứ tư và Sư cô Thích nữ Liên Tín được xếp hạng 5. Cả hai được nhà trường đánh giá là những học sinh giỏi, có nhiều triển vọng”. Ngoài ra nhà nước Ấn Độ cũng đã cấp một học bổng Tiến sĩ cho Thượng tọa Thích Chơn Thiện, học chương trình Tiến sĩ tại Đại học New Delhi vào tháng 7 năm 1992. Hiện nay vị Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và ngài Tổng lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh cũng hứa cấp 5 học bổng: 3 về công tác xã hội, 1 về Sanskrit, 1 về Pali trong Niên khoá 1993-1994.
+ Hòa thượng Thích Minh Châu đã được mời dự cuộc hội thảo thứ 5 với chủ đề “Sự lãnh đạo Phật giáo vì Hòa bình”, được tổ chức tại Seoul, Nam Triều Tiên từ ngày 18 đến 21 tháng 11 năm 1991 với đề tài “Khai thác mọi phương tiện để áp dụng tư tưởng đạo Phật trong thực tiễn xã hội vì Hòa bình và công lý”. Cuộc hội thảo này đặt dưới sự bảo trợ của ngôi chùa Triều Tiên ở Hawai tên Dal WonSae và Viện Nghiên cứu đạo Phật Nam Triều Tiên thuộc Đại học Dong Guk. Cùng bảo trợ hội thảo này còn có “Ban Chấp hành của Hệ phái Chogye Phật giáo Triều Tiên và Viện phát triển đạo Phật Triều Tiên”. Đại biểu tham dự gồm nhiều vị trí thức Phật giáo nổi tiếng của các quốc gia. Với nhiều đề tài thuyết trình phong phú liên hệ đến đạo đức văn hoá và xã hội.
+ Đầu tháng 3 năm 1992, Hòa thượng Tainen Miyagy, Tổng Thư ký thành hội Phật giáo Kyoto Nhật Bản, đã dẫn đầu một phái đoàn gồm 4 vị đến thăm Việt Nam. Đoàn đã làm việc với Ban Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Minh Châu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì. Sau đó, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội đã dự thảo một dự án hợp tác giữa Phật tử Kyoto và Phật tử thành phố Hồ Chí Minh để trợ giúp hệ thống Tuệ Tĩnh Đường Việt Nam. Dự án này đã được phía Nhật Bản dịch ra tiếng Nhật, phổ biến rộng rãi cho Phật tử Kyoto và 2 địa phương khác để trợ giúp Việt Nam. Kết quả hiện nay phía bạn đã tán thành dự án, bắt đầu công cuộc giúp lớp lương y cho Phật giáo Việt Nam. Đồng thời bạn cũng đã vận động thành lập Uỷ ban hợp tác hành động Phật tử Kyoto - Việt Nam trên nhiều mặt hoạt động khác nữa như trao đổi với Phật giáo Việt Nam về văn hoá, học thuật, hoặc trợ giúp các hoạt động từ thiện xã hộii cho Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tích cực soạn thảo một số dự án trao đổi hợp tác với phía Nhật Bản, đệ trình Nhà nước Việt Nam để được cho phép.
Được biết, Hòa thượng Tainen Miyagy đã tích cực ủng hộ Phật giáo Việt Nam trước năm 1975, đã được cố Hòa thượng O Nishiriokel (người được Chính phủ Việt Nam trao tặng huân chương Hữu nghị về các hoạt động ủng hộ Việt Nam trước 1975) giao nhiệm vụ đến thăm miền Bắc trước 1975 trợ giúp trùng tu một số ngôi chùa bị bom Mỹ phá hoại.
+ Khoảng tháng 8 năm 1992, Hội Thiên Ân Di Lặc học viện ở Đài Bắc đề nghị mở một nhà máy chế tạo thức ăn chay xuất khẩu và một tiệm cơm chay tại thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội. Đề nghị này đang được Giáo hội nghiên cứu.
Ngoài các hoạt động quốc tế thường xuyên nêu trên Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn đặt sự quan hệ với các tổ chức ở Úc như: Tổ chức Wat Buddha Dhamma, Tổ chức Buddhist Discussion Centre (Upwei) LTD và tổ chức WCRP (The World Conference on Religion and Peace) của Úc. Tại Thái Lan, có trao đổi với tổ chức INEEB và WFF.
C. CÁC HOẠT ĐỘNG VÌ TÌNH HỮU NGHỊ QUỐC TẾ
+ Ngày 11- 6 -1988, tiếp đoàn Hòa giải Mỹ gồm có 9 vị, đoàn này rất chú trọng tới tình hình Phật giáo Việt Nam. Đoàn được Hòa thượng Thích Minh Châu cùng một số vị giáo phẩm và cư sĩ đón tiếp.
+ Ngày 8-5-1988, Hòa thượng Thích Minh Châu cùng phái đoàn tôn giáo Canada trao đổi về các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
+ Từ ngày 14 đến 16-11-1988, Đại diện Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tiếp và làm việc với phái đoàn Nhật và Cựu chiến binh Mỹ (Nip ponzan Myohoji), trong đó có 2 vị Hòa thượng Kato gyogo Mamogu và Matsu Higai người Nhật Bản và 2 cựu chiến binh John Schuchardt, George Mizo là người Mỹ. Nguyện vọng của đoàn là muốn phối hợp giúp thiết kế xây dựng tại Việt Nam một ngôi chùa Hòa bình để sám hối tội lỗi của quân đội Mỹ đã tàn phá đất nước ta trong chiến tranh Việt Nam. Hòa thượng Thích Minh Châu đã đại diện Giáo hội cảm ơn thiện chí của đoàn và hứa sẽ thảo luận đề nghị này trong Giáo hội với Chính phủ Việt Nam và sẽ thông báo quyết định sau. Trong thời gian ở thăm tại thành phố Hồ Chí Minh, đoàn đã đi thăm một số chùa ở đồng bằng sông Cửu Long và Trường Cao cấp Phật học Việt Nam.
+ Trong năm 1988, để chia sẻ niềm đau chung của nhân dân Acmênia anh em do thảm hoạ động đất gây nhiều thiệt hại nặng nề, nhiều tỉnh, thành đã vận động Tăng, Ni Phật tử đóng góp cứu trợ, thăm hỏi chia buồn và tặng một số hiện vật
+ Cũng trong năm 1988, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã cử các đoàn đại biểu Phật giáo thăm viếng hữu nghị Phật giáo Campuchia và đón tiếp thắm tình hữu nghị Hòa hợp các đoàn Phật giáo Phnôm pênh đến Thành phố.
+ Ngày 19 đến ngày 23-2-1989, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam đã được mời dự Đại hội Phật giáo lần thứ 3 của Liên hiệp Phật giáo Lào. Hòa thượng Thích Thiện Hào thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật tử Việt Nam đã nói lên niềm phấn khởi trước thành tựu to lớn trên cả hai lĩnh vực tôn giáo và xã hội mà Phật giáo Lào đã đạt được. Giáo hội Phật giáo Việt Nam rât vui mừng nhận thấy tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc và Phật giáo hai nước mãi mãi tăng trưởng. Đoàn cũng đã đi thăm Hội Phật tử Việt Nam tại Viêng Chăn.
+ Từ ngày 28-6-1989 đến ngày 7-7-1989, Hòa thượng Kim Cương Tử, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự sang thăm Phật giáo Buriat, nay thuộc Cộng Hòa Liên bang Nga. Trong thời gian ở thăm, Đoàn đã tiếp xúc và làm việc với Hòa thượng Chủ tịch Bandido Khambo Lama Erdineev, Hòa thượng Phó chủ tịch Khambo Lama Erden tại Trung tâm Phật giáo Datsan.
+ Nhận lời mời của Trung tâm Quốc gia ABCP và Uỷ ban Tiếp đón Nhật Bản, đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 3 vị Hòa thượng Thích Minh Châu với tư cách là Phó Chủ tịch ABCP quốc tế và Chủ tịch ABCP Việt Nam làm Trưởng đoàn, Hòa thượng Thích Tâm Thông, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự làm Phó đoàn, và các vị thành viên đã sang thăm hữu nghị Phật giáo Nhật Bản từ ngày 20-10 đến 8-11-1989. Trong thời gian ở thăm, đoàn đã tiếp xúc và làm việc với Hòa thượng Nakano và Hòa thượng Suzuki Chủ tịch và Phó Chủ tịch ABCP Nhật Bản, đoàn đã đi thăm và làm việc với 6 tỉnh từ Bắc đến Nam nước Nhật, dự 5 cuộc lễ tiếp tân chào mừng đoàn và lễ cầu nguyện chung với các vị lãnh đạo của 7 tông phái lớn Phật giáo Nhật Bản. Đoàn đã tham gia chủ tọa cuộc hội thảo lớn với các tông phái Nhật Bản và với các tờ báo của Nhật, chủ tọa cuộc mít tinh bày tỏ sự ủng hộ và tình hữu nghị đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia. Trong tất cả các cuộc làm việc trên, Đoàn đã thông báo tình hình Phật sự cũng như tình hình đất nước Việt Nam cho bạn, làm cho bạn hiểu rõ tình hình Phật giáo và xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay, tăng cường thêm tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Đặc biệt Đoàn đã gặp nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa đã từng ủng hộ Việt Nam, những vị đã sang miền Bắc nước ta chia sẻ những khó khăn trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đoàn đã tiếp nhận tình cảm nồng hậu của Phật giáo Nhật Bản, đặc biệt hơn là có cả tín đồ và những nhà hoạt động tôn giáo như Thiên chúa giáo và Tin lành trước kia ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh, nay đến thăm và bày tỏ tình cảm với Phật giáo và nhân dân Việt Nam. Cuộc viếng thăm hữu nghị này đánh dấu sự cam kết giữa Phật tử Việt Nam, Campuchia và Nhật Bản cùng nhau hợp tác để bảo vệ hòa bình. Đợt hoạt động hữu nghị này vì thế được xem là những nhân tố tích cực, bảo đảm sự cộng tác giữa Phật giáo Nhật Bản và Phật giáo Việt Nam hiện tại và tương lai.
+ Nhận lời mời của Hội Sư sãi Thủ đô Phnôm pênh Campuchia, đại biểu Thành hội thành phố Hồ Chí Minh, Hòa thượng Thích Siêu Việt - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng với đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tham dự Đại hội toàn Sư sãi Thủ đô Phnôm pênh từ ngày 4-5.9.1989 tại chùa Nirot-răngxây (Phnôm pênh). Tham luận của đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam đã ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị anh em giữa hai dân tộc và Phật giáo hai nước có truyền thống gắn bó từ lâu đời.
+ Đầu năm 1990, Viện Phật học Mật Hiển Hồng Kông cũng đã thông qua Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam để gửi tặng cho các em thiếu nhi mồ côi, khuyết tật một số quà gồm 28 thùng đồ chơi trẻ em. Qua sự giúp đỡ của Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, 28 thùng hàng đã được chuyển đến cơ quan bảo trợ trẻ em thành phố Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo Thủ đô Hà Nội, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam-Đà Nẵng và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế để trao đến tận tay các em.
+ Tháng 11 năm 1990, đoàn Phật tử Đài Loan đã đến tham quan thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm Trường và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức, ngoài một số liên hệ thư tín với Thượng tọa Pasàdika, ngày 10-10-1990 và các ngày sau đó, Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã lần lượt tiếp cô Thái Kim Lan, Phật tử Việt Kiều Tây Đức và ông Bohme. Qua những cuộc tiếp xúc đó, phía Đức đã vận động Hội Schmit-Siftnug, một tổ chức từ thiện xã hội Tây Đức tặng 3 thùng thuốc các loại khoảng 270 kg cho Tăng, Ni sinh Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh .
D. HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỐI VỚI PHẬT TỬ VIỆT KIỀU TẠI HẢI NGOẠI
+ Từ ngày 31-10 đến ngày 13-11-1988, Hòa thượng Thích Minh Châu thăm chùa Trúc Lâm ở Paris, trụ sở Hội Phật giáo Việt kiều tại Pháp. Trong thời gian này, ngày 6-11-1988, Hòa thượng thuyết pháp cho Phật tử Việt kiều tại chùa Trúc Lâm.
+ Trong năm 1990, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại cũng có một số đóng góp đáng kể hướng về quê hương đất nước. Hội Phật giáo Việt Nam tại Pháp đã gửi tặng đồng bào Quảng Nam-Đà Nẵng số tiền 3000 đô la để sửa trường học. Nhiều Phật tử Việt kiều đã đóng góp xây dựng một số công trình tại các địa phương. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhất là Bộ phận Đại Tạng Kinh Việt Nam, bước đầu đã nhận được sự nhiệt tình hỷ cúng của Phật tử Việt kiều tại Pháp.
+ Thiền viện Trúc Lâm (Paris) là trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ở nước ngoài. Trong dịp lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm các ngày 9,10,11 tháng 6 năm 1990 vừa qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi tặng Thiền viện Trúc Lâm một bức tranh lụa Thích Ca Phật đài, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tặng ba bức tranh về ba ngôi chùa Việt Nam: chùa Thầy, chùa Từ Đàm và chùa Xá lợi. Nhiều cơ quan khác thuộc Trung ương Giáo hội đã gửi tặng Thiền viện Trúc Lâm khá nhiều kinh sách quý và pháp khí cũng như các hình ảnh và phim tư liệu về hoạt động của Phật giáo Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng với sự có mặt của chư Tăng ngoại quốc như: Tây Đức, Tây Tạng, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ, Campuchia, có vị đại diện toà Đại sứ Việt Nam tại Pháp đến dự và đọc lời chào mừng, quan chức người Pháp địa phương đến dự và có đọc lời phát biểu. Giáo sư Andre Barreau và Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có đến dự và có đọc bài tham luận. Thiền viện Trúc Lâm nay đã trở thành một Trung tâm quốc tế nghiên cứu đạo Phật. Số Phật tử Trúc Lâm gồm đa phần là các nhà trí thức, giáo sư Đại học, các Việt kiều yêu nước. Do vậy Thiền viện Trúc Lâm cần được Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu tâm ủng hộ và giúp đỡ. Hiện nay, Thượng tọa Thiện Châu, vừa là Viện chủ vừa là đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại, vừa là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vừa là Phó chủ tịch Hội đồng Phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam đang lâm bệnh từ ngày 2-10-1990. Hiện tại, sự điều hành ngôi chùa Trúc Lâm có gặp sự khó khăn, cần có sự giúp đỡ của Giáo hội.
Để hỗ trợ cho chùa Trúc Lâm về nhân sự, ngày 25 tháng 10 năm 1990, Giáo hội đã biệt phái Đại đức Thích Tâm Trường sang giúp chùa Trúc Lâm. Do tình hình sức khoẻ của Thượng tọa Thích Thiện Châu, tuy bệnh tình có thuyên giảm, nhưng trong tương lại, có lẽ chùa Trúc Lâm cần được hỗ trợ thêm một số tăng sĩ để chu toàn cho các Phật sự vốn đa đoan và phức tạp ở Pháp và thế giới.
+ Trong năm 1991, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã nhận được từ Thượng tọa Thích Tịnh Hạnh tại Đài Loan và một vài tổ chức Phật giáo Đài Loan nhiều bộ kinh sách quan trọng, số lượng lên đến 600 tập. Đây là những tư liệu Phật học rất quý giá, rất cần thiết cho Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam và các Giáo sư, nghiên cứu sinh trong việc tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo. Các kinh sách này nay được trình bày tại thư viện Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
+ Tháng 6 năm 1992, Hội Phật tử Việt kiều tại Pháp đã long trọng tổ chức Đại hội thường niên tại Thiền viện Trúc Lâm-Paris. Đông đảo Phật tử Việt kiều trong đó có nhiều vị Giáo sư nhân sĩ có tiếng như cụ Hoàng Xuân Hãn, Tiến sĩ Nguyễn Đạt Xưởng đã đến dự. Đại hội này đánh dấu bước hồi phục quan trọng cho phong trào Phật tử Việt kiều tại Pháp trong tình hình công cuộc đổi mới có kết quả trong nước. Hiện nay Hội có Ban Trách nhiệm - một hình thức của Ban Chấp hành Hội. Hội đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng xin Giáo hội biệt phái thêm nhân sự từ trong nước để củng cố Hội. Phật tử Việt kiều thuộc Hội cũng có nguyện vọng xin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử sang Pháp một hai vị giáo phẩm mỗi năm hai lần, mỗi lần khoảng 1 tháng để giảng pháp. Giáo hội đang tích cực nghiên cứu giúp thực hiện nguyện vọng chính đáng này.
+ Trong ba năm gần đây, các hoạt động giáo dục Tăng, Ni trên toàn quốc, các hoạt động nghiên cứu Phật học, văn hoá Phật giáo, phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam đã tạo nhiều tin tưởng mới nơi Phật tử hải ngoại đối với mọi hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, trong nhiệm kỳ qua, đã có một số Tăng, Ni Phật tử liên hệ với Giáo hội để cúng dường công đức cho các hoạt động đào tạo và phiên dịch này, Điển hình là đóng góp của Thượng tọa Thích Tịnh Hạnh tại Đài Loan và việc Thượng tọa tự nguyện cúng dường 8 học bổng tại Đài Loan cho Giáo hội để cử Tăng, Ni sinh theo học. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số vị thí chủ hoặc một số tổ chức Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại đang tìm mọi cách đặt quan hệ cá nhân với một số Tăng, Ni sinh, gây quan hệ ràng buộc với từng cá nhân này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng mọi sự trợ giúp cần đảm bảo tính vô tư bằng cách thông qua Giáo hội và các cơ quan quản lý các vị Tăng, Ni sinh ấy.
NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN
Qua các thành quả nêu trên, có thể nhận thấy rằng so với nhiệm kỳ II, các hoạt động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mở rộng đến nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và đã có một số tác động có kết quả đến Phật tử Việt kiều ơe nước ngoài, Mặt khác, các nội dung hoạt động quốc tế cũng trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn trên nhiều mặt, như các hoạt động trao đổi giao lưu về kinh điển, văn hoá và học thuật Phật giáo, các chương trình cộng tác quốc tế Phật giáo về từ thiện xã hội. Trong các mặt hoạt động quốc tế vì hòa bình của nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn luôn luôn ghi nhận những thành quả đóng góp của tổ chức ABCP Quốc tế kể từ ngày thành lập đối với công cuộc xây dựng Hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc Việt Nam, nên mặc dù vừa qua, tổ chức ABCP Quốc tế có gặp một số khó khăn về tài chính và phương tiện hoạt động Trung tâm ABCP Việt Nam vẫn tiến hành các hoạt động của mình theo như chương trình đã thảo luận với ABCP Quốc tế, qua đó, góp phần củng cố phong trào ABCP. Liên hệ đến vấn đề này, Trung tâm ABCP Việt Nam, đã có nhiều trao đổi với ABCP Quốc tế nhằm đổi mới phương thức và nội dung hoạt động cho linh hoạt hơn, phong phú hơn, đáp ứng về yêu cầu của thời đại. Trong năm 1993, công cuộc hợp tác giữa Trung tâm ABCP Quốc gia Nhật Bản và Việt Nam chắc chắn sẽ là một sự kiện lớn nâng cao tinh thần hiếu hòa cho Phật tử thuộc các dân tộc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, làm tăng trưởng xu hướng đối thoại và hợp tác vốn đã nảy sinh trong khu vực này.
Về Phật tử Việt kiều tại hải ngoại, trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội cũng nhận thấy có sự tăng trưởng niềm tin của quý vị Tăng, Ni Phật tử tại hải ngoại đối với những hoạt động phục vụ đạo Phật, lợi lạc quần sinh của Giáo hội. Các hoạt động đào tạo Tăng, Ni, phiên dịch Đại Tạng Kinh, các sinh hoạt tín ngưỡng trang nghiêm tại nhiều tự viện tòng lâm trên khắp đất nước đã có tác động trực tiếp gắn bó tâm tư và tình cảm của Tăng, Ni Phật tử Việt Nam tại hải ngoại với quê hương đất nước. Như vậy, trong nhiệm kỳ II, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo tiền đề nhiều triển vọng cho việc đoàn kết Tăng, Ni Phật tử trong và ngoài nước vì lợi ích chung của dân tộc trong nhiệm kỳ III.
Một số phương hướng mới đáng chú ý trong hoạt động quốc tế Phật giáo là việc giao lưu giáo dục, văn hoá, học thuật và các hoạt động từ thiện xã hội. Những đóng góp của Phật giáo Việt Nam cho sự phát triển của dân tộc qua nhiều thời kỳ lịch sử đã tạo cho Phật giáo Việt Nam một vị trí đặc biệt trong tư tưởng và tình cảm không riêng chỉ của giới Phật giáo các nước mà còn đối với cả những hoạt động văn hoá hoặc tôn giáo bạn. Trong nhiệm kỳ, ta thấy có sự phát triển rõ rang của xu hướng này qua nhưng hoạt động trao đổi văn hoá chính thức với các tổ chức giáo dục đại học tại Ấn Độ, trao đổi học thuật và hoạt động từ thiện xã hộii với Phật tử Nhật Bản, Đài Loan... Một số dự án đã và đang được hình thành như việc Tổng hội Phật giáo Kyoto Nhật Bản thành lập: hội hợp tác hành động giữa Phật tử Kyoto và thành phố Hồ Chí Minh, việc trao đổi học thuật với cơ quan văn hoá của Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện trong nhiệm kỳ qua, nay vẫn được thực hiện trong nhiệm kỳ tới, kế hoạch hợp tác Nhật - Việt để hỗ trợ đào tạo lương y cho lớp Tuệ Tĩnh đường của thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện. Việc trao đổi học thuật với một số viện nghiên cứu tại Đài Loan cũng đang được lên kế hoạch. Hội thảo quốc tế về đạo đức Phật giáo được trù tính trong năm tại thành phố Hồ Chí Minh v.v...
Trên con đường vì Hòa bình hợp tác với nhân dân các nước, vì sự phồn vinh của Tổ quốc và sự tồn vong của vạn loài chúng sinh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn khiêm tốn nhận xét những thành quả đã đạt được trong lĩnh vực hoạt động quốc tế còn nhiều hạn chế so với tiềm năng sẵn có của Phật giáo Việt Nam. Vì các hạn chế đó nên trong giai đoạn nhiệm kỳ I và đầu nhiệm kỳ II, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuy được xem là trung tâm tập hợp có uy tín đối với một số nước thân hữu đồng thời tại một số nước khác, Phật giáo Việt Nam cũng bị một số người xem là tự cô lập và sự tồn tại vững mạnh của Tăng đoàn Việt Nam bị xem là điều đáng ngờ do một số người thiếu thiện chí đối với Dân tộc và Đạo pháp thả sức gieo rắc tại hải ngoại.
Trong khi đó, các tiềm năng hoạt động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thật sự đáng kể!
Tiềm năng này chính là tình cảm đậm đà mà Phật giáo và nhân dân các nước dành cho Phật giáo Việt Nam do những đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc xây dựng xã hội suốt lịch sử dân tộc. Tiềm năng đó chính là ưu điểm đặc trưng mang tính hài hòa của Phật giáo Việt Nam, qua việc dung hòa, song song tồn tại giữa Bắc tông và Nam tông, Tiểu thừa và Đại thừa trên cùng một Tổ quốc mà vẫn tôn trọng truyền thống bộ phái. Tiềm năng đó chính là tính độc đáo của Phật giáo Việt Nam, thống nhất về ý chí và hành động, về lãnh đạo và tổ chức giữa nhiều tổ chức hệ phái trong một Giáo hội Phật giáo Việt Nam duy nhất. Với các tiềm năng nêu trên, chắc Đại hội cũng nhận thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa phát huy được hết đạo lực còn tiềm tang để đóng góp cho sự phát triển đồng đạo khắp năm châu, cũng như góp phần cho sự nghiệp Hòa bình hợp tác và phát triển quan hệ quốc tế của dân tộc Việt Nam.
Theo ý kiến của chúng tôi, việc các tiềm năng quý giá nói trên chưa phát huy được tác dụng cao có thể là do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa đầu tư đầy đủ tâm trí lực vào lĩnh vực quốc tế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa chủ động trong các hoạt độngquốc tế, chưa đề ra được nhiều kế hoạch dài hạn trong việc đối tác với các tổ chức Phật giáo tại nhiều nước. Mặt khác cũng phải thừa nhận sự dè dặt của Giáo hội và một số cơ quan hữu trách trong bối cảnh đất nước ta mới bắt đầu công cuộc đổi mới to lớn vào cuối nhiệm kỳ I, đầu nhiệm kỳ II (1986), lúc đó cần có những bước đi thận trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, có thể khẳng định những khó khăn làm hạn chế tiềm năng do điều kiện lịch sử tạo nên đã và đang vượt qua.
Thời điểm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ III cũng chính là lúc công cuộc đổi mới to lớn của dân tộc ta khẳng định được tính đúng đắn, gặt hái được các thành tựu nhất định về kinh tế xã hội và ngoại giao. Hoàn cảnh lịch sử mới với nhiều triển vọng của đất nước tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy mạnh mẽ các tiềm năng đã nói trên trong mọi hoạt động quốc tế, làm cho các hoạt động này được thực hiện có kế hoạch, có chủ động hơn, thiết thực hơn nữa để cùng đồng bào và các cộng đồng có thiện chí khắp năm châu góp phần đem lại Hòa bình an lạc cho dân tộc Việt Nam và loài người tiến bộ.
Do đó, trong nhiệm kỳ mới chúng tôi yêu cầu Đại hội chấp thuận cho việc thành lập thêm một chuyên ban phụ trách về Phật giáo quốc tế và Phật tử Việt kiều với cùng quyền hạn như các ban khác của Giáo hội theo như Hiến chương. Nếu được chấp thuận, chuyên ban đó cần tăng cường chú tâm đến việc đào tạo. Nên khẩn trương phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam để đào tạo một lớp Tăng, Ni sinh trẻ, giỏi về Phật học, có trình độ Đại học, có năng lực thiết thực áp dụng giáo lý đức Bổn Sư, giỏi về sinh ngữ, có khả năng hoạt động quốc tế, có tinh thần dân tộc để có thể gánh vác những nhiệm vụ quốc tế mà Giáo hội giao phó. Ở đây chúng tôi cũng xin đề nghị đẩy mạnh các hoạt động quốc tế không riêng trong lãnh vực đấu tranh cho hòa bình mà còn mở rộng thêm trên các lãnh vực trao đổi văn hoá học thuật Phật giáo, xây dựng các dự án hợp tác giữa các Phật tử các nước với Việt Nam trên lĩnh vực từ thiện xã hội và vận động tiếp tục các học bổng, đề cử các Tăng, Ni sinh xuất sắc, có khả năng có thể đi học thêm ở nước ngoài, vừa để trao đổi thêm các kinh nghiệm hoạt động quốc tế, vừa thuận tiện cho việc sử dụng các ngoại ngữ cần thiết.
Chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam đứng trước một vận hội mới thuận lợi trong hoạt động quốc tế Phật giáo như hiện nay. Với chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, với tình thân hữu xây đắp lâu đời cùng đồng đạo khắp năm châu, với tinh thần gắn bó với dân tộc của Phật giáo Việt Nam, chúng tôi tin chắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp cho dân tộc và các phong trào vì Hòa bình, hữu nghị, tiến bộ của toàn thể nhân loại.
(Báo cáo của Ban Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng
Bình luận (0)