(do Ban Thư ký trình bày tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo ngày 4-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội).
Kính thưa Đoàn Chủ tịch Kính thưa Quí vị.
Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc giàu sinh lực, có ý chí tự lực, tự cường. Để có thêm sức mạnh đương đầu với phong kiến phương Bắc tránh họa bị thôn tính, vừa phát triển xuống phương Nam để tìm đất sống mới, dân tộc ta đã sớm nhận thức được sức mạnh vạn năng của sự đoàn kết. Phật giáo đồ Việt Nam, xuất phát từ trong lòng dân tộc, lại được rèn luyện trong tinh thần vô ngã, phá chấp nên lại càng ý thức sâu sắc hơn nữa sức mạnh của sự đoàn kết đã thành truyền thống.
Được trang bị với truyền thống đoàn kết nói trên, trong khoảng một thế kỷ nay, dưới ách thống trị của thực dân Pháp cũng như trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vừa qua, Phật giáo đồ Việt Nam, trong mọi tình huống khó khăn của đất nước đã luôn luôn xích lại gần nhau, cố gắng tập họp hàng ngũ, xây dựng lại lực lượng, để chấn hưng đạo pháp phục vụ dân tộc một cách hữu hiệu và đắc lực hơn. Chỉ kể từ sau cách mạng tháng Tám thành công đến nay đã có bốn cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.
I. Các cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam trước ngày Giải phóng 1975
a) Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1951
Tiềm tàng từ trước cách mạng tháng 8/1945, qua các phong trào chấn hưng Phật giáo Trung, Nam, Bắc trong những thập niên 1930, 1940, truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với dân tộc và đạo pháp của Tăng, Ni và Phật tử đã được thức tỉnh mãnh liệt với cuộc cách mạng tháng Tám thành công. Cùng với các tổ chức cứu quốc khác, Phật giáo Cứu quốc ra đời đứng trong Mặt trận Việt Minh. Sau khi thực dân Phấp trở lại âm mưu thống trị đất nước ta một lần nữa, toàn dân đã đứng lên làm cuộc kháng chiến cứu nước dưới sự lãnh đạo anh minh của Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam. Hàng ngũ Tăng, Ni và Phật tử đã bị phân làm hai mảng lớn, một mảng ở trong các vùng giải phóng và một mảng ở trong các vùng bị tạm chiếm. Trong các vùng bị tạm chiếm này, sáu tập đoàn gồm ba tập đoàn Tăng già và ba tập đoàn cư sĩ, ở ba miền Bắc, Trung, Nam năm 1951 đã hợp lại thành một tổ chức lấy danh hiệu là Tổng hội Phật giáo Việt Nam do cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ.
Đây là cuộc vận động thống nhất đầu tiên của Phật giáo, tập họp được 6 đoàn thể Phật giáo ở cả ba miền. Nhưng sự thống nhất này chưa trọn vẹn: thứ nhất vì Phật giáo lúc bấy giờ không phải chỉ có 6 tập đoàn, thứ hai, vì thành phần chỉ gồm Tăng, Ni và Phật tử ở các vùng bị tạm chiếm, thứ ba, vì âm mưu chia để trị của thực dân Pháp trong mọi lĩnh vực, chắc chắn không thể để yên cho tổ chức Phật giáo chúng ta hoạt động công khai mà không thọc bàn tay vào phá rối.
Năm 1954, sau Hiệp định Geneve, đất nước bị chia đôi, Tổng hội Phật giáo Việt Nam tuy trên danh nghĩa vẫn còn 6 tập đoàn nhưng trên thực tế bị sứt mẻ rất nhiều vì chỉ hoạt động trên nửa phần đất Việt Nam.
b) Cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1960 tại miền Bắc
Tại miền Bắc vào năm 1958 Tăng, Ni, Phật tử các vùng giải phóng và các vùng tạm chiếm cũ đã tập họp thành một tổ chức chung, dưới danh hiệu là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, đóng trụ sở tại chùa Quán Sứ, do cố Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng.
Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam có được ưu điểm là tập họp được Tăng, Ni, Phật tử ở miền Bắc vào một tổ chức duy nhất, có sự lãnh đạo trực tiếp từ Trung ương đến địa phương. Nhưng cũng chưa trọn vẹn, đúng với danh nghĩa thống nhất, vì chỉ mới thống nhất Tăng, Ni, Phật tử ở miền Bắc.
c) Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1964 tại miền Nam
Sau khi chế độ gia đình trị Nhu-Diệm bị lật đổ 6 tập đoàn cũ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam cộng thêm 5 giáo phải khác, đã tập họp tại chùa Xá Lợi đầu năm 1964 để thành lập một tổ chức Phật giáo với danh xưng là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có ưu điểm là tập họp được 11 giáo phái Phật giáo, và số Tăng tín đồ đông đảo nhất từ trước đến nay, có sự tổ chức tương đối chặt chẽ ở các tỉnh miền Trung. Nhưng cũng chưa có thể gọi được là thống nhất thực sự và trọn vẹn, vì cũng chỉ mới thống nhất Tăng, Ni Phật tử tại miền Nam, trong các vùng tạm chiếm, và cũng chưa phải gồm tất cả các tổ chức hệ phái Phật giáo tại miền Nam, và năm 1967, Thích Tâm Châu theo mệnh lệnh của Mỹ-Ngụy đã cam tâm phá hoại sự nghiệp thống nhất và lập ra khối Việt Nam Quốc Tự.
Và như vậy vấn đề thống nhất vẫn chưa được trọn vẹn như sự mong ước thiết tha của Tăng, Ni, tín đồ cả nước.
II. Cuộc vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam sau ngày giải phóng 30-4-1975
Ngày 30-4-1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nước Việt Nam được Hoàn toàn giải phóng. Vào ngày 25-4-1976, tổng tuyển cử chung cho cả nước đã được tổ chức, mở đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thống nhất thật sự từ Lạng Sơn đến Minh Hải, thống nhất trong cơ chế chính trị và tổ chức nước nhà. Sự thống nhất là một yếu tố hết sức mãnh liệt thúc đẩy sự thống nhất Phật giáo. Như chúng ta đã thấy từ trước, nguyện vọng thống nhất Phật giáo luôn luôn là động cơ thúc đẩy các Phật tử trong Nam cũng như ngoài Bắc mở lên những cao trào thống nhất, như cao trào năm 1951, cao trào năm 1958 và cao trào năm 1964. Nhưng bao nhiêu cố gắng của các Phật tử, vì nước nhà chưa thống nhất đều bị chủ nghĩa thực dân, phong kiến và đế quốc chi phối, hạn chế, kìm hãm để rồi chỉ có thể thống nhất trên hình thức. Với chính sách chia để trị, hạn chế và kìm hãm lòng yêu nước của nhân dân trong ấy có Phật tử, thực dân và đế quốc không bao giờ cho phép Phật tử đoàn kết chặt chẽ để phục vụ đạo pháp và dân tộc. Ngày nay thời thế đã khác hẳn. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử quét sạch tàn tích của thực dân và phong kiến, nước Việt Nam đã được hoàn toàn thống nhất và độc lập, Chính phủ có một thái độ rất cởi mở và ủng hộ sự nghiệp thống nhất của Phật giáo Việt Nam. Sự giúp đỡ này bắt nguồn từ quá khứ yêu nước của Phật giáo Việt Nam và từ sự nhận định sáng suốt của chính quyền, luôn luôn xem đạo Phật là một tôn giáo dân tộc có gắn bó chặt chẽ với sự tồn vong của đất nước.
Nhờ những bối cảnh chính trị thuận lợi như vậy, với những tàn tích phong kiến và đế quốc bị dẹp tan không còn gây sức ép đối với đồng bào Phật tử, các thuận duyên đã mở đầu sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước đã được chớm nở, đưa đến sự thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Một yếu tố nữa giúp cho người Phật tử cả hai miền Nam Bắc gần gũi nhau hơn là nhờ thống nhất đất nước, sự giao lưu giữa hai miền Bắc Nam được dễ dàng thuận tiện và xây dựng lên nhiều tình cảm mới. Người Phật tử miền Nam chưa biết đến miền Bắc, sẽ phải choáng váng kinh ngạc khi thấy số lượng đông đảo các ngôi chùa ngoài Bắc đều có liên hệ mật thiết đến lịch sử, chính trị và văn hoá Việt Nam. Như chùa Pháp Vân hay chùa Dâu hiện vẫn còn nguyên vẹn đã đưa chúng ta đến thời kỳ đạo Phật mới du nhập vào Việt Nam, trong thời kỳ vàng son của trung tâm Luy Lâu. Trong thời kỳ này, các Tăng, Ni tiền bối Việt Nam đã có khả năng giúp chư tăng Ấn Độ phiên dịch kinh điển. Thành Thăng Long và chùa Một Cột nhắc nhở chúng ta sự nghiệp xây dựng quốc gia và đạo pháp của thiền sư Vạn Hạnh và vua Lý Thánh Tông. Chùa Quán Sứ mà hiện nay Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đang hội họp đã từng đóng một vai trò giao lưu lịch sử quan trọng. Chùa Bộc cũng ở gần Hà Nội nói lên sự nghiệp cứu nước của vua Quang Trung. Chùa Côn Sơn đánh dấu sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi. Chùa núi Yên Tử nói lên sự nghiệp xây dựng nhà Trần và thống nhất Phật giáo Việt Nam của ba vị sư tổ sư giáo phái Trúc Lâm.
Người Phật tử miền Bắc trái lại vào thăm Phật giáo miền Nam tất phải bàng hoàng ngạc nhiên không ít trước tính cách đa dạng, hiện đại và quốc tế của các sinh hoạt đạo Phật miền Nam. Các thư viện chùa Xá Lợi, Viện Phật học Vạn Hạnh, Viện Cao đẳng Phật học Nha Trang v.v...giới thiệu cho Phật tử miền Bắc cả một rừng ba tạng Sankrit, Hán tạng, Cao Ly tạng, Nhật tạng, Thái tạng, Miến tạng, Anh tạng v.v... kể luôn cả dịch tạng Việt Nam và như vậy giới thiệu một nền văn học Phật giáo phong phú đa dạng quốc tế, mà người Phật tử cần phải tìm hiểu, nghiên cứu và nói lên sự cần thiết phải xây dựng cho đươc một Đại tạng kinh Việt Nam. Tuy Phật giáo miền Nam chưa có một sự lãnh đạo thống nhất, nhưng các ngôi chùa dần dần được định hướng đến một ngôi tượng độc tôn, mỗi ngôi chùa đều có một giảng đường rộng rãi để thuyết pháp, thường có một thư viện đầy đủ kinh sách để nghiên cứu. Ngôi chùa không chỉ là trung tâm lễ nghi mà còn là một trung tâm văn hoá Phật giáo dân tộc. Chư Tăng, Ni trước kia có thể tự bằng lòng với một số hiểu biết về Hán tạng nhưng ngày nay với nhiệm vụ Phật giáo phát triển trên diễn đàn quốc tế, Tăng, Ni Việt Nam không những phải giỏi về đạo học mà còn phải giỏi cả về thế học, không những phải giỏi về Hán văn mà còn phải biết về Phạn văn, Pàli văn, không những phải giỏi về nghi lễ đàn tràng mà còn phải giỏi về “sáu hòa, bốn nhiếp” để nhiếp độ chúng sinh. Xưa kia miền Bắc chỉ có độc nhất một Bắc tông với kinh tạng chữ Hán. Nay miền Nam có cả Bắc tông, Nam tông và Giáo hội tăng già phái khất sĩ, có cả tạng Sankrit, Pàli v.v... tuy có nhiều tông phái biệt truyền, nhưng tất cả cũng đều là trưởng tử Như Lai. Tuy có những danh từ Phật giáo miền Bắc, Phật giáo miền Nam nhưng cũng đều là con Hồng cháu Lạc, cũng đều là con cháu một nhà, cũng đều là Phật tử Việt Nam. Những giao lưu Nam Bắc ấy tuy mới bắt đầu từ năm 1975, nhưng đã có tác động rất mạnh mẽ giữa Phật giáo hai miền, và đây là những yếu tố rất tích cực xây dựng nền tảng thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng, tức là địa vị và uy tín của nước Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, từ khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời. Trong mọi Đại hội quốc tế, tiếng nói của phái đoàn Việt Nam rất được trọng thị và chú ý. Khi Phật giáo Việt Nam được ngồi vào bàn Đại hội Phật giáo quốc tế, sự có mặt và tiếng nói của Phật giáo Việt Nam có những tác động chính trị và tôn giáo to lớn. Đại hội quốc tế về hòa bình và giải trừ quân bị cũng mời cho được Phật giáo Việt Nam. Một Hòa thượng Việt Nam được tôn lên làm Phó chủ tịch Phật giáo châu Á vì hòa bình. Uy tín mới ấy của Phật giáo Việt Nam tất nhiên làm nô nức trong lòng mọi người Phật tử Việt Nam phải làm thế nào để thống nhất Phật giáo Việt Nam, vì chỉ khi nào Phật giáo Việt Nam được thống nhất, Phật giáo Việt Nam mới có đủ điều kiện để làm trọn những nhiệm vụ quốc tế của mình.
Kính thưa quý vị.
Trong sự nghiệp thống nhất đất nước, biết bao nhiêu xương máu của đồng bào ta, trong đó có các Tăng, Ni, Phật tử đã phải đổ ra để giành lại độc lập và thống nhất cho dân tộc. Nay nước nhà đã được thống nhất, thì bước tiến tới tất yếu của chúng ta là phải thống nhất Phật giáo. Đây không những là nguyện vọng tha thiết của đồng bào Phật tử thương nước mến đạo, mà đây cũng là bước tiến tất yếu của bánh xe lịch sử Phật giáo trong cao trào của cộng đồng dân tộc Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng, Ni, Phật tử cả nước, và mới trở thành một sức mạnh, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, một sức mạnh để xây dựng và phát huy đạo pháp. Có thống nhất chúng ta mới tập trung đủ khả năng, đủ nghị lực để loại trừ những mê tín dị đoan, những tư tưởng tiêu cực và yếm thế đã làm vẩn đục và hoen ố tấm gương sáng chói của chính pháp. Có thống nhất chúng ta mới có một sự phân công hợp lý để có những vị chuyên trách phiên dịch và xây dựng một Đại Tạng Việt Nam, để có những vị chuyên trách về Phật pháp, về Đại Tạng, về Cổ ngữ để lo sự nghiệp giảng dạy cho lớp Tăng, Ni trẻ sau này. Có thống nhất chúng ta mới khỏi lo vấn đề tre già măng không mọc, vì có thống nhất, các Viện Nghiên cứu Phật học, các lớp Cao đẳng, Trung đẳng, và Sơ đẳng Phật giáo mới được tổ chức trên toàn quốc và có một sự nhất trí trong chương trình và trong phương pháp giảng dạy. Có thống nhất, đại diện của Giáo hội Phật giáo địa phương mới có trách nhiệm giải quyết và giúp đỡ Tăng, Ni nhiều vấn đề khó khăn liên hệ đến cá nhân và đoàn thể.
Kính thưa quý đại biểu.
Tất cả những gì Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam cần phải làm là để thống nhất Phật giáo Việt Nam, Ban Vận động chúng tôi đã cố gắng nhiệt tình làm và chính nay nằm trong tay quý vị các vinh dự cụ thể hoá sự nghiệp thống nhất này bằng cách thông qua bản Hiến chương và Chương trình hoạt động, suy tôn Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự. Chúng tôi tin tưởng sắt đá rằng quý vị sẽ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này và chính quý vị là những người mở đầu một kỷ nguyên mới cho đạo Phật Việt Nam, kỷ nguyên một đạo Phật Việt Nam thống nhất trong cộng đồng dân tộc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỷ nguyên một Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm phương châm chỉ đạo.
Đây là lần đầu tiên sau hơn một trăm năm bị nô lệ hoá bởi phong kiến thực dân và đế quốc, Phật giáo Việt Nam chúng ta ngày nay được nêu cao ngọn cờ độc lập tự do trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một thời vàng son cho đạo Phật Việt Nam mà chúng ta chỉ tìm thấy trong thời đại nhà Trần với Trúc Lâm Tam Tổ. Nay thời đại vàng son ấy đã đến và đang nằm trong tay chư vị đại biểu của 9 giáo hội, hệ phái, tổ chức Phật giáo Việt Nam. Từ nay chúng ta không còn phân biệt Phật tử miền Bắc, Phật tử miền Trung, Phật tử miền Nam. Chúng ta chỉ gọi nhau bằng một danh từ quý báu nhất thiêng liêng nhất: chúng ta là Phật tử Việt Nam. Thật sự chúng ta không thể không nhớ đến thời kỳ Đức Phật còn tại thế, khi ấy chỉ có một đạo Phật không có sự phân biệt các học phái, không có chia rẽ Nam tông, Bắc tông, mọi Tăng, Ni, Phật tử sống hòa mình trong bốn hội chúng để phụng sự đạo pháp, cứu khổ độ sinh. Ngày nay đạo Phật Việt Nam được thống nhất, các hệ phái hòa mình trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam này là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong nước và ngoài nước.
Với Phương châm đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh dấu một sự gặp gỡ giữa đạo Phật và chủ nghĩa xã hội trên đất nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một sự gắn bó tốt đẹp mưu cầu hạnh phúc an lạc cho nhân dân Việt Nam mà kết quả nhất định được các nước Phật giáo châu Á và thế giới theo dõi và chờ đợi.
Xin trân trọng kính chào quý vị.
Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng
Bình luận (0)