Nhiều người tốn không ít thời gian và công sức để suy nghĩ, đưa ra các giả thuyết và lý luận về những vấn đề liên quan tới vũ trụ, chẳng hạn như:
- Có phải vũ trụ sinh ra từ chỗ không có gì cả (từ hư vô) không?
- Có phải thế giới được tạo ra bởi một Đấng Sáng Tạo nào đó chăng?
Nhiều tôn giáo (khác với pháp Bụt) cố sức tìm tòi lời giải đáp cho các vấn đề nêu trên một cách võ đoán, mơ hồ, dựa trên trí tưởng tượng và huyền thoại. Không ít người, trong số đó có cả các học giả và những nhà khoa học lớn, đã dành hầu như cả cuộc đời vấn vương với những câu hỏi viển vông và không có cơ sở để trả lời đó. Họ đưa ra những lập luận trái ngược nhau dựa trên những tư liệu hão huyền, những tưởng tượng lạ lùng, thiếu căn cứ, dẫn đến những tranh cãi gay gắt, những hiểu lầm đáng tiếc và có thể đưa đến những hành động bạo lực, cực đoan hoặc chiến tranh tôn giáo.
Dưới đây trích dịch một số câu hỏi đáp liên quan tới chủ đề này rút ra từ cuốn ‘Hỏi Đáp Về Pháp Bụt’ (A Buddhist Catechism) để bạn đọc tham khảo.
Câu hỏi số 86 (CH86): Có phải thế giới sinh ra từ hư vô không?
Đáp (Đ): Không, chẳng có vật nào có thể sinh ra từ chỗ chẳng có gì cả.
CH 87: Chẳng phải là có một Đấng Sáng Tạo (một Chúa Trời, một Hoá Công, hay một Thượng Đế) đã tạo ra thế giới này theo ý của Ngài đó sao?
Đ: Không, chẳng có một Đấng Sáng Tạo nào cả. Sự sống trên thế giới chẳng phải là do ý muốn của bất kì ai cả. Mọi sự vật ra đời và phát triển chỉ theo nghiệp (bản chất) và duyên (điều kiện, hoàn cảnh) của chúng mà thôi. Do ngu tối (vô minh) mà con người tin vào chuyện có một Đấng Sáng Tạo nào đó sinh ra thế giới. Pháp Bụt bác bỏ hoàn toàn niềm tin không có cơ sở vào một Đấng Sáng Tạo nào đó và cho rằng huyền thoại về Đấng Sáng Tạo và giả thuyết nguồn gốc hư vô của vạn vật là những ảo tưởng (ý nghĩ không có thật). (Chú giải: Đối với những người theo pháp Bụt, cụm từ ‘Sự Sáng Tạo Thế Giới’ chỉ có nghĩa là ‘Sự Tạo Lại Một Hệ Thống đã có, nhưng đã mất’. Sự mất đi và sự tạo lại của các thiên thể vẫn không ngừng diễn ra trong trong không gian và thời gian. Về phương diện này, khoa học hiện đại có cùng quan điểm mà pháp Bụt đã có từ trước đây hai mươi lăm thế kỉ).
CH 88: Bụt có dạy gì về sự sống còn của vũ trụ không?
Đ: Không.
CH 89: Tại sao?
Đ: Bởi vì điều này vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. Vả lại, dẫu có biết được điều này chăng nữa thì điều đó cũng chẳng làm cho con người tiến chút nào về mặt tâm linh, tức là chẳng hề đưa tới sự diệt khổ, sự giải thoát và Niết Bàn. Trí tưởng tượng, sự mong muốn hiểu biết thế gian và sự suy luận trừu tượng luôn luôn muốn tìm cách giải thích một cách vô ích về điểm bắt đầu của thời gian, sự giới hạn của không gian, nguồn gốc và sự sống còn của vũ trụ hoặc của con người.
CH 90: Vậy chẳng có cách nào giải thích những bí ẩn về sự sống còn của vũ trụ ư?
Đ: Không, bởi vì chẳng có một cách phát biểu hữu hạn nào, dù là ý nghĩ hoặc lời nói, có thể giải thích trọn vẹn đối với cái vô hạn cả, cũng như chẳng thể có một ý nghĩ hoặc một lời nói nào bắt nguồn từ một chuỗi nhân duyên có thể giải thích được các hiện tượng ngẫu nhiên hoặc vô định. Vậy mà nhiều tôn giáo khác vẫn cứ cố tình tìm cách giải thích các hiện tượng này. Điều đó chỉ đưa tới các tư biện vô ích, vô căn cứ, những tưởng tượng lạ lùng; rồi dẫn tới tranh cãi không có cơ sở, hiểu lầm, thậm chí châm ngòi cho các cuộc chém giết và chiến tranh tàn khốc. Đó chính là nguồn gốc gây ra những lầm lạc, xấu ác và đau khổ trên thế gian, đáng lẽ là Lẽ Thật, tốt lành và yên vui. Bởi vậy, khi còn tại thế Bụt đã loại bỏ những vấn đề viển vông này sang một bên và cấm các môn đệ của Ngài không được bận lòng với những vấn đề vô bổ ấy.
Chú dẫn: “Hỡi các tì kheo, chớ nên bận lòng suy nghĩ như mọi người về điều thế gian có còn mãi hay không, có giới hạn hoặc chẳng có giới hạn; chỉ nên gom lòng hướng về nỗi đau khổ, nguồn gốc của đau khổ và cách diệt khổ mà thôi” (Tương Ưng Bộ Kinh).
“Hỡi các tì kheo, lục đạo luân hồi - sáu nẻo đi về - chẳng có bắt đầu và cũng chẳng có kết thúc. Nguồn gốc loài người chẳng thể nào lường hết được. Con người chìm ngập trong ngu tối (vô minh), lại bị lôi cuốn bởi lòng ham đắm (ái dục) nên đã lang thang lạc lối từ bao đời rồi’.
Bụt chấp nhận sự có mặt của thế gian và của con người là một thực trạng. Bụt không hề đặt câu hỏi về nguồn gốc sự sống còn của thế gian là gì. Ngài chỉ quan tâm đến các câu hỏi như là: Cuộc sống đầy bí ẩn của chúng ta như thế nào? Nó có mục đích gì? Nó đưa tới đâu? Rồi Ngài tìm ra các câu trả lời rằng nó chỉ đưa tới một vòng quay vô tận: Ra đời, già yếu, ốm đau và chết chóc (sinh, lão, bệnh, tử); rồi lại ra đời lại (tái sinh); vòng quay cứ như thế tiếp diễn. Vòng quay này là vòng quay đau khổ của con người. Ngài đã dạy chúng ta đường lối tu tập để vượt thoát vòng quay đau khổ đó.
Bụt khuyên những ai còn đắm đuối với những câu hỏi viển vông mà chẳng đưa tới đâu như đã nêu ở trên hãy mau mau quay về tu sửa cõi lòng và thân thể (tâm-thân) của chính mình mới mong vượt thoát vòng đau khổ, nếu không sẽ chết trước khi tìm ra lời đáp cho những câu hỏi viển vông đó. Bụt đã minh hoạ bằng câu chuyện ngụ ngôn về một người bị trúng mũi tên độc trong Trung Bộ Kinh.
CH 91: Vậy chúng ta chẳng bao giờ có thể biết được những bí ẩn đó sao?
Đ: Nếu chúng ta còn dính mắc (chấp) vào những đắm đuối (ái dục), vào cuộc sống và về cá nhân ta (bản ngã) thì chúng ta chẳng bao giờ có thể biết được những bí ẩn này cả. Chỉ những ai sống theo lời Bụt dạy, loại bỏ những xiềng xích cuộc đời, đạt tới sự Tỉnh Thức và Giải Thoát, lúc đó dưới ánh sáng trí tuệ viên mãn thực tính của mọi sự vật sẽ ló bày rạng rỡ; mây mù che khuất những bí ẩn sẽ tan đi cùng với tất cả mọi sự đắm đuối và bám dính vào Cái Tôi. Muốn đạt được như thế những người tu theo pháp Bụt chỉ cần theo đến cùng Tám Đường Lối Đúng (Bát Chính Đạo hay là Trung Đạo) mà Bụt đã chỉ dạy.
Subhadra Bhikshu trong ‘A Buddhist Cathechism’
Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 3/2018
Bình luận (0)