Thích Nữ Nhuận Anh Học viên Cao học khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Đại đức Anagarika Dharmapala được ví như A Dục vương của Tích Lan. A Dục vương, người đã đem Phật giáo truyền bá khắp nơi, từ Ấn Độ, Tích Lan và thế giới. Đại đức Dharmapala cũng làm một công việc vĩ đại cho nhân loại là phục hưng sự phát triển của Phật giáo. Ngài chính là người thắp lên ngọn đuốc phục hưng và gây nguồn cảm hứng cho các nước Phật giáo ở châu Á. Tầm ảnh hưởng của Dharmapala không chỉ ở châu Á mà còn ảnh hưởng lớn đến các nước phương Tây, sự lan truyền đó bắt nguồn từ Á sang Âu, Mỹ. Đại đức đã có tiếng nói ảnh hưởng sâu sắc như là món quà  tâm linh dành tặng cho họ, để vơi đi những nổi khổ niềm đau mà giáo điển của các tôn giáo khác không thể giải quyết được. Sự phát triển của Phật giáo ở các nước phương Tây đánh dấu sự phát triển và lan tỏa của Phật giáo ra toàn cầu.

Cuộc đời, sự nghiệp của Dharmapala

Sau khi A Dục vương cử các phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi, Phật giáo đã bén rễ khắp các nước và trở thành những truyền thống tâm linh được tôn thờ. Các nước như Thái Lan, Miến Điện, Srilanka Phật giáo trở thành quốc giáo, làm nơi nương tựa tâm linh vững chắc. Đây là thời kì phát triển vàng son của Phật giáo. Sự hưng thịnh nào rồi cũng phải suy yếu, đó là quy luật tất nhiên của lịch sử. Sau thế kỉ XII, với sự phát triển về văn hóa, chính trị, kinh tế… của các nước phương Tây, họ đã bành trướng, mở mang thị trường khắp các Châu lục. Đi đến đâu, nền văn minh phương Tây đã phá hủy văn hóa cổ truyền của xứ sở đó. Tại Tích Lan, vào thế kỉ XVI, khi người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh thay nhau thống trị đã khiến cho nhân dân Tích Lan vô cùng thống khổ, họ phải sống trong tủi nhục. Sự thống trị của ngoại bang đã phá vỡ văn hóa cổ truyền, nơi mà họ nương tựa tâm linh từ trước đến nay. Điều mà họ cảm thấy tủi nhục hơn khi nhiều trường học Thiên Chúa thành lập thay cho những lớp được đào tạo trong chùa và bắt buộc con em đi lễ nhà thờ. Họ đào tạo con em từ tấm bé tiếp thu nền văn minh phương Tây, bên cạnh mặt tích cực thì cũng còn đó mặt tiêu cực. Thời kì này đất nước Tích Lan bị thống trị, nhân dân chịu nhiều tủi nhục, văn hóa Phật giáo suy đồi, con người trở nên bơ vơ không biết nương tựa vào đâu. Giữa lúc ấy, một hài nhi ra đời tại Colombo để sau này trở thành một vĩ nhân, hướng dẫn dân tộc phục hưng văn hóa Phật giáo và những đạo lý cổ truyền quốc gia. Hài nhi đó tên là Don David Hewavitarane, pháp danh là Anagarika Dharmapala, sinh ngày 17-9-1864 và mất ngày 29 - 4 - 1933.

Don David Hewavitarane sinh ra trong một gia đình theo truyền thống Phật giáo, được cha mẹ rèn luyện, ông đã thân cận văn hóa Sinhalese và xây dựng trên nền tảng nhân sinh Phật giáo. Bởi ông sinh ra là để làm nhân vật cao cả và là một đệ tử nhiệt thành của đức Phật, cho nên ngay từ tấm bé, noi gương hai thân sinh, ông sống quy y theo Phật, Pháp, Tăng, giữ gìn cấm giới. Chính vì vậy, những cám dỗ của xã hội tân tiến đã không làm ông lay động, ông sống cuộc đời trong sạch và bình dị, tránh xa tội lỗi và làm những việc thiện. Bởi một lòng hướng tâm đến Phật pháp mà ngay từ nhỏ ông đã lén đọc sách Phật pháp, bị phát hiện và xé bỏ. Ông chuyển sang trường khác nhưng rồi cũng lại bị đuổi nữa. Phật giáo Nam truyền có ngày lễ Tam hợp, ông xin phép trường xin nghỉ nhưng trường không cho, ông cũng nghỉ đi dự lễ. Giữa những hoàn cảnh trói buộc của xã hội vẫn không lay chuyển được lòng đam mê phật pháp, hướng tâm đến phật pháp. Chính vì mong muốn giáo dục cho ông theo truyền thống nhân sinh của Phật giáo, cha mẹ ông bắt đầu gây dựng trường học trong chùa để cho ông học.

Năm 1873, lúc này ông mới 9 tuổi. Một sự kiện lớn là có cuộc tranh luận được phát sóng trên ti vi giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Thầy của ông đã chiến thắng. Cuộc tranh luận này đã ghi lại thành quyển sách và được lưu hành tại Mỹ. Trong số những người đọc được quyển sách này có đại tá không quân Hoa Kì, Colonel Olcolt, người thành lập Hội Thông Thiên Học ở New York. Chính “cuộc tranh luận đã ảnh hưởng đến quyết định sang Tích Lan” tìm hiểu Phật pháp. Giáo lý cao siêu của đức Phật đã thắng mọi giáo điều của Thiên Chúa. Khi Olcolt qua Tích Lan chính ông đã làm thông dịch viên. Là một thông dịch viên, đứng giữa hai thế giới, không chỉ là thế giới của ngôn từ mà còn là thế giới của tư tưởng. Tuy là một đứa trẻ nhưng ông đã nhận thức được những tri thức cũ nào cần được loại bỏ và những tri thức nào cần được vun trồng, bảo vệ hay là giữa một truyền thống suy tàn và những văn minh hiện đại. Chính vì những nhận thức đó mà ảnh hưởng suốt quá trình hình thành nhân cách của ông. Tiếp xúc và làm việc với Olcolt, đã làm tăng thêm niềm tin của ông đối với Phật pháp và nguồn cảm hứng được nung nấu trong ông. Năm 1880, sự kiện đánh dấu ảnh hưởng sâu xa đối với Dharmapala là lễ quy y Tam bảo và thọ ngũ giới của Colonel Olcolt và bà Blavatsky, đây là “lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Tích Lan có hai người Tây phương” đến lãnh thọ Phật pháp, mở ra “một kỷ nguyên mới cho lịch sử Phật giáo Tích Lan”.

Sự kiện này cũng đánh dấu Phật giáo đang dần dần len lỏi và phát triển trong lòng xã hội phương Tây. Đến thời hiện đại có bậc nhân tài sống theo hướng mà đức Phật chỉ dạy “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”[1], phương châm đem giáo pháp Phật đến cho mọi người nhiều cách khác nhau nhưng cùng quy về sự chân thật của cuộc sống, đưa đạo vào đời sống xã hội thật uyển chuyển.

Năm 1884, khi 20 tuổi, ông tham gia “hoạt động cho Hội Thông Thiên Học” tại Tích Lan. Ông cũng đã trải qua thời gian nghiên cứu với bà Blavatsky tại trụ sở Hội Thông Thiên Học ở Ấn Độ. Ở đây ông có cơ hội trau dồi ngôn ngữ Pali và kinh điển Phật giáo. Ông ý thức được cuộc sống và phát nguyện hiến dâng hết cuộc đời này cho đạo pháp và tự đặt tên là Dharmapala. Từ cuộc đời của ông chúng ta nhận ra “nếu chủ nghĩa cải cách ở Tích Lan nhấn mạnh đến truyền thống dân tộc thì chủ trương cải cách Phật giáo của Dharmapala ở phương Tây nhấn mạnh đến việc xây dựng Niết-bàn trên trần thế”[2]

Năm 1889, Colonel Olcott và Dharmapala được cộng đồng phật tử Nhật Bản mời đi dự đại hội Phật giáo tại Kyoto, Nhật Bản. Ông đã nhấn mạnh tính thống nhất giữ văn hoá và tôn giáo của hai nước và cuộc gặp gỡ đầu tiên này như cột mốc mang tính lịch sử giữa cộng đồng phật tử hai nước. Ông kết luận bài nói của mình với niềm tự hào đất nước Nhật Bản và đã gây thiện cảm với Phật giáo nước này. Ông kêu gọi Phật giáo Nhật Bản ủng hộ ông về vật chất để gây dựng phong trào phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ. Nhật Bản là “một trong vài ba quốc gia được độc lập ở châu Á và họ đã đóng góp vai trò quan trọng trong sự phục hưng Phật giáo”[3] tại các nước Á châu.

Các hoạt động của Dharmapala trong việc phục hưng Phật giáo

Rời khỏi Chính phủ để làm việc vì lợi ích và phúc lợi của Hội Thông Thiên học Phật giáo, trong đó ông làm Tổng thư ký Bộ phận Phật giáo, Quản lý “Sandaresa Journal” (tạp chí) và báo chí Phật giáo, Quản lý các trường Phật giáo và là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Phật giáo Ủy ban từ tháng 3 năm 1886 đến tháng 12 năm 1890. Dharmapala xác định đây là thời điểm đỉnh cao của phật tử Tích Lan. Các trường Phật học kêu gọi được mở ra để làm trung hòa sự truyền bá của Thiên Chúa giáo. Nhiều ấn phẩm được phát hành trình bày giáo lý Phật giáo liên quan đến khoa học và tâm lý học. Các ấn phẩm bằng tiếng Anh lưu hành không chỉ trong nước mà lan khắp các nước Âu, Mỹ, Ấn Độ, vì vậy lời dạy của đức Phật được lan truyền khắp nơi.

Dharmapala còn thực hiện các hoạt động truyền bá giáo lý trong quần chúng, thuyết giảng, phân phát kinh điển đến các vùng miền xa xôi, qua cái nhìn phục hưng thời Phật các hoạt động được hiện lại “nếu không có tâm huyết và sự nỗ lực của những người nặng lòng với Chính pháp như Anagārika Dharmapāla, Ambedkar… Phật giáo Ấn Độ không thể hồi sinh và phát triển như ngày nay”[4], Dharmapala chính là người hướng đạo, hướng dẫn tâm linh được phật tử trên khắp thế giới ngưỡng mộ và tôn kính. Trong cuộc phục hưng của Ngài đầy ý nghĩa khiến cho Phật giáo mở tầm phát triển, “sự xuất hiện của Anagārika Dharmapāla là một bước ngoặt trong phong trào này. Ông đã tạo ra một tinh thần phục hưng Phật giáo mạnh mẽ trong ý thức của những người đương thời vậy”[5]

Năm 1891, đại đức Dharmapala cùng với vị tăng Nhật Bản sang thăm thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ. Đến thăm các thánh tích Phật giáo ở Sarnath, Benares và Buddhagaya. Nhìn thấy tình trạng hoang vắng của thánh tích ở Buddhagaya, Ngài không khỏi chạnh lòng. Buddhagaya hiện đang được sự quản lý của một Bà-la-môn Mahan. Ngài đã thề nguyện trước cây Bồ-đề rằng Ngài sẽ hiến cả cuộc đời mình để giải cứu Thánh Địa khỏi sự hoang phế. Việc làm đầu tiên cho mục đích này là Ngài đã “thành lập hội Maha Bodhi” (Đại Bồ Đề). Vào năm 1949, điều này đã thành tựu với một phần sự khôi phục của ban quản lý hội Đại Bồ Đề. Trung tâm hội Đại Bồ Đề đã dựng lên nhiều đô thị ở Ấn Độ và điều này có tác dụng nâng cao ý thức người Ấn Độ về Phật giáo.

Ngày 25/10/1891, Dharmapala thuyết bài pháp đầu tiên tại hội trường Albert, Calcutta, Ấn Độ với đề tài “Phật giáo trong mối liên hệ với Ấn Độ giáo”. Đầu năm 1892, văn phòng của Hội Maha Bodhi được dời đến Calcutta. Đến tháng 5, Dharmapala đã bắt đầu phát hành tạp chí Maha Bodhi tại đây để thuận tiện cho việc trao đổi tin tức lẫn nhau giữa các quốc gia Phật giáo. Tạp chí được biên tập bởi Dharmapala với nhiều nội dung phong phú như là một thế giới Phật giáo thống nhất, Đại Thừa Phật giáo, sự giao thoa những hoạt động Phật giáo ở Nhật Bản, Miến Điện… chính vì vậy mà tạp chí được lưu hành không những ở châu Á mà còn ở châu Âu và châu Mỹ và thu hút nhiều học giả quan tâm. Tạp chí này tiếp tục xuất bản và tồn tại đến tận ngày nay và trở thành công cụ không thể thiếu trong việc truyền bá chính pháp. Chính mục sư J H Barrows, chủ tịch hội nghị tôn giáo thế giới đọc được những bài viết của Dharmapala trên tạp chí, bị cuốn hút bởi nội dung, mục thư đã viết thư mời Dharmapala tham dự hội nghị tôn giáo thế giới diễn ra ở Hoa Kỳ. Ngài đã cống hiến hết mình cho hội, với một tinh thần nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ, qua các minh chứng chúng ta thấy Ngài chẳng khác “Thân tại gia, tâm xuất gia”[6] luôn hết lòng phụng sự đạo pháp. Ngài kêu gọi phật tử đóng góp để duy trì hội và ra sức thuyết phục phật tử đấu tranh để chuộc lại Maha Bodhi Temple.

Ngài nói rằng “Phật giáo của quê hương Ấn Độ chúng ta đã lưu lạc tha phương ngót 800 năm. Ngày nay, Phật giáo đã trở lại cố quốc, là niềm an ủi lớn nhất cho tất cả chúng ta. Ngay lúc này đây, người dân Ấn phải thức tỉnh, phải vươn lên mọi định kiến giai cấp và tín điều; chỉ với một mục đích duy nhất là cùng với Hội Đại Bồ Đề, đem giáo lý của đức Phật tặng lại cho nhân dân Ấn Độ”[7], Anagarika Dharmapala là người đã đưa thông điệp của đức Phật ra ngoài Ấn Độ đến với phương Tây và phương Đông: sự tham gia của ông tại Nghị viện Thế giới của các tôn giáo ở Chicago năm 1893 là một bước ngoặt trong lịch sử đối với Phật giáo ở phương Tây và là một biến cố trọng đại nhất cuối thế kỉ XIX. Hội nghị Tôn giáo là chìa khóa đón chào Phật giáo vào Hoa Kỳ, một đất nước có nền văn hóa Ki Tô giáo.

Hội nghị tôn giáo đánh dấu văn hóa phương Đông thực sự hội ngộ với văn minh phương Tây, điều này diễn ra một cách hữu hình. Đại hội Tôn giáo trở thành biểu tượng khởi đầu một thời kì mới trong lịch sử tôn giáo Hoa Kỳ, tín ngưỡng phương Đông ngày càng nở rộ trên đất Mỹ. Đại hội Tôn giáo Thế giới báo hiệu sự quan tâm ngày càng gia tăng của người Mỹ đối với các tôn giáo có nguồn gốc từ phương Đông. Người phương Tây thích tìm kiếm những cái mới lạ, họ bị thu hút bởi những dấu ấn khác biệt về văn hóa của các nước phương Đông. Với bài phát biểu đầy ấn tượng đã thu hút nhiều học giả, nhiều thành phần quan tâm đến tôn giáo mà trước đây họ chưa từng biết đến. Hoàng tử của dòng tộc Sakyas với tâm hùng lực chỉ ra một tôn giáo của chân lý phá vỡ các rào cản, đẳng cấp, tín ngưỡng, chủng tộc và lãnh thổ. Chủ nghĩa bất công đã bị đánh bại bởi ánh sáng chân lý. Một tôn giáo cao thượng với thông điệp đầu tiên từ đức Phật về sự công bằng, được lan rộng không giới hạn khắp trên địa cầu.

Tại diễn đàn này, các lãnh tụ của các tôn giáo khác phát biểu, giới thiệu về tôn giáo của mình. Trong đó có những bài phát biểu không mấy ấn tượng nhưng cũng có những bài phát biểu thu hút thính chúng. Ngài Soyen Shaku khởi xướng: “Luật quốc tế đã thành công trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia bằng biện pháp thương thuyết thay vì chiến tranh… Chúng ta sinh ra không phải để đánh nhau. Chúng ta sinh ra để khai thông trí tuệ, để trau dồi đạo đức dựa vào ánh sáng chân lý…”[8]

Yoshigirai Kawai, tu sĩ phái Nhật Liên tông, thành viên của phái đoàn Nhật Bản có bài thuyết trình về Phật giáo Nhật Liên tông “dù là hạng bình dân không biết đọc không biết viết nếu chuyên niệm “Namu myo ho ren gekyo” đều được giác ngộ”. Bài thuyết trình không tạo được phấn khởi trong thính chúng, một phần Kawai nói tiếng Nhật, phần khác vì nội dung không mấy hấp dẫn. Bởi người dân Hoa Kỳ chán ngán với giáo lý ban phước, giáng họa của đấng thần linh. Bài thuyết trình này tư tưởng giống như giáo lý của Ki Tô giáo. Hiện tại, Ki Tô giáo không còn đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân Hoa Kỳ. Đây chứng tỏ người dân nâng cao nhận thức về tôn giáo, không còn là niềm tin mù quáng. Tôn giáo phải phù hợp với khoa học và không tách rời với khoa học, mới tạo niềm tin cho tín đồ.

Ngược lại, Dharmapala lại gây ấn tượng sâu sắc trong lòng thính chúng không chỉ nội dung mà cả phong cách. Anagarika Dharmapala đến dự hội nghị được vinh dự ngồi vào hàng ghế đầu tiên bên cạnh hồng y Gibbon của Thiên Chúa giáo và đại sư Swami Vivekananda. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của Dharmapala trong hội nghị. Đại đức Dharmapala đã ba lần “diễn thuyết trước thính giả trí thức về tôn giáo cao siêu của đức Phật”. Bằng lời nói giản dị và cứng rắn, với tài hùng biện hấp dẫn đã tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tín đồ không theo Phật giáo. Ngài tham dự với tinh thần phấn khởi, đây là thành quả quý báu nhất, tự hào nhất và là việc đáng làm nhất cuối thế kỉ XIX.

Ngài còn được phát biểu bài diễn văn chào mừng hội nghị trong cuối buổi khai mạc. Được dẫn chứng qua với “mái tóc đen chấm ngang vai, ánh mắt sáng quắc tự tin nhìn thẳng vào thính giả hội trường, giọng nói sang sảng của người truyền giáo, lưu loát trong diễn đạt anh ngữ. Dharmapala chinh phục ngay được các đại diện như một đại biểu thống nhất các tông phái Phật giáo đang gieo truyền Ánh Sáng Á Châu” vào văn minh Ki Tô. Giáo sư Barrows, người chủ trì phiên họp phải thốt lên rằng: Dharmapala giống như Chúa trong trang phục của chiếc áo cà sa.

Trong đại hội Dharmapala tạo ra tiếng vang lớn. Ngài đại diện cho Phật giáo Nam truyền gửi đến các nhà hoạt động tôn giáo thông điệp “Phật giáo là tôn giáo gắn liền với khoa học”. Với sự thu hút hiện tại, Dharmapala tiếp tục đánh dấu với bài thuyết trình xác nhận vị trí của đức Phật “món nợ của thế giới đối với đức Phật”. Ngài còn tuyên bố “đối tượng khai sáng hiện nay không còn nhắm về thần học mà về triết lý và tâm lý”. Không có sự vĩnh hằng mà là sự chuyển biến. Mọi thứ được hình thành từ nguyên tử nhỏ nhất cho đến tận không gian. Nó hiện hữu, tồn tại trong một thời gian và tan hoại, giống như dòng nước chảy tự nhiên. Dharmapala còn “phê bình thái độ mập mờ của Ấn giáo xem Phật giáo như một phần tôn giáo truyền thống trong khi giữa Phật giáo và Ấn giáo có nhiều sai khác không thể hoá giải được”. Trước đây hai mươi lăm thế kỷ, “Ấn Độ đã chứng kiến một cuộc cách mạng tri thức nhằm lật đổ tôn giáo độc thần do các đẳng cấp giáo sĩ ích kỷ, độc quyền tế tự để thành lập một tôn giáo tổng hợp, một hệ thống đời sống và tư tưởng có tên thích hợp là Dharma”.

Sau khi kết thúc hội nghị, khi bước xuống hội trường, người đã vui vẻ bắt tay hàng trăm phụ nữ Cơ Đốc giáo, ký tên trên sổ lưu niệm và những chiếc quạt. Thật là một cử chỉ ngoạn mục. Năm 1897 Dasa phát biểu: “hành động ấy khiến cho ngân sách của giáo sĩ sút giảm và khiến cho phụ nữ Cơ Đốc giáo không còn e ngại với tình nhân Phật giáo”. Lời lẽ trên thật kì lạ, hài hước, châm biếm, nhí nhảnh và tự tin khi viết về Phật giáo trong thời kì ấy. Điều này đã chứng minh một chấn động mạnh đến các thành phần của các tôn giáo khác.

Vai trò của ngài Dharmapala trong sự nghiệp hoằng pháp

Dharmapala là một trong những diễn giả nổi bật nhất tại Hội nghị, các bài diễn văn của Ngài được đánh giá là có đóng góp quan trọng trong suốt các phiên họp. Với những bài diễn văn ấn tượng nhưng mộc mạc, Ngài đã thu phục được nhiều người, trong đó có C.T. Strauss (New York), đã bày tỏ niềm khao khát trở thành Phật tử và Dharmapala đã truyền Ngũ giới cho ông, ông không những được coi là người đầu tiên thọ giới trên đất Mỹ mà còn là người ủng hộ đáng tin cậy của Hội Maha Bodhi. Vào phiên họp cuối cùng, Dharmapala đã trình bày quan điểm của mình rằng Ngài có thể truyền bá Phật pháp ở phương Tây, cụ thể là Mĩ với các phương diện “sau phong trào cải cách Phật giáo do Dharmapāla kinh sách và tài liệu Phật giáo liên quan đến đời sống gia đình được xuất bản, chư Tăng, Ni, các vị giảng sư Nhật Bản, Hoa Kỳ bắt đầu thuyết giảng những đề tài liên quan đến đời sống gia đình; những bà mẹ Phật giáo đã tổ chức những khóa Hội thảo về tâm lý trẻ em, Ban quản trị Hội BCA (Buddhist Church of America) cho xuất bản những tài liệu Phật giáo, hướng dẫn đời sống gia đình, hôn nhân”[9], và quyết định sau hai năm sẽ quay trở lại và thiết lập Phật giáo nơi đây. Về sau, Ngài đã ba lần viếng thăm đất Mỹ.

Hội nghị các Tôn giáo kết thúc vào 27/9, và sau những bài diễn văn tại Oakland và San Francisco, vào ngày 10/10 Ngài từ Mỹ đến Nhật Bản sang Trung Quốc rồi mới trở về Ấn Độ. Trên chuyến tàu, có một người phụ nữ trung niên khoảng tầm năm mươi tuổi, đã thú nhận rằng bà ta hay nóng tính, vì vậy mà thường gây tổn thương cho bản thân và người thân của mình và bà đã nhờ Ngài chỉ phương pháp để kiểm soát chúng. Vì là một sinh viên của Yoga Budhist, Ngài đã đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp bà ấy vượt qua điều này. Người phụ nữ ấy chính là Mary E. Foster, con cháu thuộc dòng dõi Vua Kamehameha ở Hawaii, dẫu rằng cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài vài phút nhưng vì những lời nói của Ngài in sâu vào tâm trí bà, vài năm sau đó, bà trở thành người ủng hộ hào phóng nhất trong các hoạt động của Dharmapala. Nhờ nguồn tài chính đắc lực này, Ngài đã xây dựng hàng loạt các ngôi đền, Tịnh xá, trường học, bệnh viện và mở rộng thêm các trụ sở của Hội tại Ấn và Ceylon, con số ủng hộ của bà kể đến gần một triệu rupi. Có thể nói, tên của bà được sánh ngang với Anthapindika và Visakha, những người được xem là đại thí chủ có công đóng góp lớn về vật chất cho Phật giáo.

Lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ, Đại đức “đứng ra tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày 26-5-1896 tại Calcutta Ấn Độ. Buổi lễ được đặt dưới quyền chủ tọa của ông Narenda Nath Sen”[10]. Một năm sau, nhân chuyến thăm Mỹ quốc lần thứ hai do lời mời của bác sĩ Paul Carus, đại đức có cơ duyên may mắn đứng ra tổ chức đại lễ Phật Đản ở New York, Ngài cảm thấy hài lòng vì đã tổ chức thành công lễ Phật Đản lần đầu tiên tại Mỹ. Có khoảng bốn trăm người tham dự, buổi lễ diễn ra trọng căn phòng tạm sử dụng để thờ phượng, có ba mươi bảy ngọn nến được thắp sáng tượng trưng cho ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Tại buổi lễ, Ngài cũng kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí để cứu đói vùng Maha Bodhi. Trong chuyến thăm lần hai này, đại đức đi đến nhiều nơi như New York, Chicago, San Francisco, Grand Rapids, Manistee… đi đến đâu Ngài đều thuyết giáo lý của đức Phật, trình bày sự vi diệu của tâm lí học và thiền học. Ngài còn khuyên thính chúng thực hành một đời sống thanh tịnh, đạo đức và cao thượng.

Ngài tiếp tục cuộc hành trình từ châu Á đến châu Âu châu Mĩ. Bất cứ nơi nào Ngài đến, Ngài đều gửi thông điệp đến nơi đó, dùng giáo lí của đức Phật để giáo dục con người hướng thiện, thực hành tinh thần bình đẳng, không phân biệt giai cấp. Ngài còn dạy tâm lý học Phật giáo trong các trường đại học ở các nước phương Tây. Trong thời gian hoằng pháp, Ngài còn xây dựng nhiều trường học, xây dựng “bệnh viện Foster Robinson để ghi nhớ công đức vô lượng của bà Foster và trùng tu chùa Muladhakuti ở Sarnath, nơi đức Phật thuyết pháp đầu tiên và an trí xá lợi của Phật do thống đốc Anh ở Bengal cúng”.

Ngài đã nỗ lực hết sức để phục hưng đạo Phật, nâng cao đạo đức, phát triển kinh tế nhằm mục đích nâng cao đời sống xã hội. Vì thế, Ngài đã mạnh dạn chê bai người dân Sihalese vì đã từ bỏ quốc giáo và văn hoá truyền thống dân tộc mà chạy theo Thiên chúa giáo. Ngài còn chỉ trích nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế. Do đó, sự phục hưng mà Ngài thi hành không chỉ mang tính tôn giáo, mà còn mang những hệ lụy chính trị và kinh tế. Chính vì thế mà ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành phần quyền lực và các tín đồ tôn giáo khác. Năm 1920, Dharmapala đã phải chịu sự trừng phạt, Ngài bị giam giữ năm năm tại Calcutta bởi Chính phủ Ceylon. Sau khi được thả tự do năm 1922, sức khỏe Ngài đã kiệt quệ, nhưng Ngài cũng hết lòng phụng sự Phật pháp. Sự đau đớn về thể chất không thể ngăn cản được tinh thần mãnh liệt của Ngài. Ngài vẫn miệt mài với công việc phục hưng đúng như tên gọi Anagarika Dharmapala.

Dharmapala có nghĩa là “hộ pháp”, Anagarika có nghĩa là “vị Khất sĩ”. Người đã từ bỏ gia đình để đi tìm chân lý, là một vị hộ pháp đắc lực trong việc truyền trao chính pháp của đức Như Lai. Trong những năm cuối đời, Ngài mong ước mình có thể chết như là một thành viên của Tăng đoàn, Ngài đã xuất gia tu hành và thọ đại giới  pháp tự là “Devamitta Dhammapala” dựa theo pháp hiệu của Thầy mình, Ngài Heyyantuduve. Trong quãng đời còn lại, vào “tháng giêng năm 1933, Ngài xuất gia thành Tỳ kheo, nhưng sau ba tháng Ngài đã qua đời tại Lộc Dã Uyển”[11] vào ngày 29 tháng 4 ở tuổi 69 tại Sarnath[12]. “Trước khi mất, Ngài đã đến thọ giới với Trưởng lão Boruggamuwe Rewta và chính thức gia nhập Tăng đoàn, trở thành một vị Tỳ kheo”[13]. Với ước nguyện rằng, Ngài sẽ được tái sinh ít nhất hai lăm lần nữa để phục hưng lại Buddha Sasana, như lời  thệ nguyện vĩ đại của một vị Phật đối với thế giới này, đó là vì sự an lạc của chúng sinh, vì hạnh phúc cho chúng sinh và vì lòng từ bi đối với thế gian này. Anagarika Dharmapala là một nhân vật lãnh đạo Phật giáo vào thế kỷ XX. Ngài là người tiên phong trong sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ gần như đã mai một vài thế kỷ và là “Phật tử đầu tiên trong thời cận đại giảng pháp” ở ba lục địa: Châu Á, Bắc Mỹ, và Châu Âu.

Dharmapala là người tiên phong trong việc phục hưng Phật giáo. Với tâm huyết đầy mạnh mẽ của người dân các nơi cho là “Những dấu hiệu về sự hạ phàm của Ngài vẫn đến dồn dập hàng ngày và ai dám nói rằng sự ra đời của Hội Thông Thiên học, bà A. Besant, Đại sư Vivekananda, Dharmapāla và nhiều vị khác nữa, không phải là những dấu hiệu báo trước cái ngày được chờ đợi từ lâu, khi mà sự khát khao tâm linh sẽ sống động trở lại trong lòng tất cả mọi người?”[14]. Nhận thấy tình hình suy thoái Phật giáo tại đất nước mình, và sự tắt ngấm Phật giáo trên đất nước Ấn Độ, nơi khai sinh ra Phật giáo, Ngài đã nảy ra ý tưởng phục hưng Phật giáo, đây là một ý tưởng kinh ngạc và chỉ có thể xảy ra với một người có tầm nhìn tâm linh và lòng dũng cảm đặc biệt xuất sắc. Dharmapala không hề nản lòng với công việc, ý chí quyết tâm mãnh liệt để giải thoát Buddhgaya, phục hồi những nơi linh thiêng, sùng kính, thành lập trung tâm và đã giữ một dòng chảy của sự truyền trao liên tục với kết quả mà trước khi Ngài chết, Ngài phát nguyện: “Tôi muốn tái sinh trở lại cõi đời này 25 lần để truyền bá giáo lý đạo Phật”[15], Ngài có thể trồng và bắt đầu thấy nảy mầm, hạt giống hiện đang phát triển nhanh chóng thành một cây cao quý, cao thượng.

Cuộc sống và công việc điển hình của Ngài, cho đến nay được thế giới quan tâm, những lợi ích và hoạt động của Dharmapala không chỉ được giới hạn ở các nước Phật giáo châu Á và Ấn Độ mà còn phủ đầy khắp thế giới. Ngài là người đầu tiên đưa ra quả địa cầu với thông điệp của vị đạo sư. Những hạnh nguyện của Ngài là tấm gương cho chúng ta noi theo, thực hành. Kể từ khi Ngài qua đời, Phật giáo đã có những bước tiến mạnh mẽ, được tiếp nối bởi những đại sư, Phật giáo dần lan rộng khắp thế giới. Phật giáo trở thành hệ thống phát triển hài hòa đem lại an lạc, hướng con người đến đạo đức nhân sinh và làm nhân cho nhiều phong trào phục hưng khác.

KẾT LUẬN

Dharmapala người đã tạo nền tảng Phật pháp vững chắc cho những người con Phật và là người gieo niềm tin cho các tín đồ của các tôn giáo khác. Công lao của Ngài thật là vĩ đại, cả thế giới dường như khâm phục hạnh nguyện của Ngài. Là những người con Phật, chúng ta cần phải nhận thức được lý tưởng của mình, để thực hành con đường đúng đắn theo lời Phật dạy, để cho Phật pháp ngày càng phát triển, tiếp nối hạnh nguyện lớn lao của Dharmapala, thầm bước theo Phật giáo trong thời buổi chiến chinh, loạn lạc của xã hội từ viễn xứ Á Đông vượt sang Âu – Mỹ, Dharmapala không những hoàn thành sứ mạng phục hưng ngôi nhà Phật pháp mà còn chinh phục cộng đồng tôn giáo khắp thế giới về một đạo giáo, một bậc Thầy đáng được tôn vinh trong lịch sử nhân loại, người được ví như Bồ tát thị hiện ngay cõi đời với sức nguyện lực vì lợi lạc quần sinh, mong mỏi những điều chân lý trên đời sẽ cứu độ cho nhân loại vượt thoát khỏi các khổ đau. Ngài xứng danh là A Dục vương của Tích Lan, người đã hết lòng phụng sự Phật pháp là mẫu người để cho hàng phật tử học hỏi và noi theo trên cong đường lợi lạc nhân sinh, với lý tưởng cao thượng đã đóng góp nhiều tâm huyết và sức lực trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Chúng con hàng đệ tử đức Phật luôn thành kính đảnh lễ Ngài, ngọn đèn soi sáng cho hàng hậu học về sau. Tóm lại, qua nhiều góc độ chúng ta thấy sự đóng góp của Dharmapala, mọi người có lời khen thật tình đem đến cho vị nhân tài của Phật giáo này với kỳ vọng lớn lao. Qua nhân cách, tri thức đã khiến ông có khí chất oai nghiêm đáng cho chúng ta kính nể; Dharmapala đủ khả năng thể hiện vai trò trước sự chú ý của cả thế giới “Món nợ của thế giới đối với đức Phật”. Hẳn nhiên rằng, món nợ mà Dharmapala đưa ra đây là mặt tinh thần, nói rõ hơn là các nền văn hóa giáo dục, nhân cách đạo đức con người nhằm hoàn thiện đức Phật ngay nơi bản thân chúng ta. Với phương thức diễn giải đầy sự giác ngộ và trí tuệ của Dharmapala, ông chuyển hóa cách nhìn của nhân loại về Phật giáo tức là đưa họ thoát ra cái tín ngưỡng cầu nguyện, sống với thực tại như nó đang hiện hữu trước mặt, ra khỏi tấm màn thần bí. Hơn nữa, chính điều ấy đem luồng sinh khí mạnh mẽ hơn, niềm tin vững chắc đáp ứng được đời sống sinh hoạt của dân chúng khi hòa nhịp với tôn giáo này. Trong niềm hy vọng ấy, chúng con thành kính cầu nguyện Phật giáo luôn phát triển cả hình thức lẫn nội dung, đáp ứng kịp thời những thắc mắc của thời đại.

Thích Nữ Nhuận Anh - Học viên Cao học khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

----------------

CHÚ THÍCH:

[1] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, “Tương Ưng Ác Ma”, NXB. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 235. [2] Huỳnh Hạ Niên, Nhân vật Phật giáo Tích Lan cận đại, “Lời giới thiệu”, Thích Trung Nghĩa dịch, NXB. Hồng Đức, 2015, tr. 7-8. [3] http://vienthongtu.net/phapphap-canban/phat-phap/159-159.html?cv=1. [4] Thích Trung Hữu, Sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và vai trò của Tiến sĩ Ambedkar, NXB. Phương Đông, 2017, tr. 222. [5] Sanjay Parkash Sharma Dr. B.R. Ambedkar: A Crusader of Social Justice, tập 2, NXB. RBSA, Ấn Độ, 2003, tr. 192. [6] Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 685. [7] Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Sử Phật giáo thế giới, “Trung Quốc – Ấn Độ”, NXB. Thuận Hóa, 2008, tr. 160. [8] Trần Quang Thuận, Phật giáo Tổng quan, tập II, NXB. Văn hóa Sài Gòn, 2007, tr. 291. [9] Trần Quang Thuận, Phật giáo Tổng quan, tập II, NXB. Văn hóa Sài Gòn, 2007, tr. 298. [10] http://vienthongtu.net/phapphap-canban/phat-phap/159-159.html?cv=1. [11] Thích Hạnh Bình, Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, , Phương Anh (dịch), NXB. Phương Đông, 2017, tr. 157. [12] Thích Trung Hữu, Sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và vai trò của Tiến sĩ Ambedkar, NXB. Phương Đông, 2017, tr. 77. [13] Huỳnh Hạ Niên, Nhân vật Phật giáo Tích Lan cận đại, Thích Trung Nghĩa dịch, NXB. Hồng Đức, 2015, tr. 31. [14] Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Những giai thoại huyền bí, NXB. Tôn giáo, 2008, tr. 61. [15] Thích Nguyên Tạng, Các nhà Sư châu Á trên đất Mỹ, https://quangduc.com/a31248/cac-nha-su-chau-a-tren-dat-my. THAM KHẢO 1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, “Tương Ưng Ác Ma”, NXB. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991. 2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ, NXB. Tôn giáo, 2016. 3. Thích Trí Chơn, Các học giả Anh Quốc và Phật giáo Âu-Mỹ, NXB. Phương Đông, 2010. 4. Thích Hạnh Bình, Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Phương Anh dịch, NXB. Phương Đông, 2017. 5. Thích Trí Chơn dịch, Anagarika Dharmapāla-A Dục Vương Của Tích Lan, Tạp chí “Phật Tử” (The Buddhist) số tháng 5-1964 phát hành tại Colombo (Tích Lan). 6. Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015. 7. Ven.Dr. K.Sri. Dhammananda, Phật giáo dưới mắt các nhà tri thức, Thích Tâm Quang (dịch), 1994. 8. Thích Trung Hữu, Sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và vai trò của Tiến sĩ Ambedkar, NXB. Phương Đông, 2017. 9. Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1989. 10. Thích Huyền Minh, Thái Hư Đại sư, Tạp chí Viên Âm, số 95, năm 1950. 11. Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB. Khoa học Xã hội, 2008. 12. Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Sử Phật giáo thế giới, tập 1: Trung Quốc – Ấn Độ, NXB. Thuận Hóa, 2008. 13. Huỳnh Hạ Niên, Nhân vật Phật giáo Tích Lan cận đại, Thích Trung Nghĩa (dịch), NXB. Hồng Đức, 2015. 14. Thích Thanh Nghiêm, Nguyệt san Giác Ngộ số 280, “Anagārika Dharmapāla – Người góp công lớn trong việc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ”, Phụ trương nghiên cứu Phật học của báo Giác Ngộ, 7/2019. 15. Thích Trí Quang, Lịch sử truyền bá Phật pháp, NXB. Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật học, 1950. 16. Thích Nguyên Tạng, Các nhà Sư châu Á trên đất Mỹ, https://quangduc.com/a31248/cac-nha-su-chau-a-tren-dat-my, truy cập ngày 18/3/2021. 17. Trần Quang Thuận, Phật giáo Nam tông tại Đông Nam Á, NXB. Tôn giáo, 2008. 18. Trần Quang Thuận, Lịch sử Phật giáo Tích Lan, NXB. Tôn giáo, 2008. 19. Trần Quang Thuận, Phật giáo Tổng quan, tập II, NXB. Văn hóa Sài Gòn, 2007. 20. Tư liệu học tập “Phật giáo Hoa Kỳ” do NS.TS. Thích Như Nguyệt – Giảng viên khoa Lịch sử Phật giáo, HVPGVN tại TP.HCM cung cấp. 21. Thích Minh Tuệ, Đặc san Hoa Đàm số 62, “Vai trò của Anagārika Dharmapala truyền bá Chính pháp từ châu Á sang Âu – Mỹ”, tháng 11/2018. 22. Tập san Maha Bodhi – Tư liệu học tập môn “Phật giáo Hoa Kỳ” do NS.TS. Thích Như Nguyệt – Giảng viên khoa Lịch sử Phật giáo, HVPGVN tại TP.HCM. 23. Sanjay Parkash Sharma (2003), Dr. B.R. Ambedkar: A Crusader of Social Justice, tập 2, NXB. RBSA, Ấn Độ. 24. Trần Phương Lan, Đức Phật lịch sử, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997. https://tapchinghiencuuphathoc.vn/anagarika-dharmapala-va-su-nghiep-truyen-ba-phat-giao-tu-chau-a-sang-au-my.html