Từ khi chị em tôi còn là những đứa trẻ học tiểu học, cho đến nay thì mẹ tôi đã lên chức bà ngoại, nhưng cách đón tết bao năm qua của bà vẫn không thay đổi.
Dù rằng những năm gần đây, do sức khỏe của người lớn tuổi, nên cách đón tết của bà đã gọn gàng và đơn giản hơn xưa nhiều.
Nhưng nhìn chung thì tết năm nào mẹ tôi cũng có thói quen: Muối dưa cải chua, đu đủ chua, trước tết thì dặn con đi thỉnh một bộ kinh Đại Thừa để mang lên chùa dâng cúng giúp bà, gửi tiền dâng cúng thực phẩm để giúp nhà chùa đón tết và mời phật tử, bà tự nấu xôi, chè, thả nhiều kí cá phóng sinh vào dịp tháng Giêng, mừng tuổi các vị sư trong chùa, bố thí cho các vị hành khất trước cổng chùa, cúng tranh Phật hoặc tượng Phật …
--
Theo thói quen của bà vào dịp cuối năm, tức khoảng tháng 12 Dương lịch là mẹ tôi đã giục con đi mua cho bà một bộ kinh đại thừa, để giúp bà mang về chùa cúng dường.
Vì theo như lời vị sư cô ở ngôi chùa gần nhà từng hướng dẫn bà là “bố thí Pháp” (Giving Dharma) là một trong những việc thiện rất quan trọng, có nhiều công đức lớn.
Trước đây, mẹ hay cúng dường bộ kinh Pháp Hoa cho các chùa ở xa.
Nhưng sau này thì các chùa đều có tủ kinh Pháp Hoa để tụng hàng tuần rồi, nên bà chuyển qua cúng dường bộ kinh Hoa Nghiêm, vì sư cô nói là kinh này nhà chùa đang cần và có rất ít phật tử cúng dường kinh Hoa Nghiêm, chịu đọc kinh Hoa Nghiêm.
Lần nào mẹ tôi cũng dặn dò nhà chùa là nếu nhà chùa có đủ kinh Hoa Nghiêm rồi thì cứ cho phật tử thỉnh về.
Còn không thì cho các chùa huynh đệ của sư cô ở miền quê xa thỉnh kinh này về cũng được.
Năm nào cũng vậy, khi tôi mang kinh Hoa Nghiêm về chùa giúp bà, cũng đều được sư cô hoan hỷ đón nhận và tán thán công đức của bà.
Sư cô cũng mong nhiều phật tử sẽ có quan niệm như bà.
(Buddhists make offerings of the Avatamsaka sutra to pagoda.)
--
Sư cô thấy bà thường hay cúng bộ kinh Hoa Nghiêm cho chùa và tại gia, bà có đọc, tụng một phẩm kinh Hoa Nghiêm hàng ngày thì lấy làm hoan hỷ lắm.
Sư cô căn dặn bà nên thọ trì lời dạy trong kinh và áp dụng những lời dạy của Phật trong kinh Hoa Nghiêm này vào cuộc sống để làm lợi ích cho mọi chúng sinh.
(Receive and uphold the teachings of Buddha in the Avatamsaka sutra and apply them in life to benefit all living beings.)
Theo quan niệm của mẹ tôi và bà ngoại tôi thì Kinh Đại Thừa như một tấm khiên (a shield) luôn che chở cho ta khỏi những bất trắc, bất an trong cuộc sống.
Nó giúp ta giảm nghiệp chướng cũ và làm tăng phước lành cho người nào cúng dường Pháp-Dharma của Như Lai.
Ngay cả khi vào dịp sinh nhật của tôi, nếu năm đó trúng vào năm hạn Tam tai hay Thái Tuế hoặc năm Tuổi của tôi như quan niệm của những người trong họ hàng, thì mẹ tôi cũng bình tĩnh khuyến khích tôi cúng dường một bộ Kinh Đại Thừa cho chùa, mà phải ghé về chùa hoặc gọi điện cho sư để hỏi là chùa đang cần bộ kinh nào thì tôi mới đi mua ở phòng Phát hành kinh sách của chùa Vĩnh Nghiêm.
Lúc thì cúng dường kinh Duy Ma Cật, hoặc Đại bát Niết Bàn, hoặc Lăng Nghiêm, hoặc Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Già…
Vậy thì bà mới yên tâm.
Thay vì đi mua mấy bộ vàng mã đốt để cúng sao giải hạn thì bà nói: “Khi cúng một bộ kinh đại thừa, mẹ thấy vẫn tốt hơn là đốt bộ vàng mã”.
--
Trước tết thì bà lo nhắc cô giúp việc chuẩn bị các món để nấu chay, nhằm cúng ông bà, tổ tiên trong ba ngày tết.
Và trong ba ngày tết này, thì bà cũng nhắc con cháu nên gắng ăn chay, không gây nghiệp sát trong đầu năm mới.
Bà lo đi xin con cháu các bao lì xì đỏ để lì xì cho các cháu.
Còn các con dù đã lớn, nhưng bà vẫn lì xì số tiền không nhỏ để “lấy hên”, theo quan niệm của bà.
Bà nắn nót ngồi ghi tên của các con-cháu trên từng bao lì xì đỏ. Kế đó là các phong bao dành cho con-cháu của họ hàng sẽ ghé nhà chơi.
Rồi đến bao lì xì cho các vị sư ở các chùa mà tết bà sẽ ghé thăm.
Bà đổi nhiều tờ tiền lẻ 5,000 đồng, hoặc 10,000 đồng để phát cho nhiều người hành khất ngồi trước cổng chùa.
Còn các cô làm công quả ở chùa thì bà hay gửi mỗi người 50,000 đồng cho vui vẻ trong năm mới.
--
Trước tết vài tuần, bà đã nhắc con đi mua nhang trầm, trầm nụ Quảng Nam và nhiều ly đựng nến, để trong dịp tết thắp sáng và xông hương thơm nơi bàn thờ Phật. Mục đích là để sáng sủa cho cả một năm mới.
Hoa tươi và trái cây để cúng Phật thì sát ngày tết bà mới mua.
Ngày trước thì cứ khoảng 23 đến 25 Tết, mẹ tôi hay mua một giỏ gồm nước tương, dầu ăn, bột nêm chay, gạo, nến, bánh tét, mứt, chả nấm chay… rồi phân công cho tôi mang về chùa cúng dường.
Tuy nhiên, sau này thì bà thường hay cúng dường tiền cho gọn gàng hơn khi chuyên chở.
Thường vào dịp tết được nghỉ dài ngày, bà hay nhắc con cháu tạo phước cho năm mới bằng cách lấy kinh Pháp Hoa, phẩm 25 ”Quán.
Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn” ra chép tay rồi để lên bàn thờ Phật. (Copy and transcribe the Lotus sutra.)
Khi tụng kinh để cầu cho năm mới được an lạc thì tôi cũng hay đọc tụng phẩm 25: “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn” ( kinh Pháp Hoa) trong dịp Tết nguyên đán.
Nếu ta đọc được nhiều phẩm hơn trong bộ kinh Đại thừa thì càng tốt hơn nữa.
--
Về chùa dịp năm mới, nếu được vị sư tặng cho phong bao đỏ mà bên trong có tấm thiệp in các câu kệ trong kinh Pháp Cú hoặc Hoa Nghiêm là bà rất vui mừng.
Sau khi lấy ra đọc vài lần thì bà dặn con mang cất nơi bàn thờ Phật rất trân trọng.
--
Dù là trong ngày tết thì bà vẫn lần chuỗi tràng hạt để niệm Phật và tụng kinh Hoa Nghiêm, phẩm 40:”Hạnh, nguyện Phổ Hiền” như thời khóa của ngày thường.
--
Dịp nghỉ tết năm đó, tôi đang học cấp 3.
Trước tết Âm lịch, học sinh được nghỉ học dài ngày.
Bàn thờ nhà tôi mới chỉ có tượng bồ tát Quán Thế Âm.
Còn mẹ tôi thì thích thờ tượng Phật A Mi Đà như câu niệm Phật quen thuộc ngày xưa của bà ngoại và của mẹ tôi mỗi ngày, lúc bấy giờ.
Lúc đó, chưa có nhiều hàng nhập khẩu tượng Phật như bây giờ.
Còn nhà tôi ở trung tâm thành phố nên cũng không gần xưởng đúc tượng Phật nào. Mẹ tôi đang thắc mắc không biết làm sao để có được một hình tượng Phật A Mi Đà mà thờ trong nhà.
Tôi nhanh nhẩu nhớ ra thằng Hưng- người sau này trở thành một kiến trúc sư giỏi, với nhiều công trình thiết kế khá độc đáo.
Thằng Hưng lúc đó vẫn là học sinh, học cùng trường cấp 3, nhưng nó vẽ rất đẹp, tô màu rất sắc và phối hợp các màu rất ổn.
Ý tưởng làm tranh xé giấy của nó cũng độc đáo.
Tôi tới nhà hỏi thằng Hưng và đưa mẫu hình Phật A Mi Đà khổ nhỏ, trong cuốn kinh cũ xem nó có vẽ được không.
Nó gật đầu là vẽ được, vẽ màu nước.
Tôi lúc đó rất “đúng tinh thần là con của mẹ tôi” – một người ra kinh doanh, buôn bán từ năm 17 tuổi do bà ngoại tôi tập tành cho.
Sau này mẹ tôi tốt nghiệp cấp 3 và đi học kế toán.
Rồi về làm kế toán cho một doanh nghiệp nhà nước nhiều năm, nên bà rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng, minh bạch và đòi hỏi chi tiết trong mọi công việc.
Tức là tôi hỏi thằng Hưng xem nó tính tiền công, tiền giấy vẽ màu nước và tiền màu, tiền cọ bao nhiêu.
Thằng Hưng lúc đó còn là học sinh nên tính nó vốn rất vô tư, hay cười hề hề, nhưng nó cũng “đúng tinh thần là con của mẹ nó”, rất rõ ràng và chuyên nghiệp.
Vì mẹ nó cũng là kế toán của một công ty nhà nước về xây dựng, nên nó liệt kê tổng cộng các chi phí.
Sau đó tôi về báo cho mẹ tôi biết, bà đưa tiền cho tôi cầm qua đưa cho thằng Hưng, không quên dặn tôi là nhớ cảm ơn thằng Hưng vì đã vẽ giúp.
Thằng Hưng vẽ xong tranh Phật A Mi Đà khổ 40 x60 cm thì mẹ tôi nhờ chú gần nhà chở đi đóng khung kiếng lại.
Rồi bà nhờ mang tranh Phật này về chùa.
Mẹ tôi mua bông hoa, trái cây, nhờ sư cô cúng khai quang điểm nhãn bức tranh Phật này cho bà.
Bức tranh Phật A Mi Đà vẽ vào dịp tết năm ấy, nhà tôi thờ cũng trong nhiều năm.
Sau này khi tôi ra trường đi làm được, lúc đi qua các tiệm nhập khẩu tượng Phật ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, tôi đã mua một bộ tượng Tam thánh Tây Phương bằng sứ của Trung Quốc rất đẹp, về thay cho hình vẽ Phật A Mi Đà mà thằng Hưng vẽ vào tết năm xưa.
Tuy nhiên, đó là một kỷ niệm đẹp vào dịp tết của những đứa trẻ còn đang đi học.
Cứ đến Rằm tháng Giêng, là mẹ tôi tự mua nguyên liệu về để nấu xôi đậu xanh, chè nếp gừng hoặc chè hoa cau (chè đậu xanh không vỏ) để cúng Phật và ông bà tổ tiên.
Rồi bà căn dặn con cháu đi mua nhiều kí cá để phóng sinh, “buông chim thả cá” cầu cho năm mới bình an.
--
Dạo sau này, mẹ tôi bị giãn tĩnh mạch chân nên không đi hành hương mười cảnh chùa ở Vũng Tàu như trước đây.
Bà chỉ khuyến khích con cháu nên đi viếng các chùa dù xa hay gần, để cúng dường và lễ Phật trong dịp tết.
Đặc biệt là bà khuyên con cháu nên ghé các chùa có nuôi trẻ mồ côi hoặc người già không nơi nương tựa để ủng hộ.
--
Thường thì cách đón tết của mẹ tôi cũng bình thường, đơn giản như quan niệm của đa số các phật tử khác, năm nào cũng vậy, bình yên và đơn giản.
Bài: Diệu Đạo
Tranh: Guo Tu-C.T MLS
Bình luận (0)