Cách thức thờ Phật tại gia của người Phật tử là khi đã thờ Phật thì bàn thờ phải sạch sẽ, đốt nhang cúng Phật hàng ngày. Đặc biệt trong những ngày mười bốn, rằm và ngày ba mươi, mùng một cùng các ngày lễ vía trong năm thì phải chưng dọn hoa trái, nhang đèn cúng Phật để thể hiện lòng cung kính và tri ân.
Hỏi: Nhà chúng con có một lầu cho thuê, người thuê ở trên và gia đình chúng con ở dưới. Dù là phật tử nhưng chúng con không dám thờ Phật vì sợ thất kính. Hiện tại chúng con vẫn thắp nhang, cúng hoa trái nhưng không thờ hình tượng Phật. Xin hỏi chúng con thờ Phật được không và cách thức thờ Phật tại gia như thế nào?
Đáp: Thờ Phật là một biểu hiện của sự kính ngưỡng cao cả và tỏ lòng tri ân chân thành của người phật tử đối với đức Phật. Đồng thời, việc thờ tự và tôn trí hình tượng Phật trong gia đình còn là cách để các thành viên trong gia đình có cơ hội thường được chiêm ngưỡng dung nghi và học theo những đức hạnh tốt đẹp của Ngài. Phật là một tấm gương sáng, nhờ noi gương Ngài, chúng ta tích cực chuyển hóa những suy nghĩ, lời nói và hành động xấu ác của tự thân trở về Chân - Thiện - Mỹ. Do vậy, hầu hết các phật tử đều thờ Phật trong tư gia của mình và cần biết được cách thức thờ Phật tại gia ra sao.
Thông thường, bàn thờ Phật được tôn trí ở giữa nhà hoặc nơi trang trọng nhất trong nhà. Nếu nhà có lầu thì tốt nhất bàn thờ Phật được đặt ở nơi trang trọng nhất (lầu thượng). Có thể thờ Phật ở trước, thờ linh ở phía sau hoặc thờ Phật ở bên trên, bàn thờ linh bên dưới hoặc thờ Phật ở giữa và linh vị thờ một bên. Đây là cách thức thờ Phật phổ biến tại nhà riêng. Tuy nhiên, trong trường hợp những phật tử sinh sống trong những cao ốc hoặc chung cư thì có thể thờ Phật ngay nơi căn hộ mình ở mà không hề thất kính với Phật đù rằng phía trên căn hộ của mình còn nhiều căn hộ của các gia đình khác. Mặt khác, dù có nhà riêng và nhà có lầu gác nhưng do chủ nhà muốn các thành viên trong gia đình và quan khách được chiêm ngưỡng Phật hoặc vì lý do sức khỏe khó có thể lên xuống lầu thượng thường xuyên để nhang khói thì vẫn có thể thờ Phật ngay tại tầng trệt.
Như vậy, việc tôn trí bàn thờ Phật ở lầu thượng trong nhà là điều lý tưởng. Song nếu vì nhân duyên nào đó mà không thờ Phật được ở trên cao thì bạn có thể thờ Phật ở các vị trí khác trong nhà với điều kiện đó là nơi trang trọng, sạch sẽ và dễ nhìn thấy nhất. Vì thế, bạn có thể thờ Phật ở lầu trệt, nơi gia đình bạn đang sinh sống mà vẫn giữ được sự tôn kính đối với Phật. Đồng thời, những người sinh sống trong căn hộ phía trên cũng không vì thế mà “xúc phạm” đến Phật như bạn nghĩ. Tại các đô thị phát triển, người dân và phật tử sống chen chúc trong cao ốc, chung cư và nhà thuê thì thờ Phật trong căn hộ của mình là chuyện bình thường.
Về việc thờ Phật trong gia đình, bạn có thể thờ Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm...tùy theo nhân duyên hoặc sở nguyện. Vì đức Phật nào cũng viên mãn vô lượng công đức nên thờ một đức Phật là thờ tất cả các đức Phật. Tuy nhiên, khi thỉnh tượng hoặc ảnh thì tôn tượng phải đẹp, đầy đủ phước tướng và uy nghi của Phật. Bàn thờ Phật không nên rườm rà; ngoài bình hoa, đĩa quả, lư hương, chung nước và chân đèn ra thì không nên bày biện bất kỳ tạp vật nào khác. Sau khi thỉnh Phật về, phải làm lễ An vị Phật. Lễ này không cần tổ chức linh đình, chỉ nên đơn giản nhưng phải trang nghiêm và tinh khiết. Muốn được như vậy, chủ nhà phải dọn mình sạch sẽ, ăn chay, niệm Phật và tốt nhất nên mời một hoặc nhiều vị tăng đến sái tịnh, tụng kinh, chú nguyện.
Sau lễ An vị, cố nhiên theo niềm tin một trong những vô lượng phân thân của Phật sẽ hiện hữu trong gia đình bạn để che chở, ủng hộ và soi sáng cho bạn trong đời sống, trong việc tu tập hàng ngày.
Trong cách thức thờ Phật tại gia, phật tử khi đã thờ Phật thì bàn thờ phải sạch sẽ, đốt nhang cúng Phật hàng ngày. Đặc biệt trong những ngày mười bốn, rằm và ngày ba mươi, mùng một cùng các ngày lễ vía trong năm thì phải chưng dọn hoa trái, nhang đèn cúng Phật để thể hiện lòng cung kính và tri ân. Đồng thời, tất cả mọi người trong nhà hàng ngày trông thấy Phật, nhớ nghĩ đức hạnh cao cả của Ngài mà lo chỉnh đốn, tu sửa thân tâm, sống và cư xử với nhau trong gia đình cũng như bên ngoài xã hội với sự thấm nhuần từ bi, vị tha và đạo hạnh. Như thế mới xứng đáng với danh nghĩa của một gia đình có thờ Phật.
Trích: Phật pháp Bách vấn – Huyền Ngu – Quảng Tánh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006
* Tiêu đề được BBT đặt lại. Tiêu đề gốc: Cách thức thờ Phật
Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.
Bình luận (0)