Các câu đối chữ Hán ở cổng chùa trên đây đều là những câu đối thể phú, hình thức tương đối hoàn chỉnh, nội dung giới thiệu được bản thân thiền môn và khái quát việc hoằng đạo, có nhiều ý nghĩa và giá trị về mặt Phật học nói riêng và văn học nói chung.
Hoàng Hạnh Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024
Thành phố Phan Thiết thủ phủ tỉnh Bình Thuận hình thành vào cuối thế kỷ 17, với tên gọi chính thức ban đầu là Đạo Phan Thiết thuộc Dinh Bình Thuận. Phan Thiết hiện có 18 phường xã, số dân trên 230.000 người với khoảng 40 ngôi chùa. Có chùa được tạo dựng rất sớm từ nửa đầu thế kỷ 18 như chùa Phật Quang, chùa Liên Trì, chùa Ngự Tứ Bửu Sơn…
Sau năm 1975, vào thập niên 90 các chùa được trùng tu, nâng cấp. Một số cổng chùa được làm mới, hầu hết được khắc câu đối bằng chữ Hán, một ít cổng chùa dùng chữ Quốc ngữ.
Câu đối ở cổng chùa ngoài việc thể hiện nét trang trí truyền thống nơi tôn nghiêm, còn mang ý nghĩa giới thiệu thiền môn và truyền bá phật pháp.
1.-Câu đối ở cổng chùa Tòng Lâm Vạn Thiện:
Chùa Tòng Lâm Vạn Thiện được tạo lập từ năm 1958, trên một động cát có nhiều cây rừng, phía trước là một ít ruộng lúa bị nhiễm phèn, xa hơn là ruộng muối, xưa gọi là vùng Cây Cám.
Hiện nay chùa tọa lạc tại Phường Phú Thủy, Phan Thiết. Trong khuôn viên chùa có Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Thuận là nơi đào tạo tu sinh và tổ chức an cư kiết hạ hàng năm cho tu sĩ tỉnh Bình Thuận.
Chùa có cổng chính phía Bắc, giáp với đại lộ Hùng Vương. Trên cổng có khắc câu đối:
叢 林 藏 学 地 現 蓮 檯 賢 聖 人 天 占 瑞 氣 萬 善 隐 禪 門 县 慧 炬 東 西 南 北 沐 洋 光
Phiên âm:
Tùng Lâm tàng học địa, hiện liên đài, hiền thánh nhân thiên chiêm thụy khí Vạn Thiện ẩn thiền môn, huyền tuệ cự, đông tây nam bắc mộc dương quang.
Tạm dịch:
Tòng Lâm tàng đất học, hiện đài sen, hiền thánh trời người nghiệm xem lành khí Vạn Thiện ẩn thiền môn, giương đuốc tuệ, đông tây nam bắc gội ánh biển dương.
Khảo sát câu đối tại cổng chùa, có vài chữ khó đọc, tôi chụp ảnh và vào xin Hòa thượng Thích Minh Trí trụ trì chùa Tòng Lâm Vạn Thiện xem giúp. Thầy vui vẻ ân cần chỉ bảo, giảng rằng: Từ “tùng lâm” ngoài nghĩa là rừng rậm, còn để chỉ chùa, nơi học Phật vì ngày xưa đức Phật Thích Ca thường thuyết pháp ở nơi rừng rậm, vắng vẻ cho tăng chúng tiện tu hành.
Tôi hỏi câu đối này do ai viết ra, có từ năm nào? Hòa thượng nói vì thầy mới về đây nên không biết được. Thật đáng tiếc, tôi nghĩ tác phẩm này phải do một vị tôn túc có lòng với quê hương Phan Thiết - Bình Thuận tạo dựng đã lâu, vì có chữ đã bong tróc không còn nguyên vẹn.
Nội dung câu đối đã vẽ lên được quang cảnh ngôi chùa Phật ở một nơi có rừng, gần biển, nhiều nắng, không khí trong lành. Nó còn nói lên mục tiêu hướng đến, như một lời tiên tri cho tương lai của Tòng Lâm Vạn Thiện, nay đã ứng nghiệm. Chốn rừng cây ‘ẩn thiền môn, tàng đất học’ và ‘hiện đài sen, giương đuốc tuệ’ nay đã trở thành một ngôi tự viện rộng rãi phong quang, nơi đào tạo bồi dưỡng tăng, ni cho tỉnh Bình Thuận.
Trên đây mới là nghĩa đen của câu đối. Nghĩa bóng nói rằng việc học Phật để có tuệ giác mới chính là điều quan trọng nhất mà cả Hiền Thánh Trời người, khắp đông tây nam bắc đều ngưỡng mộ và mong đợi.
2.-Câu đối ở cổng chùa Thiền Quang:
Chùa Thiền Quang là chùa ni, tọa lạc trên đường Đội Cung thuộc Phường Đức Nghĩa, Phan Thiết. Ni trưởng Thích Nữ Như Trí trụ trì chùa cho biết chùa Thiền Quang được tạo lập từ năm 1973 với tên cũ là chùa Thiền Cang. Năm 1992 Ni trưởng xin đổi tên lại là Thiền Quang. Chùa được xây dựng lại khang trang với câu đối ở cổng như hiện nay vào năm 2008. Ni sư cho biết đã xin câu đối này ở trên:
平 順 建 道 场 舍 衛 衹 園 一 一 如 今 尚 在 禪 光 宏 佛 法 靈 山 王 舍 依 依 自 古 儼 然
Phiên âm:
Bình Thuận kiến đạo tràng, Xá Vệ Kỳ Viên nhất nhất như kim thượng tại Thiền Quang hoành Phật pháp, Linh Sơn Vương Xá y y tự cổ nghiễm nhiên.
Tạm dịch:
Bình Thuận dựng đạo tràng, thành Xá Vệ vườn Kỳ Viên đều như hiện đang tồn tại Thiền Quang rộng giác pháp, núi Linh Thứu thành Vương Xá còn y vậy tự xưa nay.
Câu đối này đã thể hiện được lòng mộ đạo và hiếu khách của người dân nơi đây. Bình Thuận như một đạo tràng lớn, nơi hoằng đạo và nghỉ ngơi của các tăng sĩ thập phương. Với tinh thần đó, vườn Kỳ Viên, thành Vương Xá... bên đất Phật ngày xưa tất cả như đang hiện diện nơi đây.
Chùa Thiền Quang có một tầng hầm rộng, nhà chùa thường tổ chức bán cơm chay vào các ngày Rằm, mùng Một hàng tháng. Thực khách rất đông, người ăn tự nhận món, ăn xong tự giác đến quầy trả tiền tạo thành một nét văn hóa rất tự nhiên.
3.-Câu đối trên cổng chùa Đạt Ma:
Chùa Đạt Ma nằm trên đường Tuyên Quang, thuộc Phường Phú Thủy, Phan Thiết. Một ngày đầu xuân Giáp Thìn, tôi đến chùa ăn sáng thì thấy Đại đức Thích Bổn Cung trụ trì chùa (đời thứ ba) đang nhanh nhẹn kéo ống nước tưới cây cảnh khắp sân chùa. Đại đức cho biết chùa do Hòa thượng Thích Tường Quang từ đảo Phú Quý - Bình Thuận vào khởi dựng năm 1967. Câu đối trước cổng tam quan chùa hiện nay do Hòa thượng Thích Thiện Tâm trụ trì đời thứ hai sáng tác và tạo dựng khi trùng tu chùa vào năm 2009:
達 摩 炤 燿 福 惠 十 方 同 貼 仰 修 院 化 度 悲 慈 三 界 獨 稱 尊
Phiên âm:
Đạt Ma chiếu diệu phúc huệ thập phương đồng thiếp ngưỡng Tu Viện hóa độ bi từ tam giới độc xưng tôn.
Tạm dịch:
Pháp Bảo sáng soi ơn phước nên mười phương ngưỡng mộ mà gần gũi Tu Viện từ bi cứu độ được ba cõi tôn là pháp cao nhất.
Chùa Đạt Ma (trước là một tu viện) có nhiều phật tử thường lui tới, chiều kinh kệ và sáng giúp chùa bán cơm chay để tạo nguồn kinh phí. Tôi hỏi các anh chị giúp chùa có được nhận gì không? Họ cười nói: Được phước.
Nhìn nụ cười cũng tươi như hoa lá trong sân chùa, tôi nghĩ có lẽ câu đối của chùa đang đi vào đời sống.
4.-Câu đối trên cổng chùa Phật Quang:
Chùa Phật Quang được tạo dựng vào nửa đầu thế kỷ 18 trên một bãi cát rộng gần biển nên còn được gọi là chùa Cát. Nay chùa nằm trên đường Trần Quang Khải thuộc Phường Hưng Long, Phan Thiết.
Nhà thơ Nguyễn Thông (1827-1884) khi ra tỵ địa ở Bình Thuận có đến thăm và làm bài thơ: ” Phật Quang Tự di ngụ tạp vịnh” (Dời đến trọ tại chùa Phật Quang).
Xin ghi lại hai câu thơ đầu tả thực cảnh:
-“Thị trần bất đáo hải phân trầm,/Vọng đoạn hoàng sa trúc thụ thâm…”
Tạm dịch: Bụi đường chẳng đến, khí biển tan/ Rặng tre chia cắt bãi cát vàng…
Đại đức Thích Nguyên Minh hiện trụ trì chùa Phật Quang (đời thứ 19) đã đưa tôi bài thơ này. Đại đức cho biết câu đối ở cổng chùa hiện nay do Hòa thượng Thích Huệ Tánh nguyên trụ trì đời thứ 18 sáng tác và tạo dựng vào năm 1991, khi chùa được trùng tu:
佛 户 廣 開 十 方 同 来 會 光 明 普 照 百 姓 共 沾 恩
Phiên âm:
Phật hộ quảng khai thập phương đồng lai hội Quang minh phổ chiếu bách tính cộng triêm ân
Tạm dịch:
Cửa Phật rộng khai thập phương cùng nhau về tụ hội Hào quang soi khắp bá tánh thêm ơn phước thấm nhuần.
Lúc đầu tôi dịch phần đầu câu đối là Cửa giác rộng khai… và vế sau là Ánh minh soi khắp…Đại đức Thích Nguyên Minh đề nghị sửa lại “Cửa Phật rộng khai” và “Hào quang soi khắp” như trên, để giữ lại hai từ Phật, Quang là tên riêng của chùa.
Cổng chùa Phật Quang (Phan Thiết)
Chùa Phật Quang là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Bình Thuận, có phước lành được mang tên Phật Quang (Ánh sáng giác ngộ). Lại có thiện duyên lưu giữ bộ mộc bản 118 tấm in kinh Diệu Pháp Liên Hoa nổi tiếng. Đã có nhiều khách thập phương về đây tham quan chiêm bái. Tuy nhiên tôi nghĩ để nhân dân phật tử được thấm nhuần ơn phước của chính pháp thì việc cần làm hơn là phổ biến, giảng dạy nội dung kinh Diệu Pháp Liên Hoa, để ai cũng biết lời đức Phật đã khai thị: ”Mỗi người đều có phật tính và đều có khả năng thành Phật”.
Phần kết:
Các câu đối chữ Hán ở cổng chùa trên đây đều là những câu đối thể phú, hình thức tương đối hoàn chỉnh, nội dung giới thiệu được bản thân thiền môn và khái quát việc hoằng đạo, có nhiều ý nghĩa và giá trị về mặt Phật học nói riêng và văn học nói chung.
Phan Thiết Bình Thuận là vùng đất mới, những di sản văn hóa phi vật thể không nhiều. Vì vậy những câu đối chữ Hán trên đây đã góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa phi vật thể của vùng đất duyên hải.
Hoàng Hạnh Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024
Bình luận (0)