Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

Phương Hướng TU TẬP GIỚI LUẬT Ngày Thọ Bát Quan Trai Giới

Thưa quý phật tử! Thầy xin nhắc lại những giới luật cần phải tu tập trong ngày Thọ Bát Quan Trai Giới. “Giới luật là nền tảng đạo đức, là cội gốc của thiền định, là bông trái của trí tuệ”.

Đối với những phật tử tại gia lấy NĂM GIỚI làm giới trọng, lấy BỐN HÒA làm giới khinh, lấy BA ĐỨC làm nòng cốt cho cuộc sống hằng ngày của mình; lấy TÁM GIỚI làm đường đi đến đích giải thoát.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

✿✿✿

NĂM GIỚI TRỌNG Của Người Cư Sĩ

1- Không sát sanh

Từ con người, cho chí các loại côn trùng nhỏ, lớn, người phật tử cũng không nên giết hại, không nên xui bảo người khác giết hại, không nên thấy người khác giết hại mà vui theo.

2- Không trộm cắp

Tiền bạc, châu báu, ngọc ngà, thức ăn, vật uống, v.v… của người, nếu người không cho thì không được tự nhiên lấy, nếu lấy thành trộm cướp.

3- Không tà dâm

Người phật tử còn tại gia không được lén lút, không được làm việc tà bậy khiến gia đình tan nát.

4- Không nói dối

Phải thành thật, chuyện có nói có, chuyện không nói không. Nói dối có lợi cho người còn chẳng nói, huống là nói dối có lợi cho mình, mang hại cho người khác.

Cũng như nói dối có lợi cho Phật pháp còn chẳng nói, huống là nói dối làm mất uy tín Phật pháp.

Người phật tử tại gia không được nói lời hung dữ, độc ác, không được nói lời chia rẽ, không được nói lời phù phiếm vô nghĩa.

5- Không uống rượu

Không được uống các thứ rượu mạnh, nhẹ, không nên hút thuốc lá, thuốc lào và các thứ nghiện ngập khác. (chè, cà phê, trầu cau, v.v… )

✿✿✿

BỐN GIỚI HÒA Của Người Cư Sĩ

Thưa quý phật tử! Thầy xin nhắc lại: “LỤC HÒA là nền tảng vững chắc cho toàn thể phật tử (gồm tu sĩ và cư sĩ) gắn chặt lâu bền với nhau để cùng tu, cùng sống.

Với người cư sĩ tại gia, chỉ thực hiện bốn giới trong LỤC HÒA của Phật chế ra, để cho cư sĩ và tu sĩ tu tập có một lối sống hòa hợp đoàn kết thương yêu nhau”.

1- Khẩu hòa không tranh cãi

Về phần miệng nói, bàn luận đều trong tinh thần hòa nhã đạo đức, không được dùng lời nói lớn tiếng tranh đua, hoặc dùng lời nặng nhẹ chỉ trích nhau.

2- Ý hoà cùng vui

Phải có tâm ý vui hòa, không nên có tâm ý ngang ngạnh, chống đối thù hằn nhau, nên vui theo tâm ý người, làm theo ý của người khác nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp, đó là để rèn luyện hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

3- Có ý kiến hay cùng giảng giải cho nhau nghe

Luôn luôn hòa hợp mọi ý kiến với nhau, đem cái hay, lợi ích giảng giải cho nhau hiểu cùng tu, cùng học.

4- Giới hoà đồng tu

Lấy nội quy làm khuôn phép cùng sống như nước với sữa; cùng khích lệ, sách tấn nhau giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trên bước đường tu tập.

✿✿✿

BA GIỚI ĐỨC NÒNG CỐT Của Người Cư Sĩ

1- Nhẫn Nhục

Nhẫn nhục là một đức tính hòa hợp rất tốt, người cư sĩ cần nên tu tập rèn luyện để cùng sống trong gia đình và xã hội mà thân tâm được sống yên vui.

2- Tuỳ Thuận

Tùy thuận là một đức tính hòa hợp trong gia đình và xã hội, khiến mình và mọi người được an vui, thanh thản. Vì vậy cần phải cố gắng giữ gìn, tu tập và rèn luyện.

3- Bằng Lòng

Bằng lòng là một đức tính buông xả rất tốt mà người cư sĩ cần phải giữ gìn, tu tập và rèn luyện, để cho cuộc sống có thân tâm bình an, thanh thản.

✿✿✿

BA GIỚI HẠNH NÒNG CỐT Của Người Cư Sĩ

Với người cư sĩ trong ngày Thọ Bát Quan Trai Giới, cần phải thực hiện nghiêm chỉnh trong ba giới hạnh này. Ba giới hạnh này sẽ mang đến sự giải thoát càng rõ nét hơn ở thân tâm quý vị.

1- ĂN

Ngày ăn một bữa vào giữa trưa, từ 10 giờ đến 12 giờ, ngoài giờ đó nếu ăn uống là phi thời. Người cư sĩ trong ngày Thọ Bát Quan Trai thà chết, chớ không ăn uống phi thời.

Ăn uống phi thời là ăn uống không điều độ. Ăn uống không điều độ cơ thể dễ sinh bệnh tật.

2- NGỦ

Người cư sĩ Thọ Bát Quan Trai phải tập ít ngủ, ngủ nhiều sinh lười biếng, mê muội, hôn ám.

Ngủ phải đúng giờ giấc, ngủ không đúng giờ giấc là ngủ phi thời, ngủ phi thời là ngủ không điều độ.

3- ĐỘC CƯ

Người cư sĩ Thọ Bát Quan Trai cần phải sống một mình. Sống một mình là sống cho mình, sống đời sống nội tâm. Sống đời sống nội tâm là phải sống phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, nhờ đó tâm không bị phân tán; nhờ đó tu tập thiền định mới được dễ dàng.

Vậy người cư sĩ Thọ Bát Quan Trai phải hạn chế đi lại, không được nói chuyện phù phiếm với bạn bè, không được nói chuyện chính trị; không được bàn chuyện giặc giã, trộm cướp, v.v…

Khi cần thiết chỉ thưa hỏi pháp tu tập với Thầy, không được hỏi bất cứ một người nào, vì hỏi là làm động người khác.

✿✿✿

OAI NGHI TẾ HẠNH Của Người Cư Sĩ Thọ Bát Quan Trai

Người cư sĩ Thọ Bát Quan Trai Giới cần phải giữ gìn oai nghi tế hạnh: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc và nói chuyện phải đúng tư cách của người đệ tử chân chính của đạo Phật.

1- ĐI

Khi đi phải luôn luôn phòng hộ sáu căn, hai mắt phải nhìn xuống bước đi, không được ngó qua, ngó lại, không được liếc xéo, liếc ngang.

Phải đi nhẹ nhàng khoan thai, không được chạy nhảy lăng xăng, không được hấp tấp vội vàng, không được đi song song với người khác phái.

Không được vừa đi vừa nói chuyện, hoặc cười ầm ĩ ngoài phố đông người.

2- ĐỨNG

Đứng phải lựa nơi phù hợp, tránh chỗ đông người, tránh chỗ có người khác phái, tránh chỗ đánh lộn, tránh chỗ có người say rượu, tránh chỗ có tranh ảnh khoả thân.

3- NẰM

Nằm phải lựa nơi chốn phù hợp, không được nằm trên giường chõng, võng treo của người khác phái, của người già, của người bệnh và của trẻ em.

Không được nằm ngửa, nằm sấp, nằm co, không được nằm tréo chân gác đùi hoặc nằm một chân duỗi, một chân co mà phải nằm nghiêng theo kiểu kiết tường như tượng Phật Niết Bàn.

Không được đụng đâu nằm đó không biết bẩn sạch.

Không được nằm trong giường, trong thất của người khác, nhất là người khác phái.

4- NGỒI

Ngồi phải lựa nơi chốn phù hợp, không được ngồi trên ghế tréo chân, không được ngồi gác chân lên bàn, không được ngồi lúc lắc chân, không được đụng đâu ngồi đó mà không biết bẩn sạch, không được ngồi bó gối, ngồi chồm hỗm, không được ngồi gần người khác phái, ngồi chung ghế với người khác phái, ngồi chỗ vắng vẻ với người khác phái.

5- ĂN

Khi thọ thực phải ăn mặc tề chỉnh, phải ngồi xếp bằng ngay thẳng, phải thành tâm mặc niệm cúng dâng chư Phật, tổ tiên, ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, và phải hết lòng biết ơn người đàn na thí chủ làm bằng mồ hôi nước mắt mới có thực phẩm này.

Ăn phải giữ gìn im lặng, không được nói chuyện hay cười đùa trong bữa ăn.

Không được khua chén khua bát trong bữa ăn; không được la hét làm ồn náo trong bữa ăn.

Ăn không được nhai ngốn ngấu miếng này chưa xong lại ăn miếng khác. Phải ăn uống nhẹ nhàng êm ái, không được lật đật vội vàng, mà phải ăn từ tốn khoan thai.

Trước khi ăn phải xá Phật, xá Tổ, sau khi ăn xong cũng phải xá Phật, xá Tổ.

Trước khi ăn cũng phải xá chào nhau để tỏ lòng tôn kính nhau, để diệt ngã tâm ganh tỵ, ích kỷ, nhỏ nhen của mình.

6- MẶC

Y áo phải được ngay thẳng, tề chỉnh, không được xốc xếch, nút trên gài khuy dưới, không được để hở cổ.

Mặc y áo phải sạch sẽ, không được để dơ bẩn, hôi hám.

Y áo không được vò nát, vắt ngang vắt dọc, mà phải được xếp ngay ngắn, cất có nơi có chốn.

Người cư sĩ phật tử đã theo đạo Phật không được ở trần, bầy lưng, bầy ngực và bụng, phải ăn mặc kín đáo, dù trời có nóng bức vẫn phải giữ gìn.

Người cư sĩ phật tử tiểu tiện phải ở chỗ kín đáo, phải ngồi xuống, không được đứng, không được đụng đâu tiểu đó.

Người cư sĩ phật tử khi tắm sông, suối, hồ, ao, v.v… dù là nơi vắng vẻ cũng phải ăn mặc kín đáo mới tắm, không được trần truồng tắm giặt như người thế gian.

7- NÓI

Lời nói rất quan trọng, khi nói ra là một điều rất tai hại. Người xưa dạy: “Họa tùng khẩu nhập”, tai hoạ do khẩu mà ra, lời nói dễ làm khổ mình, khổ người, nên phải dè dặt, cẩn thận lời nói.

Vì thế, người cư sĩ đệ tử Phật cần phải tập ít lời, nói ra phải suy nghĩ cho thật kỹ.

Không được dùng lời nói thô lỗ, tục tằn.

Không được dùng những lời nói hung dữ, trù ẻo, thề thốt.

Không được tranh luận hơn thua với ai, dù vì bất cứ một việc gì.

Không được chỉ trích khen chê tôn giáo này, tôn giáo khác, khi mình chưa tu tập tới nơi.

Không được chỉ trích pháp môn này, pháp môn khác, khi mình tu tập chưa tới nơi.

Không được đem giáo pháp của Phật ra thuyết giảng không đúng chỗ.

Nói phải lựa lời mà nói, nói không được cướp lời người khác.

Nói không được tranh cãi, phải ôn tồn, nhã nhặn, từ tốn, êm dịu, nhẹ nhàng.

Trong khi Thọ Bát Quan Trai Giới, chỉ khi cần thiết mới thưa hỏi về sự tu tập.

KẾT LUẬN Những Oai Nghi Tế Hạnh

Vì lợi ích chung cho chúng sanh, vì thắp sáng lại ngọn đèn chánh Pháp của Phật, và cũng vì sự giải thoát sanh tử của kiếp người, nên chúng ta, người phật tử chân chánh của đạo Phật, phải hết sức giữ gìn những oai nghi tế hạnh, để tu tập cho ngày mỗi tốt hơn.

Trong những oai nghi tế hạnh, chúng ta luôn luôn phải nhớ:

1- Tĩnh giác ý tứ từng hành động: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý.

2- Để phòng hộ, tránh ngoại duyên cám dỗ.

3- Để tránh mọi sự xảy ra khen chê, chỉ trích của miệng đời khiến tâm bất an.

4- Để cho tâm không bị phân tán, tu hành thiền định dễ dàng.

5- Để tạo duyên tốt cho những phật tử khác có duyên với chánh pháp.

Đó là những cách thức thân giáo độ chúng sanh, đền đáp ơn Phật, tổ, ơn sinh thành dưỡng dục, ơn đàn na thí chủ.

Vì thế, ai vi phạm oai nghi tế hạnh cũng được xem là vi phạm kỷ luật. Tập thể phải góp ý cho họ sửa những lỗi lầm.

Tóm lại, những quy định này là một kỷ luật tự nguyện, tự giác, là nhu cầu thiết yếu để bảo vệ sự tu hành an ổn của những người phật tử.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

✿✿✿

GIỚI TƯỚNG BÁT QUAN TRAI GIỚI

Đây là giới tướng đức hạnh của Bát Quan Trai Giới. Vậy quý phật tử hãy lắng nghe cho kỹ, để sống một ngày một đêm cho trọn vẹn, khi đã hứa khả thọ giới. Giới tướng Bát Quan Trai Giới gồm có:

1- Giới thứ nhất: Cấm sát sanh

2- Giới thứ hai: Cấm tham lam, trộm cắp

3- Giới thứ ba: Cấm dâm dục

4- Giới thứ tư: Cấm nói dối

5- Giới thứ năm: Cấm uống rượu

6- Giới thứ sáu: Cấm trang điểm

7- Giới thứ bảy A: Cấm nằm giường cao, rộng lớn

8- Giới thứ bảy B: Cấm ca hát và nghe ca hát

9- Giới thứ tám: Cấm ăn uống phi thời

Năm giới cấm đầu xin quý phật tử hãy vui lòng đọc lại Ngũ Giới Cấm, trong phần một: Thọ Tam Quy, Ngũ Giới. Nhưng giới thứ ba trong Ngũ Giới Cấm là giới CẤM TÀ DÂM, còn trong Bát Quan Trai Giới thì giới cấm thứ ba là giới CẤM DÂM DỤC.

Vậy xin quý phật tử hãy lắng nghe Thầy giảng giới cấm thứ ba và bốn giới cấm sau cùng của Bát Quan Trai Giới (gồm có năm giới Sa Di của người mới xuất gia).

Giới thứ ba: CẤM DÂM DỤC

Cấm dâm dục là một “GIỚI ĐỨC THANH TỊNH”. Người cư sĩ phật tử tại gia cần phải học, hiểu và sống cho đúng đức hạnh này, trong những ngày Thọ Bát Quan Trai Giới.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

Người không dâm dục là hiện tiền thân và tâm của họ thanh tịnh. Một người còn dâm dục thì không thể nào thân tâm thanh tịnh được. Thân tâm không thanh tịnh thì lúc nào cũng còn ô nhiễm về đường dâm dục. Còn tâm dâm dục thì làm sao gọi là Thánh cư sĩ được. Phải không quý phật tử?

Dâm dục là bản chất sinh tồn của muôn loài động vật và thực vật. Cho nên từ động vật nhỏ nhất, cho đến loài động vật thông minh nhất như loài người đều không thoát khỏi uy lực của dâm dục. Đối với đạo Phật, dâm dục là con đường bất tịnh, uế trược, nhiều khổ đau, và đó là con đường mãi mãi tiếp tục luân hồi.

Dù người có học thức cao, có trở thành những nhà bác học, những nhà khoa học vĩ đại, v.v… thì cũng không thoát khỏi hành động dâm dục. Ngược lại, một bậc Thánh cư sĩ đệ tử của đức Phật thì phải vượt ra khỏi uy lực dâm dục này, trong những ngày Thọ Bát Quan Trai Giới. Có như vậy mới được gọi là bậc Thánh cư sĩ đệ tử của đức Phật.

Muốn làm một cư sĩ Phật giáo, tức là muốn cho thân tâm mình thanh tịnh, trong sạch, không còn ô nhiễm, uế trược, thì phải diệt trừ dâm dục. Đó cũng chính là mục đích để cho thân tâm được nhập vào các định, được làm chủ sự sống chết và được khai mở tuệ Tam Minh, chứng Thánh quả A La Hán, xứng đáng là Thánh cư sĩ đệ tử của đức Phật.

Giới Đức Thanh Tịnh thứ ba trong Bát Quan Trai Giới này còn xác định được người tín đồ Phật giáo hay người tín đồ của ngoại đạo. Người có thiền định hay không thiền định cũng do từ giới này mà nhận thấy rõ ràng. Phật hay Ma cũng do từ giới này mà xác định. Cho nên hiện giờ có một số người mang danh là cư sĩ phật giáo, không tu tập Thọ Bát Quan Trai Giới, không tu tập giới luật này, thì làm sao Giới Đức Thanh Tịnh này được thanh tịnh trọn vẹn. Phải không quý phật tử?

Muốn thoát khỏi luân hồi sanh tử thì con đường dâm dục phải đoạn dứt. Vì thế đạo Phật có giới không dâm dục để giúp cho thân tâm thanh tịnh, trong sạch, xứng đáng làm một bậc Thánh cư sĩ đệ tử Phật.

Do giới Thánh Đức Thanh Tịnh này nên kinh sách nguyên thủy Phật giáo không có nói về nghi lễ kết hôn, vì nghi lễ kết hôn đã có sẵn theo phong tục tập quán của mỗi dân tộc trên thế giới.

Thưa quý phật tử! Một bậc Thánh là bậc thoát trần, có nghĩa là thoát ra khỏi bản chất dâm dục của loài động vật. Sự dâm dục của một con người thì có khác nào là sự dâm dục của loài thú vật. Còn Thánh nhân, thân tâm của họ hoàn toàn phải thanh tịnh, trong sạch. Họ không còn vướng bận tình yêu dâm dục giữa nam và nữ nữa, thì mới thật sự là Thánh nhân. Muốn làm Thánh mà còn nuôi tâm dâm dục thì không thể nào làm Thánh được, phải không quý phật tử?

Đối với đạo Phật, dâm dục là vấn đề phải diệt trừ hàng đầu. Nếu không diệt trừ được tâm dâm dục thì không bao giờ người đó được gọi là Thánh cư sĩ được. Cho nên Thọ Bát Quan Trai Giới là tu tập một ngày đêm làm Thánh.

Giới Đức Thanh Tịnh không dâm dục trong ngày Thọ Bát Quan Trai Giới giúp cho con người tu theo Phật giáo trở thành bậc Thánh nhân A La Hán vô lậu hoàn toàn. Nếu tu sĩ nào vi phạm vào giới cấm này thì cũng giống như người tử tù. Nhưng người tử tù này bị xử án chém đầu “Ba La Di” (đứt đầu), chứ không xử tử bằng cách khác.

Chúng ta phải hiểu, một cư sĩ đạo Phật là một người học làm Thánh, dù là người cư sĩ mới vào Thọ Bát Quan Trai Giới cũng phải khép mình trong khuôn khổ Giới Đức Thanh Tịnh này trong những ngày THỌ BÁT. Nếu vị nào sai phạm thì xin quý phật tử hãy xem họ là Ma Ba Tuần đội lốt Phật giáo, đang giết Phật giáo, xin quý phật tử hãy tránh xa, đừng nối giáo cho Ma để chúng diệt Phật giáo, thì rất tội cho đạo Phật.

Cho nên người cư sĩ là những đệ tử của Phật, là Thánh thì phải giữ gìn cho trọn vẹn giới đức này. Nếu thấy giữ không được trong ngày THỌ BÁT thì xin đừng Thọ Bát Quan Trai Giới.

Giới Đức Không Dâm Dục này có sáu nơi vi phạm:

1- Vi phạm giới bằng mắt.

2- Vi phạm giới bằng tai.

3- Vi phạm giới bằng mũi.

4- Vi phạm giới bằng miệng.

5- Vi phạm giới bằng thân.

6- Vi phạm giới bằng ý.

  • Phạm giới bằng mắt: Khi mắt nhìn thấy hình ảnh sắc thân người khác phái lõa thể sinh tâm dâm dục, hoặc thấy sự ăn mặc hở hang, bày da thịt của người khác phái sinh tâm dâm dục…
  • Phạm giới bằng tai: Khi nghe tiếng nói khêu dâm gợi dục sinh tâm dâm dục, nghe lời nói thô tục sinh tâm dâm dục.
  • Phạm giới bằng mũi: Khi hai người khác phái ôm nhau hôn hít sinh tâm dâm dục…
  • Phạm giới bằng miệng: Khi miệng nói lời dâm dục, miệng nói lời thô tục, khêu dâm, gợi dục rồi sinh tâm dâm dục.
  • Phạm giới bằng thân: Khi hai người khác phái nắm tay, ngồi tựa vào nhau, ôm nhau, hay nằm chung nhau một giường sinh tâm dâm dục…
  • Phạm giới bằng ý: Khi ý khởi niệm về dâm dục, ý suy tư về dâm dục, ý nghĩ đến người khác phái sinh tâm dâm dục.

Người còn tâm dâm dục không thể gọi là Thánh cư sĩ được. Muốn tu hành dứt bỏ tâm dâm dục thì phải thực hiện đúng như lời dạy của đức Phật:

1- Phòng hộ sáu căn (Sống độc cư trầm lặng một mình).

2- Hằng ngày phải tu tập các pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác Định.

3- Tu tập 19 đề mục Định Niệm Hơi Thở.

4- Tu tập Định Vô Lậu.

5- Tu tập Tứ Niệm Xứ.

6- Tu tập Thân Hành Niệm.

7- Tu tập Định Sáng Suốt.

Trong kinh Phật thường nhắc đến quả nhập lưu (Tu Đà Hoàn), tức là nhập vào dòng Thánh. Tâm còn dâm dục thì không thể nhập vào dòng Thánh được.

Cho nên người ly dục, ly ác pháp là người lìa xa tâm dâm dục. Lìa xa tâm dâm dục mới vào được dòng Thánh, mới gọi là nhập lưu.

Tóm lại, Giới Đức Thanh Tịnh không dâm dục này là một đức hạnh thanh tịnh trong sạch của một bậc Thánh cư sĩ, chứ không phải như một người thường tình phàm phu mà sống được Thánh hạnh này. Thánh hạnh này không phải dành riêng cho tu sĩ, mà dành cho tất cả mọi người, nếu ai muốn chấm dứt sanh tử luân hồi. Nhất là cư sĩ Thọ Bát Quan Trai Giới, tức là người cư sĩ tập làm Thánh, nên một ngày đêm phải giữ cho trọn.

Chúng ta nên lưu ý: Một con người bình thường thì cũng như muôn thú vật trên hành tinh này, không bao giờ lìa xa tâm dâm dục được, dù có học thức sâu rộng bao nhiêu họ cũng không tránh khỏi tâm dâm dục. Nhưng một người tu theo đạo Phật là phải vượt thoát ra khỏi tính dâm dục, tức là vượt thoát ra khỏi bản chất của loài thú vật. Có thực hiện ra khỏi bản chất của loài cầm thú thì mới được gọi là Thánh.

Một người phàm phu chỉ hơn con thú vật là ở chỗ dâm dục có cương thường đạo lý làm người, có tôn ti trật tự, không thể cha con hay mẹ con lấy nhau, v.v… Nhưng một bậc Thánh như Phật và chúng Thánh Tăng đã nói ở trên thì phải vượt hơn loài người và loài thú vật, là không còn dâm dục nữa. Có người hỏi rằng:

Hỏi: Khi con người không còn dâm dục thì con người do đâu mà sinh ra?

Đáp: Khi con người không còn dâm dục thì họ là những bậc Thánh nhân rồi. Đã là Thánh nhân sao lại còn tái sanh luân hồi trong đường dâm dục? Khi con người không còn dâm dục thì con người sinh ra bằng đường hóa sinh. Con đường hóa sinh là con đường thanh tịnh, trong sạch dành (148) riêng cho những bậc Thánh nhân, chứ không phải hóa sanh là sâu hóa bướm, v.v… ; chứ không phải hóa sanh là biến hóa tàng hình. Mà hóa sanh là tự dùng thần lực hợp các duyên ngũ uẩn tạo thành con người.

✿✿✿

Hỏi: Con người không còn tái sanh luân hồi thì con người về đâu?

Đáp: Đã không còn tái sanh luân hồi mà còn hỏi sanh về đâu là sao? Câu hỏi như vậy là câu hỏi không đúng chỗ?

Con người hết dâm dục thì sinh nơi chỗ không dâm dục. Chỗ không dâm dục là chỗ nào?

Chỗ tâm không dâm dục là chỗ tâm thanh thản, an lạc và vô sự, mà hiện giờ không gian, vũ trụ, vạn vật và mọi người ai cũng có.

✿✿✿

Hỏi: Từ con người không dâm dục thành ra Thánh nhân. Thánh thì không còn sanh tử luân hồi. Vậy khi bỏ thân này Thánh nhân ở đâu?

Đáp: Một Thánh nhân khi còn sống cũng như lúc bỏ thân tứ đại, họ đều ở trong trạng thái ly dục, ly ác pháp. Ở trong trạng thái ly dục ly ác pháp thì không còn tái sinh luân hồi. Đó là “nơi” mà những bậc Thánh nhân đến và ở đó, khi còn sống cũng như lúc đã chết. Cho nên họ không đến, không đi.

Vì thế Thầy xác định, con đường sanh tử luân hồi là con đường “dâm dục”. Ai còn tâm dâm dục là phải còn chịu luật sanh tử luân hồi chi phối. Ai hết tâm dâm dục là chấm dứt sanh tử luân hồi. Quý phật tử cứ suy ngẫm lại đi rồi hãy tin lời Thầy nói, đừng vội tin lời Thầy. Vì lời nói của Thầy không bắt buộc ai tin cả. Bởi vì ai còn đắm chìm trong dục lạc thế gian là phải chịu quy luật sinh tử luân hồi. Còn chịu quy luật sinh tử luân hồi là phải chịu nhiều khổ đau, phải không quý phật tử?

Ai giữ gìn được Giới Đức Thanh Tịnh không dâm dục này là biểu tượng cho một vị Thánh cư sĩ xuất hiện trong những ngày Thọ Bát Quan Trai Giới.

Bởi giới luật xác định được ai là Người thật là Người; ai là Thánh thật là Thánh. Chỉ một Giới Đức Thanh Tịnh không dâm dục này là xác định bậc Thánh. Ai trong thế gian này đã hết dâm dục chưa, còn tham dâm dục mà muốn làm Thánh thì làm sao được, phải không quý phật tử?

Trong 250 giới cấm của các tổ, CẤM DÂM DỤC là giới thứ nhất, còn được gọi là giới BẤT TỊNH HẠNH. Giới này thuộc về đức hạnh của hàng bậc Thánh. Nhờ thanh tịnh được giới này mà hành giả mới nhập được các Thánh Định.

Giới thứ sáu: CẤM TRANG ĐIỂM

Cấm trang điểm là “GIỚI ĐỨC TỰ NHIÊN”. Người cư sĩ tại gia khi Thọ Bát Quan Trai cần phải học, hiểu và sống đúng đức hạnh này.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

Bản chất của con người dù nam hay nữ đều thích làm đẹp, nhất là phái nữ, dù là một người rất xấu, nhưng họ vẫn cố trang điểm làm cho đẹp, vì thế mà các mỹ viện mọc lên rất nhiều.

Mục đích trang điểm làm đẹp là do tâm ái dục, tâm ái dục luôn muốn cho mọi người phải để ý và mê mệt với mình. Đó là nguyên nhân ngấm ngầm bên trong thân và tâm của mình để thể hiện tâm sắc dục. Tâm sắc dục tức là tình dục, khi mắt thấy sắc của người khác phái thì tình dục khởi lên.

Vì mục đích này, giới nữ thường ăn mặc hở hang. Ngày nay, phái nữ thường ăn mặc bày da, bày thịt theo người Tây phương là để khêu gợi tâm sắc dục của người khác phái, và cũng chính khêu gợi tâm sắc dục của bản thân mình. Đức Phật hiểu rất rõ điều này, nên cấm đệ tử của mình, cả hai giới phật tử nam và nữ: “không trang điểm, làm đẹp”. Không cho làm đẹp là để diệt trừ tâm sắc dục.

Trong kinh Tăng Chi tập 1, trang 9, thuộc đại tạng kinh Việt Nam, đức Phật dạy: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các tỳ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà… Ta không thấy một sắc nào khác, này các tỳ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như sắc người đàn ông… ”.

Đối với đạo Phật, tâm sắc dục là một trong những tâm ái dục, nó là con đường sinh tử luân hồi; nó là con đường khổ đau, là nguyên nhân sinh ra muôn thứ đau khổ của con người. Vì thế trong bốn chân lý của đạo Phật, nó là chân lý thứ hai gọi là “Tập đế”. Tập đế có nghĩa là nơi tập họp mọi sự khổ đau, hay nói cách khác là nguyên nhân sinh ra mọi khổ đau của kiếp sống làm người.

Muốn xa lìa tâm sắc dục mà còn trang điểm, làm đẹp thì không bao giờ xa lìa tâm sắc dục được. Dùng gương soi mặt, ngắm trước, ngắm sau khi đi… Những hành động trang điểm làm đẹp, làm dáng như vậy là nuôi tâm sắc dục, ưa thích tâm sắc dục. Người còn tâm ưa thích sắc dục, còn trang điểm, còn làm đẹp thì tu hành chỉ hoài công vô ích.

Đạo Phật muốn đào tạo những bậc Thánh cư sĩ A La Hán, nên giới luật cấm trang điểm làm đẹp là để tâm ly dục, lìa ác pháp. Có ly dục, lìa ác pháp thì Đức Hạnh Tự Nhiên này mới sống đúng và giữ trọn vẹn. Ai theo đạo Phật tu hành trong những ngày Thọ Bát mà còn trang điểm, làm đẹp thì không phải là Thánh cư sĩ nữa, mà là Ma trong đạo Phật, đội lốt Phật giáo để giết Phật giáo.

Bởi vậy, những tín đồ Phật giáo cũng như những người ngoài Phật giáo, khi thấy một vị phật tử trong ngày Thọ Bát Quan Trai Giới mà còn ăn mặc sang đẹp, chải chuốt làm đẹp thì nên biết đó không phải là cư sĩ Phật giáo, mà là Ma đội lốt cư sĩ Phật giáo.

Ăn mặc sang đẹp là một cách trang điểm làm đẹp; còn trang điểm làm đẹp là phạm giới, là không ly dục, ly ác pháp; không ly dục ly ác pháp thì làm sao được gọi là Thánh cư sĩ, đệ tử của đức Phật?

Muốn làm chủ sanh tử luân hồi, mà hành động trang điểm làm đẹp không từ bỏ thì làm sao chấm dứt sanh tử luân hồi được?

Mục đích xa lìa tâm ái dục nên phải xa lìa sự trang điểm, làm đẹp, cho nên những ngày Thọ Bát Quan Trai Giới người phật tử không nên trang điểm, làm đẹp.

Không trang điểm làm đẹp là một đức hạnh tự nhiên lìa xa tâm ái dục mà người cư sĩ cần nên học, và cố gắng khắc kỷ mình để thực hiện cho bằng được đức hạnh này. Nhờ đó con đường tu tập mới có hiệu quả hơn.

Kính thưa quý phật tử đồng tu Phạm hạnh! Giới đức tự nhiên xa lìa tâm ái dục quý phật tử có giữ trọn hay không, đó là còn tùy ở quý vị. Nếu quý vị giữ trọn trước mặt cũng như sau lưng thì quý vị đã tự biết mình lìa xa tâm sắc dục. Xa lìa tâm sắc dục rất có lợi cho quý vị, nó giúp cho thân tâm của quý vị thanh tịnh, nhờ thế quý vị mới dễ dàng tu tập thiền định mà không sợ lạc vào tà thiền.

Nếu Phạm hạnh này không giữ trọn vẹn được thì quý vị tu hành phí công vô ích mà thôi.

Mỗi Giới đức Phạm hạnh Bát Quan Trai là hiện thân của sự giải thoát trong Phật giáo. Vì thế, Tám Giới Đức Bát Quan Trai càng giữ gìn nghiêm chỉnh thì thân tâm càng lúc càng thanh tịnh; thân tâm càng lúc càng thanh tịnh thì đời sống càng đơn giản; đời sống càng đơn giản thì sự giải thoát ngay đó. Sự giải thoát có được là nhờ sống đơn giản, tự nhiên.

Cho nên đời sống đơn giản, tự nhiên trước mặt cũng như sau lưng là xác định cụ thể cho người tu chứng. Người tu chứng hay không tu chứng là ở chỗ những giới đức hạnh này, chứ không phải ở chỗ ngồi thiền nhập định 7, 8 ngày, hay thị hiện thần thông, phóng hào quang, độn thổ, tàng hình, biến hóa, v.v…

Đối với giới đức hạnh không cần sửa sang, trang điểm làm đẹp, mà thân tướng lại đẹp đẽ trang nghiêm một cách đơn giản tự nhiên, thì đó mới thật sự là Giới Đức Tự Nhiên; đó mới thật sự là cái đẹp tự nhiên của một vị Thánh cư sĩ.

Giới đức tự nhiên ly ái dục là để cho người tu hành có một dung nghi đẹp đẽ hồn nhiên, trong sáng rất tự nhiên. Đó là vì thân tâm thanh tịnh không còn ô nhiễm, nên không cần trang điểm làm đẹp theo kiểu nhân tạo thế tục.

Nhìn qua Phạm hạnh Giới Đức Tự Nhiên của một vị cư sĩ Phật giáo là chúng ta nhận biết những vị này là Thánh cư sĩ thật, hay Thánh cư sĩ giả.

Thánh cư sĩ giả thì trang điểm ăn mặc sang đẹp, xe cộ lộng lẫy, cái đẹp ấy là cái đẹp nhân tạo. Cái đẹp nhân tạo là cái đẹp của tâm dục và ác pháp. Cho nên giới luật Phật cấm trang điểm, làm đẹp giả tạo không chân thật. Làm đẹp giả tạo không chân thật có hai điều tội lỗi:

1- Tội lừa đảo người.

2- Tội thiếu chân thật với mình.

Lừa đảo người bằng tướng tốt, ăn mặc sang đẹp, ảnh hưởng từ Bà La Môn giáo cho rằng người tu hành phải có tướng tốt, cho nên các vị tu sĩ nào có thân tướng mập béo, bệ vệ trong bộ y áo sang đẹp là tướng tốt, là tu chứng đạo. Theo Phật giáo không phải như vậy.

Thân tướng mập béo, trong y áo sang đẹp là tướng của dục lạc. Các tổ vẽ vời đức Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đó là để loè bịp mọi người theo kiểu kinh sách Bà La Môn. Nếu có thật tướng như vậy thì chúng tôi nghĩ rằng đức Phật có một thân hình quái dị, chứ không phải thân hình của một con người.

Trang điểm là phương cách làm đẹp giả tạo, đó là thiếu chân thật với mình, với người. Vì thế mà Giới Đức Tự Nhiên không trang điểm ra đời, để cho cư sĩ tập sống tự nhiên mà có vẻ đẹp rất là hồn nhiên, thanh cao.

Tóm lại, một cư sĩ Thọ Bát Quan Trai Giới còn trang điểm làm đẹp là chứng tỏ tâm ly dục ly ác pháp chưa có. Điều quan trọng là tâm sắc dục chưa lìa thì con đường đạo khó thấy. Nếu tu theo đạo Phật mà còn trang điểm, làm đẹp là không thể tu theo đạo Phật được, đó là một điều xác định chắc chắn báo trước cho quý vị biết.

Muốn tìm tu giải thoát theo đạo Phật thì Giới Đức Tự Nhiên phải chấp nhận thực hành. Sống nghiêm chỉnh không hề vi phạm thì Thánh hạnh này mới có thể hiện rõ trong mọi oai nghi của quý vị.

Giới Đức Tự Nhiên của một cơ thể đã lìa tâm sắc dục thì rất thanh tịnh. Tâm sắc dục lìa xa được thì thân tâm của quý vị mới thật sự thanh tịnh. Thân tâm có thanh tịnh thì quý vị mới nhập được chánh định, còn thân tâm chưa thanh tịnh mà nhập định thì chỉ là nhập tà định mà thôi. Do điều kiện này mà đức Phật chỉ dạy cho chúng ta: “giới sanh định” là vậy. Cho nên một người tu mà xem thường giới luật thì người ấy sẽ không bao giờ tu tập thấy được sự giải thoát của đạo Phật như thật.

Giới là pháp môn giúp cho tâm ly dục, ly ác pháp, còn tà định là pháp môn ức chế tâm khiến cho tâm không bao giờ ly dục, ly ác pháp được. Cho nên, giới không tu tập nghiêm chỉnh thì oai nghi chánh hạnh không bao giờ có, oai nghi chánh hạnh không có mà tu tập thiền định thì thiền định đó không bao giờ có giải thoát.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

Đạo Phật lấy giới luật làm khuôn pháp tu tập hàng đầu, khiến thân tâm thanh tịnh, oai nghi chánh hạnh rõ ràng, người ngoài nhìn vào đều kính mến và tôn trọng, không ai mà không thừa nhận.

Tà giáo ngoại đạo bỏ giới luật, lấy ý thức vô niệm làm tâm, cho tâm đó là Phật tánh, do đó tu tập bị ức chế tâm, rơi vào định tưởng, khiến cho người tu hành không biết đường tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Lúc bấy giờ lại còn lạc vào mê hồn trận của tưởng mà không biết, cứ cho đó là định tướng của thiền định. Trong sách Thiền Quan Sách Tấn, các tổ thuật lại công phu tu tập của mình rất là gian khổ. Ba, bốn chục năm mà chứng những trạng thái tưởng, thật là phí uổng công cả một đời tu tập.

Người tu hành,tu học theo đạo Phật phải nhớ kỹ lời dạy này: “các pháp ác không nên làm”, và: “nên làm các pháp thiện”. Đó là lời dạy về giới luật của Phật.

Người phạm giới là người làm các pháp ác, người nào không phạm giới là người làm các pháp thiện. Người sống trong thiện pháp là người sống trong Thánh hạnh.

(còn tiếp)

Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc  

Trích sách: Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ Nhà xuất bản Tôn giáo