Có trí tuệ làm nền tảng, mọi hành xử của chúng ta đều trở nên có giá trị đúng chánh pháp. Ngược lại, khi bị vô minh sai sử, chúng ta sẽ bị sa vào phiền não đau khổ lầm lạc tà kiến.
HT.Thích Thiện Đạo Thân gởi các Tăng Ni trẻ Tạp chí Phật học Từ Quang (tập 44)
Nhân dịp kỷ niệm ngày vía Đức Từ Phụ Thích Ca xuất gia, mùng 8-2 - Quý Mão năm nay, Thầy có đôi lời sách tấn nhắc nhở các tăng ni trẻ, như là một nghĩa cử báo ân Thầy Tổ, báo ân chư vị tiền bối dày công khai tâm mở trí tiếp dẫn hậu lai. Vả lại gần đây có một số Tăng Ni trẻ muốn xin Thầy một vài lời khuyên để con đường tu học được thuận duyên, không sai lệch với chánh pháp. Nhận thấy đây là ý muốn hay, nên Thầy có đôi điều cần nhắn gởi đến các Tăng Ni trẻ.
Để đáp lại tấm lòng của các Tăng Ni trẻ, bằng sự trải nghiệm bản thân, Thầy mong các Tăng Ni đón nhận những lời trao đổi sau đây như là một sự chuyển tải bằng tất cả tấm lòng. Trước tiên, Thầy muốn các Tăng Ni nên nhớ lại thật kỹ và nằm lòng những lời phát nguyện khi chính thức bước chân vào con đường tu tập đạo giải thoát.
Trong văn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn có dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân…” Đây là cốt lõi, là kim chỉ nam của người xuất gia, là điều kiện tiên quyết cho một hành giả muốn thực tập con đường giải thoát. Người xuất gia phải biết hướng về chân trời cao rộng, nội dung hình thức phải khác với người đời, trách nhiệm cao cả là nối tiếp và làm rạng rỡ con đường Phật đạo, hàng phục các ma chướng. Mặt khác xuất gia còn có ý nghĩa là xuất phiền não gia, tức là muốn đạt được an lạc giải thoát, các Tăng Ni phải biết buông bỏ tất cả tập khí sanh tử phàm phu đã tích tập từ vô lượng kiếp, luôn luôn trụ tâm trong trạng thái vô nhiễm vô cầu, vô ngã, vô nhơn, vô bỉ thử.
Để thực hiện được lý tưởng cao cả đó, Chư Tổ cũng đã dạy: “Huỷ khí thân mạng, tôn sùng đạo cố” nghĩa là dù phải hy sinh thân mạng để bảo vệ lý tưởng giải thoát và tôn sùng đạo pháp, ta vẫn phải làm một cách tự nguyện.
Chữ xuất gia còn có nghĩa là không bị ràng buộc vào chuyện thế tục, nhà cửa, làng xóm, chuyện danh chuyện lợi, không vướng bận thị phi nhân ngã, cạo bỏ râu tóc, theo Thầy học đạo, trong thì chuyên cần khắc niệm, ngoài thì nêu cao tinh thần vô ngã vô cầu, hướng đến chân trời giải thoát, siêu phàm nhập thánh.
Cho nên vấn đề cốt lõi là các tăng ni trẻ đừng bao giờ, và không bao giờ được quên “Tỳ kheo là khất sĩ”. Khất sĩ nghĩa là cần cầu Phật đạo, cần cầu pháp giải thoát, cần cầu ánh sáng giác ngộ. Có một số quan niệm cạn cợt chỉ hiểu “khất sĩ” là ôm bình bát đi khất thực theo truyền thống. Có một số khác đã biến tướng ý nghĩa “khất sĩ” là nhu cầu cơm áo, nhu cầu chức tước địa vị, đam mê quyền lực thế tục, cố tình bỏ qua giá trị thiêng liêng của từ “khất sĩ là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” Đây chính là lý tưởng và là sứ mạng cao cả của người xuất gia.
Đức Phật đã từng dạy: “Thời kỳ mạt pháp, tâm người không kiên cố, sự hành trì bị xao lãng, phạm hạnh không được coi trọng, tinh thần tối thượng của giáo pháp không còn được tán thán thực hành, như vậy có nghĩa là chánh pháp đang bị mai một, không được toả rạng trong cuộc sống”.
Cuối cùng, Thầy ân cần nhắc nhở Tăng Ni phải luôn luôn tự chủ bởi vì vô minh bảo thủ là bệnh chấp ngã khó chữa khó trị, luôn luôn làm mê hoặc chúng ta, là tên xung kích nguy hiểm luôn luôn xúi chúng ta đi lạc vào vô minh tà kiến. Người xuất gia phải khéo léo vận dụng sự hiểu biết thường tình trở thành trí tuệ vô lậu giải thoát.
Có trí tuệ làm nền tảng, mọi hành xử của chúng ta đều trở nên có giá trị đúng chánh pháp. Ngược lại, khi bị vô minh sai sử, chúng ta sẽ bị sa vào phiền não đau khổ lầm lạc tà kiến. Cho nên có trí tuệ t hì cuộc sống là đại dương, không có trí tuệ thì cuộc đời chỉ là ao tù. Các Tăng Ni trẻ hãy nỗ lực dùng Văn - Tư - Tu để tăng tiến lý tưởng giải thoát, lợi mình lợi người, hồi hướng quả vị Vô Thượng Bồ Đề.
HT.Thích Thiện Đạo Thân gởi các Tăng Ni trẻ Tạp chí Phật học Từ Quang (tập 44)
Bình luận (0)