Chùa Báo Ân ta phụng thờ Hoàng đế Minh Tông triều Trần đã xưa lắm rồi, mà đài châu báu còn nối sự trang nghiêm nghìn năm. Các điều giỗ chạp vào Tết Thượng Nguyên lễ nhập tịch, hàng hội.... cùng đã ghi chép, thiết nghĩ rằng lưu truyền cho người sau thì mai một.
TT. Thích Thanh Phương Trụ trì chùa Đại Dương Sùng Phúc
1. Vài nét về ngôi chùa Báo Ân
Chùa Báo Ân được trùng tu, xây dựng lại với quy mô lớn vào thời Trần, với 36 nóc nhà, 99 gian, 2 lớp tam quan nội, ngoại. Chùa là nơi thờ Phật, kiêm hành cung của các vua nhà Trần, nên còn được gọi là Chùa Cả.
Trong sách "Tam tổ thực lục" có ghi: Vào năm Hưng Long thứ 21 (năm 1313), Thiền sư Pháp Loa đã cho xây dựng lại chùa Báo Ân, tất cả phí tổn về vật liệu, thợ thuyền và tiền công đều do triều đình chu cấp. Vua Trần Anh Tông trực tiếp đến thiền viện thị sát 3 đến 4 lần và lệnh cho các bộ cho cấm binh đến khiêng gỗ, đổ đất góp công sức xây dựng chùa.
Tam tổ thực lục cho biết: “Vua Anh Tông đến nghe pháp, nhân đó, phụng di chiếu của Điều Ngự, lấy những vật liệu của Tam Bảo tại cung Thánh Từ để trùng tu chùa Báo Ân tại huyện Siêu Loại; nhân công, thợ mộc, cây gỗ đều do quan cấp. Vua ba, bốn lần đến chùa ấy, nhân đó, sai cấm quân chở thêm gỗ, đổ thêm nền.” [Tam tổ thực lục, tr24]
Còn trong những thư tịch cổ, như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Tam tổ thực lục” hay “Tam tổ hành trạng”... cũng ghi về chùa Báo Ân, như sau: Đầu thời Trần, chùa Báo Ân đã là một trong những Trung tâm Phật giáo của dòng thiền Trúc Lâm với Đệ nhất tổ (Sơ tổ) Trúc Lâm Đầu Đà (tức Phật Hoàng Trần Nhân Tông), Đệ nhị tổ Thiền sư Pháp Loa và Đệ tam tổ Thiền sư Huyền Quang.
Đó là ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà Phật giới cũng như người đời vẫn quen gọi là Trúc Lâm tam tổ. Trong sách ghi chép rõ việc Điều Ngự sai Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại.
2. Tư liệu văn bia chùa Báo Ân
Hiện tại chùa còn bảo lưu được 6 tấm bia đá và 1 cây hương đá (Thiên đài thạch trụ) dựng năm Vĩnh Thịnh thứ tư (1709). Tấm bia có niên đại sớm nhất được dựng năm Đức Long thứ hai (1629) và muộn nhất là tấm bia dựng năm Thành Thái thứ 11 (1899).
Nội dung văn bia đều ca ngợi ngôi chùa là một danh lam của xứ Kinh Bắc và ghi chép lại những lần trùng tu sửa liên tục suốt từ thời Lê đến thời Nguyễn. Bia dựng năm Đức Long thứ hai (1630) còn ghi rõ dòng họ chúa Trịnh gồm các Quận công, Đô đốc tướng quân, Đô đốc phủ đã bỏ tiền ra tu sửa với qui mô khá lớn: tam quan, bái đường, thiêu hương, lầu chuông, gác trống, tô tượng, lập bia lưu truyền cho hậu thế.
Tấm bia dựng năm Dương Hòa thứ hai (1636) cho biết việc các quận chúa Ngọc Xuân, Ngọc Niệm, Khuê quận công Trịnh Lựu đã cúng cho chùa 26 mẫu ruộng và tiền bạc đèn hương. Nhiều năm sau đó, chùa Báo Ân tiếp tục được sửa chữa: năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750), năm Minh Mạng thứ 4 (1824) đúc lại chuông, năm Thành Thái thứ 4 (1892) sửa chữa tiền đường, Phật điện.
Bia "Tu tạo Báo Ân tự bi ký" có niên đại Đức Long nhị niên (1630). Bia có bốn mặt đều khắc chữ Hán, chóp bia tạo dáng hình hoa sen, trán bia hình chữ nhật, trán trên chạm nổi hình "Lưỡng long chầu nhật". Các điểm bia trang trí chạm nổi chim trĩ đậu trên cành trúc, hoa cúc mãn khai, hoa cúc dây, rồng lá chim phượng.... Đây là tấm bia quý không những có giá trị về mặt mĩ thuật trang trí mà còn có giá trị về mặt lịch sử xây dựng và trùng tu ngôi chùa Báo Ân.
Nội dung bia ghi lại các Ngọc tử họ Trịnh và các quận công, đô đốc tướng quân, đô đốc phủ... bỏ tiền ra sửa chùa để làm nền phúc cho dòng họ.
Bia "Trùng tu Báo Ân tự bi ký" tạo dựng năm Thành Thái thứ tư (1892). Bia hai mặt, trán bia trang trí rồng chầu mặt nhật, diềm bia trang trí hoa cúc dây, nội dung bia ghi tên các tiền chủ thuộc các dòng họ Đào, Nguyên, Vũ... cúng tiền, ruộng để sửa chùa.
Bia "Hoàng Định nhị niên" (1602), chữ đã mờ, bia một mặt ghi chữ Hán, trán bia trang trí rồng chầu mặt nhật. Hai bên trán bia chạm nổi một lá đề và một bông hoa sen. Nội dung bia ghi hai vị thị nữ cúng ruộng cho chùa Báo Ân.
Một cây hương đá ghi "Thiên đài thạch trụ" dựng năm Chính Hòa 16 (1695).
Giới thiệu nội dung một số văn bia
Bài kí trên văn bia Văn đường xã Dương Quang
Đạo thánh hiền ở trong trời đất này mênh mang, nó vốn tồn tại vô cùng mà cái lí của trời lại chính là ở lòng người, mà việc tôn sùng thờ tự không không thể để mất, Văn hội của bản xã đã lập đền thờ Văn từ, khi hoàn thành, mua ruộng thờ tổng cộng là 4 mẫu, 6 sào, 10 thước, trong đó 1 mẫu 5 thước giữ cho chùa dùng để tổ chức các lễ.
Còn 3 mẫu 6 sào 5 thước chia đều là cho việc tế tự 2 mùa Xuân và mùa Thu. Nghi lễ cúng tế cùng với ruộng đất các nơi đều ghi chép vào trong bia đá để truyền mãi mãi rằng
Kê khai:
Ruộng tế mùa xuân dưới đây
Xứ Mã quan ở thôn Quán 1 thửa 10 thước
Một thửa 12 thước
Xứ Cửa quán Thôn Lam 1 thửa 2 sào
Xứ Cửa Đình 1 sào 1 thửa 1 sào
Xứ Đầu Chùa 1 sào 5 thước
Xứ Đường Chùa 1 sào rưỡi
Xứ Sau Quán 1 sào
Chùa thôn Mã Đề 1 sào 5 thước
Trên là ruộng 1 mẫu 3 sào giao cho thôn Lam quán chia nhau cầy cấy đúng ngày thì biện lễ lợn một con, xôi 1 cân, rượu 2 quan, vàng tiền bạc giấy 100, trầu cau 30 quả, nến 1 cây, gạo 50 bát đến ngày tế thì tế khí đầy đủ. Nay giao cho.
Dưới đây là ruộng tế cho mùa thu
Xứ Mã Đề thôn chùa 1 sào
Xứ Ao Sen 1 sào
Xứ mã Lữ 1 sào
Xứ Đầm Ngải thôn Trung 2 thửa 3 sào
Xứ Viên Lam 1 sào 10 thước.
Thôn Bài 1 sào 10 thước
Tào Đình 2 thửa 1 sào 10 thước
Xứ Viên Thị 10 thước
Xứ Cây Thờ 10 thước
Xứ Doanh Giải 10 thước
Trê là ruộng 2 mẫu 3 sào giao cho trung thôn chia nhau cầy cấy, lễ nghi theo nghi lễ của mùa Xuân, tự biện chế thêm. Nay giao cho.
Mùa Xuân thu đủ để yết ruộng 1 mẫu 10 thước dưới đây
Xứ Sau chùa thôn Đề thôn 1 sào 5 thước
Xứ Đống Đốc 1 sào rưỡi
Xứ Viên Đinh 1 sào
Xứ Cổng Xoài 10 thước
Lại 8 thước tại Ngạn Kim
Xứ Ngạn Lộc 1 sào
Xứ Ngạn Kim 12 thước
Lại thêm 1 sào 3 thước
Xứ Tế ao 1 sào 10 thước
Xứ Ngạn bờ 1 sào
Trên là ruộng 1 mẫu 10 thước giao cho bản thôn canh tác, hàng năm mỗi lần yết tế thì biện đủ lợn một con, xôi năm diện, rượu 1 quan, trầu cau 30 quả, nến 1 cây, gạo 50 bát, dâng đầy đủ. Nay giao!
Dưới đây là ruộng dâng
Xứ Viên Giải thôn Bài 1 sào 5 thước
Lại 5 sào nối theo
Xứ Cây đề 1 sào 10 thước
Xứ Sau Miếu 1 sào 5 thước
Xứ Đường Mao 1 sào
Trên là ruộng 1 mẫu 5 thước giao thôn Bài canh tác, hàng năm ngày 15 tháng 1 ngày nhập tịch thì biện đủ rượu cúng tế tại đền thờ, văn hội ăn uống rượu. Nay giao.
Báo Ân tự tân thuyên điều lệ bi
Dịch nghĩa
Ngày lành tháng 1 năm Thành Thái thứ 11 (1899)
Chùa Báo Ân ta phụng thờ Hoàng đế Minh Tông triều Trần đã xưa lắm rồi, mà đài châu báu còn nối sự trang nghiêm nghìn năm. Các điều giỗ chạp vào Tết thượng nguyên lễ nhập tịch, hàng hội.... cùng đã ghi chép, thiết nghĩ rằng lưu truyền cho người sau thì mai một. Nay mới tuyển chép lại khắc vào đá để lưu truyền mãi mãi sau đó cũng là xiển dương cái nghĩa của việc đồng lòng kính ngưỡng trên dưới.
Ngày tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 21 (1830) Cai tổng Nguyễn Công Vị có lòng thành xuất tiền của trong nhà 100 quan, chia làm sáu phần, mỗi thôn phần tiền là 16 quan, cùng đem về làm lợi tức. Hàng năm vào lễ nhập tịch cúng biện dâng lễ vật còn lại giao cho thôn Quán hóa thượng nhận các hoa quả đó cùng trầu cau oản quả 50 miếng, trong đó 10 miếng phần theo thôn thờ thần; 20 phần dâng lên Thánh tổ; 20 phần dâng lên Nguyễn công từ đường kính biếu Gia chủ để cúng tế.
Ngày 15 tháng 4 cáo yết nhập tịch. Nay ban lệ.
Tết Thượng nguyên vào tháng Giêng ngày 18 thì mỗi thôn chuẩn bị đủ cỗ chay hai mâm, cùng chức dịch hai người đến đền thờ để cùng chức sắc quan viên hành lễ.
Hàng năm làm lễ hội 13 ngày, nghênh tiếp tượng tắm nước, cáo yếu phụng thờ trình vào ngày nhập tịch. Ngày hóa nhật, Thượng thôn chỉnh biện trầu cau, mỗi ngày một hòm hộp, cùng với 30 ngày dầu đèn nến sáp làm lệ phí cho bản xã chiếu theo mà phù trợ giá kiệu 20 suất vào bàn ngồ, 30 phiến hóa, con trai thì chín người cùng đồ tế khí các hạng. Thôn Quán nhận mời tế chủ là chức sắc không bị tì vết xấu để làm. Nay ban lệ!
Phụ lục người viết văn dùng thờ tự thì có thể Cai phó tổng trở lên, đang làm hay không thì quản tổng lí trưởng từ trước tới nay, ai là thâm niên công tác mà không có sai lầm thì làm. Nay ban lệ.
Phụ lục biếu người biên soạn văn một mâm cỗ. Tế chủ quản tổng Lí trưởng được tiếp theo sau các quả trầu cau một phẩm. Hoặc lấy người chủ viết, sau ai suy bổ Cai phó tổng đều kính biếu một mâm cỗ.
Ngồi theo thứ tự: Cai phó tổng cũ mới trở lên, cứ 4 người 1 mâm cỗ. Sắc mục 5 người 1 mâm. Nay ban lễ.
Bản xã có đất bờ tại đại phận Lam cầu, một đoạn từ câu Bờ lên chùa Ba chia đều làm 7 phần. 1 phần giao Ba lâm dâng lễ cỗ mâm. Còn 6 phần giao chùa, tăng nhân canh tác, để hàng năm ngày 30 tháng 10, chỉnh biện chay đàn 12 mâm cùng trầu cau chè rượu cúng cáo ngày giỗ.
Đến ngày 1 tháng 11 đúng vào ngày lễ Thánh, mỗi thôn tề chỉnh 2 mâm. Mỗi mâm 6 cái bát hình tròn và chuối đậu, trầu cau 6 phần, trà chè đầy đủ một bát, rượu 1 bình.
Chức dịch 2 người đến Tự sở cùng các sắc mục quan viên hành lễ. Nay ban lệ!
Hội xã đặt là 120 quan. Giao cho 6 thôn, mỗi thôn 20 quan, để cúng giỗ phúc Thần vào lễ hội mùa Xuân và mùa Thu. Mỗi thôn mỗi kì thu tiền 4 quan để cai thôn biện lễ vật, 1 lợn thịt nạc 1 cân, tim gan bỏ ngoài, xôi 1 cân, không hoa quả, rượu 4 quan, nếu trắng 2 cặp, trầu cau 10 quả, vàng giấy 100 cùng gạo nếp cứng đầy đủ. Nay ban lệ!
Chức sắc sắc mục, quan viên từ Cai phó tổng trở lên, cho đến Quán tổng Lý trưởng cũ mới ở các thôn, Hội trưởng Phó lí xã, Đệ hương trưởng là các quan viên cùng nộp tiền 40 quan. Nay ban lệ.
Nay giao cho cân dụng của chùa làm chuẩn.
Trong hội, ai có việc cưới hỏi ma chay, thỉnh văn hội biện lễ trầu cau 30 quả, để Cán biện viên thông báo đến đầy đủ viết văn cho gia đình cúng lễ tiền 30 quan. Nếu huấn thị lễ nghi chiếu theo hàng năm mà dư ra thì bù năm thiếu. Nay ban lệ.
VĂN BIA CHÙA BÁO ÂN ĐẠI THIỀN TỰ
Bài kí trên bia Tu tạo chùa Báo Ân đại Thiền tự cùng bài minh khắc
Thường nói rằng: Ruộng phúc chính là ngôi chùa vậy. Nước Đại Việt vốn đã có như thế từ lâu rồi! Cho nên nay ngoảnh xem xã Dương Quang huyện Siêu Loại phủ Thuận An có chùa Báo Ân, thật là chốn danh lam cổ tích, tòa lâu đài nguy nga; như vẽ lại Tam thiên thế giới dát bạc vàng lộng lẫy. Chuông linh thiêng mà nước cầu dân đảo đều ứng nghiệm. Thực đúng là chốn Thiền thiên đệ nhất đất Kinh Bắc vậy.
Trải qua năm tháng gió sương, tuy đã lâu lài nhưng vốn là đất lành nên nền phúc được mãi mãi như thế. Tàn hư mà phục lại được, mối mọt côn trùng ăn mòn mà làm tốt đẹp, ắt phải đợi đủ thiện duyên bởi người làm việc phúc mới có thể như thế. Nay cúi ngưỡng trông:
Thị nội Cung tần của Đại nguyên soái Thống quốc chính Thái thượng Sư phụ Công cao Nhân thánh Thanh vương Trịnh Tráng là Lê Thị Ngọc Ngôi, là người xã Phù Lưu huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên tỉnh Thanh Hoa. Bà sinh ngày 13 tháng 5 năm Bính Ngọ niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606).
Năm Giáp Tý niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) khi đó bà 19 tuổi phụng mệnh nhập cung để hầu bên cạnh chúa và rất được sủng ái, đội mang ơn lớn, trong mộng giao hoan với rồng thường nhiều lần thấy điềm lành sinh nối dõi. Linh ứng vào ngày 18 tháng 9 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Đức Long thứ nhất (1629) sinh hạ Vương tử Trịnh Thị Ngọc Dung, sau này gả cho Đô đốc Thiêm sự Địch quận công.
Lại đến ngày 15 tháng 3 năm Tân Mùi niên hiệu Đức Long thứ 2 (1631) sinh hạ Vương tử Trịnh Toàn, sau thăng chức Phó tướng Đô đốc phủ Tả đô đốc Ninh quận công.
Ngày 8 tháng 9 năm Nhâm Thân niên hiệu Đức Long thứ 4 (1632) sinh được Vương tử Trịnh Thị Ngọc Ý. Sau này phụng mệnh cho lấy Phúc Thái Hoàng đế Lê Chân Tông (1643- 1649) làm chính cung Hoàng hậu.
Gia đình vì thế càng thịnh trị, đều là nhờ việc dạy dỗ nuôi nấng trưởng thành của cha ông tổ tiên nên bà Thị tần cảm tưởng về cha ông tổ tiên mà nhớ đến dòng dõi nối tiếp.
Do đó bà muốn báo ơn đức tiền nhân. Nay thấy chùa tên là Báo Ân, bèn bỏ ra tiền của trong nhà mua gỗ tốt, thuê mướn thợ tốt trong nước khởi công xây dựng chính điện thờ Phật cùng nhà trước sau điện đường, hai bên tả hữu hành lang đi xung quanh cùng Tòa cửu phẩm liên hoa đài Bổ đà với Tam quan liền nối, xán lạn rường cột, lại lợp ngói Uyên ương, sau tô điểm dát vàng tượng Phật.
Bà lại mua 10 mẫu ruộng, giao cho xã Dương Quang cày cấy lấy hoa màu xôi oản phụng thờ:
Hiển khảo Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Nam quân Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri Mỹ quận công Lê quý công tên tự là Bảo Đức, tên thụy là Vĩnh Huệ.
Hiển tỉ là Quận phu nhân Nguyễn Thị, tên Thụy là Từ Niệm.
Kế tỉ Lê thị, tên thụy là Từ Thuận.
Hiển tổ khảo tên tự là Phúc Quảng.
Hiển tổ tỉ tên hiệu là Từ Nhân.
Ngoài Hiển tổ khảo tên tự là Nghị Trai.
Ngoại Hiển tổ tỉ tên hiệu là Từ An.
Anh trai (hiền huynh) chức Tán trị công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ti Đô chỉ huy sứ, tặng tước Tham đốc Triều Vinh hầu, tên tự là Phúc Sinh, tên Thụy là Huệ Khánh.
Vợ chính thất của người anh họ Nguyễn, tên hiệu là Từ Hòa.
Người em là Giáo phường ti Ti quan Triều Quý hầu, tên tự là Trực Tính, tên thụy là An Tâm.
Người cậu tên tự là Phúc Hòa cùng làm hậu Phật cho được phụng thờ theo các ngày giỗ chạp của Cha mẹ như nghi thức. Bà lại mong ước sau khi trọn trăm tuổi ngọc thì được thờ làm Hậu Phật.
Hàng năm thường được cúng giỗ chạp mà truyền mãi mãi về sau đến muôn đời vô cùng tận, tính toán như thế thật rất sâu sa. Thế mới biết có công đức với dân ắt sẽ được thờ tự. Đấy là điển tắc mô phạm mà người trước đã làm, nay Thị Tần tu sửa điều đức độ, phụng thờ chùa Phật, hứng dậy công lao không tầm thường mà có ở đời, trồng khánh phúc đến vô cùng.
Đấy là bà khéo ở việc dùng lòng hiếu kính mà còn được phúc lộc đến cho muôn dân bằng việc lưu lại mấy mẫu ruộng tốt để làm của thờ phụng ngàn năm hương hỏa, mãi mãi trường cửu, lấy đó làm phúc cho cháu con. Phúc sinh thêm phúc cùng mãi mãi trường cửu cùng với đất trời. Nhân đó mà khắc bài minh vào đá để truyền mãi mãi về sau.
Bài minh rằng:
Việt Nam dựng nước,
Kinh Bắc đất lành.
Huyện tên Siêu Loại,
Xã gọi Dương Quang.
Chùa dựng đã cũ,
Trị mối phát dương.
Cung tần họ Lê,
Đức độ chu toàn.
Trùng tu Phật điện,
Kính thờ tiên đường.
Ruộng ban đất tốt,
Để dân phụng thờ.
Đời đời tưởng nhớ
Phúc khánh vô cương.
Nay khắc vào đá,
Trời đất cửu trường.
Ngày lành tháng 11 giữa mùa đông năm Khánh Đức (1651).
Vương tử thân sinh:
Nam quân Đô đốc phủ tả đô đốc Phó tướng Ninh quận công Trịnh Toàn, công đức tiền 2 dật, tiền cổ 100 quan.
Trịnh Thị Ngọc Dung công đức bạc là 11 dật
Phúc Thái Hoàng Đế Chính vương hậu Trịnh Thị Ngọc Ý, công đức bạc 20 dật.
Nội tộc:
Trịnh Thị Biếm công đức bạc 1 dật
Nội tộc gửi theo: (10 phụ nữ Lê Thị []).
Lê Thị Sâm, Lê Đăng Cấn, Lê Đăng Thể, Lê Đăng Lại, Lê Thị Lâm, Lê Đăng Trạch, Nguyễn Thị Nghi, Lê Thị Tuần, Lê Đăng Vệ, Lê Thị Ân, Lê Thự.
Ngoại tộc: Nguyễn Thị Giao Trận, Nguyễn Hợp, Nguyễn Thị Duyên là người xã Cẩm Xá huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hoa).
Nhất thập phương công đức:
Thái hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc
Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Chân, công đức sử tiền...
Ông Dương công đức []
Đức vương văn mẫu []
Đô đốc Dĩnh quận công công đức ngân []
Nguyễn Đăng Chủng công đức []
Đức vương kim thượng []
Lão tuế []
Trịnh Thị Ngọc Thạch []
Quốc lão Thái phó Kiên quận công Trịnh Quân tịnh phu nhân công đức bạc là []
Trịnh Thị Ngọc Thiệu công đức []
Trịnh Thị Ngọc Dương
Trần Thị Cảnh []
Thiều bảo Tuấn quận công Trịnh Lãm công đức []
[] quận công
Bá Chúa Xuyên []
Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Minh []
Trịnh Thị Ngọc Huệ công đức []
Bà Hào []
Trịnh Thị Ngọc Liên []
Vương phủ Trịnh Thị Ngọc Thừa []
Tham đốc Lại quận công Nguyễn Đắc Thọ []
Tả Phủ Tài quận công []
Thị nội giám Phan triều bá Lê Văn Tài []
Thị nội giám Dụ lộc bá Nguyễn Hữu Sĩ []
Tham đốc Lân quận công Lương Đăng Minh []
Vân Đình Hầu Lê Văn Long [] hai người công đức sử tiền 5 quan.
Vũ Thị Ngọc Xuyến []
Nguyễn Thị Ngọc Thái []
Phan Thị Ngọc Tiếng []
Chúa bà []
Chúa Bà bổ ngân tử tam lượng
Chúa Vân ngân tử nhất hốt
Ngày lành tháng 11 giữa mùa đông năm Tân Mão (1651).
Được ban Tứ Đinh Sửu khoa Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Lễ bộ tả thị lang Phương Lộc bá Trụ quốc là người Phù Lưu huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên tỉnh Thanh Hoa là Nguyễn Thuần phu soạn văn.
Trụ trì tăng Tì khưu ni Trần Ngọc Bảo, pháp hiệu Chân Ngôn tên tự là Thắng Minh là người xã Hoa Kiều huyện Văn Giang. Ngọc Thạch cục kiêm Tài nam là người ấp cổ ở Nghi Dương phủ Kinh Môn là Vũ Chuyết phu phụng mệnh khắc đá.
3. Kết luận
Qua nghiên cứu văn bia tại chùa Báo Ân, có thể thấy rằng những tư liệu này rất có giá trị về mặt tư liệu để khảo cứu các vấn đề về lịch sử chùa, lịch sử kế đăng của chùa Báo Ân. Qua văn bia Báo Ân đại thiền tự và bia Dương Quang xã Văn Đường lập bi kí đã cho chúng ta biết về việc trùng tu tôn tạo chùa, bên cạnh đó là sự ghi nhận công đức của tín thí góp công sức tịnh tài xây dựng chùa, đặc biệt là công đức rất lớn của nhiều hoàng thần quốc thích nhà Trịnh.
TT.Thích Thanh Phương
Trụ trì chùa Đại Dương Sùng Phúc
Bình luận (0)