Chùa Bối Khê có tên chữ là "Đại Bi tự" ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Trần, đã qua nhiều lần trùng tu. Chùa ở làng Bối Khê. Đây là một trong những ngôi chùa cổ tại Thủ đô, được xây dựng cách đây gần 700 năm (năm 1338).
Tác giả: Đặng Việt Thủy Đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rất rộng, ngay trước sân là một bãi đất trống mà theo ghi chép lại thì đây từng là nơi tuyển mộ quân lính triều Trần.
Cổng chùa xây bằng gạch, đồng thời cũng là cổng làng. Sau cổng là con ngòi nhỏ, dấu tích của dòng sông Đỗ Động thuở xưa, có nhịp cầu vắt ngang. Qua cầu sẽ tới tam quan của chùa - một kiến trúc ba gian, hai tầng tám mái, tầng trên là gác chuông.
Chùa làm theo kiểu "nội công ngoại quốc". Phía trước là nơi thờ Phật, phía sau là nơi thờ Thánh. Hai bên là hai dãy hành lang, mỗi dãy bảy gian, bày tượng La Hán. Tòa thượng điện dựng trên nền cao, cột to và thấp, đầu đao gác mái uốn cong thanh thoát. Các bộ phận kiến trúc bằng gỗ chạm trổ khá công phu, dấu ấn nghệ thuật điêu khắc trang trí thời Trần, nhất là những đầu bẩy chạm rồng ở hàng hiên. Đặc biệt có một đầu bẩy ở góc mé bên trái, ngoài hình rồng còn chạm hình chim thần.
Trong chùa còn giữ được nhiều di vật và đồ thờ quý. Phía trong cùng tòa thượng điện đặt một bệ đá thờ Phật có từ thời Trần thuộc loại lớn. Bệ chia làm nhiều tầng, trên cùng là đài sen. Trên bệ tạc hình rồng, hoa lá, bốn góc bệ tạc hình chim thần. Năm Khai Hựu thứ 10 (1338) đời vua Trần Hiến Tông, công chúa Thánh Châu cúng tiền công đức đúc chuông chùa Đại Bi. Qua đời nhà Hồ, do chiến tranh mà chuông bị mất.
Đến năm Thái Hòa thứ 7 (1452), quan điện nội, giám tri giám sự kiêm tri bảo tăng Bùi Hùng tìm lại được chuông. Tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 7 (1515), Kỵ úy Đỗ Công Điều người trong xã đứng ra trùng tu chùa. Năm Minh Đức thứ 3 (1529) đời nhà Mạc lại trùng tu một lần nữa. Chùa còn có mấy cây đèn gốm thời Mạc trang trí cánh sen và hình rồng đắp nổi. Độc đáo là chùa có "đôi cây thiêng" trồng trong chậu đắp núi giả, đều bằng gỗ, sơn son thếp vàng rất đẹp.
Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có một địa đạo (hầm trong lòng đất) dài hơn 3 km chạy qua, từng là nơi che giấu cán bộ, cất trữ lương thực trong thời ký kháng chiến chống thực dân Pháp.
Quá trình xây dựng chùa và sự tích đức Thánh Bối thờ ở chùa được ghi lại trên nhiều tấm bia, trong đó cổ nhất là bia "Bối Động Thánh tích bi ký" có niên đại giữa thế kỷ XV.
Chùa Bối Khê như đã nói, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Thánh. Chùa thờ Đức Thánh Bối. Truyền thuyết về ngài như sau:
"Đại thánh Khai thiên Nghĩa tồn Bình đẳng Hành thiện Bồ tát Chân nhân" quê ở làng Bối Khê, huyện Thanh Oai. Mẹ ông nằm mơ thấy Phật giáng hạ, thụ thai rồi sinh ra ông.
Năm lên 7 tuổi, bố mẹ chết cả, ông phải đến ở chăn trâu cho cô cậu. Những cá tôm bắt được, ông đều đem thả xuống sông Vĩnh Dụ. Ông không thích nô đùa với các trẻ chăn trâu khác. Ông làm một cái chùa con ở bên đường, thỉnh thoảng lấy trộm cơm ở nhà đóng oản để cúng. Cô cậu biết chuyện thường rầy la, đánh mắng ông rất khổ sở.
Năm lên 9 tuổi, ông xuất gia, đến trụ trì chùa làng, mọi người đều khen ông có giới hạnh. Lớn lên ông đến tu hành ở núi Tiên Lữ, sớm tối tụng niệm nên giác ngộ được phép linh thông biến hóa. Ông bèn giẫy cỏ chặt gai, xây dựng nhà cửa. Bấy giờ có hơn một trăm người thợ làm. Bữa cơm chỉ thổi một nồi nhỏ. Ông bảo các thợ rằng:
- Các anh nên đem nhiều thúng to để đựng cơm. Tôi về làng lấy mắm muối đến ăn.
Mọi người đều cho là ông nói đùa, không ai để ý. Rồi ông từ núi Tiên Lữ trở về đến chợ Bảo Đà ở xã Đàn Viên, và chỉ trong một thời gian rất ngắn, tới thềm đá chùa làng. Ông lấy hai lọ muối đem về núi Tiên Lữ cũng chỉ trong một lát. Ông gọi các thợ đến ăn cơm. Họ ngồi vào mâm, thì đều nhìn thấy hóa thành cơm chay của nhà chùa cả, ai cũng no nê. Ông trèo lên những xà ngang của chùa đi lại nhảy nhót.
Các thợ nhìn nhau thất sắc, thấy ông có phép thần thông, mới biết ông là Chân nhân đắc đạo, cùng nhau sụp lạy. Sau khi dựng xong chùa, ông làm một cái khám gỗ rồi ngồi vào trong, gọi các tăng nhân ở chùa đến bảo rằng:
- Trần duyên của ta đã mãn. Nay ta siêu hóa. Các đạo tràng phải đóng cửa khám đủ ba tháng, hết hạn mới được mở cửa ra xem. Nếu thấy thơm tho thì thờ cúng. Nếu thấy tanh hôi thì đem ra đồng hoang mà chôn.
Các tăng ni tuân theo lời dạy của ông, đợi đến ngoài trăm ngày mới dám mở khám ra xem, thì chẳng thấy gì, chỉ thấy mùi thơm ngào ngạt bay khắp xa gần. Họ bèn cùng nhau tạc tượng ông để thờ. Nhân dân vùng ấy đều để tâm sùng phụng, về sau rất linh hiển. Dân vùng Bối Khê cũng thờ ông ở chùa bản xã. Hàng năm ngày rằm tháng 5, mở hội rất to, các nơi đến xem rất là đông đúc, năm nào cũng vậy.
Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang xâm chiếm nước ta. Chúng muốn trấn áp các linh từ trong nước, bèn đem tượng ông ra đốt, nhưng qua ba ngày mà tượng vẫn không cháy. Quân giặc không biết làm cách nào, thì thấy một người đến bảo chúng rằng:
- Các ông muốn đốt cái tượng ấy, thì phải lấy nhiều bấc đèn quấn chung quanh tượng, rồi tẩm dầu mà đốt thì cháy ngay.
Quân Ngô làm theo như thế, thì bỗng thấy trời mưa ra máu suốt ba ngày liền, chúng do vậy bị ốm chết không biết bao nhiêu mà kể. Quân Ngô bèn đắp một cái mô đất ở địa phận làng Bảo Đà làm đấu đong quân. Chúng thấy số quân hao hụt mất quá nửa, lấy làm sợ hãi, tự biết uy linh khó phạm, rất lấy làm hối hận. Ông lại hiện hình bảo người Ngô rằng:
- Nếu các ngươi muốn sống mà về, thì phải tạc lại tượng trả ta. Bằng không, tội lỗi ấy không bao giờ xóa được.
Quân Ngô bèn sai người về bản quốc đúc một pho tượng giống như pho tượng cũ, rồi đem đến chùa làng Bối Khê lập đàn cầu đảo, từ đó mới được yên ổn.
Nhân dân địa phương hàng năm cúng tế. Những việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Lịch triều bao phong Thượng đẳng thần, từ đó triều đình và dân chúng luôn cúng tế.
Ngày nay, chùa Bối Khê đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1979. Với những giá trị lịch sử trường tồn, với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, chùa Bối Khê xứng đáng được nâng cấp xếp hạng lên Di tích quốc gia đặc biệt.
Tác giả: Đặng Việt Thủy Đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội ***Tài liệu tham khảo:
- Hỏi đáp về những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.
- Viện nghiên cứu Văn hóa, Truyền thuyết dân gian người Việt, Quyển 5, Nxb Khoa học Xã hội, Hà nội - 2009.
Bình luận (0)