Chùa Đậu lưu giữ biết bao giá trị văn hóa của đất nước và con người Hà Nội. Đến với chùa Đậu, tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của chùa, bạn đừng quên bày tỏ tấm lòng thành kính của mình khi đi dâng hương, hành lễ để tâm an khi nghĩ về công đức tu hành của các bậc cao tăng tiền nhân.
Tác giả: Nguyễn Thuý Anh
Hoàn cảnh ra đời của chùa Đậu
Chùa Đậu (tên chữ: Thành Đạo tự, 成道寺) toạ lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Chùa thờ Bà Đậu hay Đại Bồ Tát Pháp Vũ nên chùa được gọi là chùa Đậu và còn có tên là Pháp Vũ tự.
Tương truyền rằng, chùa được xây dựng từ năm 602 – 939 dưới thời Bắc thuộc lần thứ hai. Tuy nhiên, thời gian thành lập của chùa được ghi trên bia đá lại từ thời nhà Lý.
Theo Đại Đức Thích Thanh Nhung - trụ trì của chùa Đậu - địa điểm này được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 3 (200 - 210) dưới lệnh của Sĩ Nhiếp. Sau khi nhận ra địa thế linh thiêng tại làng Gia Phúc, ông đã cho xây dựng chùa để chúng sinh có nơi hành lễ, dâng hương. Chùa được đặt tên Thành Đạo Tự cũng từ đó, nghĩa là mảnh đất của Phật. Sau này, Thành Đạo Tự được đổi thành Pháp Vũ Tự nhờ vào việc Sĩ Nhiếp cho người thỉnh Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ.
Dưới thời vua Lê Thần Tông, chùa bị xuống cấp và được trùng tu lại, trở nên khang trang hơn, được phong tặng danh hiệu "đệ nhất danh lam" tại Hà Thành thời bấy giờ. Trải qua biết bao thăng trầm, hứng chịu sự tàn phá, hủy hoại của chiến tranh, chùa Đậu gần như xuống cấp hoàn toàn. Vào năm 2010, trước đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, chùa Đậu đã được tôn tạo lại nhưng vẫn giữ nguyên nền kiến trúc cũ.
Bên cạnh việc được xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật loại A vào năm 1964, chùa Đậu còn xác lập nhiều kỷ lục khác. Trong Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, chùa Đậu chính là một trong những ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam. Trong khi đó, vào năm 2007, chùa Đậu cũng nắm giữ kỷ lục là nơi đang lưu giữ quyển sách ghi lịch sử chùa bằng chất liệu đồng xưa nhất Việt Nam. Ở chùa Đậu có khá nhiều bia đá từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.
Trong chùa có chiếc khánh đồng đúc năm 1774 với bài minh do Phan Trọng Phiên biên soạn. Ở đây còn hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ nôm của chúa Trịnh Căn (1682 - 1709) và chúa Trịnh Cương (1709 - 1729).
Kiến trúc ngôi chùa
Chùa nằm trên khoảng đất rộng hơn 1ha, có quy mô rộng lớn, khung cảnh bao xung quanh đều là những hàng cây cổ thụ xanh ngát tỏa bóng mát. Kiến trúc của chùa xây dựng theo cấu trúc hệ thống tứ pháp của nhà Phật, tuân theo phong cách “nội công, ngoại quốc”, “tiền Phật, hậu thánh”.
Chùa Đậu được xây dựng theo kiến trúc "nội công ngoại quốc" phổ biến, dễ dàng tìm thấy ở các ngôi chùa Việt Nam. Bên trong chùa sẽ được xây dựng theo hình chữ Công (工). Bên ngoài thì bao bọc, ôm lấy ngôi chùa giống như hình chữ Quốc (国) hoặc chữ Khẩu (口).
Chùa Đậu được xây dựng với nhiều hạng mục như nhà tổ, cổng tam quan, tam bảo, tiền đường, nhà tả vu - hữu vu. Bên trong khuôn viên chùa còn có một hồ nhân tạo rộng lớn, trông vô cùng thơ mộng. Giữa hồ là một phương đình lớn có hình dáng đài hoa sen. Muốn đến đình, bạn phải đi qua một chiếc cầu tre.
Nét kiến trúc của chùa mang đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh trong thế kỷ 17 với nhiều nét độc đáo. Điểm nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc chùa là các vách gỗ đều được bàn tay người thợ thủ công chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt, ngôi chính điện từ thời Lê có kiến trúc đặc sắc nhất, từ mái lợp ngói mũi hài, cột xà chạm khắc rồng, bệ đá chạm hoa sen đến bộ cửa tám cánh chạm khắc tứ linh, sơn son thếp vàng.
Cổng tam quan của chùa Đậu cũng giống như chùa Hà tại Cầu Giấy, Hà Nội. Được xây dựng hai tầng với tổng cộng 8 mái được lợp bằng ngói vảy cá đỏ. Mái chùa đều được tạo hình cong vút, đó cũng là điểm đặc trưng trong kiến trúc chùa thời nhà Lý. Bên ngoài cổng tam quan được chạm khắc rất công phu, tinh xảo.
Khi tham quan chính điện, bạn sẽ thấy gian tiền đường được chạm trổ những nét tỉ mỉ, tinh tế, mang đậm nghệ thuật kiến trúc thời nhà Lê. Bên ngoài còn được đặt đôi rồng đá hơn 500 tuổi vô cùng bắt mắt. Chùa Đậu bố trí tượng thờ theo cấu trúc "tiền Phật, hậu thánh". Đây là cấu trúc phổ biến của hệ thống tứ pháp nhà Phật.
Hai vị sư tu hành đắc đạo để lại toàn thân xá lợi hay còn gọi là nhục thân Bồ Tát
Một trong những điểm đặc biệt tạo nên tên tuổi chùa Đậu chính là ngôi chùa này hiện nay đang lưu giữ hai pho tượng vô cùng quý giá. Đó chính pho tượng nhục thân (di hài bó sơn) của hai nhà sư Vũ Khắc Tường, Vũ Khắc Minh (hai vị trụ trì chùa Đậu vào thế kỷ 17) vẫn còn nguyên vẹn đến tận bây giờ. Hai vị sư tu hành để lại toàn thân xá lợi.
Đây là 2 trong 4 pho tượng nhục thân vẫn còn tồn tại nên vô cùng quý giá, được ví như quốc bảo linh thiêng của đất nước ta. Trong đó, tượng của thiền sư Vũ Khắc Trường nặng 31kg, cao đến 75cm. Tượng nhà sư Vũ Khắc Minh với tư thế ngồi chỉ nặng khoảng 7,5kg và cao chừng 57cm. Theo kết quả kiểm tra X-quang, pho tượng táng là toàn bộ Nhục thân Bồ tát của hai vị thiền sư, không hề có dấu vết đục đẽo hay bị rút bỏ nội tạng.
Nhắc đến bức tượng của thiền sư Vũ Khắc Minh phải kể đến chuyện từ 300 năm trước. Tương truyền rằng, vào thời gian trên, thiền sư đã ngồi trong am và tu luyện chỉ với một chum nước.
Trên đầu và mặt tượng của nhà sư Vũ Khắc Minh còn có một vết nứt rộng chừng 2mm. Trong cùng bức tượng có lớp bồi dày 2-4mm được làm từ đất gò mối tơi mịn. Tất cả trộn cùng mùn cưa, giấy bản, sơn trống và được sơn một lớp dày chừng 0.1mm màu cánh gián.
Người đời nay lưu truyền lại câu chuyện chùa Đậu có 2 vị thiền sư kế cận nhau, thay nhau trụ trì ở ngôi chùa cổ, các ngài tính đếm, biết là giờ lành đã tới bèn nói với đệ tử: “Ta vào nhập thất 100 ngày tụng kinh niệm Phật, khi các con nghe không còn tiếng mõ hãy mở cửa vào sẽ thấy xác thân ta được giữ nguyên”.
Quả nhiên, sau 100 ngày nhập định, các đệ tử của thiền sư không còn nghe thấy tiếng mõ bèn mở cửa bước vào, vị thiền sư đã ra đi tự lúc nào nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ như đang ngồi thiền. Hương thơm thoang thoảng tỏa khắp căn phòng.
Sách cổ có ghi lại đây là lối thiền - tịnh song tu mà các đệ tử hậu bối bây giờ vẫn đang theo học các vị sư tổ. Năm 1983, hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã được khoa học khẳng định chứng minh chụp bằng X-quang, nhục thân của hai vị không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút não và các khớp xương dính chặt với nhau ở thể tự nhiên. Mỗi nhục thân cân nặng 7 kg.
Sau khi nhập định, trải qua vài chục năm, áo vải của hai vị thiền sư bị mục, rơi rụng lộ ra thiền sư chỉ còn da bọc xương. Các thiện tín đã mặc cho thiền sư một lớp áo vải bằng sơn ta, trải qua bao năm tháng nhưng người dân trong làng Gia Phúc từ nhiều đời qua vẫn thấy lớp áo ấy còn nguyên vẹn như ngày đầu. Thời gian trôi qua đã gần 400 năm nên pho tượng táng chùa Đậu của thiền sư Vũ Khắc Trường có xuất hiện nhiều vết hư hỏng. Tuy nhiên pho tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Minh lại vẫn duy trì được vẻ nguyên vẹn như ban đầu.
Câu chuyện về hai vị thiền sư viên tịch ở thế tọa thiền và sau hơn 400 năm vẫn giữ nguyên được dáng vẻ nhục thân thanh khiết là câu chuyện vô cùng hiếm hoi trong đời sống Phật giáo trong nước và cả thế giới. Phật giáo các nước như Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Tích Lan, Nhật Bản cũng chưa từng có câu chuyện để lại toàn thân xá lợi hay còn gọi là nhục thân Bồ Tát. Để lưu lại nhục thân là điều vô cùng hi hữu.
Riêng ở Việt Nam có đến 4 nhục thân của thiền sư (sư tổ viên tịch trong tư thế ngồi tọa thiền sau hàng trăm năm vẫn giữ được hình hài nguyên vẹn) nằm tại 3 ngôi chùa nổi tiếng tại miền Bắc: Thiền sư Tự Đạo Chân (thế danh Vũ Khắc Minh); Thiền sư Tự Đạo Tâm (thế danh Vũ Khắc Trường) nằm ở chùa Đậu; Thiền sư Như Trí, chùa Tiêu; Thiền sư Chuyết Chuyết, chùa Bút Tháp. Như vậy, riêng chùa Đậu có đến 2 vị thiền sư.
Bác sĩ Trần Quốc Bình, nguyên Trưởng khoa E Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết: “Khoa học thế giới ngày nay đã khẳng định: Muốn ướp xác phải thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện (phải có thuốc để bảo quản, phải hút ruột, hút não, phải để xác trong hòm kín”. Điều đặc biệt là với một người bình thường, để lưu xác cần phải có những điều kiện trên nhưng hai vị thiền sư chùa Đậu không cần đến những yếu tố tác động khoa học đó.
Với bề dày lịch sử hơn 2000 năm, chùa Đậu lưu giữ biết bao giá trị văn hóa của đất nước và con người Hà Nội. Đến với chùa Đậu, bên cạnh tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính này, bạn đừng quên bày tỏ tấm lòng thành kính của mình khi đi dâng hương, hành lễ để mọi lời cầu khấn đều được ơn trên chứng giám. Mong rằng những chia sẻ của Tạp chí Nghiên cứu Phật học phần nào giúp cho hành trình khám phá những ngồi chùa cổ linh thiêng của bạn càng thêm đáng nhớ.
Tác giả: Nguyễn Thuý Anh (t/h)
Bình luận (0)