Chùa Hương Nghiêm đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Bia chùa Hương Nghiêm thật sự là một tư liệu thành văn quý hiếm của xứ Tuyên, có giá trị lịch sử văn hóa lâu dài cho hôm nay và mai sau.
Tác giả: Đặng Việt Thủy Đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội
Chùa Hương Nghiêm có tên chữ là Hương Nghiêm tự hay Hương Nham tự mà nhân dân còn thường gọi là chùa Hang (ngôi chùa nằm trong lòng hang động). Chùa được dựng trong động, dưới chân núi Hương Nghiêm thuộc xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, nay thuộc thôn Phúc Lộc, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Chùa Hương Nghiêm được xây dựng vào thời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) (1530 - 1540), niên hiệu Đại Chính thứ 8 (năm 1537) tại thôn Thúc Thủy, xã Thúc Thủy, tổng Thường Túc. Nay là thôn Phúc Lộc, xã An Khang. Ngôi chùa được xây dựng từ sáng kiến của hai vị quan hiến sát là Ngô Thọ Khê và Vũ Trạch Xuyên.
Chùa Hương Nghiêm nằm trong hang đá tự nhiên với 2 mái vòm đá và nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt có nhũ đá hình cổ thụ, tạo cho hang đá một vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn. Vị trí của chùa Hương Nghiêm (Chùa Hang) trong một hang đá tự nhiên giữa cảnh quan núi non hùng vĩ thể hiện như sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.
Điều này tạo điểm đặc biệt cho sự thiêng liêng của nơi này, khuyến khích sự tôn trọng và bảo vệ cảnh quan, môi trường. Trước đây, trong hang đá còn có giếng sâu 8 đến 9m, gần giếng có dòng suối ngầm rộng khoảng 3m chảy ra sông Lô. Hang có nhiều lối đi lên đỉnh núi, lối xuống suối ngầm, ngoài cửa hang có một dãy núi hình con rồng, giữa hang có phiến đá to hình chiếc thuyền dài 8,7m rộng 4m.
Chùa Hương Nghiêm là một điểm đến tâm linh quan trọng cho người dân địa phương và du khách bốn phương. Nơi đây tạo cơ hội cho các Phật tử thực hiện thiền định, tìm kiếm sự bình an và sự kết nối tinh thần. Về kiến trúc và nghệ thuật, trong chùa Hương Nghiêm thể hiện sự tinh tế và sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam. Các tượng Phật và bức tranh tâm linh tạo ra không gian tôn nghiêm và thiêng liêng.
Chùa Hương Nghiêm đóng vai trò quan trọng trong văn hóa tôn thờ của người dân và du khách. Nơi đây là nơi thờ Phật và tạo dựng sự kết nối với tôn thần và tổ tiên. Chùa không chỉ là nơi tâm linh mà còn là trung tâm của cộng đồng địa phương. Các lễ hội và nghi lễ hàng năm tại chùa tạo cơ hội cho người dân gặp gỡ, giao lưu và duy trì những truyền thống văn hóa tốt đẹp, thể hiện sự kết nối cộng đồng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Hương Nghiêm là nơi cất giấu, lắp ráp và sửa chữa vũ khí của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thời chống Pháp, do vị trí thuận lợi cả đường bộ và đường sông, tuy nằm gần bến phà Bình Ca, nhưng do nằm sâu trong hang núi bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, chùa Hương Nghiêm được khơi thông và sửa chữa dùng làm nơi cất giấu vũ khí phục vụ chiến đấu. Sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chùa lại được dùng làm nơi cất giấu các nhu yếu phẩm phục vụ cán bộ và chiến sĩ ta..
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đến nay chùa Hương Nghiêm vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý có giá trị như hệ thống tượng thờ, hương án... Đặc biệt là tấm bia “Hương Nghiêm tự bi” (Văn bia về chùa Hương Nghiêm).
Văn bia chùa Hương Nghiêm được tạc vào ngày 27 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1537). Văn bia do 2 vị đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1535), chức Tu thân doãn, Hiến sát sứ Thanh hình, Hiến sát các sứ Tuyên Quang, Triều liệt Đại phu Ngô Hoằng Trinh hiệu là Trinh Túc soạn và vị Thông chương đại phu, Tri phủ Yên Bình, hàng Công khanh là Đỗ Bá Chiêu hiệu là Huỳnh Phủ viết chữ. Chùa Hương Nghiêm lúc đó nằm trên địa bàn huyện Cảo Sủng, trấn Tuyên Quang.
Nội dung bài văn bia như sau: "Cả huyện Cảo Sùng đều là núi, giữa huyện có một gò núi hơi thấp, nhưng là trung tâm gọi là núi Hương Nham. Trong núi có hang nhũ, đã lâu đời rồi, đó là động Hương Nham. Trước động, có dòng nước uốn quanh như rồng cuộn gọi là Vị giang. Sau động, xe ngựa tấp nập trên đường, đó là đường cái quan. Phía tây động nhà xây san sát, đó là nha môn Đô đường; phía bắc động, tường vây trùng điệp, đó là trụ sở Hiến ty vậy. Giữa động, hương bay ngút trời, ấy là cung Phật vậy.
Sửa cũ làm mới, ngói son lớp lớp. Trước cung phật là nhà thiêu hương 3 gian. Ngày rằm, mồng một, các sãi vãi tấp nập đổ về, các tăng ni cúi đầu tụng niệm. Gặp khi trời đất bất thường, cần cầu tạnh, thì trời trong khí mát; cần xin mưa, thì mưa móc rộng ban. Sự linh ứng của chùa thật khôn lường vậy. Người khai sáng ra chùa là ai? Đó là Hiến sát sứ Ngô Nghiêm Khê và Hiến sát sứ phó Vũ Trạch Xuyên vậy".
Còn bài minh trên tấm bia có nội dung:
"Động u nhi cổ, nham sấu nhi hương, Sáng tự khắc thạch, địa cửu thiên trường."
Nghĩa là:
“Động cổ u minh Hương nhũ ngời ngời Dựng chùa khắc đá Bền tựa đất trời".
Ngày 27 tháng 2 năm Đại chính thứ 8 (1537).
Ngô Hoàng, Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1526), chức Triều liệt đại phu Tuyên Quang đẳng xứ, Thanh hình Hiến sát sứ ty, Hiến sát sứ, tước Tu Thận doãn soạn văn bia.
Đỗ Bá Chiêu chức Thông chương đại phu, Tư chính khanh, Tri phủ phủ Yên Bình viết chữ.
Dựng chùa hai vị là:
Quan bản ty (2 vị) Ngô Nghiêm Khê, xã Nghiêm Xá, huyện Thượng Phúc và Vũ Hoằng, xã Mộ Trạch, huyện Đường An.
Viên lại bản ty gồm: Lê Duy
Nhất người xã Hoàng Lưu, huyện Phú Xuyên…”.
Nội dung cả bài ký và bài minh trên bia chùa Hương Nghiêm đều cho thấy ngôi chùa rất linh thiêng, đặc biệt khi “trời đất bất thường” khi đó nếu trời mưa “cần cầu tạnh, thì trời trong khí mát; cần xin mưa, thì mưa móc rộng ban” khiến các quan lại trị nhậm vùng Tuyên Quang và muôn dân trong vùng muốn mưa thuận gió hòa, được mùa no ấm, thường đến chùa để cầu đảo.
Khung cảnh chùa "Giữa động hương bay ngút trời", "sãi vãi tấp nập đổ về, các tăng ni cúi đầu tụng niệm", thể hiện ngôi chùa luôn đông người đến chiêm bái.
Bài ký còn chi thấy vùng An Khang khi ấy rất sầm uát, là một trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội với "ngựa xe tấp nập" "nha môn Đô đường, "nhà xây san sát", "tường vây trùng điệp", "trụ sở Hiến ty"...
Những năm gần đây, chùa Hương Nghiêm đã được trùng tu xây mới có quy mô bề thế hơn trước rất nhiều. Toàn bộ khu vực thờ phụng chính vẫn đặt trong động. Ban Tam bảo với 13 pho tượng tạc bằng đá được đặt trên các bệ thờ. Trên cùng là ba pho tượng Tam thế, hàng thứ hai là tượng A Di Đà đặt giữa, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Hàng thứ ba giữa đặt tượng Thích Ca, hai bên là tượng An Nam và Ca Diếp. Hàng thứ tư cũng là hàng cuối cùng đặt tượng Quan Âm Nam Hải và Văn Thù Bồ Tát. Bên trái Tam bảo là tượng Đức Thánh Trần, bên phải là tượng Đức ông. Phía sau Tam bảo là nơi thờ Địa Tạng Vương cũng được tạc bằng đá...
Chùa Hương Nghiêm đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Bia chùa Hương Nghiêm thật sự là một tư liệu thành văn quý hiếm của xứ Tuyên, có giá trị lịch sử văn hóa lâu dài cho hôm nay và mai sau.
Tác giả: Đặng Việt Thủy Đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội
Bình luận (0)