Chùa Phổ Minh nơi lưu giữ nhiều bảo vật thời nhà Trần, dấu tích của hào khí Đông A nước Đại Việt. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.
1. Giới thiệu chùa Phổ Minh
Nằm trong cụm di tích lịch sử văn hoá Đền Trần, chùa Phổ Minh nơi lưu giữ nhiều bảo vật thời nhà Trần, dấu tích của hào khí Đông A nước Đại Việt.
Chùa được xây dựng dưới thời Lý, và sau đó, triều Trần mở rộng vào năm 1262. Chùa nằm về phía Tây cung điện Trùng Quang, nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con về ở. Chùa có quy mô rất bề thế và là nơi tu hành tụng niệm của quan lại, quý tộc cao cấp triều Trần.
Năm 1533 - 1592, chùa Phổ Minh tiếp tục được trùng tu. Người đứng ra tu sửa chùa là công chúa Mạc Ngọc Lâm. Bà đã về chùa tu hành một thời gian, phát tâm tu sửa cảnh chùa. Kể từ sau đợt trùng tu này, chùa Phổ Minh còn trải qua nhiều lần tu sửa khác nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế với kiểu kiến trúc "nội công, ngoại quốc".
2. Không gian kiến trúc chùa Phổ Minh
Tam quan:
Dài 8,42m, rộng 8,98m, 03 gian, gian giữa rộng 3,72m, hai gian bên rộng 2,38m. Thềm bậc gian giữa đặt đôi sóc đá, dưới dạng tượng tròn, chạy dọc theo chiều từ trên xuống. Khung kiến trúc kết cấu kiểu cổ đẳng (2 tầng 4 mái). Trên cổ đẳng, mặt ngoài tam quan treo bức đại tự có 4 chữ Hán: “Đại Hùng bảo điện” (Điện báu Đại Hùng).Khu chính:
Tiền đường gồm 9 gian, dài 24,93m, rộng 8,22m, gian giữa rộng 3,92m, hai gian bên rộng 3,15m, hai gian tiếp rộng 3,15m và 4 gian phía ngoài tiếp giáp với bờ đốc rộng 2,32m. Bộ cánh cửa ở gian giữa của tiền đường chạm họa tiết rồng chầu mặt nguyệt, trong khung hình lá đề. Các con rồng trang trí trên cánh cửa chùa Phổ Minh đều có đặc điểm đầu ngẩng cao, thân uốn khúc, đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Thân rồng hình tròn, thon, không có vảy, mào lửa dài. Thiêu hương xây quay dọc, giao mái với tiền đường, tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, dài 09m, rộng 8,23m, gồm 3 gian. Bộ khung bằng gỗ lim, kiểu bốn hàng chân cột, mỗi bộ vì được dựng trên đầu hai cột cái cao 4,3m và hai cột quân cao 3,9m. Chân tảng bằng đá, chạm hoa văn hình cánh sen. Thượng điện gồm 3 gian, dài 12,8m, rộng 8,50m. Bộ khung gỗ lim, kiểu 3 hàng chân cột, gồm hai cột cái và một cột quân. Tất cả các cột được gia công theo kiểu thượng thu hạ thách và được kê trên hệ thống chân tảng đá chạm hoa văn hình cánh sen.Sân chùa và nhà bia
Sân chùa hình chữ nhật, dài 27m, rộng 9m. Trên sân chùa còn có các thành phần kiến trúc như: tháp, chân tảng đá cánh sen, cột kinh, cây hương đá. Hai cột kinh hình bát giác, chiều cao 3,95m, mỗi cạnh rộng 0,25m, thân cột chạm kinh Phật, phần đỉnh chạm hoa văn cánh sen và búp sen. Xung quanh các cột kinh và cây hương đá còn có 14 chân tảng đá cánh sen xếp ngay ngắn theo hình chữ nhật, kích thước dài 3,9m, rộng 2,9m. Chính giữa các chân tảng là hoa văn cánh sen kép, mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII - XIV. Nhà bia có mặt bằng hình vuông, rộng 4,m, xây bằng gạch, vữa, kiểu cổ đẳng (2 tầng 8 mái), lợp ngói Nam. Nhà bia phía Tây có bia niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668), nhà bia phía Đông có bia niên hiệu Duy Tân 1 (1907). Ngoài ra, còn có một số hạng mục khác như hành lang, hậu điện, phủ Mẫu, nhà tổ, tăng phòng, khu tháp mộ, ao sen.3. Những báu vật tại chùa Phổ Minh
Xá lợi của Vua Trần Nhân Tông
Sau khi Vua Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai người làm kiệu bát cống bằng đá và xây tòa tháp lên trên, sau đó đặt 7 trong số 21 viên xá lợi của vua cha vào một hòm đá quý đưa vào trong tháp Phổ Minh trước cửa chùa. Từ đó, chùa Tháp ngoài việc thờ Phật còn thờ thêm Tam tổ Trúc Lâm.
Tháp Phổ Minh
Tháp Phổ Minh: có mặt bằng nền hình vuông, cạnh dài 5,20m. Chiều cao tổng thể của tháp là 19,51m, được chia thành 3 phần: Đế tháp, Thân tháp và Đỉnh tháp. Phần chân đế, tính từ dưới lên chia thành 12 cấp, mỗi cấp có kích thước khác nhau.
Đỉnh tháp là một khối đá tạo dáng hình bông sen bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau như: Đỉnh búp sen thuôn mập, gồm 5 lớp cánh sen ngửa, chụm; trong đó lớp cuối cùng có viền kép và có đường sống nổi ở giữa. Toàn bộ búp sen được đặt trên một khối đất nung, dáng thuôn phình hai tầng màu đỏ.
Xung quanh tháp có tường bao quanh, ở các điểm trụ đều có đèn lồng. Chính giữa các tường có để 4 cửa ra vào tháp, ở trước có các đôi rồng đá.
Dưới chân tháp Phổ Minh là 2 cây hương lớn (hay còn gọi là cột kinh) được làm bằng đá, tạo tác vào thế kỷ 17. Trước 2 cột kinh lớn là 2 cột kinh nhỏ, được tạo tác tinh xảo, theo hình hoa sen; trên đỉnh chạm cánh sen, bên trong có hình ảnh Phật ngồi trên tòa hoa sen. Xung quanh các cột kinh và bát hương còn có 12 chân tảng đá hoa cánh sen có dáng dấp và kích thước khá gần nhau.
Báu vật xanh
Bên trong sân chùa, hai cây muỗm cổ thụ gắn biển “Cây di sản” được xác định trên 300 năm tuổi. Trong vài năm gần đây, cây muỗm bên phải theo hướng cổng vào đã bị sâu cành vì quá lâu năm. Ban quản lý di tích Chùa Tháp Phổ Minh phải dựng cột sắt để gia cố, đỡ cho cây cổ thụ trụ vững.
Một báu vật khác, đó là cây bàng cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, thân cây bị thủng xuyên lõi, chỉ còn lại phần da cây còn sót lại. Thế nhưng, điều kỳ diệu, cây bàng cổ thụ vẫn xanh tốt bao năm qua.
Đó là những “báu vật xanh” vô giá không phải ai cũng để ý khi một lần về Thành Nam ghé chân chiêm bái.
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.
Tác giả: Ngọc Thắng (t/h)
Bình luận (0)