Chùa Phổ Quang có số lượng tượng Phật không nhiều và không thật đầy đủ như ở một số chùa khác, song giá trị nghệ thuật từ các pho tượng thì rất lớn, đặc biệt là tượng Phật của chùa có niên đại tạo tác tương đối sớm, mang tính thẩm mỹ cao như tượng A Nan, Ca Diếp, Tam Thế, A Di Đà, Di Lặc là những tượng rất đáng quan tâm.
Nguồn: https://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/03/chua-tinh-quang/
Lịch sử chùa Phổ Quang
Một di tích lịch sử văn hóa thời Trần xuất hiện cách đây 800 năm đó là chùa Phổ Quang, hay còn gọi là chùa Tình Quang, do Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử kiến tạo và thành lập, và trở thành chốn đại danh lam thắng cảnh của giang sơn dưới thời vua Lê Thái Tông. Địa chỉ tại Làng Tình Quang, phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Tương tự như nhiều ngôi chùa ở làng quê Bắc bộ, chùa Phổ Quang có khu vực đình để thờ thành hoàng làng, và thờ Phật. Trải qua nhiều biến động của lịch sử và nhiều lần trùng tu, chùa Phổ Quang ngày nay không còn mang hình dáng cũ ban đầu, tuy nhiên, vẫn còn hệ thống tượng tròn ở hiên chùa rất có giá trị nghệ thuật.
Trước năm 1945, đây nguyên là đất các xã Quán Tình và Tình Quang thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, gọi là xã Giang Biên. Từ năm 1961, Giang Biên thuộc về Hà Nội. Tháng 1/2014, Giang Biên đổi thành phường Giang Biên, quận Long Biên, nội thành Hà Nội.
Tương truyền, chùa Phổ Quang được khởi dựng từ rất sớm, song do nhiều biến động của lịch sử, đặc biệt là lần vỡ đê ở thế kỷ XIX, nên diện mạo của ngôi chùa cũ không còn, các di vật bị thất lạc rất nhiều. Nếu căn cứ vào những dấu vết kiến trúc hiện còn thì di tích có niên đại khá muộn và được trùng tu nhiều lần ở thế kỷ XII.
Các công trình kiến trúc của chùa bao gồm: Tam quan, chùa chính với 5 gian Tiền đường, 3 gian Thượng điện, 5 gian Nhà Mẫu, 5 gian nhà khách. Toàn bộ các công trình này được quy hoạch trên khu đất rộng 4.750m2 nằm ngay sát chân đê, tách biệt khu dân cư của làng.
Chùa chính mới được xây lại vào đầu thế kỷ XII, kết cấu theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian Thượng điện, mái lợp ngói ta, bộ khung được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng”, chạm khắc với đề tài quen thuộc như: đầu Rồng, mặt Hổ phù, lát lật, văn hình học, vân mây… Tuy chúng có phần đơn giản hơn so với những di tích khác nhưng nét chạm vẫn khỏe khoắn, phóng khoáng và ẩn chứa những giá trị của nghệ thuật chạm khắc truyền thống.
Giá trị của ngôi chùa 800 năm tuổi
Giá trị nổi bật của di tích là hệ thống tượng tròn hiện nay. Chùa Phổ Quang có số lượng tượng Phật không nhiều và không thật đầy đủ như ở một số chùa khác, song giá trị nghệ thuật từ các pho tượng thì rất lớn, đặc biệt là tượng Phật của chùa có niên đại tạo tác tương đối sớm, mang tính thẩm mỹ cao như tượng A Nan, Ca Diếp, Tam Thế, A Di Đà, Di Lặc là những tượng rất đáng quan tâm.
(1) Tượng A Nan, Ca Diếp là một trong những tượng đẹp nhất của chùa hiện nay. Tượng được tạc trong thế đứng, dạng lùn. Toàn bộ thân tượng chỉ cao 1m, khuôn mặt trái xoan, miệng nhỏ, sống mũi thẳng, tai dày, cổ hơi mập. Tay tượng A Nan trong thế “liên hoa”, còn tượng Ca Diếp kết ấn “mật phùng”, mặc áo cà sa 2 lớp chảy dọc xuống tận chân, các nếp áo được tạo thành những đường cong mềm mại, uyển chuyển. Tượng có niên đại tạo tác vào khoảng thế kỷ XVIII.
Tượng Phật chùa Phổ Quang
(2) Tượng Tam Thế cũng là một trong những bộ tượng đẹp của chùa hiện nay. Tam thế đại diện cho 3.000 vị Phật ở ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Tượng tạc dạng ngồi kết già hàng ma lộ, bàn chân phải trên đài sen, khuôn mặt hơi bầu, sống mũi cao, thẳng, lông mày cong, miệng đầy đặn, tay trong thế ấn “thiền định”.
Tượng mặc áo cà sa để lộ ngực, vạt rủ xuống lòng đùi. Các nếp áo được thể hiện bằng những đường cong thật mềm mại, tinh thế. Tượng mang nhiều tướng quý với nhục kháo có tướng “Vô kiến đỉnh” nổi đều trên chỏm sọ. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
(3) Tượng A Di Đà được tạc ngồi thiền định trên đài sen, khuôn mặt đầy đặn, thanh thoát với nhiều nét ưu tư, tóc kết nhiều cụm xoắn ốc như hình tháp chạy dần lên tận nhục kháo, 2 tay tượng đặt ngửa lên lòng đùi, ngực để lộ chữ “Vạn”. Tượng được tạc dạng lùn, toàn bộ thân tượng chỉ cao 1m20. Đáng chú ý là phần đài sen được làm gồm 3 lớp cánh, đầu các cánh sen đều nhọn, trên từng cánh lại trang trí hình lá đề, vân dấu hỏi rất tinh tế…Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
(4) Tượng Di Lặc được tặc mang đày tính chất dân dã với thân hình mập mạp, béo tốt thể hiện sự no đủ, viên mãn. Tượng ngồi trên đài sen, nét mặt hỉ hả, thoát tục, mũi hơi to, trán cao, tay phải chống gối, tay trái cầm viên ngọc đặt ngửa trong lòng đùi. Tượng được bố cục một cách cân đối, tỷ mẩn đến từng chi tiết. Tượng mang niên đại tạo tác khoảng thế kỷ XIX.
Ngôi Tam bảo chùa Phổ Quang
(5) Ngoài các pho tượng tiêu biểu trên thì các tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, tượng Đức Ông, Đức Thánh Hiền, tượng Mẫu, tượng Tổ của chùa đều được tạo tác một cách trau truốt, tỷ mỷ, mỗi pho đều toát lên tính cách của từng nhân vật. Hiện nay, chùa vẫn còn hệ thống di vật như: chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 2 (1849), hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án.
Tất cả đều chứng tỏ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của nghệ nhân đương thời. Qua đây cũng thể hiện ước vọng về một cuộc sống thời bình, ấm no, hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Bình luận (0)