Chùa Phú Lâm có nét chấm phá giao thoa truyền thống và hiện đại, cùng không gian trang tĩnh, an hòa, cho thấy những hưng thịnh cửa thiền nơi đây: Phật pháp được chấn hưng, ngôi nhà tâm linh được phục dựng, góp phần “thịnh vượng” đời sống tín ngưỡng của người dân xứ Tuyên.
Tác giả: Chánh Thường Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024
Không ai nhớ chính xác chùa có từ bao giờ… cụ bà Tô Thị Sâm (pháp danh Sâm Hiền), sinh năm 1937, ở tổ 1, phường Mỹ Lâm, Tuyên Quang chia sẻ: “Bà nghe các cụ kể lại chùa có từ thế kỷ XII, rồi chiến tranh bị giặc bắn phá, tan nát không còn gì... Mãi sau nhân dân mới phục dựng lại trên nền tích xưa".
Lược sử chùa Phú Lâm
Tài liệu, sử ký về chùa hiện gần như không còn, qua bia tích mới dựng lại khi chùa khánh thành, chúng tôi ghi nhận được chút thông tin: "Chùa Phú Lâm là tên địa danh của vùng đất, tên hiệu chùa là Quang Sơn Tự, nhân dân trong vùng gọi là chùa Ba Ông Bụt, tức là Ba Vị Phật (ba pho tượng Phật Tam Thế).
Chùa Phú Lâm được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), tồn tại cho đến cuối thế kỷ XIX thì trở thành phế tích. Đầu thế kỷ XX, chùa được nhân dân dựng lại bằng vật liệu đơn giản như tranh, tre, lá, nứa… để thờ Phật. Đến năm 1960, khi khai hoang để trồng chè, nông trường đã san ủi xung quanh trừ lại nền chùa cổ để có cơ duyên xây dựng lại.
Căn cứ kết quả khảo cổ cho thấy, đây là một ngôi chùa lớn có kiến trúc chữ Đinh, trang trí kiến trúc đẹp, trên các viên gạch ngói có hoa văn, họa tiết như mang rồng bằng đất nung đã tìm được thấy cùng hệ thống di vật đa dạng tại di tích chùa là nguồn sử liệu góp phần tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của di tích.
Chùa Phú Lâm cũng là một trong bảy di tích chùa cổ có niên đại thời Trần được phát hiện tại tỉnh Tuyên Quang, địa danh gắn bó với một số sự kiện lịch sử quan trọng thời nhà Trần và các triều đại trước đó.
Quá trình phục dựng chùa Phú Lâm:
Với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng và Nhà nước, ngày 10 tháng 03 năm 2005, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cùng các cấp chính quyền, các phòng ban của huyện Yên Sơn và xã Phú Lâm đã khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Phú Lâm.
Ngày 24 tháng 03 năm 2016, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Sơn, văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và xã Phú Lâm đón nhận “Bằng Di Tích Khảo Cổ Học Cấp Tỉnh Chùa Phú Lâm” trong không khí trang nghiêm, phấn khởi của bà con nhân dân và các dân tộc địa phương.
Ngày 02 tháng 08 năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định số 246/QĐ- UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, di tích chùa Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Chủ đầu tư và xây dựng là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang.
(Trích dẫn bia ghi chép sơ lược lịch sử và quá trình phục dựng, xây dựng chùa Phú Lâm).
Quan sát từ đường quốc lộ dẫn về chùa, dễ thấy ngôi chùa tọa lạc bên triền đồi, mà để ý một chút, cảm giác như một thung lũng thu nhỏ. Đường về chùa rộng rãi, cảnh sắc thoáng đãng.
Chùa được xây dựng theo kiến trúc chùa Việt truyền thống với cổng Tam Quan gác mái hai tầng. Các khối kiến trúc độc lập được bố cục chặt chẽ, góp phần tạo nên quần thể chùa đẹp, trang nghiêm, bề thế.
Chùa xây mới trên nền chùa cổ, bên trong không gian chùa, khói hương quyện tỏa cùng tiếng chuông gió lanh lảnh, thêm những gam màu kiến trúc đặc trưng phong sắc chùa Việt khiến người lữ khách luôn thấy thật gần gũi, thân quen.
“Hệ sinh thái Tâm linh” thu nhỏ
Nếu chỉ nhìn sơ qua, kiến trúc chùa Phú Lâm dường như quen thuộc và cũng giống như bao nhiêu ngôi chùa khác ở các tỉnh phía Bắc, Tam Quan thiết kế truyền thống chùa Việt cùng gác mái hai tầng, các thiết tầng kiến trúc màu chủ đạo là màu ngói đỏ nung, sơn thếp vàng và màu nâu gụ.
Nhưng khi đi vào khuôn viên chùa, du khách sẽ phát hiện những nét chấm phá, khác biệt. Thẳng cổng Tam Quan vào, khoảng sân rộng trước thềm Chính điện Tam Bảo là thiết kế mô phỏng “Chùa Một Cột” (còn có tên gọi khác là Liên Hoa Đài, với lối kiến trúc độc đáo: một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất) ngự trên hồ nước nhỏ.
Nơi thu hút không ít du khách thập phương khi về Tuyên Quang và có thể coi chùa là điểm du lịch thu hút du khách, địa chỉ du lịch mới ở xứ Tuyên.
Theo lối đi bên phải nhìn từ Chính điện vào, là gian thờ Phật Quán Âm, tiếp nối là dãy thiền đường hai tầng (vừa là nơi tu tập, nơi tá túc khi chư tôn thiền đức, thiện tín về chùa dự lễ).
Nhà Tổ thiết kế nhà dài, một gác mái, bên trong có năm ban thờ: Chính giữa thờ Đức Phật Thích Ca, bên trái là ban thờ Tổ Huyền Quang, giữa trung tâm là thờ Sơ tổ Trần Nhân Tông, bên phải thờ Tổ Pháp Loa và ở phía ngoài cùng thờ tôn tượng Phật Đản sinh.
Từ Nhà Tổ, đi tiếp theo lối đi bên trái hậu viên, theo hướng nhìn bên phải, đến gian thờ Mẫu Liễu Hạnh, ban thờ chính có ban Tam Tòa Thánh Mẫu, ban thờ Quan Hoàng Bảy, ban thờ Quan Hoàng Mười.
Nhìn bao quát là một quần thể kiến trúc độc
lập mà gắn kết chặt chẽ, hệ sinh thái tâm linh thu nhỏ, thể hiện rõ kết hợp nhuần nhuyễn và tinh tế kiến trúc, văn hóa tín ngưỡng Phật giáo truyền thống đặc trưng của ngôi chùa đặc trưng miền Bắc.
Hai bên tả hữu từ lối vào chính cổng Tam Quan, là hai hàng cây hoa Ban, có hoa Ban tím, hoa Ban trắng rất đẹp. Không gian chùa được thiết kế bao quát rất thoáng, đứng trên cao quan sát có thể thấy người thiết kế khéo léo tạo thành không gian Phật giáo, Tâm linh như một thung lũng thu nhỏ, có chiều sâu mà thể hiện rõ tính gắn kết chặt chẽ của từng khối không gian kiến trúc.
Công trình vẫn đang được xây dựng để sớm có Lầu Quán Âm Lộ Thiên ngự trên hồ nước rộng.
Trước “Chùa Một Cột”, tôi chắp tay hướng Chính Điện Tam Bảo khấn lễ, cảm tạ nhân duyên được về thăm chùa Phú Lâm miền quê Tuyên Quang, nơi gắn bó nhiều thăng trầm lịch sử từ thời Trần, lòng cảm niệm cùng cảm xúc khó tả, chợt nhớ tới câu thơ của Thiền sư Mãn Giác:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
Đầu Xuân hành hương và vãn cảnh, thấy Hòa thượng Thích Gia Quang đang giới thiệu cho khách đến thăm chùa về khu vườn tháp. Tôi vái chào, thỉnh chuyện Hòa thượng:
- Bạch Hòa thượng, Hòa thượng hoan hỷ giúp chúng con biết ý nghĩa tổng quan kết trúc chùa Phú Lâm?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Chùa Phú Lâm được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, từ Cổng Tam Quan đến các gian thờ tự. Trong đó có sự kết hợp kiến trúc đời Trần và kiến trúc chùa Việt đương đại, giao thoa hài hòa cùng văn hóa kiến trúc chùa ở Tuyên Quang, tạo nên nét riêng của chùa Phú Lâm.
- Lần đầu chúng con thấy Hoa Ban và những đồi chè được trồng ở chùa, Hòa thượng có thể chia sẻ ý nghĩa?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Hoa Ban là loài hoa đặc trưng núi rừng Tây Bắc. Hoa ban được coi là biểu trưng cho vẻ đẹp tinh khôi vươn lên từ nhọc nhằn đá núi.
Hoa Ban trắng khá hiếm, ít được các cơ sở văn hóa tâm linh trồng trong khuôn viên. Nên Thầy quyết định trồng hai hàng Hoa Ban, có cả hoa Trắng và hoa Đỏ, giúp tạo nên bản sắc riêng, độc đáo của chùa Phú Lâm.
Một phần khuôn viên ngoài, thuộc không gian chùa Phú Lâm, Thầy giữ lại những đồi chè vẫn được trồng trọt, canh tác: Đó không chỉ là đặc sản của Tuyên Quang, mà những đồi chè xanh mướt đang độ Xuân về (thời điểm vào vụ chè) cho thấy sức sống tươi mới, dồi dào được tinh hoa đất trời dung dưỡng, qua bàn tay cần cù lao động của người dân Tuyên Quang, từ đó có những đồi chè xanh ngát, rồi cho ra những sản phầm trà đặc biệt, chỉ có ở Tuyên Quang.
- Chúng con thấy có vườn Tháp, có phải Tháp phụng thờ các Tổ chùa Phú Lâm, Bạch Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Các Tháp mới được xây dựng, không chỉ thờ các tổ đời trước mà còn là điểm nhấn không thể thiếu của chùa Việt truyền thống, và cũng là cách thể hiện sự tri ân và nối tiếp các đời chư tổ đã có công xây dựng, phát huy và lưu giữ mạng mạch Phật Pháp.
Chùa Phú Lâm có nét chấm phá giao thoa truyền thống và hiện đại, cùng không gian trang tĩnh, an hòa, cho thấy những hưng thịnh cửa thiền nơi đây: Phật pháp được chấn hưng, ngôi nhà tâm linh được phục dựng, góp phần “thịnh vượng” đời sống tín ngưỡng của người dân xứ Tuyên.
Ngôi chùa mời được hoàn thành nhưng đã sớm trở thành điểm đến Du lịch Tâm linh hấp dẫn đông đảo thập phương mọi miền Tổ quốc, cũng như du khách nước ngoài khi du lịch đến Tuyên Quang.
Tác giả: Chánh Thường Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024
Bình luận (0)