Chương trình hoạt động nhiệm kỳ V của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nêu trên là dựa vào tình hình thực tế, phù hợp với yêu cầu phát triển của Giáo hội và kế hoạch 5 năm tới của ban, ngành, viện trong thiên niên kỷ mới.
CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHIỆM KỲ V (2002 - 2007) (do Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu đọc)
Kính thưa Đoàn Chủ tọa, kính thưa quý vị đại biểu, kính thưa chư vị khách quý, kính thưa Đại hội.
Hoạt động Phật sự trong 5 năm qua của nhiệm kỳ IV Hội đồng Trị sự đã đạt được những thành tựu tốt đẹp trong bối cảnh của đất nước vững tiến, phát triển về các mặt hoạt động, đặc biệt về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và ngoại giao. Thành tựu này, một lần nữa chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức vững mạnh, phát triển không ngừng do sự quyết tâm đoàn kết nhất trí của Tăng, Ni, Phật tử, các ban, ngành, viện, Ban Trị sự và các cơ sở tự viện đều có những bước tiến mới.
Cùng với chính sách mở rộng quan hệ quốc tế, đoàn kết, hợp tác hữu nghị của Nhà nước ta, Phật giáo Việt Nam ngày càng được sự đồng tình, hợp tác của nhiều tổ chức, hội đoàn, cơ sở Phật giáo tại nhiều nước trên thế giới, lôi cuốn được sự chú ý, tình cảm sâu đậm liên hệ đến quê hương, đến đạo pháp, dân tộc của đa số Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở hải ngoại.
Trong khi đó, những khó khăn, khiếm khuyết về tổ chức, nhân sự, chuyên môn và tài chính tuy có giảm, nhưng vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến các công tác Phật sự, chẳng hạn việc tổ chức hội thảo của các ban, ngành, việc phát triển giáo dục Tăng, Ni qua việc biên soạn, in ấn sách giáo khoa các cấp, việc phát triển văn hóa Phật giáo ở các vùng sâu, vùng xa và chưa được thực hiện một cách đáng kể.
Dựa vào tình hình thực tế, căn cứ bản tổng kết Phật sự nhiệm kỳ IV (1997-2002), những ý kiến, tham luận đóng góp nhân các hội thảo kỷ niệm 20 năm thành lập Giáo hội, qua các tham luận, ý kiến được trực tiếp gửi về Trung ương Giáo hội hay được đăng tải trên các Báo Giác Ngộ, Tập văn Phật giáo và Tạp chí Nghiên cứu Phật học Việt Nam, chương trình hoạt động của nhiệm kỳ V (2002-2007) được vạch ra như sau:
I. Xây dựng, phát triển Giáo hội bằng nguyên tắc phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí vì Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội
1. Phát huy cao độ truyền thống đoàn kết tương thân, lấy Lục hòa, Tứ nhiếp làm nguyên tắc cộng trụ, cộng sự trong nhân sự từ Trung ương đến địa phương, đến từng đơn vị cơ sở của Giáo hội. Từ đó, các ý kiến bất đồng cần được giải quyết kịp thời và triệt để, dứt khoát loại bỏ những phân biệt địa phương, hệ phái, Tăng, Ni hay Cư sĩ trong khi thực hiện các Phật sự tổ chức, hành chính của Giáo hội.
2. Các thành viên của Giáo hội tăng cường nhận định, quán triệt về nội dung Hiến chương của Giáo hội, Nội quy các ban ngành, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng tổ chức và hành chính, tăng cường kiến thức thời sự, hiểu biết Pháp luật để tiến hành công tác Phật sự ích nước, lợi dân, thuận đạo. Trung ương và địa phương cố gắng tổ chức đều đặn các buổi tọa đàm, hội thảo, chuyên đề, tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn nhằm vào các nội dung trên.
3. Cố gắng tạo điều kiện cụ thể, tăng cường, điều phối nhân sự cho một số đơn vị Tỉnh, Thành thiếu nhân sự, tiến hành Đại hội thành lập Ban Trị sự trong nhiệm kỳ V.
4. Thắt chặt mối liên hệ giữa Trung ương và địa phương với các ban, ngành, viện, cụ thể hóa các báo cáo công tác Phật sự, thực hiện sự đồng nhất cơ bản về các tiết mục trong nội dung báo cáo của các ban, ngành, viện, các Ban Trị sự để báo cáo về mặt hình thức, nội dung được rõ ràng, phong phú, mang tính chính xác, khoa học.
5. Các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo phát huy chức năng, mở rộng công tác Phật sự, thực hiện tốt sự gắn bó trong khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp tốt với Chính quyền, Mặt trận địa phương. Các công tác công ích, phục vụ nhân dân đều được xem là các Phật sự đánh giá khả năng hoạt động của từng đơn vị Tỉnh, Thành hội.
II. Hoằng dương chính pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo, góp phần xây dựng xã hội hiền thiện, an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức văn hóa truyền thống dân tộc, giảm thiểu những hiện tượng tiêu cực, sa đọa, bạo hành.
1. Tạo điều kiện thuận tiện hơn cho Ban Hoằng pháp tiếp tục mở các khóa bồi dưỡng, đào tạo Giảng sư ngắn hạn và dài hạn, để tiến tới thành lập Giảng sư đoàn Trung ương và các Tỉnh, Thành. Tiếp tục và nâng cao chất lượng các khóa Phật học hàm thụ, nâng cao số lượng tài liệu Phật học của Ban Hoằng pháp. Liên hệ nhiều hơn nữa với Ban Hướng dẫn Phật tử trong việc tổ chức các khóa giảng cho quần chúng Phật tử tại các điểm giảng tập trung, các đạo tràng và nhất là các vùng sâu, vùng xa.
2. Ban Hướng dẫn Phật tử kết hợp với Ban Hoằng pháp tổ chức tốt các buổi thuyết pháp, các lớp giáo lý, các khóa tu tập thiền định, đạo tràng niệm Phật, tu Bát quan trai, các hội quy, khuyến khích các Phật tử làm việc đạo, tham gia công tác từ thiện, công ích, đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn đưa vào nề nếp các sinh hoạt Gia đình Phật tử, huấn luyện Huynh trưởng, thống kê số lượng cụ thể đơn vị đoàn sinh, tổ chức các lễ thọ Cấp và các trại sinh hoạt v.v… Lưu tâm nhiều hơn nữa đến việc thi học, phẩm chất của các em đoàn sinh để giúp nhà trường, giúp phụ huynh đào luyện các em thành những trẻ ngoan ngoãn, hiếu hạnh, vui chơi lành mạnh, chăm chỉ học hành. Tổ chức các cuộc hội thảo để rút kinh nghiệm trong công tác triển khai Nội quy Gia đình Phật tử, Nội quy Cư sĩ Phật tử …
3. Tăng cường các hoạt động từ thiện xã hội, viếng thăm, ủy lạo, giúp đỡ các đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, những người già neo đơn, những trường hợp bệnh tật, cô đơn, mở rộng hệ thống Tuệ Tĩnh đường tiến tới thành lập Trung tâm Y tế Phật giáo, các Viện Dưỡng lão, Y viện Phật giáo, các Trường nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ lang thang, trẻ khuyết tật, xây dựng nhiều hơn nữa các nhà tình thương, nhà tình nghĩa. Đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức hay tham gia giáo dục và cải hướng đối với các nạn nhân của ma túy, mại dâm, tiến đến việc tổ chức cơ sở tiếp nhận chăm sóc các bệnh nhân HIV/ AIDS, các trại cai nghiện.
4. Các tự viện phải là cơ sở tạo niềm tin Phật, tạo sự an tịnh tâm hồn cho quần chúng Phật tử, có sức thu hút Phật tử đủ mọi lứa tuổi và mang tính chất của một trung tâm văn hóa, nơi tu dưỡng đạo đức. Các nghi lễ phải nghiêm túc, đúng chính pháp, tránh rườm rà, phí tổn vô ích và đặc biệt không mang hình thức mê tín dị đoan.
5. Cần Việt hóa các nghi lễ Phật giáo, biên soạn nghi lễ thống nhất cho các ngày lễ lớn của Phật giáo, ấn hành quyển kinh Nhật tụng bằng Việt ngữ. Thiết định các ngày lễ Phật giáo, kỷ niệm chư Thánh tử đạo, hiệp kỵ chư vị giáo phẩm viên tịch.
6. Ban Văn hóa phối hợp với Viện, Phân viện Nghiên cứu Phật học, các Học viện Phật giáo, với chư tôn Giảng sư, các nhà nghiên cứu Phật học, Báo chí Phật giáo, các văn gia, nghệ sĩ Phật giáo để có những tác phẩm in ấn về Phật học, chú trọng đến tính thực dụng và phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, nhất là các độc giả trẻ tuổi. Các hình thức truyền thông như băng, đĩa về âm nhạc, kịch, văn nghệ Phật giáo, thuyết giảng Phật pháp cần được phổ biến rộng rãi và hợp pháp để đưa Phật pháp, văn hóa, đạo đức Phật giáo vào đời sống xã hội.
7. Phát triển văn hóa Phật giáo ở các vùng sâu, vùng xa, nỗ lực xây dựng các niệm Phật đường, các lớp xóa mù chữ và nâng cao các phòng đọc sách, báo, ấn hành các tài liệu giáo lý, kinh tụng bằng tiếng dân tộc, cũng như các trung tâm phát thuốc, phát tặng phẩm cho các đồng bào nghèo, khó khăn.
III. Phát huy kỷ cương đạo đức, trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, giáo dục đào tạo đội ngũ Tăng, Ni trẻ có đạo hạnh cao, vững vàng trong tu tập, trong lãnh hội giáo pháp và có kiến thức, văn hóa, đáp ứng sự phát triển của Giáo hội trong thời đại mới
1. Ban Tăng sự tăng cường hiệu năng quản lý, theo dõi và hướng dẫn việc tu tập, sinh hoạt của Tăng, Ni tại các tự viện, chú ý đến các sinh hoạt công phu, thiền định, Bố tát, An cư, sinh hoạt Phật sự… để xây dựng các tự viện đúng nghĩa là nơi tu tập, đào luyện người tu sĩ trong nếp sống đạo hạnh, gương mẫu.
2. Tổ chức các khóa bồi dưỡng Trụ trì, biên soạn tài liệu huấn luyện Trụ trì để phục vụ cho công tác bồi dưỡng do Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức.
3. Tổ chức các Giới đàn đúng theo luật định, nghiêm túc trong sát hạch, tuyển chọn giới tử, thời gian tu tập, thử thách tại chùa của giới tử được kéo dài hơn, cho đến khi vị Bổn sư nắm chắc được quyết tâm tu học, đạo hạnh vững vàng của đệ tử mới giới thiệu các giới tử thọ giới, để Giáo hội cấp các loại giấy chứng nhận một cách chính xác.
4. Cụ thể hóa một số vấn đề liên quan đến Tăng, Ni, tự viện của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.
5. Ban Giáo dục Tăng, Ni có kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục Phật giáo, trong đó đặc biệt lưu tâm đến sự rèn luyện đạo đức, kỷ luật học tập.
6. Tiến đến việc thống nhất chương trình cho từng cấp học, tại các lớp sơ cấp, trường trung cấp, lớp cao đẳng và học viện, thành lập Ban liên lạc giáo dục có nhiệm vụ như Ban Thanh tra, thường xuyên viếng thăm các cơ sở giáo dục Phật giáo để tìm hiểu tình hình, giúp đỡ và hướng dẫn.
7. Có kế hoạch xây dựng một số trường trung cấp kiểu mẫu, theo chế độ nội trú để sau này tiến đến việc tổ chức toàn bộ các trường, các học viện theo chế độ nội trú, thể hiện và theo kịp việc tổ chức giáo dục Phật giáo tại nhiều nước trên thế giới.
8. Tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và liên hệ với Nhà nước để xin đổi các lớp cao đẳng Phật học thành trường cao đẳng Phật học, xin mở hậu đại học tại các học viện Phật giáo.
9. Tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo về giáo dục Phật giáo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính học vụ, thư viện và sư phạm. Dự kiến phương hướng xây dựng mô hình trường sư phạm cho Tăng, Ni đã tốt nghiệp các học viện Phật giáo.
10. Các văn phòng, cơ sở Phật giáo, các ban, ngành, viện cần lưu tâm đến đội ngũ Tăng, Ni trẻ, tạo điều kiện, giao công việc để các vị được phục vụ Giáo hội, thu tập kỹ năng, kinh nghiệm. Đặc biệt, Trung ương Giáo hội có kế hoạch để thâu nhận các Tăng, Ni đã tốt nghiệp từ các học viện, các Tăng, Ni sinh du học trở về tham gia các hoạt động của Giáo hội, trở thành các thành viên của ban, ngành, viện, các cơ sở giáo dục Phật giáo.
11. Ban Giáo dục Tăng, Ni phối hợp với Ban Hoằng pháp, Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học, với Ban Giảng huấn các trường, học viện Phật giáo, với các giảng sư, học giả Phật học để tiếp tục thực hiện sách giáo khoa cho từng cấp học.
12. Lưu tâm giúp đỡ tạo điều kiện tốt cho các Tăng, Ni sinh người Việt gốc Hoa, Khmer, các Tăng, Ni sinh ở vùng sâu, vùng xa, tăng cường hiệu năng quản lý, giảng dạy và học tập tại các lớp cao cấp, trung cấp và sơ cấp Phật học Vini, Pali dành cho chư Tăng Nam tông khmer tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang v.v… tiến tới việc chuyển đổi các lớp trên thành các trường Phật học và Viện Phật học Nam tông.
13. Chú ý đến Tăng, Ni sinh đang du học ở nước ngoài, tiến tới thành lập Ban Bảo trợ các Tăng, Ni sinh du học.
IV. Mở rộng và đẩy mạnh việc nghiên cứu Phật học và học thuật Phật giáo
1. Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động thâu nhận thêm thành viên, cộng tác viên, phối hợp với chư Tôn túc, chư vị học giả, giáo sư, giảng sư Phật học, xây dựng phát triển các công trình nghiên cứu Phật học, dịch thuật kinh sách.
2. Đẩy mạnh việc in ấn và phát hành Đại Tạng kinh, tăng cường hoạt động của các thư viện Phật giáo. Thành lập nhà truyền thống Phật giáo, Viện Bảo tàng Phật giáo… Khuyến khích mỗi tự viện, cơ sở Phật giáo thành lập thư viện hay phòng đọc sách báo để phổ biến giáo lý Phật giáo, thông tin các hoạt động của Giáo hội.
3. Nghiên cứu và mô hình văn hóa Phật giáo nói trên sâu hơn đến các lãnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, nghi lễ, kiến trúc, y khoa của Phật giáo Việt Nam… Chú trọng đến ảnh hưởng Phật giáo trong văn học nghệ thuật cổ truyền dân gian, trong nếp sinh hoạt làng xã, thị thành, từ đó chứng minh rõ rệt hơn sự gắn bó của Phật giáo với đất nước và dân tộc.
4. Tăng cường mối liên hệ, hợp tác với Phật giáo các nước trong việc nghiên cứu Phật giáo và Phật học, tổ chức các cuộc hội thảo, Đại hội chuyên đề nghiên cứu Phật giáo và học thuật Phật giáo.
5. Có kế hoạch vận động tài chính, gây quỹ để tài trợ cho các công trình nghiên cứu nói trên.
V. Đẩy mạnh hoạt động của Ban Kinh tế Tài chính, khuyến khích phát triển kinh tế nhà chùa, vận động gây quỹ cho 2 Văn phòng Trung ương Giáo hội.
1. Ban Kinh tế Tài chính cần cải cách về cơ cấu nhân sự, chú trọng đến các cư sĩ Phật tử có thiện tâm, kinh nghiệm làm kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế có lợi nhuận cụ thể, phù hợp với luật pháp và đạo đức Phật giáo. Ban cần nghiên cứu các nội dung hoạt động như du lịch, sản xuất vật dụng cần thiết hàng ngày, đồ mỹ nghệ, các pháp khí, phát hành kinh, sách, báo, băng đĩa Phật giáo, sản xuất nông nghiệp… để tìm cách phân phối nhân sự đảm nhiệm các phòng phát hành kinh sách, Pháp khí, vật dụng trang trí nội thất.
2. Nghiên cứu các mô hình kinh tế thích hợp theo từng vùng, có kế hoạch mở thí điểm các lớp dạy nghề cho Tăng, Ni, Phật tử tại một số nơi thuộc các Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Có kế hoạch thành lập một số cơ sở kinh tế lâu dài.
3. Khuyến khích các hoạt động kinh tế tự túc, tổ chức các hội thảo, tọa đàm về kinh nghiệm kinh tế.
4. Vận động các cơ sở, xí nghiệp, hội đoàn, các Phật tử hảo tâm trong và ngoài nước, vì sự nghiệp Phật giáo, đóng góp vật chất, tài chính giúp cho Giáo hội trang trải các chi phí xây dựng và các Phật sự quan trọng.
VI. Phát huy tinh thần đoàn kết của Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo các nước trên thế giới, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định nếp sống hiền thiện ở mọi nơi, đặc biệt chú trọng mối quan hệ của Giáo hội đối với Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở nước ngoài
1. Tiếp tục phát huy vai trò, khả năng đoàn kết của Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo quốc tế chân chính, với Phật giáo các nước, thậm chí với một số cơ quan, một hội đoàn Phật giáo thân hữu. Củng cố và tăng cường mối liên hệ với Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Đài Bắc…
2. Nỗ lực liên hệ thân hữu để có thêm những cơ sở Phật giáo tại Âu Mỹ và Úc , thuận tiện cho việc hợp tác Phật sự, thông tin. Đặc biệt, lưu tâm giúp đỡ cho Thiền viện Trúc Lâm - Paris, Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp được ổn định tổ chức và sinh hoạt, tăng thêm mối liên hệ với Hội Ái hữu Phật tử Âu châu.
3. Chú ý các mặt công tác đón tiếp các phái đoàn Phật giáo bạn, các khách nước ngoài đến Việt Nam thăm viếng hữu nghị Giáo hội, có chương trình tổ chức viếng thăm hữu nghị các nước Phật giáo thân hữu.
4. Tăng cường mối liên lạc với Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở nước ngoài, đặc biệt tại Pháp, Mỹ, Canada, Úc và các nước trong khu vực. Các phái đoàn đại diện Giáo hội, các thành viên của Giáo hội sẽ tìm cơ hội thuận tiện để liên lạc, gửi tặng sách báo Phật giáo trong nước hoặc viếng thăm các hội đoàn, cơ sở hoặc Tăng, Ni, Phật tử người Việt ở nước ngoài. Từ Trung ương Giáo hội đến Tỉnh, Thành hội Phật giáo có những thể hiện cụ thể chính sách đoàn kết, tình đạo, tình quê hương, dân tộc của Giáo hội đối với những người trong nước hoặc đang sinh sống ở nước ngoài.
5. Có kế hoạch vận động tài chính cho các hoạt động Phật giáo quốc tế.
CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Áp dụng triệt để Hiến chương, nội quy ban, ngành, viện, quán triệt tình hình thực tế để thực hiện các kế hoạch hàng 6 tháng, một năm.
2. Hai Văn phòng Trung ương cải tiến hành chính, tăng cường nhân sự và phân nhiệm các Tổ, Ban để liên lạc với các ban, ngành, viện và các Ban Trị sự, cũng như phối hợp với Ban Thư ký để đề xuất ý kiến giúp Trung ương Giáo hội giải quyết các vấn đề cần thiết.
3. Ban Thư ký soạn thảo và đề xuất các mẫu báo cáo công tác 6 tháng, một năm, gồm hai loại: Một cho các Ban Trị sự, một cho các ban, ngành, viện Trung ương, mục đích là nắm bắt tình hình cụ thể các mặt hoạt động.
4. Trung ương Giáo hội theo dõi tình hình Phật sự tại địa phương, các hoạt động của các ban, ngành, viện, các cơ sở tự viện Phật giáo để kịp thời giúp đỡ, chỉ đạo giải quyết khó khăn, trở ngại. Chú ý đến vấn đề nhân sự, tránh tình trạng có chức vụ nhưng không tham gia công tác, biểu dương, tuyên dương công đức, tặng bằng khen hoặc khiển trách các đơn vị, cá nhân một cách chính xác theo tinh thần phục vụ, theo thành quả công tác được giao, góp ý phê bình các đơn vị, Ban, Ngành… không thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra mà không nêu được lý do chính đáng.
5. Luôn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp, dân chủ, tôn trọng tính chính xác, khoa học trong công việc.
Chương trình hoạt động nhiệm kỳ V của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nêu trên là dựa vào tình hình thực tế, phù hợp với yêu cầu phát triển của Giáo hội và kế hoạch 5 năm tới của ban, ngành, viện trong thiên niên kỷ mới. Nó cũng được cân nhắc, tư duy để có thể mang tính khả thi và thu đạt những thành quả khả quan, tạo được bước tiến mới cho sự nghiệp của Phật giáo Việt Nam. Dĩ nhiên, trong khi thực hiện chương trình này, Giáo hội cần có sự tăng giảm nội dung theo yêu cầu và sự nỗ lực, sự khéo léo, tinh tế của toàn thể các thành viên, sự giúp đỡ của chính quyền, của các tổ chức đoàn thể thân hữu, sự ủng hộ của Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Hy vọng chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ V đạt kết quả tốt đẹp.
Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng
Bình luận (0)