Với những bản chuyển ngữ trên, tác giả bài viết, không ngoài mục đích, chỉ mong đem lại sự gần gũi hơn đối với các sáng tác thơ của Tam tổ Huyền Quang cho những ai mến mộ và muốn tìm hiểu về ông. Vì lẽ, tiếng Hán ngày nay đối với người Việt cũng dần bị quên lãng, do đó thế hệ con cháu đôi khi lại không hiểu được chính cha ông mình.
Giảng viên Nguyễn Thanh Huy Đại học Khánh Hòa Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023
I. GIỚI THIỆU
Chuyển ngữ là một công việc khó khăn đối với bất kì một dịch giả nghiêm túc nào. Và càng khó hơn khi dịch từ các tác phẩm thi ca, bởi ngôn ngữ thi ca có tính hàm súc, ý tại ngôn ngoại, có sự tỉnh lược trong cấu trúc cú pháp và còn có nhiều điều sâu kín bên trong tâm tư, suy nghĩ của nhà thơ. Nhưng dặc biệt hơn cả là việc dịch từ một ngôn ngữ với một hình thức thơ này sang một ngôn ngữ khác với một hình thức thơ khác. Khi đó, một bản dịch cần đòi hỏi vừa trung thực, vừa thoát li nhưng không đi quá xa, tức vẫn đảm bảo được tinh thần của nguyên tác mà đồng thời phải nhuần nhị trong chính bản ngữ và những đặc trưng của thể loại.
Trong khuôn khổ bài viết, tác giả tập trung đề cập đến những thi phẩm viết về hoa cúc của thiền sư Huyền Quang. Với Tam tổ Trúc Lâm, hoa cúc có lẽ là loài hoa đặc biệt nhất, nó như chiếm trọn tâm trí, tình cảm và lòng ái mộ của ông xuyên suốt cuộc đời, từ khi còn là một học giả thế gian cho tới lúc thành một hành giả xuất thế. Ông viết nhiều về nó, viết khi tình cờ bắt gặp, viết khi suy tưởng trong cảm xúc, viết lúc chiêm nghiệm thời cuộc… Và nhờ thế ngày nay chúng ta biết tới một chùm thơ về hoa cúc với những cái tên được đánh số: từ “Cúc hoa kì nhất”(菊 花 其 一) đến “Cúc hoa kì lục”(菊 花 其 六).
Cụ thể, ở đây là sự chuyển ngữ từ tiếng Hán sang tiếng Việt cho toàn bộ 6 thi phẩm, bao gồm cả dịch nghĩa và chuyển thể từ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật sang lục bát - một thể thơ mang đậm bản sắc, tâm tư, tâm hồn Việt.
II. NỘI DUNG
1. Vài nét về thiền sư Huyền Quang
Huyền Quang (玄光) (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái (李道載). Ông là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Đương thời, ông học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội và thi đình. Đời vua Trần Thánh Tông, ông trở thành đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272 (có tài liệu nói năm 1274).(1) Trước đó cha mẹ đã định hôn sự cho ông, tuy chưa cưới, và ngay sau khi đỗ trạng nguyên, vua lại muốn gả công chúa cho ông, nhưng ông vẫn nhất quyết từ chối tất cả.
Sau đó ông làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, phụng mệnh tiếp đón các sứ Bắc triều. Với tài năng văn chương xuất chúng và tư duy ngôn ngữ nhạy bén, ông đã khiến các sứ thần Trung Hoa phải nể phục mà tôn trọng đất Đại Việt.
Trong một lần ông theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe thiền sư Pháp Loa thuyết pháp khiến ông như tỉnh ngộvà muốn xuất gia tu hành. Đến năm Hưng Long thứ 13 (1305), ông xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả của Điều Ngự, được mang pháp hiệu là Huyền Quang. Năm Hưng Long thứ 17 (1309), tuân theo di huấn của Điều Ngự, Huyền Quang theo hầu thiền sư Pháp Loa.
Đến năm Đại Khánh thứ 4 (1317), ông được Nhị tổ Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm Đại Sĩ và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa viên tịch (1330), ông kế thừa và trở thành vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Lúc bấy giờ tuổi đã cao nên ông đã giao phó lại trọng trách cho Quốc sư An Tâm và trở về trụ trì ở Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng. Ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334), đời vua Trần Hiến Tông, thiền sư viên tịch tại đây, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thụy là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.
Như vậy ông cũng chính là vị tổ cuối cùng của dòng thiền này. Người đời sau gọi chung cho ba vị tổ sáng lập thiền phái là Trúc Lâm Tam Tổ.
Bên cạnh nghiệp tu, Huyền Quang còn được xem là một thi gia lớn của thời Trần. Những trước tác của ông để lại cho hậu thế, đến hôm nay vẫn làm thổn thức bao tâm hồn thi ca đồng điệu.
2. Nguyên tác và bản dịch của 6 tác phẩm về hoa cúc
2.1. “Cúc hoa kì nhất” (菊 花 其 一)
Phiên âm
“Tùng thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp Cố viên tùy xứ thổ hoàng hoa.”
Hán văn
松 聲 蔣 詡 先 生 徑 梅 景 西 湖 處 士 家 義 氣 不 同 難 苟 合 故 圓 隨 處 吐 黃 花。
Dịch thơ
Ngõ nhà Tưởng Hủ thông reo Tây Hồ mai cảnh cũng theo xuân về Tình riêng, khí phách không thề Hoa vàng nơi ấy quay về hòa chung.
Dịch nghĩa
Tiếng thông reo ở đầu ngõ nhà Tưởng Hủ Cảnh hoa mai của nhà xử sĩ Tây Hồ Không cùng nghĩa khí, khó mà hoà hợp tạm bợ được Vườn cũ nơi nơi đã nở hoa vàng.
2.2. “Cúc hoa kì nhị” (菊 花 其 二)
Phiên âm
“Đại giang vô mộng hoán khô tràng Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn Thi biều thực vị cúc hoa mang.”
Hán văn
大 江 無 夢 浣 枯 腸 百 詠 梅 花 讓 好 粧 老 去 愁 秋 吟 未 穩 詩 瓢 實 為 菊 花 忙。
Dịch thơ
Sông sâu đâu thể rửa lòng Hoa mai trăm vịnh mà trông xin nhường Thu về già lại xót thương Túi thơ hoa cúc còn vương chưa làm.
Dịch nghĩa
Không mơ lấy nước sông lớn rửa mát lòng khô héo Hoa mai từng được trăm bài vịnh cũng phải xin nhường Già rồi, lại thấy thu buồn mà làm thơ chưa ổn Nhưng túi thơ, thật là vì hoa cúc mà bận lòng.
2.3. “Cúc hoa kì tam” (菊 花 其 三)
Phiên âm
“Vong thân, vong thế, dĩ đô vong Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật Cúc hoa khai xứ tức Trùng Dương.”
忘 身 忘 世 已 都 忘 坐 久 蕭 然 一 榻 涼 歲 晚 山 中 無 歷 日 菊 花 開 處 即 重 陽。
Dịch thơ
Quên thân quên cả sự đời Rừng sâu mát lạnh khắp nơi người ngồi Tháng ngày chẳng biết, ngừng trôi Thấy hoa cúc nở đến rồi Trùng Dương.
Dịch nghĩa
Quên thân, quên đời, quên tất cả Ngồi lâu vắng lặng, mát lạnh cả giường Cuối năm trong núi không rõ ngày tháng Thấy hoa cúc nở biết là tiết Trùng Dương.
2.4. “Cúc hoa kì tứ” (菊 花 其 四)
Phiên âm
“Niên niên hòa lộ hướng thu khai Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ Mãn đầu tùy đáo sáp quy lai.”
Hán văn
年 年 和 露 向 秋 開 月 淡 風 光 愜 寸 懷 堪 笑 不 明 花 妙 處 滿 頭 隨 到 插 歸 來。
Dịch thơ
Chờ thu chẳng ngại sương rơi Trăng thanh cảnh vắng thảnh thơi tấc lòng Diệu kì, ai có tỏ không? Nơi đâu hoa cúc cũng mong cầm về.
Dịch nghĩa
Năm tháng pha sương hướng vào mùa thu để nở Ngắm cảnh trăng thanh thỏa một tấc lòng Chịu cười vì người không hiểu, hoa thật huyền diệu Tới nơi đâu, thấy hoa cũng hái cài đầu mang về.
2.5. “Cúc hoa kì ngũ” (菊 花 其 五):
Phiên âm
“Hoa tại trung đình nhân tại lâu Phần hương độc tọa tự vong ưu Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.”
Hán văn
花 在 中 庭 人 在 樓 焚 香 獨 坐 似 忘 憂 主 人 與 物 渾 無 競 花 向 群 方 出 一 頭。
Dịch thơ
Người trên hoa dưới lầu cao Ngồi trong hương khói làm sao ưu phiền! Ngưới với hoa, đôi bạn hiền Trăm hoa duy cúc ở miền ngôi cao.
Dịch nghĩa
Hoa ở dưới sân, người ở trên lầu Thắp hương ngồi nghĩ, thấy hết ưu phiền Người với hoa hoàn toàn không ganh tị Trong các loài hoa thì cúc đứng đầu.
2.6. “Cúc hoa kì lục” (菊 花 其 六)
Phiên âm
“Xuân lai hoàng bạch các phương phi Ái diễm liên hương diệc tự thì Biến giới phồn hoa toàn trụy địa Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly.”
春 來 黃 白 各 芳 菲 愛 艷 憐 香 亦 似 時 遍 界 繁 華 全 墜 地 後 彫 顏 色 屬 東 籬。
Dịch thơ
Xuân về vàng trắng đầy cây Hoa thơm hương ngọt lúc này càng xinh Khi bao hoa rụng hoa tàn Bờ đông bông cúc không màng ngày qua.
Dịch nghĩa
Xuân đến hoa vàng, hoa trắng đều thơm ngát Yêu vẻ đẹp, thích hương thơm, hoa lại nở đúng thời Khi các loài hoa, tất cả đã rụng Thì héo sau cùng vẫn là hoa cúc ở giậu đông.
III. KẾT LUẬN
Với những bản chuyển ngữ trên, tác giả bài viết, không ngoài mục đích, chỉ mong đem lại sự gần gũi hơn đối với các sáng tác thơ của Tam tổ Huyền Quang cho những ai mến mộ và muốn tìm hiểu về ông. Vì lẽ, tiếng Hán ngày nay đối với người Việt cũng dần bị quên lãng, do đó thế hệ con cháu đôi khi lại không hiểu được chính cha ông mình. Đó là điều trăn trở với tất cả những ai có tầm lòng nhiệt huyết muốn gìn giữ những di sản của tiền nhân và bảo tồn tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Giảng viên Nguyễn Thanh Huy Đại học Khánh Hòa Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), “Thơ văn Lý - Trần”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 3 Tập, 1977, 1978, 1988. 2. Nguyễn Thanh Huy, “Hoa cúc trong thơ của thiền sư Huyền Quang”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 391.
Bình luận (0)