Ngôi Cổ Am Quán Thế Âm do Ni cô Tống Thị Sương sáng lập, nơi thờ Đức Bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm, ngôi cổ Am tọa lạc núi Đại Kim Dự (hòn đảo vàng, còn gọi là núi Pháo Đài), tên một ngọn núi nhỏ ở sát vịnh Thái Lan, xưa thuộc tỉnh Hà Tiên, nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Tác giả: Vân Tuyền

Ngôi Cổ Am Quán Thế Âm do Ni cô Tống Thị Sương sáng lập, nơi thờ Đức Bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm, ngôi cổ Am tọa lạc núi Đại Kim Dự (hòn đảo vàng, còn gọi là núi Pháo Đài), tên một ngọn núi nhỏ ở sát vịnh Thái Lan, xưa thuộc tỉnh Hà Tiên, nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Khởi nguyên vào thời họ Mạc Tổng trấn Hà Tiên có nàng Tống Thị Sương, sinh trưởng trong gia đình giàu có, tuổi thanh xuân vừa cặp kê, nữ công tuyệt xảo, Công - Dung - Ngôn - Hạnh tứ đức vẹn toàn, là các tiêu chí để phụ nữ rèn luyện, hoàn thiện bản thân.

Hai người sĩ quan Pháp trên núi Pháo Đài Hà Tiên Ảnh sưu tầm do người Pháp chụp INDOCHINE Deux Officiers du 11e RIC au cap de Phao Dai Citrate

Nhiều nhà quyền thế cao sang cậy nhờ những ông mai bà mối kết nối những trái tim tới lui nườm nượp nhưng tất cả đều bị từ chối, cô chỉ nói đợi khi nào có đức Phật chỉ giáo thì mới kết nhân duyên phu thê với ai đó phải lòng. Song thân phụ mẫu không hiểu ý nhưng cũng miễn cưỡng chiều ý con gái yêu quý.

Lúc bấy giờ có vị Tăng sĩ Phật giáo đạo hiệu Ngộ Chân tu hành nghiêm túc, chỉ chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà chứ không giảng kinh thuyết pháp, ăn mặc đơn giản, mỗi ngày chỉ ăn một bữa chỉ dùng rau quả chứ không dùng ngũ cốc, Ngài có pháp thuật thần thông biến hóa khôn lường, thiên hạ quen gọi là “Thái Tăng” tức nhà sư chỉ ăn thuần rau quả.

Cổng vào trại lính trên núi Pháo Đài Hà Tiên Ảnh sưu tầm do người Pháp chụp Vietnam COCHINCHINE Hà Tiên Entrée de Pháo Đài Citrate

Tích truyện dân gian thật ngộ, đặc sắc chất phóng khoáng và chân chất của mảnh đất Nam bộ. Hôm nọ thầy Ngộ Chân đi ngang qua ngõ thấy nàng Tống Thị Sương phơi áo lót bèn hớn hở vào nài nỉ hỏi xin, bảo là để nguyện cúng dường Đức Phật. Khi ấy cha mẹ cô nổi cơn tức giận mắng đuổi nhà sư, cô ra khuyên giải mãi mới yên chuyện.

Thầy Ngộ Chân cười sảng khoái thật to tiếng xua tan những nỗi ưu phiền rồi đi mất. Từ đấy, nàng Tống Thị Sương lúc nào cũng thấy hình ảnh đức Phật hiện ở bên mình, phát khởi từ bi tâm, ít nói và thường nhất tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, dứt bỏ trần duyên, nguyện xuất gia tu học Phật pháp, nguyện suốt đời hướng về thế giới Tây phương Cực lạc, phụng thờ Đức Bồ tát Quán Thế Âm.

Song thân phụ mẫu và các thành viên trong gia đình khuyên bảo mãi mà không được, đành phải để cô dựng một cái Am tranh phía bên trái đỉnh núi Đại Kim Dự để sớm hôm tụng kinh, niệm Phật hòa nhịp với tiếng chuông mõ xua tan mùi tục lụy.

Cổng vào trại lính trên núi Pháo Đài Hà Tiên Ảnh sưu tầm do người Pháp chụp Vietnam COCHINCHINE Hà Tiên Entrée de Pháo Đài Citrate

Từ khi an cư nhập thất tu hành, Ni cô Tống Thị Sương tự tay thêu bức tượng Bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm với kích thước to bằng người thật, đặc biệt mỗi lần xỏ mũi kim xuống mặt vải là Ni cô niệm Chân ngôn thần chú Đại Bi Tâm Đà la ni một lượt rồi mới rút mũi kim, vì thế mà bức chân dung thêu phải trải qua ba tháng mới xong, sắc thái bức tượng thêu hình ảnh Bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm linh động như Bồ tát đang tại thế, các danh họa đều không bì kịp.

Đồng thời lúc bấy giờ, Phật giáo dần hưng thịnh, trước đó có các vị Thiền sư nổi tiếng tiêu biểu như Thiền sư Minh Dung Pháp Thông, khai sơn trụ trì Địa Tạng sơn Địa Tạng Tự (viên tịch năm 1749?), Thiền sư Ấn Đàm khai sơn trụ trì Vân Sơn Bạch Tháp tự, viên tịch năm 1737.

Cận ảnh Pháo Đài Hà Tiên Photo Quách Ngọc Bá 1973

Năm 1752, Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích hiệu Thụ Đức Hiên và Sư nữ Phù Cừ (Nguyễn Thị Xuân, 1720-1761), trụ trì Phù Dung Tự sang Trung Hoa thỉnh Tam tạng Kinh điển và nhiều ấn phẩm Phật giáo, tượng Phật, Bồ tát về cúng dường các chùa tại Hà Tiên, đặc biệt Tổ đình Thập Tháp Bình Định còn lưu giữ nguyên bộ Tam tạng Kinh điển do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích, hiệu Thụ Đức Hiên cúng dường. Hà Tiên Thiền tông Phật giáo một thời hưng thịnh, đương thời được người đời ngưỡng mộ, sùng kính truyền tụng rằng:

Hà Tiên đất Phật người hiền; Xứ huyền ca văn hiến.

Ngôi già lam cổ tự Quán Thế Âm của Ni cô Tống Thị Sương đã phế tích, tọa lạc núi Đại Kim Dự. Đảo Đại Kim Dự nằm ở phía Nam trấn. Đảo này ngăn đón sóng cồn, làm hạt ngọc biển của trấn Hà Tiên. Nơi bờ có bắc một cây cầu ván để thông ra vào, phía sau có ngôi cổ Am Quán Thế Âm, phía tả có Điếu đình, người du ngoạn thường khi trăng thanh gió mát đến đây thả câu, phun châu nhả ngọc ngâm vịnh thi phú. Đây là cảnh “Kim Dự Lan Đào” (” (Đảo Vàng ngăn sóng) trong mười cảnh đẹp nhất của trấn Hà Tiên.

金嶼攔濤

一島推嵬奠碧連 橫流奇勝壯河仙 波濤勢截東南海 日月光迴上下天 得水魚龍隨變化 傍崖樹石自聯翻 風聲浪跡應長據 濃淡山川異國懸

Kim Dự Lan đào

Nhất đảo thôi ngôi điện bích liên, Hoành lưu kỳ thắng tráng Hà Tiên. Ba đào thế tiệt đông Nam hải, Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên.

Đắc thuỷ ngư long tuỳ biến hoá, Bàng nhai thụ thạch tự liên phiên. Phong thanh lãng tích ưng trường cứ, Nùng đạm sơn xuyên dị quốc huyền.

Tác giả Mạc Thiên Tích hiệu Thụ Đức Hiên

Dịch nghĩa

Kim Dự Lan Đào

Một dẫy non xanh nước bích liền. Giăng ngang mạch đẹp sông tiên. Đông Nam sóng biển bằng trang cả. Trên dưới trăng trời sáng rực lên.

Rồng cá vẫy vùng trong cõi nước. Đá cây xan xát khắp ven miền. Nghìn thu tiếng gió quanh chân sóng. Đậm nhạt trăng treo nét lạ nhìn.

Dịch thơ: Đông Hồ.

Kim Dự Lan Đào là hòn đảo vàng ngăn chặn sóng to gió lớn từ ngoài biển vào; ngụ ý nói rằng, Hà Tiên có tầm quan trọng trong việc che chắn cho giang sơn của chúa Nguyễn.

Bài thơ ca ngợi hòn đảo Kim Dự nguyên tác bằng chữ nôm của Quốc lão Mạc Thiên Tích hiệu Thụ Đức Hiên, năm 1960 do thi sĩ Đông Hồ chỉnh và sắp xếp lại từ các bản dịch xuất bản từ năm 1904 trước đó như sau:

Kim Dự này là núi chốt then, Xanh xanh dành trấn cửa Hà Tiên, Ngăn ngừa nước dữ không vùng vẩy, Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng,

Thế cả vững vàng trong Bắc hải, Công cao đồ sộ giữa Nam Thiên, Nước yên chẳng chút lông thu động, Rộng bủa nhân xa tiếp bách xuyên.

Theo truyền thuyết dân gian, Kim Dự ngày xưa là một hòn đảo nhỏ, có con Giao Long (loài Thủy quái, thân hình dài tựa như loài Rắn, không chân hoặc có chân, trên đầu có mào hoặc sừng như lân, miệng có nanh sắc nhọn) ẩn mình dưới núi. Khi nó cựa mình thì làm cho hòn đảo lay chuyển, khi trôi ra xa, khi dạt vào gần bờ.

Do núi Kim Dự có vị trí hiểm yếu, phòng thủ, trấn giữ phía biển của trấn Hà Tiên, năm Tân Mão, Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), Vương triều nhà Nguyễn cho đắp đồn lũy trên núi, đặt súng thần công, từ đó ngọn núi nhỏ này có tên gọi là núi Pháo Đài.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh và chia tỉnh Hà Tiên thành các hạt tham biện Hà Tiên, Rạch Giá và Bạc Liêu, thời này trên Pháo Đài (núi Đại Kim Dự) đã thiết lập một ngọn Hải Đăng và có nhân viên người Pháp quản lý.

Trong thời gian Hà Tiên chưa có bệnh viện, người Pháp dùng mặt bằng trên Pháo Đài để làm trạm y tế. Đến khi bệnh viện Hà Tiên được xây dựng, người Pháp kiến tạo một ngôi nhà nghỉ mát trên mặt bằng Pháo Đài với tên gọi Bungalow (một loại hình nghỉ dưỡng được ưa chuộng bởi sự tiện nghi và mới mẻ đem lại cho du khách).

Cận ảnh Pháo Đài Hà Tiên ngày nay thời thanh bình
Một phần vỉa hè phía mé sông của Đài Kỷ Niệm Hà Tiên hình chụp từ phía chợ cá xưa Phía xa xa là núi Pháo Đài Photo Kim Lý thập niên 1970.

Trong thời chiến tranh 1960 -1970 ngọn Hải Đăng bị hoang phế. Pháo Đài trở thành căn cứ quân sự, có tiểu đoàn 528 Địa Phương Quân đóng trên đó, lúc đó Đại Úy Trần Văn Thiệt trên cương vị tiểu đoàn trưởng, dân chúng không được lui tới. Khoảng giữa thập niên 1970, Hải quân Mỹ đóng quân trên Pháo Đài và chuyển giao tàu thuyền cho lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, chiến tranh Việt Nam chấm dứt, sau khi thống nhất đất nước, sau một thời gian quản lý, chính quyền địa phương đã cho phép triển khai mặt bằng Pháp Đài thành một nơi du lịch, có khách sạn, các sinh hoạt trên mặt bằng Pháo Đài hoàn toàn có tính chất dân sự, khách du lịch đến nghỉ qua đêm và có cửa hàng ăn uống rất phồn thịnh.

Hiện tại, khách sạn nhà hàng Pháo Đài dưới sự quản lý điều hành của cư sĩ Phù Vang, một trong những doanh nhân Phật tử trẻ tiêu biểu trong xã hội doanh nghiệp thành phố Hà Tiên. Khách sạn ba sao nổi tiếng Pháo Đài Hotel tọa lạc tại 1 Mạc Thiên Tích, phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên, Kiên Giang.

Tác giả: Vân Tuyền