Có một sự thảo luận vẫn luôn tồn tại dù cho chúng ta có để tâm hay không, chính là quan điểm: “Phật giáo hiện nay là sự giao thoa của Phật giáo và Vệ đà

Vệ đà là triết lý cổ của Ấn Độ, ra đời rất lâu trước khi có đạo Phật (trước đạo Phật ít nhất khoảng gần 1.000 năm), là nền tảng cho Bà la môn giáo, Hindu (Ấn Độ giáo) sau này. Cho tới nay, có những hoài nghi về việc sau khi đức Phật Thích ca Mâu ni nhập Niết bàn, Ấn Độ trải qua nhiều cuộc khủng hoảng lịch sử, cùng với dòng chảy quá lâu của thời gian mà từ đó dẫn tới việc “giao thoa” là việc bình thường của tiến trình nhân loại.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ rằng sự giao thoa này không nằm trên phương diện xấu, hay tốt, mà chỉ tồn tại ở góc độ tham khảo, đối chiếu và hiểu biết thêm giáo lý triết lý cổ. Có một nhận định rất đáng giá như sau: “Nếu là chân lý, hiển nhiên các đạo đều giống nhau, nếu khác thì chỉ khác ở cách tiếp cận và cách diễn tả lại chân lý đó mà thôi!”

Ảnh phục chế bởi AI
Ảnh phục chế và thiết kế bởi AI

Phần I. Nguồn gốc và kết cấu của kinh Vệ đà

1. Nguồn gốc kinh Vệ đà

Thực tế thì không ai chứng thực được thời gian chính xác, các nhà khảo cổ chỉ áng chừng được sự xuất hiện của Vệ đà giáo ở khoảng năm 1.500 TCN, tuy nhiên nhiều người tin rằng nội dung lời dạy của Vệ đà có lẽ đã được lưu truyền trong dân tộc Ấn cổ từ trước đó, khoảng năm 2.000 TCN. 

Kinh Vệ đà cũng được cho rằng là thuộc người Ấn Aryan (Aryan là một chủng tộc di cư, sống theo dạng bộ lạc du mục, được cho rằng tới đồng bằng sông Ấn xâm chiếm và sinh sống tại đây).

Kinh Vệ đà không do 1 cá nhân nào sáng tạo ra, mà gần giống như tập hợp lại của sự lưu truyền thế hệ, các văn bản thiêng liêng của Ấn Độ giáo, được xem là "sruti" (nghĩa là những điều được nghe thấy, truyền nói lại), và được cho là do các nhà hiền triết nói rằng mình được nghe trực tiếp từ thần thánh qua các trạng thái thiền định sâu sắc. Các bản kinh này được truyền miệng qua nhiều thế hệ trước khi được viết ra. 

2. Kết cấu kinh Vệ đà

Kinh Vệ đà được chia làm 2 phần chính đó là “Thánh ca” (gọi là Mantra), phục vụ cho “Nghi thức tế tự” (gọi là Brahman). Trong kinh Vệ đà gồm có 4 bộ:

2.1. Rig - Veda (viết đầy đủ là Rig - Veda Samhita)

Là tri thức về các thánh ca, ca tụng thần linh dưới dạng thi ca. "Rig" có nghĩa là "tán ca" và "Veda" có nghĩa là "tri thức".

Nó là nguồn gốc triết lý đầu tiên và rất phong phú của Ấn Độ giáo, là thánh ca ca tụng công đức sự nghiệp của các đấng thần linh, những thế lực mà người Ấn Độ - Aryan sùng kính như mặt trời, mặt trăng, vòm trời, tinh tú, gió, mưa, đất, rạng đông, v.v...

Trong đó có hai vị thần được nhắc đến nhiều nhất là thần Sấm sét Indra và thần Lửa Agni.

2.2. Sama - Veda (viết đầy đủ là Sama - Veda Samhita)

Được gọi là "Ca vịnh Veda", bởi do chữ "sàman" có nghĩa là "giai điệu", là tri thức về các giai điệu, ca chầu, cầu nguyện thần linh trong lễ hiến tế. Trong lễ hiến tế người ta đồng thanh hát ngân nga những bài ca thường được mở đầu và kết thúc bằng từ OM (còn được viết là Aum) huyền bí, thiêng liêng. 

2.3. Yajur - Veda (viết đầy đủ là Yajur - Veda Samhita)

Đây là tri thức về các nghi lễ, tế lễ gọi là "Tế tự Veda" vì nó xuất phát từ chữ "yajus" nghĩa là "thần chú", là bộ kinh tập hợp những công thức khấn bái thần linh trong nghi lễ hiến tế, dạy những thể thức hành lễ theo trật tự thứ bậc các vị thần. Kinh này còn dạy về cách bày các lễ vật trong khi cúng tế. 

2.4. Atharva - Veda

Đây là tri thức về các thần chú, gồm phần lớn là các công thức thần chú, ma thuật, phù phép, tương truyền được truyền lại để cầu phúc, cầu tài, giải hạn, đem lại điều tốt lành may mắn cho bản thân, người thân và gieo tai họa cho kẻ thù. 

Có loại thần chú để khiến cho bệnh tật không làm cho con người đau đớn, và có cả loại thần chú để có con và sống lâu, v.v... Trong kinh Atharva - Veda có những đoạn kể về các bệnh và nêu triệu chứng của chúng. Các y sĩ Ấn Độ thời đó cho mọi bệnh đều do sự thác loạn của không khí, nước, đờm, dãi, máu gây ra và cho trị bệnh bằng thảo dược và bùa, v.v... 

Mỗi bộ kinh đó lại gồm có bốn phần

Phần 1 - Mantra: Tức thánh ca, ca tụng cầu nguyện thần linh dưới dạng thi ca.

Phần 2 - Brahmana: Phạn chí hay kinh Bà la môn, là những bài kinh cầu nguyện giải thích các nghi thức tế tự chuyên dùng cho các tu sĩ chức sắc cao cấp Bà la môn (Brahmin).

Phần 3 - Aranyaka: Gọi là kinh Rừng hay Sâm Lâm thư, dùng cho các nhà tu khổ hạnh. Đó là những đạo sĩ già, lúc đã trả xong nợ dòng tộc, không còn đủ sức chủ trì các buổi tế lễ nữa, họ lui về chốn rừng sâu tĩnh mịch để thiền định, trầm tư mặc tưởng về lẽ uyên nguyên của vũ trụ, về bản chất của đời sống, về giá trị nhân sinh, (ví dụ như quán tưởng một số biểu tượng thiêng liêng như chữ OM, là âm mẹ mở đầu cho bảng chữ cái tiếng Sanskrit, là ngôn lời tượng trưng cho Brahman...)

Phần 4 - Upanishads: Gọi là Áo nghĩa thư (nghĩa là sách có ý nghĩa thâm sâu uyên áo), là những kinh bình chú, chú giải có tính chất triết học - tôn giáo, giải thích phát triển ý nghĩa triết lý sâu xa của Veda. Upanishads được coi là tác phẩm triết học hoàn chỉnh của triết học Ấn Độ, trong đó nêu lên hàng đầu về nguyên lý vũ trụ, tinh thần sáng tạo vũ trụ, tuyệt đối tối cao - Brahman, về bản chất và ý nghĩa của đời sống tâm linh con người, dùng cho các triết gia.

Phần II. Khái quát bộ Upanishads – Tư duy triết lý triết học

“Upanishad” được ghép từ chữ “Upa: gần”, chữ “shad: ngồi”, dịch theo nghĩa từ một cách cơ bản là “Ngồi gần thầy để được học đạo”, hay được gọi là Áo nghĩa thư như bên trên, hoặc là “Thị toạ”.

Ở đây, chúng ta sẽ đi sâu vào bộ Upanishads để phân tích. Bởi phần đầu của kinh Vệ đà được nhiều nhà học giả nghiên cứu cho rằng chúng chỉ là sự lượm nhặt, sưu tầm tất cả những câu vịnh, tập tục, nghi lễ, quan niệm thần thoại của nhiều địa phương, dọc theo con sông Ấn.

Cố Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru còn thẳng thắn nhận xét rằng “Đó là một mớ lộn xộn nhiều thứ.”

Đối với kinh Upanishad, thì được xem gần như là quan trọng nhất của thánh kinh Vệ đà. Nó là những lời bình chú tôn giáo triết học về các lễ thiết yếu và ý nghĩa triết lý sâu xa của các bài kinh cũng như các bản thần thoại Vệ đà.

Sự xuất hiện của Upanishad đánh dấu bước chuyển từ thế giới quan thần thoại tôn giáo sang tư duy triết học. Nó là tác phẩm triết lý tâm lý cổ xưa và đặc sắc của nhân loại. Triết gia Schopenhauer nói: "Những tư tưởng thâm thúy, thăng hoa độc đáo thoát ra từ mỗi câu văn và toàn thể pho kinh đều thấm đượm một tinh thần thánh thiện, cao siêu và thành khẩn. Khắp thế giới không có gì ích lợi nâng cao tâm hồn con người bằng các Upanishad”

Về thời gian hình thành, phần đông học giả cho rằng bộ này được xuất hiện khoảng thế kỷ VIII TCN – thế kỷ V TCN. 

Đây là thời kỳ mà Karl Jaspers đã mệnh danh là "Thời đại trục" (Période axiale) của lịch sử loài người, tức là thời kỳ với sự biến đổi của đời sống xã hội, cùng sự phát triển của nhận thức, lần đầu tiên ở Hy Lạp, Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại, nhân loại đồng loạt xuất hiện những hình tượng từ bỏ “vương quốc của thần thoại tôn giáo” để tiến bước mạnh mẽ sang tư duy triết học.

Các giáo lý chuyển từ việc thần thánh hoá thế giới tự nhiên sang tìm hiểu chính cuộc sống và thế giới nội tâm của bản thể cá nhân, với những nhà triết học lớn đặt mốc cho bước ngoặt lịch sử ấy, đó là Socrate, Platon, Aristote ở Hy Lạp; Khổng Tử, Lão Tử ở Trung Hoa; Phật Thích Ca và các tác giả của Upanishad ở Ấn Độ.

Họ không còn mải mê cầu nguyện, ca ngợi thiên nhiên bao la, hùng vĩ và huyền bí nữa; mà với sự phát triển của trình độ nhận thức, họ đặt ra những câu hỏi về bản chất và ý nghĩa của cuộc sống, suy tư về sự tồn tại của mình.

Phần III. Triết lý Upanishad và sự tương đồng Phật giáo Bắc truyền

1. Tiếng OM thiêng liêng (AUM) giữa Vệ đà và Phật giáo Mật tông

Đối với người dân Ấn Độ cổ đại cụ thể là người Ấn Aryan với sự lưu truyền kinh Vệ đà của mình, tiếng OM hay AUM được quan niệm là loại âm thanh thiêng liêng, khởi nguồn của mọi thứ, của sự sống vũ trụ. Để dễ hình dung, thì chúng ta có thể coi chữ OM tương đương thuyết vụ nổ Big Bang của 1 trường phái khoa học hiện đại. 

Đối với hệ thống triết học Upanishad, tiếng OM được dịch là “Tất cả”. Trong kinh Mandukya Upanishad, tiếng OM được định nghĩa là bao gồm cả quá khứ, hiện tại, tương lai.

Kinh Katha Upanishad viết: “Tiếng OM thiêng liêng đó chính là Brahman là tối cao”

Trong các Upanishad, âm OM được coi là biểu tượng thiêng liêng và mạnh mẽ nhất, tượng trưng cho toàn bộ vũ trụ và là âm thanh nguyên thủy đại diện cho Brahman - thực tại tối thượng và bất biến trong triết học Ấn Độ giáo. Bên cạnh bộ Mandukya Upanishad, thì bộ Chandogya Upanishad, và Taittiriya Upanishad cũng đề cập đến việc tụng niệm âm OM như một con đường dẫn đến sự hòa nhập với Brahman.

Đặc biệt tập trung vào âm OM vượt qua ba trạng thái của ý thức: Thức, mơ, và ngủ sâu, đến trạng thái thứ tư là Turiya, gắn liền với Brahman.

Chandogya Upanishad nhấn mạnh rằng việc tụng âm OM là phương tiện giúp kết nối với Brahman, đồng thời khai sáng tâm trí và linh hồn để nhận thức được bản chất thật của thực tại.

Taittiriya Upanishad cũng nói rằng OM là biểu tượng cho Brahman và là công cụ thiền định dẫn dắt tâm trí đến sự nhận thức về Brahman.

Nét tương đồng với Phật giáo Mật tông

Điều đầu tiên chúng ta cần biết là âm OM không do hệ thống giáo lý Phật giáo sáng tạo ra, mà âm này vốn đã có từ xưa cùng với tinh thần người dân Ấn Độ cổ, đặc biệt là xuất hiện trong các bộ Vệ đà.

Ảnh phục chế và thiết kế bởi AI
Ảnh biểu tượng âm OM (Thiết kế bởi AI)

Cả các bộ Upanishad lẫn Phật giáo Mật tông đều nhấn mạnh tới thần lực của âm thanh OM như một phương tiện sức mạnh thần bí, uy lực.

Mang ý nghĩa biểu tượng

Đối với Phật giáo Mật tông, khởi nguồn của một câu thần chú, chiếm rất lớn là có bắt đầu bởi âm “OM”. Những câu tụng phổ biến của Phật giáo Mật tông như: “Om Mani Padme Hum”, “Om Tare Tuttare Ture Soha”, “Om Ami Dewa Hrih”,… 

Các âm tiết OM và cả các âm tiết khác trong câu tụng của Mật tông cũng đều được coi là những âm thanh thiêng liêng, mang tính biểu tượng năng lượng như cách mà OM thể hiện trong giáo lý Upanishad. 

Tinh thần mong cầu - Tôn vinh bậc thánh

Chữ OM trong các câu tụng của Upanishad thể hiện ý nghĩa mong cầu bình an, bảo hộ, giúp đỡ, cầu xin thần linh cứu khổ chúng sinh. Thì tương tự vậy, các câu tụng của Mật tông cũng mang nét tương đương.

Các câu tụng Mật tông có thể dùng để cầu thỉnh bình an, có thể cầu tới các vị Phật, Bồ tát lắng nghe và tới giúp đỡ,…

Bên cạnh đó, nếu như Rig Veda là tập hợp các bài thánh ca dùng để tôn vinh công đức của những vị thần tối cao mà con người tin tưởng, thì thần chú Mật tông cũng có những nét ca ngợi uy lực, hạnh nguyện lớn lao của chư Phật, chư Bồ tát.

Mang mục đích đạt tới sự tột cùng

Các bộ Upanishad quan niệm rằng việc hành thiền với tụng chú OM sẽ hỗ trợ kết nối với linh hồn tuyệt đối của vũ trụ, phát khởi trí tuệ. Nhờ có sự hoà với linh hồn này (Brahman) mà con người sẽ giải thoát khổ đau luân hồi.

Nếu chúng ta thay đổi 1 số từ ngữ, chúng ta sẽ có ý niệm liên quan tới Mật tông đó là

Hành thiền với tụng chú sẽ đưa tới sự nhất tâm, chuyên chú, định tĩnh, phát khởi trí tuệ. Nhờ có định, tuệ này mà con người chứng được Niết bàn, giải thoát khổ đau luân hồi.

Sự tương đồng ở đây chính mục đích hành trì để đạt tới điểm cuối cùng là thoát khổ đau, nếu đối chiếu theo ý niệm 2 bên, ta có thể nhận thấy sự thay đổi hình thức từ ngữ mà thôi. Nếu Upanishad quan niệm nhập với thực thể tối cao Brahman, thì tương đương với hình thái Giác ngộ của Mật tông, và cả 2 bên giáo lý đều thực hành thông qua hình thức tụng niệm thần chú siêu việt.  

2. Tương đồng giữa Upanishad với Duy Thức học và Thủ Lăng Nghiêm

Kinh Chândogya Upanishad viết: 

"Đầu tiên, nguyên thủy chỉ có một thực tại duy nhất không hai. Một số cho rằng nguyên thủy, đầu tiên cái không tồn tại là duy nhất, chỉ duy nhất, không hai, và từ cái không tồn tại đó, tồn tại được sinh ra. Đó chính là Brahman. Brahman có nghĩa là toàn tri toàn năng, là nguyên lý cấu tạo nên và chi phối vũ trụ, là nguyên nhân của hết thảy mọi sự sống. Nó là cái do đó mọi vật sinh ra, cái nhờ đó mọi vật sinh trưởng, cái trong đó mọi vật nhập vào sau khi tiêu tan, cái đó chính là Brahman."

Duy Thức cũng quan niệm về nguồn khởi của mọi thứ chỉ là 1, không 2, vốn không có sự đối đãi phân biệt, rồi từ đó có sự đối đãi chủ thể (gọi là năng) với đối tượng bị phân biệt (gọi là sở) mà từ đó là nền tảng hình thành vạn vật. 

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng tương tự vậy, giáo lý được ví dụ thông qua 1 cái khăn, chiếc khăn vốn là 1, nhưng do đối đãi phân biệt mà có 2 đầu, rồi cũng từ cái khăn khi buộc thắt lại, thì bỗng có cái nút, trong khi cái khăn thì chỉ đồng 1 thể là cái khăn. Nói rộng ra, chính là Chân tâm và Tâm phan duyên, vốn chỉ từ có 1 thể tâm, mà đối đãi phân biệt tạo ra vạn vật, sinh ra bám chấp. 

"Brahman không lớn, không nhỏ, không ngắn, không dài, không rực rỡ, không tối tăm, không mùi, không vị, không mắt, không tai, không tiếng nói, không hơi thở, không trong, không ngoài, không bị tiêu hủy".

"Brahman là cái vô hình và không thể nắm bắt, không thể lấy gì suy nghĩ và không màu sắc, lại không mắt không tai, không chân nhưng hằng hữu, nhưng không có chỗ nào không thấu khắp cả và là cái không thể sờ đụng, cái không, không ở đâu không có nó... như tử cung, sinh vạn vật".

"Cái ấy, cái mà con người không thể dùng lời mà diễn tả được, nhưng nhờ đó mà có ngôn ngữ. Chính cái ấy là Brahman chứ không phải là Đấng mà con người thờ phụng ở cõi đời này. Cái ấy, cái mà con người ta không thế lấy phàm thức mà tưởng nghĩ được, nhưng nhờ đó mà có trí tuệ. Chính cái ấy là Brahman, chứ không phải là Đấng mà con người thờ phụng trên cõi đời này.”

Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, Chân tâm cũng là thứ không thể diễn tả được bằng ngôn từ, không thể đo lường, không bên trên, không bên dưới, không trong, không ngoài, không ở giữa,… tóm lại, chính là không thể chỉ ra nó ở đâu mà chỉ có thể trực nhận. 

Một số phân đoạn khác trích trong Upanishad mà chúng ta có thể cảm nhận được trong đó có vài nét “ý nghĩa tương đồng” với Thủ Lăng Nghiêm và Duy Thức học như sau:

Đoạn 1: "Mọi sự vật, hiện tượng có hình tướng, danh sắc thiên hình vạn trạng, luôn luôn biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, kể cả con người đều "toát ra" từ "Tinh thần vũ trụ tối cao", là sự biểu hiện khác nhau của "Tinh thần vũ trụ tối cao" và hòa nhập với nó sau khi tiêu tan."

“Tinh thần vũ trụ tối cao” tương đương với Chân tâm của Thủ Lăng Nghiêm, và Bản thể Thức Chân như của Duy Thức học.   

Đoạn 2: "Toàn bộ vũ trụ đều là Brahman. Không ở đâu không có Brahman tồn tại, tác động và chi phối. Brahman là cái ngã vũ trụ đại đồng thì Atman là cái ngã cá nhân. Nhưng vì Atman chỉ là một bộ phận của Brahman trong sự vật, hiện tượng, cho nên về bản chất Brahman và Atman là một. Chúng chỉ khác nhau về hình thức thể hiện mà thôi."

Đoạn 3: "Brahman chỉ có một, còn Atman thì rất nhiều. Nhưng cái điều ấy chỉ là một giả tướng mà thôi. "Tinh thần vũ trụ tối cao" Brahman tựa như đại dương mênh mông, còn linh hồn cá nhân bất diệt hay tự thể Atman của con người và hết thảy chúng sinh tựa như những đợt sóng của biển cả. Những đợt sóng đó có hàng muôn triệu và mỗi con sóng tựa hồ như có một cá tính riêng của mình."

Đoạn 4: "Tất cả những đợt sóng ấy tuy khác nhau về hình thức biểu hiện, nhưng về thực chất chúng đều là một thể duy nhất, tối hậu, đó là nước của đại dương mênh mông cả. Nước của đại dương chính là cái bản chất phẳng lặng, thường tịch, tuyệt đối tối cao, bất diệt, bất sinh của bản thể vũ trụ, còn sóng chỉ là một thực tại có tính chất tương đối, huyền ảo."

Phân đoạn này, ngoại trừ ý niệm cái ngã không được chủ trương trong Phật giáo nói chung, thì phần mục đích truyền tải lại có sự tương đồng ý niệm của Thủ Lăng Nghiêm và Duy Thức học. Upanishad cho rằng bản chất là một, chỉ khác hình thức mà thôi. 

Thủ Lăng Nghiêm giáo huấn chúng sinh phải trực nhận sự bao trùm của tâm tuyệt đối, vạn vật đồng một tự tính, chỉ khác bởi hình tướng và do sự phân biệt hình sắc mà thành. 

Xét trên luận Duy Thức, ta cũng có thể hiểu ý niệm Duy Thức truyền tải như sau:

Thức gồm có 2 phần, 1 phần bản thể kêu là chân như, tức là yên lặng từ bao giờ, từ vô thuỷ (gọi là vô bản chất tính cảnh), 1 phần là vọng động (hữu bản chất tính cảnh). Vô bản chất tính cảnh dịch là cảnh mà không có bản chất, hữu bản chất tính cảnh dịch là cảnh mà có bản chân, thực ý nói về cảnh không phân biệt và cảnh có phân biệt.

Vô bản chất tính cảnh không có hình tướng gì hết, hữu bản chất tính cảnh thì có hình tướng, nhưng hai thứ này lại chẳng dời nhau.

Ví dụ như biển, vô bản chất tính cảnh là nước biển, còn hữu bản chất tính cảnh là sóng. Sóng với nước trong biển đều chung 1 bản thể, nước biển là ví dụ cho chân như, khi nước biển hiện ra hình tướng sóng, thì sóng chính là hữu bản chất tính cảnh.

Gọi nước, và sóng là 1 thì sai, nhưng nói là 2 thì cũng lại không chính xác, vì sóng và nước vốn chung 1 bản thể. Khi phân biệt ra nước và sóng rồi thì ta nhận thấy nước thì vẫn là nước, còn đã là sóng thì sinh diệt từng sát na, từng chu kỳ, sóng này diệt thì sóng khác sinh, chẳng thể tìm thấy cơn sóng đầu tiên là cơn sóng nào và có từ bao giờ. Nước là cái thể của sóng, còn sóng là cái tướng của nước.

Hiểu như vậy thì rõ, sự phân chia là để phân tích cái hành tướng, chứ không phải nước và sóng tách thành 2 thứ khác nhau. Tương tự như vậy, chân như và vọng tưởng, gọi là 1 thì sai, nhưng là 2 thì không đúng, vốn chỉ là 1 thể Thức, chân như là thể, vọng là tướng. Chúng sinh dùng ý thức theo loài, phân biệt vọng động và chân như, đi theo vọng động, từ vọng động như cơn sóng bị cuốn trôi đi, từ vô thuỷ thời gian, rồi có tướng này, lại sinh tướng kia,…

Sự cuốn theo vọng động tạo ra đới chất cảnh, tức là những cảnh có sự liên đới tới bản chất. Thực chất ý nói tới cảnh ý thức làm chủ thể duyên với cảnh bị duyên. Cảnh bị duyên gá nương nơi bản chất vốn chung là thể Chân như, nhưng ý thức theo loài thì chỉ nhận tướng phần để dung nạp vào A-lại-da thức.

Hình tướng đã có thì Thức cũng sinh ra những diệu dụng khác nhau để làm chủ thể, tuy cùng 1 bản thể, nhưng có những dụng khác nhau để đối đãi với hình tướng.

Lời kết

Nói về Atman và Brahman, kinh Bhagavad Gita, kinh Katha, kinh Brihâdranyaka giải thích cơ bản như sau:

"Atman đồng nhất với Brahman, nên về bản chất linh hồn cũng tồn tại mãi mãi, tuyệt đối bất diệt như "Tinh thần vũ trụ tối cao". Nhưng do linh hồn bất tử được thể hiện trong thể xác con người nên con người ta lầm tưởng rằng linh hồn cá biệt là cái khác với "Linh hồn vũ trụ tối cao", là cái của ta, do ta. Những tình cảm, ý chí, dục vọng, những hành động của thể xác nhằm thỏa mãn mọi ham muốn của con người trong đời sống trần tục đã che lấp bản tính chân thật của mình, gây nên những hậu quả giam hãm, ràng buộc linh hồn bất tử đầu thai vào hết thân xác này đến thân xác khác, với các hình thức khác nhau từ kiếp này sang kiếp khác, gọi là luân hồi (samsara)." 

Đây là phân đoạn tôi đánh giá là rất đáng quý. Loại bỏ ngôn từ đề cập tới ý niệm linh hồn, thì nội dung truyền tải có sự tương đồng rất lớn với kinh Thủ Lăng Nghiêm và Duy Thức học trên phương diện "Tâm phan duyên - Ý thức vô thường""Chân tâm tuyệt đối thường trụ - Thể thức chân như không đổi".

Trên phương diện 2 nền tảng giáo lý này của Phật giáo, chúng ta có thể chuyển thể đoạn trên như sau:

Ý thức phân biệt bị diệt, thì chứng ngộ Chân tâm, bản thể vô sinh vô diệt hiển lộ. Nhưng do chúng sinh bị ý thức con người khiến ta lầm tưởng cái ý thức nhận biết là mình, không nhận được Chân tâm, nhận hết vật này, vật kia, suy nghĩ này, suy nghĩ kia là ta, là của ta. Những tình cảm, ý chí, dục vọng,… sự tham ái, vô minh trong đời sống trần tục đã che lấp trí tuệ sáng suốt, không trực nhận được Chân tâm gây nên những hậu quả giam hãm, ràng buộc chúng sinh tái sinh vào hết thân xác này đến thân xác khác, với các hình thức khác nhau từ kiếp này sang kiếp khác, gọi là luân hồi (samsara). 

Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp

***

Tài liệu tham khảo

1. VEDA UPANISHAD - Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ, biên tập: Doãn Chính (Chủ biên), Vũ Quang Hà, Nguyễn Anh Thường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001

2. Duy Thức học, dịch giả: HT. Thích Thiện Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2020

3. Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, biên dịch: Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897 – 1969), NXB Tôn Giáo, 2021