Pháp Vương Tử
1. Câu hỏi đã có tự "ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi", vậy mà đến hôm nay, khi nhân loại đã tiến bước vào những năm đầu của thập niên thứ ba, thế kỷ thứ 21 - câu hỏi ấy vẫn đang còn là nỗi khắc khoải, vẫn đang còn là ẩn số đối với không ít con người trên hành tinh.
Số phận hay số mệnh là quan niệm từ nghìn xưa của các trường phái triết học như Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh luận của Nho giáo. Phương tây cũng có những quan niệm về số học, thần học... na ná đồng nghĩa như vậy.
Những quan niệm này được truyền tụng, được lan xa rồi trở thành "tín ngưỡng" hoặc như là... TÍN NGƯỠNG - vì phần nào nó chưa đựng yếu tố huyền bí, thiêng liêng trong đời sống con người, cho dù nó chưa đáng được... tin cậy, nhưng nó lại luôn có giá trị... "sống với" để phát triển năng lực bên trong vì thế nó có YẾU TỐ TÔN GIÁO.
Trong cuộc sống thường ngày ta vẫn thấy có người luôn gặp may, có người luôn gặp xui xẻo. Vấn đề là, cái gì giúp họ gặp may và điều gì khiến người ấy cứ mãi gặp chuyện chẳng lành vậy? Phải chăng đó là số phận; Biết vậy mà vẫn đi coi bói làm gì? Rồi tìm đến một thầy, nghe nói... tài lắm. Sau khi thầy nghe trình bày liền phán rằng: Tại số phận. Rồi thầy gieo quẻ chọn cho ta một... số phận theo ý muốn tựa như chọn quần áo, dày dép.... cũng còn có số nữa là.
Nghe qua thì cũng có chút... thuyết phục, còn người có chút hiểu biết viện dẫn lời Einstein, minh triết rằng: "Sự khác biệt giữa thiên tài và kẻ ngu dốt là ở chỗ: Thiên tài luôn có giới hạn!". Giới hạn chính là số phận chứ sao? Ôi trời! So sánh khập khiễng đến thế là cùng.
Trở lại với 3 quan niệm của nho giáo về vấn đề số phận của con người.
A- Túc mệnh luận cho rằng, mỗi con ngươi đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt. Mỗi cử chỉ, mỗi động tác đều được quyết định trước của quá khứ (Nhất động nhất tác giai do tiền định). Vì thế mọi cố gắng và nỗ lực của con người trong hiện tại đều vô ích.
B- Định mệnh luận: Có cùng quan niệm với Túc mệnh luận nhưng lại nhấn mạnh hơn, cường điệu hơn tính chất bất khả kháng của số mệnh. Phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực của cá nhân.
C- Thiên mệnh luận: Nho giáo quan niệm Thiên mệnh với nhiều nghĩa:
Thiên mệnh là Thiên đạo - tức đạo Trời. Ông trời quy định cho mỗi cá nhân một số mệnh. Con người không thể cãi lại mệnh trời... "Trời kêu ai người nấy dạ!". Mọi cố gắng của con người không nằm ngoài ý trời. Nếu hiểu theo cách này thì Thiên mệnh luận gần với Thần ý luận của các tín ngưỡng tôn giáo sùng kính Thượng đế. Tuy nhiên Thiên mệnh hay Thiên đạo còn được hiểu là luật tắc của tự nhiên (Khổng Tử) - tức nguyên lý vận hành và biến hóa của tự nhiên (Chu Hy). Và nếu vậy thì quan niệm này có tính tích cực, không giống "số mệnh" như đã đề cập ở phần trên.
Tóm lại, số mệnh hay số phận dù theo Túc mệnh luận, Định mệnh luận hoặc Thiên mệnh luận đều có chung tính chất thụ động, tiêu cực - bởi vì nó phủ nhận và triệt tiêu mọi nỗ lực hướng đến sự cải tạo, tiến hóa và phát triển của con người; con người "bị" quyết định, "bị" chi phối bởi một Đấng siêu nhiên, chỉ còn biết vâng theo số mệnh. Như vậy, đâu có sự tu (tự sửa mình), đâu có nhận thức để chuyển MÊ thành NGỘ, chuyển phàm thành Thánh nữa.
2. Đạo Phật không chủ trương và cũng không chấp nhận con người có số phận. Minh triết của đạo Phật nói về sự hiện hữu, sự tồn tại của con người trong giáo lý gọi là NGHIỆP. Nghiệp, là một thuật ngữ Phật học chứ không phải là một nghề nghiệp để mưu sinh. Nghiệp (Sanskit - cổ ngữ Ấn Độ; KaRma) là hành động có tác ý, hay hành động phát sinh từ tâm được thể hiện qua hành động gọi là THÂN NGHIỆP, thể hiện qua ngôn ngữ gọi là KHẨU NGHIỆP, thể hiện trong tư duy, suy nghĩ gọi là Ý NGHIỆP. Còn "nghiệp lực" là sức mạnh của nghiệp. Như vậy nghiệp hoàn toàn do mình tạo ra, rồi chính "nó" trở lại chi phối mình, gọi là "trả nghiệp". Từ đó ta thấy, quá trình trả nghiệp chính là hành trình NHÂN-QUẢ; đó là hai phần giáo lý có sự tương quan mật thiết. Đây là một giáo lý mà con người phải chịu lấy trách nhiệm, hành động của mình, không phải thần linh nào khác đã quy đinh THƯỞNG-PHẠT kiếp sống của con người mà những diễn biến của nó dễ khiến người ta lầm tưởng ĐÓ LÀ SỐ PHẬN!
Và cũng cần lưu ý rằng: Nghiệp và sự vận hành của nhân quả chỉ GẮN LIỀN với MỘT CHÚNG SINH TẠO TÁC (Trong đó có Con người). Còn như các tiến trình nhân quả của tự nhiên vận hành trong vũ trụ như nước chảy, mây bay, mưa gió, sấm chớp,... không thể gọi là NGHIỆP.
Đức Phật Thích ca đã nói về nghiệp trong Kinh Trung bộ III rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp; là kẻ thừa tự nghiệp". Trong "nghiệp" cũng có nghiệp thiện, nghiệp ác. Nghiệp thiện gọi là PHÚC NGHIỆP, nghiệp ác gọi là TỘI NGHIỆP. Một khi đã tạo nghiệp thì phải trả nghiệp, không thể trốn tránh được. Đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820), trong tác phẩm "Kiều" đã "phân định" nghiệp rõ ràng rằng: "Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần đấy xa", rồi khuyên rằng "Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Ta thấy, cái tài của Đại thi hào ở chỗ, Ngài đã nói được vấn đề lớn của TRIẾT HỌC bằng ngôn ngữ hồn nhiên của Văn học.
3. Điểm khác nhau cơ bản giữa Nghiệp và Số phận ở chỗ: Nghiệp, do chính con người tạo tác, có tính chất duyên sinh, bất định tính (tức là, luôn thay đổi theo những điều kiện (duyên) nên không cố định) và Vô ngã, vì thế nên Nghiệp có thể chuyển hóa được, từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện - và ngược lại. Nghiệp tạo ra muôn hình vạn trạng nơi thế gian như giàu nghèo, may rủi, xấu đẹp, sinh tử, hạnh phúc, bất hạnh, có không, được mất... vì mỗi người tạo một nghiệp nhân khác nhau nên có Quả nghiệp khác nhau. Cái mà ta vẫn gọi là "số phận" chính là NGHIỆP QUẢ. Nhưng cái gì tạo ra nghiệp quả? Đó là Nghiệp nhân (tức là quá trình tạo nghiệp của mỗi con người, Nghiệp này đưa chúng sinh vào luân hồi sinh tử qua Lục Đạo - tức sáu nẻo luân hồi).
... Và thật sai lầm nếu cho rằng: Khi Nghiệp nhân đã reo (trong quá khứ) thì phải nhận chịu tất cả Nghiệp quả - thường gọi là "thọ báo" cũng có khi gọi là sự "trả nghiệp" - trả hết rồi! mới thọ nhận quả phúc trong đời sống hiện tại! Như vậy thì không có cơ hội để đổi thay ư, đức Phật đã hóa giải điều này trong Kinh Tăng chi bộ (chương III, phẩm HẠT MUỐI).
Trong Kinh, đức Phật có nêu trường hợp hai người cùng tạo Nghiệp nhân giống nhau nhưng Nghiệp quả lại khác nhau. Đối với người có đạo đức, có tu tập, có trí tuệ thì nghiệp quả mà ho phải chịu NHỎ HƠN, NHẸ HƠN, ÍT HƠN - Về mức độ và thời gian.
Trái lại, người không có đạo đức, không có tu tập, không có trí tuệ - Điều này cũng giống như khi bỏ một nắm muối vào chén nước, nước trong chén bị mặn và không thể uống được. Cũng vậy, khi nắm muối ấy bỏ xuống một dòng sông, nước của dòng sông nhiều nên không vì một nắm muối đó mà trở nên mặn mà không uống được.
Đức Phật kết luận: "Này các tỳ kheo, người không tụ tập Giới (đạo đức), người không tụ tập TÂM-TUỆ, kém cỏi TRÍ-ĐỨC, người ấy dù làm việc ác NHỎ cũng đủ tạo quả báo đưa vào cảnh giới KHỔ. Ngược lại, có người tụ tập Giới, Tâm được tu tập, Tuệ được tu tập, là người có trí đức lớn, tâm quảng đại, cao thượng... người như vậy dù có lầm lạc hoặc sơ suất, lỡ làm việc ác nhỏ, tương tự nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay trong hiện tại và không tạo quả báo trong đời sau".
Như vậy đấy, lời Kinh đã cho ta biết rõ về quả bảo của Nghiệp, xóa bỏ quan niệm sai lầm mà không ít người mắc phải. Vẫn biết "I am the version of my own” - Tôi là phiên bản của chính tôi - nhưng Đoạn Kinh", trong Phẩm Hạt muối ở trên đã đề cập đến QUẢ DI THỤC (đây là một thuật ngữ Phật học). Quả dị thục là gì - là quả đã chín muỗng và đổi khác so với nhân ban đầu, chính là nghiệp quả hay quả báo của nghiệp. Đức Phật từng dạy rằng: "Kẻ thiểu trí, phàm phu không thể nào tư duy về QUẢ DỊ THỤC trong tương lai của một nghiệp nhân (tức quá trình tạo nghiệp) là như nào. Trong Kinh Tăng chi bộ - phẩm Bốn Pháp có nói: "Có bốn phạm trù không thể tư duy: Phật giới - thế giới tâm - Thiền định của người tu thiền - và quả dị thục của Nghiệp". Bởi vì trong quá trình từ nghiệp nhân đi đến nghiệp quả có sự can thiệp của CÁC DUYÊN (các điều kiện). Các duyên thuận hoặc nghịch sẽ tác động ảnh hưởng đến quá trình hình thành NGHIỆP QUẢ. Vì thế, tín ngưỡng về Nhân - Quả luôn hiện bày QUẢ DỊ THỤC ở giữa, là: NHÂN - DUYÊN - QUẢ (Duyên, tức các điều kiện chính là Quả dị thục mà thôi). Như vậy, sự nhận chịu nghiệp quả nhiều ít, tốt xấu tùy thuộc vào công đức, phước báo, tùy thuộc vào trí tuệ, sự tu tập chuyển hóa để tạo NGHIỆP NHÂN Mới (tức sự thụ hưởng đời sống hiện tại) mà lời giáo huấn của đức Từ phụ trong Kinh là rất rõ ràng.
4. Tóm lại NGHIỆP là một phạm trù triết học lớn trong hệ thống giáo lý Phật giáo; đó là một cơ chế vận hành của đời sống được khám phá bởi TUỆ GIÁC của Đức Phật, chứ không phải một tín ngưỡng vu vơ siêu hình và hoàn toàn khác biệt với quan niệm SỐ PHẬN của Nho giáo. Nghiệp có thể chuyển hóa và thay đổi, thông qua qua nỗ lực tu tập của cá nhân chứ không cứng nhắc, tiêu cực như số phận. Không những thế Nghiệp tôn vinh giá trị và trách nhiệm của con người, thúc đẩy con người hướng thiện, sống đạo đức, là rất tích cực, khoa học và công bằng, Câu nói cửa miệng của người Việt mình là "Đức năng thắng số" là rất đúng!
Hãy tinh tiến!
Pháp Vương Tử
Bình luận (0)