Cư sĩ Tâm Minh với Phật giáo và phụng sự dân tộc
Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quí nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh Bộ Thượng Thư Lê Đỉnh ở triều Tự Đức.
Cư sĩ tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (đậu Thủ Khoa) tại Hà Nội năm 1916, đậu Y khoa Bác sĩ năm 1930, ngạch Pháp quốc, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội.
Khi ra trường với danh hiệu Y sĩ, đúng lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa bị thất bại, bào huynh Y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp tù đày tại Buôn Mê Thuột. Cư sĩ bị tình nghi và luôn bị theo dõi. Từ năm 1916 đến năm 1923, cư sĩ được bổ nhiệm và làm việc tại các bệnh viện Hội An, Bình Thuận, Sông Cầu, Qui Nhơn, Tuy Hòa. Chính trong thời gian này, ông nghiên cứu thêm về triết lý Đông phương như Khổng, Lão và Phật giáo... Năm 1926, ông phụ trách điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam). Nhân một buổi viếng cảnh chùa Tam Thai (tức Ngũ Hành Sơn), ông được đọc bài kệ của Tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa:
Bồ đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài,
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Đây là lần đầu tiên cư sĩ tiếp xúc với triết lý Phật giáo, bài kệ trên đã gieo vào tâm thức cư sĩ một ấn tượng sâu sắc về đạo Phật, mặc dầu thời điểm lúc ấy chưa cho phép cư sĩ đến gần với cửa thiền.
Năm 1928, cư sĩ về Huế, đảm trách Y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur, phát minh ra Sérum Normet. Chính năm này, cư sĩ lên chùa Trúc Lâm, cách kinh đô Huế khoảng 7 cây số ở sau đàn Nam Giao, để thỉnh tôn ý về bài kệ trên với Hòa thượng trụ trì là Ngài Giác Tiên. Sau khi hiểu thấu đáo bài kệ, cư sĩ đã thực sự chuyển hướng đời mình: Phát nguyện Quy y Tam bảo, ăn trường trai và từ đó nghiên cứu học hỏi kinh điển Phật giáo để hoằng hóa giúp đời. Với chí nguyện như trên, cư sĩ được thụ tam Quy ngũ Giới với Hòa thượng Giác Tiên được pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Chiêu Hải.
Năm 1929, cư sĩ theo học thêm với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định. Hòa thượng chỉ đạo cư sĩ nghiên cứu các bài giảng của Ngài Thái Hư đại sư ở Trung Hoa về cách thức tổ chức Phật giáo và suy nghĩ cải cách thế nào cho phù hợp với tình hình Phật giáo nước nhà. Cư sĩ đã đề đạt ý kiến của mình lên chư Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết... và đã được các Ngài chấp thuận.
Năm 1930, cư sĩ ra Hà Nội thi bằng Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp. Khi trở về, cư sĩ vừa học Phật vừa làm ngành y mà vẫn vượt xa các bạn đồng học trong thời gian ấy.
Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, do các vị Hòa thượng và cư sĩ đứng ra chịu trách nhiệm gánh vác công cuộc hoằng dương chính pháp. Trụ sở hội đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, sau đó là chùa Từ Đàm. Cư sĩ làm Hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban Chứng minh là cố vấn cho Hội.
Từ năm 1934-1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo Tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên. Kết quả mà cư sĩ đã đóng góp được trong những năm tháng ấy, vẫn mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ Tăng sĩ tài ba đã nở rộ, làm nền tảng tuyên truyền phát huy chính pháp, đoàn kết tăng, ni và phật tử, bảo vệ Phật giáo trước những khó khăn lúc bấy giờ.
Năm 1946, cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, dân chúng Huế tản cư, cư sĩ cùng gia đình di tản về Quảng Nam. Từ năm 1947 đến 1949 ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến miền Nam Trung bộ. Mùa hè năm 1949, cư sĩ tập kết ra Bắc. Sau đó được đề cử làm Chủ tịch phong trào vận động Hòa bình thế giới. Năm 1956, cư sĩ và Hòa thượng Trí Độ tham dự phái đoàn sang dự đại hội Phật giáo Buddha Jayanti tại Ấn Độ.
Năm 1961, toàn bộ kinh Lăng Nghiêm mà cư sĩ đã dày công phiên dịch và chú giải trong nhiều năm, đã được đăng tải trên báo Viên Âm và được hoàn tất xuất bản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Sau đó, sách được gia đình tái bản lưu hành rộng rãi ở miền Nam.
Cư sĩ Tâm Minh - Con người của hòa bình
Năm 1948, bác sĩ Lê Đình Thám được Hồ Chủ tịch mời ra Bắc dự Hội nghị Kháng chiến hành chính toàn quốc. Tại đây, cư sĩ được đề cử giữ chức Chủ tịch Phong trào vận động hòa bình thế giới của Việt Nam. Trong thời gian này, ông còn kiêm các chức Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; tham gia nhiều hội nghị quốc tế quan trọng về phong trào hòa bình thế giới, Phật giáo thế giới và khoa học thế giới.
Chùa Quán Sứ (Hà Nội) là nơi cư sĩ Lê Đình Thám đã dày công nghiên cứu Phật học và thuyết giảng đạo pháp gắn với tinh thần yêu nước dân tộc. Ông Nguyễn Quang Cừ (sinh năm 1935, làm thủ thư ở chùa hơn 20 năm) cho biết: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cụ Lê Đình Thám ngoài công việc của một công chức, thường đến chùa nghiên cứu kinh sách, thuyết giảng đạo pháp, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc trong đội ngũ tăng lữ, gia đình phật tử, tầng lớp trí thức...
Cư sĩ Lê Đình Thám được vinh danh là một trong 105 Danh tăng Việt Nam. Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận có ghi: “Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ XX đã dự phần vào việc đào tạo Tăng tài. Phật học của ông được các bậc tôn túc công nhận là thâm uyên”.
Đặc biệt, gia đình còn lưu giữ Sắc lệnh số 126 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 25-1-1948, chính thức bổ nhiệm ông Lê Đình Thám làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính miền Nam Trung Bộ và giấy chứng nhận ông Lê Đình Thám giữ chức Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam...
Cư sĩ Tâm Minh với tinh thần phục vụ xã hội
Bác sĩ Lê Đình Thám được bạn bè và những người đồng liêu đánh giá là người làm việc rất tận tụy, quên mình. Đối với các bệnh nhân, ông đối xử ân cần, bình đẳng, không phân biệt địa vị xã hội, người giàu, kẻ nghèo…
Là một bác sĩ, Ông không ngừng trau dồi nghề nghiệp, đã cùng bác sĩ người Pháp, ông Normet, Giám đốc Y tế Trung kỳ, phát minh ra Sérum (dịch truyền) Normet cùng một số dược liệu khác được y giới Pháp- Việt thời đó rất trọng vọng.
Năm 1933, trong thời gian giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bài lao Huế, bác sĩ Thám đã làm việc hết sức tận tình, nổi tiếng là một danh y chẩn đoán và điều trị giỏi.
Cư sĩ còn là người tiên phong mở các trường Phật học, sáng lập các tổ chức giáo dục Thanh thiếu niên Phật tử.
Lời kết:
Cuộc đời bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám từ ngày Quy y Tam bảo ở chùa Trúc Lâm, Huế cho đến lúc trái tim nhân ái của Bác sĩ ngừng đập vào ngày 23.04.1969 (nhằm ngày 07 tháng 03 năm Kỷ Dậu), mộ táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở đâu, bác sĩ cũng đã thể hiện một Phật tử tài năng và chân chính. Sự nghiệp phụng sự Chính pháp và công lao sáng lập các tổ chức giáo dục Thanh, Thiếu niên Phật tử của bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám thật rực rỡ, trường tồn mãi với Phật giáo nước nhà cũng như với GĐPT Việt Nam.
Hòa thượng TS Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2019
Bình luận (0)