Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông được xem là một trong những tác phẩm Nôm đầu tiên trong dòng chảy văn học dân tộc. Dưới tác động của học thuyết “cư trần lạc đạo” một cách tùy duyên mà Trần Nhân Tông đã đặt vấn đề ngay từ hội thứ nhất của tác phẩm

Tác giả: Thánh Nghiêm Học viên thạc sĩ khóa II – Học viện PGVN tại Huế

Đặt vấn đề

Suốt hàng ngàn năm lịch sử, đạo Phật luôn tồn tại song hành cùng với vận mệnh đất nước, trở thành tư tưởng chủ đạo và để lại nhiều dấu ấn tâm linh sâu sắc trong lòng người dân Việt, đặc biệt là trong thời đại nhà Trần.

Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Việt Nam, đạo pháp hòa nhập vào dòng chảy văn hóa dân tộc, kết tinh thành sức mạnh, thể hiện tính độc lập và phát huy giá trị bản địa. Đạo Phật đi vào đời sống dân tộc đã mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc đồng thời góp phần làm cho văn học thời kỳ này phát triển rực rỡ.

Thời kỳ này có rất nhiều bậc vĩ nhân tuấn kiệt, những vị minh quân, thiền sư lỗi lạc xuất hiện, trong đó phải kể đến vua Trần Nhân Tông, người có tầm ảnh hưởng lớn đối với nhân dân Đại Việt, soi sáng đường lối trị quốc an dân và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hình ảnh đức vua kiêm thiền sư sống vô nhiễm thoát tục đã soi rọi vào tâm thức người dân với triết lý vô ngã vị tha, cư trần lạc đạo, sống hòa nhập với thiên nhiên, với cuộc đời bằng tâm thái tùy duyên.

Trong dòng chảy lịch sử văn học Việt Nam, văn học đời Trần được xem như “thể diện quốc gia”, chữ Nôm và văn chương chữ Nôm đã thực sự phát triển càng thể hiện rõ lòng tự tôn dân tộc, đánh dấu sự sáng tạo của cha ông để cất cao tiếng nói riêng của con người Việt Nam. Với ý thức xây dựng một nền văn hóa dân tộc mới, ngoài những tác phẩm được viết bằng chữ Hán, Trần Nhân Tông còn sử dụng chữ Nôm trong sáng tác mà tiêu biểu nhất là hai tác phẩm Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca.

Trong hai tác phẩm được viết bằng chữ Nôm của Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú là bài phú nói về việc ở giữa cõi trần mà vui niềm đạo, được Ngài sáng tác trong khoảng thời gian từ 1293-1300 khi đã nhường ngôi nhưng vẫn giúp con trị nước. Bài phú được chia làm mười hội, mỗi hội lại có sự khác nhau về vần, luật bằng trắc khá linh động và đặc biệt là mỗi hội đều được thi triển như một bài phú riêng biệt nhưng khi đặt mười hội cùng nhau lại tạo thành một bài phú hoàn chỉnh.

Đây là một điểm đặc biệt nhưng trong rất nhiều bài nghiên cứu trước đây, các học giả chỉ tập trung nghiên cứu về mặt nội dung tư tưởng chứ chưa thực sự chú ý đến phương diện văn bản học của tác phẩm. Trong phạm vi của bài tiểu luận này, người viết chỉ tập trung tìm hiểu Hội thứ nhất trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông.

1. Tác giả Trần Nhân Tông và tác phầm Cư trần lạc đạo phú

1.1. Giới thiệu về tác giả Trần Nhân Tông

- Cuộc đời và nhân duyên với cửa Phật

Trần Nhân Tông là một vị vua hiền minh, đã có những cống hiến lớn lao cho lịch sử dân tộc và Phật giáo nước nhà. Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (7-12-1258), thuộc niên hiệu Nguyên Phong thứ 8, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh.

Trần Nhân Tông được vua cha đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, ngay từ nhỏ Trần Nhân Tông đã được sống trong môi trường giáo dục toàn diện. Theo Thánh đăng lục: “Điều Ngự tính thông minh, đa năng hiếu học, xem trải mọi sách, thông nội ngoại điển”[1].

Năm Giáp Tuất (1274), khi tròn 16 tuổi, ngài được lập làm Hoàng Thái tử. Theo sở nguyện của vua cha, ngài đã kết duyên cùng công chúa Quyên Thanh, là trưởng nữ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Mặc dù sống trong cảnh hạnh phúc sung sướng của chốn cung đình nhưng Trần Nhân Tông vẫn luôn nuôi chí nguyện xuất gia nhưng không thành. Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), Trần Nhân Tông lên ngôi ở tuổi 20, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo. Tuy đã ở vị trí đứng đầu đất nước, song đối với ngài, khát vọng được xuất gia tu hành vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng.

Vừa lên ngôi, Trần Nhân Tông đã phải đối mặt với một tình thế cực kỳ nguy hiểm. Đó là việc đế chế Mông – Nguyên ráo riết trở lại xâm lăng Đại Việt. Vua quan triều Trần không chút run sợ, vẫn cùng toàn dân khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc.

Với sự chuẩn bị kỹ càng và toàn diện về mọi mặt, quân dân triều Trần dưới sự lãnh đạo tài tình của Trần Nhân Tông đã giành được thắng lợi vẻ vang trước đôi quân hùng mạnh quân Mông – Nguyên trong cả hai lần xâm lược vào năm 1285 và 1288. Vua quân triều Trần trở về kinh đô trong cảnh tượng tràn ngập niềm vui chiến thắng, đất nước sạch bóng quân thù và tương lai dân tộc đang chờ đón ở vị vua Phật Trần Nhân Tông.

Năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, Ngài lên làm Thái Thượng hoàng và sắp đặt việc xuất gia cho mình. Năm 1299, Ngài trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh xuất gia tu hành, tham thiền nhập định, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Từ đây, mở ra bước ngoặt mới trong cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông.

Ngài độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban hiệu là Pháp Loa. Cuộc đời xuất gia của vua Trần Nhân Tông là thời gian hoạt động Phật sự tích cực nhất. Năm 1301, ngài xuống núi, đi thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành. Kết quả là vua Chế Mân đã đồng ý dâng cho Đại Việt Châu Ô và châu Lý để được kết duyên với công chúa Huyền Trân. Việc sáp nhập hai châu này vào Đại Việt là dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp mở nước của vua Trần Nhân Tông.

Năm 1307, Ngài truyền Y Bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm sơ Tổ và ngài Pháp Loa trở thành Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày 1 tháng 11 âm lịch năm 1308, vào giờ Tý, niên hiệu Hưng Long thứ 16, Phật hoàng Trần Nhân Tông an nhiên thị tịch tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Trước khi nhập diệt, ngài đã để lại bài kệ Pháp thân thường trụ qua việc trả lời cho thị giả hầu cận bên mình là đệ tử Bảo Sát:

Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền

Hà khứ lai chi liễu dã?[2]

- Sự nghiệp văn học

Theo Thơ văn Lý Trần, những sáng tác của Trần Nhân Tông bao gồm: Trần Nhân Tông thi tập, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ, Trung hưng thực lục. Tuy nhiên, những tác phẩm hiện nay còn lại chỉ có 32 bài thơ, 2 cặp câu thơ lẻ, 1 bài minh và 1 bài tán, 2 bài phú Nôm và 22 văn bản văn xuôi (thư, tấu, trạng, biểu). Các sáng tác này thể hiện nhiều mảng đề tài khác nhau.

Từ dòng thơ chiến trận đến tâm sự vui buồn của cuộc sống đời thường, từ tiếng nói của bậc đế vương đến tiếng lòng của một thi nhân sâu thẳm chất Thiền… Tất cả đều được Trần Nhân Tông thể hiện bằng trí tuệ của một người nghệ sĩ tài hoa và bút pháp tinh tế. Trông thơ văn của Ngài luôn chứa đựng những giá trị của cái đẹp ở thế giới thực tại và cả trong suy tưởng triết học, cảm quan Phật giáo và cuộc sống đời thường.

1.2. Giới thiệu tác phẩm Cư trần lạc đạo phú

Cư trần lạc đạo phú là một áng văn Nôm được viết theo thể loại phú gồm mười hội. Bài phú với tư tưởng “ở đời mà vui với đạo” được xem là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo mà Phật giáo Đại Việt đã đề ra và chi phối toàn bộ tư tưởng, đời sống của người dân lúc bấy giờ. Chính vì vậy mà tác phẩm này tồn tại và ảnh hưởng rất lớn trong quá trình truyền đạt tư tưởng thiền học Việt Nam.

Theo Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Trần Nhân Tông, bản in xưa nhất  của tác phẩm này là vào năm 1745 do Sa di ni Diệu Liên vâng mệnh thầy mình in lại và bản gỗ lưu lại ở chùa Liên Hoa – Thăng Long. Nó được in kèm theo Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang và Ngộ đạo nhân duyên kệ của Chân Nguyên .

Toàn bài phú gồm mười hội, mỗi hội co dãn từ 13 câu (hội thứ ba và thứ tư) cho đến 30 câu. Trong mỗi hội lại gieo một vần, các hội chẵn gieo vần bằng và các hội lẻ gieo vần trắc. Cuối hội thứ mười thì có thêm một bài kệ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Bài kệ chữ Hán này đã thể hiện chủ đề tư tưởng thiền học của bài phú và đồng thời là cơ sở lý luận hình thành chủ thuyết cư trần lạc đạo của thiền phái Trúc Lâm.

Đây được xem là tư tưởng nhất quán của thiền phái thể hiện qua bốn điểm:

1. Hãy nên sống hòa mình với đời, không câu chấp.

2. Hành động tùy duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên.

3. Tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực.

4. Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù là thiền hay Phật.

Để được như vậy, các nhà tư tưởng thiền phái đã có cả quá trình hoạt động và đúc kết từ thực tiễn trong tiến trình hình thành tư tưởng Cư trần lạc đạo đi từ tùy tục của Thường Chiếu, rồi đến biện tâm của Trần Thái Tông chuyển qua hòa quang đồng trần của Tuệ Trung và sau cùng là tùy duyên lạc đạo của Trần Nhân Tông.

Thông qua bài phú Cư trần lạc đạo, tư tưởng ở đời mà vui với đạo càng làm sáng tỏ tinh thần tùy duyên để con người an trú với đạo. Sự giác ngộ hiện hữu ngay giữa đời dù đó là đời sống trần tục hay đời sống thanh tịnh chốn thiền môn mà chính bản thân Trần Nhân Tông là một minh chứng cho sự giác ngộ ấy.

Rõ ràng, giữa bao nhiêu biến động và phiền lụy của cuộc đời, con người có thể chuyển hóa thân tâm. Phật luôn hiện hữu giữa đời, mỗi người chỉ cần đoạn xan tham, ssống đạo đức nhân nghĩa với người khác thì ai cũng là Phật Thích Ca, Di Lặc. Chính tư tưởng này đã tác động vào tâm thức mọi người với mọi khả năng tự tin, đầy bản lĩnh sáng tạo để cống hiến và phụng sự đạo pháp và dân tộc.

2. Hội thứ nhất trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú

2.1. Khái quát hội thứ nhất trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú

Hội này gồm có 14 câu, độ dài ngắn của mỗi câu không đồng nhau. Đây là hội đầu tiên, thuộc phần lung tức phần mở đầu trong toàn bài phú. Nội dung hội này nêu lên chủ thuyết “cư trần lạc đạo”, một tư tưởng xuyên suốt của bài phú, đồng thời cũng là đường hướng tu tập chính của thiền phái Trúc Lâm.

- Nguyên văn

第 一 會

命 憹 城 市

涅 用 山 林

怺 業 朗 安 閑體 性

姅 挧 耒 自 在身 心

貪 愛 源 停 , 庄 群 汝 珠 腰 玉 貴

是 非 曢 朗 , 特 油 牐 燕 說 鶯 吟

制 搩 碧 隱 筃 籑 , 人 間 固 饒 勜 得 意

別 桃 紅 処 柳 綠 , 天 下 能 某 主 知 音

月 白 暈 青 , 芁 每 祖 禪 河 淶 焔

柳 綿 花 岹 ,屹 群 生 慧 日 森 林

慮 換 骨 約 飛 升 , 丹 神 買 服

咅 長 生 衛 上 界 , 徃 兔 群 耽

冊 易 娂 制 , 腰 性 瞆 腰 欣 珠 寶

經 閒 讀 酉 ,重 峼 耒 重 女 黃 金

- Phiên Nôm

Đệ nhất hội

Mình ngồi thành thị,

Nết dụng sơn lâm.

Muôn nghiệp lắng an nhàn thể tính,

Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.

Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý,

Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.

Chơi nước biếc ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý,

Biết đào hồng hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.

Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng,

Liểu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật xâm lâm.

Lo hoán cốt ước phi thăng, đơn thần mới phục,

Nhắm trường sinh về thượng giới, thuốc thỏ còn đam.

Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu,

Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.

2.2. Nội dung tư tưởng

Trong bối cảnh nước ta luôn phải đối diện với chiến tranh vệ quốc thì tư tưởng  Cư trần lạc đạo trở thành hệ tư tưởng chính của thiền phái Trúc Lâm và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống sinh hoạt của xã hội đương thời. Ngay câu mở đầu của hội thứ nhất, tác giả đã nêu rõ quan điểm mới về đời và đạo: “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”.

Ở đây, chúng ta có thể hiểu đời là thành thị, đạo là sơn lâm. Một người dù ở thành thị gánh vác bao nhiêu việc đời, song họ biết xử lý mọi việc với lòng trong sạch thì chẳng khác gì đang ở chốn sơn lâm thanh vắng. Cho nên: “Muôn nghiệp lắng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Nguồn tham ái không còn, chẳng còn nhớ ngọc ngà châu báu. Tiếng thị phi im bặt, dẫu được nghe yến hót oanh ngâm.”

Giữa bao nhiêu biến động và phiền lụy của cuộc đời, con người vẫn có thể chuyển hóa thân tâm, muôn nghiệp vắng lặng, nguồn tham ái không còn, tiếng thị phi im bặt để đạt được trạng thái an nhàn thể tánh, tự tại thân tâm.

Nhớ xưa kia khi Trần Thái Tông lên Yên Tử xin xuất gia, Quốc sư Phù Vân khuyên ngài trở lại ngôi vua, vừa trị nước yên dân, vừa nghiên cứu nội điển, thực hành thiền định rồi chứng ngộ. Trần Nhân Tông một lần nữa khẳng định, sơn lâm là nơi con người quy hướng, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của thiên nhiên mà tu tâm dưỡng tánh.

Bởi vậy nên: “Rong chơi sông nước, ẩn giữa núi rừng, nhân gian có nhiều người vừa ý. Biết rõ đào hồng, hiểu cả liễu xanh, thiên hạ có mấy kẻ tri âm”. Hòa mình vào thiên nhiên, đắm chìm trước cảnh non sông hùng vĩ là điều khiến nhiều người thích thú. Nhưng từ những hiện tượng trong thiên nhiên như đào hồng, liễu lục mà có thể hiểu biết như thật về chúng thì trong đời mấy người thấu được.

Dưới con mắt của một người an nhàn, tự tại thì đâu đâu cũng mang đậm vị thiền, nơi nơi đều được ánh sáng trí tuệ soi chiếu. “Trăng sáng trời xanh, soi mọi chỗ sông thiền lai láng. Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật xâm lâm.” Sự giác ngộ hiện hữu ngay giữa đời nhưng cũng không thể nào phủ nhận cuộc sống thanh tịnh chốn núi rừng.

Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là sống ở thành thị hay núi rừng mà giác ngộ, nhất à ở giữa cuộc đời trần tục giác ngộ thì thật đáng tự hào. Điều này đã được chính Trần Nhân Tông thể nghiệm và thực chứng ngay những ngày còn là bậc quân vương trị nước.

Thực tế thì dù theo bất kỳ tôn giáo nào, dù ở đời hay sống đạo, muốn giác ngộ thì đều phải trải qua quá trình công phu tu tập, chuyển hóa nội tâm. Đạo gia đi theo con đường “Lo hoán cốt ước phi thăng, đơn thần còn uống. Ngắm trường sinh về thượng giới, thuốc thỏ còn đam.”

Mục đích cuối cùng của các Đạo sĩ chính là để có thể trường sinh, chuyển thân phàm thành tiên, được sinh về thượng giới. Nhưng đối với những hành giả tu tập theo giáo pháp Phật Đà thì điểm cuối của con đường chính là trở về với bản tâm thanh tịnh, tìm lại tính sáng trong tự thân mỗi người. Trần Nhân Tông một lần nữa khẳng định  “Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu.

Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.” Tính sáng ấy chính là Phật tính, là báu vật vô giá mà không có vàng bạc châu báu nào có thể sánh được.

Tóm lại, cốt lõi nội dung tư tưởng của hội thứ nhất đồng thời cũng là tư tưởng xuyên suốt của các hội sau chính là tư tưởng “sống đời vui đạo”. Thiền giả an nhiên vui sống giữa dòng đời trần tục nhờ biết tu dưỡng đạo đức, hướng thượng vươn tới chân, thiện, mỹ, đạt được niềm vui siêu việt của thiền định và trí tuệ giải thoát.

Con đường hiện thực lý tưởng đó yêu cầu mọi người phải tuân thủ giới, định, tuệ, theo phép tu thiền Trúc Lâm, vừa rất nghiêm ngặt lại tùy duyên thuận theo lẽ tự nhiên. Con người cần giữ gìn tâm Phật, tâm sáng ung dung tự tại, sống hòa hợp trung thực với chính bản thân và cuộc đời.

2.3. Giá trị văn bản của hội thứ Nhất trong Cư trần lạc đạo phú

- Giá trị văn học nghệ thuật

Về mặt văn tự, ngôn ngữ được sử dụng chính trong văn bản là chữ Nôm, là loại văn tự của riêng người Việt Nam, gần gũi với ngôn ngữ của người dân Việt Nam và dễ đi sâu vào lòng người.

Trong văn bản này, tác giả sử dụng khá nhiều từ Việt cổ và có những chữ khi mượn thành tố Hán để viết Nôm không mang ý nghĩa biểu âm hay biểu ý, ví dụ như: ngồi 憹, muôn 怺, ngày 挧, tiếng 曢, nghe 牐, nước 搩, người 勜. Theo tiến trình diễn biến của chữ Nôm, những chữ trên về sau ít thậm chí là không được sử dụng nữa mà thay vào đó là các chữ Nôm tự tạo như:

Ngồi: 憹 → ? (坐 biểu ý +   外 biểu âm),  ?  (嵬 biểu âm +  坐 biểu ý)

Muôn: 怺 → ? (門 biểu âm+萬 biểu ý)

Ngày: 挧 → ?, ? (日biểu ý + 㝵 biểu âm)

Nghe: 牐→ ? (耳 biểu ý + 宜 biểu âm),  儀

Nước: 搩 → 渃 (氵biểu ý +若 biểu âm)

Người: 勜 → ?  (人  biểu ý +㝵biểu âm),  ? (亻biểu ý + 㝵biểu âm)

Lòng: 峼 → ? ( 心biểu ý +  弄biểu âm)

Văn phong trong hội này khá đơn giản nhưng thấm nhuần ngôn ngữ Phật giáo, ngoài ra còn có một số thuật ngữ của Đạo gia như thuật Hoán cốt, phi thăng, trường sinh, thuốc thỏ… đã làm tăng tính hàm súc trong văn bản. Đây chính là một tác phẩm Nôm tiêu biểu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ sử dụng chủ yếu chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ viết do người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt).

Từ chỗ chỉ được dùng lẻ tẻ ở thời kỳ trước đó, chữ Nôm bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm.

Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm là bước ngoặt lớn trong lịch sử ngôn ngữ văn tự của người Việt, đáp ứng đòi hỏi của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Mặc dù còn những khiếm khuyết, chữ Nôm đã tạo nên những thành tựu rực rỡ làm phong phú kho tàng văn học Việt, điều mà trước nó chữ Hán trên đất Việt không hề có được. Và trong những thành tựu đó có sự ra đời của các bản phú Nôm.

Như đã trình bày ở trước thì phú là thể loại ảnh hưởng từ văn học Trung Quốc, nhưng đã trở thành một nét đặc biệt trong văn học Việt Nam nói chung và văn học đời Trần nói riêng qua việc sử dụng chữ Nôm thay vì sử dụng Hán tự. Tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông là những áng văn Nôm được viết theo thể phú, gồm 10 hội viết về tư tưởng thiền học của Thiền phái Trúc Lâm.

Song điều đáng chú ý nhất là tác phẩm này không chỉ có giá trị về mặt nội dung tư tưởng thiền học mà còn có giá trị về mặt nghệ thuật sử dụng ngôn từ với rất nhiều từ Việt cổ mang đậm chất Việt Nam. Tác phẩm này được xem là chuẩn mực cho việc sử dụng thể văn biền ngẫu trong thể phú và trở thành một trong những bài phú kinh điển trong sử dụng chữ Nôm vào sáng tác văn chương.

Cũng vì lẽ đó mà khi nhắc đến thể phú trong dòng chảy văn học thì phải kể đến phú đời Trần. Đây chính là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của văn học Phật giáo thời Trần nói riêng và lịch sử văn học dân tộc nói chung.

- Giá trị lịch sử - văn hóa

Cùng với sự biến thiên của lịch sử, khi dân tộc ta giành được quyền tự chủ thì lòng tự tôn dân tộc đã thôi thúc ý niệm “thoát Trung” của người Việt càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, chữ Hán lúc này tỏ ra không đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngôn ngữ của người Việt trong việc ghi tên người, tên địa danh… Người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm, một thứ chữ thuần Việt, do người Việt sáng tác và được người Việt sử dụng theo âm Việt.

Trong bối cảnh đất nước độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực, việc vua Trần Nhân Tông đề cao sử dụng tiếng Việt là muốn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Sự xuất hiện và tồn tại của loại hình ngôn ngữ này qua việc sáng tác các tác phẩm bằng chữ Nôm là một minh chứng cụ thể với sự khởi đầu bằng ngòi bút của một vị anh hùng danh tộc, một thiền sư chứng đạo mà tiêu biểu nhất là tác phẩm Cư trần lạc đạo phú.

Cư trần lạc đạo phú viết bằng chữ Nôm, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt đã tạo ra một diện mạo mới, một sức sống mới cho Phật giáo Việt Nam bằng cách đưa các giá trị tư tưởng thiền học của thiền phái Trúc Lâm vào việc thức thi nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trở nên hùng cường trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, ta thấy có cả việc đề cao sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt mà Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông chủ trương như là sự thể hiện ý thức tự chủ văn hóa của một dân tộc. Chữ Nôm xuất hiện sau chữ Hán và không được triều đình phong kiến ủng hộ nên chỉ mang tính tự phát và tự giác trong nhân gian. Tuy vậy, nhiều tác gia Việt Nam vẫn sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn chương.

Đặc biệt, khi Trần Nhân Tông sử dụng chữ Nôm để sáng tác chính là một sự khẳng định hùng hồn cho vị trí của ngôn ngữ dân tộc, là vũ khí hữu hiệu trong quá trình chống lại sự đồng hóa của chế độ phong kiến Trung Quốc ở Việt Nam. “Ngôn ngữ còn là dân tộc còn” và nó đủ đủ khả năng để thể hiện dân tộc tính mạnh nhất.

Kết luận

Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông được xem là một trong những tác phẩm Nôm đầu tiên trong dòng chảy văn học dân tộc. Dưới tác động của học thuyết “cư trần lạc đạo” một cách tùy duyên mà Trần Nhân Tông đã đặt vấn đề ngay từ hội thứ nhất của tác phẩm, Phật giáo Đại Việt đã giải quyết được nhiều vấn đề lý luận cho một giai đoạn mới, thời kỳ hướng tâm xây dựng Phật quốc ở đời.

Chỉ với 14 câu, 136 chữ (bao gồm cả tên hội) nhưng hội đầu tiên này đã “làm tròn trách nhiệm” của một phần lung khởi và tạo tiền đề, hướng phát triển cho những hội tiếp theo. Qua hội thứ nhất, chủ thuyết ở đời mà vui với đạo được đề cập một cách trực tiếp nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Chính vì vậy mà dù chỉ tìm hiểu hội thứ nhất của tác phẩm Cư trần lạc đạo phú nhưng cũng phần nào cho chúng ta thấy được những giá trị đặc sắc của tác phẩm bất hủ này. Vượt thời gian và không gian, bài phú này vẫn không phai mờ trong tâm thức của người dân Việt. Đây chính là minh chứng thuyết phục nhất cho những giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật của tác phẩm trong bầu trời văn chương nhân loại. Cư trần lạc đạo phú của Phật hoàng Trần Nhân Tông mãi là niềm tự hào của văn học dân tộc.

Việc nghiên cứu những di sản văn học, đặc biệt là di sản chữ Nôm của Trần Nhân Tông trên nhiều phương diện khác nhau sẽ góp phần bảo tồn những di sản tinh thần quý giá mà ông cha đã để lại. Bởi đây là một trong những giai đoạn phát triển cực thịnh của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sâu xa hơn, việc tìm hiểu về tác phẩm của Trần Nhân Tông cũng góp phần làm nổi bật ý nghĩa cũng như vai trò của Phật giáo thời Trần đối với vận mệnh đất nước, giúp bảo tồn những nét văn hóa dân tộc.

Trong những trang thơ văn đời Trần, mỗi lần tiếp cận là mỗi lần người đọc phát hiện thêm nhiều giá trị tiềm ẩn như hạt minh châu càng mài càng sáng. Do vậy, người viết sẽ tiếp tục tìm hiểu tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông ở những bài nghiên cứu sau, để có thể nắm bắt trọn vẹn những giá trị mà tác phẩm này để lại cho hậu thế.

Tác giả: Thánh Nghiêm Học viên Thạc sĩ K.II – Học viện PGVN tại Huế ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Quang Hồng (2021), Từ điển chữ Nôm dẫn giải, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Thích Phước Đạt (2022), Thiền học Việt Nam, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.

3. Thích Phước Đạt – Thích Hạnh Tuệ - Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

5. Thích Thanh Từ (1990), Thánh đăng lục, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

6. Viện văn học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

CHÚ THÍCH:

[1] Lê Mạnh Thát (2000), Sđd, tr. 35.

[2] Thích Thanh Từ (1990), Thánh đăng lục, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 70.