Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, với bề dày gần 2000 năm Phật giáo gắn liền và đồng hành cùng dân tộc, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, lấy trí tuệ làm phương châm hành đạo, Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo nên truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.

Đánh giá chung

Nhiệm kỳ VI  kiện toàn cơ chế tổ chức, triển khai nội dung hoạt động theo tinh thần Hiến chương đã tu chỉnh, gồm 3 cấp hành chính Giáo hội, với 58 đơn vị tỉnh, Thành  hội Phật giáo, 97 thành viên Hội đồng Chứng minh, 147 thành viên Hội đồng Trị sự chính thức và 48 thành viên dự khuyết Hội đồng Trị sự. Trong nhiệm kỳ này, Giáo hội đã công nhận 6 hội Phật tử Việt Nam tại các nước Châu Âu như: Nga, Đức, Czech, Hungary, Ba Lan va Ukraina.

NHỮNG SỰ KIỆN PHẬT GIÁO NỔI BẬT TỪ 2008-2011

1. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 

Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Đại hội Quốc gia Mỹ Đình- Hà Nội, từ ngày 14 đến ngày 17-5-2008 với sự tham dự của 4.000 khách mời chính thức trong nước và quốc tế đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo các nước, các học giả, nhà nghiên cứu Phật học, đại diện của Liên Hiệp Quốc, Unesco và các tổ chức quốc tế, thành viên IOC người nước ngoài và các cơ quan quản lý tôn giáo của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đại lễ cũng đã vinh dự đón tiếp quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban ngành Trung ương và địa phương cùng Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư Tăng, Ni, Phật tử tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.

Để chuẩn bị cho công tác tổ chức đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức Đại lễ, đồng thơì quyết định thành lập Ban Điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 tại Việt Nam để điều hòa và phối hợp thực hiện các công việc tổ chức Đại lễ theo định hướng của Uỷ ban Chỉ đạo Quốc gia, bao gồm đại diện một số cơ quan Nhà nước cấp Trung ương cùng các địa phương Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Giáo  hội Phật giáo Việt Nam và một số thành viên Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc IOC người Việt Nam. Giúp việc cho Ban Điều phối Quốc gia có 8 Tiểu ban, trong đó năm Tiểu ban gồm: Lễ tân - Giao tế, Trang trí - Khánh tiết, Nội dung, Nghi lễ - Văn hoá, Vận động - Tài trợ do Giáo  hội Phật giáo Việt Nam và IOC chủ trì, ba Tiểu ban gồm: Tuyên truyền, An ninh, Hậu cần - Tài chính do cơ quan Nhà nước chủ trì.

Xuyên suốt quá trình diễn ra Đại lễ, toàn thể đại biểu đã tham dự lễ khai mạc, lễ bế mạc, lễ cầu nguyện hòa bình, các diễn đàn học thuật xung quanh chủ đề chính  là “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Ngoài ra, hội thảo gồm có 6 chủ đề lớn và một diễn đàn như sau:

           1- Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh.

           2- Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội.

           3- Phật giáo nhập thế và sự phát triển.

           4- Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu.

           5- Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo.

           6- Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển.

           7- Diễn đàn: Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.

Các đại biểu còn tham gia các hoạt động văn hóa triển lãm, chiêm bái thắng tích Phật giáo tại Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh) và tham quan thắng cảnh tại Hạ Long (Quảng Ninh)…v.v…

Với sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương, sự nhiệt tình có trách nhiệm cao của Ban Điều phối Quốc gia, sự tham gia tích cực của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam và IOC cũng như sự ủng hộ của nhân dân nói chung và Tăng, Ni, Phật tử nói riêng cùng với sự nhiệt tình tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc năm 2008 đã được tổ chức thành công tốt đẹp, góp phần đề cao vị thế của Việt Nam trên thế giới và trong Liên Hợp quốc, nâng cao uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, động viên Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tiếp tục làm các công việc lợi đạo, ích đời, tăng cường đoàn kết với các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng và phát triển đất nước. Đại lễ chính là một trong những biểu hiện sinh động tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, giữa Phật tử Việt Nam với cộng đồng Phật tử trên thế giới.

2. Đại hội Nữ giới Phật giáo Thế giới (Sakyadhita) lần thứ XI

Sáng ngày 28 tháng 12 năm 2009, Đại hội nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức, đã khai mạc trọng thể tại Nhà Truyền thống Văn hoá Phật giáo Thành phố - chùa Phổ Quang, Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Đến dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các đại diện cấp cao của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam cùng gần 400 đại biểu quốc tế đến từ 20 hội đoàn nữ giới Phật giáo của 47 quốc gia và trên 1.700 sư ni trong nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư chúc mừng hội nghi, khẳng định: “Gần hai ngàn năm Phật giáo có mặt ở VN, thời nào cũng có những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, giúp nước, trong đó có nhiều vị sư nữ được nhân dân ngưỡng mộ về đức độ, lòng vị tha, tính hướng thiện, luôn gắn đạo với đời, yêu nước và đồng hành cùng dân tộc. Đảng và Nhà nước Việt Nam trước sau như một, luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm các sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật”.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Ni trưởng Thích nữ Huyền Huệ - Chủ tịch Tổ chức Đại hội nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11 - khẳng định: “Với trí tuệ của những người đệ tử Phật, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi dị biệt, để từ đó tìm ra mẫu số chung giúp cho nữ giới nói chung và nữ Phật giáo nói riêng thể hiện khả năng, vị trí và vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội”.

Đại hội Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI đã nghe 66 bài tham luận xoay quanh chủ đề “Nữ Phật Giáo lỗi lạc” với các nội dung: Nỗ lực xóa sạch sự nghèo đói, Hoàn tất đường hướng giáo dục phổ quát, Tăng cường sự bình đẳng giới tính và quyền lợi phụ nữ, Giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ em, Cải thiện sức khỏe của các bà mẹ, Chống lại bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh lây nhiễm khác, Bảo đảm tính bền vững về môi trường…

Sáng ngày 3-1-2010, Đại hội đã bế mạc và nhất trí thông qua nội dung bản Tuyên bố chung gồm 11 điểm. Đặc biệt, điểm thứ 11 của tuyên bố chung, Đại hội kêu gọi cộng đồng Quốc tế ủng hộ và có các biện pháp khẩn cấp giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin, cải thiện cuộc sống và giúp đỡ họ quyết tâm đòi lại các quyền lợi thỏa đáng.

Đại hội Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với tất cả quý Đại biểu trong và ngoài nước. Đây là Đại hội có quy mô lớn nhất và số lượng Đại biểu đông nhất từ trước đến nay. Thông qua Đại hội, các Đại biểu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ biết thêm rất nhiều về sự đổi mới của Việt Nam, Đất nước và con người Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

3. Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội 

Sáng 28 tháng 7 năm 2010, tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Trung ương Giáo  hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và chương trình "Kiều bào và Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ."

Tham dự buổi lễ có Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo  hội Phật giáo Việt Nam và các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư trong Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo  hội Phật giáo Việt Nam, Thành  hội Phật giáo Hà Nội và hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử.

Cùng dự lễ có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, các ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế, các tôn giáo và hơn 100 đại biểu Việt kiều.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo  hội Phật giáo Việt Nam đọc diễn văn nêu rõ, qua bao thăng trầm của lịch sử, Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là một, chung sức chung lòng, dựng nước và giữ nước, giữ gìn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Hòa thượng nhấn mạnh: "Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng ta càng tự hào về con cháu tiên rồng, dân tộc Đại Việt oai hùng, Việt Nam anh dũng kiên cường trong suốt 4000 năm lịch sử, 2000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Thủ đô ngàn năm văn hiến, hòa bình.

"Chúng ta càng có trách nhiệm phát huy tinh thần dân tộc, văn hóa lâu đời của tổ tiên, của người Việt Nam, Đất nước Việt Nam và Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc Việt, luôn là biểu tượng của hòa bình, hạnh phúc."

Tiếp đó là lễ dâng hương và tuyên đọc văn tưởng niệm công trạng của vua Lý Thái Tổ - người khai sáng Kinh đô Thăng Long, cùng các vị Quốc vương, các bậc Danh Tăng qua các thời đại và trạng văn cầu quốc thái dân an.

Nhân dịp này, Trung ương Giáo  hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng 25 căn nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn và 500 suất học bổng cho học sinh nghèo học tập tốt của các Quận, huyện thuộc Hà Nội, với tổng kinh phí 1 tỷ đồng.

Diễn ra từ ngày 27-7 đến 2-8, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội bao gồm nhiều hoạt động như rước Long vị vua Lý Thái Tổ và các bậc Danh Tăng từ Bắc Ninh về Hà Nội, Rước xá lợi Phật, Đại lễ cầu quốc thái dân an, Cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước qua các triều đại, Triển lãm cổ vật, mỹ thuật, nhiếp ảnh Phật giáo, Hội thảo Phật giáo với 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Lễ hội hoa đăng và giao lưu nghệ thuật “Dấu ấn Thăng Long”.

4. Đại lễ kỷ niệm 30 năm  thành lập Giáo  hội Phật giáo Việt Nam

Ngày 7 tháng 11 năm 2011, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn - Hà Nội, Giáo  hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm  thành lập Giáo  hội Phật giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2.

Tham dự Đại lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện các tôn giáo bạn, nhiều đoàn ngoại giao quốc tế cùng đông đảo chức sắc tôn giáo, Tăng, Ni, Phật tử.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, với bề dày gần 2000 năm Phật giáo gắn liền và đồng hành cùng dân tộc, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, lấy trí tuệ làm phương châm hành đạo, Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo nên truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định trải qua 30 năm hoạt động của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta đều nhận thấy sự lớn mạnh về tổ chức và hoạt động Phật sự, kiên trì phương châm "Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội", góp phần cùng nhân dân cả nước đoàn kết, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, uy tín của Giáo  hội không ngừng nâng cao, có ảnh hưởng lớn đối với Phật tử người Việt ở trong và ngoài nước. 30 năm không phải là thời gian dài so với 2000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam, nhưng Giáo  hội Phật giáo Việt Nam đã viết tiếp trang sử vàng, khẳng định vị thế trong lòng dân tộc, thực hành từ bi, yêu tự do, cùng tiến bước trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống mới, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Với những đóng góp to lớn của Phật giáo với sự phát triển của Đất nước, Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ 2) cho Giáo  hội Phật giáo Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao tặng Giáo  hội Phật giáo Việt Nam Huân chương cao quý này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Độc lập hạng I, hạng II tặng các Hòa thượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Huỳnh Đảm - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát biểu chúc mừng và tặng bức trướng mang dòng chữ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết đồng hành cùng dân tộc".

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng