Giới thiệu chung: Bài thuyết trình nhân Hội nghị Liên tôn tại California, USA, trình bày các khía cạnh về phương diện nhận thức và cách thức truyền giáo tùy duyên trong bối cảnh đa dạng của Phật giáo tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy được ý nghĩa, mục đích và sự tiềm ẩn tinh tế của yếu tố Thiền học tích hợp (tương tác) với bối cảnh phương Tây.
Để định nghĩa sơ lược về Đạo Phật Khất Sĩ, người viết xin giới thiệu một đoạn kinh ngắn mà Đức Phật Thích-Ca Mâu-ni đã định nghĩa về danh xưng Khất sĩ như sau:
“Một thời, Thế Tôn trú ở Savàtthi. Rồi Bà-la-môn Bhikkhaka đi đến, sau khi chào đón, hỏi thăm, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
Thưa Tôn giả Gotama, con là người khất thực và Tôn giả cũng là người khất thực. Vậy có sự sai khác gì giữa chúng ta?
Thế Tôn đáp: “Không phải ai ăn xin; cũng gọi là Khất sĩ; nếu chấp trì độc pháp; không còn gọi Tỷ-kheo; ai sống ở đời này; từ bỏ các phước báo; đoạn trừ mọi ác pháp; hành trì theo phạm hạnh; sống đời sống chánh trí; vị ấy xứng Tỷ-kheo”.
Khi được nghe nói như vậy, Bà-la-môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”[1]
Qua đoạn kinh này, chúng ta nhận thấy hình ảnh của một vị Tỳ-kheo Vô thượng sĩ bình dị, hiền hòa, đầu trần chân không, mỗi sáng đi trì bình khất thực là một hình ảnh xuất hiện rất thường xuyên trong hệ thống Kinh tạng Nikàya. Theo định nghĩa truyền thống, tất cả Tỳ-kheo[2] tức là mọi tu sĩ Phật giáo được tiếp nhận và thọ lãnh giới pháp đầy đủ đều được gọi là “Khất sĩ”, “bố ma” và “phá ác”. Khất sĩ là một trong những ý nghĩa cao quý của Tỳ-kheo.
Về phương diện nuôi sống thân mạng, Tỳ-kheo chọn pháp khất thực là một kẻ ăn xin đích thực. Tỳ-kheo trì bình khất thực với mục đích hoàn toàn khác, đó chính là vì tự lợi và lợi tha. Tự lợi là dùng khất thực làm phương tiện nuôi dưỡng sắc thân để tu tập. Lợi tha là dùng phương tiện khất thực để giáo hóa và tạo phước điền cho chúng sanh. Vì thế, khất thực là truyền thống của mười phương ba đời chư Phật. Khất sĩ là người ăn xin nhưng không phải kẻ xin ăn nào cũng là Khất sĩ, Như Lai Thế Tôn đã khẳng định như vậy.
Trong luận giải về Kinh Kim cương, Đại sư Tông Mật đã đưa ra 3 định nghĩa về thuật ngữ Tỉ-khâu (Tỳ-kheo) như sau:
Bố ma (怖 魔): tức là “mối lo sợ của ma quỷ”; Khất sĩ (乞 士); tức là “sống bằng hạnh khất thực”; Tịnh giới (淨 戒): tức là “giới luật thanh tịnh”.
Trong truyền thống Phật giáo Mahayana, các hành giả nhất định phải biết đến Kinh Kim Cang (Cương), là một bộ kinh góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên nền tảng của tư tưởng Đại thừa được biết đến theo cách khác là Bắc truyền, Bắc tông hay Đại thừa như ngày nay. Mở đầu Kinh Kim Cang, một phận sự truyền thống và rất đời thường của đức Phật được nhắc đến như sau:
“Một hôm, đức Phật ở nước Xá-vệ tại rừng Kỳ-đà trong vườn Cấp Cô Độc cùng với chúng đại Tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị. Khi ấy gần đến giờ thọ trai, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi”[3].
Qua những phân tích từ các khía cạnh duyên khởi liên quan đến danh xưng Khất sĩ trong Kinh tạng được nêu ở trên, chúng ta thấy rằng Đạo Phật Khất Sĩ được xác định là đã có truyền thống lâu đời gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp giáo hóa của đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni (Siddhārtha Gautama). Các học giả đương thời về tôn giáo học, xã hội học và giáo dục học… nhận định đức Phật là nhà giáo dục xã hội văn hóa đa nguyên. Một đời Như Lai là dạy học, là một người thầy giáo của tất cả mọi loài.
Trải qua một thời kỳ dài của lịch sử Phật giáo, đến khoảng giữa thế kỷ hai mươi, phong trào khôi phục và chấn hưng Phật giáo diễn ra trên toàn thế giới. Trong bối cảnh ấy, Phật giáo Việt Nam cũng từng bước chuyển mình để cùng hòa chung vào dòng chảy Phật giáo quốc tế. Tại miền Nam Việt Nam, đức Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chính pháp” đã kế thừa cả hai truyền thống Phật giáo lớn là Nam Tông (Theravāda) và Bắc Tông (Mahāyāna), khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, quyết chí đi theo con đường Trung đạo mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã vạch ra.
Bằng bổn nguyện độ sinh và lòng từ bi, cả cuộc đời hoằng dương chính pháp của Ngài không có một giây phút nào ngưng nghỉ. Có lúc Ngài dạy đạo, khuyến tu cho chư đệ tử tăng, ni, thuyết pháp cho cư gia bá tính. Để lưu truyền những đề tài giáo lý đã giảng cho thế hệ mai sau được lợi lạc, Người đã tóm gọn lại và cho in ra từng quyển để lưu hành rộng rãi.
Cho đến nay, chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đã kết tập các bài tiểu luận thành bộ Chơn lý với 69 đề tài. Bộ Chơn lý của Tổ sư ngoài giá trị triết lý Phật giáo, còn mang giá trị giáo dục sâu sắc. Thông qua bộ Chơn lý này, chúng ta đọc, học và nhận thức được chữ Khất sĩ, danh xưng Khất sĩ được phân tích một cách chính thức bởi vị Tổ sư khai sơn của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Ngày nay, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được khai sơn bởi Tổ sư Minh Đăng Quang được truyền bá và mở rộng ra các nước như Mỹ, Úc, Canada, Pháp...
Tổ sư Minh Đăng Quang cho rằng: “Khất là xin, Sĩ là học, sống là xin, ai ai cũng là đang sống xin, để cho được cái học cái biết. Xin sống là để cho nên cái biết, biết ấy là học, cho biết lẽ thật, để thấy ra mục đích đặng thật hành theo, cho được sự giải thoát khổ não của vô thường, và tạo nên cái ta của ta an vui bền thật, hầu tránh xa sự nô lệ không công, tham sân si vô nghĩa lý”[4].
Khất Sĩ chính là hoạt động dạy - học lẫn nhau về đạo đức nhân sinh; xin nhau các pháp để dưỡng nuôi tâm trí; xin được chia sẻ cùng nhau những điều tốt lành, những kinh nghiệm hóa giải phiền não trên lộ trình xây dựng đạo đức và an vui trong cuộc sống: “Khất Sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy.
Bởi chúng sinh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ.” [5] Người Khất sĩ vừa xin vừa cho, vừa học vừa dạy, theo chủ trương - Xin vật chất cho lại tinh thần và cũng tự tạo cho mình cơ hội diệt trừ lần bản ngã của cái ta để đi lần đến quả đạo Khất sĩ, vì lẽ ấy mà gọi là Đạo Phật Khất Sĩ.
Xin trân trọng cảm ơn hội nghị. Kính chúc hội nghị an vui, thành tựu và phát triển.
Trân trọng,
Tỳ-kheo Giác Chinh.
---------------
Tài liệu tham khảo:
1. ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Bhikkhaka, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.400.
2. Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang Giảng Giải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1999; tr. 15.
3. Tổ Sư Minh Đăng Quang,Chơn Lý 58: Đạo Phật Khất Sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009.
4. Tổ Sư Minh Đăng Quang,Chơn Lý 11: Khất Sĩ. Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009.
[1]ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Bhikkhaka, VNCPHVN ấn hành 1993, tr. 400.
[2] Tỉ-khâu hoặc Tỉ-khưu (Tỳ-kheo) được các Đại sư dịch giả Trung Hoa dịch là: 比丘 , bắt nguồn từ chữ Bhikkhu trong tiếng Pali và chữ Bhikṣu trong tiếng Phạn, có nghĩa là "Người khất thực" hay “Khất sĩ” (乞 士). Thông thường, chúng ta thấy cách đọc trại khác là Tỷ-kheo, Tỳ-kheo, Tỳ-khưu.
[3] Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang Giảng Giải, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999; tr. 15.
[4] Tổ Sư Minh Đăng Quang,Chơn lý 58: Đạo Phật Khất Sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009.
[5] Sđd, Chơn Lý 11: Khất Sĩ.
Nguồn link: http://daophatkhatsi.vn/dao-phat-khat-si-la-gi.html
Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtobe
Bình luận (0)