Kỷ niệm 580 năm năm sinh Hoàng đế Lê Thánh Tông (1442-1497)
Tác giả: Ths Trịnh Bích Thùy Tổ Quyết Thắng, phường Trương Quang Trọng, Tp.Quảng Ngãi, Quảng Ngãi
Tóm tắt: Bên cạnh sự nghiệp chính trị đạt nhiều thành tựu lớn lao, Lê Thánh Tông còn để lại một di sản văn chương phong phú, có giá trị trên nhiều phương diện. Trong thơ chữ Hán của ông, một vị hoàng đế chủ trương độc tôn Nho học, Phật giáo không phải là nền tảng tư tưởng căn bản. Tuy nhiên, không khó để nhận ra những dấu ấn của đạo Phật trong sáng tác của Lê Thánh Tông qua các phương diện như sự xuất hiện của không gian chùa, lớp từ ngữ điển cố nhà Phật, những giáo lý nhà Phật được tác giả chiêm nghiệm… ….Vì vậy, có thể nói Phật giáo ảnh hưởng nhất định đến thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, góp phần mang đến cho những tác phẩm này nhiều giá trị thú vị. Từ khóa: Lê Thánh Tông, thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, dấu ấn Phật Giáo.
1. Đặt vấn đề
Lê Thánh Tông không thuộc kiểu tác giả hoàng đế – thiền sư – thi sĩ như nhiều tác giả của văn học thời Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông). Tuy nhiên, ông là vị hoàng đế có nhiều lương duyên với đạo Phật. Sáng tác của ông cho thấy rõ điều này. Bài viết từ tiền đề những mối quan hệ của hoàng đế Lê Thánh Tông với đạo Phật, khảo sát những biểu hiện của Phật giáo trong thơ chữ Hán của tác giả để đi đến khẳng định đạo Phật đã để lại nhiều dấn ấn quan trọng trong cuộc đời và văn chương của ông.
2. Vua Lê Thánh Tông với đạo Phật
Lê Thánh Tông (1442-1497), tên thật Lê Tư Thành, hiệu Thiên Nam Động chủ và Đạo Am Chủ nhân, là con thứ tư của vua Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao. Ông lên ngôi năm 1460, ở ngôi đến lúc mất, lấy hai niên hiện: Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). “Trong gần 40 năm làm vua, ông tiến hành cải cách toàn diện đất nước, đưa triều Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, văn hóa” [1]. Ông được xem là vị minh quân kiệt xuất trong lịch sử nền quân chủ Việt Nam, đúng như nhận định: “Ông vừa là một vị Hoàng đế anh minh, vừa là nhà chính trị, nhà quản lý đất nước tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn của nước ta vào nửa sau thế kỷ XV” [2].
Lê Thánh Tông là người có nhiều lương duyên với Đạo Phật. Mối lương duyên đầu tiên chính là việc ông được sinh ra và lớn lên ở chùa. Do sự mâu thuẫn giữa các thế lực trong triều đình nhà Lê, mẹ ông là bà Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh vào sống ở chùa Dục Khánh (còn có tên gọi Huy Văn) [3]. Chính tại ngôi chùa này, Tư Thành được sinh ra và lớn lên trong bốn năm đầu đời. Những ấn tượng đầu tiên của hoàng tử nhỏ tuổi gắn liền với Phật Giáo cũng từ đó trở nên sâu đậm.
Trong thời gian trì vì đất nước, vua Lê Thánh Tông đã có nhiều chính sách cải cách tôn giáo. Nhà vua đặt ty Tang Lục và ty Đạo Lục để quản lý các vấn đề liên quan đến Phật Giáo, Đạo Giáo. Luật Hồng Đức được ban hành với nhiều điều lệ quy định về các hoạt động của tăng, ni, việc xây chùa, ấn tống kinh sách. Nhờ đó, “dưới sự trị vì của Lê Thánh Tông, mặc dù Nho giáo là chủ đạo, nhưng Phật giáo (và Đạo giáo) cũng có vị trí và vai trò không thể thay thế đối với đời sống xã hội” [4].
Bên cạnh các hoạt động quản lý đất nước, vua Lê Thánh Tông cũng thường đi thăm thú cảnh chùa chiền và làm thơ đề tại nhiều chùa, động có chùa, đàm đạo với các nhà sư. Ông từng đến chùa Tu Mộng, chùa Sài Sơn, chùa Phong Công, chùa Quang Khánh, chùa Côn Sơn, thăm tháp Sùng Thiện Diên Linh, lên thăm chùa hoang trên núi Dục Thúy… Thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông ghi lại điều này. Đặc biệt, qua những bài thơ ông làm ở chùa, “có thể thấy Lê Thánh Tông rất am hiểu về Phật pháp” [5]. Tinh thần Phật Giáo cũng được thể hiện trong thấm đẫm trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn và các tác phẩm thơ Nôm khác của ông. Chính những lương duyên này đã đưa hoàng đế – nhà nho – thi nhân Lê Thánh Tông đến gần hơn với Đạo Phật. Sự ảnh hưởng cũng như dấu ấn của Phật Giáo trong sự nghiệp trước thuật của ông nói chung, thơ chữ Hán nói riêng là lẽ tất yếu.
3. Những dấu ấn của đạo Phật trong thơ chữ Hán Lê Thánh Tông
Trong thơ Nôm của Lê Thánh Tông, dấu ấn Phật Giáo để lại đậm nét trong những bài thơ vịnh cảnh chùa chiền như: Chùa Non Nước, Chùa Phật Tích, Chùa Pháp Vân, Chùa Pháp Vũ, Chùa Trấn Quốc, Chùa Phả Lại nguyệt Bình Than... Trong đó, có không ít câu thơ thấm đẫm chất thiền, cho thấy sự chi phối sâu sắc của cảm quan Phật giáo, chẳng hạn:
Cầm thông gió quyến khi tuyên pháp, Hoa báu mưa rây thuở diễn kinh. Tiết gặp thăng bình, nhân thưởng ngoạn, Tuệ quang thay được khí chung linh. (Chùa Pháp Vũ)
Thơ Nôm viết về Chùa của Lê Thánh Tông chủ biết bằng cảm hứng ngâm vịnh. Ở mảng thơ chữ Hán, cảm hứng nghệ thuật đa dạng, phức tạp hơn. Như đã biết, Lê Thánh Tông là “tác giả tiêu biểu cho loại hình văn chương nhà nho”. Ông “là một vị vua học nho, chuộng nho, đưa văn chương nhà nho thành chính thống, quan phương và làm văn, làm thơ theo quan niệm văn chương nhà nho”. Và thời đại của ông (nửa sau thế kỷ XV) là thời đại “nhà văn nho sĩ, văn chương nhà nho lại phát triển mạnh mẽ, toàn diện” [6] nhất. Thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông là đỉnh cao, tiêu biểu nhất cho đặc điểm này. Vậy, trong những tác phẩm chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Nho giáo ấy, Phật Giáo đã để lại những dấu ấn nào?
Di sản thơ chữ Hán Lê Thánh Tông rất phong phú. Tác phẩm hiện tồn của ông có Châu cơ thắng thưởng (10 bài), Chinh Tây kỷ hành (30 bài), Minh lương cẩm tú thi tập (17 bài), Văn minh cổ xúy (5 bài), Quỳnh uyển cửu ca thi tập (9 bài), Cổ tâm bách vịnh (100 bài) và những bài rời khác, tổng cộng gồm 313 thi phẩm [7]. Trong các tác phẩm của ông, bên cạnh sự chi phối toàn diện của quan niệm văn chương nhà nho, chúng ta vẫn nhận ra sự ảnh hưởng của cảm quan Phật Giáo. Nhiều dấu ấn của Đạo Phật để lại trong thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông khẳng định điều này.
Trước hết, sự xuất hiện của không gian chùa là một dấu ấn quan trọng của Đạo Phật trong thơ chữ Hán Lê Thánh Tông. Khác với các ngôi chùa trong thơ Nôm xuất hiện như một đối tượng để ngâm vịnh (dù được nêu đích danh trong nhan đề), chùa trong thơ chữ Hán của ông được miêu tả cụ thể, trên nhiều phương diện, trở thành một kiểu không gian mang giá trị thẩm mỹ. Chùa được nhắc đến trong thơ chữ Hán Lê Thánh Tông là các những địa danh mà nhà vua trên đường đi kinh lý, tuần du đã ghé thăm, vãn cảnh, đàm đạo cùng nhà Sư, làm thơ đề tặng. Nhờ sự quan sát, tìm hiểu, chiêm nghiệm của nhà thơ, hình ảnh chùa trong tác phẩm chân thực, sinh động hơn. Đến thăm chùa Côn Sơn, Lê Thánh Tông không giấu được cảm xúc trước vẻ đẹp nên thơ, cổ kính của ngôi cổ tự này:
Tịnh độ lâu đài cảnh trì kỳ, Cổ nhân trần tích thậm y hy.
浄土樓臺景致奇 古人陳跡甚依稀
(Cảnh trí lâu đài Tịnh độ đẹp lạ lùng/ Dấu cũ của người xưa vẫn còn y nguyên đó – Ngự đề Côn Sơn tự).
Còn đây là vẻ thanh u, thoát tục của quanh cảnh chùa Sài Sơn khiến thi nhân như lạc khỏi chốn hồng trần, tương thông với đất trời, vũ trụ:
Điểu ngữ hoán nghênh tùng hạ khách, Hoa dung tĩnh đối động trung tiên. Túc siêu trần thế tam thiên giới, Thủ trích tinh thần đệ nhất thiên.
鳥語喚迎松下客 花容靜對洞中仙 足超塵世三千界 手摘星辰第一天
(Chim hót chào đón khách dưới bóng tùng/ Hoa lặng lẽ nở trước tiên trong động/ Chân vượt ra ba ngàn thế giới trần tục/ Tay ngắt vì sao ở tầng trời đầu tiên – Đề Sài Sơn tự).
Bênh cạnh những danh tự như chùa Phong Công, chùa Quang Khánh, chùa Côn Sơn…, trong thơ Lê Thánh Tông còn có những ngôi chùa đã hoang phế, dấu tích vùi chôn theo thời gian, chiến tranh. Ví như, ngôi phế tự cùng tấm hoang bi mà tác giả tìm ra trong một lần trèo lên núi Dục Thúy:
Tầm lai phế tự lăng phong thượng, Lãm tận hoang bi đới mính hoàn.
尋來廢寺凌風上 覽盡荒碑帯暝還
(Tìm ra ngôi chùa hoang phế lúc đón gió trèo lên cao/ Đọc hết tấm bia bỏ hoang, chiều muộn mới về - Đề Dục Thúy sơn).
Rõ ràng, chùa trong thơ chữ Hán Lê Thánh Tông không phải là đối tượng ngâm vịnh. Đây là đối tượng thẩm mỹ trong nhiều sáng tác của ông. Sự xuất hiện của không gian chùa không chỉ có tác dụng làm đa dạng không gian nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ cho thơ Lê Thánh Tông mà còn khẳng định mối quan hệ gần gũi giữa nhà vua với Phật Giáo cũng như sự ảnh hưởng nhất định của Đạo Phật đối với các tác phẩm của ông.
Phật Giáo còn để lại dấu ấn trong thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông qua những chiêm nghiệm, bàn luận về Đạo Phật của thi nhân. Là hoàng đế, Lê Thánh Tông chú ý đến Phật Giáo ở cương vị quản lý nhà nước là điều tất yếu. Tuy nhiên, trong thơ, ông còn quan tâm đến Đạo Phật với tư cách một nhà thơ, một người am tường về Phật pháp và có nhiều lương duyên, thiện cảm cùng Phật Giáo. Việc làm thơ đề tặng nhiều ngôi chùa của ông nói lên điều này. Đặc biệt, trong thơ chữ Hán, không ít lần Lê Thánh Tông có những trải nghiệm sâu sắc về Phật học. Chẳng hạn, trên đường kinh lý đi qua núi Chí Linh, nhà thơ vào viếng chùa, nghe một tiếng chuông ngân (Khánh lai tự ngoại hốt văn chung 客来寺外忽聞鐘 – Chí Linh sơn đạo trung 1) và nghiệm ra nhiều điều về con đường của người tu tập nói chung và cảm giác chứng ngộ giải thoát khi đặt chân vào cửa thiền của bản thân:
Tham thiền nhân luyến tâm vi Phật, Danh lợi đô quy tiểu yết quan. Lộ chuyển lâm hồi vân duệ lãnh, Cửa đầu nghi nhập Tứ Minh sơn.
参禪人戀心爲佛 名利都歸小歇關 路轉林回雲袂冷 舉頭疑入四明山
(Người tham thiền muốn tâm thành Phật/ Danh lợi đều phải để ở chỗ cửa quan nghỉ tạm [trước khi vào chùa]/ Đường rừng quanh co, tà áo vương mây lạnh/ [Ta] ngẩng đầu ngỡ mình đã vào núi Tứ Minh [8] – Chí Linh sơn đạo trung 2).
Hoặc như, đến thăm chùa Tu Mộng, Lê Thánh Tông làm thơ cho khắc vào cột chùa, ghi lại việc đàm đạo cùng Sư trụ trì. Tại đây, hai người đã có những luận bàn thú vị về Phật pháp và nhà vua, qua cuộc đàm đạo ấy, đã nhận chân nhiều điều về sự uyên áo nhiệm màu của Đạo Phật. Nhà thơ nhận ra con đường tìm thấy chân lý của một bậc đế vương không hề dễ dàng, ông chiêm nghiệm sâu sắc hơn về “ngũ viên”, “lục độ”, lẽ “sắc không” và đã có lúc chứng ngộ, khiến nhà Sư đi bên cạnh không cần giảng giải thêm về giáo lý nhà Phật nữa:
Kê điền đống vũ bán tồi khuynh, Tát đóa huề dư phỏng hóa thành. Đại giác hải trung quân dị ngộ, Vô cùng môn lý ngã nan hành. Ngũ viên trạm trạm nguyên phi sắc, Lục độ trừng trừng diệc hữu tình. Mãnh tỉnh thị phi đê thủ khách, Bàng nhân thật vật thuyết tam sinh.
雞田棟宇半摧傾 薩埵攜余訪化城 大覺海中君易渡 無窮門里我難行 五圓湛湛原非色 六渡澄澄亦有情 猛省是非低首客 傍人愼勿說三生
(Nhà cửa chốn kê điền [9] [tức ngôi chùa này] nửa phần đổ nát/ Nhà sư dắt ta đi thăm cảnh chùa/ Trong biển đại giác, thầy dễ vượt qua/ Trong cửa vô cùng, ta khó đi/ Ngũ viên vằng vặc vốn không phải “sắc”/ Lục độ ngời ngời cũng có tình/ [Ta] người khách cúi đầu trong vòng thị phi nay tỉnh ngộ/ [Khi ấy] người đi bên cạnh [là Sư thầy] cẩn trọng, không nói về tam sinh nữa – Đề Tu Mộng tự trụ khắc).
Có thể thấy, Lê Thánh Tông là người am tường về Phật học. Bởi đó, sự ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật trong thơ chữ Hán của ông đến một cách tự nhiên, không gượng ép. Điều này góp phần mang đến cho thơ ông vẻ đẹp triết lý và những chiều sâu tư tưởng, một hệ quả từ sự ảnh hưởng của Đạo Phật đến thơ chữ Hán nói riêng, thơ văn Lê Thánh Tông nói chung.
Một dấu ấn khác của Đạo Phật trong thơ chữ Hán Lê Thánh Tông là lớp từ ngữ, điển cố Phật Giáo được tác giả sử dụng một cách có chủ đích trong nhiều tác phẩm. Ở những tác phẩm viết về/ đề tại chùa, lớp từ này được dùng với tần số cao, mang lại nhiều hiệu quả diễn đạt, chẳng hạn: Tịnh độ (Ngự đề Côn Sơn tự); tam thiên giới (Đề Sài Sơn tự); tát đóa, hóa thành, đại giác hải, sắc, ngũ viên, lục độ, tam sinh (Đề Tu Mộng tự trục khắc)… Đặc biệt, ở những tác phẩm không liên quan trực tiếp đến đề tài Phật Giáo, Lê Thánh Tông vẫn chủ động sử dụng nhiều điển cố có nguồn gốc nhà Phật. Chẳng hạn, nghỉ chân tại Vạn Kiếp, làm thơ ca ngợi “công tích an dân lừng lẫy của Hưng Đạo vương” (Hoàn hoàn Hưng Đạo an dân tích – 桓桓興道安民積), ông dùng điển hoa ưu bát đàm của nhà Phật:
Phù thế vô căn ưu bát đàm
浮世無根優缽曇
(Hoa ưu bát đàm không rễ trong cõi phù thế – Trú Vạn Kiếp).
Theo giáo lý nhà Phật, hoa ưu đàm 3000 năm mới nở một lần. Mỗi lần hoa nở thì có thánh nhân ra đời, thiên hạ được hưởng phước lớn. Sử dụng điển này, Lê Thánh Tông hàm ý ca ngợi Trần Hưng Đạo là bậc thánh nhân, bởi công tích của ông đối với dân tộc thật lớn lao, đáng được lưu danh sử sách và nhân dân ghi nhớ muôn đời (Giản sách lưu phương vạn cổ đàm – 簡册流芳萬古談).
Miêu tả cảnh động Dương Nham, tác giả sử dụng nhiều từ ngữ, điển cố nhà Phật như Tăng nhãn (mắt Tăng), Phật đầu (đầu Phật), Kỳ viên (vườn Kỳ), Xá Vệ thành (thành Xá Vệ) làm hình ảnh so sánh, gây ấn tượng độc đáo về quang cảnh kỳ vĩ nơi đây:
Giang thủy đạm ư Tăng nhãn bích, Hải sơn nồng tự Phật đầu thanh. Kim ngao bối thượng Kỳ viên địa, Bảo ốc quang trung Xá Vệ thành.
江水淡於僧眼碧 海山濃似佛頭青 金鰲背上祇圜地 寶屋光中舍衛城
(Nước sông nhạt hơn màu biếc của mắt Tăng/ Núi ngoài biển đậm như màu xanh của đầu Phật/ [Nơi đây như] vườn Kỳ trên lưng rùa vàng/ [Như] thành Vệ Xá trong ánh sáng của nhà báu – Đề Dương Nham động).
Rõ ràng, cảm khái về nhân vật lịch sử hay tả cảnh thiên nhiên, nhà thơ có thể sử dụng nguồn thi liệu vô cùng phong phú trong truyền thống thơ ca phương Đông. Tuy nhiên, ông lại chủ động sử dụng từ ngữ, điển cố Phật Giáo. Đây là một trong những minh chứng cho thấy Lê Thánh Tông không chỉ am hiểu về Phật pháp mà còn chịu sự ảnh hưởng của Phật Giáo trong các sáng tác của mình.
4. Tạm kết
Phật giáo để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông. Trong các tác phẩm của ông, Đạo Phật không phải là nền tảng tư tưởng chính nhưng vẫn chi phối sâu sắc cảm quan nghệ thuật của tác giả. Trong thơ chữ Hán của ông, dấu ấn Phật Giáo để lại trên nhiều phương diện, là yếu tố quan trọng góp phần làm nên các giá trị độc đáo, đa dạng của tác phẩm.
Lê Thánh Tông là vị hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Công lao của ông đối với đất nước là điều đã được sử sách khẳng định từ rất sớm. Đối với nền văn hóa nước nhà, ông là tác gia văn chương lớn, có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của văn học dân tộc nửa sau thế kỷ XV trên cả hai phương diện quản lý và sáng tác. Đặc biệt, trong tiến trình của văn học Phật Giáo Việt Nam thời trung đại, Lê Thánh Tông có những đóng góp đáng ghi nhận với những bài thơ đặc sắc liên quan đến Đạo Phật. Ông xứng đáng là một trong những tác giả văn học Phật Giáo lớn trong thế kỷ XV.
Tác giả: Ths Trịnh Bích Thùy Tổ Quyết Thắng, phường Trương Quang Trọng, Tp.Quảng Ngãi, Quảng Ngãi ***Chú thích: [1] Đinh Văn Viễn (2019), “Hoàng đế Lê Thánh Tông với Phật Giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo, số 9. Dẫn theo: https://phatgiao.org.vn/hoang-de-le-thanh-tong-voi-phat-giao-d41454.html. [2] Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr.8. [3] Chùa nay ở ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, TP. Hà Nội. [4] “Hoàng đế Lê Thánh Tông với Phật Giáo”, tlđd. [5] “Hoàng đế Lê Thánh Tông với Phật Giáo”, tlđd. [6] Bùi Duy Tân, “Lê Thánh Tông và bước phát triển mới của văn học trung đại Việt Nam”, in trong Lê Thánh Tông về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.351 và tr.353. [7] Theo Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập, sđd. [8] Theo truyền thuyết, núi này thông với bốn nguồn sáng là nhật, nguyệt, tinh, thần nên có tên như vậy. Dùng điển này, tác giả hàm ý sự giải thoát, sự hòa hợp với đất trời khi đạt tới cảnh giới của việc tu hành. [9] Theo Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập, sđd, chú tại trang 108, “kê điền” có thể do viết nhầm từ “ổ điền”. Năm 581, Tùy Viên Đế ban cho chùa Thiếu Lâm 100 khoảnh ổ điền. Về sau, ổ điền được dùng để chỉ chùa.
Bình luận (0)