TT.Thích Thiện Hạnh - Phó Viện Trưởng PVNCPHVN tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022

Lễ Phật đầu năm

Đầu năm lên chùa lễ Phật:

“Thiền môn thanh tịnh đón xuân sang Người vui, cảnh đẹp, gió nhẹ nhàng Thời khắc giao hòa trong trời đất Lòng người xúc động lẫn hân hoan”

Đi chùa lễ Phật, cầu an trong những ngày đầu năm đã trở thành thông lệ không thể thiếu trong ngày lễ Tết, đây là nét đẹp trong đời sống tâm linh, có giá trị nhân văn cao cả.

Thời khắc tiếng chuông chùa ngân vang giữa đất trời, cùng với tiếng mõ, tiếng trống vang lên, mọi người thành kính chắp tay nơi cửa Phật, cầu cho quốc thái dân an, mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự được hanh thông, tiếp đến là nguyện hồi hướng công đức cho người đã khuất và chúng sinh ở "thế giới bên kia" được siêu thoát.

Đến chùa là trở về với chính mình, chiêm nghiệm thời gian năm cũ đã qua để định hướng cho năm mới con đường sáng đẹp bằng sự nỗ lực, nuôi dưỡng cho tâm mình trở nên thanh tịnh. Hoạt động này là một liệu pháp tinh thần nhưng quan trọng hơn, mỗi độ Tết đến xuân về, phật tử đi chùa sẽ được nghe chư tăng, ni giảng pháp, giúp hiểu rõ đạo lý nhân quả để từ đó thay đổi lối sống, suy nghĩ, chuyển hóa hành vi từ bất thiện thành tốt đẹp, tu tâm dưỡng tính, tu tập từ bi hỷ xả đối với mọi người.

Mục đích đi chùa là trải nghiệm đời sống văn hóa và tâm linh để thăng hoa nhận thức, sám hối những việc làm chưa đúng, tu tâm tích đức, thông qua đó cải thiện đời sống xã hội mà mỗi phật tử luôn muốn hướng tới mỗi khi đến chùa.

Quan trọng hơn, trong cuộc sống phải đặt trọn niềm tin vào quy trình nhân quả, hiểu và hành động như vậy, mới thật sự có được một cuộc sống an vui hạnh phúc, mới xứng đáng là người con Phật, mới hiểu đúng về giá trị của việc đi chùa lễ Phật đầu năm.

Xuân chốn thiền môn

Đến cửa thiền môn như được tắm mình trong không khí trong lành của trời đất, trong không gian thanh tịnh và thánh thiện của chư Phật, Bồ tát. Tất cả không gian ấy, thời gian ấy khiến cho con người như được gột sạch những “bụi trần”. Cho nên, những lời cầu nguyện, van xin công danh sự nghiệp không có trong đạo Phật, chỉ có tinh thần từ bi, vị tha, suy nghĩ đúng mới đem lại cho con người hạnh phúc tròn đầy. Thế nên hạnh phúc là những niềm an lạc hiện hữu xung quanh mọi người, được soi rọi bằng đôi mắt trí tuệ, cái nhìn chính niệm, một nếp sống đầy hướng thượng, thực hành theo lời Phật dạy, mặc cho dòng đời trôi chảy, vạn vật biến hoá không ngừng:

“Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân đến trăm hoa cười Trước mắt việc đi mãi, Trên đầu già đến rồi, Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một cành mai”. (Thơ: Mãn Giác Thiền sư, dịch: Ngô Tất Tố)

Mùa Xuân trong Phật giáo, cần được hiểu đó là “mùa Xuân bất tận”, trạng thái an vui của nội tâm, kết quả thiêng liêng cao cả nhất sau quá trình hành trì, nỗ lực thực hành đúng phương pháp theo lời dạy của đức Phật.

Nguồn gốc của mọi khổ đau, bất hạnh là do Vô minh, Vô minh làm cho con người tham lam, sân hận, si mê, làm cho con người có những hành động sai lầm và trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi, khiến cho con người không ý thức được những gì đang trói buộc mình. Bản chất của hiện thực là vô thường, là khổ đau, là vô ngã. Cho nên trong giáo lý đạo Phật, có rất nhiều phương pháp được xem là “phương tiện thiện xảo” để mỗi người tự tìm lấy con đường thích hợp cho mình nhằm hóa giải khổ đau. Chúng ta có thể thấy, người nào say mê tiền tài vật chất, danh vọng quyền lực, ăn uống no say, hoang phí,... thì đó chính là tâm bị chi phối. Khi tâm ai đó bị chi phối bởi lòng tham thì đó cũng là cội nguồn của mọi điều bất hạnh, khổ đau.

Trong sự chuyển vận tự nhiên của vạn vật, đất trời, thì phong tục đi chùa vào mùa xuân vừa là khởi đầu của một năm, vừa là khởi đầu của sự sống. Cho nên phong tục lễ chùa đầu xuân tuân theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa xuân sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa…). Trải qua thời gian ý niệm đó, đã trở thành yếu tố tâm linh gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người Việt, như hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa Việt.

Mọi người “Đến với cửa chùa, học được tinh thần từ bi, trí tuệ, vị tha, đạo đức tốt đẹp nơi cửa Phật, từ đó hoàn thiện nhân cách, sống tốt đời đẹp đạo”. Trong niềm hỷ lạc vô tận của người con Phật, thấm nhuần chính pháp, chúng ta sẽ thấy mùa xuân tràn khắp cõi lòng đi về muôn nơi của không gian vô tận, thời gian vô cùng. Dù xuân nhân gian có đến có đi, hoa nở hay tàn theo thời tiết nhân duyên, nhưng tâm người đã thấu triệt ý nghĩa tu hành thì lúc nào cũng là xuân. Một giây, một phút cũng là vĩnh cửu, ba ngày xuân cũng là mãi mãi. Mùa xuân nhân gian và mùa xuân đạo lý lồng lộng khắp đất trời cũng chỉ là một tâm xuân. Cho nên, là người phật tử hiểu đạo lý, chúng ta phải làm sao nhân lên để 365 ngày đều là Tết, lúc nào cũng là Xuân.

Xuân an lạc

Mùa xuân của đất trời mỗi năm có một lần, mùa xuân trong lòng người thì chẳng giới hạn bởi thời gian. Nó thuộc vào tâm tưởng của chính mình, khi vui thì xuân hiển hiện; khi đau buồn thì chẳng thể thấy mùa xuân. Nếu chúng ta không biết trở về với thể chân thật của chính mình thì khi sắc thân bại hoại chúng ta đau khổ vô ngần. Thế nên sống được với thể chân thật không sinh, không diệt thì ngày nào cũng là Xuân, lúc nào cũng là Xuân và miên viễn là Xuân. Vì vậy trong cuộc sống ngắn ngủi này, chúng ta biết tu, biết hướng về đạo, đem hết tâm mình tiến đến chỗ giác ngộ thanh tịnh, đó là chúng ta trở về cõi Phật, tức là trở về mùa Xuân đẹp đẽ không gì bì kịp. Cho nên các vị Thiền sư không nói Xuân của thời gian mà nói Xuân của tất cả người thoát khỏi cái sinh diệt của thời gian. Thường người đời thấy Xuân qua ngỡ là Xuân hết, song đối với người tu xuất thế thì Xuân lúc nào cũng sẵn ở lòng mình, ngày nào tháng nào năm nào cũng là Xuân, nhìn đâu cũng tươi đẹp, nhìn đâu cũng an vui.

Con đường tươi đẹp và mát mẻ chúng ta đang đi là tượng trưng cho mùa Xuân, nhất là những ngày đầu Xuân đang đi trên con đường thênh thang đẹp đẽ, tươi mát và an lạc, con đường Xuân, tức con đường về cõi Phật.

Mùa xuân vào chùa lễ Phật, người phật tử vẫn một dạ ghi sâu nhưng nét đẹp văn hoá coi trọng sự an lành, coi trọng sự êm ấm trong gia đình gắn liền với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy và những người có công dựng nước và giữ nước... vẫn là những nét đẹp văn hoá được gìn giữ như hồn cốt của dân tộc trong ngày Tết cũng như trong cả cuộc đời.

Xuân trong đạo Phật cũng là Xuân trong cuộc đời; vì Phật giáo, là một thực thể xã hội, luôn có sự vận động, biến đổi và thích nghi với xã hội đương đại cũng đã có những biến chuyển trong hoạt động tôn giáo của mình, không chỉ phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa mà Phật giáo còn hướng đến những hoạt động thế tục thể hiện tinh thần Phật pháp bất ly thế gian pháp.

Phật giáo xây dựng bằng trí tuệ và từ bi. Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy giác ngộ làm mục đích, lấy giải thoát làm chỗ cứu cánh viên mãn và lấy từ bi làm hạnh nguyện. Người học Phật, tu Phật, vì thế càng trở nên sáng suốt hơn, dũng mãnh hơn trong thực tại. Từ đó những người chân tu sẽ có tinh thần lạc quan, bình thản như mặt nước hồ trong không gợn sóng trước dòng đời biến động, giống như Mãn Giác thiền sư nói: “Xuân qua trăm hoa rụng - Xuân tới trăm hoa cười - Trên đầu việc đi mãi - Trước mắt già đến rồi”.

Sống đúng tinh thần đạo Phật là sống có ích cho bản thân, cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Những thành quả vô cùng tốt đẹp này chính là mùa Xuân của Phật giáo Việt Nam hiện hữu trong mùa Xuân dân tộc, những giá trị đó vẫn giữ được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân, hướng tới “chân - thiện - mỹ”, tạo dựng niềm tin giữa đời sống con người với đời sống tâm linh, cầu nguyện cho quê hương, đất nước hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng.

TT.Thích Thiện Hạnh - Phó Viện Trưởng PVNCPHVN tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022