Di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam là tất cả những sản phẩm thuộc về “văn minh vật chất và văn minh tinh thần” mà cộng đồng Phật giáo Việt Nam đã tạo tác trong suốt hơn hai ngàn năm có mặt trong dòng sử Việt.
TT TS Thích Hạnh Tuệ & TS Thích nữ Thanh Quế
1. Dẫn nhập
Với hơn 2.000 năm có mặt trong lòng dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã bản địa hóa trở thành Phật giáo Việt Nam; văn hoá Phật giáo đã hoà nhập vào văn hoá Việt Nam ở nhiều lĩnh vực để trở thành văn hoá Phật giáo Việt Nam: một thành tố quan trọng của Văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, có thể nói là đã hoà quyện trở thành một với văn hoá Việt Nam. Sở dĩ văn hoá Phật giáo có thể là một với văn hoá Việt Nam, vì như nhận xét của nhà văn Tam Ích, “Phật giáo là một hệ thống tôn giáo và triết học phát sinh và trưởng thành trong lịch sử – trong không gian và thời gian. Trong không gian vì vượt biên giới để bành trướng và nối biên giới để hòa đồng. Trong thời gian vì lịch sử loài người càng tiến hóa, Phật giáo càng có bề cao và bề sâu... Trong khi vượt biên giới và nối liền biên giới, tạo bề cao và bề sâu trên cuộc hành trình dài vô cùng, Phật giáo, dừng lại trước khi lên đường, đều để lại ở mỗi dân tộc một dung tích về ‘sinh tố’ thích nghi với truyền thống, phối hợp với hiện tại, hòa đồng với tương lai… của dân tộc ấy, để cùng với tương lai... của dân tộc ấy, để cùng với hoàn cảnh riêng về văn hóa, kinh tế, chính trị, văn hóa trí thức... của dân tộc ấy, duy dưỡng đường hướng thượng của họ trong lịch sử riêng của họ – trên bối cảnh văn hóa chung”[1].
Chính vì thế, đã đi đến một kết luận có phần dứt khoát của một nhà nghiên cứu hiện đại “… ta thấy Phật giáo Việt Nam đã để lại dấu ấn khá đậm trong ‘văn minh vật chất và văn minh tinh thần’ của dân tộc. Ta cũng tìm thấy trong Phật giáo sự dung hội giữa tâm hồn Việt với những giáo lý căn bản của nhà Phật. Sự hòa đồng của Phật giáo vào trong lòng dân tộc sâu đậm tới mức, với tâm hồn người Việt, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn được coi là lối sống đạo đức”[2].
Khi tìm hiểu về đạo Phật, chúng ta được biết, trước hết đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ; đức Phật là người truyền giảng con đường từ bi-trí tuệ ấy để mỗi người tự nâng cao giá trị của chính mình. Với hành trạng như vậy, đức Phật chính là nhà giáo dục và Ngài cũng tự xem mình như một người chỉ đường. Nói về bản chất giáo dục của đạo Phật, Hoà thượng Thích Minh Châu nêu rõ “Giáo dục của đạo Phật tôn trọng sự thật, chữa trị thân bệnh và tâm bệnh, chống đối mọi hình thức nô lệ, phát huy thái độ trí thức với chủ đích nâng cao giá trị của con người. Và thái độ nâng cao giá trị con người ấy được thể hiện một cách hùng hồn nhất khi đức Phật dạy, chỉ có con người mới giáo dục cho chính mình, chỉ có con người mới giải thoát cho mình, đức Phật chỉ đóng vai trò một người chỉ đường”[3].
Nói gọn lại, người Việt có một di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam không chỉ phong phú mà còn mang đặc chất từ bi và trí tuệ của Phật giáo, một tài sản lớn lao có giá trị bền vững cần được bảo vệ và phát huy.
2. Khái luận về Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
Di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam là tất cả những sản phẩm thuộc về “văn minh vật chất và văn minh tinh thần” mà cộng đồng Phật giáo Việt Nam đã tạo tác trong suốt hơn hai ngàn năm có mặt trong dòng sử Việt. Nói theo thuật ngữ Di sản văn hoá, đó là những di sản vật thể và di sản phi vật thể mang nội hàm Phật giáo.
Hiểu một cách đơn giản, di sản văn hoá là các di tích lịch sử-văn hóa, các danh lam thắng cảnh, những di vật, cổ vật, bảo vật được xếp hạng tuỳ theo mức độ giá trị về mặt lịch sử, văn hóa hay khoa học để được hưởng những quy chế bảo vệ nghiêm ngặt khác nhau, gọi là những di sản văn hoá vật thể; bên cạnh đó có những di sản chỉ là sản phẩm tinh thần, gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng nhiều phương tiện khác nhau, được gọi là di sản văn hoá phi vật thể.
Hiện nay, Di sản văn hoá là một lĩnh vực được quy định bởi pháp luật. Ngày 29/6/2002, Quốc hội ban hành Luật Di sản Văn hoá với 7 chương, quy định 74 điều, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị mọi tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được coi là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Luật Di sản Văn hoá cũng là phương tiện giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và nâng cao ý thức của mọi người dân để cùng có trách nhiệm giữ gìn và làm toả sáng giá trị của những di sản đó.
Như đã biết, người Việt phát tích từ nền văn minh Đông Sơn thuộc địa bàn đồng bằng các con sông Hồng ở miền Bắc, sông Mã và sông Cả (sông Lam) ở miền Trung rồi lần lần di chuyển sâu vào miền Nam hoà nhập với các nền văn minh Sa Huỳnh, Óc Eo… cũng là những cộng đồng có liên quan đến Phật giáo, do vậy, di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam bao gồm di sản văn hoá Phật giáo của các tộc người Champa, Chân Lạp, Phù Nam.
Theo Luật Di sản Văn hoá, Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; đồng thời cũng công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
Dựa vào các quy định của Luật, nhà nước và chính phủ đã có những quyết định công nhận nhiều sản phẩm là bảo vật quốc gia[4] và giao cho các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị của bảo vật. Cơ quan có trách nhiệm cụ thể thường là các viện Bảo tàng hoặc đại diện hợp pháp của những cộng đồng là chủ sở hữu những bảo vật ấy.
3 Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
Di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam hiển nhiên cũng có di sản vật thể và những di sản phi vật thể.
3.1. Di sản văn hóa vật thể của văn hóa Phật giáo Việt Nam
Di sản văn hoá vật thể nổi bật nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam là ngôi chùa. Lịch sử cho biết ngay dưới thời nhà Lý, chùa tháp được xây dựng rất nhiều.
Một học giả khi viết lời mở cho tác phẩm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng cho biết, khi các nhà khảo cổ Tây phương muốn tìm hiểu về mỹ thuật Việt Nam “…tuy có xét đến những phương diện khác như cung điện, lăng tẩm… nhưng vẫn phải lấy chùa chiền làm trọng tâm khảo sát.” bởi vì “Chùa chiền tô điểm cho thiên nhiên, thiên nhiên tô điểm cho chùa chiền, tuy hai mà một. Những ngôi chùa bên hang động hay trong lòng hang động ở Hương Sơn, Yên Tử Sơn, vịnh Hạ Long, những ngôi chùa trên những ngọn đồi hay những nơi khoảng khoát ở Bắc Ninh, đã là những kiệt tác của mỹ thuật Việt Nam, được coi như là tiêu biểu cho thời kỳ cực thịnh”. Và khi nói về ảnh hưởng của ngôi chùa, vị học giả viết, “…vì chẳng riêng gì nhà tu với cư sĩ, mà cả những cô yếm thắm, những thằng cu tóc để trái đào cũng yêu cảnh chùa tuy thỉnh thoảng mới dám rụt rè cảm động bước vào ngó Phật một tí, nhưng thường thẩn thơ dưới bóng đa ngàn tuổi toả rợp mái chùa để vọng vào tai tiếng kinh tiếng mõ và thở hút cái không khí tâm linh mà không biết. Nhưng chính sự không biết ấy mới sâu xa, mới tác động vào chỗ thăm thẳm ngàn trùng, bởi những Vạn Hạnh, những Diệu Nhân, những Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, những người sống chết với đạo, đem đạo toả vào đời, đã từng là những hài nhi đó”[5].
Một nhà nghiên cứu hiện đại nhận định về chùa Phật đã khẳng định, “Nhìn từ góc độ kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, ta thấy nhiều ngôi chùa xứng đáng được tôn vinh với tư cách là các di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và những ‘bảo tàng nghệ thuật điêu khắc’ sống động”[6]. Thế thì chỉ trên phương diện nhận thức tổng quan, chúng ta cũng có thể đoán định rằng di sản văn hoá vật thể thuộc văn hóa Phật giáo Việt Nam là hết sức phong phú. Tiếc rằng trải qua hơn hai ngàn năm thăng trầm của lịch sử, số lượng hiện vật có sẵn chẳng còn được bao nhiêu để chúng ta có cơ hội thưởng thức, từ đó kính phục công sức của tiền nhân.
Cụ thể, sau gần hai thập niên thi hành Luật Di sản văn hoá, dưới đây là một số bảo vật quốc gia liên quan đến di sản vật thể thuộc văn hoá Phật giáo Việt Nam đã được nhà nước công nhận. Đương nhiên đây chỉ là một phần rất nhỏ của lâu đài văn hóa nguy nga tráng lệ của Phật giáo được tạo tác trong hơn 2000 năm qua.
a. Về giai đoạn Bắc thuộc, có bia Xá Lợi Tháp Minhđược công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đây là một tấm bia đá khắc chữ Hán, tạo tác năm 601 (niên hiệu Nhân Thọ thứ nhất đời Tuỳ Văn Đế) ghi việc Hoàng đế nhà Tùy cho rước xá-lợi Phật đến chùa Thiền Chúng ở Giao Châu để xây tháp thờ phụng. Bia hiện được lưu trữ tại Bảo Tàng tỉnh Bắc Ninh. Việc phát hiện tấm bia này cho thấy sử liệu ghi trong Thiền Uyển Tập Anh về lịch sử Phật giáo Việt Nam là chính xác.
b. Thuộc thời nhà Đinh (968-980), được công nhận là Bảo vật Quốc gia có Thạch trụ chép kinh Lăng Nghiêm của chùa Nhất Trụ hiện được giữ gìn tại Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử-Văn hóa tỉnh Ninh Bình.
c. Hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia còn sót lại từ thời nhà Lý (1009-1225) gồm có bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, được gìn giữ ở chùa, toạ lạc tại huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang; bia Sùng Thiện Diên Linh hiện do chùa Long Đọi Sơn ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm bảo quản; một pho tượng Phật A-di-đà thuộc chùa Ngô Xá huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, được chùa quản lý; một cột đá chạm rồng thuộc chùa Dạm (còn có tên là Đại Lãm tự) nằm trên núi Dạm thuộc thôn Tự, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, cũng được giao cho chùa trông nom.
d. Thuộc về thời nhà Trần (1225-1400), được xếp hạng Bảo vật Quốc gia có: Bia chùa Sùng Khánh hiện vẫn đặt tại chùa, thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; chuông chùa Bình Lâm cũng được gìn giữ bởi chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; chuông chùa Vân Bản ở Đồ Sơn Hải Phòng, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội; bia tháp “Thanh Mai Viên Thông” có ghi tiểu sử ngài Nhị tổ Pháp Loa thuộc Thiền phái Trúc Lâm vẫn được gìn giữ bởi chùa Thanh Mai, thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương.
e. Hiện vật Phật giáo thời nhà Mạc khi triều đại này đã chạy lên Cao Bằng chỉ có một cặp chuông chùa Đà Quận được xếp hạng, vẫn đặt tại chùa, hiện toạ lạc tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
f. Giai đoạn nhà Lê Trung hưng (1533-1789), những hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia gồm có:
- Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Hà Nội;
- Ba pho tượng Tam Thế Phật, lưu tại chùa Linh Ứng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh;
- Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, hiện vẫn đặt tại chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội;
- Bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thầy xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, được lưu giữ tại chùa;
- Trụ xoay Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, được chùa chăm sóc;
- Tượng của hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đặt tại chùa Đậu (còn gọi là chùa Pháp Vũ), huyện Thường Tín, Hà Nội;
- Trụ Cửu phẩm Liên hoa chùa Đồng Ngọ được chùa chăm sóc. Chùa này do Quốc sư Khuông Việt xây dựng vào năm 971, tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, tỉnh Hải Dương.
- Hai cánh cửa chạm rồng của chùa Keo (tên khác của chùa Thần Quang, thờ ngài Dương Không Lộ) thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, hiện tàng trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội;
- Pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tạc vào thế kỷ XVII, đặt tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, khu Di tích Yên Tử xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
g. Thuộc triều đại Tây Sơn (1778-1802) có chiếc trống đồng Cảnh Thịnh được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội và một ngôi tượng Phật đặt tại chùa Tây Phương, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Chiếc trống được khẳng định là hiện vật Phật giáo vì có bài minh trên than trống nói về lý do đúc trống. Các dòng lạc khoản khắc trên thân cho biết trống được đúc vào tháng 4 nhuận năm Cảnh Thịnh thứ 8 thời Tây Sơn (1800) tại Chùa Cả (Linh Ứng tự), xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (tức Chùa Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay)[7].
h. Hiện vật thời nhà Nguyễn (1802-1945) được công nhận là Bảo vật Quốc gia gồm: thứ nhất, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ; thứ hai, hệ thống mộc bản khắc kinh Phật của chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), hệ thống mộc bản này bắt đầu thực hiện từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng đến đầu thế kỷ XX vẫn còn tiếp tục có bản khắc mới.
i. Được xếp hạng Bảo vật Quốc gia các hiện vật thuộc các nền văn hoá Chăm Pa và Óc Eo có thể kể đến: tượng Phật Đồng Dương thuộc văn hoá Chămpa tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh; phù điêu Chămpa Tây Nguyên thuộc thế kỷ VI-VII tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai Thành phố Pleiku; tượng Avalokitesvara (Bồ-tát Quan Âm) Hoài Nhơn thuộc văn hóa Chămpa tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh; tượng Avalokitesvara Đại Hữu thuộc văn hóa Chămpa tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh; tượng Avalokitesvara thuộc văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh; tượng Phật Bình Hòa thuộc văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh; tượng Phật Sa Đéc thuộc văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.
j. Ngoài ra, có giá trị cao hơn là hệ thống Mộc bản kinh Phật của Thiền phái Trúc Lâm hiện lưu trữ tại chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương tại Việt Nam vào năm 2012. Hệ thống Mộc bản này đang có khả năng trở thành Di sản Tư liệu thế giới theo sự xếp hạng của UNESCO.
Tất nhiên vẫn còn rất nhiều di vật chưa được xếp hạng, chẳng hạn khu di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng mới chỉ được nghiên cứu bước đầu, còn cần nghiên cứu chuyên sâu hơn. Hoặc công trình khảo cổ ở Luy Lâu dù đã khởi động nhưng vẫn chưa được đẩy mạnh. Đó là chưa kể có thể nhiều cảo bản chưa thể phát hiện hết vì vẫn còn ẩn khuất ở các thư khố nào đó trong tay người chưa có điều kiện đọc được tư tưởng của tiền nhân.
3.2. Di sản văn hóa phi vật thể của văn hóa Phật giáo Việt Nam
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam đều nhìn nhận rằng ngay từ khi du nhập Việt Nam, Phật giáo đã sớm thấm vào lòng dân Việt, như thể người Việt đã có sẵn Phật chủng, theo nhận xét của một Thiền sư học giả, “Gặp một tai nạn, người dân vội ‘lạy Phật, lạy Trời’. Ðời có khổ lắm thì người dân cũng chỉ chép miệng: ‘Kiếp trước ta đã vụng tu’. Việc kiếp này chưa xong ư? Họ hẹn kiếp sau. Ta thường nghe các bà mẹ dặn con dặn cái ‘Con đừng phung phí gạo cơm mà sau hóa làm vịt để đi rúc những chỗ rơi rớt’. Họ đã được thấm nhuần tự bao giờ giáo lý nhân quả, luân hồi của đạo Phật, trong óc họ đã nảy sinh một quan niệm thiện ác nghiệp báo tương tợ với chủ trương Phật giáo. Có những người thấy cây chết mà ngậm ngùi, thấy nhành héo mà thương xót… Sao người Việt lại có một lòng thương rộng rãi và phong phú đến thế để có thể tiếp nhận tinh thần từ bi của Ðạo Phật một cách dễ dàng?”[8].
Cho nên, một nhà nghiên cứu khác ở thời hiện đại là Phó giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Bài đã nhận định, “Có thể nói, văn hóa đạo đức là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Phật giáo. Từ, bi, hỉ, xả trong Phật giáo là ‘liều thuốc’ làm trong sáng hơn đời sống tinh thần, trong đó có đời sống tâm linh của Phật tử trước áp lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cũng như sự cạnh tranh quyết liệt vì lợi nhuận trong kinh tế thị trường”. Ông đã nêu quan điểm, “Các vị thiền sư nổi tiếng với tư tưởng nhân văn và tấm gương đạo đức là di sản văn hóa Phật giáo quý giá của Việt Nam”. Trong bài viết Di sản Văn hoá Phật giáo trong xã hội đương đại Việt Nam ông viết, “Hệ thống giáo dục và đào tạo của Phật giáo đã sản sinh ra nhiều vị Tổ sư, cao tăng, là những vị thực tu, thực chứng, có kiến giải sâu sắc, có tầm nhìn thấu thị nhiều vấn đề trong đời sống xã hội” cho nên “… các vị thiền sư, cao tăng luôn có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội”. Ông dẫn Việt Nam Phật giáo Sử luận của Nguyễn Lang cho thấy trong thời tự chủ của nước nhà sau giai đoạn Bắc thuộc, “các nhà sư là những người có học, họ thuộc tầng lớp trí thức, có ý thức về quốc gia dân tộc, sống gần gũi với nhân dân lao động. Họ là đại diện cho tinh thần dân tộc”[9].
Quả thực, di sản văn hoá phi vật thể của Phật giáo Việt Nam bàng bạc trong lối sống biết đủ và ít ham muốn của các vị Thiền sư đạt đạo, trong quan niệm bất hành nhi hành của các ngài, thật khó có thể lập thành hồ sơ để được công nhận.
Tuy vậy, cũng có những lĩnh vực thuộc phạm trù phi vật thể, chẳng hạn lễ hội truyền thống Phật giáo, lễ nhạc Phật giáo, lễ thức Phật giáo, là những lĩnh vực có thể truyền thụ, lan toả và tiếp tục phát huy các giá trị vốn có.
Căn cứ vào các hồ sơ đề nghị được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, cũng có thể thấy một số lễ hội truyền thống Phật giáo đang xếp hàng chờ. Có thể kể lễ hội chùa Bà Đanh ở xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; lễ hội chùa Hào Xá ở xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương; lễ hội chùa Đại Bi ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; lễ hội chùa Keo (chùa Thần Quang, thờ ngài Dương Không Lộ) ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; và lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Đặc biệt, vấn đề lễ nhạc Phật giáo là điều cần sớm được quan tâm, đồng thời nên sớm có kế hoạch bảo vệ và phát huy.
Một nghiên cứu của một chuyên gia Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology) xuất thân từ vùng đồng bằng sông Cửu Long là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong[10] khẳng định lễ nhạc Phật giáo Việt Nam có những đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ một nhạc điệu Phật giáo Đại thừa nào khác. Theo trình bày của ông, có thể thấy rằng lễ nhạc Phật giáo Việt Nam có truyền thống từ ngài Khương Tăng Hội vì vị Thiền sư này là một người rất giỏi về Phạm bối, một hình thức tán tụng có nguồn gốc Phật giáo Ấn Độ. Ông cho rằng “Lục thời sám hối khoa nghi do chính vua Trần Thái Tông biên soạn là một tác phẩm khoa nghi có giá trị lịch sử nhất định trong kho tàng văn học cũng như âm nhạc nước nhà”[11]. Ông cũng đã thống kê cho thấy số lượng bài bản trong nghi lễ Phật giáo gồm hơn 250 khoa nghi, mỗi khoa nghi có thể được coi là một buổi “biểu diễn âm nhạc” với sự quy định khúc chiết về mặt trình tấu. Theo ông, mỗi hình thức kinh, kệ, chú, tán trong nghi lễ Phật giáo đều tương ứng với một hình thức âm nhạc: Kinh của Phật giáo thuộc hình thức diễn xướng trường thiên mà không một kịch bản sân khấu nào có thể so sánh được. Nhưng kệ thường được thay bằng những bài thơ do các thiền sư người Việt sáng tác dùng để xướng lên trước hoặc sau những bài kinh dài. Chú (thần chú) là các bài dịch âm trực tiếp từ tiếng Phạn, người nghe thường không hiểu ý nghĩa nhưng có tác dụng âm nhạc rất đặc biệt.
Nhận định chung về lễ nhạc Phật giáo Việt Nam, ông kết luận: “Chức năng của âm nhạc nhà chùa thật vô cùng quan trọng và đa dạng. Một mặt nó thể hiện sự cần thiết của âm nhạc trong tôn giáo đối với việc sáng tạo và truyền đạt tư tưởng từ bi, giải thoát, ngợi ca cuộc sống loài người qua những làn điệu âm nhạc hỗ trợ bởi các nhạc cụ thuộc nhiều loại. Mặt khác, nó chứng tỏ mối tương quan trong chức năng địa phương giữa nhạc đạo và nhạc đời. Xin nhắc lại, yếu tính cởi mở trong dòng Phật giáo Đại thừa đã là chất keo gắn liền dân tộc Việt với đạo Bụt từ hai nghìn năm qua. Không những thế, các nước Phật giáo Đại thừa đều đi theo một lối đi chung, đó là con đường ‘dân tộc hóa’ tư tưởng đạo Bụt”[12].
Thế nhưng ông bày tỏ sự bi quan về tình trạng có thể bị mai một của lễ nhạc Phật giáo Việt Nam. Ông nói, “Chỉ tiếc là trong các chùa chiền ở nước ta hiện nay, đã không còn những vị sư thầy truyền dạy những bài nhạc lễ đặc sắc nữa. Có thể nói là âm nhạc Phật giáo Việt Nam đang có nguy cơ bị thất truyền”[13].
Cũng liên quan đến lễ nhạc Phật giáo Việt Nam, một vị thượng thủ khác ca ngợi giá trị dân tộc của toàn bộ hệ thống nghi thức được truyền đạt từ cả trăm năm qua sau khi Phật giáo Việt Nam cố gắng xoá bỏ âm hưởng lễ nhạc Phật giáo Quảng Đông thịnh hành khoảng giữa thế kỷ XVIII, “Trong mỗi nghi thức, ta sẽ khám phá ra được một quan niệm về nhân sinh, một nếp sống an lành, hiếu nghĩa, từ bi, xem trọng sự lợi sinh và giải thoát của muôn loài. Ở đây, lý trí và tình cảm điều hòa trong một nếp sống vị tha, đạo hạnh, ngát mùi dân tộc và đượm hương giải thoát. Nếu còn nhiều thì giờ, chúng ta hãy đọc lên một vài đoạn văn trong khoa ‘Mông Sơn’ để thấy lòng từ bi lan đến thập loại chúng sinh, vài đoạn văn trong sách Truyền giới để thấy tất cả sự quan hệ của nếp sống tinh thần của người tu học. Mỗi câu xướng, mỗi cử động trong nghi thức chứa đựng một ý nghĩa mà suốt từ đầu đến cuối, một sự sắp đặt toàn mỹ ăn nhịp theo với mục đích của khóa lễ: Sám hối bao giờ cũng trước phát nguyện, phát nguyện bao giờ cũng trước hồi hướng và nghi thức bao giờ cũng chấm dứt bằng Tam Tự Quy để hành giả quay về với sơ niệm tốt đẹp của đời đạo hạnh”, để rồi sau đó cũng bày tỏ sự băn khoăn, “Nhưng nghĩ rằng lễ nhạc của đạo Phật hiện đã hao mòn và hiện giờ còn bị người hắt hủi, chúng ta thấy buồn vô hạn”[14].
4. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
Thực ra, ý thức bảo tồn và phát huy mọi giá trị của văn hoá Phật giáo Việt Nam luôn nằm sẵn trong tâm thức của tất cả những người con Phật có tâm huyết đối với đạo pháp và dân tộc. Ý thức ấy vẫn xuyên suốt hơn hai ngàn năm Phật giáo có mặt trong lòng dân Việt, đã được thể hiện sáng rõ trong phong trào Chấn hưng Phật giáo hồi thập niên 1930 rồi lại bùng lên sau cơn pháp nạn 1963, và luôn luôn được ấp ủ trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Việc hàng ngàn người, hoặc có thể hàng chục ngàn người và hơn nữa, miệt mài sưu tầm, dịch thuật, sáng tác, phổ biến… kinh điển và các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng như nếp sống Phật giáo… cho thấy Phật tử Việt Nam luôn luôn quan tâm đến việc gìn giữ và làm toả sáng mọi thành tựu của những người đi trước. Ngay cả những nghệ nhân say sưa chế tác mọi loại pháp khí, trì vật[15] dùng trong nghi lễ Phật giáo, cũng luôn tâm niệm phải biết tôn trọng mọi giá trị sinh hoạt của nhà Phật.
Thế nhưng để có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Phật giáo thì ngoài ý thức và khát vọng, vẫn phải có kỹ năng. Mà muốn có kỹ năng thì phải nghiên cứu về ý nghĩa của văn hoá Phật giáo cùng những phương tiện có thể dùng được cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị đang có.
Như ở đoạn trước có nói, di sản văn hoá vật thể quan trọng nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam chính là ngôi chùa. Chùa là nơi diễn ra mọi sinh hoạt Phật giáo. Chùa là viện bảo tàng chứa đựng tất cả kinh sách, pháp khí, dụng cụ… phục vụ cho việc sinh hoạt và tu tập, không chỉ dành cho chư Tăng Ni mà còn là nơi lui tới thường xuyên của hàng cư sĩ và những người muốn tìm hiểu đạo Phật. Không khí ngôi chùa mang lại cho cộng đồng Phật tử sự thanh thản, tươi mát… làm tăng hiệu năng của mọi hoạt động Phật sự. Mọi vật dụng trong chùa đều cần có sự chăm sóc thích đáng cũng như toàn bộ khuôn viên ngôi chùa. Phật tử đến chùa cần phải được hướng dẫn tường tận cách sinh hoạt trong chùa, và điều đó không chỉ là nghĩa vụ của vị trụ trì.
Ở một phương diện khác, từ khi có Luật Di sản văn hoá thì việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc không phải là việc của riêng ai, mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Khi đó, ngoài nghĩa vụ bảo tồn và phát huy văn hoá Phật giáo Việt Nam, người Phật tử cũng phải có cả nghĩa vụ bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc. Như đã biết, văn hoá hiểu một cách rộng nhất chính là lối sống hướng thượng của một cộng đồng. Như vậy, mọi lối sống không thực sự dẫn đến con đường hướng thượng đều là những lối sống chưa thực sự có văn hoá.
Ở cương vị cư sĩ, người Phật tử phải khéo léo tìm hiểu cụ thể mọi thiết chế văn hoá hiện hành để thực hiện hài hoà mọi nghĩa vụ công dân trong lúc tiến hành tu học. Tiến thêm một bước, người Phật tử cần hiểu đúng ý nghĩa của những yếu tố văn hoá Phật giáo, nhờ đó có thể can thiệp đúng mức khi biết có sự làm tổn hại văn hoá Phật giáo.
5. Tạm kết
Càng ngày người ta càng nhận ra vai trò của văn hóa đối với đời sống xã hội loài người. Và đương nhiên văn hóa của một dân tộc có ý nghĩa quyết định sự hưng suy tồn vong của dân tộc đó.
Trong ý nghĩa đó, luật Di sản Văn hoá Việt Nam đòi hỏi người công dân Phật tử Việt Nam phải có nghĩa vụ bảo tồn và phát huy cả văn hoá Phật giáo lẫn văn hoá dân tộc, thì chính Luật Di sản Văn hoá cũng tạo điều kiện cho người công dân Phật tử có nhiều phương tiện hữu hiệu hơn để bảo tồn và phát huy văn hoá Phật giáo Việt Nam. Việc tìm nghiên cứu hiểu về Luật Di sản Văn hoá là điều cần thiết để Tăng Ni Phật tử, những người có quan tâm đến di sản Phật giáo có thể vận dụng uyển chuyển phù hợp với tình hình thực tế để bảo tồn, phục dựng và phát huy hữu hiệu những giá trị di sản văn hoá Phật giáo nói riêng, dân tộc nói chung góp phần bảo vệ , xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay.
TT TS Thích Hạnh Tuệ & TS Thích nữ Thanh Quế ***1. Tam Ích, Lời tựa sách Phật giáo Việt Nam và Hướng đi Nhân bản Ðích thực, nguồn, https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Thuyet-Phap/Phat-Su/Phat-Giao-Viet-Nam-Va-Huong-Di-Nhan-Ban-Dich-Thuc-Tran-Thac-Duc.pdf 2. Đặng Văn Bài, Nhận diện để phát huy giá trị Di sản Văn hoá Phật giáo Việt Nam, nguồn: http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/So%2023/2302_Nhan%20dien%20va%20phat%20huy%20gia%20tri%20di%20san%20van%20hoa%20Phat%20giao%20Viet%20Nam.pdf 3. Thích Minh Châu, Đức Phật nhà đại giáo dục, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005; tr. 10. 4. Bảo vật Quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia phải do chính Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia 5. Thạch Trung Giả, Lời mở, sách Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng, Viện Đại học Vạn Hạnh ấn hành, Phật lịch 2516, dương lịch 1972; tr. 9-11. 6. Xem chú thích 2. 7. Nguyễn Quốc Hữu, Trống đồng Cảnh Thịnh-tiếng vọng ngàn năm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; nguồn: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/1002/28553/trong-djong-canh-thinh-tieng-vong-ngan-nam.html 8. Trần Thạc Đức, Phật giáo Việt Nam và Hướng đi Nhân bản Ðích thực, nguồn, https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Thuyet-Phap/Phat-Su/Phat-Giao-Viet-Nam-Va-Huong-Di-Nhan-Ban-Dich-Thuc-Tran-Thac-Duc.pdf 9. Đặng Văn Bài, Di sản Văn hóa Phật giáo trong xã hội đương đại Việt Nam, nguồn: http://chuathien.vn/tl13/243/2783/Di-san-van-hoa-Phat-giao-trong-xa-hoi-duong-dai-Viet-Nam 10. Tốt nghiệp tiến sĩ ngành dân tộc nhạc học thế giới (Ethnomusicologie) tại Học viện Sorbonne (Paris) năm 1984, ông sang Hoa Kỳ phụ trách giảng dạy âm nhạc châu Á ở hơn 20 trường đại học, là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ, Phụ trách hợp tác văn hoá khu vực Đông Nam Á trong lúc có cuộc phỏng vấn tại tạp chí Văn Hoá Phật Giáo, năm 2008. 11. Nguyễn Thuyết Phong, Tiến trình dân tộc hóa lễ nhạc Phật giáo Việt Nam, nguồn: https://phattu.vn/index.php?nv=news&op=Am-nhac-nghe-thuat/Tien-trinh-dan-toc-hoa-le-nhac-Phat-giao-Viet-Nam-6791 12. Như chú thích 11 13. Phỏng vấn GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong của Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo: Kho tàng âm nhạc Phật giáo Việt Nam là vật báu của nhân loại. Dẫn lại từ nguồn: https://www.phattuvietnam.net/gs-ts-nguyen-thuyet-phong-kho-tang-am-nhac-phat-giao-viet-nam-la-vat-bau-cua-nhan-loai/ 14. Trần Thạc Đức, Phật giáo Việt Nam và Hướng đi Nhân bản Ðích thực, nguồn, https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Thuyet-Phap/Phat-Su/Phat-Giao-Viet-Nam-Va-Huong-Di-Nhan-Ban-Dich-Thuc-Tran-Thac-Duc.pdf. 15. Trì vật cũng là các loại pháp khí nhưng thường được các bậc Thánh tăng, chư Bồ-tát, chư Phật cầm trên tay, thể hiện hạnh nguyện của các Ngài. Chẳng hạn, tịnh bình, được Bồ-tát Quán Thế Âm cầm trên tay biểu thị việc ngài rưới nước cam lộ làm giảm nhiệt não cho chúng sinh, là một loại trì vật.
Bình luận (0)