Nam bộ, có khoảng hơn 450 ngôi chùa Khmer, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang... chùa Khmer thường được xây dựng ở những nơi tập trung đông dân cư, và thường được đặt ở trung tâm của phum sóc, trên khu đất cao ráo, là nơi thiêng liêng nhất trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Sóc Trăng - vùng đất trù phú của đồng bằng ven biển Nam bộ với đặc điểm có sự đoàn kết, gắn bó ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và đang sở hữu khoảng 92 ngôi chùa Khmer, mỗi chùa là 1 công trình kiến trúc lộng lẫy độc đáo có giá trị nghệ thuật.

Tọa lạc tại ấp Đại Thành, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, chùa Sro Lôn hay còn gọi là chùa Chén Kiểu có tên Khmer là Wath Sê Rây Sóc Khum Song Kum Miên Chi Sro Lôn được khởi dựng vào năm 1815.

Ban đầu chùa được làm bằng cây, lá đơn sơ, trải qua thời gian và do bom đạn chiến tranh tàn phá nên chùa bị hư hại nặng. Năm 1945, được sự đóng góp của nhân dân phật tử, Hòa thượng Tăng Dúch đã tiến hành xây dựng lại chùa. Năm 1985, Hòa thượng Tăng Dúch viên tịch, Hòa thượng Quách Mến thay làm trụ trì, tiếp tục tu sửa và xây dựng thêm một số công trình và tổ chức khánh thành vào năm 1989.

Chùa Sro Lôn cũng giống như bao ngôi chùa Khmer khác, nhưng điều đặc biệt đó là phần trang trí có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, toàn bộ từ ngoài vào trong, từ dưới lên đến mái chùa, tất cả đều được cẩn bằng gạch men và những mảnh vỡ của tô, dĩa, chén kiểu.

Qua bộ óc sáng tạo và sự khéo léo của nghệ nhân Khmer, đã tạo nên một công trình kiến trúc nghệ thuật muôn mầu.

Các hình tượng phổ biến trong những công trình kiến trúc của chùa như rắn thần Nagar hay tiên nữ Apsara được sử dụng để trang trí.

Cổng tam quan với 3 ngôi tòa tháp được chạm khắc hoa văn và màu sắc rực rỡ theo phong cách truyền thống, nổi bật với tháp giữa bên trong có lồng kính, tôn trí một pho tượng Phật ngồi uy nghi.

Chính điện chùa được xây dựng theo dạng tam cấp, tức là có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần lên trên. Nếp trên cùng có hình tam giác, trung tâm có đỉnh nhọn cao vút lên. Mái được trang trí hoa văn với màu sắc rất đẹp mắt.

Phía trong gian chính điện, với khoảng 20 tượng Phật lớn nhỏ với nhiều tư thế khác nhau. Xung quanh tường là những tranh vẽ kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca.

Giữa sân chùa là cột cờ, với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu khá sinh động.

Phía sau chùa là khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình Đản sinh, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của đức Phật Thích Ca.

Trường Sơ cấp Pali được đặt tại đây. Trường gồm 7 phòng, trên diện tích 230m2, thu hút đông đảo các vị sư từ các nơi khác đến học những kiến thức về giáo lý, giáo luật và lịch sử Khmer.

Chùa Sro Lôn còn lưu giữ được một số hiện vật quý như: bộ trưởng kỷ, giường ngủ mùa đông, giường ngủ mùa hè, do nhà chùa mua lại qua một số người thân trong gia đình công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Tác giả: Nguyễn Giang Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021