Một kiếp khác trên một tinh cầu do đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai hoằng hóa, tiền thân của Ngài là người nữ thuộc dòng dõi đầy oai lực và phúc báu trong giới Bà La Môn, mẹ Ngài lại không tin nhân quả tội phước, phạm nhiều ác nghiệp, quả báo không tránh khỏi, Ngài làm bao nhiêu phước lành đều hồi hướng cho mẹ. Nhờ các công đức chí thành ấy, đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại đã cho biết là mẹ của Ngài đã được ra khỏi địa ngục và thoát hóa về cõi trời. Vô cùng hoan hỷ trước tin ấy, Ngài đã đối trước đức Phật Giác Hoa phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sinh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát.”
Theo luật nhân quả, phước ai nấy hưởng, tội ai nấy chịu, với lập nguyện của tiền thân Ngài như vậy có ngược với luật nhân quả?
Làm tội, khỏi cần tu, sau đó thân nhân cứ tụng kinh, bố thí, cầu nguyện sẽ thoát tội chăng?
Nghi lễ, cầu siêu, sám hối, mọi công hạnh làm lành là một năng lượng. Ngay cả sóng biển, thủy triều, gió, mọi động lượng đều tạo ra một năng lượng. Hoạt động cơ thể cũng đều tạo ra năng lượng. Khác nhau là biết sử dụng năng lượng thế nào cho thích hợp.
Ví dụ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng biển, năng lượng địa nhiệt…khoa học đã biết tận dụng phục vụ cho mọi tiện nghi trong cuộc sống. Thế thì năng lượng tự thân do vật lý và tâm thức sản sinh, điều hướng đến thiện lương sẽ nâng cao nhân cách và tâm thức, ngược lại nếu hướng đến tiêu cực thì sẽ dẫn đến u trược trầm mịch thiếu trí tuệ.
Trong nội thể, tim gan tỳ phế thận mỗi cơ phận mang một tố chất tương sinh hoặc tương khắc. Nếu quá nóng giận, sẽ tổn thương cho gan, còn ảnh hưởng những cơ phận khác như sản sinh ra chất catecholamine tác hại hệ thần kinh, đường huyết tăng từ đó axit béo độc tố hại cho gan. Các trạng thái tâm bất bình thường như hỷ nộ ái ố… cũng đều ảnh hưởng nội tạng như thế.
Một trạng thái tâm tiêu cực đều ảnh hưởng chung cho nội tạng khiến người mau già. Từ đó cho ta hiểu rằng, tâm thái tích cực sẽ đưa đến chiều hướng ngược lại. Người tập thể dục có thể lực to khỏe nhưng tâm thái tiêu cực vẫn mau đưa đến già nua hơn người không tập thể dục (vấn đề này sẽ bàn ở phần khác).
Người làm chủ cảm xúc hay hành giả tu Thiền đều sản sinh ra những năng lượng tích cực, ngũ tạng trong cơ thể ít bị tác động bởi năng lượng tiêu cực.
Người thường đã thế thì một hành giả, một bậc Thánh làm chủ thân tâm, làm chủ sinh tử, sản sinh ra nhiều năng lượng tích cực thông qua các dạng nuetron, quark, proton…mà y cụ khó kiểm soát khi thử nghiệm, lẽ nào nguyện lực không thành sự thật!
Những hành giả Yoga có thể chôn vào đất, ngâm vào nước… nín thở, cho tim ngừng đập trong thời gian rất lâu, máy móc theo dõi mọi họat động trong cơ thể đều ngưng, chỉ có não bộ siêu âm kim giao động rất yếu.
Thế thì những năng lượng do tâm tác động qua quá trình tu luyện biến thành năng lực đạt được như thế hà huống những bậc có tâm nguyện vị tha to lớn của Bồ tát, Thánh nhân, minh sư lẽ nào không đủ hóa giải nghiệp lực cho một đối tượng như thân quyến?
Nhân quả nghiệp ai nấy lĩnh phước ai nấy hưởng là nói với phàm phu, do nghiệp lực như nhau không ai độ ai, không ai lĩnh nghiệp cho ai. Thánh nhân độ những ai có duyên thì chắc chắn sẽ hóa giải duyên nghiệp như lời nguyện của các Ngài.

Trong vô tận thiên hà vũ trụ nằm trong tam thiên đại thiên thế giới, đã có một cõi Phật đang hoằng truyền pháp lạc cho người dân trong quốc độ của Ngài, đó là đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Đương quốc có một vị vua rất nhân từ, thương dân như con, vì phần lớn người dân không hiểu đạo đức, làm nhiều điều ác nghiệp, tạo lắm tội duyên, vị vua biết vậy bèn khởi lòng từ, phát nguyện: “Tôi chưa độ cho những người tạo tội đau khổ đến chỗ an vui giải thoát, tôi nguyện chưa thể thành Phật”.
Kiếp thứ tư, đời đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai, ngài Địa Tạng mang thân nữ có tên Quang Mục, mẹ của Ngài là người rất ác, tạo vô số nghiệp xấu, khi mạng chung bà đọa vào địa ngục. Sinh thời Quang Mục tạo nhiều phước báu,tu nhiều công đức, trong đó đã cúng dường cho một vị A La Hán, vị Thánh Tăng này cho biết mẹ cô đã sinh lên cõi người. Tuy vậy phải sinh vào nhà nghèo, lại bị chết yểu… vì thương tưởng mẹ và chúng sinh nên đối trước đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai phát nguyện: “Từ nay về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sinh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng sinh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sinh và ngạ quỉ, v.v... Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác.”
Qua bốn lần sinh vào gia quyến dòng tộc danh giá, làm vua chúa, dòng dõi Bà La Môn, thân nam, thân nữ, vào thời các đức Phật khác nhau, gieo trồng nhân lành khác nhau, phát đại nguyện vì những đối tượng khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là vì sự khổ đau đọa lạc của chúng sinh. Đại nguyện phát khởi của Ngài do tướng hảo của Như Lai và do tâm hành ác của chúng sinh. Từ tính tướng đi vào đại nguyện. Riêng chỉ một lần duy nhất vì ngưỡng mộ hảo tướng của đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Như Lai mà phát đại nguyện. Nguyên nhân hảo tướng của đức Sư Tử Phấn Tấn ngầm cho ta hiểu: Tướng tự tâm sinh.
Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp biểu hiện phước đức vẹn toàn. Kết tụ những tố chất toàn thiện không chỉ một đời. Khi tiền thân ngài Địa Tạng được đức Phật hướng dẫn hạnh đức phải độ thoát tất cả chúng sinh nên đã phát đại nguyện. Một nhân thân toàn vẹn nội hàm và tuệ trí toàn thiện, ngoại hành phước đức song hành, nhân như vậy, quả chắc chắn sẽ đến. Độ thoát tất cả chúng sinh trong tự thân nghiệp thức chắc chắn sẽ đắc thành đạo quả phước tướng Như Lai.
Kinh Di Giáo của Phật lúc sắp nhập Niết Bàn từng dạy: “Tỳ-kheo các ông! Sau khi ta nhập diệt, nên tôn trọng, cung kính đối với giới luật, như ở chỗ tối tăm được thấy ánh sáng, như người nghèo được của báu. Nên biết rằng giới luật là thầy của các ông, cũng như ta đây còn trụ thế, không hề khác biệt.”
Giới luật là căn bản đưa đến định và tuệ. Có giới sinh định có định sinh tuệ, có tuệ mới đưa đến giải thoát tức đã độ không còn chúng sinh nào trong ngục tối nghiệp thức của mỗi hành giả. Đại nguyện của đức Địa Tạng cũng là hạnh nguyện của mỗi hành giả trên bước đường thoát Tam giới gia.
Tác giả: Minh Mẫn
Bình luận (0)