Diễn văn Khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc Lần III - Nhiệm kỳ 1992-1997 của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Kính bạch Đại lão Hòa thượng Pháp chủ và Chư tôn đức Hòa thượng trong Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Kính thưa ông Vũ Oanh, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và quý vị lãnh đạo đại diện Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và Ban Tôn giáo Chính phủ. Kính bạch Quý Hòa thượng, Thượng tọa, Tăng, Ni và Cư sĩ thành viên của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính bạch Quý Đại biểu các Tỉnh, Thành hội Phật giáo cả nước. Kính thưa Quý đại diện Phật tử Việt kiều. Kính thưa chư vị Khách quý. Kính thưa toàn thể quý vị.
Trên mảnh đất Thăng Long cổ kính đã từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, hôm nay những người con Phật khắp mọi miền đất nước lại hội tụ nơi đây trong không khí đại hoan hỷ, đại hòa hợp để cùng nhau đánh giá một chặng đường mà chúng ta đã đi qua vì sự hoằng dương chính pháp, phục vụ dân tộc.
Trước hết, thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin gửi đến Quý vị lời chào mừng chân thành và lòng cảm tạ sâu sắc về sự hiện diện của Quý vị trong buổi Khai mạc Đại hội quan trọng này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một bằng chứng cụ thể về mối quan tâm thắm thiết của Quý vị đến sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo mang tính quần chúng rộng rãi, gắn liền với lịch sử đất nước và dân tộc. Chúng tôi vô cùng hoan hỷ trước sự quang lâm của chư vị đại diện Đảng, Nhà nước, các tổ chức ban ngành, đoàn thể nhân dân, của chư vị Thượng tọa, Ni sư, cư sĩ, đại diện Phật tử Việt kiều, của chư vị khách quý và của đông đủ các thành viên Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Toàn thể quý vị đã không quản ngại công sức, tạm gác nhiều công việc đa đoan, nhận lời mời của chúng tôi đến đây chứng minh, tham dự và làm việc cùng Đại hội.
Trong không khí trang nghiêm và thắm thiết đạo tình này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quên sự ra đi vào cảnh giới Niết bàn của nhị vị Phó Pháp chủ là Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Mật Hiển, của một số tôn đức chư Hòa thượng Thích Thanh Chân, Phó chủ tịch, hượng tọa Thích Từ Hạnh, Phó Tổng thư ký, Hòa thượng Thích Huệ Hưng, Trưởng ban Tăng sự, Thượng tọa Thích Hiển Giác, Uỷ viên Hội đồng Trị sự và những vị thành viên Hội đồng Chứng minh mà trí tuệ và đức độ thật cao vời, có công lao đóng góp xây dựng Giáo hội của chư tôn túc thật lớn lao. Tấm gương của chư tôn túc mãi mãi sáng ngời trong lòng Giáo hội, trong lòng những người tu sĩ và cư sĩ Phật tử Việt Nam.
Kính thưa Quý vị.
Đại hội Đại biểu kỳ III Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong một hoàn cảnh với những tình hình trong và ngoài nước có những biến đổi sâu sắc, theo đó Giáo hội minh định vai trò, nhiệm vụ và công việc phải làm để vươn lên, thích hợp với xu thế chung của đất nước, của thời đại.
Trong những năm qua, đất nước ta đã thành tựu trên nhiều lĩnh vực trong công cuộc đổi mới toàn diện để xây dựng đất nước, đã gây phấn khởi, tin tưởng cho nhân dân vào một tương lai xán lạn không phải là xa vời.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã qua 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ II đã gặt hái những thành quả khả quan mà bản báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động sẽ được trình bày cùng với những báo cáo tham luận của các ban, ngành, viện, sẽ nêu rõ. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu một số nét cơ bản.
Qua 2 nhiệm kỳ, Giáo hội đã ngày càng thể hiện sự thống nhất về mặt tổ chức từ Trung ương đến địa phương, có sự liên hệ chặt chẽ, điều hành và hướng dẫn các Phật sự trong toàn Giáo hội. Trong sự thống nhất hài hòa giữa các hệ phái Phật giáo, việc đào tạo Tăng, Ni tiếp dẫn hậu lai, việc hành trì Phật pháp, san định kinh sách...các Phật sự trọng đại này, trong nhiệm kỳ II có trợ duyên là chính sách đổi mới toàn diện của Nhà nước, vì thế mà được thuận lợi và phát triển.
Chỉ trong 3 năm, trên cả nước đã có 17 trường Cơ bản Phật học, cùng với sự lớn mạnh của Trường Cao cấp Phật học, mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho việc đào tạo tăng tài, hoằng dương chính pháp, thực hiện các Phật sự, đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Trong chương trình hoạt động của nhiệm kỳ II có nêu: “thực hiện nhiệm vụ hoằng dương chính pháp, phát huy tư tưởng tinh tuý và trong sáng của giáo lý đạo Phật...”. Nội dung đã được thực hiện rõ nét qua công tác thực hiện bước đầu bộ Đại Tạng kinh Việt Nam. Đây là một việc làm tốt đẹp ngoài dự liệu về chương trình hoạt động của nhiệm kỳ II của Hội đồng Trị sự. Phật sự lớn lao này nhằm đáp ứng yêu cầu tu học của Tăng, Ni Phật tử Việt Nam kể từ khi Phật giáo du nhập đã 20 thế kỷ nay, góp phần vào kho tàng văn học, Phật học Việt Nam và thế giới.
Ngoài ra số lượng Phật điển gồm những công trình nghiên cứu, dịch thuật, những tạp chí, nội san, đặc san Phật học ra mắt độc giả ngày một tăng lên rõ rệt.
Kính thưa Quý vị.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đà phát triển tuy có gặp một số khó khăn nhưng sự phát triển của Giáo hội là tất yếu, không ai có thể phủ nhận. Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tuyên bố sự hiện diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay là một tất yếu lịch sử phù hợp với nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, chiếm ba phần tư dân số Việt Nam. Giáo hội là tổ chức hòa hợp các hệ phái Phật giáo ở Việt Nam, tiếp nối và phát huy truyền thống đoàn kết, lục hòa, tứ nhiếp, vì an lạc, giải thoát tối hậu, vì lợi ích và hạnh phúc của số đông. Với thành phần tổ chức nhân sự, với những thành quả của hơn 10 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xứng đáng là cơ quan lãnh đạo về mặt tinh thần của giới Phật giáo Việt Nam.
Kính thưa Đoàn Chủ tịch, Kính thưa Quý vị Đại biểu,
Các bài báo cáo, các tham luận của các Ban, Ngành, Viện và các Tỉnh, Thành hội sẽ nêu lên một cách trung thực tình hình sinh hoạt, những kết quả, những thuận lợi, khó khăn, những ưu khuyết điểm và phương hướng công tác cho thời gian tới. Đại hội cũng sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp, những phân tích, phê phán và những đề nghị từ các bài tham luận, từ các phát biểu của các vị đại biểu và chư vị khách quý. Đại hội sẽ làm việc trong tinh thần đoàn kết, dân chủ và xây dựng. Đại hội sẽ thảo luận và quyết định các Phật sự trọng đại về chương trình hoạt động nhiệm kỳ tới, về một số điểm tu chỉnh Hiến chương, sẽ suy tôn suy cử cơ quan lãnh đạo của Giáo hội. Những quyết định của Đại hội sẽ có tầm mức rất quan trọng và đấy là kim chỉ nam cho những hoạt động Phật sự sắp đến.
Kính thưa Quý Đại biểu.
Đức Phật đã nhiều lần dặn dò các Thánh đệ tử của Ngài: “Vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cuộc đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc của loài trời và loài người”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lấy lời dạy ấy làm phương châm hành động, với tâm nguyện: “Mong sao tất cả chúng sinh đều được an lạc. Mong sao tất cả chúng sinh đều đạt được niềm tin nội tâm!” Trong không khí trang nghiêm đầy đạo vị này, chúng tôi hết sức xúc động và sự trân quý sự hiện diện của chư tôn đức, chư vị khách quý, chư vị đại biểu, với niềm hân hoan, lòng kính mộ và sự tin tưởng sâu sắc vào trí tuệ, vào tinh thần đoàn kết của Đại hội.
Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1992, tức ngày 09 tháng 10 Phật lịch 2536, tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ III.
Ngưỡng mong Tam Bảo phù hộ cho toàn thể Quý vị thân tâm thường an lạc và hết thảy chúng sinh được hạnh phúc miên trường.
Nguyện cầu chư Phật gia hộ cho Đại hội chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin chân thành cảm ơn toàn thể Quý vị.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng
Bình luận (0)