Phần hai Văn kiện đại hội

DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI HỘI

(của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc trong lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỳ II tại Hà Nội)

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

- Kính thưa cụ Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Kính thưa cụ Phan Minh Tánh, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Dân Vận Trung ương. - Kính thưa ngài Luwsanceren, Trưởng đoàn đại diện Tổ chức Phật tử châu Á vì hòa bình, ngài Lama Dugarop, Trưởng đoàn đại diện Phật giáo Liên bang Xô viết, ngài Thoongkhum Anatasuthoong,Trưởng đoàn đại diện Phật giáo nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, ngài Tepvong, Trưởng đoàn đại diện Phật giáo nước Cộng hòa nhân dân Campuchia. - Kính bạch Đại lão Hòa thượng Pháp chủ và chư vị Tôn túc Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính thưa quý Hòa thượng, Thượng toạ, Tăng, Ni và cư sĩ thành viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính thưa quý vị đại biểu các Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo cả nước. Kính thưa quý Thượng toạ, quý Ni sư, quý cư sĩ đại diện Phật tử Việt kiều ở Pháp, Tây Đức, Nhật, Mỹ, Canada... Kính thưa quý vị khách quý.

Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trước hết, chúng tôi thành kính và nhiệt liệt chào mừng Cụ Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng Cụ Phan Minh Tánh, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Cụ Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, quý vị đại diện Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Trị Thiên. Trong khung cảnh trang nghiêm rực rỡ này, chúng tôi xin chân thành cảm ta sự giúp đỡ tận tình về mọi mặt của Chính phủ và Mặt trận từ Trung ương đến địa phương trong suốt nhiệm kỳ vừa qua của Giáo hội chúng tôi, cũng như trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội được khai mạc hôm nay. Để đền đáp công ơn lớn lao ấy, chúng tôi nguyện sẽ đồng tâm hiệp lực thực hiện tốt sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kính bạch Hòa thượng Pháp chủ, quý Hòa thượng Phó Pháp chủ và thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Mặc dù tuổi cao sức yếu, Hòa thượng Pháp chủ và quý Hòa thượng vẫn không ngại lao nhọc, đến chứng minh cho Đại hội. Sự hiện diện quý báu của quý Tôn túc Hòa thượng trong hội trường này nói lên sự quan tâm sâu sắc của quý Ngài đối với tiền đồ Phật giáo nước nhà, đồng thời cổ vũ cho đoàn hậu tiến chúng tôi cùng nhau sát cánh tiến lên phía trước. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý Hòa thượng và nguyện cầu chư Phật gia hộ cho Hòa thượng Pháp chủ và quý Hòa thượng thân tâm thường an lạc, sống lâu trăm tuổi để đám hậu sinh chúng tôi nương nhờ ân đức.

Kính thưa quý phái đoàn đại diện Tổ chức Phật tử châu Á vì hòa bình, phái đoàn đại diện Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, phái đoàn Phật giáo Liên Xô, phái đoàn Phật giáo nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.

Sự hiện diện quý báu của quý Ngài trong Đại hội này là một vinh dự lớn lao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng tôi. Nó biểu hiện tình cảm sâu đậm của quý Ngài và qua quý Ngài, đạo tình thắm thiết của Phật tử Liên Xô, Lào, Campuchia và các nước thành viên của ABCP đối với Phật tử Việt Nam chúng tôi. Sự tham dự của quý Ngài là một diễm phúc lớn cho chúng tôi, đem lại cho Đại hội chúng tôi một luồng không khí trong lành và tươi mát. Thay mặt cho Phật giáo Việt Nam, chúng tôi xin chân thành cảm ta quý Ngài và cầu chúc quý Ngài dồi dào sức khoẻ trong những ngày tham dự Đại hội trên Đất nước chúng tôi.

Kính thưa quý Thượng toạ, Ni sư và cư sĩ đại diện Phật tử Việt kiều ở Pháp, Tây Đức, Nhật, Mỹ, Canada.

Hưởng ứng lời mời gọi của chúng tôi, quý vị đã không quản ngại đường xá xa xôi cách trở, hoan hỷ về tham dự Đại hội, làm cho không khí Đại hội tăng thêm phần rạng rỡ, tươi vui và chắc chắn sẽ đóng góp cho Đại hội những ý kiến quý báu. Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao sự tham dự của quý vị, bởi vì nó biểu lộ tình cảm thắm thiết của quý vị, và qua quý vị, tình cảm thân thương trìu mến của Phật tử Việt kiều hải ngoại đối với Tổ quốc và Phật giáo nước nhà. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị. Nguyện cầu chư Phật gia hộ cho quý vị thân tâm an lạc.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch, Kính thưa quý vị Đại biểu

Kể từ ngày chia tay nhau sau lễ bế mạc Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tháng 11 năm 1981 cho đến nay, gần 6 năm xa cách, hôm nay tại Thủ đô Hà Nội, trái tim cả nước, thành trì của cách mạng Việt Nam, chúng ta mới lại có dịp gặp gỡ nhau, sum họp một nhà, đông đảo vui vầy như thế này. Thật là một diễm phúc lớn cho tất cả chúng ta.

Nhưng trong niềm hân hoan vui mừng gặp gỡ nhau, không khỏi chen vào nỗi ngậm ngùi thương tiếc của chúng ta đối với các vị tôn túc quá cố trong hàng giáo phẩm lãnh đạo, đã đóng góp nhiều tâm huyết, công lao để xây dựng ngôi nhà thống nhất Phật giáo chúng ta, đứng hàng đầu là quý vị cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Thế Long, Thích Minh Nguyệt, Thích Nguyên Sinh, Thích Giới Nghiêm, Thích Giác Tánh, Thích Thanh Trí, Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên... Sự vắng bóng quý vị Tôn túc ấy trong Hội trường này khơi dậy trong chúng ta bao nỗi hoài niệm tiếc thương, và dù thời gian vốn là một liều thuốc quên lãng, cũng khó mà làm cho chúng ta khuây nguôi được.

Nhưng bên cạnh sự trống vắng đáng tiếc ấy, điều an ủi lớn nhất cho chúng ta là sự sum vầy đoàn tụ, mỗi ngày một tăng trưởng, của những người con yêu quý trong ngôi nhà thống nhất của Giáo hội. Từ con số 165 đại biểu trong Đại hội Thống nhất Phật giáo năm 1981, trong Đại hội lần này, con số đại biểu chính thức lên đến 200 vị, được bầu lên từ các Tỉnh hội, Thành hội cả nước, trong số những người con ưu tú nhất của Giáo hội. Chúng ta thường lo tre già mà măng chưa mọc. Nhưng kính thưa quý vị, măng đã mọc, măng đang mọc, đã trở thành tre, đang trở thành tre. Rừng tre Phật giáo Việt Nam hôm nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sáng và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, sau 30 năm chiến tranh, vẫn còm sum xuê xanh tốt. Đó là niềm vui lớn cho tất cả chúng ta.

Kính thưa quý vị.

Sự ra đời của Giáo hội chúng ta đánh dấu một sự kiện lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Nó đáp ứng nguyện vọng thiết tha bao đời của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam. Nó mở ra một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên đạo Phật thống nhất trong cộng đồng dân tộc xã hội chủ nghĩa, kỷ nguyên một Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” làm phương châm hành động. Mục đích của Giáo hội như trong Nghị quyết đầu tiên của Ban Vận động thành lập Giáo hội đã công bố, và được lập lại trong bài diễn văn khai mạc của cố Hòa thượng Thích Trí Thủ tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo năm 1981 là: “Mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà, làm lợi ích cho Tổ quốc và nhân dân, làm sáng chói tinh thần Phật giáo trong thời đại nước Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy cao hơn nữa truyền thống gắn bó hài hòa giữa đạo Phật với Dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và phương pháp tu hành của Tăng, Ni và đồng bào Phật tử theo lời Phật dạy...”

Sự hình thành ngôi nhà thống nhất của Giáo hội đã được xây dựng trên nền tảng của 3 yếu tố cơ bản sau đây:

- Truyền thống đoàn kết của dân tộc và của Phật giáo Việt Nam.

- Truyền thống yêu nước của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam.

- Tinh thần sáng suốt, “khế lý, khế cơ” trong giáo lý của Đức Phật.

Ba yếu tố ấy đã được khẳng định và phát huy rõ nét qua tư tưởng và hành động của Giáo hội và Tăng Ni Phật tử trong nhiệm kỳ đầu tiên vừa qua.

1- Trước hết, về truyền thống đoàn kết, chúng ta có thể nói không sợ quá lời là, mặc dù ở nơi này hay nơi khác, vẫn còn rơi rớt các hiện tượng bè phái cục bộ, địa phương chủ nghĩa, nhưng trên tổng thể, chúng ta đã thu hoạch được nhiều thành quả tốt đẹp. Chúng ta đã đoàn kết chặt chẽ trong nội bộ chúng ta, giữa các hệ phái, tổ chức Phật giáo, Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, Khmer, Hoa tông, đoàn kết hữu nghị với các tôn giáo bạn, đoàn kết với các đoàn thể, tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn kết và hợp tác hữu nghị với Phật giáo và nhân dân Liên Xô, Lào, Campuchia, Mông Cổ, các nước thành viên các trung tâm quốc gia ABCP, với các tổ chức và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

2- Truyền thống yêu nước, gắn bó với nhân dân. Trong nhiều năm qua sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đời sống, một phần do hậu quả của chiến tranh, một phần do hậu quả của sự lãnh đạo có nhiều thiếu sót về kinh tế của những người có trách nhiệm và do cơ chế quan liêu bao cấp, giới Phật giáo chúng ta, Tăng, Ni cũng như Phật tử, tiếp nối truyền thống của cha ông, vẫn một lòng một dạ, tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu. Trong mọi lĩnh vực của đời sống: chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá xã hội, quốc phòng...đều có bóng dáng của Tăng, Ni, Phật tử, trong số đó, không hiếm những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc, nhân dân, rất xứng đáng với truyền thống yêu nước, hộ quốc an dân, của các bậc thiền sư trong chiều dài lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam.

Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của giới Phật giáo đã góp phần không nhỏ cho việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế, đồng thời khẳng định niềm tin của Phật giáo Việt Nam vào chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một niềm tin đã được khai nguồn bởi các bậc chân tu yêu nước tiền bối trong giai đoạn cách mạng Việt Nam vừa mới ra đời, đã được tôi luyện qua hai cuộc chiến tranh giữ nước, và đã được thử thách trong hoàn cảnh khó khăn chung của Đất nước sau ngày giải phóng miền Nam. Một niềm tin sáng suốt, rất đáng tự hào, bởi vì nó đã xuất phát từ lòng yêu nước, trí tuệ và từ bi.

3- Tinh thần “khế lý, khế cơ” của giáo lý Đức Phật cũng là một trong những yếu tố quan trọng hướng dẫn chúng ta trong sự thành lập và điều hành của Giáo hội. Tinh thần “khế lý” dạy chúng ta phải nắm vững chân lý, quy luật muôn đời của vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần “khế cơ” dạy chúng ta phải biết vận dụng chân lý ấy cho thích hợp với tâm lý, căn cơ, hoàn cảnh thời đại đang sống. Nhờ giáo lý ấy, ngày xưa, đạo Phật đã du nhập vào châu Á một cách hòa bình, không va chạm với các tín ngưỡng bản địa, và ở nhiều nơi, đã phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc giáo. Giáo lý ấy, hôm nay, giúp chúng ta giải đáp một phần các câu hỏi, như: “vì sao Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tập hợp được tất cả các hệ phái, tổ chức Phật giáo trong nước, trong đó có những hệ phái chưa từng ngồi lại bên nhau?”, “Vì đâu đạo Phật Việt Nam có thể đi với cách mạng một cách hài hòa?” “Vì sao Giáo hội chúng ta lấy “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” làm phương châm hành động?”

Giáo lý ấy, trong gần sáu năm qua của nhiệm kỳ đầu tiên của Giáo hội, là tư tưởng chủ đạo cho sinh hoạt của ngành: giáo dục, hoằng pháp, văn hoá, nghi lễ v.v... chính nó đã đem lại sinh khí cho nếp sống thiền môn, mở rộng cửa chùa cho sự giao lưu giữa đạo và đời ngày càng thêm khăng khít.

Kính thưa quý vị,

Trọng tâm công tác của Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo chúng ta lần thứ II này là kiểm điểm và đánh giá các thành quả của Giáo hội trong nhiệm kỳ vừa qua để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công tác của nhiệm kỳ II sắp đến. Chúng ta đã làm được gì, chưa làm được gì, là nhiều hay ít, làm tốt hay chưa tốt? Những điều ấy sẽ được trình bày với quý vị, để quý vị cho ý kiến, qua bản báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ I và chương trình hoạt động nhiệm kỳ II do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự soạn thảo và đã được góp ý bổ sung rất dồi dào của các Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội trong cả nước. Chúng tôi xin phép không nói lại dài dòng ở đây để khỏi làm mất thì giờ quý báu của Đại hội. Chúng tôi chỉ xin được vắn tắt nhấn mạnh một vài điểm chủ yếu sau đây:

Một là, mặc dù không tránh khỏi những vấp váp và chưa tháo gỡ hết được những ràng buộc, níu kéo chủ quan và khách quan, Giáo hội chúng ta đã và đang đi đúng hướng trên xu thế phát triển của dân tộc, của thời đại mới. Đó là một thắng lợi rất quan trọng mà chúng ta cần luôn luôn ghi nhớ để vững bước tiến lên.

Hai là, những kinh nghiệm công tác trong nhiệm kỳ vừa qua, cũng như trong công cuộc vận động thành lập Giáo hội trước đây, đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá như chúng tôi vừa trình bày một số ở phần trên là: tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước và tinh thần khế lý, khế cơ. Những bài học này không phải là những bài học mới lạ, mà là những bài học muôn đời. Các bậc tiền bối, ông cha chúng ta ngày xưa nhờ biết vận dụng chúng mà tạo cho Phật giáo Việt Nam một chỗ đứng vinh quang trong lòng dân tộc. Ngày nay, địa vị ấy cũng sẽ không mất nếu chúng ta biết khai thác đúng mức những bài học ấy.

Kính thưa quý vị,

Chúng ta đang sống những năm tháng vô cùng sôi động của một cuộc đổi đời. với chủ trương đổi mới tư duy, đổi mới con người, đổi mới cơ chế lỗi thời, quan liêu bao cấp, do Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV đề ra, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu trên mọi mặt trận để đẩy mạnh bước chuyển mình, và đã thu hoạch được những thành quả đầu tiên rất đáng phấn khởi. Những cái xấu, cái cũ, cái ác không phải đã ngoan ngoãn rút lui, nhường chỗ cho cái tốt, cái mới, cái thiện thay vào. Cuộc chiến đấu cho một xã hội công bằng an vui, tốt đẹp chắc chắn còn kéo dài trong nhiều năm tháng.

Trên bình diện quốc tế, chúng ta đang chứng kiến một sự đối đầu rộng lớn giữa hai thế lực chiến tranh và hòa bình, giữa sự chạy đua vũ khí hạt nhân từ mặt đất lên các vì sao và sự kìm hãm cuộc đua ấy để dần dần loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân giết người hàng loạt ấy. Chúng ta rất vui mừng được biết trong những ngày vừa qua giữa Liên Xô và Mỹ đã bước đầu nhích dần sự thoả thuận cùng giảm bớt tên lửa tầm trung ở châu Âu. Đó là một bước thắng lợi mới của các thế lực yêu chuộng hòa bình trên thế giới, rất đáng trân trọng. Nhưng như vậy không có nghĩa là các lực lượng hiếu chiến đã chịu rút lui, và nguy cơ chiến tranh hạt nhân không còn xảy ra nữa. Nhân loại chưa có thể ngủ yên, khi những ngòi nổ của các loại bom hạt nhân chưa được tháo gỡ trên thế giới.

Kính thưa quý vị,

Trong hai trận tuyến quốc gia và quốc tế đấu tranh cho một xã hội công bằng thịnh vượng, và một thế giới hòa bình an lạc, chúng ta những tín đồ của đạo Trí Tuệ, Từ Bi và Hòa bình, đứng ở vị trí nào, ở trận tuyến nào, tưởng không cần phải bàn cái. Nhưng để có sức hoạt động lâu dài và có hiệu quả. Giáo hội chúng ta cần phải mạnh, có tầm nhìn xa thấy rộng, và có những điều kiện cần thiết để hoạt động. Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo năm 1981 đã đặt nền móng vững chắc và hướng đi đúng đắn cho Giáo hội. Đại hội lần II này, chúng ta sẽ cố gắng xây dựng cho được một chương trình hoạt động thiết thực đáp ứng những yêu cầu của xã hội và của thời đại, tập trung xung quanh 2 chủ đề chính:

1- Nắm vững và vận dụng chính pháp đúng theo tinh thần đã Giáo hội trong điều 2 của Đại cương chương trình hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực trong nền giáo lý của Đức Phật, phát huy tính sáng tạo trong sự nghiệp hoằng pháp, kết hợp với tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học thời đại”.

2- Xây dựng một nếp tu hành trong sáng, thích hợp, tạo ra những điều kiện tốt hơn để giới Phật giáo chúng ta phát huy những tiềm năng còn rất dồi dào, tạo thêm nguồn sức mạnh mới, sát cánh cùng toàn dân xây dựng một cuộc sống ổn định, từng bước được cải thiện và không ngừng được nâng cao.

Ngoài ra, Đại hội chúng ta còn có nhiệm vụ bổ sung một Hội đồng Chứng minh gồm quý tôn túc Hòa thượng đạo cao đức trọng để giữ gìn mối đạo, và suy cử một Hội đồng Trị sự gồm quý vị chư tôn Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, có thực tu, thực học, có khả năng và nhiệt huyết để thực hiện có hiệu quả chương trình hành động mà Đại hội đã vạch ra.

Chúng tôi tin tưởng quý vị đại biểu sẽ làm tròn những nhiệm vụ ấy, và đưa Đại hội đến thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước ngoặt trên đường đi lên xây dựng một vị trí xứng đáng của Phật giáo Việt Nam giữa lòng dân tộc và trên trường quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ hòa bình và xây dựng hạnh phúc cho nhân loại.

Với lòng tin tưởng vững chắc ấy, chúng tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ hai này.

Xin chân thành cảm ơn quý vị. Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1987

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng