Mong sao Đại hội sẽ được nghe nhiều bài tham luận, nhiều ý kiến đóng góp của chư liệt vị về bản báo cáo tổng kết công tác Phật sự của Giáo hội và kế hoạch nhiệm kỳ mới do Ban Thư ký trình bày tại Đại hội. Từ đó, Giáo hội sẽ nhận rõ hơn những ưu khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua và có những bổ sung nội dung...

DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI HỘI CỦA HÒA THƯỢNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (do Hòa thượng THÍCH TỪ NHƠN - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự đọc)

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính bạch chư Tôn đức Hòa thượng Hội đồng Chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, quý Cư sĩ thành viên của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kính thưa Quý Đại biểu các Tỉnh, Thành hội Phật giáo cả nước. Kính thưa Quý Đại diện Phật tử người Việt ở nước ngoài. Kính thưa toàn thể Quý vị.

Kể từ năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, nay là lần thứ VI, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, chư vị Khách quí Đại diện Đảng, Nhà nước và các tổ chức Ban ngành, đoàn thể, chư vị Đại biểu Phật giáo trên cả nước vân tập tại Hội trường này trong lòng Thủ đô Hà Nội để tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI (2007-2012).

Trong không khí trang nghiêm và thắm thiết tình đạo, tình người, biểu hiện sự đoàn kết nhất trí, sự đồng tình ủng hộ và niềm hy vọng một tiền đồ xán lạn của Đất nước và của Phật giáo Việt Nam, tôi xin thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chân thành gửi đến chư liệt vị lời chào mừng nồng nhiệt, lòng cảm ơn chân thành và lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

Lát nữa đây, Đại hội sẽ nghe Ban Thư ký của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trình bày báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ V vừa qua của Hội đồng Trị sự và chương trình hoạt động của nhiệm kỳ VI sắp đến. Qua báo cáo và xét tình hình thực tế, chúng ta thấy được 5 năm qua là một chặng đường mới, một sự phát triển và tiến bộ khả quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mọi mặt hoạt động. Những hoạt động và thành tựu của các Ban ngành có thể không hoàn toàn đồng bộ và có các mức độ khác nhau tùy theo hoàn cảnh, đặc điểm của Ban ngành và của địa phương, nhưng nhìn chung, tất cả đều khả quan, chứng tỏ một nỗ lực mới, một sinh khí mới.

Nổi bật nhất là công tác chỉ đạo, thống kê, ổn định sinh hoạt tự viện của Ban Tăng sự, sự phát triển và ổn định của ngành Giáo dục Tăng, Ni, mà rõ nét nhất là ngành Giáo dục chư Tăng Khmer với sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của Học viện Phật giáo Khmer Nam tông, sự cải tiến tổ chức và sự gia tăng số lượng Tăng, Ni sinh của ba Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh, Ban Hoằng pháp vẫn tiếp tục các hoạt động càng lúc càng hiệu năng của mình qua các khóa đào tạo Giảng sư cao cấp, trung cấp, dài hạn, ngắn hạn, các khóa bồi dưỡng Giảng sư, các hội thảo chuyên đề, các cuộc hội thi giáo lý cho cư sĩ Phật tử cùng các khóa hàm thụ Phật học và nhất là thực hiện đều đặn các buổi giảng pháp tại các Thành phố, Quận, Huyện, Thị xã…

Ban Hướng dẫn Phật tử đã tạo được thành quả khả quan trong việc ổn định và phát triển sinh hoạt gia đình Phật tử với các khóa, trại huấn luyện huynh trưởng, lễ thọ cấp, trại họp mặt, đại hội, hội thảo…, đặc biệt là công tác thống kê với hơn 1.000 đơn vị Gia đình Phật tử gồm hơn 7.000 huynh trưởng và gần 60.000 đoàn sinh, Ban Nghi lễ có bước tiến mới trong việc tổ chức các buổi lễ lớn, các hội thảo và trong việc thực hiện công tác biên soạn nghi lễ tiếng Việt, giáo trình, giáo án nghi lễ.

Thành tựu của ngành Văn hóa trong nhiệm kỳ qua được thể hiện rõ ở công việc trùng tu của hơn 3.000 tự viện, ở các sinh hoạt văn hóa, ở hàng trăm đầu kinh sách Phật giáo được xuất bản, về báo chí Phật giáo như Giác Ngộ, Văn hóa Phật giáo, Nghiên cứu Phật học và các Nội san, Đặc san cũng như các website của nhiều đơn vị Phật giáo trên khắp cả nước đã thực hiện. Đặc biệt, Tạp chí Văn hóa Phật giáo của Trung ương Giáo hội được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép hoạt động báo chí, trong 3 năm qua tạo được một phong cách mới, đưa Phật giáo gần gũi với đời sống thường nhật, tạo được ấn tượng tốt trong làng báo chí và trong lòng độc giả.

Ban Kinh tế tài chính đã mở rộng nội dung hoạt động, củng cố tăng cường Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc công ty Thiện Tài, đã thu đạt được một số thành quả khả quan. Với hơn 400 tỷ đồng quyên góp cứu trợ đồng bào trong nước cùng hàng chục ngàn Mỹ kim cứu trợ một số nước bạn bị thiên tai cũng đã nói lên được nỗ lực đáng khích lệ của Ban Từ thiện xã hội, đó là chưa kể những nét mới trong hoạt động như tăng cường các lớp học tình thương, nhà dưỡng lão, cơ sở nuôi dạy trẻ, trường dạy nghề miễn phí, công tác phòng chống HIV/AIDS, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ từ thiện xã hội. Ban Phật giáo Quốc tế đã đẩy mạnh việc liên lạc, hợp tác hữu nghị với các tổ chức Phật giáo các nước bạn với gần 80 cuộc đón tiếp các phái đoàn bạn, tổ chức hoặc tham gia hội thảo quốc tế, viếng thăm hữu nghị v.v…

Viện và Phân viện Phật học Việt Nam có những nỗ lực mới, mở rộng công tác giao dịch quốc tế, nghiên cứu, dịch thuật, in ấn kinh sách, tổ chức được nhiều cuộc hội thảo trong nước. Đáng kể nhất là cuộc Hội thảo quốc tế năm 2006 do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã gây được ảnh hưởng tốt trong giới Phật giáo trong và ngoài nước.

Mong sao Đại hội sẽ được nghe nhiều bài tham luận, nhiều ý kiến đóng góp của chư liệt vị về bản báo cáo tổng kết công tác Phật sự của Giáo hội và kế hoạch nhiệm kỳ mới do Ban Thư ký trình bày tại Đại hội. Từ đó, Giáo hội sẽ nhận rõ hơn những ưu khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua và có những bổ sung nội dung, biện pháp thực hiện hiệu quả chương trình hoạt động của nhiệm kỳ VI sắp đến. Đại hội còn thông qua bản dự thảo kế hoạch sửa đổi Hiến chương, suy tôn bổ sung Hội đồng Chứng minh và Đức Pháp chủ, danh sách đề cử nhân sự của Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ VI và tiến hành nghi thức Tấn phong Giáo phẩm cho Tăng, Ni cả nước. Tất cả đòi hỏi một trí tuệ tập thể cao vời, sự nhất trí trọn vẹn của toàn thể Đại hội.

Kính thưa Quý vị.

Những thành quả mà Giáo hội thu đạt được là do nỗ lực tự thân chư Tôn đức Tăng, Ni, chư vị Phật tử, nhưng hiển nhiên cũng là do sự tập hợp của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó phải kể hoàn cảnh thuận lợi của Đất nước, sự đồng tình ủng hộ giúp đỡ của chính quyền, của nhân dân. Tự lực và ngoại duyên thuận lợi là điều kiện tiên quyết cho những thành tựu Phật sự của Giáo hội. Đức Phật từng dạy rằng sinh làm người là khó, gặp được Phật lại càng khó hơn. Tăng, Ni, Phật tử được sinh làm người, lại may mắn là người Việt Nam với những thăng trầm của lịch sử, khổ nhục đau thương, vinh quang, thắng lợi, đủ để nhận định con đường chính nghĩa, lối sống tốt đẹp nhằm phục vụ Đạo và Đời. Chúng ta không được gặp Phật nhưng chúng ta có giáo lý giải thoát của đấng Đại trí Đại bi, chúng ta có Giáo hội. Giáo lý là chính pháp, Giáo hội là Tăng Bảo và Tăng Bảo là một chi phần của Tam Bảo, về ý nghĩa cũng bao gồm Phật Bảo và Pháp Bảo. Như vậy, người con Phật ở Việt Nam có duyên may, có hoàn cảnh cụ thể để được nương cậy Tam Bảo, được truyền sức cảm ứng từ Tam Bảo.

Đến đây, tôi xin nhấn mạnh hai đặc điểm vô cùng quan trọng của một thành viên của Giáo hội. - Thứ nhất là giữ gìn và tăng cường đạo hạnh, là sự vô dục, viễn ly, thanh tịnh và chính giác, không để ngũ dục cám dỗ, không để tham sân si lôi kéo. Trong Kinh Ca Lâu Ô Đà Di của Trung A Hàm, Đức Phật dạy: “Này Ô Đà Di, có thứ lạc gọi là Thánh lạc, là lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc thanh tịnh, lạc chính giác, không nhân duyên, không sinh tử, nên tu, nên tập tành, nên phát triển. Ta nói nên tu tập thứ lạc ấy. Này Ô Đà Di, thế nào là thứ lạc không phải Thánh lạc? Đó là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụn nhọt, gốc rễ của mũi tên đâm, có nhân duyên, có sinh tử, không nên tập tành, không nên phát triển, Ta nói không nên tu tập thứ lạc ấy.” Có thanh tịnh, có chính giác, chúng ta làm Phật sự với ý nghĩa vô ngã, vị tha, vì lợi ích của số đông, vì lý tưởng giải thoát.

Những gì chúng ta làm đúng, thấy đúng, phù hợp với giáo lý của Đức Phật, phù hợp, có lợi cho nhân quần xã hội thì đấy là chúng ta thực hiện thiện pháp. Trong kinh Tương Ưng Kassapa, Đức Phật dạy: “Này Kassapa, những ai có lòng tin đối với thiện pháp, biết hổ thẹn đối với thiện pháp, biết sợ đối với thiện pháp, tinh tiến đối với thiện pháp, có trí tuệ đối với thiện pháp, thì dù là đêm hay ngày, các vị ấy sẽ tăng trưởng về thiện pháp, không sợ tổn giảm thiện pháp.” Tóm lại, đây là hai đặc điểm chủ yếu của người con Phật: giữ gìn đạo hạnh và tin kính điều chân thật trong mọi hành tác. Mong sao hết thảy chúng ta nhờ đạo hạnh và trí tuệ mà thấu rõ thiện pháp để mọi hành động, nói năng và suy nghĩ đều phù hợp với thiện pháp và sẽ trở thành thiện pháp.

Kính thưa Quý vị.

Hôm nay, ngày 13 tháng 12 năm 2007, tức ngày mồng 4 tháng 11 Đinh Hợi PL.2551, trước sự hiện diện quí báu đầy nhiệt tâm, ân tình của quý liệt vị tại hội trường này giữa lòng Thủ đô Hà Nội - Thăng Long một ngàn năm văn hiến, nơi chói sáng những trang sử vàng của thời Lý Trần, với sự hưng thịnh của Phật giáo, của cuộc đấu tranh gian khổ giành độc lập thống nhất cho Đất nước, đưa Đất nước đến thời đại xây dựng mới, phát triển mới, tôi xin thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI.

Xin kính chúc Đại hội thành công viên mãn.

Ngưỡng cầu Tam bảo phù hộ cho Đạo pháp trường tồn, Đất nước phát triển, nhân dân ấm no hạnh phúc và hết thảy chúng sinh được an lạc.

Xin chân thành cảm ơn quý liệt vị.

Nam mô Thường Tinh Tiến Bồ tát Ma ha tát.

Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012. Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng