Giáo dục gia đình là công việc diễn ra thường xuyên và gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày giữa các thành viên. Để giáo dục trẻ phát triển đúng hướng, các bậc phụ huynh phải có hiểu biết nhất định về các phương pháp mà họ lựa chọn để giáo dục con.

Tác giả: Ths.Nguyễn Thị Trúc Ly, trường Cao đẳng Bình Phước Sư cô Tường Chơn tỉnh Thừa Thiên Huế

1. Mở đầu

Giá trị là thước đo vô cùng quan trọng đối với cá nhân và xã hội. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để thiết lập giá trị ở cá nhân là một quá trình lâu dài, chủ yếu là từ sự tác động qua lại giữa xã hội hóa và tiếp thu văn hóa (Segall, Dasen, Barry & Poortinga, 1999). Trong sự hình thành và phát triển các giai đoạn của cuộc đời, những giá trị cơ bản được bắt đầu từ gia đình. Gia đình là gốc rễ của sự sống là bước đi đầu tiên để tạo sự vững chắc cho cá nhân hòa nhập với môi trường xã hội [dẫn theo 1].

Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ  4.0, các nước trên thế giới điều có hướng đi riêng trong việc định hướng giá trị sống cho trẻ em tại quốc gia họ. Ở Việt Nam hiện nay, quá trình định hướng giáo dục cho trẻ em vẫn đang còn tồn tại bất cập. Từ hệ thống giáo dục giữa lý thuyết và thực hành (tri - hành) vẫn chưa hài hòa cho đến giáo dục thái độ, kỹ năng của trẻ vẫn còn khập khiễng.

Mặt khác, trong gia đình, việc định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tiếp nối nên thiếu sự nhất quán trong cách định hướng giáo dục.

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên truyền thụ cho trẻ em các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo nên giá trị nhân cách của mỗi người. Định hướng giáo dục giá trị của gia đình có tác động vững chãi trong việc tạo dựng nền tảng cơ bản về nhân cách công dân cho các em [2, tr.55].

“Phật pháp bất ly thế gian giác”, Đạo Phật từ xưa đến nay, luôn mang tinh thần nhập thế, chẳng rời pháp thế gian mà có sự giác ngộ. Chư Phật ra đời đều có chung một mục đích là “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”, chỉ rõ cho nhân loại thấy được bến mê, quay về bờ giác.

Hay chính là hiểu rõ bản tính không tịch thường hằng nơi tự thân và bản chất vô trụ ở vạn vật, để tự mình không bị đắm chìm trong thất tình, lục dục nơi trần gian. Bằng những giá trị giáo dục nhân văn, thiết thực cùng lịch sử gắn bó lâu dài với đất nước, tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu vào đời sống của người Việt như nước hòa với sữa.

Tín đồ Phật giáo là những người đang đi trên con đường chân thiện mỹ để xây dựng cuộc sống an lạc cho tự thân và xã hội. Và chính khi họ có niềm tin và thực tập theo lời Phật dạy, họ sẽ luôn tự hoàn thiện bản thân cũng như giúp đỡ tha nhân trong cuộc sống. Nhưng với những đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa kinh nghiệm và sự hiểu biết, v.v… đã làm cho không ít tín đồ Phật giáo lúng túng trong việc định hướng giáo dục giá trị sống cho con em của mình.

Tuy nhiên, hiện nay lại chưa có công trình nghiên cứu mang tính hệ thống, đi sâu nghiên cứu về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình ở Việt Nam nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng.

Mặt khác, định hướng giáo dục giá trị  cho trẻ em trong gia đình phụ thuộc vào sự hiểu biết của cha mẹ và các giá trị mà cha mẹ coi trọng và điều này càng trở nên khó khăn khi môi trường xã hội có nhiều xáo trộn, hệ thống giá trị mới đang hình thành, tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Có thể khẳng định rằng, đây là mảng đề tài thật sự cần quan tâm nghiên cứu hơn nữa.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

2. Khách thể và phương pháp nghiên cứu

2.1. Khách thể nghiên cứu

Khách thể nghiên cứu của đề tài là 260 người, trong đó 130 phụ huynh (cha hoặc mẹ) và 130 trẻ em là tín đồ phật tử đang tham gia sinh hoạt tại các cơ sở Phật giáo ở thành phố Huế. Một số đặc điểm về khách thể nghiên cứu được thể hiện qua bảng số liệu sau:

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bảng hỏi gồm 4 phần chính:

Phần 1: Nghiên cứu thực trạng định hướng giáo dục giá trị  cho trẻ em trong gia đình của tín đồ Phật giáo tại thành phố Huế gồm các câu với mục đích đo lường cụ thể như sau

+ Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em thể hiện qua mục tiêu giáo dục giá trị  của phụ huynh: Câu 2

+ Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em thể hiện qua việc lựa chọn giá trị giáo dục của phụ huynh: Câu 3

+ Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em thể hiện qua việc lựa chọn phương pháp giáo dục dục giá trị của phụ huynh: Câu 4; 5

Phần 2: Đánh giá chung của phụ huynh

+ Mức độ hài lòng của phụ huynh là tín đồ Phật giáo về việc định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình: Câu 8, 9

Phần 3: Một số yếu tố ảnh hưởng đến ĐHGDGT cho trẻ em trong gia đình của tín đồ Phật giáo: Câu 1; 6; 7

Phần 4: Các thông tin cá nhân bao gồm: tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi sinh sống là câu 11.

Bảng trắc nghiệm 19 giá trị của Schwartz. Ngoài ra, người viết thiết kế các thang đo cho phù hợp với nội dung đề tài nghiên cứu.

Ngoài bảng hỏi, nghiên cứu cũng sử dụng nhiều phương pháp khác như phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu sản phẩm…

Số liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS 20.0.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng chung về định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình của tín đồ Phật giáo tại thành phố Huế.

Mục tiêu cha mẹ định hướng giáo dục cho con mình đó là lựa chọn các giá trị và phương pháp giáo dục phù hợp nhằm phát triển con người chính nó và con người xã hội cho trẻ. Định hướng này được thể hiện qua những mẫu người mà cha mẹ hướng con mình đạt tới.

1. Người có sự thành công và có tầm ảnh hưởng, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của xã hội hiện đại; có quyền lực xã hội, uy tín và sự giàu có; biết hưởng thụ và tận hưởng cuộc sống

2. Người nhân ái, khoan dung, quan tâm đến mọi người xung quanh, sống tình nghĩa và được mọi người tin tưởng; đề cao sự công bằng, bình đẳng xã hội, hòa bình thế giới, sống hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống.

3. Người kính trọng cha mẹ và người cao tuổi, tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo; sống khiêm nhường, tuân thủ các quy định xã hội; coi trọng sức khỏe, sự an toàn của bản thân và gia đình, an ninh đất nước, trật tự xã hội.

4. Người độc lập trong suy nghĩ và hành động, tự lựa chọn mục tiêu, tự lập kế hoạch và thực hiện mục tiêu; hứng thú trải nghiệm những điều mới lạ và các thách thức trong cuộc sống, có một cuộc sống phong phú và sôi động

Việc phân chia mẫu thực sự chỉ mang tính tương đối, bởi mỗi cá nhân thường có những nhu cầu khác nhau. Do vậy việc đưa ra các mẫu người với các nhóm giá trị chỉ nhằm mục đích tìm hiểu xu hướng giá trị mà cha mẹ hướng tới, nhóm giá trị nào cha mẹ đặt mục tiêu chiếm ưu thế hơn so với các nhóm còn lại.

Kết quả cho thấy, cha mẹ ít hướng tới mẫu người tự chủ, mạo hiểm và khám phá cái mới, và mẫu người quyền lực, quyền uy và thành đạt, trong khi đó đa số cha mẹ hướng tới nhiều hơn ở mẫu người tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo và giàu lòng thương người.

Cụ thể, chiếm tỷ lệ cao nhất là 86,9% cha mẹ hướng tới nhiều và rất nhiều mẫu người “tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo”. Thứ hai là 85,4% cha mẹ hướng tới nhiều và rất nhiều việc con mình sau này trở thành “giàu lòng thương người”. Thứ ba là 63,9% cha mẹ hướng tới nhiều và rất nhiều việc con mình sau này trở thành “người độc lập trong suy nghĩ và hành động”. Cuối cùng 26,2% là người có “quyền lực xã hội, uy tín và sự giàu có”.

Xét theo điểm trung bình cho thấy, cha mẹ hướng tới nhiều nhất là mục tiêu con mình trở thành người truyền thống, tuân thủ và an toàn có các giá trị truyền thống, thể diện, an toàn cá nhân, an toàn xã hội, tuân thủ quy tắc, tuân thủ liên cá nhân, khiêm nhường (ĐTB = 4,45); tiếp đến là người công bằng, nhân ái và khoan dung với các giá trị sự đáng tin, sự quan tâm chăm sóc, công bằng bình đẳng, bảo vệ thiên nhiên, khoan dung (ĐTB = 4,32);

Thứ ba là người tự chủ, mạo hiểm và khám phá cái mới với các giá trị kích thích, tự chủ trong suy nghĩ, tự chủ trong hành động (ĐTB = 3,97); và cuối cùng, cha mẹ đánh giá thấp nhất là người quyền lực, quyền uy và thành đạt, với các giá trị quyền lực kiểm soát con người, quyền lực kiểm soát vật chất, thành đạt, hưởng thụ (ĐTB = 3,05).

Như vậy, có sự phân hóa tương đối rõ trong các mẫu người mà cha mẹ hướng trẻ tới với các giá trị nêu trên. Điều này cũng phản ánh những giá trị mà phụ huynh coi trọng, những gì được cho là có ý nghĩa với bản thân (và với con của mình) thì họ sẽ hướng đến với tỷ lệ cao, và ngược lại những giá trị ít được coi trong hơn thì được chọn với tỷ lệ thấp hơn.

Chị T.T.H.M chia sẻ: Với mình dù sống trong bất kỳ môi trường nào, vẫn luôn tâm niệm định hướng cho con hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Không thể vì xu thế thời đại mà bỏ yếu tố truyền thống của cha ông được. Một vấn đề được đặt ra là liệu có sự khác nhau nào giữa các nhóm cha mẹ trong việc định hướng về mục tiêu giáo dục giá trị cho con hay không? Kết quả được thể hiện qua bảng số liệu sau:

Dữ liệu Bảng 3.2 cho thấy, không có sự khác biệt theo nhóm tuổi của cha mẹ trong việc định hướng mục tiêu giáo dục giá trị cho con ở 3 mẫu người Giàu lòng thương người; Tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo; Người độc lập trong suy nghĩ và hành động. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa na nhóm cha mẹ trong việc hướng tới mẫu người Có quyền lực xã hội, uy tín và sự giàu có.

Cụ thể, cha mẹ ở nhóm tuổi từ 25 -35 tuổi đánh giá mẫu người này cao hơn cha mẹ hai nhóm còn lại (ĐTB = 3,21 so với 3,08 và 2,97; p = 0,483). Điều này có thể được lý giải bởi nhóm cha mẹ 25-35 là những người trẻ tuổi đang tiếp cận một xã hội năng động và sự mãnh liệt của tuổi trẻ đang dấn thân vào cuộc cách mạng 4.0 nên tư duy và hành động của họ hoàn toàn mới so với thời đại. Trong khi đó hai nhóm còn lại với lứa tuổi khá chững nên cái nhìn xã hội theo họ có phần ổn định hơn.

Bên cạnh đó, khi so sánh theo tiêu chí nghề nghiệp của cha mẹ, kết quả cho thấy:

Nhìn chung, có sự tương đồng giữa các nhóm cha mẹ nêu trên trong việc xác định mục tiêu giáo dục giá trị cho con. Họ cùng có định hướng cho con tới bốn mẫu người: Thứ nhất là người có tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo; Tiếp đến là giàu lòng thương người. Thứ ba là người độc lập trong suy nghĩ và hành động. Thứ tư là người có quyền lực, uy tín và sự giàu có.

Bên cạnh đó, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa cha mẹ thuộc 3 nhóm nghề nông dân, công nhân; công chức, viên chức và kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, kết quả kiểm định t-test cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê trong đánh giá của các nhóm cha mẹ ở mẫu người thứ nhất (quyền lực, uy tín và sự giàu có).

Cụ thể là: cha mẹ là công chức, viên chức định hướng con tới mẫu người này cao hơn cha mẹ là kinh doanh buôn bán (ĐTB = 3,14 so với 3,11; p = 0,000). Bên cạnh đó, cha mẹ là nông dân, công dân định hướng cao hơn nhóm cha mẹ là kinh doanh buôn bán (ĐTB = 3,11 so với 2,85; p = 0,000). Kết quả trên cũng khá đồng nhất với ý kiến của các bậc phụ huynh khi được phỏng vấn:

Là người con Phật nên lúc nào cũng tâm niệm con mình theo hướng đi cha ông tạo dựng, một mặt xây dựng cho con truyền thống mặt khác thiết lập tình thương yêu cho con đối với mọi người (L.T.H.K).

Mặc dù không học hành nhiều nhưng mình biết làm gì cho con để con giữ được gốc rễ (C.V.N)

Công việc kinh doanh lu bu cả ngày, chị chỉ lo được nhưng nhu cầu thiết yếu khi con cần. Ngoài ra, chị đều nhờ hầy cô, bạn bè quan tâm cho con chị trong suốt quá trình học tập (H.T.M.T).

Kết quả kiểm định t-test điểm trung bình cho thấy, không có sự khác biệt trong việc định hướng mục tiêu giáo dục giá trị cho con giữa cha và mẹ. Cả cha và mẹ đều có cùng quan điểm khi định hướng con tới 4 mẫu người nêu trên.

Đối chiếu việc định hướng mục tiêu giáo dục giá trị của cha, mẹ với ý kiến của con cho thấy, có sự tương đồng giữa cha, mẹ và con ở mẫu người quyền lực, quyền uy và thành đạt (ĐTB lần lượt = 3,02; 3.08 và 3,10), mẫu người giàu lòng thương người (ĐTB lần lượt là 4.31; 4,32 và 4,05), mẫu người tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo (ĐTB lần lượt = 4,37; 4,49 và 4,14). Và mẫu người độc lập trong suy nghĩ (ĐTB lần lượt = 3,98; 3,96 và 3,85.

Tuy nhiên, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa cha, mẹ và con ở mẫu người tôn trọng truyền thống và các nghi lễ tôn giáo. Kết quả kiểm định t-test điểm trung bình của cha, mẹ, con cho thấy, trẻ đánh giá thấp hơn so với cha (ĐTB = 4,37 so với 4,14; p = 0,050) và các em cũng đánh giá thấp hơn so với mẹ (ĐTB = 4,49 so với 4,14; p = 0.009).

Như vậy, cha mẹ hướng con tới mẫu người truyền thống, tuân thủ và an toàn cao hơn so với đánh giá của các em. Sự khác biệt này có thể được giải thích bởi, ở lứa tuổi này, trẻ muốn khẳng định bản thân, giành được quyền tự quyết và độc lập với cha mẹ.

Kết quả nghiên cứu một lần nữa khẳng định, với tâm lý của tuổi mới lớn trẻ em ở lứa tuổi thiếu niên có xu hướng hướng tới các giá trị tự lập, tự chủ, trải nghiệm cuộc sống cao hơn so với việc hướng tới các giá trị truyền thống. Trong khi đó ở cha mẹ, do ảnh hưởng từ yếu tố văn hóa và giáo dục nên họ đề cao các giá trị truyền thống hơn.

Cùng với đó là trong vai trò, trách nhiệm làm cha mẹ nên họ thường có tâm lý lo lắng đến sự an toàn của bản thân và gia đình trong cuộc sống, vì vậy cha mẹ định hướng các giá trị truyền thống, tuân thủ và an toàn cao hơn so với con.

3.2. Thực trạng định hướng giáo dục cho trẻ em trong gia đình của tín đồ Phật giáo tại thành phố Huế qua nội dung và phương pháp giáo dục giá trị

3.2.1. Định hướng giáo dục cho trẻ em trong gia đình của tín đồ Phật giáo tại thành phố Huế qua việc lựa chọn các giá trị

Gia đình là nơi trẻ được thiết lập sớm nhất về những giá trị và phương pháp giáo dục từ cha mẹ. Dựa trên bảng trắc nghiệm của Schwartz với 19 nhóm giá trị đại diện, chúng tôi tìm hiểu thực trạng cha mẹ đang giáo dục giá trị cho trẻ hiện nay. Với câu hỏi “Anh/chị giáo dục con của mình giống với các bậc cha mẹ này ở mức nào?”, kết quả các giá trị lựa chọn được xếp theo thứ tự điểm trung bình từ cao xuống thấp, cụ thể như sau.

Dữ liệu từ Bảng 3.5 cho thấy tổng quan về các giá trị mà cha mẹ lựa chọn để giáo dục trẻ trong gia đình. Kết quả điểm trung bình càng cao mức độ ưu tiên lựa chọn các giá trị càng cao. Và ngược lại, điểm càng thấp phản ánh mức độ ưu tiên lựa chọn giá trị để giáo dục con càng thấp.

Cụ thể, Bảo vệ thiên nhiên (ĐTB = 3,91): Bảo vệ môi trường tự nhiên khỏi sự phá hủy hay ô nhiễm, giữ nếp sống hòa hợp với thiên nhiên, giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên; An toàn cá nhân (ĐTB = 3,90): Bao gồm sự an toàn của bản thân và gia đình, tránh những nguy hiểm và bệnh tật trong cuộc sống, bảo vệ sức khỏe; Khiêm nhường (ĐTB = 3,90); Quan tâm chăm sóc (ĐTB = 3,73): Con người sống tình nghĩa, quan tâm chăm sóc giúp đỡ những người thân thiết.

Kết quả này cho thấy sự tương đồng với nghiên cứu của Schwartz (2002) đã chỉ ra: ở các nền văn hóa cộng đồng, con người đề cao các giá trị an toàn, nhân ái, truyền thống, đúng mực hơn so với các giá trị tự định hướng, hưởng thụ, thành đạt, kích thích. Đồng thời, có một số điểm tương đồng với nghiên cứu của tác giả Trương Thị Khánh Hà (2016) đó là các bậc cha mẹ ở Việt Nam đề cao các giá trị an toàn, truyền thống, đúng mực, nhân ái, giá trị toàn cầu [2, tr. 174].

Kết quả phỏng vấn sâu đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về sự ưu tiên lựa chọn các giá trị này để giáo dục con của cha mẹ: “ tuổi trẻ ngày nay không giống xưa nữa, ăn chơi, đua đòi, không tôn trọng người lớn, v,v…” (H.T.P) “giờ ra đường thấy các cháu nhỏ ngồi trên xe đạp điện, mặt non choẹt lại ôm nhau san sát thấy rất đau lòng” (C.T.H.Y).

Trong số 19 giá trị được liệt kê, 3 giá trị có điểm trung bình thấp nhất, ít được cha mẹ lựa chọn là: Quyền lực chi phối con người: Quyền lực kiểm soát, chi phối người khác làm theo mong muốn của mình như: có quyền lực cao trong xã hội; có thể kiểm soát, sai khiến người khác phải làm theo;

Kích thích: Hứng thú mới lạ, mạo hiểm và thách thức trong cuộc sống (sống táo bạo, một cuộc sống phong phú và sôi động, có sự trải nghiệm nhiều bất ngờ, mới lạ); Quyền lực kiểm soát vật chất: Kiểm soát các nguồn vật chất như tiền bạc, của cải và tài sản vật chất sự giàu sang, sở hữu những thứ đắt tiền thể hiện sự giàu có của mình.

Đối chiếu giữa các giá trị có điểm trung bình cao nhất và các giá trị có điểm trung bình thấp nhất cho thấy, nhu cầu an toàn là một nhu cầu thiết yếu của con người cho dù người đó ở cộng đồng nào, thuộc nền văn hóa nào. Vì vậy, sự lựa chọn giáo dục cho con giá trị an toàn (ĐTB = 3,93) và ít lựa chọn giá trị kích thích (ĐTB = 2,19) là một điều dễ hiểu.

3.2.2. Định hướng giáo dục cho trẻ em trong gia đình của tín đồ Phật giáo tại thành phố Huế qua việc lựa chọn phương giáo dục giá trị cho trẻ

Một trong những điểm đặc trưng của văn hóa Á Đông là dù con cái trưởng thành thì gia đình vẫn luôn là tấm bình phong che chắn êm ả nhất trong vòng đời của mình. Vì vậy giáo dục gia đình là công việc diễn ra thường xuyên và gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày giữa các thành viên. Để giáo dục trẻ phát triển đúng hướng, các bậc phụ huynh phải có hiểu biết nhất định về các phương pháp mà họ lựa chọn để giáo dục con.

Kết quả được thể hiện qua kết quả nghiên cứu sau.

Nhìn chung các phụ huynh đều đánh giá là họ biết đến các phương pháp GDGT cho trẻ trong gia đình. Tuy nhiên, có sự chênh lệch về mức độ điểm trung bình giữa các phương án được lựa chọn. Điều này phản ánh mức độ hiểu biết khác nhau của cha mẹ về các phương pháp GDGT cho trẻ, cụ thể, Phương pháp làm gương được cha mẹ đánh giá cao nhất với (ĐTB = 4,16).

Trên thực tế, đây là một phương pháp giáo dục truyền thống mà nhiều phụ huynh cũng đã được các thế hệ trước (ông/bà) giáo dục bằng phương pháp này. Vì vậy, đa số cha mẹ đều cho rằng để giáo dục con có được những giá trị tốt đẹp thì cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải là tấm gương cho con noi theo. Tiếp đến là hai phương pháp giáo dục giá trị có mức độ đánh giá tương đương nhau là phương pháp khen thưởng và nêu gương (với ĐTB = 4,00 và 3,76).

Khen thưởng, biểu dương khi trẻ làm điều tốt để trẻ tiếp tục phát huy những giá trị tích cực đó. Đồng thời, đây cũng là một nhu cầu được ghi nhận ở trẻ. Bên cạnh đó phương pháp “nêu gương” cũng được các bậc cha mẹ đánh giá cao, cha mẹ có thể đưa ra những dẫn chứng là tấm gương tốt từ truyền thống gia đình, từ môi trường xung quanh, bên ngoài xã hội v.v… để trẻ noi theo những hành động đẹp.

Với phương pháp phân tích, giải thích có mức độ đánh giá thấp hơn (với ĐTB = 3,35). Cha mẹ dùng lời lẽ để phân tích, giảng giải cho con hiểu về những điều tốt – xấu, đúng – sai trong cuộc sống, truyền dạy cho con các giá trị trong từng tình huống cụ thể để trẻ hiểu và làm theo. Cũng như những phương pháp trên, phương pháp phân tích, giải thích cũng có những hiệu quả tích cực nhất định, bởi vậy vẫn được duy trì trong việc giáo dục trẻ em trong xã hội hiện đại.

Ngược lại với phương pháp khen thưởng nhằm khuyến khích trẻ phát huy giá trị tốt, thì phương pháp trừng phạt lại nhằm mục đích ngăn chặn những hành vi xấu ở trẻ (ĐTB = 3,14). Điều này cho thấy, phương pháp này vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình Việt Nam, bằng cách: cha mẹ sử dụng các hình phạt với mức độ khác nhau để trừng phạt trẻ.

Và ở mức độ thấp nhất là phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm (ĐTB = 3,12). Phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong giáo dục giá trị cho trẻ, bởi trẻ được va vấp với thực tế, rút ra bài học kinh nghiệm từ chính những thành công hay thất bại của mình, vì vậy trẻ sẽ thấm nhuần và nhớ lâu hơn về những giá trị mà mình đã học được.

Như vậy từ những kết quả trên cho thấy rằng, việc định hướng giáo dục giá trị cho con quả thật là một việc làm vô cùng gian nan, khó khăn. Bởi chính khi định hướng đúng đắn sẽ giúp trẻ phát triển khả năng của mình đồng thời có thể hài hòa giữa con người cá nhân và con người xã hội.

4. Kết luận và thảo luận

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, đa số phụ huynh xác định mục tiêu hướng con tới mẫu người truyền thống, tuân thủ và an toàn, tiếp đến là mẫu người công bằng, nhân ái và khoan dung. Phụ huynh ít định hướng con tới mẫu người tự chủ, mạo hiểm và khám phá cái mới, và họ ít hướng tới nhất là mẫu người quyền lực, quyền uy và thành đạt.

Về việc lựa chọn các giá trị giáo dục theo thang đo Schwartz cho thấy, các giá trị mà phụ huynh hướng tới nhiều nhất là an toàn cá nhân, công bằng, bình đẳng; quan tâm chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên và các giá trị phụ huynh ít lựa chọn nhất là kích thích, quyền lực chi phối con người, quyền lực kiểm soát vật chất.

Có sự khác biệt cơ bản về nghề nghiệp, nơi sinh sống của các phụ huynh trong việc định hướng giáo dục giá trị cho con.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Phương pháp được lựa chọn nhiều nhất là làm gương; nêu gương; khen thưởng và phân tích giải thích, phương pháp trừng phạt ít được phụ huynh lựa chọn nhất. So sánh theo nghề nghiệp cho thấy, nhóm phụ huynh là công chức, viên chức lựa chọn các phương pháp phân tích, giải thích; khen thưởng; tổ chức các hoạt động trải nghiệm cao hơn so với nhóm phụ huynh là nông dân, công nhân và kinh doanh, buôn bán.

Tác giả: Ths.Nguyễn Thị Trúc Ly, trường Cao đẳng Bình Phước & Sư cô Tường Chơn, tỉnh Thừa Thiên Huế

*** TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Công Hoàn (2015), Nhân cách người công dân được hình thành từ gia đình, Kỷ yếu Hội thảo Vai trò của gia đình trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ em hiện nay, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr 55.

2. Trương Thị Khánh Hà (chủ biên) (2016), Giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

3. Trương Quang Lâm (2017), Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình, luận án Tiến sĩ Tâm Lí Học, Đại học Quốc gia Hà Nội.