Tác giả: Nguyễn Đại Đồng
Phật giáo du nhập vào nước ta hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau về thời gian du nhập và địa điểm du nhập.
Về thời gian du nhập
Có thể phân chia thành hai nhóm quan điểm:
Thứ nhất, cho rằng Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng những thế kỷ đầu Công nguyên.
Thứ hai, cho rằng Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng thế kỷ II, III TCN.
Nhóm quan điểm cho rằng Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng thế kỷ II, III TCN. Điển hình cho nhóm quan điểm này là các tác giả Lê Mạnh Thát, Thích Đức Nghiệp,… Cụ thể như sau:
Hòa thượng Thích Đức Nghiệp cho rằng: “vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, hai ngài Sona và Utara, đã tới đây thuyết pháp, và cùng với nhân dân địa phương đã xây bảo tháp Asoka...”. Tác giả sách trên viết tiếp cuộc nói chuyện với một cụ ông ở địa phương sau một lần đi chiêm bái thắng cảnh chùa Hang - Cốc Sơn tự (Đồ Sơn - Hải Phòng): “Thời xưa vào cuối thời Hùng Vương, ở đây có một vị sư tên là Sư Bần (Bần Tăng), người Ấn Độ, lập bàn thờ Phật và tu ở trong hang núi này và sau đó cũng viên tịch ở đây. Bởi vậy, dân địa phương gọi là chùa Hang, hay Cốc Sơn tự. Biết rằng khi còn bình sinh Sư Bần có giảng đạo cho Chử Đồng Tử”[1]. Từ những căn cứ trên, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp khẳng định, Phật giáo bắt đầu truyền vào Việt Nam 300 năm trước Tây lịch.
Tác giả Lê Mạnh Thát trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, đã căn cứ vào truyện Chử Đồng Tử và những thư tịch cổ để xác định thời gian Phật giáo du nhập vào nước ta. Câu chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung được nhắc đến trong “Truyện Nhất dạ trạch” ở Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú.
Truyện kể rằng vào đời Hùng Vương thứ 3 “Có người lái buôn giàu có nói rằng: “Quý nhân bỏ một dật vàng ra ngoài mua vật quý, sang năm có thể thành mười dật”. Tiên Dung cả mừng bảo Đồng Tử: “Vợ chồng chúng ta do trời tác thành, đồ ăn thức mặc do trời phú cho, nay hãy đem vàng cùng phú thương ra bể buôn bán”.
Có núi Quỳnh Viên, trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé lại lấy nước ngọt. Đồng Tử lên am chơi, có tiểu tăng tên gọi Ngưỡng Quang (bản dịch của Đinh Gia Khánh chép là Phật Quang, truyền phép cho Đồng Tử, Đồng Tử lưu học ở đó, giao tiền cho lái buôn mua hàng. Sau lái buôn quay lại chở Đồng Tử về. Sư tặng Đồng Tử một cây trượng và một chiếc nón mà nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây”. Đồng Tử về giảng lại đạo Phật, Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường, chợ búa, cơ nghiệp rồi cả hai đều tìm thày học đạo[2].
Năm 257 trước Công nguyên, đất nước của vua Hùng đã về tay Thục Phán (An Dương Vương). Theo truyền thuyết từ đời Hùng Vương thứ 3 đến An Dương Vương còn 17 đời vua nữa. Nếu vậy, Phật giáo phải truyền vào nước ta trước năm 257 TCN, khoảng hai đến ba thế kỷ nữa.
Từ câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung kết hợp các nguồn thông tin khác, Lê Mạnh Thát nhận định: “Thực tế thì ngay trong Sử ký ta đã tìm thấy những tiếng Phạn được phiên âm ra tiếng Trung Quốc, cụ thể như từ Lưu Ly, điều này cho thấy nước Trung Quốc đã biết nước Ấn Độ từ lâu. Nói cách khác, từ những thế kỷ đầu Dương lịch. Quan hệ buôn bán giữa thương nhân hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đã được thiết lập…Nói cách khác là vào những thế kỷ trước và sau Dương lịch, đã có những quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác về đường biển thông qua Việt Nam. Cho nên, giả thiết sự tồn tại của nhà sư Phật Quang giữa thế kỷ thứ III hay thứ II trước công lịch có thể chứng minh được”[3]. Như vậy, theo Lê Mạnh Thát, Phật giáo truyền vào nước ta vào khoảng thế kỷ thứ III hay thứ II TCN.
Nhóm quan điểm cho rằng Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng những thế kỷ đầu công nguyên điển hình là các tác giả của Thiền uyển tập anh, Nguyễn Lang, Nguyễn Duy Hinh. Cụ thể như sau: Trong sách Thiền uyển tập anh, có ghi lại câu hỏi của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã nêu lên với Thông Biện về đạo Phật được truyền vào nước ta từ bao giờ (năm 1096), Thông Biện quốc sư đã dẫn lời Đàm Thiên để trả lời:
“Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc, khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Giao Châu đã có hơn hai mươi ngôi bảo sát, độ được hơn năm trăm vị Tăng, và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”[4]. Như vậy là do Phật giáo đã truyền đến Giao Châu trước. Bấy giờ ở bên ấy đã có các vị tăng như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác,…”[5] .
Theo câu trả lời này, trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, Việt Nam đã có một nền Phật giáo tương đối hoàn chỉnh, tức bao gồm chùa chiền, một đoàn thể tăng sĩ và kinh sách đầy đủ. Điều đáng tiếc là Thông Biện không cho ta biết Phật giáo truyền vào nước ta cụ thể vào khi nào? Tuy nhiên, căn cứ vào những nhân vật ông đưa ra thì vào khoảng thế kỷ thứ II, thế kỷ thứ III Dương lịch ở nước ta đã có nền Phật giáo tương đối hoàn chỉnh.
Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần viết về Sỹ Nhiếp cũng có nói đến Phật giáo: “Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết, kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có mấy mươi người”[6]. Sĩ Nhiếp còn được biết đến trong lịch sử Phật giáo khi ông là người ra lệnh tạc tượng Tứ Pháp. Như vậy, với những cứ liệu trên, đồng thời căn cứ vào niên đại của thời Sĩ Nhiếp, có thể thấy rằng Phật giáo có mặt ở nước ta từ thế kỷ thứ II. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, đưa ra quan điểm sau:
“Đạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên”[7].
Như vậy, theo Nguyễn Lang, Phật giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ thứ I sau công nguyên.
Nguyễn Duy Hinh trong sách Tư tưởng Phật giáo Việt Nam đã căn cứ vào nhiều sử liệu khác nhau, nhất là tài liệu Sĩ Nhiếp để đưa ra quan điểm của mình “Người ta giải thích người Hồ là người Ấn Độ, người Hồ đốt hương là nhà sư Ấn Độ đến Dâu gia nhập vào tập đoàn Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Chỉ năm 187, bức thư ghi vào biên niên năm 207, trong thư nói Sĩ Nhiếp cầm quyền đã hơn 20 năm thì tương đối phù hợp. Nhưng như vậy, người Hồ cầm hương theo hầu Sĩ Nhiếp sớm nhất là năm 187. Liệu người Hồ đến Dâu từ đó hay trước đó? Trước đó bao lâu? Quan hệ Đông Dương với Ấn Độ có khá sớm ít ra từ đầu Công nguyên, nghĩa là 200 năm trước thời Sĩ Nhiếp. Có ba tư liệu liên quan đến vấn đề này: Truyện Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái, quyển Lý hoặc luận của Mâu Bác, quyển thứ 13 của sách Xuất Tam Tạng lý tập ghi về Khương Tăng Hội”[8].
Chúng tôi ủng hộ quan điểm của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp và Lê Mạnh Thát cho rằng Phật giáo truyền vào nước ta vào khoảng 300 năm trước Công nguyên trùng với thời kỳ vua A So Ka cử giáo đoàn do Sona và Utara đi truyền giáo từ Mianmar đến Giao Chỉ.
Địa điểm du nhập
Các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo cho rằng có ba địa điểm được coi là địa điểm đầu tiên đạo Phật được truyền vào nước ta.
Đồ Sơn (Hải Phòng): Claude Madrolle, tác giả sách Bắc Bộ xưa hiểu thuật ngữ Nê Lê theo nghĩa là bùn đen (Nê: là bùn, Lê: là đen). Từ đó, đưa ra giả thiết Nê Lê là vùng Đồ Sơn (Hải Phòng), vì từ Móng Cái đến Bắc Trung Bộ thì bãi biển đều có cát vàng, riêng chỉ có bãi biển ở Đồ Sơn có bùn đen.
Do vậy, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, đều nghiêng về Đồ Sơn là nơi phái đoàn truyền bá Phật giáo đầu tiên đến Việt Nam. Hòa thượng dựa vào bài thơ chữ Nho: Tháp Sơn hoài cổ, trong gia phả của gia đình ông Hoàng Gia Lũy trong đó có câu: “Cổ tháp di hư loạn thảo đôi Dục vương khứ hậu ủy viên đồi” (Tháp xưa lau cỏ tốt bời bời, Vua Dục đi, vua sau cũng đổ rồi)[9]. Và cho rằng, trên núi Mẫu Sơn có bảo tháp A Dục Vương dựng lên vào khoảng 300 năm trước Công nguyên, sau khi tháp này tàn phế, tiếp đến tháp Tường Long do vua Lý Thánh Tông xây trên nền tháp cũ.
Theo NNC lịch sử Ngô Đăng Lợi thì xứ Đông là nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào nước ta . Các nhà sư Thiên Trúc theo thuyền buôn đi men theo đường biển, lợi dụng gió mùa định kỳ hàng năm, ngẫu nhiên thuyền vào dãy núi Đồ Sơn có hang động, sẵn nước ngọt, động thực vật dồi dào, đông dân đánh cá, làm muối. Đảo Đồ Sơn lại không xa đất liền . Vì vậy Nê Lê Đồ Sơn là cái nôi đầu tiên tiếp thụ đạo Phật, từ Nê Lê theo đường sông truyền lên Luy Lâu, trung tâm Kinh tế, chính trị xã hội xứ Giao Châu.
Tây Thiên (Vĩnh Phúc): Trong kỷ yếu Hội thảo khoa học “Mấy vấn đề Phật giáo ở Tây Thiên Tam Đảo - Vĩnh Phúc”, Tỷ khiêu Thích Kiến Nguyệt trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã cho rằng: Tây Thiên là cái nôi đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Với những bậc chân tu theo đạo Phật thường tìm chốn “Sơn lâm cùng cốc” để tĩnh tu, để buông xả thân tâm, sống đời thiểu dục tri túc và giải thoát.
Trong vùng Bắc Bộ, chỉ có vùng Tam Đảo núi non liên hoàn hùng vĩ, cảnh trí u nhã, có suối chảy nước trong, thác ghềnh non cao rừng rậm, thâm u tịch tĩnh, thích hợp cho người tu thiền. Hơn nữa vào thời Hùng Vương, Tam Đảo ở gần Kinh đô nước Văn Lang, nên có thể nơi đây được đoàn hoằng pháp của hai ngài Sona và Utara lựa chọn để hoằng dương Phật pháp. Đầu tiên các Ngài cất am thiền, thỉnh thoảng đến Kinh đô khất thực hóa duyên. Khi số lượng phật tử đông đảo, các ngài xây thành Nê Lê (cũng tương đương với chùa Địa Ngục) và dựng tháp A Dục.
câu hỏi được đặt ra, tại sao lại gọi là thành Nê Lê? Theo chúng tôi có thể thời bấy giờ từ ngữ còn nghèo nàn, lại thêm đạo Phật mới truyền sang, người dân chưa biết đặt tên gọi nơi tu hành thờ Phật, chỉ thấy chùa xây bằng đá giống thành trì nên gọi là thành Nê Lê? Và sau quen miệng, nên người dân địa phương vẫn gọi là Nê Lê. Sau này, khi Phật giáo Trung Quốc truyền sang, nhờ giao lưu văn hóa chúng ta có thêm những từ ngữ để gọi nơi thờ Phật là Tự. Thế nên, thành Nê Lê đổi thành “Địa Ngục tự” mà Lê Quý Đôn đã miêu tả trong Kiến Văn Tiểu Lục…
Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, thuật ngữ “Tây Thiên” phát xuất từ ý nghĩa “Nơi các nhà sư Tây Thiên (sư Ấn Độ) tu hành” vì theo trong kinh sách, thuật ngữ “Tây Thiên” để chỉ nước Ấn Độ, cũng như thuật ngữ Đông Độ để chỉ nước Trung Hoa. Do đó, trong khi chờ đợi sự phát hiện mới về khảo cổ học ở Tây Thiên, qua sử liệu và lịch sử phát triển dân tộc, chúng tôi nghiêng về hướng suy nghĩ, Tây Thiên là cái nôi của Phật giáo Việt Nam”[10].
Học giả Lê Mạnh Thát lại có ý kiến khác. Trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam[11], ông cho rằng chữ Nêlê do chữ Nakara tiếng Phạn mà ra. Nakara có nghĩa là địa ngục. Mà ở vùng núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có ngôi chùa Địa Ngục. Huyện An Định có khả năng nằm tại vùng núi Tam Đảo? Đây là một kiến giải mới nhưng so với mô tả của Thuỷ Kinh Chú thì có nhiều chi tiết không hợp[12].
Núi Quỳnh Viên (Hà Tĩnh): Trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1 của học giả Lê Mạnh Thát viết “Việc đồng nhất núi Quỳnh Viên là ngọn núi nằm ở phía Nam cửa Sót ngày nay không phải là mới mẻ gì. Ngay từ thời Phan Huy Chú, khi viết Lịch triều hiến chương loại chí cho ta biết là Uyên Sơn ở hữu ngạn của cửa Nam Giới “Uyên Sơn ở bên phải cửa Nam Giới, tương truyền có nền nhà của Chử Đồng Tử tại đó. Thơ vua Thánh Tông có câu: “Danh sơn vẫn nhắc cổ Quỳnh Viên” tức chỉ núi này vậy”[13].
Như vậy, vào thế kỷ XV khi Kiều Phú và Vũ Quỳnh hiệu đính và cho ra hai bản Lĩnh Nam chích quái khác nhau, Quỳnh Viên đã thực sự là một danh sơn, một ngọn núi nổi tiếng đối với nhân dân ta thời đó và trước kia. Nó dứt khoát không phải là ngọn núi thần thoại, càng không phải là ngọn núi không có địa điểm cụ thể tại đất nước ta. Nó là một ngọn núi nằm tại cửa Sót và trên núi Quỳnh Viên này còn có ngôi chùa cổ.
Bản Lĩnh Nam chích quái mà ta có ngày nay hoặc do Kiều Phú kiểu chính lại vào năm 1490 hoặc do Vũ Quỳnh san định lại vài năm sau đó, vào năm 1493, từ một bản Lĩnh Nam chích quái nói tới núi Quỳnh Viên này phải có một địa chỉ cụ thể. Vì thế, khi Chử Đồng Tử đã được thiền sư Phật Quang truyền dạy đạo Phật tại núi Quỳnh Viên, ta có thể chắc chắn sự việc này đã xảy ra tại cửa biển Nam Giới hay cửa Sót[14].
Chử Đồng Tử, người quê tỉnh Hưng Yên là người Việt Nam đầu tiên đã đến tiếp xúc với ông, để rồi sau đó, trở thành người Phật tử Việt Nam đầu tiên có tên tuổi. Lê Mạnh Thát cho rằng, lúc bấy giờ là thời Hùng Nghị vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ 2 - 3 trước công nguyên. Sách Lược sử Phật giáo Hà Tĩnh do PGS.TS. Nguyễn Quang Hồng chủ biên cùng quan điểm với học giả Lê Mạnh Thát[15].
Nguyễn Lang, trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb Văn học, 1994 cho biết: Các thương gia Ấn Độ đã dong thuyền đi về Viễn Đông. Những thương thuyền ấy theo gióa mùa Tây Nam đi về Đông Nam Á tới bờ biển Malaixia, Phù Nam, Giao Chỉ. Họ phải ở đây cho đến năm tới, chờ gió mùa Đông Bắc để trở về Ấn Độ[16].
Như vậy trên đường đi Viễn Đông (Đông Bắc Á), thuyền phải qua Phù Nam, Giao Chỉ
Học giả Lê Mạnh Thát cho rằng Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang ở chùa cổ trên núi Quỳnh Viên tại cửa Sót, Hoan Châu e rằng không hợp lý bởi cửa Sót không phải là một địa điểm thuận lợi để các thuyền lưu lại trên hải trình từ Ấn Độ sang Giao Châu. Mặt khác trên núi Quỳnh Viên không còn dấu tích gì về ngôi chùa sư Phật Quang tu và Chử Đồng Tử. Lập luận của Lê Mạnh Thát có vẻ khiên cưỡng.
Qua những dữ kiện trên, chúng ta có thể biết rõ được lộ trình của Chử Đồng Tử, đi bằng thuyền buồm, dọc theo sông Thái Bình, từ Hưng Yên ra tới cửa biển Đồ Sơn, rồi ghé vào núi Mẫu Sơn hiện nay (Quỳnh Viên ngày xưa) để lấy nước ngọt, và gặp Sư Bần (sư Phật Quang) ở chùa Hang (Cốc Sơn tự) hiện nay, ngay ở dưới chân núi liền với bờ biển.
Nguyễn Tài Thư trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, viết: “Có học giả dựa vào tài liệu Trung Hoa nói rằng, ở Giao Chỉ tại thành Nê Lê có bảo tháp của vua Asoka. Và học giả đó xác định thành Nê Lê, mà sử liệu Trung Hoa nói tới, chính là Đồ Sơn ở nước ta hiện nay”[17].
Điều này cho thấy Nguyễn Tài Thư đồng tình với quan điểm của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp và NNC Ngô Đăng Lợi.
Chúng tôi cho rằng quan điểm coi Đồ Sơn là nơi phái đoàn truyền bá Phật giáo đầu tiên đến Việt Nam của HT.TS.Thích Đức Nghiệp, NNC Ngô Đăng Lợi là có cơ sở phù hợp với lịch sử và biến đổi địa chất ở Việt Nam.[18]
Tạm kết
Từ những dẫn chứng và phân tích trên, chúng tôi nhất trí với kết quả nghiên cứu của HT.TS.Thích Đức Nghiệp, NNC Ngô Đăng Lợi, về các sự kiện sau:
Phật giáo truyền vào Giao Chỉ (Việt Nam) từ năm 300 trước công nguyên vào thời kỳ Sona và Utara của vua Asoka sang truyền giáo ở Đông Nam Á.
Địa điểm Phật giáo vào Giao Chỉ đầu tiên là tại chùa Hang-Cốc Sơn tự ở đảo Đồ Sơn, Hải Phòng nơi có Sư Bần người Tây Trúc tu hành. Chử Đồng Tử là người Phật tử Việt Nam đầu tiên được nhà sư truyền bá giáo lý đạo Phật.
Tác giả: Nguyễn Đại Đồng
***
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1988.
2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994.
3. Thích Đức Nghiệp, Đạo Phật Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1995.
4. Lê Mạnh Thát. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1999.
5. Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1999.
6. Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin, 2000.
7. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phúc, Mấy vấn đề về Phật giáo ở Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học,Vĩnh Phúc, 2006.
8. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006.
9. Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú giải, Nxb Hồng Đức, 2014.
10. Trần Thế Pháp (Vũ Quỳnh, Kiều Phú: nhuận chính; Bản dịch của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San), Lĩnh Nam chích quái, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2015.
11. Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Lược sử Phật giáo Hà Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2023.
12. Thích Quảng Tùng, Thích Thanh Giác, Đoàn Trường Sơn (đồng chủ biên), Lịch sử Phật giáo thành phố Hải Phòng, Nxb Tôn giáo, 2023.
13. GHPGVN thành phố Hải Phòng và Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuât TP Hải Phòng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc, Ngày 1 tháng 12 năm 2023.
Chú thích
[1] Thích Đức Nghiệp (1995), Đạo Phật Việt Nam, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, trang 32.
[2] Trần Thế Pháp (Vũ Quỳnh, Kiều Phú: nhuận chính; . Bản dịch của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San),. Lĩnh Nam chích quái. Nxb Trẻ, Hà Nội, 2015, trang 51.
[3] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2006, trang 25.
[4] Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú giải. Nxb Hồng Đức, 2014, tr.82-86.
[5] Lê Mạnh Thát. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1999, trang 203-204.
[6] Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin, 2000, trang 226.
[7] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994, trang 21.
[8] Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1999, tr174-175.
[9] Thích Đức Nghiệp, Đạo Phật Việt Nam, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 1995, trang 31.
[10] Viện nghiên cứu Tôn giáo, Sở VHTT Vĩnh Phúc, Mấy vấn đề về Phật giáo ở Tây Tiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học,Vĩnh Phúc, 2006, trang 35-37.
[11] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr 34.
[12] Xem thêm: Phải chăng Đồ Sơn là nơi đầu tiên của nước ta tiếp xúc với Phật giáo, Ngô Đăng Lợi, Thư viện Phật học, (H-1990, tr 124-129).
[13] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí M+inh, 2003, tr 21.
[14] Viện nghiên cứu Tôn giáo, Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phúc, Mấy vấn đề về Phật giáo ở Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học,Vĩnh Phúc, 2006, trang 35-37.
[15] Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Lược sử Phật giáo Hà Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2023.
[16] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb Văn học, 1994, trang 23-24.
[17] Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1988, tr.22.
[18] Ngày 1 tháng 12 năm 2023, tại Hội thảo khoa học Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc, do GHPGVN thành phố Hải Phòng và Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuât TP Hải Phòng, NNC Ngô Đăng Lợi cho biết: “Kiến giải này được Hội thảo (1990) hoàn chấp nhận và từ đó đến nay (2023) không có gì khác”. Tr.169, Kỷ yếu Hội thảo.
Bình luận (0)