Chùa Quang Minh (光明寺) tọa lạc trên địa bàn thôn Hậu Bổng (tên nôm là làng Bóng), xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chùa còn có tên gọi khác là Viên Quang (tục gọi là chùa Bóng) - một đại danh lam, một thánh tích chốn thiền môn.

Tác giả: Nguyễn Văn Thinh

Tóm tắt:

Trang trí họa tiết trên bia đá là một nghệ thuật tạo tác dùng các họa tiết trang trí như rồng, phượng, vân mây, hoa lá, dây leo, con vật… để chạm khắc lên bia. Trải qua các triều đại trong lịch sử đều có những dấu ấn và cách trang trí riêng. Mỗi triều đại đều tạo nên những sự khác biệt với các triều đại trước trong việc trang trí họa tiết, hình tượng. Trong quá trình tạo tác bia đá các nghệ nhân dùng nhiều họa tiết bố trí để truyền tải hoặc thể hiện qua điểm thẩm mĩ, ý tưởng rõ ràng. Bia đá thường được trang trí trên các phần như trán bia, diềm bia và chân bia. Tùy thuộc vào bia mà có sự trang trí phù hợp. Trán bia chạm hai con rồng chầu mặt trời, mặt nguyệt, hình rồng được chạm tỉ mỉ công phu từ đuôi, vẩy, vây, chân, mắt, râu, bờm, móng, đặc biệt là đối với các văn bia có sự góp công của nhà nước, quan viên, hoặc bia có vị trị đặc biệt quan trọng. Các hoa văn khác như mây lửa, dây leo, hoa, là đặc điểm chung và có mặt trong nhiều tấm bia.

Từ khóa: chùa Quang Minh, Phụ chính Ứng Vương, Thái hoàng Thái Hậu, Hậu Bổng, Hải Dương.

Hình tượng được trang trí trên bia đá chùa Quang Minh

Chùa Quang Minh (光明寺) tọa lạc trên địa bàn thôn Hậu Bổng (tên nôm là làng Bóng), xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chùa còn có tên gọi khác là Viên Quang (tục gọi là chùa Bóng) - một đại danh lam, một thánh tích chốn thiền môn. Văn bản Quang Minh tự sự tích đã miêu tả cảnh chùa: Chùa Quang Minh Hậu Bổng, ngàn cây lớn biếc, bốn mặt nước trong, đằng trước có đường cái quan, sông Vĩnh Hà lượn về trái, thật là một thắng cảnh của cõi Phật”. Văn bia Tu cấu Viên Quang khám cho biết: Chùa Viên Quang xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng là danh lam của nước Nam. Chùa vốn là cổ tích: phía trước có nước triều lên, phía sau là bát ngát ruộng đồng; phía trái là xóm làng trù phú, bên phải có chợ náo nhiệt, mỗi dịp xuân về muôn hoa đua nở, nhân dân hoan hỷ hội tụ về, ngựa xe chen chúc võng lọng tấp nập, một bầu cảnh Phật đẹp đẽ lạ thường - một kì quan nhất vùng. Chùa không những nổi tiếng có lịch sử lâu đời mà còn gắn liền với câu truyện huyền tích trong lịch sử gắn liền với Thiền sư Huyền Chân. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được 3 tấm bia đá cổ ghi chép về việc trùng tu xây dựng tháp cửu phẩm liên hoa, xây dựng Viên Quang khám và bia Hội chủ hưng công xây dựng trùng tu chùa.

Đáng chú ý nhất trong số 3 tấm bia đá hiện còn ở chùa là tấm bia Tu cấu Viên Quang Khám bi kí  kí hiệu 13111, (hiện bia này vẫn còn lưu tại chùa) khắc ngày 1 tháng 5 năm Diên Thành thứ 2 (1579) nhà Mạc. Hoa văn trang trí hình tượng rồng 5 móng do Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1556) Công bộ Thị lang Đông các học sỹ Đỗ Uông soạn chép việc: Năm Diên Thành thứ nhất nhà Mạc, (ứng với năm Quang Hưng thứ nhất nhà Lê -  Mậu Dần 1578). Quan Phụ chính Ứng vương thường qua phủ Vĩnh về hầu vua đi qua đây, mến mộ cảnh này mà dựng vương phủ ở cạnh chùa, làm nơi nghỉ ngơi khi qua lại. Ông liền bỏ tiền tậu ruộng, để mở rộng đất chùa, chọn gỗ gọi thợ, để trang nghiêm chính điện, cùng tiền đường, hậu vũ, bốn mặt hồi lang vây quanh cùng với tam quan lầu các. Chỗ nào cũ nát thì làm mới lại; chỗ nào hư hỏng thì tu bổ lại. Bia đá này được GS Đinh Khắc Thuân đánh giá là có hoa văn đẹp nhất trong các bia đá thời Mạc.

Tấm bia được khắc 2 mặt, mặt trước ghi chép về việc xây dựng Viên Quang khám, mặt sau ghi chép tên những người phát tâm cúng dàng.

Về cách trang trí trên mặt trước của bia đá, trên trán bia là 2 rồng đang ôm mặt nguyệt, phía sau 2 con rồng lớn lại có 2 con rồng nhỏ, tất cả các con rồng trên trán bia đều có 5 móng vuốt. Hai bên diềm bia được trang trí 32 con rồng cuộn tròn, (mỗi bên 16 rồng). Phía dưới diềm chân bia tạc 2 con đang vờn cầu lửa. Mặt sau của bia đá này trên trán bia là khắc hình 1 con rồng nhô mặt ra phía trước chính giữa của trán bia, đầu rồng có sừng, hai mắt lồi, mũi sư tử, mồm hình thú nhô. Hai bên diềm bia khắc 6 con rồng toàn thân đang lao xuống nhưng đầu lại ngổng lên. Diềm chân bia là khắc 4 con rồng và 2 con phượng tạo thành 6 vòng tròn đều nhau. Điều đặc biệt nữa ở bia đá này chính là 2 bên cạnh của bia còn được các nghệ nhân chạm khắc mỗi bên 6 con rồng đang cuộn tròn đều nhau, nghệ thuật trang trí rồng cuộn này còn được gọi là “viên long – rồng cuộn”. Đây là điểm khác biệt so với nhiều bia đá khác, bởi lẽ thường ít bia chạm trổ trang trí hoa văn hai cạnh của bia.

Như vậy, tính tống cộng trên bia đá này đã được chạm khắc trang trí 59 rồng, có thể nói đây là số lượng rồng nhiều nhất, độc đáo trong nghệ thuật trang trí bia đá ở chùa Quang Minh.

Về hình tượng Rồng thời Mạc, theo các nhà nghiên cứu thì đó là sự kế thừa rồng truyền thống Lý, Trần, và cả rồng thời Lê sơ. Đặc điểm chung là: thân mập, uốn lượn đều đặn, bờm kéo dài uốn theo xuống nửa lưng, mây đao lửa điểm xuyết trên thân, sóng cuộn dưới bụng, chân ngắn, lông khủyu sợi đơn uốn xoắn. Đầu rồng có sừng hai chạc, hai mắt lồi, mũi sư tử, mồm thú nhô ra phía trước. Tuy nhiên đa phần lại chỉ là rồng có 4 móng vuốt.

Mặt trước và mặt sau văn bia Tu cấu Viên Quang khám

Theo GS.Đinh Khắc Thuân: “Hình rồng trang trí trên bia chùa Viên Quang đặc biệt hơn cả. Trung tâm trán bia có hai rồng uốn lượn ôm gọn mặt nguyệt treo lơ lửng ở trên, hai bên là hai hình rồng chầu khác. Diềm bia trên được trang trí bởi các hình rồng cuộn, diềm chân bia là hai rồng vờn cầu lửa. Chùa này do Phụ chính Ứng vương dựng, nên đề tài trang trí trên bia này mang tính cung đình. Vì thế rồng là đề án chủ đạo”.

Như vậy, qua bia đá còn lại ở chùa Quang Minh, có thể thấy nghệ thuật trang trí ở trên tấm bia này là rất độc đáo, so với gần 200 bia đá có niên đại dưới triều nhà Mạc. Đề tài chủ đạo của tấm bia là hình tượng rồng với nhiều hình thế khác nhau, tạo nên một tấm bia đá được trang trí toàn hình rồng tượng trưng cho nghệ thuật chốn cung đình.

Nội dung bài văn bia như sau:

Bia dựng lại khám Viên Quang

Khám Viên Quang Hậu Bổng, huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng, là danh lam lớn của nước Nam. Đấy là do công sức phục dựng của ai? Đó là đại công đức vui làm điều thiện của quan Phụ chính Ứng vương. Chùa vốn là cổ tích: thủy triều tiến phía trước, phía sau bát ngát ruộng bằng; bên trái cạnh làng trù phú, bên phải liền với chợ đông. Một bầu trời thiền phong cảnh lạ thường. Mỗi độ xuân về muôn hoa đua nở, người dân nơi đây dự hội đông vui, dấu ngựa xe tấp nập, võng lọng qua lại không ngớt. Thật là một kỳ quan lớn nhất vùng.

Quan Phụ chính Ứng vương thường trên đường từ phủ Vĩnh lên [Kinh] chầu vua qua đây; bởi mến mộ cảnh này bèn lập phủ ở cạnh chùa để làm hành cung nghỉ ngơi mỗi khi qua lại. Vương liền bỏ vàng vua ruộng để mở rộng chùa, rồi chuyển gỗ họp thợ, xây Phật điện, cùng tiền đường, hậu vũ, bốn mặt hành lang bao quanh cùng tam quan lầu gác. Chỗ cũ nát liền làm mới cái hư hỏng thì tu bổ lại, công việc xây dựng chẳng mấy mà xong, thực là “lâu đài cõi Đông- Thiền lâm Thiên Trúc”, mọi thứ nhất thảy đều mới mẻ. Ngày hoàn công, Vương sai Chủ bạ Lê Như Châu đến bảo kẻ độn phu tôi làm bài minh để truyền đời sau. Vừa lúc cầm bút thì có một Nho sinh hình dáng khôi ngô sáng láng, men theo bậc mà lên chầu ở phía Nam bàn án, mà thưa với tôi rằng: Trước ngày bài tựa bài minh khắc trên chuông chùa Sùng Ân của ấp Vĩnh đã nổi tiếng há chẳng là do  Tiên sinh soạn đó sao? Kẻ ngu dốt này thấy, xin lời nói thẳng có được chăng?

Giáo lý của đức Phật Thích Ca lấy điều thiện dạy khiến cho người ta kính cẩn tin tưởng, làm theo để được cầu phúc báo.

Nay Thái hoàng Thái hậu là bậc Mẫu nghi thiên hạ, là mầm Thánh nơi cửa Phật, xây dựng các chùa để làm ruộng phúc, là vì mong Thánh tử thiền tôn, nghi Quân nghi Vương đời đời mà hâm tạo phúc vậy.

Việc Phụ chính Ứng vương dựng khám Viên Quang (tức chùa Quang Minh), đó cũng là xuất phát lòng từ bi, lòng thành vui làm điều thiện.

Ôi triều Lý nước Nam ta hưởng phúc dài lâu. Trên thì vương công dưới thì sĩ thứ dốc lòng thờ Phật, cúng dàng nhiều nhưng cũng không thể vượt qua được thời bấy giờ, những chỗ danh lam cổ tích  trong thiên hạ, nơi nơi đều được sửa sang hoàn thiện, cột chạm xà nóc nguy nga, việc phúc mãi làm không ngớt. Tất cả nơi dấu tích xưa ấy,  nay đã tu sửa thành chùa, quy mô bằng và hơn trước.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Bia đá Chùa BóngNgu tôi thường xem, sử nước Việt ta, triều Lý trải qua hơn hai trăm năm, thời đó vua dày lòng nhân đức, tôi ra sức trung hiền, không chỉ một việc phụng thờ Phật mà được như thế. Vả lại bấy giờ bốn phương thanh bình không tiếng binh đao, trong nước người đông của sẵn, tài lực dồi dào, dư mà không xa xỉ vào việc khác. Nay, dân trong thiên hạ không được yên ổn như xưa, của cải trong thiên hạ cũng không được sung túc. Cùng với việc cúng tiến thờ Phật, để cầu âm phúc, Còn nữa là làm phúc lợi cho bách tính trong thiên hạ. Tiên sinh được truyền vào Vương phủ,  bàn bạc việc quân đã bao năm, sao không vì tấm lòng vui làm điều thiện của Vương, hướng Vương đến con đường ái thiện. Khiến cho tấm lòng của Vương ngày càng thuần chính, đức của Vương ngày càng thêm rực rỡ. Trên là có người phụ tá Thánh Hoàng, dưới là có người lo giúp nhân dân, khiến cho lòng dân không dao động, quốc gia ngày được củng cố. Như vây sẽ  hưng thịnh dài lâu như thời Ân, Thương; vượt qua cả thời Hán, Đường, chứ chẳng phải  như thời nhà Lý, nhà Trần đâu. Đó là ý: mong muốn đất nước muôn năm hưởng phúc, thì phúc của nhà Vương ai có thế lớn hơn?. Còn việc mong cầu âm phúc ở trong cõi huyền thì kẻ ngu tôi không dám bàn nữa. Phu tôi nghe thấy điều đó có lý, bèn mời [nho sinh] ngồi mà nói rằng: “Bậc quân tử để chí ở việc nhân mà thôi”. Tôi vì Vương đang soạn bài minh, bài tựa đều là thành tâm vui với việc thiện, mà có ý khuyến khích gắng gỏi, chẳng phải là để nịnh nọt. Nay được lời nói của người quân tử lại càng thêm sáng tỏ. Xin để dãi bày với Vương, để quả phúc viên thành. Vì vậy, khắc lên đá để truyền dài lâu và để mở rộng ý nghĩa của làm việc thiện đối với mọi người. Còn như hai chữ “Viên quang” không thể không khắc vào, ý là chỉ cái lý của trời đất viên minh, tựa như đức của Vương vậy.

Bài minh rằng:

Ngắm chùa Phật này

Sâu dày ngũ viên[1]

Thuần chính Vương tâm

Vạn thiện trong đầy

Ngước nhìn Phật tổ

Rực rỡ hào quang

Đức vương hậu thịnh

Muôn thuở huy hoàng.

Năm Diên Thành thứ 2 (1579)

Kẻ độn phu Đỗ Uông,  Đệ nhất giáp đệ nhị danh Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1556), Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Tả thị lang, Hàn lâm viện Thị độc chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Đông các học sĩ, Quốc trụ viện Tùng, huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng, tước Phúc Khê bá soạn văn bia.

Kiều Đỉnh Tú, Mậu lâm lang Trung thư giám viết chữ.

Thợ đá Phạm Văn Bồ, Phạm Văn Phong và Lê Giản xã Lãnh Đông, huyện Yên Sơn, phủ Kinh Môn khắc bia.

Kết luận

Tấm bia đá còn đặc biệt có giá trị về thôn tin tư liệu, nội dung bia đá cho cho chúng ta biết việc Phụ chính Ứng vương có công trong việc xây dựng chùa, mở mang ruộng chùa, xây dựng điện thờ Phật, hành lang xung quanh, cửa tam quan và lầu chuông, đó là tấm lòng từ bi của quan Phụ chính Ứng vương vui làm điều thiện. Sở dĩ làm như vậy bởi chưng muốn nhờ chùa Phật nước Nam, với mong muốn bậc vua chúa cầu mong triều đại trường tồn, dân sinh hưởng phúc, chính pháp hưng long, tử tôn duệ trí; với sĩ thứ nhân dân thập phương cầu mong bình an giải nàn, con cháu sum vầy, hưởng phúc. Bên cạnh đó bia còn cho biết niềm tin của Thái hoàng Thái hậu là mẫu nghi thiên hạ, nối theo gót Phật, gieo ruộng phúc mà dựng xây nhiều chùa.

Tấm bia là hiện vật quan trọng của chùa Quang Minh, không chỉ vì có hoa văn trang trí độc đáo chốn cung đình, mà còn nó là minh chứng ghi lại công lao to lớn của quan Phụ chính Ứng vương và nhiều tín thí khác trong việc trùng tu xây dựng chùa Quang Minh.

Qua nội dung của văn bia này, càng củng cố thêm truyền thống xưa nay của cha ông chúng ta khuyên mọi người tiết kiệm trong chi tiêu thường nhật và dành dụm để xây dựng và tôn tạo mở mang cảnh chùa và các công trình phúc lợi để cầu phúc cho con cháu đời sau. Đó chính là nét đẹp của nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam nhằm gìn giữ di sản của tiền nhân để lại.

Ngày nay, để gìn giữ, xây dựng và phát triển, chùa đã và đang được sư trụ trì Thích Giác Thành và nhân dân phật tử, thiện nam, tín nữ trong làng, trong xã và ngoài tỉnh, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp công sức để trùng tu làm cho chùa ngày càng khang trang và xứng đáng với chốn thiền lâm đã có trong lịch sử.

Tác giả: Nguyễn Văn Thinh *** Chú thích:

[1] Tức "Ngũ lực viên thông": 5 sức mạnh của người tu Phật, nếu phát huy được đầy đủ sẽ đắc thành đạo Phật. 5 sức mạnh đó là: Tín lực, Tinh Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực. Ở đây chỉ cõi Phật.

>> Xem thêm: Hệ thống bia đá ở chùa Giáo Đường