Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời sau cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, trong bối cảnh đất nước đang ở cao trào đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, với sứ mạng hộ quốc an dân, Chư tôn đức trong tổ chức GHPGCTVN đã tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước
Tác giả: Đại đức Thích Huệ Nghiêm (1)
I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VN
Quá trình hình thành: GHPGCTVN ra đời vào đầu năm 1969 là tổ chức có tiền thân từ tổ chức Lục Hòa Liên Xã (ra đời vào năm 1922), Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (ra đời năm 1947) và là sự nối tiếp của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng (ra đời vào năm 1952) thông qua sự hợp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, với một Hiến Chương gồm 12 chương và 20 điều do Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Tăng thống và Hòa thượng Thích Minh Đức làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo, được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn”.
Về bối cảnh ra đời và quá trình phát triển của GHPGCTVN (xem chi tiết nội dung đăng trên Tạp chí NCPH điện tử, đường link: https:// tapchinghiencuuphathoc.vn/dong-gop-cua-giao- hoi-phat-giao-co-truyen-viet-nam-trong-tien- trinh-xay-dung-va-phat-trien-giao-hoi-phat- giao-viet-nam.html).
II. BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
GHPGCTVN có mối liên hệ sâu xa và mật thiết với các Hội Lục Hòa Liên Xã (1922) và Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947), Giáo hội Lục hoà Tăng, hay nói thực tế hơn, GHPGCTVN vốn lưu xuất từ hai tổ chức tiền thân này, cho nên khi nói đến bản chất của GHPGCTVN chúng ta cần phải đề cập đến bản chất của Hội Lục Hòa Liên Xã và Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Lục Hòa Tăng Việt Nam trước khi liên hệ đến bản chất của GHPGCTVN. Về bản chất của GHPGCTVN, theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, nổi bật có 2 bản chất cơ bản, đó là: Bản chất yêu nước, bản chất duy trì lối tu hành cổ truyền.
2.1 Bản chất yêu nước
Như chúng ta đã biết, “Hội Lục Hòa Liên Xã do các bậc cao tăng tiền bối giàu lòng yêu nước thành lập vào khoảng năm 1922 hoặc sớm hơn nhằm đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo và cũng nhằm đối phó trước âm mưu thôn tính lâu dài của thực dân Pháp, cùng với những chính sách thù địch ra mặt đối với Phật giáo mà chính quyền thực dân đã công khai trấn áp, khủng bố, thẳng tay tiêu diệt những thành phần yêu nước”.
“Thời bấy giờ các bậc tiền bối tăng già ở Nam Bộ đã thao thức lo nghĩ tìm ra phương cách để duy trì đạo pháp. Một trong những phương cách duy trì giềng mối đạo pháp vừa thuận lợi cho việc chấn hưng Phật pháp, vừa dấy khởi lòng yêu nước của chư tăng và quần chúng, đó là duy trì quy chế tùng lâm bằng việc làm cụ thể là tổ chức an cư kiết hạ, khai mở các Trường kỳ, Trường hương, nhằm giúp tăng chúng cùng nhau tu học, được nghe các bậc giáo thọ, giảng sư truyền đạt kiến thức Phật pháp, đặc biệt là những bài giảng về tứ trọng ân có lồng ghép nội dung yêu nước cũng được Chư tôn tiền bối khéo léo truyền đạt”.
“Đương thời việc tổ chức an cư, truyền giới và mở rộng các lớp giáo lý của Phật giáo Nam bộ nói chung và tại miền Đông Nam Bộ nói riêng do Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh) khởi xướng. Vào năm 1922, Hòa thượng Từ Văn làm Chánh chủ kỳ Trường hương chùa Giác Lâm, đã cùng quý Hòa thượng Quảng Chơn (chùa Long Thạnh) làm Phó chủ kỳ, Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải) làm Chứng minh, Hòa thượng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên) làm Truyền giới sư đã cùng chư tăng trong Trường hương đứng ra thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã”.
“Có thể nói rằng tinh thần yêu nước là một bản chất cao quý rất đặc thù của Hội Lục Hòa Liên Xã và tinh thần yêu nước cũng chính là bản chất đặc trưng của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời vào năm 1947 - một hậu thân của Hội Lục Hòa Liên Xã – điều này sẽ được minh chứng trên phương diện truyền thừa nhân sự và đã minh chứng qua suốt chặng đường cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, kể từ năm 1947 thành lập Hội, cho đến năm 1952, khi Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ giải thể, để hình thành nên Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng. Với bản chất của cội nguồn sâu xa như vậy, nên GHPGCTVN cũng mang trong mình bản chất nồng nàn yêu nước và điều này đã được lịch sử chứng minh qua hai cuộc kháng chiến mà chư tôn đức tiền bối cũng như tăng tín đồ trong GHPGCTVN đã cống hiến máu xương và công sức cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong một thời kỳ lịch sử”(2).
2.2 Bản chất duy trì giềng mối tu hành Cổ truyền
“Chim có tổ, người có tông, hơn nữa, bất cứ tổ chức hệ phái nào cũng đều có cội nguồn, mà nguồn gốc sâu xa của tổ chức GHPGCTVN xuất phát từ các bậc thiền sư thuộc Thiền phái Lâm Tế. Tất cả quý Ngài đều là hàng hậu bối của các vị thiền sư và điều đáng nói là ngoài sứ mạng nhập thế độ sinh, đồng hành cùng dân tộc, thì các bậc tiền bối Tăng già trong hệ phái PGCTVN đều là những hành giả tỏ thông lý tính, liễu đạt pháp không. Có thể nói đây chính là căn cơ duy trì giềng mối tu hành “hòa quang đồng trần” do Tổ Tổ tương tuyền mạng mạch Phật pháp, vốn là truyền thống của Phật giáo từ ngàn đời cho đến thời đại ngày nay”.
Mặt khác, “sự hành đạo của tăng, ni, tín đồ trong tổ chức hệ phái Phật giáo cổ truyền, tuy không mang màu sắc bác học với phong thái khoa trương hình thức, nhưng lại rất sâu xa và căn bản. Bất kỳ vị tăng nào của hệ phái Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng hay bất cứ giới tử nào tham dự các giới đàn do hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tổ chức, cũng đều phải thuộc nằm lòng bốn bộ Trường Hàng Luật, (Tỳ Ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh sách), điều này minh chứng rằng, hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam rất chú trọng đến căn bản giới luật Phật môn, luôn xem giới luật là nền tảng kỷ cương duy trì mạng mạch Phật pháp”.
Ngoài ra, “để tăng sự ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng cho nghi lễ Phật giáo, lấy đó làm phương tiện chiêu cảm và nhiếp hóa quần sinh, chư tôn đức trong hệ phái Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng rất chú trọng đến khoa nghi Thiền đường, chính vì vậy, trong khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, từ các Tổ đình thuộc hệ phái Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng đã lần lượt ra đời các nghi thức Tùng lâm, Thiền môn quy củ, từ đây nhân rộng và phát triển mạnh tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ. Nghi thức Thiền đường và “Ứng phú đạo tràng” sau này ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng của Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh, ngài có công rất lớn trong việc hệ thống khoa nghi để phù hợp với Thiền lâm qui củ, làm phương tiện truyền bá Phật pháp. Do vậy, trong nghi lễ Phật giáo của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, khoa nghi Thiền đường vốn không thể thiếu và nó trở thành phương tiện thù thắng để hoằng pháp lợi sinh”.
III. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
3.1 Những đóng góp của các tổ chức tiền thân
Những năm 1920 của thế kỷ trước, thời kỳ mà Phật giáo tại nước ta chưa có hệ phái, tổ chức Giáo hội thống nhất, thì tại tại Tổ đình Giác Lâm, Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn và Chư tôn đức đã tiến hành thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã. Chư tôn đức trong tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã đã thành lập Hội Danh dự Yêu nước tại chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) do HT.Từ Văn, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và Tú cúc Phan Đình Viện, để thực hiện công việc truyền bá tinh thần yêu nước trong đời sống xã hội tại Thủ Dầu Một và các vùng lân cận. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của Hội Lục Hòa Liên Xã cho dân tộc, chư tôn đức trong tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã đã đào tạo nên một đội ngũ tăng tài kế thừa và sau này các ngài đều là thành phần nhân sự chủ chốt làm lãnh đạo các Hội Phật giáo cứu quốc tại các tỉnh thành ở Nam Bộ.
Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời trong bối cảnh chiến sự diễn ra khắp mọi nơi trên đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đã có những đóng góp hiệu quả trong quá trình tham gia kháng chiến, như tổ chức đấu tranh chống thực dân Pháp, bảo vệ đạo Phật, vận động quyên góp tài chính, thuốc men, lương thực, giấy mực và các nhu yếu phẩm phục vụ các phong trào thi đua yêu nước. Trong tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam bộ có nhiều vị tăng, ni và phật tử bị bắt giam hoặc bị sát hại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thông qua những hoạt động tích cực của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, vai trò hộ quốc an dân của Phật giáo đã được thể hiện một cách mạnh mẽ, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
3.2 Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho đạo pháp và dân tộc
Những đóng góp của GHPGCTVN cho đạo pháp có thể tạm chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu tính từ ngày thành lập cho đến ngày giải phóng miền Nam. Giai đoạn hai, tính từ sau ngày đất nước hòa bình cho đến ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1980, chư tôn đức trong tổ chức GHPGCTVN đã tích cực tham gia vào Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, Ban Vận động và các công tác vận động để đi đến thống nhất, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhìn vào các hoạt động đầy tâm huyết, kiên trì và hiệu quả của Chư tôn đức lãnh đạo GHPGCTVN trong suốt quá trình tham gia thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1975 cho đến ngày Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1980, mới thấy hết được những đóng góp vô cùng to lớn của các ngài trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà.
Về những đóng góp cho dân tộc, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời sau cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, trong bối cảnh đất nước đang ở cao trào đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, với sứ mạng hộ quốc an dân, Chư tôn đức trong tổ chức GHPGCTVN đã tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 1968 đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
3.3 Những đóng góp của Phật giáo Cổ truyền cho công cuộc thống nhất hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bước khởi đầu công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam
Bước khởi đầu công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đó chính là công tác vận động hiệp thương, đi đến Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, nhằm mục đích hưng thịnh Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới và góp phần xây dựng phát triển đất nước.
Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 07 tháng 11 năm 1981, là cả một quá trình tích cực dấn thân trong chuỗi hoạt động vận động hiệp thương rất trí tuệ và nhiều công sức của chư tôn đức giáo phẩm trong các Giáo hội, tổ chức Hội và các hệ phái Phật giáo trong cả nước.
3.3.1 Sự ra đời của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM
Để chuẩn bị cho công tác vận động hiệp thương nhằm mục đích thống nhất Phật giáo Việt Nam, chư tôn đức trong hàng giáo phẩm tăng già đã bàn bạc đi đến nhất trí thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM.
Diễn biến quá trình thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM.
“Khởi sự, vào ngày 07/08/1975, tại chùa Xá Lợi, một Hội nghị Phật giáo với sự tham gia của chư tôn đức từ 10 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái đã tiến hành thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch; Hòa thượng Thích Thiện Hào và Hòa thượng Bửu Ý đồng làm Phó Chủ tịch; Hòa thượng Thích Hiển Pháp làm Tổng Thư ký Ban Liên lạc; thành phần trong Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM lúc bấy giờ gồm có quý ngài như Hòa thượng Pháp Dõng, Thượng tọa Từ Thông, Đại đức Huệ Xướng, Đại đức Thiện Đức, Đại đức Thiện Xuân… Trụ sở ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi, một năm sau được dời về chùa Vĩnh Nghiêm”.
Gánh trên vai sứ mạng lịch sử giai đoạn đầu miền Nam vừa mới giải phóng, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM ra đời nhằm mục đích “đoàn kết rộng rãi các tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động thống nhất Phật giáo thành một mối duy nhất, ngoài ra do yêu cầu thực tế, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM còn tập trung vào nhiệm vụ phát huy truyền thống yêu nước của phật tử Việt Nam, xóa bỏ tàn tích văn hóa độc hại, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân”. Tuy nhiên nhiệm vụ tập trung và trước mắt của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM vẫn là “tạo mối liên lạc, siết chặt tình đoàn kết trong các Giáo hội Phật giáo và giữa các Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái với chính quyền cách mạng, từ đó đi đến những nhiệm vụ cụ thể hơn trong công tác vận động hiệp thương thống nhất Phật giáo”.
Nhờ tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 5 năm hình thành và hoạt động, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM đã làm tròn vai trò lịch sử của mình khi tạo được mối liên thông đồng cảm sâu sắc giữa chư tôn đức các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước và nhất là kết nối được những tư tưởng lớn của chư vị tôn túc có vai trò lãnh đạo cao nhất thời bấy giờ, như “Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc). Đây được xem là 3 vị Hòa thượng giáo phẩm tôn túc đầu tiên trong số các Hòa thượng đại diện các hệ phái đặt nền móng cho công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước, bên cạnh đó phải kể đến quý Hòa thượng Thích Trí Độ, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý…” cũng chính nhờ vậy mà trong hai ngày 12 và 13 tháng 02 năm 1980, đã diễn ra một cuộc họp mặt lịch sử của Phật giáo Việt Nam tính từ sau ngày miền Nam giải phóng đến thời điểm đó.
3.3.2 Sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam
Diễn biến quá trình thành lập Ban Vận động được tóm lược với các sự kiện như sau: “Vào ngày 12/02/1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại Tp.HCM, tham dự vào cuộc gặp lịch sử này có các vị cao Tăng như Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp.HCM; Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm”.
“Vào lúc 8 giờ sáng, ngày 12/02/1980, trước lúc khai mạc phiên họp, các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ông Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và ông Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ đến thăm và nói chuyện. Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Văn Linh đã dành phần lớn thời gian để trình bày về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Phật giáo và nói về nhiệm vụ của Phật giáo đối với dân tộc”. Tại cuộc họp, ông đã trình bày:
“Người cộng sản Việt Nam, người đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lòng yêu nước, vì mục đích giải phóng dân tộc đã tìm ra con đường cộng sản chủ nghĩa. Người cộng sản Việt Nam quan niệm đạo Phật cũng là con đường cứu khổ cứu nạn dân tộc. Tuy đường lối và phương tiện có khác, nhưng vẫn có mục đích chung là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Đạo Phật hiện diện trên đất nước ta gần 2.000 năm, lớn lên trong lòng dân tộc, gắn bó với sự tồn vong của dân tộc. Người cộng sản Việt Nam xem đạo Phật là một tôn giáo của dân tộc, và trong khi đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc, người cộng sản Việt Nam xem người phật tử Việt Nam như là những người bạn đường, đồng chí trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước” (3).
Sau đó, “Hòa thượng Thích Trí Thủ thay mặt toàn thể các vị trong buổi họp mặt có lời phát biểu cảm ơn, bày tỏ niềm xúc động trước quan điểm và thái độ chân thành của các vị đại diện Đảng và Nhà nước”, Hòa thượng nói: “Đạo Phật và dân tộc gắn liền nhau trong lịch sử. Từ khi du nhập đến nay, đạo Phật xem dân tộc Việt Nam là quê hương. Tôi rất xúc động trước những lời phát biểu các vị đại diện Đảng và Chính phủ, và hy vọng những điều đó sẽ được thực hiện tốt đẹp.” (4)
Sau lời đáp từ cảm ơn, tập trung vào vấn đề quan trọng của buổi họp mặt, Hòa thượng Thích Trí Thủ khẳng định: “Hôm nay nước nhà đã độc lập thống nhất, Phật giáo không có lý do gì lại duy trì sự phân hóa về mặt tổ chức và sự chia cắt Bắc Nam”(5). Tiếp đó, Hòa thượng Thích Đôn Hậu phát biểu quan điểm: “Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo”. Trước nguyện vọng thống nhất của Phật giáo Việt Nam thời đại mới, ông Trần Bạch Đằng đã phát biểu quan điểm của Đảng và Nhà nước, ông nói: “Việc thống nhất Phật giáo nên hay không nên trong lúc này, và cần phải thống nhất như thế nào, quý vị hoàn toàn tự định đoạt lấy. Đảng và Nhà nước sẵn sàng quan tâm giúp đỡ khi được yêu cầu”(6).
Vào ngày 12/02/1980, “phiên họp diễn ra hoàn toàn có tính cách nội bộ Phật giáo, toàn thể buổi họp đồng tâm suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp; Hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt chủ tọa điều hành buổi họp. Thượng tọa Thích Minh Châu, Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thượng tọa Thích Thanh Tứ làm Thư ký phiên họp. Nội dung phiên họp đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam”. Sau cuộc họp lịch sử này, Ban Vận động sẽ chính thức ra mắt tại thủ đô Hà Nội, Tp.HCM và cố đô Huế.
Nhân đây chúng tôi xin được trình bày thêm: “Trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo thời bấy giờ, ngoài hai tổ chức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo đứng đầu, và Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức được thành lập sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đứng đầu, thì Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam do đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận là người tiêu biểu cao nhất cho Phật giáo cả nước, nhất là có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo miền Bắc, đây là tổ chức Phật giáo đóng góp công sức rất lớn cho công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, nhất là sự hiện diện của Hòa thượng Thích Thế Long, đương nhiệm Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam là rất quan trọng, lúc ấy Hòa thượng Thích Thế Long đang giữ chức Phó Chủ tịch Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) nên uy tín của Hòa thượng rất lớn, là người có khả năng đại diện cho Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam giữ vai trò chủ chốt tham gia trong cuộc vận động thống nhất này, chính vì vậy, khi thành lập Ban Vận động thống nhất, Hòa thượng Thích Thế Long được bầu làm Phó Trưởng ban thứ nhất của Ban Vận động. Trong gần 2 năm (tháng 2 năm 1980 đến tháng 11 năm 1981) xúc tiến cuộc vận động trải qua nhiều cam go thử thách, nhưng bằng tâm huyết và ý chí nỗ lực của chư tôn đức, nhất là tinh thần tích cực dấn thân của Hòa thượng Thích Thế Long, bởi ngài luôn tâm nguyện canh cánh trong lòng vì một Giáo hội thống nhất và duy nhất của cả ba miền sẽ ra đời, nhằm phục vụ hiệu quả thiết thực hơn nữa cho đạo pháp và dân tộc trong bối cảnh đất nước hòa bình thống nhất”.
Trong vai trò lãnh đạo Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã nhiều lần phát biểu: “Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới hưng thịnh. Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới có cơ hội và điều kiện để đồng lòng chung sức đóng góp cho dân tộc, xây dựng đất nước, cho nên thống nhất Phật giáo trong giai đoạn này mới là biểu hiện của lòng yêu nước. Tôi cho rằng, yêu nước là động cơ thúc đẩy cho sự thống nhất Phật giáo, tôi nghĩ ngày nay cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam cũng phải xây dựng trên cơ sở đó. Chính vì vậy mà Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã ra đời”(7)…
Trong bài diễn văn góp ý về cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Bửu Ý đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử bày tỏ sự vui mừng phấn khởi trước sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam đang bước đi trên con đường thống nhất, trong bài phát biểu có đoạn: “Tôi quan niệm Phật giáo chỉ có một, nhưng từ lâu phân ra nhiều hệ phái, vì thời cuộc, vì chế độ thực dân cũ và với âm mưu chia rẽ để lợi dụng bằng cách này cách nọ nhằm phục vụ ý đồ thống trị của chúng. Nay đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất là một cơ duyên thuận lợi rất tốt để thống nhất Phật giáo thành một mối trên tinh thần hòa hợp Tăng già, chung sức chung lòng vì đạo pháp và dân tộc” (8)…
Ban Vận động được thành lập gồm các giáo phẩm chức sắc như: “Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thế Long đồng Phó Trưởng ban; Hòa thượng Thích Thiện Hào là Ủy viên Thường trực; Thượng tọa Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký; Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thích Thanh Tứ đồng Phó Thư ký; cùng với các Ủy viên như: Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đạt Hảo, Hòa thượng Châu Mum, Thượng tọa Thích Thanh Trí, Thượng tọa Thích Chánh Trực, Thượng tọa Thích Giác Toàn, Ni sư Huỳnh Liên, Cư sĩ Nguyễn Văn Chế, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm”.
Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành vai trò sứ mệnh lịch sử của mình sau khi Đại hội thành lập GHPGVN từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981, một tổ chức Giáo hội được thành lập trên tinh thần đoàn kết, hoà hợp, thống nhất cao của 165 đại biểu của 09 tổ chức Hệ phái Phật giáo.
Từ khi được thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 08 nhiệm kỳ, với ba giai đoạn lịch sử với những trọng trách lãnh đạo điều hành của Hội đồng Trị sự với sự chứng minh tối cao của Hội đồng Chứng minh(9).
IV. TẠM KẾT
Chặng đường 40 năm qua minh chứng cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết của Giáo hội đã giúp Phật giáo Việt Nam vượt qua không ít những thử thách, để thật sự lớn mạnh, gặt hái được kết quả khả quan trong nhiều phương diện: Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Từ thiện xã hội, Thông tin Truyền thông, Quan hệ quốc tế…
Đồng hành cùng xu thế phát triển chung của đất nước, trong chặng đường 40 năm, đời sống sinh hoạt của tăng, ni, phật tử từng bước được nâng cao, cơ sở thờ tự và hệ thống giáo dục Phật giáo ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với xu thế chung của xã hội. Tăng, ni, phật tử có nhiều điều kiện thuận lợi để tu nghiệp tại nước ngoài. Các đạo tràng tu học Phật pháp được hình thành và phát triển trên khắp mọi vùng miền đất nước, từ thành thị cho đến những vùng sâu vùng xa, nơi đâu cũng ghi dấu sứ mệnh hoằng hóa của tăng sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần đóng góp thiết thực vào công cuộc nâng đời sống an sinh xã hội; không chỉ vậy, trên phương diện giáo dục, đối ngoại, Phật giáo Việt Nam cũng đã từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế thông qua các hội thảo, sự hợp tác đào tạo, tổ chức thành công những sự kiện Phật giáo tầm cỡ quốc tế. Qua đó càng khẳng định niềm tin vững chắc vào hàng ngũ tăng, ni trong và ngoài nước, vào vai trò của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Với vai trò là một trong 09 tổ chức hợp thành, GHPGCTVN đã đóng góp tích cực trong công cuộc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, cũng như xuyên suốt trong quá trình lịch sử 40 năm hình thành, ổn định và phát triển ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Tác giả: Đại đức Thích Huệ Nghiêm (1) Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2021
---------------------CHÚ THÍCH: (1) Uỷ viên Ban Trị sự, Phó ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Dương (2) Theo Hòa thượng THÍCH HUỆ THÔNG, LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM. (3) Trích từ bài viết “Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam” trong chuỗi hoạt động của báo chí Phật giáo Hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, đăng trên Giác Ngộ Online số ra ngày 22/09/2016, do tác giả Hoàng Hạ tổng hợp. Nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/ (4) Trích nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/ (5) Trích nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/ (6) Trích nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/ (7) Trích nguồn: https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/ (8) Trích từ diễn văn góp ý về cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Thích Bửu Ý, đăng trong tập “Kỷ yếu Hòa thượng Thích Bửu Ý” lưu hành nội bộ, năm 1998 (9) HĐCM: Đệ Nhất Pháp chủ Trưởng lão HT. Thích Đức Nhuận; Đệ Nhị HT. Thích Tâm Tịch; Đệ Tam HT. Thích Phổ Tuệ. HĐTS: Đệ nhất Chủ tịch Trưởng lão HT. Thích Trí Thủ; Đệ Nhị HT. Thích Trí Tịnh; Đệ Tam HT Thích Thiện Nhơn.
THƯ MỤC THAM KHẢO: 1. Kỷ yếu Hội thảo: Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, 2020. 2. Thích Huệ Thông (2020), 40 năm một chặng đường hình thành, ổn định và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đồng Nai. 3. Thích Huệ Thông (2019), Lịch sử Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng, Nxb. Văn hoá Văn nghệ Tp. HCM. 4. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hoá văn nghệ Tp. HCM. 5. Thích Đồng Bổn (Chủ biên), (2017), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Tôn giáo. 6. Trần Hồng Liên (2016), Phật giáo Bình Dương - Lịch sử và hiện trạng, Nxb Phương Đông. 7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Tp. HCM. 8. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb văn học, Hà Nội. 9. Nguyễn Đại Đồng (2018), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo. 10. Kỷ yếu: Hòa thượng Thích Bửu Ý. 11. Kỷ yếu: Hoà thượng Thích Thiện Hào. 12. Tạp chí Lục Hoà. 13. Các tư liệu, tài liệu được lưu trữ tại Tổ đình Giác Lâm, Tổ đình Hội Khánh.
Bình luận (0)