Bài kinh đầu tiên được đức Phật dạy ở Vườn Nai cho năm đồng tu có tên gọi là Kinh chuyển pháp luân, đức Phật dạy từ bỏ hai cực đoan gồm hưởng thụ và đầu đà khổ hạnh ép xác..

Hỏi: Hạnh đầu đà là gì?

Đáp: Đầu-đà (頭陀) trong tiếng Pali và Sanskrit là “dhūta,” và “dhūtaṅga” có nghĩa đen là “loại bỏ”, “vứt bỏ”, “rũ bỏ”, cụ thể là “từ bỏ đời sống xa hoa, hưởng thụ”, giúp người tu đầu đà có thể “loại bỏ ái dục” và “từ bỏ sự nhiễm đắm dục lạc trần gian.” Hạnh đầu-đà là lối sống khổ hạnh ép xác về cách dùng pháp phục, ăn uống và chỗ ở, vốn không phù hợp với chủ trương trung đạo của đức Phật. Thi thoảng vẫn có vài thành viên tăng đoàn thích tu khổ hạnh.

Lối tu khổ hạnh đầu đà vì ít người có thể làm được nên những người tu đầu đà thường được quần chúng ngộ nhận là Thánh sống, Phật sống nên đã hết lời tán dương, đảnh lễ, thần tượng hóa một cách cực đoan. Ai đụng đến nhân vật tu đầu đà được thần tượng sẽ dễ bị xúc phạm, xuyên tạc. Xem mười hai hạnh đầu đà; mười ba hạnh đầu đà.

Hỏi: Đức Phật có tu hạnh đầu đà, khổ hạnh không?

Đáp: Lúc mới đi tu, đức Phật tu đầu đà số một. Khoảng 6 tháng sau khi đi bỏ cơ hội làm vua nước Sakya, xuất gia tu học, đức Phật đã tu khổ hạnh tại Khổ hạnh lâm (Dungeswari), thị trấn Gaya, tiểu bang Magadh (nay là bang Bihar) khoảng 6 năm. Cách tu đầu đà của Phật khắc nghiệt hơn bất kỳ ai. Mỗi ngày chỉ ăn một trái táo, sau đó, chỉ ăn một hạt gạo. Do ăn quá ít, đức Phật đã kiệt sức hoàn toàn “ngã quỵ, úp mặt xuống đất,” suýt chết.

Đức Phật không khích lệ Hạnh Đầu đà khổ hạnh

Hỏi: Kinh nào đề cập đức Phật tu khổ hạnh?

Đáp: Kinh Sử Tử Hống thuộc Kinh Trung Bộ I, 80 kể lại cách tu đầu đà khổ hạnh của Phật không ai sánh bằng. Đoạn kinh do HT.Thích Minh Châu dịch như sau:

“Này Sāriputta, trong khi Ta Ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu […] trong khi ta chỉ sống ăn một hột gạo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột của một nhà sàn hư nát.

Vì Ta ăn quá ít, con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo, khô cằn. Này Sāriputta, nếu Ta nghĩ: “Ta hãy sờ da bụng”, thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ xương sống”, thì chính da bụng bị Ta nắm lấy.

Vì Ta ăn quá ít, nên này Sāriputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sāriputta, nếu Ta nghĩ: “Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện”, thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sāriputta, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thời này Sāriputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.”

Hỏi: Có phải đức Phật giác ngộ chân lý do tu đầu đà khổ hạnh không?

Đáp: Theo lời tâm tình của Phật, nhờ bỏ lối tu khổ hạnh, rời núi Khổ hạnh, đi khoảng 8km đường chim bay, đức Phật đến Bồ đề Đạo tràng, chuyên tâm tu thiền định và con đường trung đạo, nhờ đó, giác ngộ, giải thoát.

“Sau khi từ giả hai vị đạo sư đạo Bà la môn, Ta tu khổ hạnh trong suốt sáu năm, không ai sánh bằng. Vì ăn quá ít, tay chân của Ta óm như cọng cỏ, cây leo khô héo. Bàn trôn của Ta như móng lạc đà. Xương sống phô bày như một chuỗi banh. Xương sườn gầy mòn như rui nhà nát. Con mắt của Ta không còn long lanh, nằm sâu hun hút. Da đầu nhăn nheo, như trái bí đắng ngả màu xám trắng, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo.

Da bụng của Ta bám sát xương sống, đen đuốt xấu xí. Khi đi vệ sinh, Ta đã té gục, úp mặt xuống đất. Lông tóc hư mục, rời khỏi thân ta. Ta tự xoa bóp cơ thể của Ta, toàn thân, tay, chân thật là đau nhức. Từ nhận thức này, Ta quyết từ bỏ pháp tu khổ hạnh của Bà la môn. Ta rời núi Khổ, đi thẳng về hướng Bồ đề Đạo tràng, chuyên tâm thiền định, suốt bốn chín ngày.” (Kinh Sử Tử Hống thuộc Kinh Trung Bộ I, 80).

Hỏi: Thiền định mà đức Phật giác ngộ, sau khi bỏ lối tu đầu đà khổ hạnh, là gì?

Đáp: Phương pháp thiền định (P. jhāna samādhi; S. dhyāna samādhi, 禪定) mới do đức Phật khám phá là bốn thiền. Đoạn Kinh Trung Bộ I, 240, đức Phật mô tả gồm: (1) ly dục sinh hỷ lạc, (2) định sanh hỷ lạc, (3) ly hỷ diệu lạc, (4) xả niệm thanh tịnh. Đoạn kinh như sau:

“Này các đệ tử, rồi Ta suy nghĩ: Ta đang ngồi dưới bóng mát Bồ đề, chuyển hóa ái dục, ly bất thiện pháp, thanh tịnh tâm ý, chứng thiền thứ nhất, trạng thái hỷ lạc do lìa ái dục, còn tầm, còn tứ; chứng thiền thứ hai, trạng thái hỷ lạc do nội định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm;

Chứng thiền thứ ba trụ xả, lìa các hỷ lạc, chính niệm, tỉnh giác, cảm nhận hạnh phúc do biết buông xả; chứng thiền thứ tư buông bỏ tất cả ý niệm, không còn khổ vui, thanh tịnh tuyệt đối. Ta nhận ra rằng đây là con đường đưa đến an lạc, giác ngộ, niết bàn.” (Kinh Trung Bộ I, 240).

Hỏi: Hạnh tu đầu đà có phải do đức Phật quy định cho tăng đoàn, ni đoàn không?

Đáp: Dĩ nhiên là không. Đức Phật suýt chết vì lối tu đầu đà khổ hạnh trong 6 năm ở Khổ hạnh lâm, nếu không có thôn nữ Sujata dâng bát cháo sữa giúp ngài phục hồi thể lực. Khổ hạnh lâm ngày nay là Dungeswari, cách Bồ đề Đạo tràng 24km, thuộc thị trấn Gaya, tiểu bang Bihar, Ấn Độ.

Sau khi từ bỏ lối tu đầu đà khổ hạnh ép xác, đức Phật khám phá con đường trung đạo, còn gọi là bát chánh đạo (tầm nhìn chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành động chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, niệm chân chánh, thiền định chân chánh). Nhờ tu tập trung đạo, sau 49 ngày thiền định, đức Phật chứng đắc đạo quả giác ngộ, giải thoát.

Hỏi: Đầu đà có phải là cách tu số một không?

Đáp: Đầu đà là cách tu khổ hạnh, chứ không phải là pháp môn. Tu khổ hạnh ép xác có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo. Các đạo sĩ Ấn Độ giáo và Kỳ na giáo tin rằng bằng phương pháp tu khổ hạnh ép xác, họ có thể giác ngộ giải thoát. Bằng phương pháp thực chứng, đức Phật từ bỏ đầu đà khổ hạnh ép xác. Đức Phật chỉ truyền bá trung đạo. Do đó, đầu đà chẳng những không phải là cách tu số một, mà còn là một trong 2 cực đoan nên tránh, được đức Phật cảnh báo trong bài kinh đầu tiên tại Vườn Nai.

Hỏi: Bài kinh nào thể hiện chủ trương của đức Phật kêu gọi từ bỏ đầu đà khổ hạnh ép xác?

Đáp: Bài kinh đầu tiên được đức Phật dạy ở Vườn Nai cho năm đồng tu có tên gọi là Kinh chuyển pháp luân (Pali: Dhammacakkappavattana Sutta; Sanskrit: Dharmacakrapravartana Sūtra; 轉法輪經). Trong kinh này, đức Phật dạy từ bỏ hai cực đoan gồm hưởng thụ và đầu đà khổ hạnh ép xác như sau:

“Này các đệ tử, có hai cực đoan mà người xuất gia cần nên từ bỏ, đó là (1) hưởng thụ khoái lạc giác quan phàm tục, thấp kém, không xứng hạnh thánh, và (2) tu khổ hạnh, hành hạ thân thể vốn là khổ đau, hoàn toàn vô ích, không xứng hạnh thánh. Nhờ từ bỏ được hai cực đoan này, Như Lai khám phá con đường Trung đạo, có thể mang lại tầm nhìn, tri kiến, đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ tuyệt đối, niết bàn an vui.

Trung đạo đó là con đường tám chính: Tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành vi chân chính, nghề nghiệp chân chính, siêng năng chân chính, chính niệm, chính định. Đây là Trung đạo mà đức Như Lai đã chứng ngộ được.”

NGUỒN TƯ LIỆU HỎI - ĐÁP DO VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM CUNG CẤP