Văn hoá Phật giáo Đường về Xứ Phật Tập 1 (Phần 3/3)
TRẠNG THÁI HƠI THỞ TRONG BỐN THIỀN
Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy giảng lại cho con hơi thở Sơ Thiền đến Tứ Thiền như thế nào?
Đáp: Sơ Thiền, hơi thở bình thường như chúng ta thở sống hằng ngày.
Nhị Thiền, hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở Sơ Thiền, do tầm tứ diệt, tạo nên một trạng thái an ổn thích tu (siêng năng), ưa ngồi.
Tam Thiền, hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở Nhị Thiền do ly hỷ tưởng, người đang ở trong trạng thái này cảm giác như hơi thở gần như không, thở hơi thở nhẹ nhàng tự động ra vô.
Tứ Thiền, hơi thở tịnh chỉ, hoàn toàn không thấy hơi thở ra vô.
Hơi thở của Sơ Thiền là hơi thở của tâm ly dục ly ác pháp. Ai là người đã ly dục ly ác pháp thì mới nhận ra hơi thở này. Như chúng ta hiện giờ chưa có ai ly dục ly ác pháp, tâm còn đầy dẫy sự tham ưu, còn phiền não, đau khổ và còn lo sợ, giận hờn, thù oán thì làm sao nhận ra được hơi thở của Sơ Thiền.
Nói hơi thở của Sơ Thiền là hơi thở bình thường, là nói hơi thở giống như hơi thở bình thường chứ thực ra, nó không giống hơi thở bình thường, vì tâm chúng ta hiện giờ đâu có bình thường, lúc nào cũng lăng xăng loạn động, không nghĩ việc này thì lại nghĩ việc khác, cho nên trong kinh sách bảo tâm chúng ta, là tâm như con vượn, ý chúng ta là như con ngựa, như vậy chúng ta có hơi thở bình thường chăng? Tâm chưa bình thường thì làm sao hơi thở bình thường được.
Nhưng chúng ta phải lưu ý khi tâm chúng ta bình thường là lúc thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Lúc đó, là lúc hơi thở bình thường của tâm còn ham muốn và còn chướng ngại pháp (ác pháp) thì hơi thở có bình thường, nhưng bình thường của nó, mặc dù lúc đó tâm chúng ta chưa ly dục ly ác pháp hết, nhưng nó không có dục và ác pháp khởi lên nên được xem hơi thở lúc đó là bình thường.
Đến hơi thở của Nhị Thiền, thì không có một hơi thở nào so sánh, khó mà giúp cho con nhận ra, chỉ khi nào nhập vào Nhị Thiền thì mới nhận ra và biết rõ ràng. Ở đây, Thầy chỉ trả lời hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở nhập Sơ Thiền. Hơi thở Sơ Thiền, đã không biết thì làm sao biết được hơi thở Nhị Thiền, không khéo nghe Thầy nói hơi thở chậm và nhẹ, rồi các con tưởng ra hơi thở chậm nhẹ, do đó tưởng thức sẽ hiện tướng hơi thở đó thì các con đã lọt vào định tưởng, một loại định rất nguy hiểm. Khi đã rơi vào định này thì khó mà thoát khỏi tưởng pháp. Hầu hết các thầy tu sai đều đã chết trong loại định tưởng này, và kinh sách phát triển để lại quá nhiều pháp hành về trạng thái tưởng pháp này.
Từ Nhị Thiền cho đến Tứ Thiền, khi nhận ra được hơi thở của nó, tức là nhận ra được trạng thái của Thiền định đó, cho nên ở đây, Thầy nói để cho chúng ta biết mức độ của hơi thở các loại Thiền định của Tứ Thánh Định, nhưng chúng ta đừng quan tâm đến nó, quan tâm đến, nó tức là chúng ta sẽ rơi vào tưởng thức.
Hiện giờ, con nên nương vào hơi thở để tập tỉnh thức mà cố gắng xả tâm ly tham đoạn diệt khổ ưu, chừng nào tu tập đến đó thì chúng ta sẽ biết, còn hiện giờ muốn biết nó thì là một tai hại xảy đến không tốt cho đường tu tập của con.
Tu tập về hơi thở thì nên tu tập 18 đề mục Định Niệm Hơi Thở của Phật dạy, chứ đừng tu hơi thở theo pháp môn Lục Diệu của Ngài Trí khải, nó không phải của Phật giáo. Lục Diệu Pháp Môn là một loại Thiền tưởng của Trung Hoa và cũng đừng tu sổ tức quán vì nó, cũng là một loại Thiền ức chế tâm do các Tổ hệ phái phát triển chế ra.
Hơi thở rất khó tu, nếu tu không có người hướng dẫn sẽ sinh ra rối lọan hô hấp, rối loạn thần kinh. Cho nên, tu tập hơi thở phải dè dặt cẩn thận.
Tóm lại, hơi thở chỉ là một thân hành như các thân hành khác trong thân, tu hơi thở ra vô, cũng giống như tu cánh tay đưa ra vô vậy, chứ không có gì quan trọng lắm.
TU NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TÂM KHÔNG PHI PHẠM HẠNH?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con xin sám hối về cái tội ăn thêm, đã ăn rồi mà còn ăn thêm nữa. Như vậy con phải tu Định Vô Lậu đặt niệm trước mặt quán xét tư duy như thế nào? Dùng pháp hướng như thế nào? Để quét sạch tội phi Phạm hạnh này?
Đáp: Muốn sống đúng Phạm hạnh, không ăn uống phi thời, con nên đặt niệm thực phẩm rồi quán xét sự bất tịnh của thực phẩm.
Quán xét thực phẩm bất tịnh trong lúc đi cầu.
Dùng pháp hướng tâm: “Thực phẩm là một thứ thuốc trị bệnh đói của cơ thể, ta không nên ưa thích”; “Thực phẩm là những thứ bất tịnh uế trược, để lâu mùi hôi khó chịu ta nên chừa bỏ tánh ưa thích ham ăn”.
Xét ra, từ cái ăn mà người ta nhận thấy và đánh giá trị được con Người, Thánh Nhân hay loài thú vật.
Một con thú vật, lúc nào gặp món ăn là nó ăn ngay, không phân biệt giờ ăn, giờ nghỉ là tại vì con thú vật không trí tuệ, chỉ biết sống ăn và tranh đấu cho miếng ăn.
Con người thì có trí tuệ, có đạo lý hơn, ăn uống biết chia ra giờ giấc, không ăn uống phi thời, ngược lại con người mà ăn uống lặt vặt phi thời không giờ, không bữa là con người đó còn mang bản chất của loài cầm thú thích ăn, chúng ta là con người phải có trí tuệ, nhất định ăn uống phải có giờ giấc.
Còn bậc Thánh Nhân thì khác, biết rằng ăn uống là sự sống của các loài động vật, nhưng bậc Thánh Nhân không xem ăn uống là một thứ dục lạc, gây sự ưa thích ham mê như người thế gian và loài thú vật, mà khi sống thì phải ăn để sống, cho nên ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Người thế gian và loài thú vật sống để ăn chứ không phải ăn để sống. Vì thế, trong sự ăn uống của họ, chỉ cần ngon và bổ dưỡng nên họ sát hại sanh linh để họ ăn thịt chúng sinh như loài cọp beo, ăn bằng thích, ăn bằng ưa, đó là sống để ăn, nhưng họ không biết đó là họ đã đem sự đau khổ vào thân tâm của họ.
Bậc Thánh Nhân đã hiểu điều này, nên họ ăn để sống, vì thế họ không ăn thịt chúng sanh và ăn ngày một bữa, không ăn uống phi thời, là vì những bậc Thánh muốn thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú sống để ăn uống; để nô lệ cho sự ăn uống.
Người ta không muốn mình làm con người, mà muốn sống như loài cầm thú, chỉ biết có ăn, ăn để ngon, để mập, để béo, nên ăn uống của họ không còn có đạo lý làm người gì cả.
Người ta sống để ăn, cho nên con người trở thành một con thú vật, đó là cách sống để ăn, nên người ta mới giày đạp lên sự sống của nhau, giết nhau. Bằng chứng, về chủ nghĩa cá nhân thì họ cướp giựt, giết người không gớm tay; về tập thể thì nước này đánh chiếm nước kia, lịch sử loài người đã chứng minh điều này, đến ngày nay, không lúc nào thế giới chấm dứt chiến tranh, không nước này đánh nhau thì nước kia đánh nhau, giết nhau bằng những vũ khí tối tân và hiện đại.
Đó là, bản chất của loài cầm thú còn tồn đọng trong loài người. Họ chỉ là một con thú vật sống chỉ biết tranh giành để ăn, chứ không phải sống có đạo lý làm người, làm Thánh.
Bởi, con người là phải khác với con thú vật, vì con người phải sống có đạo lý, có đức hạnh, phải sống không vì ăn uống, không vì vật chất của cải tài sản. Sống, phải biết thương mình thương người, thương mọi sự sống trên hành tinh này, tức là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ mọi loài, đó mới chính là con người, còn làm khổ cho nhau là những loài thú vật chỉ biết có ăn là trên hết, chứ không biết đạo lý.
Chúng ta muốn làm Người, muốn làm Thánh chứ không ai muốn làm loài thú vật. Phải không các bạn? Muốn vậy, thì chúng ta ăn để sống, ăn không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh thì phải ăn có giờ bữa, không được ăn uống lặt vặt phi thời và không được ăn thịt chúng sanh. Bởi muốn làm Thánh thì ăn ngày một bữa, như đức Phật ngày xưa và chúng Thánh Tăng.
Cho nên, sự ăn uống trong đạo Phật là sự ăn uống trong thiện pháp để không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Vì thế, đức Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Do thế, coi chừng trong ăn uống sẽ rơi vào ác pháp, ăn uống theo phàm phu thì sự ăn uống ấy không đúng Thánh Hạnh. Ăn uống lặt vặt, ăn uống phi thời, cơ thể dễ sanh ra nhiều bệnh tật, đó là ác pháp là khổ đau cho mình, khi mình đau khổ, còn làm khổ cho người khác nữa.
Vì thế, ăn uống rất quan trọng cho đời sống của con người. Càng ăn uống đơn giản thì đời sống càng thảnh thơi, an lạc, cơ thể nhẹ nhàng ít bệnh tật, ít tai nạn.
Trong cuộc đời làm người, chúng ta cũng nhận thấy những pháp môn của đức Phật dạy đạo đức về ăn uống rất thực tế và cụ thể để con người sống trong đạo đức về ăn uống:
- Thứ nhất, là không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh.
- Thứ hai, là sống đúng đạo đức làm Người, làm Thánh không còn phàm ăn uống như loài thú vật.
- Thứ ba, là ăn uống đúng Phạm hạnh, không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt.
- Thứ tư, là ăn uống trong sự biết tôn kính và quý trọng của mồ hôi nước mắt làm ra bằng sức lao động của mình, của người khác.
- Thứ năm, là ăn uống để sách tấn trên đường tu tập, để được giải thoát sanh tử luân hồi, để được chấm dứt mọi sự khổ đau, chứ không phải ăn uống vì tham ăn, thích ăn v.v..
- Thứ sáu, là ăn uống phải thực hiện lòng từ bi, thương xót tất cả loài chúng sanh và thương xót người làm ra thực phẩm cực nhọc.
Khi chúng ta tu hành theo đạo Phật, mà còn thích ăn uống phi thời, thì đó là, chúng ta chạy theo tâm dục lạc thế gian, còn tâm dục lạc thế gian đó là huân ác pháp vào thân, vì thế chúng ta phải hiểu cho thấu suốt lý của đạo đức làm người, làm Thánh là không nên vì ăn mà làm khổ mình, khổ người. Luôn luôn nhớ đến bốn trọng ân, thì bấy giờ chúng ta sẽ nhiệt tâm dứt khoát, dù có chết nhất định không còn phạm phải lỗi ăn uống phi thời, chừng đó chúng ta mới thấy có sự an vui của người sống đúng Phạm hạnh.
Các con phải cố gắng đừng để vi phạm những lỗi lầm này, những lỗi lầm này sẽ đưa con trở về đời sống loài thú vật. Các con nên nhớ kỹ đừng quên lời Thầy dạy con nhé! Dù cho thân con có tan nát, nhưng đừng phạm phải lỗi ăn uống phi thời. Đó là con đường tiến đạo.
PHẠM HẠNH
Hỏi: Kính thưa Thầy! “Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không, không có gì trói buộc, không có một đối tượng, vật chất, hoàn cảnh nào cám dỗ họ được”. Con phải hướng tâm như thế nào đây mới chứng được điều này?
Đáp: Chỉ cần siêng năng tu tập các loại pháp môn ly dục ly ác pháp và sống đúng giới hạnh, nhập được Sơ Thiền thì đời sống xuất gia sẽ phóng khoáng như hư không.
Tuy nói như vậy, nhưng không phải dễ, nếu chỉ có cạo bỏ râu tóc, mặc y áo cà sa, tụng kinh, niệm Phật, ngồi Thiền v.v.. thì đâu có gì là khó, còn ngược lại phải sống đúng giới hạnh, phải tập tu ly dục ly ác pháp thì khó vô cùng. Cho nên, điều cần thiết là con phải hiểu rõ đời sống tại gia của người cư sĩ khổ như thế nào?
- Thứ nhất, phải làm ra tiền bạc, thực phẩm, áo quần, nhà cửa, tài sản, sự nghiệp. Những sự sống này, khiến cho con người phải lo toan rất nhiều, nhiều khi thiếu trước hụt sau, sợ đói, sợ bịnh đau, không tiền, không thực phẩm là rất khổ, nói chung chỉ có những nghề nghiệp làm ra để sống, nhưng nghề nghiệp làm ăn lại thất bại, khi thất bại là khổ, còn nếu làm ăn được thì phải trăm muôn vạn kế tính toán lo toan nhiều, khi còn phải sử dụng mưu kế gian xảo, lừa đảo bằng mọi thủ đoạn, tạo ra biết bao nhiêu điều ác, nên trong lòng lúc nào cũng bất an, lo sợ nơm nớp tù tội bị phạt vạ, và còn lo sợ trộm cướp nữa.
- Thứ hai, là khổ sở khi mình nghèo sợ người ta khi dễ.
- Thứ ba, khi mình có của cải, cuộc sống thoái mái hơn, thì lo sợ người khác ganh tỵ tìm mọi cách nói xấu hoặc thù ghét và hãm hại.
- Thứ tư, lo sợ tai nạn, bịnh tật, mà tiền mất nhưng tật phải mang.
- Thứ năm, con cái hư phá tán tài sản.
- Thứ sáu, vợ hoặc chồng sống không chung thủy, làm tiêu tan sản nghiệp, đó là nỗi khổ đau của mọi người, mà người nào cũng không tránh khỏi.
- Thứ bảy, những người thân có tai nạn hoặc bịnh tật.
- Thứ tám, trong nhà anh em tranh giành của cải tài sản, kiện thưa.
- Thứ chín, khổ vì người khác nói trái ý, nghịch lòng.
- Thứ mười, khổ vì không đạt được ước nguyện.
Thường thường, người cư sĩ sống tại gia có nhiều duyên sự xảy đến, khiến cho họ phải chịu nhiều sự khổ đau như vậy.
Cho nên, đời sống tại gia rất là phức tạp và khổ sở. Có một nhà thơ đã nói đến sự khổ đau của con người, từ khi bắt đầu sinh ra:
“Lúc sanh ra miệng đã khóc thóe
Trần có vui sao chẳng cười khì”.
Nếu là, một người có nhiều suy tư về đời sống thì chúng ta thấy rất rõ ràng, cuộc sống con người là biển khổ, khổ từ lúc sinh ra cho đến khi chết.
Do thấy đời sống tại gia khổ như vậy, nên chúng ta chịu chấp nhận một cuộc sống đi ngược lại với sự sống tại gia, đó là đời sống xuất gia. Đối với đời sống tại gia thì đời sống xuất gia hoàn toàn khác hẳn, vì buông xả sạch vật chất chỉ còn sống với tinh thần phóng khoáng như hư không, vì thế tự tại thung dung, không lo đói, lo no, không còn kêu réo, làm bận tâm bận trí, bất toại nguyện. Với đôi mắt của người xuất gia, nhìn mọi vật đều vô thường. Cho nên:
“Các pháp vô thường
là pháp sinh diệt
Sinh diệt, diệt rồi
Tịch diệt là vui”
Vì thấu hiểu như vậy, nên đời sống xuất gia là một đời sống buông xả sạch, chỉ còn ba y, một bát đi xin ăn của những người hảo tâm. Đời sống như vậy rất khổ về vật chất, vì không có gì cả, nếu chúng ta không ý thức và thấu rõ chỗ không có gì cả là chỗ phóng khoáng như hư không, thì chúng ta sẽ khổ sở vô cùng. Nhưng nếu, chúng ta ý thức được điều này thì đời sống xuất gia thật là phóng khoáng như hư không, không có vật gì trói buộc; không có một đối tượng, một vật chất, một hoàn cảnh nào cám dỗ được.
Đó là đời sống giải thoát, đời sống Phạm hạnh, đời sống Thánh Thiện, còn ngược lại đời sống xuất gia mà có chùa to, Phật lớn là đời sống vật chất nhiều, không giải thoát, đó là đời sống như người tại gia, những vị tu sĩ này bị trói buộc như cá mắc rọ, lưới, lờ, câu không thể phóng khoáng như hư không được. Họ thường là những người phục dịch cho những Phật tử mê tín.
Đời sống xuất gia là đời sống trống rỗng cho nên mới gọi là như hư không.
Nếu hư không mà có, thì làm sao gọi là hư không. Vì thế, những tu sĩ có chùa to Phật lớn sang đẹp và vật chất nhiều thì làm sao giống như hư không được. Do thế, không thể giải thoát. Phải không các bạn?
Bởi vậy, các vị Tỳ-Kheo trong thời đức Phật, các Ngài đã nói: “Vì giải thoát sanh tử luân hồi, chúng con mới chấp nhận sống đời sống Phạm hạnh của Gotama”.
Vì sanh tử luân hồi là đời sống tại gia, mà sanh tử luân hồi là sự đau khổ của loài người, không chỉ khổ có một kiếp mà khổ nhiều kiếp.
Đời sống xuất gia là đời sống Phạm hạnh, đời sống buông xả, đời sống phóng khoáng như hư không, cho nên còn có gì mà tái sanh luân hồi.
Một hôm đức Phật đi khất thực, đi ngang qua một ngôi nhà giàu có, một con chó từ trong nhà chạy ra sủa to, đức Phật dừng lại mới bảo rằng: “Nhà ngươi vì vô minh lầm chấp của cải tài sản là của nhà ngươi, do đó nhà ngươi phải tái sanh làm thân chó để giữ của cải đó, nhưng của cải đó không phải là của nhà ngươi nữa đâu. Tội cho ngươi không thấy mọi vật chất thế gian là pháp vô thường, nên phải chịu làm thân chúng sanh khổ sở muôn vàn từ kiếp này sang kiếp khác”.
Con chó nghe được lời này, dường như nó ngộ được lý này, nên từ đó, nó buồn rầu và bỏ ăn, ít hôm sau con chó chết.
Loài chúng sanh còn nhận được lời đức Phật dạy, mà xả tâm dính mắc thế gian để chuyển hóa thân chó.
Chúng ta là những con người khi nghe đức Phật dạy: “Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không, trắng bạch như vỏ ốc, không có gì trói buộc, không có một đối tượng, một vật chất, một hoàn cảnh, một sự việc nào cám dỗ họ được và làm cho họ động tâm được”.
Đời sống Phạm hạnh, đời sống như vậy còn gì mà khiến cho họ tái sanh luân hồi.
Bởi, xét cho cùng đạo Phật chỉ lấy cuộc sống Phạm hạnh, làm một chứng cứ cụ thể để mọi người thấy đó là sự giải thoát thật sự, không còn sanh tử luân hồi, như câu chuyện con chó lúc nãy, vì dính mắc của cải tài sản của nhà ấy, phải sanh làm con chó để giữ của cải đó.
Còn chúng ta, muốn tu theo đạo Phật để cầu giải thoát thì tại sao lại không chấp nhận đời sống Phạm hạnh.
Đời sống Phạm hạnh là Niết Bàn, nếu chúng ta chấp nhận đời sống Phạm hạnh thì chúng ta phải đoạn dứt lòng tham dục, có đoạn dứt lòng tham dục thì chúng ta mới sống đời sống Phạm hạnh trọn vẹn. Nếu không đoạn dứt lòng tham dục thì đời sống Phạm hạnh không trọn vẹn, giống như các tu sĩ của Phật giáo phát triển hiện giờ; đời sống Phạm hạnh chưa trọn vẹn thì kiếp sau phải làm thân chó để giữ gìn những ngôi chùa sang đẹp. Đó là, sự dính mắc của các tu sĩ hiện giờ, họ đâu biết rằng, khi tâm tham dục còn một chút xíu dính mắc pháp thế gian là họ phải tiếp tục tái sanh trong vòng luân hồi khổ đau.
Họ đâu biết rằng đời sống Phạm hạnh là Niết Bàn của chư Phật, là chấm dứt tái sanh luân hồi. Đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn; cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn; cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà La Môn, Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí giác hiểu”. (Kinh Tăng Chi Tập 1, trang 285).
Đời sống thế gian là ngục tối âm u đầy đau khổ.
Đời sống xuất gia Phạm hạnh hoàn toàn giải thoát như hư không, Cực Lạc, Niết Bàn.
Rõ thấy được như vậy, thì con nên chọn đời sống nào? Đời sống thế gian hay đời sống Phạm hạnh?
Chọn nó thì phải có nhiệt tâm xả bỏ, tâm như cục đất, chỉ có nhiệt tâm và hướng tâm mình như cục đất.
Đời sống Phạm hạnh là đời sống từ bỏ tất cả sanh y. Nếu muốn từ bỏ tất cả những sanh y thì chúng ta phải dùng pháp Như Lý Tác Ý: “Sanh y là đau khổ, là dính mắc, là tái sanh luân hồi ta phải từ bỏ, xa lìa vĩnh viễn những thứ đau khổ này”.
Đức Phật sách tấn chúng ta sống đúng đời sống phạm hạnh. Ngài dạy: “Này các Tỳ Kheo, tối thắng là tinh cần với mục đích từ bỏ tất cả sanh y. Do vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: “Ta sẽ cố gắng tinh cần để từ bỏ tất cả sanh y”. Như vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, các Thầy cần phải học tập”.
Đây là, lời dạy chí tình của đức Phật qua những danh từ “tối thắng”, “tinh cần”, “từ bỏ”, “sanh y”. Những danh từ này, đã xác định đời sống Phạm hạnh là giải thoát hoàn toàn, là Niết Bàn tại thế, là chấm dứt tái sanh luân hồi.
Bởi thế, cuộc đời tu hành theo đạo Phật quan trọng nhất là đời sống Phạm hạnh. Đời sống Phạm hạnh không phải ở chiếc áo cà-sa và chiếc đầu cạo trọc mà là tâm Phạm hạnh. Bởi vì, chiếc áo cà-sa và chiếc đầu cạo trọc chỉ là một hình thức lừa đảo người, nó đã làm ô uế cho Phật giáo từ bao nhiêu thế kỷ nay.
Xưa, khi đức Phật nhập Niết Bàn đã nói lên lời nói di chúc: “Giới luật Ta còn là đạo Ta còn, giới luật Ta mất là đạo Ta mất”.
Giới luật là gì? Giới luật là Phạm hạnh. Nếu một tu sĩ còn có Phạm hạnh là đạo Phật còn, nếu một tu sĩ Phạm hạnh không có thì đạo Phật mất.
Lời di chúc này chúng ta cũng xác định đạo Phật còn hay là mất, không thể che dấu ai được.
Phạm hạnh là gì? Là tâm ly dục ly ác pháp. Chỉ khi nào con ly dục ly ác pháp thì đời sống Phạm hạnh con trọn vẹn.
Con có nhìn thấy bạn của con không? Cũng cạo đầu, cũng mặc áo tu sĩ rồi một thời gian để tóc lại, mặc đồ đời, có chồng rồi đây sắp có con. Họ có thật sự thấy đời sống thế gian là khổ không? Hay chỉ muốn tu để có thần thông phép tắc và ngồi mát ăn bát vàng. Hay muốn tìm đường giải thoát mà không muốn buông xả bỏ sanh y thì làm sao tìm đường giải thoát cho được. Sanh y là gì?
Là chồng con hay vợ con, là của cải tài sản v.v..
Này các con, sanh y trong lòng con chứ không phải sanh y là những vật chất bên ngoài.
Xả sanh y vật chất bên ngoài như Minh Tông, còn sanh y bên trong thì tâm không chịu xả, ngồi trong thất mà nhớ vợ, nhớ con, như vậy xả sanh y bên ngoài để làm gì? Có lợi ích gì? Phải không các con? Cuối cùng cũng chỉ trôi lăn trong lục đạo. Cô Diệu Quang đã trắc nghiệm tâm sân của Minh Tông đã hiện ra, như người chưa bao giờ tu, chắc các con đã trực tiếp thấy và nghe rõ ràng.
Năm năm trời, mài miệt trong thất chỉ có một phút giây tan tành như gió bụi, uổng công phu tu tập vô cùng.
Tới hôm nay, tâm con đã sống Phạm hạnh được chưa? Nếu chưa được, thì hãy cố gắng con ạ! Đừng bỏ cuộc, đừng nản lòng, đừng bắt chước các bạn con thối tâm.
Hãy đứng lên chiến đấu tận cùng, để đạt được đời sống Phạm hạnh, để làm chủ đời sống sanh, già, bịnh, chết, đời sống cao thượng của một bậc chân tu với một tâm hồn phóng khoáng như hư không.
Nếu trên đường tu tập theo Phật giáo mà con không có chí lớn như Bà Triệu Ẩu “Cưỡi cá kình, vượt sóng to, sống một đời không chịu luồn cúi làm thê thiếp cho thiên hạ”. Ý chí này, với tư tưởng này thì mới có thể sống một đời sống cao thượng, phóng khoáng như hư không và trắng bạch như vỏ ốc của các bậc Thánh Ni, những đệ tử Ni của đức Phật ngày xưa. Còn nếu sống không được đời sống Phạm hạnh thì con chẳng khác gì như các bạn con, chỉ một đời luồn cúi làm thê thiếp cho kẻ khác và còn bị đánh đập chửi mắng và hành hạ nữa, con có thấy bạn con không???
Rấc tiếc là bộ giới đức, giới hạnh và giới hành Thầy đã viết chưa xong. Giới đức, giới hạnh, giới hành tức là Phạm hạnh, hay gọi là Sa Môn hạnh hoặc gọi là Sa Môn Quả. Đó là những giới luật của Phật giáo chứ không phải giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề. Giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề là giới luật của các Tổ biên soạn viết ra dựa vào kinh giới rút ra một số lập thành giới cấm.
Như chúng ta ai cũng biết, đạo Phật là đạo tự lực không cầu tha lực, vì thế, giới là sự sống của Tăng Ni và các cư sĩ, cho nên người nào đến với đạo Phật là phải tự nguyện sống Phạm hạnh chứ không có sự bắt buộc như giới cấm của các Tổ. Vì cầu giải thoát, nên chúng tôi mới tự nguyện sống đời Phạm hạnh dưới sự chỉ đạo của đức Gotama. Cho nên, giới cấm của các Tổ là sai, không đúng tinh thần tự nguyện, tự giác của Phật giáo.
Đạo Phật là một tôn giáo tự do tín ngưỡng, không cám dỗ, mà cũng không bắt buộc ai. Ai tự nguyện, đến giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì dạy bảo và giúp đỡ cho tu hành, còn sống giới luật không nổi, xin ra, thì cũng vui vẻ chấp nhận ngay liền, không bắt buộc người theo Phật giáo phải thề thốt “Trời tru đất diệt”.
Cho nên, giới cấm của các Tổ là sai, vì giới cấm là có sự bắt buộc. Đạo Phật không có cấm ai cả, chỉ người tu phải tự nguyện, tự lực, tự giác, tự ngộ mà đến với đạo Phật. Còn giới luật đúng của đạo Phật là giới đức, giới hạnh, giới hành. Những giới luật này, đức Phật dạy cho đệ tử mình, sống một đời sống Phạm hạnh và tu tập để được giải thoát, nên giới luật này còn gọi là Giới Vô Lậu. Vì thế, giới là đức hạnh sống của người tu sĩ, giới là pháp môn tu tập để dứt trừ các lậu hoặc. Các bạn đừng nhầm lẫn giới cấm và giới hành. Vì giới hành là thể hiện đời sống Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh cư sĩ.
HƯỚNG TÂM CÁC HÀNH NGƯNG NGHỈ
Hỏi: Kính bạch Thầy! Khi hơi thở con gần như mất hẳn thì con thấy rõ cái bụng hoạt động (ra vô) càng mạnh, lúc đó, tác ý “các hành ngưng nghỉ” con không biết đúng hay sai?
Đáp: Khi hơi thở gần như mất hoặc mất hẳn, sức tỉnh thức sẽ tập trung vào các hành trong thân con phải hướng tâm nhắc: “Các hành phải ngưng hoạt động! Ngưng hoàn toàn!”.
Cách thức hướng tâm như vậy là đúng pháp và đúng lúc, không sai, nhưng có một điều con nên lưu ý: khi một người tu hành mà tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn, hoặc chỉ ly một ít nào đó, hoặc chưa ly chút nào hết, lúc bấy giờ tâm dục và các ác pháp đang ẩn núp trong thân tâm hay nói một cách khác là tâm tham, sân, si đang nằm ngủ hay nói rõ hơn là tâm tham, sân, si đang bị ức chế nên lúc bấy giờ ý thức ngưng hoạt động thay thế bằng tưởng thức hoạt động. Do tưởng thức hoạt động con mới có cảm giác hơi thở gần như ngừng hẳn, đôi khi mất hẳn, mà chỉ có cơ bụng hoạt động rất mạnh (phình xẹp) giống như Thiền “Minh Sát Tuệ” do Mahasi dạy. Ngài cũng do tu tập ức chế nên lọt vào tưởng thức, thấy cơ bụng phình xẹp rõ ràng. Từ đó, Ngài rơi vào tưởng pháp, nên Ngài thường dạy đồ chúng Minh Sát để khắc phục tham ưu, nhưng khắc phục tham ưu bằng tưởng thì làm sao ly dục ly ác pháp được.
Nếu không ly dục ly ác pháp bằng ý thức để khắc phục tham ưu mà bằng tưởng thức, thì giống như một loài vật ngu, tha một miếng thịt đi ngang qua một chiếc cầu, thấy miếng thịt dưới dòng sông lớn hơn, nên vội bỏ miếng thịt thật, nhảy xuống đớp ngay cái bóng của miếng thịt, thì ôi thôi! Đã mất miếng mồi mà còn thiệt thân.
Thầy Thiện Thuận do tu sai nên lạc vào định tưởng dùng pháp hướng tâm để tịnh chỉ hơi thở nên cơ thể rối loạn, khiến Thầy rối loạn thần kinh, mất tự chủ mà người đời gọi là “Tẩu hỏa nhập ma”. Nhờ Thầy kịp lúc ở gần mới xả được.
Cháu Ngọc, do tu sai ức chế lòng ham muốn, dồn nén đến tận cùng để đạt được cứu cánh, lúc bấy giờ có người gợi đúng lòng ham muốn của cháu, nên thần kinh hưng phấn quá mạnh mất thăng bằng, nên cháu nói lung tung với những điều bị quá nén, tức bực trong tâm, cũng giống như người đang sân họ nói tất cả những sự bực tức, khi đổ ra hết những sự bực tức thì họ cảm thấy như mình không còn sân, đó là sự tuôn trào của tâm sân, tức là trong lúc sân thì thần kinh hưng phấn, nên người sân giống như người điên, nói ào ào dữ dằn như cọp béo, trâu rống.
Khi muốn tịnh chỉ các hành trong thân, nhất là hơi thở, thì phải thấu rõ tâm mình, phải ly dục ly ác pháp tức là tâm như cục đất hoặc nói khác hơn là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, tâm bất động tức là không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa; tâm không phóng dật là tâm thường quay vô định trên thân. Nếu được vậy, tức là tâm nhập Bất động Định, chỉ khi nào tâm nhập Bất động Định thì con mới dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ các hành trong thân thì mới có hiệu quả, còn không khéo bị tưởng thì rất nguy hiểm cho sinh mạng con.
Minh Tông ức chế tâm không vọng tưởng, dùng pháp hướng tịnh chỉ hơi thở đứt mao phế quản khạc ra máu, đó là một kinh nghiệm xấu để chúng lấy đó mà cố tránh, đứng nhẫm lại lối sai này con ạ!
Tu hành phải cẩn thận, những gì Thầy dạy phải làm đúng, đừng làm sai theo sự hiểu biết của mình, đừng làm sai, làm theo kiến giải tưởng giải của mình mà tự giết chết đời mình con ạ!
Cho nên, tu theo đạo Phật điều quan trọng nhất là xả tâm, ly tham đoạn diệt lòng ưu não, để đạt được tâm bất động chứ không phải chỗ tịnh chỉ hơi thở.
Hiện giờ, lòng ham muốn tu hành của con người để đạt được sự giải thoát thì đã bị lệch lạc quá nhiều, do các Tổ tưởng giải ra pháp môn tu tập ức chế tâm.
Người ta cứ nghĩ tưởng rằng, có thần thông thì sẽ không còn giận hờn, phiền não, đau khổ nữa và có thể chấm dứt tái sanh luân hồi. Sự nghĩ tưởng như vậy là sai.
Người ta cứ nghĩ rằng, khi tịnh chỉ hơi thở làm chủ sự sống chết là không còn tham, sân, si, phiền não, đau khổ nữa và chấm dứt tái sanh luân hồi. Sự nghĩ tưởng như vậy cũng là sai, không đúng.
Người ta cứ nghĩ tưởng rằng, khi Kiến Tánh là không còn tham, sân, si, phiền não nữa là thành Phật, là chấm dứt tái sanh luân hồi. Sự thực là không phải vậy, tất cả những sự nghĩ tưởng trên đây đều là sai cả. Vì những người có thần thông vẫn còn tham, sân, si như thường và còn tham, sân, si nhiều hơn. Đó là, những vị giáo chủ có thần thông mà chúng ta đã từng nghe báo chí trên thế giới loan tin.
Người ta cũng cho rằng, những nhà Yoga tịnh chỉ hơi thở, chôn trong đất, dìm trong nước mà không chết, các ông này có thể không còn tham, sân, si nữa, sự thật là không phải vậy.
Báo chí thế giới, đã loan tin có các đạo sĩ Yoga ở Ấn Độ đã biểu diễn bên Liên Xô khiến cho mọi người đều kính phục. Tưởng việc làm như vậy của họ là giải thoát, nhưng kỳ thực đó là những điều tu luyện cầu danh, mà còn cầu danh thì tham, sân, si còn đủ. Tham, sân, si còn đủ thì làm sao gọi là giải thoát được. Vì sự biểu diễn của họ, họ còn tâm háo danh.
Hiện giờ, đường lối Thiền Đông Độ đã hướng dẫn con người Kiến Tánh rất đông đảo, từ người trí thức làm việc văn phòng cho đến những người buôn bán và những lao công đều có thể Kiến Tánh dễ dàng, nhưng chứng minh chưa có ai hết tham, sân, si, phiền não cả và cũng không làm chủ bệnh đau và sự chết.
Vì thế, con người trên hành tinh này, chúng ta đang sống trong nỗi khắc khoải của sự đau khổ của kiếp làm người, nhìn chung không có một tôn giáo và giáo phái nào đáp ứng được sự khắc khoải của nhu cầu này.
Thần thông để mà làm gì? Để lừa bịp thiên hạ ư?
Yoga luyện tập quá gian khổ để làm gì? Để ngừa bệnh, trị bệnh ư? Để biểu diễn đình chỉ hơi thở cho mọi người kính phục chơi thì có nghĩa lý gì?
Còn Kiến Tánh để mà Kiến Tánh thì có nghĩa gì? Khi tham, sân, si vẫn còn nguyên.
Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, có ba loại thần thông.
Thế nào là ba?
- Thần thông biến hóa.
- Thần thông ký thuyết.
- Thần thông giáo hóa.
Và này Bà La Môn, thế nào là thần thông biến hóa?
Ở đây, này Bà La Môn, có người chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước, đi trên nước, không nứt nẻ ra như trên đất liền, ngồi kiết già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên.
Và này Bà La Môn thế nào là thần thông ký thuyết?
Ở đây, này Bà La Môn, có người nói lên nhờ tưởng “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.
Ở đây, này Bà La Môn, có người nói lên không nhờ tưởng, nhưng nghe tiếng của loài Người, hay của phi nhân, hay của chư Thiên, liền nói lên: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.
Ở đây, này Bà La Môn có người nói lên không nhờ tưởng, cũng không nhờ nghe tiếng loài Người, hay loài phi nhân, hay chư Thiên mà nói lên, nhưng sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư; sau khi suy tầm và suy tư liền nói lên: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.
Ở đây, này Bà La Môn có người không nói lên nhờ tưởng, không nói lên nhờ nghe tiếng loài Người hay phi nhân, hay chư Thiên, không nói lên sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư, sau khi suy tầm và suy tư. Nhưng, thành tựu định không tầm không tứ, với tâm (của mình) rõ biết tâm của người khác tùy theo hành ý của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Này Bà La Môn, đây gọi là thần thông ký thuyết.
Và như thế nào, này Bà La Môn, là thần thông giáo hóa?
Ở đây, này Bà La Môn, có người giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!”. Này Bà La Môn, đây gọi là thần thông giáo hóa”.
Trên đây, đức Phật đã trình bày ba loại thần thông và đức Phật đã chấp nhận loại thần thông nào?
Qua bài Kinh trên đây, chúng ta nhận xét thấy ba loại thần thông này ở những pháp môn nào của đức Phật đã thực hiện ra được.
- Thần thông thứ nhất, là thần thông biến hóa, nó nằm ở pháp môn nào?
Thần thông này nó nằm ở từ pháp Tứ Thiền đến Tam Minh.
- Thần thông thứ hai, là thần thông ký thuyết, nó bắt đầu từ pháp môn Nhị Thiền đến Tam Thiền, biết tư niệm của người khác. Thường thần thông này trong nhà thiền người ta gọi là trực giác.
- Thần thông thứ ba, là loại thần thông giáo hóa, tức là đức hạnh làm Thánh, làm Người.
Người dạy thần thông loại nào thì phải thể hiện loại thần thông đó.
Ví dụ: Người dạy về thần thông biến hóa thì phải thể hiện sự biến hóa để dạy cho người ta tu tập biến hóa.
Người dạy thần thông về trực giác thì phải thể hiện biết chuyện quá khứ vị lai và tư niệm của họ.
Người dạy thần thông giáo hóa thì phải thể hiện đức hạnh làm Người, làm Thánh.
Bây giờ, chúng ta tiếp nghe lời của đức Phật, Ngài đã chấp nhận loại thần thông nào?
“Này Bà La Môn, trong ba loại thần thông này, Ông có thể chấp nhận loại thần thông nào là hy hữu hơn, thù diệu hơn?
Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, loại thần thông này: Ở đây, có người chứng được nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân… Có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Loại thần thông này, thưa Tôn già Gotama, ai làm loại thần thông ấy, người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với con, được xem tánh chất như là huyễn hóa.
Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây có người nhờ tưởng nói lên… sau khi nghe tiếng chư Thiên… sau khi nghe tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư… Với tâm của mình, rõ biết tâm của người khác. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, ai làm thần thông ấy người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với con, được xem tánh chất như là huyễn hóa.
Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây, có người giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này… hãy đạt đến cái này và an trú”. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, con có thể chấp nhận là hy hữu hơn, và thù diệu hơn trong (264) ba loại thần thông” (Tăng Chi Kinh Tập1, trang 304).
Xét qua những lời đức Phật đã dạy trên đây, chúng ta biết con đường tu theo đạo Phật là tu những gì có ích cho mình, cho người, còn những gì không ích lợi thì đó chỉ là những trò huyễn hóa mà thôi.
Thế mà, hầu hết mọi người đến với tôn giáo không riêng gì Phật giáo, họ đều nhắm vào mục đích thần thông, họ quý trọng mục đích thần thông như những gì siêu việt, người thực hiện được thần thông họ đều xem như Thánh, Thần, Tiên, Phật.
Trong lịch sử tôn giáo không có một tôn giáo nào mà không ca ngợi và tôn sùng thần thông, ngoại trừ có Phật giáo không bài bác thần thông, nhưng xem thần thông như một trò ảo thuật huyễn hóa. Đạo Phật không chấp nhận nó, vì nó không ích lợi gì cho mình, cho con người, chỉ là một trò ảo thuật giải trí của thiên hạ, nói như vậy không có nghĩa là đạo Phật không thực hiện được thần thông. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Thật vậy, này Bà La Môn, lời nói của Ông trước như là chống ta, sau xích lại gần ta. Và Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Bà La Môn, Ta chứng (265) được nhiều loại thần thông…” (Tăng Chi Kinh Tập 1, trang 308).
Hướng tới tịnh chỉ hơi thở cũng là một loại thần thông, nó thuộc về loại thần thông biến hóa, thần thông biến hóa nó nằm trọn trong hệ thống Tam Minh. Hệ thống Tam Minh gồm có Tứ Thiền và Tam Minh; và Tứ Thiền là tịnh chỉ hơi thở, cho nên con tu tập cho các hành trong thân ngưng nghỉ, thì đó là một sự tập luyện về thần thông.
Ở đây, sự tập luyện về thần thông cũng không cần thiết. Đối với đạo Phật sự tu tập cần thiết là phải ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là một đạo đức làm Người, làm Thánh, là giới luật của đức Phật, là giáo pháp của Ngài, là Phạm hạnh của người tu.
Muốn được như vậy, thì hằng ngày con nên tu tập pháp hướng tâm, “Tâm như cục đất”. Tâm như cục đất thật sự, thì tịnh chỉ các hành trong thân của con không còn khó khăn nữa. Cho nên, đức Phật dạy: “Tâm nhu nhuyễn, dễ sử dụng”.
Chỉ khi nào tâm con như cục đất thì lúc bấy giờ con muốn sử dụng nó như thế nào, nó sẽ làm theo ý muốn của con.
Tâm chưa như cục đất, mà lo tu tập tịnh chỉ các hành trong thân thì cũng giống như Minh Tông, Thiện Thuận và một ông bác sĩ ở Quy Nhơn đều là đem đến tai hại nguy hiểm khó lường.
Muốn tịnh chỉ các hành trong thân thì con nên xem tham, sân, si của con đã quét sạch chưa? Nếu chưa thì con nên hướng tâm như cục đất, còn nếu tham, sân, si đã vắng bóng thì con hướng tâm tịnh chỉ các hành và sẽ có kết quả ngay liền, con không còn thấy khó khăn một chút nào cả. Vì khi tâm tham, sân, si vắng bóng thì bảy năng lực Giác Chi phải xuất hiện, nó xuất hiện để giúp con làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
Sau khi đọc những đoạn Kinh trên đây mà Đức Phật đã dạy, nếu ai còn ham mê thần thông, tịnh chỉ các hành, tịnh chỉ hơi thở, khi mà tâm chưa thanh tịnh thì thật là điên rồ và ngu si như con vật ngu, bỏ mồi bắt bóng mà còn phải thiệt thân.
Điều lo lắng nhất của con người tu hành, là làm sao ly dục ly ác pháp cho được. Điều đó, đức Phật đã xác định cho chúng ta một pháp môn Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý để chúng ta thành tựu, con nên nhớ kỹ mà ghi nhớ trong lòng mãi mãi “Tâm như cục đất”. Tâm như cục đất thì sự tu hành của con đã hoàn tất, không còn phải tu tập gì nữa cả, lúc nào muốn sống chết là quyền ở con, chứ không còn ở luật nhân quả nữa.
Đến đây, Thầy chúc con tu tập sớm thành công, trước tiên tâm con được an ổn, khi đứng trước các ác pháp như: sanh, già, bệnh, chết, con không còn bận tâm và lo lắng nó nữa, trước khi chết con biết chỗ con về. Còn đối về mặt ân nghĩa thì con đã đền đáp ơn Phật, ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục và không phụ ơn Thầy và Đàn na thí chủ. Như vậy, con đã xứng đáng là một người Phật tử. Phải ráng lên con ạ!
NĂNG KHIẾU
Hỏi: Kính thưa Thầy, qua gương hạnh đáng kính của cô Út Diệu Quang, theo con nhận xét sự tu tập rèn luyện thân tâm không phải tầm thường. Một người tu đạt kết quả như vậy, họ có sẵn một cái tài hay một năng khiếu, (268) một trí thông minh… nên con đường tu mau kết quả, có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Sự tu tập nào có được nhanh chóng, đều phải nhờ nhiều đời huân tu chớ không phải có sẵn tài, trí và năng khiếu. Tài trí và năng khiếu là do sự huân tập nhiều đời mà có. Nếu đời này con không trau dồi, tu tập rèn luyện tài trí và năng khiếu thì đời sau con cũng chẳng có.
Tu tập và xả tâm càng gặp khó khăn, đừng nên chán nản, mà phải quyết tâm khắc phục cho được, xả bỏ cho được, quyết thực hiện cho bằng được thì người đó, sẽ trong một đời này thành tựu viên mãn, chỉ có “quyết tâm” là làm nên việc lớn, Đời cũng như Đạo.
Trí thông minh và năng khiếu không phải người có, người không, mà tất cả mọi người ai cũng có, nhưng chỉ vì chúng ta không huân tập nên không có mà thôi.
Ví dụ: trong một lớp học có 60 học sinh, nhưng học sinh giỏi thì có năm ba đứa, chúng học rất nhanh và mau thuộc bài, môn học nào chúng cũng xuất sắc. Thật sự số học sinh này rất ít, nghĩa là học sinh giỏi tất cả các bộ môn.
Còn số học sinh giỏi từng môn thì nhiều, kẻ giỏi toán, người giỏi văn, người giỏi sinh ngữ v.v..
Đó là vì chúng ta đã có học tập trong đời trước, nên đời này chúng học lại môn đó, tức là ôn lại, nên học rất nhanh làm bài rất giỏi. Còn những người đời trước không học, đời nay học, nên học lâu thuộc bài, nhiều khi học mãi mà không thuộc.
Lịch sử Việt Nam, có nhắc lại ông Lê Quý Đôn, khi ông bố sai mua một cuốn lịch xem ngày, ông đem tiền ra mua giấy và đến cửa hàng bán lịch ông xin cho mượn xem, xem xong ông trả lại cho hàng sách, về nhà ông chép lại cho bố một cuốn lịch mà không sai một chữ nào.
Bên Trung Hoa, đời Tam Quốc, bên Tây Thục sai một người đi sứ qua Bắc Ngụy, tức là Tào Tháo. Tào Tháo viết một cuốn sách lấy tên là Tào Mạnh Đức Kinh, đem khoe với vị sứ giả. Vị sứ giả bảo bên nước tôi trẻ con đều thuộc làu kinh sách này. Tào Tháo không tin mới bảo Ông hãy đọc cho Tào Tháo nghe một đoạn, Ông bảo Tào Tháo xin Ngài đưa cho tôi xem có đúng không? Rồi tôi sẽ đọc cho Ngài nghe. Tào Tháo đưa cho Ông đọc, Ông đọc xong trả lại cho Tào Tháo, Ông cả cười nói: “Tôi nói đâu có sai, đúng là trẻ con của nước tôi từng đã đọc sách này”, Ông bắt đầu đọc cho Tào Tháo nghe không sai xót một chữ nào. Tào Tháo tán thán và không bắt tội Ông được.
Trí thông minh như vậy quá tuyệt vời, đọc qua là thuộc làu, thế mà trí thông minh đó dùng vào việc gì, chỉ đi ra làm quan mà không giải quyết sự khổ đau của dân tộc. Trong thời làm quan, các vị này cũng chẳng làm được những gì lợi ích cho dân, cho nước nhiều, mà chính sự thông minh đó cũng chẳng giải quyết được gì, cho đời sống của các Ông cả, các Ông ấy cũng chỉ khổ đau vì danh, vì lợi như bao nhiêu người khác.
Làm được như Thầy (tức là làm chủ tham, sân, si) không để tâm mình phiền não khổ đau, giận hờn, thương ghét, ấy là tài năng và trí tuệ. Thông minh cũng như năng khiếu đó mới chính là tài năng, trí tuệ, thông minh của đạo Phật, còn ngược lại tài năng, trí tuệ, thông minh và năng khiếu mà tự làm khổ mình, khổ người. Đó là tài năng trí tuệ của phàm phu, của người thường trong thế gian.
Bởi vậy, người có tài năng, trí tuệ, thông minh của đạo Phật là sống thanh thản, an lạc không làm khổ mình, khổ người (chỉ có những bậc Thánh Alahán mà thôi). Người có được trí tuệ như vậy, không phải từ trên trời rơi xuống, mà do công huân tu tập của chúng ta nhiều ngày và nhiều đời, cũng như bây giờ con thấy Cô Út Diệu Quang có được tri kiến như vậy, cũng chính là đời trước cũng phải huân tu rất nhiều, huân tu mà còn phải có ước nguyện, khi mình cố gắng xả tâm được, thì mình làm nghịch hạnh, để vừa xả tâm mình, vừa hướng dẫn mọi người đồng được giải thoát khỏi kiếp đời trầm luân khổ đau.
Như các con đã biết, Cô Diệu Quang chẳng học Kinh sách Phật, chẳng chịu ảnh hưởng của một tôn giáo nào, Cô chỉ có công giúp Thầy tu trong thất bằng cách làm kinh tế, mua gạo và thực phẩm để mẹ Thầy nấu cơm cúng dường Thầy ăn và tu hành.
Mục đích của Thầy tu là tìm sự giải thoát, khi nào giải thoát được thì mới dạy người tu, còn đang tu thì nhất định không dạy ai hết, cho nên Cô Diệu Quang chỉ biết trợ giúp cho Thầy tu, chứ không có tu hành gì cả.
Đến khi Thầy tu xong, về trình sự tu hành của mình cho Hòa Thượng Thanh Từ, thì cũng năm đó Phật tử tìm về kiếm Thầy hỏi pháp, do Hòa Thượng Thanh Từ báo cho Phật tử biết chính là Thầy đã tu chứng quả “A-La-Hán”. Đó là vị cư sĩ tìm về đây đầu tiên là Ông Chánh Giải ở Châu Đốc. Khi gặp Thầy ông xin Thầy cho phép đảnh lễ vì Hòa Thượng đã cho Ông biết Thầy đã chứng quả A-La-Hán.
Từ đó, Cô Út Diệu Quang trở thành một người phục vụ cho tu sĩ cũng như Phật tử thì còn đâu có thì giờ mà tu tập.
Lúc nào rảnh rỗi hoặc nửa đêm, Cô mới có thì giờ ngồi tập dừng cái ý, thời gian ấy không lâu chỉ độ 30 phút là cao.
Hoàn cảnh tu sĩ và Phật tử là một trở ngại rất lớn cho sự sống yên tĩnh tu hành của Cô. Cô bị mọi người khen thì ít, mà chê thì nhiều, nhất là tâm phàm phu của thiên hạ. Nhất là dựa theo tâm lý phàm phu của thế tục mà suy diễn về cô Diệu Quang, thì những sự suy nghĩ đó, sẽ đem lại ác pháp cho người, chứ cô Diệu Quang như thế nào thì cô tự biết, đó là nhân quả của Cô, chứ Thầy không ý kiến gì hết. Thầy chỉ thấy đó là duyên phước chúng sanh chưa đủ phước, và là luật nhân quả đời trước. Từ những sự việc đó xảy ra, tự Cô phải đương đầu với nội tâm của mình, tâm như biển sóng dồn dập, Cô như chiếc thuyền nan trên mặt biển.
Cô vừa chiến đấu với nội tâm để xả những u hoài khổ đau của mình vừa phản công những đối tượng bên ngoài (Phật tử và tu sĩ).
Phiền não tức Bồ Đề, nhờ các đối tượng ấy, Cô đã tìm ra phương pháp xả tâm để cứu mình thoát khổ. Đối với những người, đã làm Cô khổ, nhưng có điều là Cô không oán hận những người đó, Cô xem đó như bình thường, không có gì cả, và khi những người đó hữu sự, có tai nạn, thì Cô sẵn sàng khuyên lơn và giúp đỡ. Cô nói nặng nhẹ người khác. Bởi vì, Cô đang còn trên đường tu tập xả tâm, nhưng lòng yêu thương đối với con người không xa lìa, lúc nào cũng thương yêu mọi người, sẵn sàng giúp đỡ, nhưng sẵn sàng nói nặng, vì hạt giống tham, sân, si vẫn còn, để người ấy xả tâm thật sự hay không. Nếu xả tâm thật sự, thì người ấy sẽ chiến thắng được mình. Vả lại, Cô cũng đang còn trên đường tu tập xả tâm, vẫn còn tham, sân, si, mạn, nghi… nên các con hãy lấy Cô làm đối tượng nghịch cảnh để buông xả tâm mình, đừng oán giận Cô.
Khi Cô cố gắng để xả được tâm mình không còn khổ đau, thù hận, xem mọi việc như không, nghĩa là mọi việc không làm Cô bận tâm. Cũng từ đó, tri kiến của Cô phát triển, như các con hiện giờ đã thấy. Cô đối đáp giải quyết theo bản năng tự nhiên của đời trước đã huân tu, chứ không phải trong đời nay và trong kinh sách.
Các con đừng hiểu rằng, đời trước là một đời kế đây, đời trước ở đây là một đời mà nhiều đời và cũng có thể đồng thời với đức Phật, Cô là người đã học và tu trong những thời đó, kiếp này Cô được làm người, nó đã sống lại trong quá khứ xa xưa kia. Vì thế, các con nên nhớ những gì mà các con tu đúng pháp, dù muôn đời nó vẫn không mất, nó sẽ làm sống lại nơi tâm hồn của các con mà các con sẽ gọi nó là tài năng, năng khiếu hay là trí thông minh. Nhưng nếu các con tu sai, nó vẫn sống lại và đưa các con vào biển khổ bằng ảo tưởng như đồng cốt, những người này họ đâu có tu hành trong đời này, nhưng đời trước họ đã tu theo tà đạo, đời này năng khiếu đó, nó sống lại, cho nên họ trở thành là những loại đồng cốt, ông lên, bà xuống, bóng chàng v.v..
Những người ở đời này, tu Thiền Đông Độ, Thiền xuất hồn, Thiền Yoga và tất cả các loại Thiền tưởng, kiếp sau họ trở thành những thầy cúng, phù thủy, đồng, cốt, thầy bói, thầy bùa, thầy ngải v.v.. Nói chung kiếp này tu sai chánh pháp, kiếp sau làm những điều mê tín, tiếp tục lừa đảo người khác, đó là năng khiếu tà giáo ngoại đạo. Khi chúng ta huân tu thì nó không bao giờ mất, nó sẽ sống lại trong khi chúng ta sanh lên làm người. Còn chúng ta tu đúng theo chánh pháp của Phật thì luôn luôn lúc nào cũng xả tâm ly dục ly ác pháp. Tuy rằng, cuộc sống có nhiều sóng gió ba đào, nhưng chúng ta không bị lạc vào hoang đảo, cũng vì nhờ đức hạnh và giới luật, nó là ngọn hải đăng đưa tàu vào bến an toàn.
Cuộc đời tu hành của Thầy cũng vậy, khi mất cả hy vọng trên đường tu tập, chới với giữa biển pháp của Đại Thừa, bước đường cùng, chỉ còn chết mà thôi.
Trong khi mất hết cả niềm hy vọng, thì năng khiếu trổi dậy để cứu mình, nên trong tiềm thức của Thầy nhớ đến lời của Hòa Thượng Minh Châu. Trong khi sắp chết đuối, một chiếc phao đã hiện ra và đã cứu Thầy.
Thầy đã tìm được lối thoát mà xưa kia Thầy đã từng tu học giáo pháp này, nên đọc tới đâu Thầy nhận ra pháp hành tới đó và thực hành có kết quả ngay liền, nghĩa là Thầy tu lại theo lời dạy của đức Phật đã dạy trong Kinh Nguyên Thủy pháp “Như Lý Tác Ý” mà hơn nửa đời người theo đạo Phật tu hành chẳng có một vị Thầy nào dạy tu tập điểm này với pháp môn này, Thầy đã nhận ra bí quyết thành công của pháp môn này là “Độc cư”.
Pháp Như Lý Tác Ý và Độc Cư là năng khiếu của Thầy trổi dậy. Xưa, đức Phật cũng vậy, khi con đường tu tập tận cùng, Ngài như sắp chết, thì năng khiếu Ngài trỗi dậy. Ngài nhớ lại đạo lộ Tứ Thánh Định, Ngài liền bỏ sạch các pháp môn của ngoại đạo, Ngài không tu khổ hạnh nữa, tiếp tục sống đúng đời sống Phạm hạnh, khi cơ thể Ngài bình phục, 49 ngày dưới cội Bồ Đề do đạo lộ Tứ Thánh Định, Ngài đã viên mãn con đường tu giải thoát, thỏa mãn được ước vọng của Ngài làm chủ sanh, già, bịnh, chết.
Bởi vậy, muốn có năng khiếu và trí thông minh thì phải tu tập pháp “Hướng Tâm” và “Độc Cư” con ạ!
Quyết định phải tu cho bằng được phải không con? Dù cho xương có tan, thịt có nát nhất định chúng ta phải thành công, thì đó là con đã huân tập một tài năng, một tri kiến, một năng khiếu.
Hiện giờ, Cô Diệu Quang có trắc nghiệm bằng một phương pháp nào, mà có tận cùng sự khổ đau thì nhất định tâm con cũng như cục đất phải không con? Có như vậy, mới thấy tâm được giải thoát thanh thản, an lạc và vô sự, đó là kết quả của tâm bất động.
TRÍ TUỆ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tu Định Vô Lậu tri kiến giải thoát phóng ra đó có phải là trí tuệ không?
Đáp: Tu tập Định Vô Lậu giúp cho sự hiểu biết thông suốt bản chất thực của các pháp thế gian và xuất thế gian, để không hiểu sai lệch, không đúng lý, không bị lầm chấp. Do sự hiểu biết các pháp không lệch lạc thấy đúng, biết đúng như thật, để tâm không bị lầm chấp dính mắc nên gọi là trí tuệ tri kiến giải thoát. Hiểu biết đúng các pháp như thật, tâm không dính mắc, lầm chấp nên không còn phiền não đau khổ, giận hờn, bất toại nguyện gọi là giải thoát.
Người chưa tu Định Vô Lậu là chưa có trí tuệ giải thoát, trí tuệ giải thoát gọi đúng nghĩa của nó là tri kiến giải thoát.
Vô lậu là không còn đau khổ, trí tuệ hiểu biết không còn đau khổ là trí tuệ vô lậu, trí tuệ vô lậu mới bắt đầu tu tập là tri kiến giải thoát, gọi trí tuệ ở đây không đúng nghĩa lắm. Vì theo đạo Phật xác định Giới sanh Định; Định sanh Tuệ nhưng chúng ta mới tu tập giới chưa thanh tịnh thì làm sao có định mà định chưa có thì làm sao có tuệ mà gọi là tuệ được. Phải không con?
Người tu hành muốn có được tri kiến giải thoát này, thì không phải tự trên trời rơi xuống mà chính mình phải biết ngăn ác diệt ác pháp, phải biết lìa lòng ham muốn.
Biết ngăn ác diệt ác pháp chia ra làm tám phần:
- Phòng ngừa các ác pháp bên ngoài tức là tránh duyên cảnh bên ngoài (độc cư).
- Phòng hộ sáu căn tức là giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (độc cư).
- Ngăn ngừa không cho việc ác sanh khởi trong tâm như thường tu các định thực hiện về thân hành niệm.
- Dùng pháp Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý để tạo thành nội lực tỉnh thức, buông xả.
- Diệt các pháp ác đã sanh bằng Định Vô Lậu.
- Diệt các pháp ác bằng quán xét nhân quả.
- Diệt các ác pháp bằng tâm từ, bi, hỷ, xả.
- Diệt các ác pháp bằng nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng hoặc trầm lặng, từ khước.
Trong tám pháp tu tập này, thì bốn pháp ngăn ngừa là trên hết. Người ta bảo: “Ngừa bệnh hơn trị bệnh”.
Cho nên, tri kiến giải thoát là tri kiến phòng hộ, tri kiến phòng hộ là đệ nhất, tri kiến phòng hộ tức là giới luật. Phật dạy: “Tri kiến ở đâu là giới luật ở đó. Giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Đoạn kinh này, tức là đức Phật nói pháp ngăn ác, nói pháp ngăn ác tức là nói pháp độc cư, pháp độc cư là bí quyết thành công thiền định của đạo Phật vì nó là pháp ngăn ác tuyệt vời.
Tóm lại, muốn có tri kiến giải thoát thì phải tu tập “Bát Chánh Đạo”: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Đó là con đường dẫn đến tri kiến và trí tuệ giải thoát.
MỤC ĐÍCH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC LÀ GÌ?
Hỏi: Kính bạch Thầy! Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác theo hành động làm việc liên tục từ sáng đến chiều chỉ biết hành động “làm việc tôi biết tôi đang làm việc” không có nghĩ ngợi gì khác hơn, tức là không có tạp niệm xen vào, như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác như vậy là một sức tỉnh thức kinh hồn, đủ để xả tâm và nhập các định khác một cách dễ dàng.
Chánh Niệm Tỉnh Giác Định tức là tu tập trong Thân Hành Niệm. Nhờ có tu tập Thân Hành Niệm ta mới có tỉnh giác chánh niệm, có tỉnh giác mới ở trong chánh niệm, có chánh niệm thì tâm mới không làm khổ mình, khổ người, mới có lợi lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.
Mục đích chánh niệm tỉnh giác là gồm tất cả các thiện pháp và trí tuệ Tam Minh. Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, ai tu tập làm cho sung mãn Thân Hành Niệm, cũng bao gồm tất cả thiện pháp gồm những pháp thuộc về Minh phần”. (Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 88).
Chúng tôi xin xác định cho quý vị được rõ, vì ở trên chỉ nói lướt qua “Chánh niệm Tỉnh Giác và Thân Hành Niệm” còn ở đây là hai danh từ để chỉ cho một hành động tu tập Thân Hành Niệm. Tu tập Thân Hành Niệm là chỉ cho sự tỉnh giác trong hành động của thân phải biết hành động đó rõ ràng cụ thể không được bỏ sót một hành động nào của thân, còn Chánh Niệm Tỉnh Giác thì cũng nghĩa như vậy nhưng (282) nó có từ Chánh Niệm để chỉ rõ hơn, chúng ta thử đặt lại vấn đề, tỉnh giác để làm gì? Để Chánh Niệm, còn Thân Hành Niệm tức là tỉnh giác, vậy tỉnh giác để làm gì? Tỉnh giác để xả tâm tức là khắc phục tham ưu như trong Tứ Niệm Xứ đức Phật đã dạy: “Trên thân quán thân tu về hành tướng nội ngoại để khắc phục tham ưu”. Hành tướng nội ngoại của thân không phải là Thân Hành Niệm sao? Còn khắc phục tham ưu không phải là Chánh Niệm sao? cho nên, Thân Hành Niệm tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác.
Ở đây đức Phật đã xác định Chánh Niệm Tỉnh Giác có nhiều kết quả rất lớn cho sự tu tập để đi đến giải thoát: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập, làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 89).
Như trong đoạn Kinh này, mục đích chánh Niệm Tỉnh Giác giúp chúng ta tịnh chỉ tầm tứ, tức là nhập Nhị Thiền.
Chánh Niệm Tỉnh Giác còn đưa chúng ta đến chứng bốn quả Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự Lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A La Hán. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 90).
Chánh Niệm Tỉnh Giác còn đưa chúng ta đạt đến những trí tuệ vô hạn và siêu việt: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí tuệ, đưa đến sự tăng trưởng trí tuệ, đưa đến trí tuệ rộng rãi, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến thâm sâu trí tuệ, đưa đến vô song trí tuệ, đưa đến vô hạn trí tuệ, đưa đến nhiều trí tuệ, đưa đến trí tuệ nhanh lẹ, đưa đến trí tuệ nhẹ nhàng, đưa đến trí tuệ hoan hỷ, đưa đến trí tuệ tốc hành, đưa đến trí tuệ sắc sảo, đưa đến trí tuệ thể nhập. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 91).
Khi con tu tập tỉnh giác trong hành động suốt ngày đêm như vậy, là con sẽ chứng quả A La Hán, tức là làm chủ sanh, già, bịnh, chết hoàn toàn. Vì sức tỉnh thức khiến tâm con thanh tịnh, không còn một pháp nào làm động tâm con được. Và nội lực thanh tịnh của tâm con tức là lực ly dục ly ác pháp sẽ giúp con thành tựu Thiền định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy khó khăn. Lúc bấy giờ, con chỉ cần hướng tâm là có hiệu quả ngay, con muốn gì được nấy, vì tâm con hiện giờ thuần thục, nhu nhuyễn dễ sử dụng.
Sức tỉnh giác như con đã nói ở trên, là mục đích của đạo Phật, con đã hoàn tất được mục đích đó khi sức tỉnh thức của con được như vậy.
Trên đây, con đã hỏi về pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác và con được giảng dạy như vậy con có hiểu chưa? Con có biết những câu hỏi mà con hỏi có một giá trị vô giá không? Vô giá là ở chỗ học được pháp vô giá của đạo Phật, thế mà mọi người đọc tới đây, có người vẫn xem thường pháp vô giá. Ôi, thật đáng thương! Nếu từ ngày Thầy giảng trạch pháp này, mà mọi người biết nó là vô giá thì bây giờ biết bao nhiêu người đã (285) chứng quả vô lậu A La Hán. Con có nhớ không, bài giảng này khởi sự giảng dạy các con vào năm 1979 đến nay là 2004 tức là 25 năm. Phải không con? Bây giờ, nhuận lại đoạn kinh này, nhìn lại sự tu hành của các con, thì Thầy rất đau lòng vì pháp bảo cứu người biển khổ mà mọi người không đủ phước để thọ hưởng, vì thế pháp bảo 25 năm nay, trở thành một vật vô dụng. Ôi, thật là phí uổng. Vật vô giá, mà trao cho người không có mắt, thì cũng như trao đất cát đồ vô dụng cho họ.
TRÍ TUỆ THẾ GIAN CÓ PHẢI LÀ TRI KIẾN GIẢI THOÁT HAY KHÔNG?
Hỏi: Kính bạch Thầy! Sự suy tư trong việc làm, để làm việc không thất bại, đó có phải là trí tuệ hay không? Trí tuệ đó có bằng tri kiến giải thoát trong đạo Phật không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Sự suy tư trong hành động để làm việc không gặp thất bại, đó là tri kiến thế gian, nó thường mang theo những hành động thiện và ác, nên khi biến ra hành động việc làm thường mang theo quả khổ vui của tri kiến đó, nó không phải là tri kiến giải thoát của đạo Phật, nó là tri kiến dính mắc khổ đau, còn tri kiến dùng để quán xét xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp, đó là tri kiến dùng để tu tập Định Vô Lậu trong từng tâm niệm, từng hành động việc làm để xả tâm tham ưu, phiền não, do sự quán xét tư duy này nên tâm được giải thoát an vui, thanh thản và vô sự, đó là tri kiến giải thoát.
Tu tập trong tâm niệm và việc làm, tức là tu tập Thân Hành Niệm, đó là một pháp môn đệ nhất của đạo Phật về việc chánh niệm tỉnh thức, nhưng đây là giai đoạn đầu của pháp Thân Hành Niệm.
Tu tập Định Vô Lậu giúp chúng ta sống trong chánh niệm diệt trừ tà niệm.
Tu tập Định Chánh Niệm Tỉnh Giác là giúp chúng ta tỉnh thức phá trừ si mê hôn ám và thường sống trong thiện pháp. Để xác định một lần nữa về trí tuệ thế gian và trí tuệ giải thoát. Trí tuệ là sự hiểu biết và tư duy đều giống nhau cả. Nhưng sự tư duy suy nghĩ một điều gì mà do lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si thúc đẩy thì đó gọi là trí tuệ thế gian; còn sự tư duy, suy nghĩ đó mà đi ngược lại với lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si thì đó là trí tuệ giải thoát, còn gọi là tri kiến giải thoát.
Do sự phân tích và xác định này thì tri kiến giải thoát không phải ngoài trí tuệ thế gian mà có, không phải do tu tập Thiền định mà sanh ra theo kiểu Thiền Đông Độ đã nghĩ tưởng. Ngồi yên lặng không niệm thiện niệm ác, tức là không có vọng tưởng thì trí tuệ phát sanh. Trí tuệ đó không phải là trí tuệ giải thoát mà là tưởng tuệ.
Có một câu chuyện xảy ra trong thế kỷ này, người ta ca ngợi về Thiền Đông Độ một cách huyền thoại:
Họ nói rằng trong thời chiến tranh Việt Nam có một vị Đại Sứ Mỹ C.B.L. khi được Tổng Thống Mỹ đưa sang Việt Nam để giải quyết vấn đề Phật giáo năm 1962-1963, thì Ông phải đi sang Nhật Bổn học Thiền một khoá rồi mới đến Việt Nam giải quyết. Người ta bảo rằng mỗi khi có gặp một vấn đề khó khăn không giải quyết được, thì Ông tọa Thiền khoảng 30 phút là trí tuệ Ông phát ra và hôm sau Ông giải quyết sự việc một cách tốt đẹp, đó cũng là một trò lừa bịp.
Khi nghe trong Kinh điển đức Phật dạy: “Giới sanh định, định sanh tuệ”. Do định sanh tuệ, rồi người ta lại tưởng ra và hiểu một cách sai lệnh về định, cho rằng: ngồi Thiền giữ tâm không vọng tưởng là định và khi ngồi im lặng được không vọng niệm xen vào thì trí tuệ phát sanh, trí tuệ này do định sanh rất thông minh. Người ta chưa biết định là gì, nên đã hiểu lầm chữ định sanh tuệ trong nhà Phật.
Chữ định trong nhà Phật, là chỉ cho tâm ly dục ly ác pháp, nếu tâm chưa ly dục ly ác pháp thì tri kiến đó là tri kiến thế gian, còn tâm đã ly dục ly ác thì tri kiến ly dục ly ác pháp đó là tri kiến giải thoát, tri kiến giải thoát tức là định, tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là tâm bất động, tâm bất động tức là định, định tức là tri kiến giải thoát. Như vậy, đức Phật gọi định sanh tuệ, chứ không phải ngồi như con cóc không niệm thiện niệm ác rồi mới phát sanh trí tuệ. Đó là, một sự hiểu sai lệch, hiểu theo tưởng tri của các nhà học giả xưa và nay.
Hằng ngày, con tu tập diệt ngã xả tâm, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp là con đã tu tập tri kiến giải thoát. Nhờ tu tập trí tuệ tri kiến giải thoát này tâm con nhuần nhuyễn, bén nhạy, phản ứng tự nhiên, khi gặp các ác pháp khiến tâm con thanh thản và an lạc thì đó gọi là tri kiến giải thoát. Cho nên, một sự tư duy suy nghĩ nào, mà khiến cho tâm ly dục ly ác pháp là trí tuệ tri kiến giải thoát của con chứ không phải ngồi Thiền mà phóng ra trí tuệ đó được.
Muốn có trí tuệ tri kiến giải thoát, thì ngày nào con cũng tu tập quán xét, suy tư để đẩy lùi các chướng ngại pháp trong thân tâm đó là con tu tập rèn luyện trí tuệ tri kiến giải thoát, nó lớn mạnh dần theo sự tu tập của con là con đã khắc phục được tâm tham ưu khổ não của mình, tức là con khắc phục được sanh tử luân hồi.
Những việc tu tập này đức Phật gọi là Thiền định: “Này các Thầy Tỳ Kheo, đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng… Đối với các pháp ác, bất thiện đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng… Đối với các pháp thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng… Đối với pháp thiện đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng…” Trên đây, là một bài Kinh trong 37 phẩm trợ đạo mà đức Phật đã dạy chúng ta tu Thiền định thuộc Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 82, bài 14-17, tựa là Thiền Định.
Tóm lại, từ định sanh ra trí tuệ tri kiến giải thoát thì phải ở trong thân hành niệm mà tu tập. Nhờ có tu tập pháp Thân Hành Niệm, thì mới đủ năng lực đẩy lùi các ác pháp và nội lực tham dục, sân dục và si dục. Những dục tham, sân, si này rất mạnh, nếu một người tu hành mà không hành pháp Thân hành Niệm thì chẳng bao giờ có nội lực để đương đầu với nội lực ác pháp tham, sân, si, chúng có một sức mạnh kinh khủng là vì chúng ta đã tập tham, sân, si nhiều đời nhiều kiếp chứ không phải có một đời này.
Thân Hành Niệm, là một tên pháp môn chỉ gồm chung nhiều pháp môn tu tập, rèn luyện về trí tuệ tri kiến giải thoát, về nội lực bảy Giác Chi, về lệnh Tứ Như ý Túc.
Do sự suy tư tu tập này, chúng ta suy ra mới thấy rõ đường lối tu tập của đạo Phật là chuyển từ tri kiến thế gian để trở thành tri kiến giải thoát, từ tri kiến giải thoát chuyển thành tâm ly dục ly ác pháp, từ tâm ly dục ly ác pháp chuyển thành tuệ Tam Minh, chứ không phải từ sự yên lặng nào mà sanh ra được.
Đạo Phật là đạo trí tuệ, là đạo chuyển hóa tâm phàm phu trở thành tâm Thánh.
Vậy các con có muốn mình có trí tuệ tri kiến giải thoát hay không?
Muốn được như vậy không phải dễ đâu!
Phải bằng nước mắt, xương và máu của chúng ta, có nghĩa là chúng ta phải chết đi một lần và sống lại.
Nếu không có sự quyết tử ấy thì cuộc đời tu hành của chúng ta hoài công vô ích mà thôi.
Bởi tâm Thánh không thể dành cho những kẻ còn ham sống sợ chết, đàng nào rồi các con cũng phải chết, nhưng chết trong đau khổ và mãi mãi khổ đau. Ngược lại, người sống mà như đã chết thì sẽ sống mãi, sống mãi muôn đời và không còn khổ đau nữa.
BUỒN CHÁN KHI XẢ TÂM KHÔNG ĐƯỢC
Hỏi: Kính bạch Thầy! Con đã học, đã biết nhất là khép mình trong giới luật sao con vẫn phạm, lương tâm con cắn rứt, khổ sở vô cùng. Ngày nào, giữ đúng con thấy tâm con được yên ổn, thanh thản, an vui.
Sự tu hành cũng có nhiều khó khăn, tâm còn yếu con không thể vượt qua được, đôi lúc con cũng chán nản. Thưa Thầy, những lúc này con phải tu như thế nào? Trạch pháp ra sao để tiến bước trên đường tu tập?
Đáp: Còn phạm tức là tỉnh thức chưa đủ, chánh niệm còn yếu, nên cố gắng tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Vô Lậu, siêng năng cần mẫn tập nhiều hơn, thì sẽ khắc phục được không còn phạm (còn phạm tức là còn tu, hết phạm tức là hết tu). Đường lối tu tập của đạo Phật rất cụ thể, tu tới đâu biết tới đó, có kết quả hay không có kết quả. Bởi vì, pháp tu xả tâm, xả ít kết quả ít, xả nhiều kết quả nhiều.
Con nên quan sát lại tâm mình, con sẽ thấy có những kết quả rất lớn, đời sống của con bây giờ so với lúc chưa tu thì có khác xa nhiều, tâm con cũng vậy nhưng chưa rốt ráo.
Gặp lúc tâm chán nản, con nên quán sát lại kiếp sống của con người “Con người sanh ra vốn để mà khổ”. Khổ thật, rồi con hướng tâm ám thị “Ta phải thoát ra cảnh khổ này, dù cho xương tan thịt nát, máu trong thân này có khô cạn, ta cũng quyết chiến thắng tận cùng để giành sự giải thoát cho mình”.
Đọc đến câu hỏi này, Thầy cảm thông nỗi lòng đau khổ của con: “Đạo cảm ứng giao nan tư nghì”. Xưa, đọc đến câu kinh này, Thầy rơi nước mắt. Đạo quá khó khăn không thể nghĩ lường, nên chư Phật đã cảm thông nỗi khắc khoải tu hành của những người đệ tử của mình.
Bây giờ Thầy cũng vậy, khi nỗi lòng con trút lên trang giấy, để cầu Thầy cứu con thoát ra kiếp trầm luân đau khổ. “Tâm còn yếu ớt, con không thể vượt qua được”, lời nói này khiến Thầy cảm thông, con như người đang chới với giữa dòng sông sắp chết đuối tới nơi. Tiếng kêu cứu của con thét lên: “Thưa Thầy những lúc này, con phải tu như thế nào? Trạch pháp ra sao để tiến bước trên đường tu tập?”. Nghe tiếng kêu cứu này Thầy quá bồi hồi, cảm ứng như Thầy đang chới với giữa dòng sông như con vậy. Thầy là một con người không phải là một cây đá. Tu hành không có nghĩa là trở thành cây đá, tu hành là dẹp bỏ những tâm ích kỷ, nhỏ mọn để không làm khổ mình, khổ người, không thương ghét trong sự đối đãi, chứ không thể nào làm mất tâm từ bi của một tu sĩ Phật giáo. Do đó, sự cảm thông của Thầy không phải đây là lần đầu tiên, mà là của bao nhiêu lần, khi mỗi người đệ tử của Thầy bỏ cuộc ra đi, Thầy biết họ đang chìm dưới dòng sông khổ đau. Lòng Thầy tê tái. Bởi vì, luật nhân quả công bằng và công lý nên quá khắt khe không ai cứu cho ai được cả, chỉ có mỗi người phải tự cứu lấy mình. Xưa, đức Phật cũng đã từng cảm thông, Ngài xót thương nói lên: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo”.
Cách đây ba, bốn năm Thầy đã trả lời con câu hỏi này ngắn gọn để con có một chiếc phao mà vượt qua, lòng Thầy cũng giao cảm, se thắt và thương xót, đến giờ này con còn bám theo Thầy, nên khi nhuận lại tập sách này, một lần nữa Thầy đã xót xa, thương cảm và nhớ đến những người đệ tử của mình quá dại dột, nhẹ dạ, mềm lòng chạy theo những tà pháp cám dỗ bằng những dục lạc, ăn uống, ngủ nghỉ phi thời, chùa to Phật lớn, đời sống vật chất đầy đủ, tu hành sung sướng như một nhà giàu, sống thì được nuông chiều nâng niu, còn ở đây, thì quá khắt khe trong giới luật ăn, ngủ, độc cư mà còn bị nhiều thử thách nghịch duyên. Khiến cho tâm các con tan nát. Nếu không tu tập rèn luyện như vậy thì làm sao thấy tâm mình giải thoát. Hoa sen nở trong lò lửa, chứ hoa sen nở nơi bùn lầy nước hôi thúi thì ra gì. Người tu sĩ Phật giáo Nguyên Thủy như hoa sen nở trong lò lửa: “Thắng trăm trận không bằng thắng tâm mình, thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt”.
Thắng tâm mình tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp không đơn giản, nó là một cuộc tranh đấu cam go giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và không tội lỗi, giữa đau khổ và không đau khổ, giữa sống và chết, giữa thiên đàng và địa ngục.
Trong cuộc đời này, ai là người đã vượt qua dòng sông nhân quả, dòng sông đau khổ.
Tiếng kêu cứu từ tự thâm tâm của con, muốn vượt qua dòng sông đau khổ để đến bờ giải thoát, nhưng sóng gió bão bùng quá mạnh, sức con đã kiệt, hơi thở con đã tàn, con không thể vượt qua nổi, như các bạn con họ đã chìm tận đáy sông rồi còn mong gì Thầy cứu được. Hiện giờ, con còn đang lặn hụp chới với, sắp sửa chết đuối dưới dòng sông này nữa. Thầy cũng sẽ mất đi một người học trò, Thầy biết làm sao hơn để cứu con bây giờ, nếu không phải bằng sức lực của chính con thì còn ai hơn nữa. Thầy chỉ còn có chiếc phao cuối cùng, đó là pháp môn “Như Lý Tác Ý”: “Dòng đời là khổ đau, tâm ta hãy như cục đất, buông xuống! Buông xuống hết!”.
Suốt ngày đêm trong 24 tiếng đồng hồ, con thường nhắc tâm như cục đất thì may ra con sẽ đến bờ bên kia.
Con hãy nổ lực và dùng hơi thở cuối cùng để chiến đấu với nội tâm mình.
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì
Thở ra chẳng lại còn chi nữa
Vạn sự vô thường buông xuống đi!”
Trước kia, hằng tuần Thầy thường gặp các con, là niềm an ủi trong khi bước chân của các con còn tập tễnh. Bây giờ, các con cứng cáp vững vàng hơn, Thầy không thể đưa tay dìu dắt cho các con từng bước nữa mà phải buông tay ra để các con tự bước vì sức Thầy đã già yếu, cứ một ngày qua là sức khỏe tàn tạ thêm theo năm tháng không thể dìu dắt như trước nữa, vì cơ thể là một phần vật chất vô thường. Thầy đã dùng nó tu tập khổ hạnh một đời để tìm ra ánh sáng của đạo Phật đã bị dìm mất từ xưa, khi tìm ra được thì sức lực đã yếu lắm rồi, nhờ nội lực tu tập Thầy đã phục hồi và duy trì cho đến ngày nay, Thầy gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người.
“Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, sống không gia đình, không nhà cửa”.
Trời! Lời nói thì đơn giản, sao mà chẳng ai sống được?
Bởi vì, người ta còn muốn sống, người ta chưa dám chết, nếu không dám chết một lần thì làm sao sống lại.
Tại vì con chưa dám chết, nên con phải sống, sống trong đau khổ, đau khổ muôn đời.
Con thử nghĩ hiện giờ, con đang sống mà như người đã chết thì ai chửi mắng con, con có giận không?
Lửa cháy, nước ngập con có sợ hãi không?
Nếu tâm con như cục đất tức là con đã chết, cái chết đó là cái sống muôn đời con ạ! Sanh tử luân hồi không còn nữa.
Hãy thử chết đi một lần con ạ! Thì con sẽ thấy được vũ trụ này không gì mà con không thông suốt.
Thầy lúc nào cũng bên các con, mỗi sự đau khổ của các con, Thầy đều cảm thông và chia sẻ, những nỗi nghẹn ngào, khi nước mắt của các con tuôn trào, các con có biết chăng? Lúc bây giờ, Thầy đều cảm thông những nỗi thống khổ này, lòng Thầy se thắt, nước mắt Thầy cũng tuôn trào như các con.
Hãy ráng vượt qua các con ạ!
Đường đi không còn xa nữa, chỉ có phút giây tận lực cuối cùng này mà thôi. Phút giây tử thần: “Sống mà như chết”.
NHÂN QUẢ
Câu hỏi của Ngọc Hạnh
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có một số điều trăn trở, mong Thầy tháo gỡ giải tỏa cho con.
Đạo Phật dựa trên cơ sở nhân quả và luân hồi. Mặc dù con đã đọc các cuốn sách của Thầy viết, như cái niềm tin trong con nó chưa được lớn, vì vậy sự buông xả còn kém cỏi, sự tu tập còn lười biếng. Con từ nhỏ tới nay, vẫn cứ cho rằng: “Con người chỉ sống có một lần, sau khi chết tất cả đều tan hoại”, đó là vì con đã tiếp thu những tư tưởng duy vật biện chứng. Con đã đọc: “Kinh Nhân Quả Ba Đời” nhưng con vẫn thấy nó mơ hồ trừu tượng nên con không tin.
Đáp: Kinh sách Nhân Quả Ba Đời là kinh sách hệ phái phát triển, kinh sách này luận về nhân quả thiếu tính khoa học nên lý luận mơ hồ, không thực tế, có vẻ hoang đường, làm mất tính chất đạo đức nhân bản - nhân quả của luật nhân quả. Người có sự hiểu biết về khoa học và chuộng sự thật thì không thể nào tin nhân quả theo kiểu lý luận mơ hồ, trừu tượng, đầy sự (300) hoang đường mê tín lạc hậu này được. Đọc kinh sách phát triển phần nhiều là những lý luận mơ hồ trừu tượng mê tín đẫy đầy không có cuốn kinh nào mà không có. Cho nên, kinh sách phát triển làm mất lòng tin của mọi người với Phật giáo. Con cũng bị ảnh hưởng đó, chính vì con đã học về triết học duy vật biện chứng, nên con không thể tin những điều mơ hồ trừu tượng được, Phải không con?
Muốn biết rõ nhân quả như thật thì chúng ta phải tự hỏi: “Khi người chết cái gì còn lại?”.
Đức Phật đã xác định điều này rất rõ ràng: “Khi người chết toàn bộ thân ngũ uẩn đều tan rã không còn một vật gì tồn tại”. Vậy, không còn một vật gì tồn tại, sao đạo Phật còn chủ trương thuyết tái sanh luân hồi và như vậy có mâu thuẫn nhau không?
Thưa các bạn! Đạo Phật không mâu thuẫn. Khi con người còn sống hằng ngày luôn luôn hoạt động theo tâm tham, sân, si của mình, do mỗi hành động thân, miệng, ý phóng xuất ra những từ trường thiện hay ác (từ trường là một danh từ vật lý tạm dùng để mọi người dễ hiểu, chứ nghĩa của danh từ “từ trường” chưa đúng hẳn) khắp nơi trong bầu khí quyển. Theo luật nhân quả thì từ trường ấy được gọi là nghiệp. Cho nên, con người chết là mất hết chỉ còn nghiệp (từ trường) thiện ác, nghiệp (301) thiện ác không phải là linh hồn, thần thức hay Phật tánh.
Hầu hết mọi người, có tôn giáo hay không tôn giáo luôn cả các nhà Đại Thừa hiện đang có mặt trên hành tinh này, đều không hiểu lý duyên hợp duyên sinh, do đó tưởng khi người chết còn có linh hồn, thần thức, Phật tánh, tiểu ngã, bản thể v.v.. là một vật thường hằng mang theo nghiệp đi tái sanh luân hồi, điều hiểu biết này là ảo tưởng, mê tín, không đúng sự thật, không có tính khoa học, là sai. Sự hiểu biết này, đức Phật gọi “Chấp thường”. Còn có một số người dựa vào duy vật biện chứng, cho con người mất là mất cả, chỉ có một đời này mà thôi. Sự hiểu biết như vậy, đức Phật gọi là “chấp đoạn”.
Những triết thuyết chấp thường, chấp đoạn là những triết thuyết còn mơ hồ chưa hiểu biết rõ về môi trường sống trên hành tinh này. Môi trường sống trên hành tinh này có nhiều chất liệu, có chất liệu có hình sắc, có chất liệu không hình sắc mà đức Phật gọi chung là “các duyên”. Cho nên, giáo lý nhà Phật gọi môi trường sống trên hành tinh này là “thế giới duyên hợp”. Có duyên hợp mới sinh ra muôn loài, muôn vật, có duyên hợp mới tạo thành thế giới, không duyên hợp thì không có thế giới. Do thuyết nhân duyên mà đạo Phật đã xác định được con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu rất khoa học mà không có một khoa học hay một triết học nào bắt bẻ được, vì đó là một sự thật, một sự thật do sự tu chứng đã thấy rõ như thấy những chỉ trong lòng bàn tay.
Đạo Phật chấp nhận thuyết tái sanh luân hồi, vì khi con người chết thì mất hết nhưng những nghiệp (từ trường) này không mất, do nghiệp này không mất nên tương ưng với tâm tham, sân, si của người khác hợp đủ duyên tạo thành thai nhi. Cho nên, đạo Phật gọi là “nghiệp tái sanh luân hồi”, chứ không gọi “nghiệp đi tái sanh luân hồi”. Kinh sách Đại Thừa gọi nghiệp đi tái sanh luân hồi là sai, vì nghiệp là từ trường nên bất cứ nơi đâu trong bầu khí quyển đều có nó, do đó từ trường không đến không đi, chỉ có hợp đúng thời, đúng duyên là tái sinh luân hồi tức khắc.
TÂM SẮC DỤC
Câu hỏi của Quang Tụ
Hỏi: Pháp “Như Lý Tác Ý” con áp dụng vào cuộc sống thì có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa mạnh. Con còn nhiễm sắc dục thế gian, nhất là đối với phụ nữ. Con dù quán bất tịnh nhưng lúc được lúc không. Xin Thầy cho con một lời khuyên!
Đáp: Muốn đối trị tâm sắc dục, con nên đến nghĩa địa, nơi mọi người đang cải táng hài cốt để nhìn xem thi thể người chết, nhất là mùi hôi thối bốc lên, còn nếu không có dịp xem sự cải táng bốc mộ thì con nên đến bệnh viện xin được xem xác người phụ nữ đã chết đang ướp trong phòng lạnh. Chỉ một lần thấy thi thể người chết là về quán thân bất tịnh thì tâm sắc dục của con sẽ bị triệt tiêu.
Thăm và chúc con tu tập xả tâm tốt, sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.
Kính thư
Thầy của con
CHÁNH KIẾN
Câu hỏi của Thu Phương
Hỏi: Kính thưa Thầy! Sau khi con đọc bài ĐẠO ĐẾ trong Đặc San Kỷ Niệm Ngày Sinh Nhật Thầy, con có một vài điều thắc mắc về những bài học trong lớp Chánh kiến như: Tứ Bất Hoại Tịnh và nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn.. Tại sao lại niệm Phật, niệm Pháp, Niệm Tăng và Niệm Giới trên lớp Chánh kiến? Tu học như vậy có giống như Đại Thừa không? Khi người mới vào tu thì Đại Thừa dạy: niệm Phật là niệm danh hiệu đức Phật, niệm pháp là tụng kinh, niệm Tăng là cúng dường trai tăng và niệm giới là tụng giới vào ngày rằm và ngày 30 mỗi tháng. Thưa Thầy lớp chánh kiến tu học mà Thầy đã giảng dạy như vậy thì cũng giống như bên Đại Thừa, xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ. Còn Nhãn căn, Nhĩ căn và Tỷ căn phải tu học như thế nào trong lớp chánh kiến?
Đáp: Nguyên nhân có bài giảng về “Đạo Đế” trong Đặc San Mừng Ngày Sinh Nhật Thầy, do Phật tử Bảo Châu - Thanh Trí xin Thầy chỉnh lại bài Tứ Diệu Đế, nhưng Thầy thấy trong bài kinh Tứ Diệu Đế quý sư thầy đã giảng sai quá nhiều, nhất là Đạo Đế. Từ xưa các nhà học giả tu hành chưa chứng đạo nên đã giảng dạy Tứ Diệu Đế sai nghĩa, lệch ý không đúng chánh pháp của Phật.
Đạo Đế là một mô hình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả của đức Phật (Kinh Sa Môn Quả) nhằm để hướng dẫn bốn giới đệ tử của mình tu học trở thành những bậc Thánh A La Hán. Vì thế, nó đã phân ra ba cấp và tám lớp tu học rất rõ ràng giống như chương trình giáo dục văn hóa của các quốc gia trên thế giới.
Thầy đã dự định chương trình soạn thảo giáo trình tu học cho ba cấp và tám lớp học này, nhưng phải lần lượt không thể ngay bây giờ được, vì hiện giờ Thầy còn đang soạn thảo bộ Giới Đức Thánh Tăng, Thánh Ni trên một ngàn trang giấy và còn tiếp đến bộ sách Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả trên 10 tập mỗi tập trên 300 trang giấy. Với việc làm quá nhiều, ngoài sức tưởng tượng của con người. Cho nên, khi Bảo Châu – Thanh Trí nhờ Thầy chỉnh lại Tứ Diệu Đế thì Thầy viết bài Đại Cương Về Đạo Đế để mọi người nhận xét và thấy rõ chương trình giáo dục đào tạo bậc A La Hán của Phật giáo rất rõ ràng cụ thể, chứ không như kinh sách Đại Thừa của các Tổ biên soạn một cách mù mờ. Với lộ trình tu hành mơ hồ, ảo tưởng đầy hoang đường và mê tín.
Bài Đạo Đế này, khi đến tay quý Phật tử cũng như các bậc tôn túc Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni cùng với các cư sĩ bốn phương sẽ làm đảo lộn sự hiểu biết xưa nay của các vị, nhưng đây là một sự thật, là một chân lý. Không lẽ, một chân lý của Phật giáo, mà hiểu một cách lầm lạc như các nhà Đại Thừa vậy sao?
Bài giảng ấy tuy ngắn, nhưng nó là một cú “sốc” mạnh làm đảo lộn và đau đầu cho các nhà học giả và cảnh cáo cho các vị ấy, phải tu tập cho đến nơi đến chốn, chứ đừng trên chữ nghĩa kinh sách mà thuyết giảng, không có một chút kinh nghiệm bản thân tu hành nào, thành ra, các vị ấy trở thành người vọng ngữ, tội lỗi rất lớn, chẳng ích lợi gì cho ai, mà còn tai hại cho Phật giáo và cho các thế hệ tuổi trẻ sau này.
Cho nên, khi đọc bài Đạo Đế, không riêng Thu Phương lấy làm lạ, mà còn có nhiều người lại hỏi chúng tôi: Vậy kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Tứ Bất Hoại Tịnh”. Tứ Bất Hoại Tịnh không phải là pháp môn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới sao?
Kính thưa quý Phật tử! Đức Phật dạy:
- Niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật (Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật).
- Niệm Pháp là sống đúng như pháp, tu tập đúng như pháp, chứ không phải tụng kinh.
- Niệm Tăng là sống hòa hợp như chúng Tăng, không chống trái nhau, chứ không phải, trai tăng cúng dàng, lạy lễ các vị Tăng để cầu phước báu.
- Niệm Giới là sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm giới luật, và không phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải hằng tháng vào ngày 30 và ngày rằm cùng nhau tụng giới.
Nghe dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì các nhà học giả kiến giải theo chữ nghĩa mà giải thích ra, niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu: “Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Niệm như vậy không có nghĩa gì cả, không có sự giải thoát gì cả. Ở đây, đức Phật dạy niệm tức là sự tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, để chúng ta noi theo đó, mà thực hiện sống và tu tập đúng như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.
Bài pháp Tứ Bất Họai Tịnh này, được tu học và rèn luyện trên lớp Chánh Kiến. Do tu học trên lớp Chánh Kiến, nên phải dùng nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn mà tu tập.
Có hiểu biết và tu tập như vậy, thì mới có giải thoát thật sự, còn niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, cúng dàng trai tăng, đảnh lễ chư Tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời, thì cũng chẳng có giải thoát được chút nào. Người ta đã lầm, niệm như vậy, là để nhất tâm bất loạn, tức là niệm không có vọng niệm xen vào, chỉ duy nhất có câu niệm Phật mà thôi, thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ, đó là hiểu theo kiến giải lầm lạc của Tịnh Độ Tông (Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền…). Còn hiểu theo Thiền Tông, thì nhất tâm bất loạn tức là chẳng niệm thiện niệm ác, chẳng niệm thiện niệm ác, thì bản lai diện mục hiện tiền. Bản lai diện mục hiện tiền, là Thiền định, là Phật tánh, nhưng tất cả những sự tu tập như vậy đều sai hết quý vị ạ! Chỗ nhất tâm bất loạn của quý vị, sẽ rơi vào thế giới tưởng của tưởng uẩn, nơi đây là mê hồn trận của tà giáo ngoại đạo. Quý vị tu hành cần nên cảnh giác nơi hang hùm nguy hiểm này. Nếu tu tập đến đây, quý vị coi chừng rối lọan thần kinh mà nguy hiểm tánh mạng, biến quý vị trở thành người điên khùng, mất trí v.v..
Đến đây, quý vị đã hiểu sơ sơ về bài học “TỨ BẤT HOẠI TỊNH” của lớp Chánh kiến. Sau này, có dịp các bạn sẽ gặp lại chúng tôi trên những giáo trình tu học của tám lớp học này, còn thú vị hơn nhiều.
Thân ái chào các bạn, chúc các bạn dồi dào sức khoẻ.
ĐẠO VÀ ĐỜI
Câu hỏi của Từ Chơn
Hỏi: Kính thưa Thầy! Có phải đường đời và đường đạo là hai ngả cách ngăn không sao dung hòa được phải không thưa Thầy?
Con thường nghe người ta nói: Khi một người thành công trên đường đời thì không thành công trên đường đạo. Có phải vậy không?
Đáp: Lời nói này không đúng con ạ! Người ta đứng trên góc độ những tôn giáo mê tín mà nói thì đời đạo là hai ngả, còn đứng trên góc độ những tôn giáo đạo đức, không mê tín thì đời đạo là một ngả.
Tại sao vậy?
Bởi tôn giáo mê tín là tôn giáo lừa đảo mọi người nên đời đạo cách xa như hai ngả đường, còn tôn giáo không mê tín là tôn giáo đạo đức, tôn giáo đạo đức là đời sống của con người, nên đời đạo không hai. Nếu đời sống con người không đạo đức là đời sống của loài thú vật, đời sống đau khổ, đời sống u tối như bóng đêm. Còn đời sống có đạo đức là đời sống tôn giáo như đạo Phật Nguyên Thủy, đạo Ông Bà, đạo Nho Giáo.
Cho nên, tôn giáo nào không chứng minh được rõ ràng mục đích, thường chứng minh không cụ thể, không thực tế, mơ hồ, ảo tưởng là tôn giáo mê tín, còn tôn giáo nào chứng minh được rõ ràng mục đích cụ thể, không mơ hồ, ảo tưởng thì tôn giáo đó là tôn giáo đạo đức của con người. Vì thế, đạo đức của con người thì làm sao gọi là đời đạo hai ngả? Nếu đời sống không đạo đức là đời sống của loài thú vật. Có đúng như vậy không các con? Còn đời sống có đạo đức là đời sống có tôn giáo, chứ không phải theo tôn giáo mới gọi là có tôn giáo. Các con có hiểu ý này không?
Thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo là thành công trên đường ác. Thành công trên đường đời mà thành công trên đường đạo là thành công trên đường thiện, cho nên đời có đạo là đời thêm tươi, thêm hạnh phúc cho mình và cho muôn người, muôn vật, còn đạo không đời là không phải đạo…
Ví dụ: Một người giàu có mà không đạo đức là người bóc lột mồ hôi công sức của những người khác. Đây là thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo. Cho nên, đời thì phải có đạo mà đạo thì phải có đời, đời mà không có đạo là đời sống của loài thú vật như trên đã nói, còn đạo mà không có đời thì làm đạo cho ai. Đến đây các con đã hiểu đời như thế nào là đời đúng, là đời sai. Và đạo như thế nào là đạo đúng, là đạo sai.
CHÁNH TRỊ
Hỏi: Người ta nói chánh trị không có tôn giáo trong đó, nên con rất phân vân mong Thầy mở rộng lòng từ bi chỉ dạy cho con.
Đáp: Người ta nói chánh trị không có tôn giáo trong đó, vì người ta hiểu về tôn giáo không chính xác, thường cho rằng tất cả tôn giáo đều là thần quyền, mê tín, chứ người ta đâu biết rằng có những tôn giáo không có thần quyền, không mê tín, như Đạo Thờ Ông Bà, Đạo Nho Giáo, đạo Phật giáo Nguyên Thủy. Những tôn giáo ấy là đạo đức của loài người. Vậy chánh trị rất cần những tôn giáo đạo đức ấy.
Chánh trị không tôn giáo đạo đức là chánh trị độc tài. Chánh trị không tôn giáo mê tín là chánh trị sáng suốt. Tôn Giáo mê tín là chánh trị độc tài. Tôn giáo không mê tín là chánh trị đạo đức đem lại hạnh phúc cho muôn người.
Chánh trị không tôn giáo đạo đức nhân bản là chánh trị què. Tôn giáo không đạo đức nhân bản là tôn giáo mù, tôn giáo mê tín, tôn giáo thần quyền.
THÔNG MINH
Hỏi: Ăn mặn có nhiều prôtít để thông minh học giỏi, học bài mau thuộc, còn những người ăn chay trí tuệ không phát triển, học hành càng ngày càng sa sút có đúng như vậy không thưa Thầy?
Đáp: Theo luật nhân quả thì người học giỏi là người đã huân học nhiều đời nhiều kiếp, đến đời này họ chỉ đọc sơ qua là đã thuộc làu, còn những người không thông minh là những người nhiều đời nhiều kiếp trước không huân học nên đời nay học lâu thuộc bài, cho nên học giỏi hay học dở không phải chỗ ăn mặn hay ăn chay.
Có người ăn mặn học giỏi nhưng cũng có người ăn chay học giỏi. Thầy ăn chay từ lúc tám tuổi thế mà học hành thì không thua ai, còn tu hành thì ai hơn được. Cho nên, vấn đề thông minh không phải ăn chay, ăn mặn mà chỗ do siêng năng học tập nhiều đời nhiều kiếp.
TRIẾT HỌC CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
Hỏi: Học môn triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng và Chủ Nghĩa Duy Vật Lịch Sử. Thầy cô đều dạy phải có một lập trường tư tưởng vững vàng, phải đứng trên lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân… nên làm con rất dao động tư tưởng.
Đáp: Về môn triết học thì loài người từ xưa cho đến nay đã để lại cho chúng ta rất nhiều triết học, nhưng không có một triết học nào đứng vững, nó chỉ đáp ứng theo xu thế của thời đại mà thôi. Triết học không phải là chân lý của lòai người, cho nên nó thường không theo kịp từng thời đại thường bị lỗi thời, nên không được con người áp dụng vào cuộc sống triệt để.
Chúng ta ai cũng biết con người có hai phần:
- Phần vật chất
- Phần tinh thần
- Phần vật chất gồm có một duyên (sắc uẩn là thân tứ đại).
- Phần tinh thần gồm có bốn duyên (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn).
Như vậy triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng chỉ luận về phần vật chất, còn phần tinh thần hoàn toàn không hiểu. Và như vậy triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng không đủ những điều kiện giải quyết nhân sinh quan và vũ trụ quan để cho chúng ta có một lập trường tư tưởng vững vàng. Có đúng như vậy không các con?
LUẬT NHÂN QUẢ
Hỏi: Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu. Vậy sao trên đời này chẳng thấy có cái gì là công bằng cả.
Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Tại sao vậy?
Đáp: Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu, nhưng chúng ta phải có đủ trí tuệ quán xét, chứ không nhìn một cách thông thường mà thấy được sự công bằng ấy.
Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Nếu nhìn thông thường thì chúng ta thấy luật nhân quả không công bằng, còn chúng ta nhìn suốt lý nhân quả thì mới thấy luật nhân quả không bỏ sót một hành động thiện ác nào mà ta đã tạo nhân trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Cho nên, luật nhân quả gồm có nhiều góc độ nhìn:
- Thứ nhất nhân hiện tại quả hiện tại.
- Thứ hai nhân quá khứ quả hiện tại.
- Thứ ba nhân hiện tại quả tương lai.
- Thứ tư nhân người này quả người khác chịu do chùm nhân quả.
Ví dụ trên về người sinh viên thì phải nhìn nhân quá khứ, quả hiện tại, thì mới thấy luật nhân quả công bằng, còn nhìn nhân hiện tại, quả hiện tại thì luật nhân quả không công bằng, đó là nhìn sai. Thường mọi người chỉ nhìn thấy nhân hiện tại, quả hiện tại, chứ không chịu thấy những nhân quả ở các góc độ khác nhau, vì vậy đôi khi thấy nhân quả không công bằng.
Ví dụ: Như một người ăn cắp mà không bị bắt quả tang tại trận, không bị đánh đập, không bị tù tội thì cho đó là nhân quả không công bằng. Như vậy là cái nhìn nhân quả không đúng, chứ không phải nhân quả không công bằng. Luật nhân quả có sự chuyển biến thay đổi theo từng sát na, từng giây, từng phút không để một kẻ nhỏ của thời gian thiếu công bằng. Nếu một hành động thiện vừa làm là có sự thay đổi nghiệp quả ngay liền chuyển biến sự đau khổ của người làm thiện. Thiện ở đây có ba nơi xuất phát:
- Thân hành thiện
- Khẩu hành thiện
- Ý hành thiện
Chỉ một ý hành thiện (318) vừa khởi là chúng ta cũng cảm thấy quả khổ tiêu tan ngay liền.
Ví dụ 1: Một người đang tức giận bị người khác mắng chửi, họ chỉ cần khởi niệm: “Đời trước ta đã gieo nhân này nên ngày nay ta phải trả hoặc người này là người đáng thương họ đang tạo nhân quả ác”. Khi nghĩ như vậy ngay liền là họ hết khổ. Phải biết, đang tức giận là đang trả quả ác (khổ), đang chửi mắng là đang tạo nhân ác.
Ví dụ 2: Khi ta vừa khởi niệm người ấy xấu ác là nhân thì ngay đó liền có quả ta phiền não và đau khổ.
Cho nên, phải quán xét trong nhiều góc độ khác nhau thì ta mới thấy luật nhân quả công bằng, và công bằng tuyệt đối, do công bằng tuyệt đối nên không sai một hào ly, vì không sai một hào ly, nên người nào không đủ trí tuệ quán xét tế nhị thì không thấu rõ, vì vậy cho rằng luật nhân quả không công bằng.
Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Là vì người học sinh ấy học hành không có phương pháp nên học nhiều mà không nhớ (nhân), do đó kết quả thi thì cứ điểm thấp (quả hiện tại). Còn người học ít nhưng lại học có phương pháp nên nhớ không quên (nhân hiện tại), do đó kết quả thi thì điểm cao (quả hiện tại). Vì công bằng cho nên luật nhân quả không phải chỉ có ở góc độ nhân quả hiện tại mà còn ở nhiều góc độ khác nữa, khi nào các con học đạo đức nhân bản – nhân quả thì các bạn sẽ hiểu rõ hơn nhiều về sự công bằng của luật nhân quả.
Các con cứ thử nghĩ xem: luật nhân quả chi phối điều hành khắp vũ trụ này, nếu chỉ một sát na không công bằng thì vũ trụ này sẽ đổ nhào và không còn trật tự, tất cả vạn vật đều bị rối lọan và bị tiêu diệt.
Với đôi mắt và trí óc phàm phu người ta không thể nào nhìn thấu suốt quy luật họat động của nhân quả, vì thế người này thấy góc độ này, người kia thấy góc độ khác, chứ chẳng bao giờ thấy tòan diện.
NGẪU NHIÊN
Hỏi: Trên đời này có những điều may mắn ngòai quy luật nhân quả không thưa Thầy?
Đáp: Trên đời này không có sự ngẫu nhiên, mọi sự kiện, mọi sự vật xảy ra đều phải theo quy luật nhân quả điều khiển hoạt động. Cho nên sự may mắn cũng như sự rủi ro đều do sự định đọat của luật nhân quả cả. Bởi vì luật nhân quả không ai tạo ra nó mà chính mình tạo ra, nên nó xử phạt lại mình rất công bằng.
Con người mê mờ không đủ trí tuệ nhìn xuyên suốt đường đi của nhân quả nên cho rằng sự may mắn và sự rủi ro ngoài quy luật nhân quả.
Nếu các con cho rằng: mọi sự xảy ra đều là sự ngẫu nhiên thì các con cứ làm ác đi! Hay làm thiện đi! Thì các con sẽ thấy rõ… Nhân quả thiện ác sẽ đến thăm các con, nó không tha một người nào đâu, các con ạ!
SỐ MỆNH
Hỏi: Có số phận không thưa Thầy?
Đáp: Có luật nhân quả, chớ không có số phận. Do tinh thần tiêu cực, mất hết ý chí tự lực, nên có một số người đặt ra thuyết định mệnh để an ủi lại mình khi đứng trước những nhân quả quá khắc nghiệt, quá khó khăn. Do bi quan họ nghĩ tưởng rằng: con người không thể nào vượt qua số phận.
Phần đông ngày nay người ta chịu ảnh hưởng thuyết định mạng nhân quả của văn hóa Trung Hoa. Khi đứng trước những việc khó khăn, những sự thử thách gian nan, khổ sở, họ đều co đầu, rút cổ và bảo rằng: Đó là Định mệnh do Trời đã quyết định, chúng ta là con người không thể làm nên và cũng không thể nào vượt qua được. Do sự tư duy như vậy nên nghị lực mất hết, tinh thần yếu kém, mất sức tự chủ v.v..
Nếu có số phận của con người thì trên đời này không có luật nhân quả. Không có luật nhân quả thì xã hội lòai người không bao giờ có sự công bằng.
Nếu không có luật nhân quả thì không bao giờ có câu tục ngữ: “Không ai giàu ba họ và cũng không ai khó ba đời”. Vì đời sống con người đều nằm trong luật vô thường chung của các pháp, đó là quy luật của nhân quả, của bánh xe tiến hóa luân hồi. Do đó không thể nào nói có số phận được, phải không các con?
Nếu không có luật nhân quả thì bốn chân lý của đạo Phật không ra đời, vì mọi sự đau khổ của con người là số mệnh, là số phận cố định. Vì mọi sự đau khổ của con người là số phận, là số mệnh cố định không thay đổi được, vì thế không thể nào chuyển khổ thành vui được. Do đó, chân lý của đạo Phật không còn là chân lý của loài người nữa.
Mục đích đạo Phật ra đời là dạy con người chuyển khổ thành vui, lấy nhân thiện chuyển quả ác đem lại sự an vui hạnh phúc cho mọi người, cho nên chân lý của Phật giáo sẽ đập tan tành thuyết định mệnh, vì thế con người không còn gọi là số phận mà là chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt.
Ví dụ: Một người chửi mắng mình, mình không chửi mắng lại, vui vẻ không giận hờn, đó là chuyển nhân ác thành quả vui. Như vậy đâu phải là số phận mà là nhân quả, phải không các con?
SÁCH ĐẠO ĐỨC
Hỏi: Có nên đưa sách của Thầy cho người khác xem không thưa Thầy?
Đáp: Khi đưa sách của Thầy cho người khác xem thì con nên chọn những người bạn thân, người bạn tốt, người bạn đối xử có tình, có nghĩa. Còn những người bạn nào có tính cố chấp thì không nên đưa.
Kinh là lời dạy của Phật, là lời vàng, lời dạy đạo đức làm Người, làm Thánh khiến cho chúng ta có cái nhìn rộng rãi hơn, thấu suốt những lý lẽ mà ta chưa từng hiểu biết, những lời dạy ấy khiến cho ta có được một tấm lòng cởi mở, một tâm hồn phóng khoáng, thoải mái dễ chịu. Những lời dạy ấy giúp cho ta mở rộng lòng thương yêu đến với sự sống của muôn loài vạn vật trên hành tinh này. Những lời dạy ấy còn giúp cho chúng ta mở rộng lòng tha thứ những tội lỗi của những người khác khiến cho thân tâm của chúng ta thanh thản, an lạc và vô sự.
Nhờ những lời dạy ấy chúng ta mới xây dựng cho mình một nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống cao thượng không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh.
Những lời dạy quý báu như vậy khi ta cần cho một người nào thì phải xét họ có đủ duyên hay chưa? Nếu họ là người có đủ duyên thì họ phải là người thành thật, không nói láo, không nói thêm bớt, không nói xấu người khác, không vu khống, không nịnh bợ, a dua, không nói lời hung dữ v.v..
Nếu xét thấy những người như vậy thì nên cho và giúp họ đọc những lời dạy đạo đức của Phật, của Thầy.
Ngược lại con không cho những người mà con chưa hiểu, thì sự không cho ấy là không có tội và không phải là ích kỷ. Cho người khác đọc mà người ta xem thường những lời dạy của Phật là không lợi ích cho họ mà còn tạo thêm tội lỗi phỉ báng Phật giáo nữa.
Cho sách đạo đức làm người mà người nhận sách không xứng đáng, thì người cho không được phước, còn người nhận thì càng thêm tội lỗi. Cũng ví như người biết luật mà vi phạm luật thì tội nặng, còn người chưa biết pháp luật mà vi phạm luật thì tội nhẹ hơn nhiều.
PHÁ HÔN TRẦM, THÙY MIÊN
Câu hỏi của Bảo Ngọc
Hỏi: Kính thưa Thầy! Làm thế nào để phá hôn trầm thùy miên sạch?
Đáp: Muốn quét sạch hôn trầm, thùy miên, vô ký thì trước tiên con phải tập đi kinh hành Chánh Niêm Tỉnh Giác cho nhuần nhuyễn, kế đó phải tu tập pháp Thân Hành Niệm, nếu hai pháp này không thắng nỗi hôn trầm, thùy miên thì con nên quan sát lại xem về giới luật. Chỉ có một pháp duy nhất phá được hôn trầm, thùy miên, hôn tịch, vô ký, ngoan không tuyệt gốc. Đó là “GIỚI LUẬT”.
Theo sự nhận xét của Thầy thì người tu hành thời nay bị hôn trầm, thùy miên nặng, vì giới luật sống không nghiêm chỉnh, thường vi phạm vào những lỗi nhỏ nhặt, những giới trọng thì bẻ vụn nát tan để vi phạm không ai biết, sống như đời thường thế tục, nhất là ăn ngủ phi thời, phạm vào giới ăn uống phi thời. Thường thuyết giảng kinh sách mà mình chưa tu chứng, đó là phạm vào giới vọng ngữ. Tứ thời tụng niệm thường tụng kinh ê, a giọng cao giọng thấp theo tiếng chuông, tiếng mõ như ca hát, đó là phạm vào giới ca hát. Hiện giờ các Thầy đều còn cất giữ tiền bạc, đó là phạm giới cất tiền. Y áo toàn của quý Thầy thường mặc những thứ vải đắt tiền, chứ không mặc y phấn tảo như đức Phật ngày xưa, vì thế các thầy phạm vào giới không trang sức. Thường thấy người khác phái còn sinh tâm sắc dục, đó là phạm vào giới dâm. Còn thấy ưa thích những vật dụng thế gian, vật này tốt vật kia xấu, đó là phạm vào giới tham. Thấy muỗi, kiến cắn còn nỡ tâm giết hại chúng chưa có lòng từ bi, thì đó là phạm vào giới sát sanh. Những sự sống phạm giới, phá giới như vậy là những tu sĩ hiện giờ chịu ảnh hưởng của giáo pháp hệ phái phát triển cho rằng giới luật Phật thời nay không phù hợp, lỗi thời, chứ họ không ngờ giới luật là một pháp phá hôn trầm, thùy miên, vô ký tuyệt vời, chỉ có giới luật mới phá nổi tâm si của con người mà thôi. Tâm si tức là hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không. Nếu không sống đúng giới luật thì không bao giờ phá nổi tâm si (hôn trầm, thùy miên, vô ký. Vậy chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ Kheo, đưa đến hôn trầm thùy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thùy miên đã sanh được đoạn tận, này các Tỳ Kheo, như tinh cần giới, tinh tấn giới, dõng mãnh giới. Người tinh cần, tinh tấn, dõng mãnh, này các Tỳ Kheo, hôn trầm thùy miên chưa sanh không sanh khởi, hôn trầm thùy miên đã sanh được đoạn tận”. (Kinh Tăng Chi Bộ tập 1 trang 13 bài 8 tạng kinh Việt Nam).
Đọc qua đoạn kinh này nhất là câu: “Ta không thấy một pháp nào khác”, chỉ có Giới luật là pháp duy nhất mới quét sạnh hôn trầm, thùy miên, vô ký. Đây là lời xác quyết của đức Phật. Vậy khi bị hôn trầm thùy miên nặng thì nên trở về giới luật, sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì đúng như lời Phật dạy hôn trầm, thùy miên sẽ được quét sạch.
Thưa các bạn! Lời dạy trên đây các bạn có tin không? Chứ riêng bản thân chúng tôi đã có kinh nghiệm trên sự tu tập này. Do chúng tôi sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào, nên chúng tôi không bị hôn trầm, thùy miên đến thăm như các bạn.
Hôn trầm, thùy miên là một lọai bệnh lười biếng rất khó trị và dai dẳng, nếu không giới luật thì không có pháp nào trị dứt được. Cho nên, chấp nhận cuộc sống tu hành theo Phật giáo thì giới luật là pháp môn ly dục ly ác pháp đệ nhất.
ĐỨC PHẬT KHÔNG LÀM CHỦ NHÂN QUẢ
Câu hỏi của Thiện Nghĩa
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong tập hai Đường Về Xứ Phật, bìa xanh, mục nhân quả trang 160 Thầy viết khi đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài bị đau lưng nên bảo ông Anan trải tọa cụ để nằm nghỉ.
Đạo Phật là đạo làm chủ sanh, già, bệnh, chết, cớ sao đức Phật lại bị đau lưng như vậy?
Khi nhập diệt đức Phật phải nhập định ba lần xuôi ngược rồi mới nhập diệt, như vậy là ý nghĩa gì?
Nếu kinh sách Đại Thừa nói đức Phật đau lưng thì không thể nào được ghi vào sách của Thầy, mong Thầy chỉ cho con hiểu.
Đáp: Trong câu này gồm có ba câu hỏi:
- Làm chủ bệnh sao đức Phật lại bệnh đau lưng?
- Làm chủ chết sao đức Phật không tự tại nhập diệt mà phải nhập định ba lần?
- Tạo sao đoạn kinh này lại được ghi vào sách của Thầy?
Như con đã biết trong kinh sách Nguyên Thủy, đức Phật dạy phương cách làm chủ bệnh là pháp môn Tứ Niệm Xứ. Pháp môn Tứ Niệm Xứ là pháp môn khắc phục những sự đau khổ của thân và tâm (Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu…) tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Người cha sinh ra pháp môn ấy là đức Phật. Thế sao đức Phật lại còn bị bệnh đau lưng? Một điều vô lý hết sức. Giáo lý đạo Phật có mâu thuẩn nhau không? có lường gạt người ta không? Mà lại viết những điều này.
Ai đã viết điều này trong kinh sách Nguyên Thủy? (Đức Phật đau lưng) Ai đã phỉ báng đức Phật như thế này? (Nói láo). Nếu không có Thầy thực hiện và không có các đệ tử của Thầy tu tập pháp Tứ Niệm Xứ đẩy lui các bệnh khổ thì ai là người minh oan cho đức Phật và xác định Tứ Niệm Xứ là pháp môn làm chủ sanh, già, bệnh chết thật sự. Trong khi đó, kinh sách Nguyên Thủy ghi chép đức Phật đau lưng rõ ràng bằng giấy trắng mực đen.
Chúng tôi chứng nghiệm được pháp môn Tứ Niệm Xứ đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân tâm nên mạnh dạn tuyên bố với các bạn: “đoạn kinh kết tập này là sai do người sau thêm vào để che đậy pháp môn Đại Thừa tu hành không làm chủ bệnh”.
Hơn 25 thế kỷ trôi qua ai cũng nghĩ rằng đức Phật chưa có làm chủ bệnh khổ. Người tu xong đọc đến đoạn kinh này rất đau lòng và thương cho Phật Giáo. Vì thương mình, thương người, đức Phật phải bỏ hết sự giàu sang, quyền thế, dục lạc thế gian, phải hy sinh cả thân mạng để mưu cầu hạnh phúc an vui cho mọi người. Ngài là người cha sinh ra Phật Giáo, vậy ai nỡ nhẫn tâm viết những đoạn kinh ghép vào trong kinh sách nguyên Thủy để đánh lừa mọi người khác, để phỉ báng đức Phật thật là đau lòng, những kẻ ấy sẽ bị đọa xứ ác, chịu khổ đau vô lượng.
Đức Phật nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, nhập xuôi, nhập ngược ba lần rồi nhập vào Tứ Thiền xả bỏ báo thân. Đó là “thân hành di chúc” lần cuối cùng để nhắc người đời sau: “Tứ Thánh Định mới là chánh định, mới là thiền của Phật Giáo”.
Nhập Tứ Thánh Định, xả bỏ báo thân cũng là xác định cho người đời sau biết: Chỉ có bốn thiền này mới làm chủ sanh, già, bệnh, chết, ngoài bốn thiền này không có thiền nào làm chủ trọn vẹn bốn sự đau khổ của kiếp người được. Các bạn nên lưu ý: những thiền của ngoại đạo, làm chủ được cái này thì không làm chủ được cái kia.
Đoạn kinh này rút ra từ trong kinh tạng Nguyên Thủy, được ghi vào sách Đường Về Xứ Phật, để xác định cho mọi người thấy cái sai của những người kết tập kinh sách thường thêm vào và bớt ra làm kinh sách nguyên gốc của Phật giáo mất giá trị như đoạn kinh trên đây. Trong bộ sách Văn Hóa Đường Về Xứ Phật do Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Thông Tin nhóm người biên tập đã cắt bỏ đoạn kết luận của bài Nhân Quả làm mất ý nghĩa. Xin cáo lỗi cùng các bạn.
--o0o--
HẾT TẬP I
Nguồn: Đường về Xứ Phật Tập 1 - Nhà xuất bản Tôn giáo
Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc
Bình luận (0)