"Đường xưa mây trắng" của tác giả Thích Nhất Hạnh là cuốn sách kể chuyện đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti. Tác phẩm tỏ bày lòng ngưỡng mộ chân thành trước lối sống gương mẫu, đạo đức cao cả, thu hút bạn đọc bởi nhân cách vĩ đại của Buddha qua cái nhìn và ngòi bút của cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tác giả: Nguyễn Thuý Anh
Đường Xưa Mây Trắng là cuốn sách kể chuyện đời đức Phật Thích Ca qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Đó là chú bé cúng dường cỏ bồ đề cho sa môn Tất Đạt Đa tĩnh tọa suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Tác phẩm tỏ bày lòng ngưỡng mộ chân thành trước một lối sống gương mẫu đầy những hành vi và mục đích cao cả, thu hút bạn đọc bởi nhân cách vĩ đại của Buddha qua cái nhìn và ngòi bút của Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
1. Tiểu sử cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh có tên khai sinh là Nguyễn Đình Lang, sau đổi thành Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 10 tháng 11 năm 1926 mất 22 tháng 1 năm 2022. Ông là con cháu đời thứ 15 của dòng họ Nguyễn Đình, có tổ tiên là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Truyện Lục Vân Tiên.
Ông là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam. Ông đồng thời cũng là người sáng lập tông phái Truyền thống Làng Mai, được lịch sử công nhận là nguồn cảm hứng chính và là người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân.
Thích Nhất Hạnh là người có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Phật giáo phương Tây, được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt lại Lạt ma. Ông cũng chính là người vận động cho phong trào hòa bình và sinh thái sâu, thúc đẩy các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn và nâng cao nhận thức về sự liên kết của tất cả các yếu tố trong tự nhiên.
Năm 1967, Martin Luther King Jr. đề cử ông cho giải Nobel Hòa Bình. Ông cũng sáng lập ra dòng tu lớn nhất ở phương Tây và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ thịt như một biện pháp không bạo lực với động vật.
Nhà sư vĩ đại người Việt Nam, nhà thơ và sứ giả hòa bình, người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn này đã có rất nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam, đặc biệt là nền văn hoá Phật giáo, áp dụng Phật pháp vào thực tiễn qua từng cuốn sách, rất nhiều tác phẩm. Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh.
2. Cuốn sách “Đường xưa mây trắng”
“Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những giáo lý nhà Phật được Ông phân tích rất dễ hiểu, dễ nắm bắt, cô đọng ý mà ái đọc cũng cảm nhận được điều hay lẽ phải, chạm đến tâm hồn sâu thẳm nhất của từng độc giả.
“Đường xưa mây trắng” là một cuốn sách dành cho những ai yêu thích đạo Phật, tò mò về Đức Phật. Nhưng chỉ có tình yêu thôi là chưa đủ, cần có sự hiểu biết, cần có tri thức để hiểu thêm về cái mình yêu, biết thêm cái mình thiếu.
“Đường xưa mây trắng” dành cho những tâm hồn trinh nguyên ban sơ nhất tìm đến đạo Phật, biết về cuộc đời đức Phật ta mới thêm hứng thú học hỏi về giáo lý của Ngài, để lật giở từng trang sách tìm hiểu về những phương pháp Ngài dạy chúng ta làm sao giác ngộ, làm sao giải thoát, từ chính cuộc sống đời thường.Hay những nhân sinh quan tưởng chừng rất đơn giản ấy mà lại sâu sắc và giúp ích cho cuộc sống của chúng ta nếu biết cách ứng dụng linh hoạt đạo Phật vào mỗi ngày ta sống.
Trong cuốn tiểu thuyết “Đường xưa mây trắng”, cuộc đời đức Phật được kể qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Svasti từng cúng dường cỏ bồ đề cho cho đức Phật suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Đây có thể là góc nhìn khác lạ của tác giả so với nhiều người kể về đức Phật.
Qua đôi mắt đứa trẻ, mọi sự vật, sự việc sẽ được kể chân thật, hồn nhiên, không có gì phải giấu diếm. Đức Phật hiện diện lên trước hết không phải là một thần thánh, mà là một con người giản dị, có cuộc sống và mơ ước như bao người. Mơ ước của đức Phật là làm lợi cho muôn loài.
Tác phẩm có 81 chương, trong mỗi chương là những cảnh xưa, người xưa được hiện diện lên sống động. Giáo lý nhà Phật được nói dễ hiểu, gọn gàng. Những tập tục của người xuất gia xưa, hay cách quán thiền cũng được tác giả lồng ghép khéo léo.
Câu chuyện diễn ra tự nhiên, không có một gượng ép nào. Tác giả cho thấy sức tưởng tượng thiên tài của mình, người đọc có thể tưởng rằng, tác giả phải là người sống bên cạnh đức Phật mới có thể viết tỉ mỉ, lý thú như vậy, nếu như không đọc tên người viết.
Tâm sự về cuốn sách này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: “…Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với Đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường xưa mây trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá. Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ cho ba anh em ông Ca Diếp.
Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài, nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy. Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông? Và tôi có một niềm tin rất vững chắc là mình sẽ viết được chương đó.
Chương này là một trong những chương khó nhất của Đường Xưa Mây Trắng nhưng cuối cùng tôi đã thành công. Chương khó thứ hai là chương nói về cuộc trở về của Bụt để thăm gia đình. Ngài đã thành Phật rồi, Ngài đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình thì Ngài vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của các em.
Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công. Quý vị đọc lại, sẽ thấy Bụt về thăm nhà rất tự nhiên. Cách Ngài nắm tay vua cha đi từ ngoài vào, cách Ngài đối xử với em gái, cách Ngài đối xử với Yasodhara và Rahula, rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng là có chư Tổ gia hộ nên tôi mới viết như vậy được. Trong "Đường xưa mây trắng" chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh”.
"Đường xưa mây trắng" được biết đến là cuốn sách đã bán được nhiều triệu bản, được dịch ra hơn 20 tiếng trên thế giới. Sau khi đọc được cuốn sách này, nhà tỉ phú Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi đã quyết định tài trợ 120 triệu USD để các nhà làm sản xuất dựa theo cuốn tiểu thuyết dựng thành phim.
Qua cuốn sách, thầy Thích Nhất Hạnh đã vẽ lại phần nào khung cảnh xưa: “Trong bóng me im mát vị khất sĩ Svastika đang thực tập phép quán niệm hơi thở. Chú ngồi trong tư thế hoa sen. Từ hơn một tiếng đồng hồ, chú đã ngồi thực tập như thế một cách chăm chú. Đó đây trong tu viện Trúc Lâm, hàng trăm vị khất sĩ cũng đang ngồi thực tập thiền quán, hoặc trong bóng tre, hoặc tron những chiếc am lá nhỏ đựng rải rác khắp nơi trong tu viện, xen lẫn giữa những bụi tre xanh tươi và khỏe mạnh”.
Đọc cuốn sách này, chúng ta học được nhiều điều hay của đức Phật, đó là cách nói chuyện, cách hành động, cách lý giải cuộc sống. Và đặc biệt, là cách quán thiền, cách tĩnh tâm trước những biến động của đời người.
Tác giả: Nguyễn Thuý Anh Tham khảo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam Wikipedia
Bình luận (0)